Chim Việt Cành Nam        Trở Về   ]            [ Trang chủ ]                      [ Tác giả ]
Bức xúc

Bất Tiếu Nguyễn Quốc Bảo

Kính gửi Anh Nhứt
Tóm lược: nguyên nghĩa từ bức xúc (1. Chật hẹp, nhỏ nhen, thiển cận - 2. Bức bách: giục giã, thôi thúc, ép buộc) không giây mơ rễ má gì đến bức xúc (Bực bội, khó chịu, nhức nhối, bứt rứt, ray rứt, ...) hiện thông dụng ở VN.
Kết luận: Yếm thế mà nói thì chắc đành phải chịu thua trước một trào lưu nay trở thành tập quán.
 

Đọc tạp luận Sự cố, cũng một ông bạn khác bên xứ Pha Lăng sa, Mệ Mônacô điện thư cho tôi:
BTB ơi, bài viết hay lắm, tui được học thêm. Rứa bi chừ BTB đã hết "bức xúc" chưa ?

Chết tôi rồi! Đọc mấy chữ bức xúc của mệ, rồi thần hồn nhát thần tính, muốn xỉu luôn, may mà không bị nhồi máu cơ tim! Mần răng mà khổ rứa? Xin thưa: Hai chữ bức xúc! Tôi bị hai chữ này hành hạ cũng đã trên 10 năm nay rồi.

Các bạn cũ Thiên Hữu, tôi vẫn mến mấy mệ lắm. Ngoài quý danh hoàng phái, mấy mệ còn ngoại danh thật là dễ thương a thê! Tôi có nhiều mệ: Mệ Monacô, mệ Viuviu, mệ T. móm, vân vân. Có một mệ hoàng tộc họ Bửu, hang cao hơn Vĩnh, mà không thấy ai đặt tên khác. Mệ ni thật tức cười, xuân hạ thu đông bốn mùa, lúc mô cũng bận áo sơmi trắng dài tay bỏ ngoài quần; từ nhỏ đến lớn không đi xe đạp chỉ đi bộ. Qua thời lưu thông cơ khí chạy vù vù, mệ cũng không Honda, nói chi xe hơi xa xỉ phẩm ở đất thần kinh. Rứa mà gặp lại mệ, thấy mệ vẫn thấy thảnh thơi nhàn hạ. Có một mệ nữa bác sĩ mũ đỏ, trái tim để trên bàn tay, gặp ai cũng thương, cũng giúp đỡ, mà ngoại danh là chi, quên rồi hè?

Tôi phải con cà con kê ít hàng về các mệ tôi quen lúc nhỏ, để bớt cao máu, lấy lại bình tĩnh mà lại luận vớ vẩn hai chữ bức xúc. Sao đọc hai chữ đó do Mệ Môna cô viết mà tôi gần bất tỉnh nhân sự? Lại thưa: tôi sợ hãi hai chữ này lắm,  tuy thanh âm ít lạ lùng hơn sự cố,  nhưng sợ hãi là dân quốc nội, báo chí, văn bản hành chánh xài lung tung beng, mà thật tình không hiểu rõ ràng nghĩa, hoàn toàn dùng sai và lạm dụng quá trớn. Tỷ như Rồi "thói quen" này lan tràn ra hải ngoại. Mệ Mô na cô, không biết mệ hiểu bức xúc như thế nào khi viết điện thư cho tôi? Văn học báo chí quốc nội y chang, không biết dự trên định nghĩa nào mà thông dụng từ ngữ này đến sốt ruột. Rồi nó thủng tha thủng thỉnh đi vào sử dụng của quần chúng, rất đàng hoàng, rất đứng đắn.

Thật nghớ ngẩn và buồn cười cho tôi, thời gian cùng những chuỗi ngày hương xưa phấn cũ vương vấn lại, cho tôi một ít hiểu biết để thấy biết bao nhiêu từ vựng bất bình thường đang đe doạ trầm trọng nền văn hoá quốc ngữ. Cổ ngữ có nhiều cái bí hiểm không thể biết đâu mà ngờ.

