Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Gã thiền giả 
***
Phí Ngọc Hùng
Sắc tức thị không, không thị sắc
Thiền giả hiểu thế việc nhân gian

Qua hai câu thơ dẫn nhập của cụ bà Hồ Xuân Hương trên cho ra vẻ văn dĩ tải đạo, để bắt qua truyện thiền chướng của bạn tôi trong bài viết. Ngoài ra, tôi còn dựa dẫm vào tác giả Nguyễn Hoài Phương, ông kể lể về căn bệnh thiền của "anh bạn" ông và chính ông cũng bị...bệnh thiền nó hành như thế này đây, thưa bạn đọc:

"...Bất kể là sáng, là trưa, là chiều, là tối... Hay là đêm... Hay là vào bất cứ thời điểm nào của ngày và đêm... Ngày nào cũng vậy, ngày nào anh cũng có thể bốc điện thoại gọi cho tôi ít nhất là năm lần, mỗi lần ít nhất là mười lăm phút... để nói cho tôi nghe về cái hay ho của thiền. Để thuyết phục tôi thiền, anh nói nhiều và nói dai, để tôi không thể không nhận lời.

Lúc đầu, tôi cứ nghĩ là cứ ậm ừ rồi muốn ra sao thì ra. Nhưng không được với anh. Bất kể là sáng, là trưa, là chiều, là tối... Hay là đêm... Hay là vào bất cứ thời điểm nào của ngày và đêm...Ngày nào cũng vậy, ngày nào anh cũng có thể bốc điện thoại gọi cho tôi ít nhất là năm lần, mỗi lần ít nhất là mười lăm phút...để giục giã tôi thiền. Để được một số cảnh giới. Để sống thanh thản, như anh nói, tôi sẽ bỏ qua, sẽ quên đi được rất nhiều thứ phiền toái của cuộc đời.

Chỉ còn mỗi một thứ phiền toái dẫu cố gắng đến mấy tôi cũng không thể nào mà quên đi được. Ấy là, hình như tiếng chuông điện thoại của anh vẫn đã, đang và sẽ còn đi theo, vẫn còn ám ảnh tôi mãi mãi...Bất kể là sáng, là trưa, là chiều, là tối hay là đêm...Hay là vào bất cứ thời điểm nào của ngày và đêm...Ngày nào cũng vậy, ngày nào anh cũng có thể bốc điện thoại gọi cho tôi ít nhất là năm lần, mỗi lần ít nhất là mười lăm phút để trao đổi với tôi về những nét thăng hoa phát tiết của thiền cho người đời. Theo anh thì tuyệt vời trên cả...tuyệt vời !

Bây giờ thì lúc nào tôi cũng nơm nớp, nơm nớp...chỉ sợ lại phải nghe tiếng chuông điện thoại reo. Nơm nớp...Vì, đấy rất có thể lại là điện thoại của anh...".

***

Tôi áng chừng vậy là bạn đọc đã bắt mạch được bệnh chứng thiền như thế nào rồi. Cũng như người bạn thâm căn cố đế mà tôi gọi là "" sau đây, cũng chẳng khác gì "anh bạn" của ông tác giả trên. Gã suốt ngày với dăm khoẻn chữ lỗ mỗ lơ ngơ, sáo mòn vô nghĩa, từ ngữ ta bà sáo rỗng phù vân, phù thế, hư ảo, hư vô. Cái gì cũng "hư", cái gì cũng "vô", cái gì cũng "phù". Gã như con bò nhai lại những xác chữ bã mủn một cách...cực kỳ kinh khóai.

Cuối tuần này có bão rớt lạc về, mưa gió nhì nhằng, chẳng đi đâu được nên gã "nằm" liêu xiêu ở nhà, gã căng mắt chiếu quán lên cái trần vô tri, vô tính trong phòng. Thấy lạ quá chừng nên tôi gõ cửa hỏi cho ra nhẽ thì bị gã mắng như tát nước vào mặt:

- Bá ngọ mày, tao đang tụng, chút nữa nói chuyện.

Lát sau, đợi gã tụng xong, tôi lật đật hỏi gã:

- Đang tụng sao lại chửi thề.

Gã trả lời tỉnh khô:

- Tao tụng...Phật nghe. Tao chửi...mày nghe.

Nghe thông xuốt xong, tôi hỏi gã rằng..."nằm" thiền để làm gì mà khổ vậy. Nếu tôi là gã...thì... thì...thèm vào, đếch thiền nữa cho xong. Khỉ ạ. Thiền gì mà khỉ thế này chẳng biết nữa! Hết ngồi lại...nằm. Mà giời ạ, chẳng thiền có chết ai đâu.

Với khuôn mặt thiền tính, thiền quán, gã vêu vao thuyết pháp:

"...Xưa...khi Mã Tổ còn là tăng và ngồi thiền. Bạn là Nam Nhạc hỏi rằng:

- Ông ngồi thiền để làm gì vậy?

- Để làm Phật.

Nam Nhạc vặn vẹo Mã Tổ:

- Thiền không ăn nhằm đến nằm hay ngồi, học Phật như vậy là giết Phật. Phật vốn vô hình, vô tướng. Chấp tướng pháp vào ngồi thì không đạt được cái lý của thiền học."

Lưỡi tôi đá cái miệng, bèn hỏi: "Phật là gỉ?". Gã bệu bạo tiếp:

"...Một thầy tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu:

- Phật là gì?

Triệu Châu đáp:

- Phật là que cứt khô..."

Ông cố nội tôi đội mồ sống dậy cũng chả hiểu...cứt khô gì. Thôi thì hãy trở về với quá khứ vị lai của gã, chuyện là tôi biết tỏng gã...tu bằng cách viết bài cho đặc san có tên Đồng tu cho nhà chùa ở thanh phố San Antonio. Đồ phải gió cắn răng gì đâu, vậy mà ngày nào tôi cũng thấy gã...tu từ một tới hai chai bia.

