Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Thực thể cộng đồng
Người Việt-Nam

Nước Ngoài

*****

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG 
(Paris)
 
Dân số trong nước Việt-Nam hiện nay được cập nhật thống kê cho biết là đã có tới 91.519.289 đầu người, và được xếp hạng xứ đông dân đứng thứ 13 trên thế giới. Còn ở nước ngoài, thì con số người Việt tăng lên rất nhanh và được ước tính gần tới khoảng bốn triệu người. Và hầu hết kiều bào hiện đang có mặt trong tất cả 103 quốc gia, đều đã được chính phủ bản địa cho phép cư ngụ, làm ăn sinh sống lâu dài dưới mọi hình thức khác nhau.

Do vậy, cho nên nếu với cái nhìn thực tế suông thì người ta sẽ không thể nào có thể biết đoán được thế nào là bản sắc chung cùng sức sống sau nầy trong số phận của tập thể cộng đồng người Việt tha hương ở khắp nơi nơi, một khi thời gian kéo dài làm cho lâm vào cái cảnh tre già măng mọc. Tuy nhiên, dẫu sao cũng phải tùy theo điều kiện mưa thuận gió hòa hay cuồng phong bão tố mà nó sẽ cấu tạo ra được những hình hài tốt đẹp hay ngược lại làm giảm đi hình ảnh giá trị của hết thảy kiều bào. Chúng ta muốn nói đến sứ mệnh cao quý của thế hệ Việt-Nam tương lai ở nước ngoài đang đứng trước ngã đường giao thoa của lịch sử để làm nên lịch sử.

Và bây giờ để đi tìm chân dung các thế hệ trẻ hầu trao trọn niềm tin, thì chúng ta đã phải biết chúng đang ở đâu? Làm gì? Và môi trường sống nào, sẽ có ảnh hưởng trực tiếp lớn lao vào tương lai của chúng. Môi trường sống đó phải chăng, trước hết, vẫn là khung cảnh hạnh phúc ấm êm mà cha mẹ chúng đã tạo ra được dưới mái gia đình. Trong hình ảnh tốt đẹp, thì yếu tố tinh thần là một điều kiện cần thiết để gây sinh ra dưới bầu không khí gia tộc những động lực phấn khởi, lạc quan, hoặc hoàn toàn ngược lại. Và bây giờ, thì chúng ta thử cùng nhau đi tìm những trường hợp điển hình.

Tại Úc, một lục địa mênh mông người thưa đất rộng, kiều bào di dân thuộc thành phần thế hệ cao tuổi của chúng ta sinh sống ở nơi đây gặp được cái may mắn đầu tiên, đó là mọi sự thích hợp quen thuộc về khí hậu miền nhiệt đới, có khác với Âu-Mỹ buốt giá nhiều hơn. Đọc những mẫu chuyện xưa của các nhà văn của đế quốc thuở một thời có mặt trời không bao giờ lặn (Anh-quốc), thì người ta nhận thấy rằng cách đây chỉ có non vài thế hệ, mà lịch sử đã đổi thay quá mau lẹ. Và ngay bây giờ, nước Úc trẻ trung nầy được coi như là một trong những quốc gia có biện pháp hạn chế khắc khe nhất trên thế giới về vấn đề chấp nhận di dân nhập cảnh. Chớ không phải như dưới thế kỷ mới hồi nào nước Úc còn được mệnh danh là một vùng Tân Biên-Cương xa xôi, mà ít ai (người ở châu Âu) có ý nghĩ muốn bén mảng tới một nơi có nhiều dấu tích lưu đày của những tên đầu trộm, đuôi cướp. Tuy nhiên, bước vào thời điểm hôm nay thì người ta có thể nói rằng, cộng đồng kiều bào của chúng ta đang sinh sống ở trên quốc gia nầy có rất nhiều hoàn cảnh thuận lợi dễ dàng, để tạo thành những điều kiện thuần nhất về mặt tổ chức kết hợp đồng hương.