Muốn thử nghiệm, xin đọc một bản tin quốc nội mới đây trên Võng lạc:

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp nhận ý kiến phản ánh (lại một động từ mới ?) của cử tri. Ông trả lời:
·      ... Dẫn ra câu nói của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan "ăn của dân không trừ một cái gì" khi nhắc đến các vụ việc tiêu cực, tham nhũng gây bức xúc, ...
·      ...Nói như thế là nói văn chương, chứ nói nôm na, dân dã là làm gì ăn nấy, làm gì cũng ăn hết trọi, loang lổ chỗ nào cũng có tiêu cực, rất là bức xúc"...
·      Chủ tịch nước nói tiếp: "Anh Nguyễn Sinh Hùng (Chủ tịch Quốc hội ) cũng bức xúc như các đồng chí đây. Nghe báo cáo tình hình mà chưa đẩy lùi được, anh cũng hỏi thẳng trong ban chống tham nhũng các cấp có ai tham nhũng không? Bức xúc mà, hỏi thẳng tại sao mấy ông đẩy lùi không được? Có ai không? Truy với nhau đến cỡ như vậy mà".
·      … Chủ tịch nước cho biết Đảng cũng đã khẳng định tình trạng tham nhũng sẽ đe dọa tồn vong chế độ. "Như vậy là nói hết từ ngữ rồi. Lãnh đạo từ xã đến trung ương đi đâu cũng đều nhắc. Các đồng chí cơ quan chuyên môn cũng đều nói. Rõ ràng là nói không có sai" ...
·      Nhưng rõ ràng kết quả mang lại chưa đạt như mong muốn của chúng ta. Cho nên cái ray rứt, bức xúc của dân rất là phải thôi".

Nay thành tập quán trong tin tức hay phat biểu, có tham nhũng là có bức xúc ngay. Đây là phát biểu của nhân vật, trên nguyên tắc, số 1 của nhà nước. Ông đã dùng 5 lần từ "bức xúc". Và rõ ràng: bức xúc đồng nghĩa với ray rứt.

Tôi không "khẳng định" được, hình như nếu thử tìm trên www.google.com, sẽ thấy ngay 12.400.000 kết quả "bức xúc" trên võng lạc. Vài thí dụ tiêu biểu:
·      Thái Hà khẳng định không dùng hàng nhái. Người đẹp bức xúc khi bị cho là nhiều lần đeo túi và mặc váy nhái đi sự kiện.
·      (Phunutoday) - 10 bức ảnh Mai Phương Thúy mặc áo dài khoe nét xuân thì được đăng tải gây tranh cãi nảy lửa về chuyện Thúy dâm hay không dâm tục,  (...) - Bức ảnh khiến cư dân mạng bức xúc nhất.
·      Bức xúc vì xe buýt 'nhồi' khách - 10/16/2012 - Báo Tin tức
·      Bệnh viện "vênh" nhau, bệnh nhân bức xúc - ANTĐ - Báo điện tử ...
·      Lý Nhã Kỳ bức xúc khi bị chỉ trích mặc xường xám - Giải trí - Dân trí
·      Cử tri bức xúc về tái định cư và ô nhiễm môi trường - Xã hội - Dân trí
·      Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý. (...)  giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh bức xúc...

Suy theo văn mạch, thì cũng đoán được những ý nghĩa khác nhau của từ "bức xúc": tức tối, bực bội, khó chịu, nhức nhối, bứt rứt, ray rứt, ...
Tôi không rõ, khác với "sự cố", có lẽ bức xúc tràn ngập trong ngữ vựng quốc nội sau 1975, và cũng khác với sự cố, bức xúc được sử dụng hoàn toàn sai với nghĩa nguyên thuỷ của nó. Tượng âm, thì bức xúc giống như bứt rứt, ray rứt. Có phải vì âm thanh mà bức xúc bị dùng lầm tại quốc nội và trở nên thói quen?

Vậy thì bức xúc là cái chi? Theo tin tức thông tin tại Hoa lục, từ sự cố tôi ít thấy trên võng, nhưng từ bức xức thì có thấy khá nhiều. Tại sao? Tôi giả thuyết là Quan Hán Khanh (chữ Hán: 關漢卿), hiệu Dĩ Trai (Nhất Trai) nhà viết kịch cổ điển Trung Quốc đời nhà Nguyên đã lám sống lại cổ hoa ngữ này. Tác giả thường dùng bức xúc trong nhiều kịch  bản. Ông được xem như là một nghệ sĩ nhân dân "đầu tiên" của Trung Quốc, và đã được liệt vào hàng ngũ danh nhân văn hóa thế giới năm 1957. Dựa trên đó giả thuyết tôi đề nghị là từ bức xúc trở về ngữ vựng hiện đại bên Tàu một cách rầm rộ, như ta thấy hiện nay là nhờ Quan Hán Khanh. Khổ một điều là nó qua VN với một hiểu lầm lớn lao.