Tôi chợt ra nhớ hồi này ở trong nước đổi mới tư duy với cao trào mang công án thiền vào quán nhậu. Vì cần thuyết phục nhau, thì "dùng công án Thiền dễ hiểu hơn nhiều". Như Lấy đũa quơ trăng, Thiền sư qua sông, Một giỏ lồng rùa nặng chín cân, Ngồi lâu thấm mệt. Và chẳng thể thiếu vắng những hư từ, ngoa chữ "vô minh", "vô ngôn", "vô thường", "vô ngã", "vô sở đắc", "vô sở trụ" rất rõ ràng, sáng tỏ. Như hỏi một nhà văn rằng vì sao anh ta cứ mài óc ra mà viết bài cho báo lá cải. Đáp: Phật cũng chỉ là que cứt khô thôi mà! Hỏi tiếp: Sao Phật lại là que cứt khô? Đáp: Anh không biết công án Thiền à? Thế là người hỏi cứng họng. Trao đổi với một nhà phê bình văn học khác: Bài viết này của anh nội dung chả nói được điều gì. Đáp: Nói được cũng ngồi lâu thấm mệt, không nói được cũng thấm mệt thôi ông ạ. Bèn hỏi tiếp: Ngồi lâu thấm mệt ở đâu ra thế? Đáp: Thế là ông không ngồi ở quán nhậu rồi, vậy là ông không tư duy văn hóa nhậu rồi. Hay nói khác đi ông không đọc công án Thiền rồi!". Là...rồi, và xong.

Bèn hỏi...tu gì mà hốc vậy? Gã nhét vào miệng tôi như vầy:

"...Thiền sư Dairyo được mời dự tiệc cùng với mấy tăng lữ. Chủ nhân muốn thử đạo hạnh của mấy vị sư này, nên thay vì hầu trà lại rót rượu vào mấy cái chén thố. Tất cả sư sãi ngồi ngó nhau, trừ thiền sư làm như không hay biết, và...tu cái ực và khà một tiếng. Có thầy tăng mách Dairyo :

- Đó là rượu đấy!

Dairyo chăm chăm nhìn vào mặt thầy tăng, hỏi:

- Sao ông biết tôi uống...rượu..."

Vắt óc nghĩ không ra công án...tu tỉnh ruồi bu trên. Vì không hiểu bèn học khôn, nên khen đấy, chê đấy. Cứ thế, khen rồi chê, chê lại khen. Khen, chê cho lắm cũng chuốc vạ vào thân vì tôi trở lại câu hỏi cũ rích mốc meo: Thiền là gì?. Như đợi cơ hội này từ đời tám kiếp nào rồi, gã buông xả thêm một giai thoại thiền nữa, và gã vả miệng cắt lưỡi tôi như thế này mới khổ tôi:

"...Ngày nọ có một ông quan hỏi thiền sư Taigu:

- Thiền là gì?

Thiền sư trả lời:

- Thiền là một cái gì đó...tròn và lăn, trơn và trượt.

Quan ngớ ra chưa kịp hiểu. Thiền sư tiếp:

- Một cái gì không nắm bắt được, không mô tả được.

Quan ú ớ:

- Bản chức chẳng hiểu gì cả?

Thiền sư gục gặc cái đầu và ậm ừ:

- Ít nhất thì Ngài cũng..."hiểu" được điều đó, thưa Ngài...".

Ít ra thì tôi cũng vỡ bọng cứt hiểu là gã chê tôi...dốt như me dốt đấy thôi. Tôi giận gã, nhiều khi phát chán, rồi lại không chán, lại chán, rồi lại không chán. Tôi không bao giờ giận lâu cho được. Tôi cạch mặt gã mấy ngày, gã dửng dưng, tôi sợ mất gã như nhện sợ mất bọc trứng. Vì là bạn gã, tôi hiểu lơ mơ thiền gồm có ngôn ngữ bí ẩn, thái độ kỳ quặc của mấy ông thiền sư khi được vấn đạo. Ông chỉ giản dị nói ra những gì ông thấy và cảm nhận lúc đó. Để người hỏi nhức nhối thêm. Và nếu người hỏi không điên cái đầu là...ngộ, là đạt. Gã như thế đó...Tôi như vậy đấy....

Bạn đọc đừng rỗi hơi hỏi..."Tôi là ai ?". Vì ấy là chuyện sau.

***

Như trên vừa kể lể, gã viết...báo chùa và lấy bút hiệu là...Ngộ Không. Chẳng qua là gã hủ nho, khủng khỉnh cọ đít nồi nhóp nhép được ba chữ chi, hồ, giả, dã. Nếu bạn đọc hỏi nghĩa gì, gã được thể nhang thơm đèn thắp, cảo mực đề văn, nuốt câu bớt chữ, thêm dấm thêm tương dăm văn tự án, gia sản một mẻ ngôn từ với: Đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, bất nghi bất ngộ.

Ngòai trời bắt đầu mưa lâm râm, tôi nguôi ngoai vì nghe rõ tiếng mưa rơi. Gã nói có mưa đấy, bộ mày không thấy mưa cũng theo nhau về đây đó sao? Có mưa theo nhau, sao mày không...theo tao? Thời buổi này mà không theo thiền thì lỗi thời quá đi! Ấy đấy, gã điên thế đấy! Gã khỉ vậy đó! Thế nên tôi không để ý lời gã nói. Ngoài kia trời vẫn mưa hiu hắt...