Thương xá Tân Bến-Thành
của người VN tại Cabramatta (Sydney)

Không giống như những trường hợp ở tại Âu-Mỹ, sống trên một quốc gia có nhiều yếu tố trẻ trung còn thừa tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác đúng mức, cộng đồng kiều bào của chúng ta ở tại đây đã mau lẹ hội nhập đóng góp tài năng của mình vào mọi lãnh vực xã hội, và rất sớm có mặt (dù là còn khiêm nhường) trong guồng máy hành chánh hạ tầng sở tại. Chính nhờ vậy, mà tiếng nói của tập thể cộng đồng người Việt ở tại địa phương nầy đã có được một trọng lượng đáng kể. Và được chính phủ cùng nhân dân bản địa lắng nghe. Đó là một ưu điểm mà hiện nay người ta được nhìn thấy rõ nét, giống như những trường hợp từng đã xảy ra ở tại Hoa-kỳ. Ngay cả về phương diện phát huy văn hóa cũng vậy, nhờ có sự kiên quyết vận động, đấu tranh của những vị đại diện uy tín của cộng đồng kiều bào, mà tiếng mẹ Việt-Nam đã được chính phủ địa phương chấp nhận, áp dụng giảng dạy vào các chương trình giáo dục, như ở trong trường hợp của một vài quốc gia từng có kiều bào của chúng ta cư ngụ.

Tại Châu-Đại-Dương hiện nay được ước lượng có tất cả khoảng trên dưới 250.000 ngàn kiều bào, nhưng khoảng 95% di dân tị nạn sinh sống tại nước Úc. Còn lại, khoảng trên dưới một vạn người sống ở Tân-Tây-Lan, và gần năm ngàn người ở tại Tân-Đảo (Nouvelle-Calédonie) nếu đem so sánh với khoảng trên dưới 1.800.000 ngàn Việt-kiều đang cư ngụ trên đất Hoa-Kỳ. Dẫu sao, sự có mặt khá đông của người Việt-Nam ở tại Châu-Đại-Dương hôm nay cũng được coi như là một phong trào di dân rầm rộ đi vào nước Úc ở vào thời kỳ hậu bán thế kỷ thứ 20. Còn trước đó ngày nào ở tại Tân-Đảo, nơi mà khi xưa dưới chế độ thuộc địa, thì thực dân Pháp đã áp dụng phương pháp kiểm tra, đặt số thay tên cho người cu-li làm phu cạo mủ trong các đồn điền cao su. Và hiện nay, hãy còn có những kiều bào cao tuổi tình nguyện ở lại đây, để tiếp tục định cư vĩnh viễn.

Tuy may mắn có dịp tiếp xúc với những thành phần kiều bào trên xứ lạ, nhưng chưa chỗ nào mà tác giả nhìn thấy được cái hình ảnh sống thực, đập vào mắt cho bằng một kỷ niệm mùa Đông thăm viếng nước Na-Uy ở địa đầu Bắc-cực. Một người bận bộ áo lù xù, trùm đầu chừa đôi mắt tiến bước về phía phái đoàn du lịch của chúng tôi lộ vẻ vui mừng, gật đầu thốt lên từ trong cổ họng khàn khàn ba tiếng "Chào quý khách". Sau giây phút kinh ngạc, chúng tôi nhận hiểu ra ngay con người "Esquimau" giả hiệu kia chính là một đồng hương cao tuổi của chúng ta đang định cư ở nơi nầy. Qua mấy lời tâm sự buồn bã, chúng tôi được hiểu rằng theo thứ tự thời gian lúc bấy giờ thì lại cũng có thêm từng đợt số ít gia đình kiều bào tị nạn được phép đến định cư trên ba xứ Bắc-Âu là Na-Uy, Thụy-Điển, Phần-Lan. Trong những ngày sinh sống trên vùng bao quanh tuyết giá (nhưng trong năm cũng vẫn có được những mùa hè nắng nóng đẹp trời), kiều bào của chúng ta thực sự nặng mang tâm hồn vọng về cố hương hơn bao giờ hết. Đành rằng trong hiện tại họ được thụ hưởng tương đối về những tiện nghi vật chất, nhưng điều kiện khí hậu lạnh lẽo triền miên ở nơi đây lại là một thứ cực hình cho những vị cao niên. Tại đây là xứ của ánh sáng và bóng tối, thời gian mùa nào thuộc về dương thì trời ngày giữa ban đêm, còn thời gian mùa nào thuộc về âm thì trời đêm giữa ban ngày. Và dù cho bất luận đêm ngày, thì tình trạng giao thông bảo đảm an toàn tánh mạng ở những xứ lạnh sưong mù, là hệ thống xe hơi khi nổ máy thì sẽ có hệ thống tự động mở đèn lên cùng một lúc.