Thật nghĩa bức xúc là: Chật hẹp, thôi thúc, bức bách.

逼促 bức xúc, bính âm viết bī cù
1.    Chật hẹp. Lương Thư 梁書: Sở dĩ nội trung bức xúc, vô phục phòng vũ 所以內中逼促, 無復房宇 (Từ Miễn truyện 徐勉傳) Vì thế bên trong chật hẹp, cũng không có phòng thất.
2.    Thôi thúc, bức bách. Quan Hán Khanh 關漢卿: Giá quan nhân đãi tu du, hưu nhẫm bàn tương bức xúc 這官人待須臾, 休恁般相逼促 (Ngọc kính đài 玉鏡臺, Đệ tứ chiệp) Xin vị quan nhân đợi chốc lát, đừng có thôi thúc như vậy.

Tự điển Hán ngữ trích trên baike.baidu.com/view/1690493.htm:
逼促 bức xúc (bī cù) có hai nghĩa:
1. Hiệp trách 狭窄. Quốc ngữ: Chật hẹp, nhỏ nhen, thiển cận.
·      Lương thư từ miễn truyện 梁书·徐勉传 "sở dĩ nội trung bức xúc, vô phục phòng vũ" 所以内中逼促,无复房宇
·      Lỗ tấn鲁迅 (thư tín tập· trí trầm nhạn băng书信集·致沉雁冰): "mạc can san cận tiện, đãn ngã dĩ vi bức xúc nhất điểm, bất như hải ngạn chi khai khoáng" 莫干山 近便,但我以为逼促一点,不如海岸之开旷
2. Bức bách, thôi xúc逼迫-催促。Quốc ngữ. Bức bách: giục giã, thôi thúc, ép buộc - thôi xúc: thôi là thúc giục (Cao Bá Quát: Thanh Đàm thôi biệt duệ, giục giã chia tay ở Thanh Đàm - Thôi hoa vũ, trận mưa giục hoa nở); xúc (như trong bức xúc)
·      Tùy thư· dương huyền cảm truyện隋书·杨玄感传: "đế trì chi, khiển sử giả bức xúc"  帝迟之,遣使者逼促
·      Nguyên Quan Hán Khanh元 关汉卿 (ngọc kính thai玉镜台 - đệ tứ chiết 第四折): "giá quan nhân đãi tu du, hưu nhẫm bàn, tương bức xúc" 这官人待须臾,休恁般相逼促
·      Quách mạt nhược郭沫若 (văn nghệ luận tập thiên tài dữ giáo dục文艺论集·天才与教育): "hữu na nhất chủng tố dưỡng nhi vi bách thiết đích nhu yếu sở bức xúc, sở dĩ toàn quân khả dĩ tẫn thành can thành, nhi thiên tài khả dĩ bồng sanh vu nhất thế" 有那一种素养而为迫切的需要所逼促,所以全军可以尽成干城,而天才可以蓬生于一世

Tìm  trong các từ điển VN xưa và nay, bản thân tôi không thấy đầy đủ từ bức xúc, tất nhiên các tự điển xưa thì đều không biết đến bức xúc, đó là điều dễ hiểu. Tôi nghe nói có Từ điển tiếng Việt, cũng được gọi là Từ điển Hoàng Phê đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005. Ông Phạm Văn Đồng khen: "Quyển Từ điển tiếng Việt này là quyển từ điển đầu tiên ở nước ta do một tập thể cán bộ ngôn ngữ học biên soạn trên cơ sở tư liệu tương đối đầy đủ. Nó có tác dụng thiết thực đối với việc chuẩn hoá và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt". Hiện nay tôi thấy tự điển này trực tuyến hay có thể chuyển (dnowload) từ trên Võng, nhưng tôi chưa đủ duyên phận để tham khảo. Không biết tài liệu này có chữ bức xúc không. Chỉ biết "Đại" từ điển Tiếng Việt (1998) chép: bức xúc (tính từ) nghĩa Cấp bách, cần kíp (pressant; impérieux), như yêu cầu phải giải quyết ngay: vấn đề bức xúc -- nhiệm vụ bức xúc. "Đại" tự điển không đề cập đến nghĩa hiệp trách 狭窄 của bức  xúc (chật hẹp, nhỏ nhen, thiển cận). Tuy nhiên Hán Ngữ "Đại" Từ Điển xuất bản ở VN có ghi hai nghĩa: 1) Chật hẹp. 2) Thôi thúc, bức bách.