Nói cho ngay nào tôi có khác gì con ếch, con bướm của Trang Tử. Vì rằng con ếch ngồi trong đáy giếng, làm sao nói được chuyện biển cả. Con bướm chẳng sống qua mùa hè làm sao nói được chuyện tuyết rơi, vì nó không biết gì xa hơn đời nó. Thấy mặt tôi bè ra như cái bướm, mắt trố ra như mắt ếch. Như rình rập dịp này từ lâu, thuyết giảng cho tôi rạch ròi là "nghi lớn ngộ lớn, nghi nhỏ ngộ nhỏ, không nghi không ngộ" mới...chết "ngộ".

Gã hé mở thêm, tham thiền không đem cái tâm ra đợi để được...ngộ. Vì đợi ngộ không khác gì ngồi bên đường đợi Phật, rốt cuộc Phật chẳng bao giờ đến với mình, muốn Phật đến thì phải đi tìm thôi. Lộng giả thành chân, thà gã nói quách ra Ngộ Không là..."không ngộ" cho tôi đỡ rối trí. Vì vậy tôi gọi gã là..."Gã thiền giả". Giả hay thật, câu trả lời đầu môi chót lưỡi của gã vẫn là có và không. Diễn đạt theo thiền thì hết thảy tồn tại hiện hữu trong mê hay ngộ. Chỉ là niệm: Cũng...có mà cũng...không có. Có với không, gã lại làm tôi rối như canh hẹ thêm!

Lại nữa, gần đây gã thửa được cái tượng thiền sư ở tiệm bán đồ cổ, tượng gỗ cao hơn một mét, nặng cả chục ký lô, tướng hung dữ, lông mày sâu róm, mắt trắng dã, mũi quặp, râu quai nón. Tôi chả hiểu gốc gác ông thiền sư này ngoài cái tên là Bồ Đề Đạt Ma. Trước đây qua tranh vẽ, tôi chỉ thấy ông ngồi trên thuyền lau, người to hơn thuyền, thuyền không có mái chèo, nên chẳng hay từ đâu đến và sẽ...đi về đâu.

Với tôi, hình ảnh lổn nhổn của mấy ông thiền sư là ẩn náu cả chục năm trong hang hốc, người ngợm bụi bặm, tóc tai bù xù, râu ria lởm chởm. Suốt ngày hết chống gậy lên núi nhìn mây bay, lại chống gậy xuống sông nhìn nước chẩy. Ngẩng đầu lên không thấy trời, cúi đầu xuống chẳng thấy đất. Thấy núi không là núi, nhìn sông chẳng là sông. Đi không biết mình đi, ngồi chẳng hay mình ngồi. Đến khi mệt mỏi tựa gốc cây, ngửa mặt lên trời cười khan ra cái điều...khinh bỉ cuộc đời. Một ngày thiền sư chống gậy xuống núi, giữa chốn ta bà chẳng thấy một ai ngoài cái Ta. Suốt ngoài và trong cái thân, chỉ là một ụ mối nghi hoặc với hoài nghi.

Về lão Đại sư đeo bị, vai vác gậy treo lủng lẳng cái hồ lô thật bắt mắt...Tôi hỏi gã bộ lão Đại sư qua Tàu để...uống rượu chăng? Như được gãi ngứa, gã râm ran:

"...Ông tăng Tàu hỏi Thiền sư Cửu Phong cũng người Tàu rằng: "YÙ của Tổ Bồ Đề Đạt Ma qua...Tàu là gì". Cửu Phong trả lời: "Một giỏ lồng rùa nặng chín cân. Hỏi nhảm nhí". Thầy tăng không thông đạt, đi nửa đường gặp Thiền sư Hương Lâm, tăng vấn câu hỏi ấy và Hương Lâm đánh cho một gậy và giảng luận: "Ngồi lâu thấm mệt". Vẫn chưa hanh thông, thầy tăng đến tham vấn Thiền sư Mã Tổ, bị Mã Tổ đạp cho một cái ngã bổ chửng. Thầy tăng lồm cồm ngồi dậy, chắp tay mừng rỡ: "Đại ngộ.. Đại ngộ".

Bèn lạy tạ trở về chùa, sau thành đại thiền sư, dậy bảo thiền sinh: "Từ hồi Ta bị Mã Tổ đạp cho một đạp nên...cười chẳng nổi".

Chuyện khỉ gió cắn răng gì đâu, tôi muốn...cười cũng không xong. Vì thấy mấy ông sư tàu tàu đúng là quái tăng, cứ rình rình dậy thiền nhau bằng cách khện vào đầu mấy gậy hay đạp cho một đạp. Điên không chịu nổi. Sao tôi lại làm bạn với người như gã và không dứt ra được. Đếch học thiền nữa cho rồi. Tôi muốn cút ra khỏi đời gã, cút khỏi thiền chướng của gã. Nhưng tôi với thiền thành nếp rồi, sửa lại không được nữa mới đau đời chứ. Thấy tôi chao đảo, gã mặt nghiêm và buồn rằng: Với những công án của thiền, không nên luận giải hay phân tích. Đó là những công án bí ẩn hay có vẻ vô nghĩa đến đâu nhưng vẫn có những ẩn tàng một cái gì sâu xa đằng sau những câu trả lời. Nếu mày có căn tu, một ngày nào đó trái nắng trở trời, mày sẽ...ngộ ra thôi".

Nghe vậy, tôi vén môi vấn gã công án u u minh minh mà tôi khổ công tầm chương trích cú với một rượu, một trà, một đàn bà.