Trở lại vấn đề chấp nhận cho phép di dân, thì người ta cũng cần phải hiểu thêm rằng trong hoàn cảnh trật tự an sinh xã hội, chính trị và kinh tế thế giới đã đổi thay gần những thập niên trở lại đây, người ta nhận thấy có nhiều dấu hiệu không mấy sáng sủa cho tình trạng di dân nhập cư vào các cường quốc khoa học, kỹ nghệ, công nghiệp tân tiến. Cho dù, hãng xưởng của nước họ luôn luôn bao giờ cũng có nhu cầu cần đến những bàn tay thợ thuyền từ nước ngoài đến đây làm việc. Chính vì vậy, mà sự có mặt đông đảo của lực lượng lao động của cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài sẳn có ở đây từ trước, phải được coi như là một điều may mắn bất ngờ. Hay nói một cách chính xác hơn, vì nhờ tuyệt đại đa số kiều bào hiện nay đều đã nhập quốc tịch vào quốc gia bản địa mà họ đang cư ngụ. Cho nên, mọi vấn đề giải quyết nạn thất nghiệp, thì cộng đồng mình đương nhiên cũng phải có hưởng được quyền lợi trong những điều kiện ưu tiên hơn.

Nói về sự kiện thực tế trong đa số thành viên của cộng đồng Việt-Nam hải ngoại, bây giờ đã trở thành công dân của các quốc gia bản địa. Người ta liền liên tưởng ngay đến trường hợp hình ảnh ngày xưa của những thành phần người Việt gốc Hoa hay gốc Ấn v.v ngày trước, họ đã từng cư ngụ từ bao thế hệ trên quê hương xứ sở của nước mình. Tuy nhiên, cả hai trường hợp nói trên mới nhìn thoáng qua thì thấy có phần giống nhau nhưng nếu phân tích kỹ ra, thì người ta mới có thể thấy được có một sự khác biệt rất nhiều.

Ngày trước, nhất là đa số trong những thành phần người Hoa hay Ấn-kiều ở tại miền Nam Việt-Nam đều là những sắc tộc di dân có nhiều thế lực tài phiệt. Các tổ chức bang hội của họ thường được thành lập tập họp sau lưng những nhà đại doanh nhân tầm cỡ uy tín lớn lao, có ảnh hưởng rất mạnh, và họ có thể dễ dàng xen vào lũng đoạn nền kinh tế nước nhà trên thương trường vào bất cứ lúc nào.

Còn trường hợp của cộng đồng Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài của chúng ta hôm nay, phải thành thật mà nói thì trừ một vài cá nhân thành viên có thành tích đặc biệt phi thường, từng được hầu hết mọi người vinh danh thán phục. Và được đánh giá xem như là nguyên khí của quốc gia, đã làm vẻ vang trọng đại hình ảnh tinh thần cộng đồng dân tộc như trường hợp của Ngài Philipp Roesler là một người Việt rặc từng là Phó Thủ-Tướng của nước Đức. Và Giáo-sư Ngô-Bảo-Châu từng đoạt giải thưởng Fields, một giải thưởng danh giá quốc tế từng được coi như là một giải thưởng Nobel về toán học. Còn lại, thì chỉ là những thành phần lực lượng lao động bình thường bên cạnh một tỉ lệ nhỏ kiều bào trí thức bền chí làm việc để góp phần vào mọi an sinh phúc lợi, phồn vinh cho quốc gia ngụ cư.