Các kể lể trên đây có thể chứng minh nguyên nghĩa bức xúc (Chật hẹp, nhỏ nhen, thiển cận - Bức bách: giục giã, thôi thúc, ép buộc) không giây mơ rễ má gì đến bức xúc (Tức tối, bực bội, khó chịu, nhức nhối, bứt rứt, ray rứt, ...) hiện thông dụng ở VN. Không phải Quan Hán Khanh độc quyền dùng bức xúc trong Hán ngữ từ thế kỷ 13 đời Nguyên, ông "phổ thông" tự này cho Hán ngữ hiện đại tại Hán lục từ những thập niên năm mươi. Theo Tam quốc chí ngụy chí Nguyễn Vũ truyện  三国志魏志阮瑀传 thì từ bức xúc cũng được La Quán Trung ưu đãi từ thế kỷ 14 trong Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, tựa như từ sự cố. Nhưng trong Tam quốc chí của Trần Thọ biên soạn vào thế kỷ thứ 3, thì ngu tôi không tường tận.

Trên võng lạc VN đọc một chuyện ngớ ngẩn vô duyên, xin chép lại dưới đây:
"Lâu nay trên các phương tiện truyền thông và cả trong nói chuyện hàng ngày hay gặp chữ "Bức xúc" và tôi cũng chẳng quan tâm và để ý làm gì. Tình cờ một hôm đọc từ điển Hán Việt có giải nghĩa về chữ này. BỨC có nghiã là : Cưỡng hiếp, chật hẹp, gần tới nơi. XÚC có nghĩa là : thúc dục, gần kề, gấp gáp. Nếu ghép hai chữ này lại và theo cái tôi có thể hiểu là: BỨC XÚC : một việc gì cấp bách gấp gáp - BỨC XÚC : cưỡng hiếp gấp gáp (hay hiếp dâm gấp gáp)"

Hiểu cách vĩ đại như thế này thì quả thật Tản Đà than không sai "Văn chương hạ giới rẻ như bèo" (Hầu Trời). Cụ Tản ôi, thời cụ còn có học giả học thật, đâu vẫn ra đó, thời chúng cháu chẳng có ai còn tự hỏi từ đâu người Việt ngày nay cứ xoen xoét trên đầu môi chót lưỡi hai chữ "bức xúc", báo chí, sách vở, đài truyền thanh, truyền hình cũng ra rả hằng ngày hai chữ đó.

Tiền nhân thì được lên hầu Trời "khoe" văn chương:
Đêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng.
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thế!
Thật được lên tiên - sướng lạ lùng.

Chứ hậu bối nghĩ tới bức xúc và sự cố trong ngữ vựng hiện nay, thì chỉ có Ô hô ai tai mà thôi.

Để tiện tham khảo xin trích lại Hán Việt Tự điển về hai tự bức và xúc trong từ
bức xúc 逼促 bī cù

逼 bức (bī)
 (Động từ) Uy hiếp, cưỡng bách, ép buộc. Như: bức trái 逼債 bức nợ, thôi bức 催逼 thôi thúc, cưỡng bức 強逼 ép buộc, uy bức 威逼 uy hiếp.
(Động từ) Tới gần, sát. Như: bức cận 逼近 sát gần, trực bức thành hạ 直逼城下 sát bên thành, bức thị 逼視 nhìn tròng trọc.
(Tính từ) Chật hẹp. Như: bức trắc 逼仄(逼側) chật hẹp, thật bức xử thử 實逼處此 ở đây thật là chật chội.
(Phó từ) Rất, hết sức. Như: bức tiếu 逼肖 rất giống, bức chân 逼真 giống y như thật.
Một số chữ ghép:
1. [逼債] bức trái 2. [逼婚] bức hôn 3. [逼死] bức tử 4. [逼窄] bức trách 5. [逼近] bức cận 6. [逼迫] bức bách 7. [逼促] bức xúc

Hai định nghĩa dưới đây cho thấy thông dụng của từ bức:
·       1 : Bức bách. Ở vào chỗ hai bên nó đè ép không cựa được nữa gọi là bức. Như thật bức xử thử 實逼處此 ở đây thật là bức bách.
·       2 : Bức hiếp, ăn hiếp. Như cưỡng bức 強逼 cố hiếp. Uy bức 威逼 lấy oai quyền mà đè ép.