Gã lao tứ khổ tâm, vuốt râu thả chữ:

"...Một hôm thiền sư Ikkyu và Lâm Tế bất ngờ thấy một nữ nhân trần truồng tắm ở dưới sông. Ikkyu ngừng chân, cúi đầu, kính cẩn chiêm ngưỡng. Lâm Tế vặn hỏi: "Sự gì thầy nhìn chòng chọc vào cái thân thể trần truồng đó". Ikkyu trả lời rất phàm tục: "Hãy như đi cầu, đi tiểu và làm người thật thôi. Khi đói thì ăn, mệt thì ngủ. Ông chớ nên mê Phật ghét phàm, làm vậy ông chỉ tổ chẳng bao giờ thoát ra được cái vòng luân hồi. Nếu ông khát, ông mơ về nước, nếu ông lạnh, ông mơ cái áo ấm. Còn ta, ta thấy một thân thể trần truồng, ta mơ về những niềm vui khuê phòng. Đó là bản ngã của ta". Ikkyu giảng giải thêm: "Ông là người tu hành khi chưa đạt đạo thì đại kỵ chuyện giao tiếp của nam và nữ, thế nào cũng phạm giới vì phản chiếu cái tâm của mình. Ông sở dĩ kỵ nhìn người nữ ấy, cũng vì cái tâm súc sanh của ông vẫn còn. Như ta đây, khi giác ngộ đại đạo rồi thì ta chẳng có tà tâm nào cả. Vì chuyện nam nữ giao tình, tương giao ấy vốn là lẽ tự nhiên của trời đất. Ta bảo rằng Phật đạo đã dậy như vậy đấy".

***

Mặt tôi lại đực ra như ngỗng đực, rõ ra là chuyện khỉ ho cò gáy gì đâu chẳng biết nữa. Gã như thế đó...Tôi như vậy đấy...Một ngày như mọi ngày, mới sáng bảnh mắt ra kêu đói, bắt tôi đi mua phở về cho gã ăn rồi về bàn chuyện...thiền tiếp. Tôi hầu gã hơn hầu bố tôi không bằng, thế mà tôi thấy cực kỳ vui mới hay chứ.

Riêng hôm nay, bỗng có tiếng chuông điện thọai rôm rả như ấm nước sôi reo, tôi đưa điện thoại cho gã, gã nghe mặt mày hớn hở. Bỏ bu, tôi lại lây bệnh ông tác giả ở trên...Bây giờ thì lúc nào tôi cũng nơm nớp, nơm nớp...chỉ sợ lại phải nghe tiếng chuông điện thoại reo. Nơm nớp... Vì rất có thể là điện thoại của...ông bạn nào đấy của gã gọi để luận về thiền. Lát sau, gã xách xe ra khỏi nhà, biết là có mục, tôi theo gã vào một quán vắng trong phố chợ. Tôi hiểu bạn đọc đang thắc mắc tôi là ai. Có ở chung nhà với gã không? Sao mới nghe lóm điện thoại đã bén gót theo gã ra quán che đóm ăn tàn? Tôi chẳng biết thưa thốt gì hơn với bạn đọc là...chuyện đâu vẫn còn đó, xin hãy đọc hồi sau sẽ rõ.

Họ cũng vừa tới và họ đây là hai mẹ con. Tôi ngắm trộm, bà mẹ khoảng bốn mươi, cô con gái cỡ hai mươi. Bà mẹ vẫn còn có nét, nên tôi gọi bằng cô cho gần gũi. Thóang nhìn cô ta có nét xa vắng, u ẩn đến...nẫu người. Và tôi chợt bắt gặp gã, như đang ẩn hiện những nuối tiếc cùng những ngày tháng qua mau. Gã cúi đầu xuống ly bia mầu hổ phách đang sủi tăm, nhạt nhòa với thóang hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mơ. Tôi tự thầm hỏi, hay là tình cũ không gọi mà tới, nào ai biết ma ăn cỗ vì chuyện này thì có thể sẩy ra cho bất cứ ai, một lần trong đời. Riêng tôi thì không!

Cô nói năng có chút e dè, và qua chuyện thì hóa ra gã và cô ta là hai anh em họ mới...đau cái đầu. Hai anh em nhỏ to, tôi biết thêm, cô ta ở mãi bên kia trời Âu lận, hai mẹ con ở một tỉnh nhỏ, cô cắm hoa và vẽ tranh thiền triển lãm. Thơ thiền, nhạc thiền, tôi vật vờ, còn tranh thiền thì chịu chết. Nhưng cô có mang tặng gã hai bức, chốc nữa về tôi sẽ được ngắm..."thiền". Bỗng cô bảo con ra chợ mua ít đồ vặt vãnh, cô con gái vừa rời khỏi chỗ. Cô kéo ghế gần gã hơn, lấy trong ví ra một tấm hình đã cũ.

Tôi lom lom thấy có ba người: Gã, cô ta và...một cậu trai.

Tôi nhận ra ngay gã. Còn cô, hình chụp ngày Tết, cô mặc áo dài, cổ đeo kiềng. Riêng cậu trai tóc chải ngôi giữa, mới đầu tôi nghĩ là họ hàng chi đây, hóa ra là bạn cùng xóm của gã và cô ấy thế mới...điên người. Ngòai ra tôi còn biết tên cậu ta nữa...Cô thì thầm sụt sùi như ấm ức, cớ sự như vậy nên tôi càng lắng tai qua tiếng còn tiếng mất, nhưng nghe xong, tôi muốn bá thở.

Mẹ ơi, cô con gái của cô ấy, cũng là: Con của một...ông sư.