Phó Thủ-Tướng Philipp-Roesler và Thủ Tướng Angela-Merkel (Đức)


Giáo-sư Ngô-Bảo-Châu và Tổng-Thống Pratibha-Patil (Ấn-Độ)

Trở lại chuyện hi hữu, có một không hai ở trên đời của Ngài Philipp Roesler là một tài năng siêu việt người Đức gốc Việt nầy, thì trong lịch sử của cộng đồng Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài, thì sau trường hợp của Hoàng-Tử Lý-Long-Tường thì người thứ nhì là hình ảnh của Ngài Philipp Roesler đã đem lại cho kiều bào một niềm hãnh diện vô cùng to lớn. Xuất thân là một cậu bé bơ vơ trong viện mồ côi ở Sóc-Trăng vừa mới lên chín tháng tuổi, thì đã được sang định cư ra ở nước ngoài theo diện con nuôi. Nhờ có đầu óc thông minh xuất chúng, cho nên cậu sớm tốt nghiệp với mảnh bằng Tiến-sĩ Y-khoa và đường quan lại dễ dàng thăng tiến, hanh thông sự nghiệp mau chóng từ chức vụ Bộ-Trưởng lên chức vụ Phó Thủ-Tướng trong một quốc qia tân tiến, hùng cường ở địa cầu. Và Ngài cũng đã có dịp trở về Việt-Nam, tìm lại nguồn cội đất nước quê hương vào năm 2012.

Tuy nhiên, cho dù có muốn nói ra bao nhiêu ngôn từ văn chương bóng bẩy về sự công bằng, nhưng trên thực tế, người ta khó mà tìm cho ra được tính chất đồng đẳng của những chi tiết về nhiều vấn đề tế nhị cọ xát thường xuyên xảy ra trong xã hội. Sự kiện đau lòng nầy từ lâu đã thực sự ngấm ngầm ở trong tâm hồn của rất nhiều người nhưng họ chưa có dịp để nói ra, hay họ đành lòng cam nhận mà không muốn nói thẳng ra.

Hơn thế nữa, ngày nay sau khi kiều bào chính thức đã trở thành người công dân bản địa rồi, thì tính chất tị nạn về chính trị hay di dịch kinh tế như lúc ban đầu hoàn toàn đã bị mai một. Và hiếm còn có dịp để cho người địa phương nhắc nhở đến như xưa, vì những thành phần công dân mới nầy được họ kể chung vào như là trường hợp của những cộng đồng di dân hợp pháp. Tuy nhiên, với cái nhìn tinh tế hơn về hình ảnh màu da hiện đang sinh sống làm ăn trên đất nước của họ, thì quả thực người ta luôn luôn tìm thấy có một khoảng cách vô hình giữa người bản địa và thân phận của hết thảy các di dân mà nói riêng là kiều bào của chúng ta, ngay cả đối với những thành phần cao tuổi.

Thực vậy, từng là chứng nhân cuộc chiến tranh kéo dài trên quê hương mấy chục năm trời, họ đã trải qua biết bao nhiêu thời kỳ nếm mùi đau khổ, để rồi cuối cùng có sự đau khổ nào cho bằng khi phải xa lìa ra khỏi mảnh đất tổ tiên gắn liền kỷ niệm gắn bó cả cuộc đời người. Và rồi thời gian qua mau, nay họ về hưu và đã trở thành những người già cả không còn sức khoẻ lao động như thuở nào. Bên cạnh họ, còn phải kể thêm còn có những người đau yếu bệnh hoạn thường xuyên hoặc từ lâu đã qua đời trên đất khách.

Nói đến đời sống của những kiều bào cao tuổi của chúng ta hiện nay đang sống rải rác ở khắp mọi nơi trên thế giới, thì người ta không quên nói về tình trạng vô phước của những cụ già neo đơn với cuộc sống lặng lẽ âm thầm, thui thủi một mình trong nhiều trường hợp tương tợ như nhau. Có người an phận vào nhà dưỡng lão, có người còn sống ở tại nhà với gia đình mà dường như đã một sự cách ly được thể hiện ra ngoài. Và sách báo cộng đồng cũng đã từng lên tiếng báo động về những trường hợp điển hình, về hoàn cảnh xã hội phức tạp đến nỗi mà con cái đành bất lực bó tay khó có thể chu toàn bổn phận, để nuôi nấng mẹ cha trọn tình hiếu nghĩa.