促 xúc ()
 (Phó từ) Gấp gáp, vội vã, cần kíp. Như: cấp xúc 急促 gấp rút, đoản xúc 短促 ngắn gấp.
(Động từ) Thúc giục, thôi thúc. Như: đốc xúc 督促 thúc giục, thôi xúc 催促 hối thúc. Sử Kí 史記: Xúc Triệu binh cức nhập quan 促趙兵亟入關 (Trần Thiệp thế gia 陳涉世家) Thúc giục quân Triệu mau vào cửa ải.
(Động từ) Sát, gần. Như: xúc tất đàm tâm 促膝談心 sát gối tâm sự, chuyện trò thân mật.
(Danh từ) Xúc chức 促織 con dế. Xem tất xuất 蟋蟀.
Một số chữ ghép:
1. [侷促] cục xúc 2. [促使] xúc sử 3. [促成] xúc thành 4. [促進] xúc tiến 5. [局促] cục xúc 6. [敦促] đôn xúc 7. [跼促] cục xúc 8. [促織] xúc chức 9. [促席] xúc tịch 10. [促膝] xúc tất 11. [促膝談心] xúc tất đàm tâm 12. [逼促] bức xúc

Kết luận.
Yếm thế mà nói thì chắc đành phải chịu thua trước một trào lưu nay trở thành tập quán. Tôi vẫn không hiểu tại sao các học giả VN và Viện ngôn ngữ VN không lên tiếng trong mấy chục năm qua. Việt ngữ tất nhiên không phải Hoa ngữ, một số tự có gốc Hán ngữ được gọi là Hán Việt. Nhưng không thể đồng hoá mọt Hán tự bằng cách dùng nó với một nghĩa khác hẳn. Thôi cũng chỉ là tiếng gọi trong sa mạc. Như ông anh tôi viết gửi tôi: "Cám ơn Chú đã viết và gửi cho bài "sự cố". Rất nhiều điển văn và dẫn giải. Rấy hữu ích cho người biết "suy nghĩ" và "dè dặt". Còn bây giờ ngay những người ở hải ngoại quen miệng "xài" mỗi ngày, mà thật ra là chẳng hiểu mình đang nói sai cái gì. Tức thì đành"kéo ra" mà "gãi" vậy thôi. Ô hô.

The Bluffs ngày Chúa Nhật, Nov. 3, 2013/11/3
Bất Tiếu Nguyễn Quốc Bảo
Ghi chú:
1)      Anh bạn PNH cho tôi biết: Tôi làm quen với từ "sự cố" sau tháng 4 năm 1975. Đang ngồi xem TV thì màn ảnh TV bất ngờ bị tối, chừng 1 hay 2 phút sau, màn ảnh TV hiện ra mấy chữ: "Sự cố kỹ thuật", tôi yên tâm đợi thêm nữa. Vậy là sự cố có mặt tại quốc nội trước 1975.

2)      Tài liệu Wiki: Hiện chưa biết họ tên thật của ông (Quan Hán Khanh là bút danh, hoặc là danh hiệu người đương thời tặng cho ông), và rất có thể ông đã học nghề y ở Thái y viện đời nhà Nguyên (Trung Quốc).
Theo sách Lịch sử văn học Trung Quốc (tập 3), thì ông sống vào thời kỳ vua Nguyên Thái Tông (tức Oa Khoát Đài, trị vì: 1229-1241), và là người Đại Đô, nay là Bắc Kinh.
Hoạt động sáng tác của ông tương đối sớm. Ngoài việc am tường y học, ông còn có tài thơ, giỏi ca múa và tinh thông âm luật. Cho nên, không những soạn rất nhiều kịch bản, mà ông còn tham gia diễn xuất trên sân khấu nữa.
Sau khi nhà Nam Tống mất (1279), ông đi du ngoạn phương Nam. Vào khoảng cuối năm 1277, ông đến Hàng Châu. Trên đường trở về, ông còn ghé thăm Dương Châu. Đương thời, cũng giống như Đại Đô, hai nơi này cũng là trung tâm của việc sáng tác và trình diễn tạp kịch.
Năm đầu đời Đại Đức (1297) triều Nguyên Thành Tông (trị vì: 1294-1307), ông viết 10 bài tiểu lệnh "Đại Đức ca". Sau đó, Quan Hán Khanh từ trần vào khoảng 1297 đến 1307,