***

Về đến nhà, gã nằm đo giường và thở hắt ra vì bão. Nằm chán chê đến hai ngày nhìn mưa rơi lộp độp, rồi trời quang mây tỏ, gã xách bịch bia ra vườn ngồi uống. Đang tu chai thứ hai, mắt gã lóe lên như đom đóm đực, vì bất ngờ chộp được hai con ruồi bự sự bằng móng tay út, như ruồi xanh, ruồi trâu, hay ruồi ma ấy. Chắc mẩm bạn đọc đang nghĩ dại, hay gã bắt mồi đưa cay. Tôi cũng chưa biết nếp tẻ gì, thì thấy gã nhón từng con, bỏ vào cái chai không, nhưng vẫn còn chút ít bia thừa. Lạ chửa kìa, bạn đọc thấy không? Vừa rơi tõm xuống lớp bia mỏng tang, chưa yên chỗ, con ruồi con đã thoả mái tắm táp, lau mày lau mặt, như thiếu nữ ngủ ngày ấy. Còn con ruồi lớn đủng đỉnh chấm mút chút bia cặn, rất tửu đồ, rất nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ...

Rách chuyện thêm là một buổi, gã hủ nho bạn tôi thơ thẩn phố chợ. Bỗng thấy sách bày trên kệ, thuận tay mở ra xem, bất đồ cả mừng vì túm tó được một số...công án thiền "đóng hộp" bèn thửa về. Thế nên buổi nay gã lôi tập thiền thư ra tụng. Nhưng mắt vẫn ngó chừng hai con ruồi, lại nhìn tôi ra ý dò hỏi ắt hẳn là một cái, một đực chăng?Gã và tôi, thấy mỗi lần con cái vo ve, con đực như bực bội và loi ngoi muốn bò ra khỏi cái cổ chai. Khi không gã nhỏm dậy đi lấy cái kéo, đồ nghề Bonsai của gã. Tôi chắc mẩm gã ngứa mắt vì ba cái lá lạc lõng, nên muốn tỉa tiếc chi đây. Chả là cây già lão, cắt với xén gã tạo ra dáng như cô gái đang thì. Cây đang mơn mởn động tình, gã làm cho lão hóa, hom hem. Mỗi lần hòan tất xong một tác phẩm nghệ thuật...cây. Gã lỳ một lam, làm một ly, rồi đổ vấy cho đọan tống nhất sinh duy hữu tửu và buồn tình ngâm nga khỏang trời đất cổ kim, kim cổ, mảnh hình hài không có, có không.

Gã nhìn tôi, như biết tôi đang thao tác về gã. Gã lên giọng tụng kinh thư thiền:

"...Một hôm thiền sư Tanzan và Ekido đi qua một vũng lội gặp một thiếu nữ trong bộ Kimono đai lưng bằng lụa. Họ thấy thiếu nữ ngập ngừng. Cô rón rén. Bước một chân chạm nước rồi do dự. Cô vén Kimono lên một chút....".

Gã ngừng đọc, tu một hơi bia...Thấy con ruồi đực bò ra khỏi cổ chai, gã vớ cái kéo, như tỉa cây, gã cắt béng hai chân của nó. Tôi nhìn gã và con ruồi. Mà ủa lạ chửa kìa? Gã bỏ con đực vào lại cái chai, lần này, con cái gặp lại chàng...ngày về anh đã cụt chân, lại hí hửng vo ve nữa, và con ruồi đực đi cà nhắc, cà nhắc.

Định hỏi gã gì quái vậy? Nhưng thôi, vì thấy gã vẫn đang đắm chìm với...thiền:

"...Lại dọ dẫm chẳng biết nông hay sâu. Nước lên gần đầu gối. Cô thấy gai gai lạnh nổi da gà. Vạt váy Kimono vẫn còn vướng víu. Liều thêm một chút. Cô cởi phắt cái đai lưng ra...Hiểu theo nghĩa là phần thân thể đằng trước của cô ..."

Con ruồi đực cứ nhẩy cà tửng, cà tửng. Ngứa mắt, gã dốc chai, lôi nó ra, cắt hết chân và bỏ vào lại. Bây giờ con ruồi cái có vo ve cỡ nào, nó vẫn nằm yên không...cục cựa. Không hiểu bạn đọc nghĩ gì, riêng tôi đang lẩn quẩn với hình ảnh ông sư với người tình cũ em họ gã. Hay là....Nhưng tôi vội sua đuổi ý nghĩ u u minh minh ấy đi! Vì thằng này theo tôi nhắm chừng chỉ khẩu xà tâm Phật vậy vậy thôi, chứ chả đến nỗi nào.

Gã vẫn cắm cúi đọc, như không có chuyện gì sẩy ra trong chốn u mê tục lụy này:

"...chẳng còn gì nhiều để ẩn dấu nữa. Thấy vậy Tanzan ghé vai cõng cô gái qua vũng nước. Thế là Ekido cằn nhằn Tanzan tại sao lại cõng cô gái...."

Ha! Là người trần mắt tục, tôi không mảy may tin khi ông thiền sư Tanzan cõng cô gái hở hang mà chẳng cục cựa động não động tình với cái va chạm ngập da thịt...giết người từ sau lưng! Cứ theo gã, gốc gác chuyện này từ Nhật. Chả là chuyện Tàu qua thiền nhập môn phỏng theo chuyện Nhật cũng có chuyện ông sư trẻ vặn vẹo ông sư già cõng cô gái qua vũng nước mà gã đã kể tôi nghe. Gần mực thì đen gần đèn thì lu, tôi mù u rằng ông sư già chẳng hơn gì ông thiền sư. Ông sư già nhận thức da thịt mình quả tình có vô tình...va chạm tí ti vào chút dư thừa của cô gái, để chứng ngộ thấy cái bản ngã của mình ẩn nấp trong bộ áo nâu sòng cũng liễu đạt như ai, cũng trần tục như bất cứ ai trong chuyện đời thường. Dường như đúng thế, it nhất tôi nghĩ thế.