Ngoại trừ con số đông kiều bào có dịp may mắn sống gần gũi với các gia đình đồng hương trong các quốc gia có nhiều người Việt, thì người ta còn phải kể tới con số thành phần kiều bào ít hơn sống tại các nước Bắc-Âu giá lạnh quanh năm. Chẳng hạn như tại bến cảng thành phố Oslo vào những buổi chiều Đông, có những kiều bào đi làm đứng đợi chờ chuyến tàu đưa khách trở về nhà như còn cách xa hướng về hải đảo. Nếu ai có dịp nhìn thấy cảnh tàu tách bến ra xa giữa ở sương mù băng giá, thì sẽ cảm thấy không gian biển cả như bỗng trở nên chìm lắng và liền kèm theo đó là cả một nỗi buồn. Có thể đó cũng là nỗi buồn chung của những thế hệ kiều bào không còn có được khả năng lao động, đôi khi cảnh buồn cũng đã làm cho họ thối nản ý chí xây nghiệp ở tương lai. Rồi bỗng dưng nhớ lại mấy câu thơ ngày Xuân nhớ nhà sầu teo ruột hằng thập niên về trước, khi đoàn người di tản chiến tranh vừa mới đặt chân lên đất nước Hoa-Kỳ, thì người ta mới hết sức cảm thông cho hoàn cảnh của thế hệ người cao tuổi đã biết mình không còn sức khỏe lao động ở nơi miền tuyết giá.


Bến cảng chiều Đông ở Na-Uy

Thật là da diết, chán chường, vì trong khi đời sống ở xã hội phương Tây vốn đã ghẻ lạnh rồi, thì ở địa đầu trái đất ắt phải rét ướt hơn với những hình ảnh vắng teo, thui thủi một mình. Nếu lúc còn ở tại quê nhà, các vị cao niên đó đã từng là một trong những bậc trưởng thượng của gia đình, chòm xóm, thì bây giờ họ chính là những khách bàng quan mang tâm trạng u sầu của con người lữ thứ cô đơn, không còn có ảnh hưởng gì đến mọi khung cảnh sinh hoạt ở bên ngoài. Giờ đây, người ta có thể nói thế đứng của họ ngay cả trong gia đình cũng thật là mong manh, lỏng lẻo, và đôi khi, chính họ cũng còn có thêm mặc cảm vì tự cảm thấy mình bị dư thừa. Mỗi ngày con cái họ đi làm việc trong một môi trường, đôi khi, không mấy chi thích hợp. Các cháu thì bận tới trường với hành tung ngày hai buổi sớm chiều bị Âu-Mỹ hóa từng giờ, từng phút. Trong hoàn cảnh chua chát đó, họ chỉ còn có những suy tư là dựa vào yếu tố tâm lý của bản sắc văn hóa dân tộc, để mà tự tìm giải pháp thích hợp cho cuộc sống hằng ngày.

Do đó, cho dù là hiện nay họ đang sinh sống ở tại Paris, California, Sydney, Toronto hay bất cứ nơi nào đi nữa, thì hình ảnh theo mô thức của cộng đồng khép kín kiểu người Hoa vẫn sẽ là một mẫu mực lý tưởng, nếu họ không có phản ứng để làm gì khác lại hơn. Thế là canh me chua, cà pháo, mắm tôm, rau muống, giá sống v.v sẽ là những món ăn gợi tình dân tộc mà hiện nay có thể tìm kiếm được dễ dàng và sẽ làm cho họ càng có dịp tưởng nhớ đến cố hương. Rồi nhiều khi họ muốn hồi hương, nhưng nghĩ lại tình cảm ruột thịt của cháu con hiện còn ở lại xứ người, cho nên họ vẫn còn phân vân, lưỡng lự. Và sau cùng, nếu chào thua chấp nhận một cuộc sống phẳng lặng như tờ như vậy, thì từ đây họ cũng phải biết thức thời cảnh giác, để bổ sung vào tư tưởng nhiều quan niệm mới cho hòa hợp với bối cảnh tập quán xã hội bản địa.

Nhưng đúng là người Việt-Nam của chúng ta hôm nay không những có được một mảng cộng đồng to lớn ở nước ngoài, mà còn đã có thêm dịp sống chung để làm dâu rể trong cộng đồng quốc tế, qua những cuộc hôn phối có vợ chồng ngoại quốc, với tỉ lệ gả chồng nhiều hơn là cưới vợ. Tuy nhiên, còn có nhiều trường hợp ngược lại, chẳng hạn như là bằng vào các chương trình hợp tác trao đổi văn hóa song phương, mà điển hình là hai quốc gia Pháp-Việt sau hội nghị thượng đỉnh Pháp-thoại (La Francophonie) được tổ chức trọng thể tại Hà-Nội vào trung tuần tháng mười một năm 1997. Một số người Pháp sau khi làm việc mãn hạn ký kết hợp đồng khế ước, đã mang về từ Việt-Nam những người con gái dịu hiền và trở thành người vợ đảm đang tương lai gia đình. Tình yêu không biên giới đó đã giúp cho cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài có thêm được những thành viên, mang thêm tiếng nói của dân tộc đem ra trên đất khách. Tuy nhiên, nếu nói đến hình thức của những cuộc hôn nhân dị chủng và thử đi sâu vào màu sắc trộn pha nầy, thì thực ra vấn đề sống chung giữa các di dân cùng người bản xứ không phải đơn giản như nhiều người lầm tưởng.

Ngược dòng thời gian lịch sử phiêu lưu, mạo hiểm của giống người phương Tây từ thuở Kha-Luân-Bố (Christophe-Colomb) khám phá ra được lục địa Mỹ-Châu vào năm 1492, đến phong trào di dân từ Âu-Châu vào lục địa nầy về sau. Chúng ta đã thấy cái giá mà người dân da đỏ phải trả, để mong bảo vệ cho quê hương thiên nhiên núi rừng của họ thì thật là quá đắt! Sau người dân da đỏ, đến phiên nạn nhân da đen được đem buôn bán nô lệ di dân sang tận Mỹ-Châu, mà đặc biệt là ở tại Hoa-Kỳ cũng đã phải chịu nhiều tổn thương về nhân phẩm. Vì rằng vào lúc bấy giờ đã có một sự bất công quá rõ rệt làm chênh lệch giá trị tinh thần, xã hội đối với người da đen kéo dài đến cả hằng thế kỷ. Đó là thời kỳ mà người da đen, họ còn chung đụng với những người da trắng cực đoan, quá khích, chủ trương kỳ thị cấm đoán cả người nô lệ da đen và loài chó xâm nhập vào những nơi công cộng.

Tình trạng đó kéo dài, mãi cho tới khi Abraham-Lincoln đắc cử chức vụ Tổng-Thống vào đầu năm 1860, thì người dân da đen mới thực sự được giải phóng nô lệ trên giấy tờ, và được công nhận quyền thừa hưởng mọi hình thức phúc lợi công dân cũng giống như bao nhiêu người dân da trắng khác. Đúng ra thì trước đó, nhất là sau những ngày dài chính thức tuyên bố lập quốc vào năm 1776 tại Mỹ, thì người ta đã có dấy lên rầm rộ một chính sách gọi là "Melting-pot". Mục đích của chính sách nầy là để nhằm khuyến khích phong trào di dân từ Âu-Châu về vùng Tân Biên-Cương (tức Hoa-Kỳ nói riêng), để cùng sống chung nhau trong một môi trường sinh thái có đất đai bao la phì nhiêu, màu mỡ, có thể chế pháp trị và trộn pha trong dòng máu của các sắc dân, hầu để tạo thành một loại công dân duy nhất chỉ biết có Hiệp-Chủng-Quốc mà thôi. Thế nhưng trên thực tế đã cho phép người ta nhận thấy được rằng chính sách "Melting-pot" không những không thể kết hợp toàn vẹn được sự trộn pha dòng máu của các sắc dân, mà cũng còn không thể làm cho mọi người công dân Hoa-Kỳ sớm vội quên đi nguồn gốc của họ từ thuở ban đầu. Và phải chờ cho đến từ đầu nhị thập niên của thế kỷ 20, thì người ta mới có thể hiểu rõ hơn, là không phải bất luận những loại di dân nào cũng đều có thể dễ dàng trộn pha với loại di dân khác. Hay nói cho đúng hơn, là khó có thể suôn sẻ để hội nhập vào cá tính của người dân bản địa.