Rõ khỉ! Thiền gì mà lẵng nhẵng vậy chẳng biết nữa nên tôi im như thóc ngâm vì biết gã mê thiền. Gã mê cái gì vậy? Không biết! Thiền có gì cho gã mê nhỉ? Chẳng có gì! Kệ, nghĩ nhiều đau đầu mệt xác. Thế nhưng ấy là chuyện Nhật hay Tàu dậy khôn người mình qua sách vở, còn dưới đây là chuyện Ta với cụ Nguyễn Khuyến, thưa bạn đọc...

Chuyện quỷ tha ma bắt là một lần cũng qua sông như Ikkyu:

Cụ gặp một cô gái đang tắm, khác với Ikkyu khi bất ngờ thấy một nữ nhân trần truồng tắm ở dưới sông. Ikkyu ngừng chân, cúi đầu, kính cẩn chiêm ngưỡng. Thì cụ để lại bốn câu thơ...để đời. Bài thơ này không có ghi trong sử sách và được thuật lại qua một bà. Bà này là con của người con gái nhà ai tắm vệ sông mà cụ Nguyễn Khuyến đã gặp một chiều trên bến nước :

Con gái nhà ai tắm vệ sông
Vú vê để hở váy quai cồng
Ước gì ta được mà ta để...
Ta...để mà ta lại...để chung
Qua sông ai nỡ quên đò như cụ Nguyễn Khuyến: Thiền như vậy mới là...thiền. Ít nhất tôi nghĩ vậy. Dường như đúng như vậy.

***

Nốc hết chai bia, gã bỏ vào nhà. Con ruồi đực vẫn nằm quay đơ. Tôi lẽo đẽo theo xem gã dở quẻ gì nữa đây và tự than thầm hôm nay gặp ngày chéo ngoe gì đâu! Hóa ra gã đem treo hai bức tranh của cô em họ. Tôi tần ngần đứng ngắm, bức thứ nhất theo trường phái ấn tượng. Bạn đọc nên hiểu là không phải ấn...bức tượng vào tranh. Mà là trát thật nhiều bột mầu vào bản vẽ, rồi ra người thưởng lãm muốn...hoang tưởng là gì cũng xong tuốt. Quả vậy, cô ta dùng nhiều mảng mầu phủ lên nhau dầy đặc, như mảnh phù điêu khắc mỏng nên tôi chả hiểu khỉ gì sất. Chỉ biết rằng ấy là...tranh thiền. Bức thứ hai mầu sắc nhẹ nhàng, nét vẽ rõ hơn là một khúc cây khô, điểm dăm ba cánh hoa mai vàng chơ vơ...Bố cục cổ điển như tranh thủy mặc với những nét chấm phá, nhất là khúc cây nghiêng ngả, cằn cỗi, mốc meo rất...ấn tượng.

Và tôi nhớ hong hanh: Hình như đã thấy hình ảnh cành cây ngả nghiêng này ở đâu đó, lâu lắm rồi.

***

Hôm sau, mới sáng tinh mơ gã và tôi rời khỏi nhà. Ngồi trong xe, tôi cứ lẫn đẫn chuyện hai con ruồi, làm như có một cái gì không đúng bài bản. Gã vẫn bình thản lái xe như không có tôi ở bên cạnh. Tôi vẩn vơ nghĩ ngợi mông lung, giống như chuyện ông sư già mà cứ theo thiền nhập môn khi cõng cô gái qua vũng nước là quên ngay, bỏ lại sau lưng mọi nhiễu sự. Quên thật hay quên giả chưa biết. Nhưng thằng tôi với ông sư trẻ vẫn lêu bêu theo sau và giữ tịt trong đầu những u mê ám chướng...

Cuối cùng chịu hết nổi, tôi há họng hỏi gã. Gã giọng lừng khừng, không thiền tính chút nào: Hữu hình tất hữu họai...Mồi điếu thuốc lá, giọng khào khào: Âm động của vô thức, âm thanh không âm thanh. Nghe hãi quá thể, tôi nghĩ dại, thôi rồi cứ như Tiếng vỗ của một bàn tay. Mà giời ạ, tay chân con ruồi mới bị gã cắt béng đi rồi thì còn đâu mà vỗ mới viếc. Tôi chưa kịp "ngộ", gã luận thêm một công án thiền của riêng gã, nghe tức như bò đá: Khi con ruồi không còn chân tay. Nó sẽ bị...điếc.

Và tôi chột dạ, gã bóng gió gì đây? Chẳng dấu gì bạn đọc, tôi có tật bẩm sinh là đầu hơi nhọn...Mà nhọn thật. Nên lúc nào cũng đội sùm sụp cái mũ. Như mũ ni che tai, nên gã muốn nói tôi...điếc đặc chăng! Có giời mới hiểu gã! Gã như thế đó...Tôi như vậy đấy...Bạn đọc đừng mất công hỏi tôi là ai? Đợi khúc sau hãy hay!

Bỗng dưng gã quay qua tôi, vén mồm sáo cuội:

"...Thiền sư Roykan khi đã đứng tuổi tu ở thiền viện hẻo lánh ven biển, tại đây có một thiếu nữ hay lang chạ với nhiều người rồi có con rơi. Một buổi, một thiếu nữ mang con mới sanh tới cổng chùa, đặt lên tay thiền sư và nói: "Con thầy đây". Sư ngước mắt lên buông hai chữ: "Vậy hả". Vậy thôi. Rồi cô gái bỏ đi. Thiện nam tín nữ thấy lạ nên tới hỏi sư: "Con của thầy ư?", sư thản nhiên trả lời: "Vậy hả". Là xong. Ít lâu sau cô gái trở lại chùa nói: "Không phải con của thầy" và cám ơn và bế con đi. Sư cúi đầu xuống cũng chỉ thốt hai chữ: "Vậy hả". Là hết..."