Chính vì vậy mà ngay từ thế kỷ thứ 19, cũng đã có con số đông người Mỹ da đen trí thức chủ trương tách rời ra khỏi cuộc sống chung với cộng đồng người da trắng, để tìm cách hợp quần lại với nhau. Rồi vào khoảng năm 1822, thì đã có sự hưởng ứng của một con số khá đông của công dân Mỹ gốc da đen quyết định trở về Phi-Châu để tìm lại cội rễ của giống nòi, mà quốc gia Libéria ngày nay được coi như là nơi tái lập quốc do những người Mỹ da đen lựa chọn để tiếp tục hồi hương. Quốc gia nầy hiện nay chỉ dùng và nói tiếng Anh, vì khi dân da đen từ Mỹ trở về thì họ không biết được mình chính xác thuộc về bản sắc của dân tộc nào. Hơn thế nữa, là khi trở về nguồn cội cọ xát trong môi trường xã hội da đen, thì họ cũng không thể nói được bất cứ những tiếng thổ âm nào và hiểu được những thổ ngữ nào.


Đàn voi thiên nhiên ở Libéria

Khác với chủ trương của chính sách "Melting-pot". Phong trào "Rainbow" sau đó cũng được phát sinh ra ở tại Hoa-Kỳ, nhằm mục đích kêu gọi ý thức tìm về bản sắc cội nguồn của dân tộc, để tự hợp quần và bảo vệ quyền lợi lấy nhau. Người da đen hưởng ứng nồng nhiệt phong trào nầy hơn là bao nhiêu sắc dân khác, vì lý do họ chiếm đa số nhứ nhì, mà cũng là công dân thuộc loại hạng hai đứng sau lưng người da trắng. Và một trong những trường hợp đã nói lên sự thành công của họ khi hưởng ứng phong trào nầy, chính là hình ảnh của thành phố Chicago. Nơi đây, người Mỹ da trắng đã phải nhượng bộ trước sự hợp quần gây sinh sức mạnh về mặt xã hội, tạo ảnh hưởng có thế lực đè nặng về mặt chính trị của người da đen, để lùi dần xa ra cư ngụ ở quanh vùng ngoại ô. Nhưng chính những người da trắng lùi xa về vùng ngoại ô nầy, họ cũng cảm thấy được thoải mái hơn khi có dịp sống chung gần gũi với các sắc dân cùng một màu da như họ.

Ngoài ra, phong trào "Rainbow" còn đưa đến sự tập hợp của sắc dân Do-Thái ở New-York, người da đỏ ở Oklahoma, cộng đồng người da vàng ở California.Tại thành phố San-Francisco mỹ lệ có cầu vồng "Golden-Gate" nầy, người ta nhận thấy có khu thương mại của người Nhật-Bản, Đại-Hàn, đặc biệt là khu phố Tàu (China-Town) sầm uất của người Hoa. Và gần đây nhất, là khu thương mãi"Little Sài-Gòn" xuất hiện ở quận Orange (Nam Cali, khu vực nầy tập trung kiều bào nhiều nhất trên thế giới) cũng như ở tại vùng thung lũng hoa vàng San-Jose (Bắc Cali) của người Việt. Nói chung về sức sống của người Việt ở riêng tại tiểu bang California bây giờ, thì người ta phải thực tế để nhìn nhận rằng kiều bào mình đã rất thành công rất nhiều trên bước đường hội nghập vào xã hội ở địa phương.