Tôi giật mình vì khi không gã mang công án sư có con kể lể khơi khơi. Dậu đổ bìm leo, tôi bốc nhằng hỏi chuyện về bạn gã mới gặp ngoài phố chợ. Gã trả lời bằng cách quay đi và phun khói mù mịt như tầu hỏa. Quay cái cửa kính xe xuống cho đỡ ngộp, tôi ngó lơ ra ngòai và bỗng thấy cái bảng chỉ đường. Ủa, gã đang đi về hướng đông, dọc ven biển tới tỉnh Seino

Tôi lặng người, tất cả mọi sự từ hôm qua đến bây giờ ăn khớp với nhau như hai cái đĩa răng cưa quay ngược chiều, từng khe nấc, từng thời điểm. Vậy mà cái đầu đất tôi nghĩ không ra! Khỉ thật! Vì gần đến tỉnh Seino, rẽ vào một con đường mòn có một cái chùa. Tại chùa có một ông sư trụ trì, trước đây nghe hơi nồi chõ là bạn mèo mả gà đồng của gã, tên là...là...Tôi thộn mặt ra trông thấy, không lẽ nào...Giời ạ, chả là vì cùng tên! Hóa ra...

Cậu trai trong hình và ông sư trụ trì này là một.

***

Giống cuốn phim câm quay chậm...Rằng bằng vào cách đây không lâu tôi nghe bát nháo gã có một ông bạn nối khố mãi bên trời Âu, đang học nửa chừng bỏ đi tu. Mà tu cũng lạ đời. Ông tu theo kiểu hết sức âm u, xa lánh cõi trần tục, ẩn mình trong rừng sâu. Ông cất...nhà chim trên cành cây, khát thì ông thả bộ xuống suối, đói thì chim ăn gì ông ăn nấy. Sáng, ông tĩnh tọa dưới gốc cây để chứng ngộ chiếu kiến ngủ uẩn giai không. Giấc ngọ, ông vừa tụng kinh gõ mõ, vừa đi bộ chung quanh cây cổ thụ. Cây cỏ chung quanh ngóc đầu lên không nổi, nên đành...chết tiệt. Chiều, ông leo lên cây ngủ. Rồi ông chán cảnh rừng xanh chim kêu vượn hú, ông khăn gói gió đưa qua đây, trụ trì ở một tỉnh lỵ hẻo lánh bên đường, buồn như phố quận. Thí chủ kháo nhau rằng sư quán chiếu, quán niệm bằng cách thở bằng bụng. Sư thiền tọa, thiền định, bằng vào nhìn chằm bằm vào cái chấm trên tường. Cái chấm lúc đầu bằng hạt cát, lớn dần lên như hòn sỏi, sau bự sự hơn cả hòn đá, và to kềnh bằng núi Tu Di.

Núi Tu Di ở đâu chẳng hay? Nhưng họ tôn ông là...thiền sư.

Năm nào gã đến thăm. Nhớ lại lúc gã và sư gặp nhau, ở ngòai sân chắp tay thủ lễ bạch thầy với thí chủ. Bước vào thư phòng, họ mày, tao chi tớ côm cốp, chỉ thiếu vắng tiếng...chửi thề. Mới đây học gã, tôi chân trong chân ngòai cửa thiền môn, nên rất ái ngại gặp sư. Nhưng gặp rồi tôi thấy sư có nét mặt đôn hậu, nụ cười rất từ bi hỉ xả. Tôi mến mộ sư hơn nữa khi sư chỉ cây Bonsai đơn côi, đơn chiếc và chuyện trò với gã rằng một ngày như mọi ngày: Tối sư bê ra ngòai hứng sương đêm, sáng sư khiêng vào trong đặt trên bệ cửa sổ. Mà cây Bonsai nào có đẹp gì cho cam: Chỉ là gốc mai rừng trơ trụi, chẳng có đến một cái nụ non mãn khai, ngòai dăm chiếc lá èo uột, vật vờ trên khúc cây già cỗi khô đét. Tôi bâng quơ hỏi tên chậu Bonsai, sư ngần ngừ. Sư thở ra...

Gió thông đưa kệ tan niềm tục
Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời
(Trần Nhân Tôn)
Đột tôi mường tượng khúc cây thô trong bức tranh thiền cùng một thế la đà. Chỉ khác một điều, cành mai của cô em họ gã, nay đang đầy sức sống. Để rồi lúc này thì tôi đã hiểu. Kéo theo một mớ thơ thiền trốn nhủi trong tâm khảm rủ nhau lũ lượt chui ra:
Đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ
Và thấy trong kinh đủ bóng hình
Bế quan tọa thị, tôi và vách
Tôi tụng kinh gì, em nghe đi
(Du Tử Lê)
Mặc gã hục hặc lái xe. Tôi mông lung về ông sư và cô em họ gã như duyên với nghiệp, chỉ là bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê. Cả hai cùng đi chung một con thuyền hệ lụy, chưa ghé bến ngộ. Vốn liếng góp nhặt sỏi đá của tôi vốn dĩ có bấy nhiêu. Nhưng võ vẽ rằng giúp cho một người bằng mười lần xây tòa Bửu Tháp, huống chi chuyện sát sinh. Bỗng dưng với hai chữ sát sinh, tôi chột dạ ngó quanh, nhìn xuống gầm sàn xe, xem có...dao, búa, kìm, kéo gì chăng?. Đường tới chùa gặp ông sư còn dài như về Tây Trúc, mặt mày gã mỗi lúc một nặng như chiếu ướt.

Buồn tình tôi lươn khươn kể cho gã nghe một chuyện thiền mà tôi vừa mới xem lóm trên mạng lưới:

"...Tại một thiền viện nọ, thiền sư giảng kinh kệ cho các thiền sinh để mong giải thóat và liễu ngộ. Ngài có ý chọn một trong những thiền sinh thấu triệt đạo, để lãnh ấn bát thay thế Ngài trông coi thiền viện khi Ngài viên tịch. Vị thiền sư giảng giải: "Trong luật giới có ba thứ phải ghét, năm thứ phải kiêng, một trong thứ ấy là sát sinh". Các thiền sinh chăm chú nghe, Ngài giảng tiếp: "Nếu con giết một con kiến, kiếp sau con đầu thai sẽ là con kiến. Giết con bò kiếp sau sẽ là con bò. Giết một người, kiếp sau sẽ là...".

Bỗng có một thiền sinh đứng dậy và lẳng lặng đi vào trai phòng. Thiền sư ngạc nhiên nên hỏi đi đâu thì thiền sinh ấy trả lời: "Thưa thầy, đệ tử vào bếp tìm...con dao".

Dòm chừng gã chẳng chứng ngộ được công án cao thâm đến như vậy. Gần nửa đường, bỗng chốc hình ảnh cây Bonsai lại ẩn hiện trong tôi, qua cái lắng đọng của một buổi sáng ít nắng nhiều mây. Tôi quay qua gã, nhắc lại chuyện ông sư, quanh năm suốt tháng cứ còm cõi, bê ra khiêng vào khúc cây khô cằn. Tôi thu vén với gã, gốc mai gầy nay chắc cũng xanh tươi, nếu có nụ non, thì phải đến kỳ mãn khai, rồi sẽ có một ngày sẽ rộ hoa. Gã thao láo nhìn tôi. Trong một khỏanh khắc, như nhận thức được tiếng chuông tỉnh thức...Gã lẳng lặng vòng xe trở lại ở một khúc quanh gần nhất. Trước khi về đến nhà, gã bắt.. một bịch bia.

Về đến nhà, ngồi xuống bàn là uống bia, là gã đè "đầu" tôi xuống tờ giấy cho xem công án của gã viết. Gã vừa nguệch ngọac xong cũng vừa đúng lúc tôi kiệt sức. Theo quán tính, tiện tay gã quẳng mảnh giấy, chai bia và tôi vào...thùng rác. Nằm lẫn lộn giữa mấy chai bia, tôi một nơi, mũ một nẻo. Đang tự nhủ thân phận thằng tôi đâu có khác gì hai con ruồi trong vòng trầm luân, lõm bõm bơi trong bể khổ.

Thì giời ạ, tôi vớ được tờ giấy gã vừa vất đi và mở ra đọc:

"...Thiền sư Inzan đến với Gazan để tham vấn công án. Gazan đưa tay ra hỏi:

- Sao cái này được gọi là cái tay?

Inzan chưa kịp trả lơi. Thiền sư Gazan giơ chân lên hỏi tiếp:

- Sao cái này gọi là cái chân?

Inzan định mở miệng thì thiền sư ôm bụng cười ngất và nói:

- Người đời nay tìm con đường vào thiền bằng vào những công án, trích dẫn đủ loại luận giải. Đó chỉ là giải thiền ngoài cửa miệng, chẳng mang lại một thực chứng nào cả. Ngay bản thân những thiền sư, không vượt qua những chướng ngại của chính họ thì làm sao có huệ nhãn hay tâm thức điểm hóa người khác"

Thiền gì mà quái. Tôi nhủ thầm, hóa ra có...quái vậy nên mới là thiền sư. Vậy chứ gã là gã thiền...thật. Hay là thiền...giả?.

Giả hay thật. Câu trả lời là có và không. Cũng...có mà cũng...không có. Vật lộn với chữ nghĩa cho lắm tôi nghĩ quẩn về một kiếp lai sinh trong cái vòng lẩn quẩn để chẳng hiểu bản thể của chính mình là tôi đây từ đâu mà có? Và...có hay...không?

Thế nên tôi đành phải bấm bụng hỏi lão bạn đời lâu năm của tôi là...cái tay phải. Lão tay phải cười ruồi:

- Bạn đừng lo! Tôi đã gặp trường hợp như vậy rồi. Vì bạn là vật bất ly thân của gã. Cái đầu đầy hoang tưởng của gã đã tạo ra nhân vật thứ hai để nói chuyện. Cái xứ vật chất này đã nuốt chửng cái thằng người thực của gã và gã khạc ra một thằng người khác là bạn. Bạn là bản ngã của gã, là...cái thằng người mới được khạc ra đó để viết về gã.

Bạn chính là...gã chứ chẳng phải ai khác.

***

Bạn đọc giật mình đánh thót vì nghe tiếng điện thoại reo...

Bây giờ thì lúc nào bạn đọc cũng nơm nớp, nơm nớp...chỉ sợ lại phải nghe....Nơm nớp... Vì bệnh thiền vừa mới lây sang bạn đọc đấy mà bạn đọc không biết đấy thôi. Không chừng rất có thể bạn đọc đang nhá nhem thêm một chuyện thiền hay một công án khác nữa. Tôi nào có hơn gì bạn đọc, mỗi lần nghe dế kêu tôi cũng nơm nớp, nơm nớp...chỉ sợ lại phải nghe....Nơm nớp...

Thạch trúc gia Trang
Lập xuân, Canh Dần 2010
Ngộ Không Phi Ngọc Hùng
Nguồn:
Bài viết được vay mượn từ truyện 
"Con Bọ Xít" của Ngô Ngọc Trang và 
"Chứng Bệnh Ferma" của một tác giả khuyết danh ở Canada.

Tượng Bồ Đề Đạt Ma
(hiện trưng bày tại nhà)