Thực vậy, nếu thử lấy cái mốc từ năm 1988 khi chính quyền địa phương cho phép thành lập ra khu kinh tế Little Sài-Gòn cho đến nay (2013) thì đã được một phần tư thế kỷ. Và chỉ có trong 25 năm qua mà di dân người Việt ở tại vùng đất nầy đã nỗ lực ra công khai phá mở mang, biến từ một địa điểm làng mạc có ruộng dâu, bãi đất trống, cơ xưỡng kỹ nghệ lưa thưa trở thành một khu trung tâm thương mại sầm uất có tầm cỡ như bây giờ. Đặc biệt hơn, là ngày nay khu vực nầy đã tự biến thành một tụ điểm sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, xã hội chính trị. Một địa điểm du lịch hấp dẫn không những dành cho hầu hết kiều bào đang sinh sống ở trên toàn cõi đất nước Hoa-Kỳ, mà còn là một hình ảnh địa danh mang tính biểu tượng tinh thần sắc tộc đa nguyên trong quốc gia Hiệp-Chủng-Quốc.


Trung tâm thương mại Little Saigon
của người Việt-Nam ở California (Hoa-Kỳ)

Cái tuyệt diệu của phong trào "Rainbow" nầy, là đã đưa lại cho các sắc dân thiểu số một niềm an ủi phi thường. Thí dụ như khi một người da đen tại Mỹ trong phút giây nào đó nghĩ lùi xa hơn về thời kỳ nô lệ, nhục nhã của cha ông. Vì rằng quê hương gốc gác tổ tiên của họ, cũng có muôn ngàn vẻ đẹp sơ nguyên như của bất cứ quốc gia nào trên mặt đất lúc cùng ở chung vào thời kỳ, mà loài người thực sự còn mang tính chất đồng đẳng với nhau. Còn đối với cộng đồng Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài của chúng ta hôm nay, sự kiện kiều bào tha hương ở khắp bốn phương trời mà biết tìm cách đến sinh hoạt với nhau để duy trì bản sắc văn hóa hồn thiêng trên xứ lạ, thì chính đó là những dịp quý báu để kết nối tình liên đới giữa đồng hương, đồng bào. Và nếu chúng ta còn nhớ được thêm những kỷ niệm đầy gian khổ của dân tộc mình phải chịu đựng theo định mệnh của lịch sử, thì chúng ta lại càng phải nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với tinh thần tập thể, cộng đồng đang sống ở xứ người. Và chắc chắn rồi đây, chúng ta sẽ rút tỉa ra được nhiều bài học hữu ích. Và sau khi biết lấy tấm gương của người để làm kinh nghiệm cho mình, là chúng ta đã thực sự có ý thức trưởng thành với trách nhiệm trở về nguồn cội, để hân hoan cất lên những điệp khúc làm đẹp quê hương.

Nhất định chúng ta sẽ có dịp thấy lại cái hay, cái đẹp của đất nước tổ tiên như trường hợp của những người da đen trí thức hiện nay đang sinh sống ở tại Hoa-Kỳ.

Sau khi thấu hiểu được số phận của dân tộc mình tài trí thông minh, đảm lược có thừa mà phải mang chịu nhiều nỗi lênh đênh, vất vả. Chúng ta sẽ khám phá ra thêm, là vì sao ảnh hưởng của dân tộc chúng ta hôm nay đối với thế giới ở bên ngoài trong hoàn cảnh nào nếu dẫu có suy mà chẳng mất bao giờ. Đó chính là nhờ ở trong tâm hồn của mỗi người dân Việt luôn luôn lúc nào cũng hãy còn tiềm tàng, tích trữ tinh anh nòi giống trong những công trình sự nghiệp tinh thần thường hay xây đắp dở dang. Trái lại về phần cộng đồng Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài của chúng ta hôm nay, tuy bây giờ có ngỡ ngàng trước mọi dòng giao lưu văn hóa mới, nhưng bên cạnh sự hao mòn về bản sắc dân tộc, thì không ai có thể phủ nhận được sức bén nhạy vốn là bản tính của kiều bào chúng ta trên con đường hội nhập vào sắc thái của người dân bản địa. Chúng ta đã đốt cháy được thời gian bằng một quá trình vượt bực, và cho dù cố ý hay vô tình đến đâu, thì người ta cũng nhận thấy kiều bào di dân Việt-Nam biết uyển chuyển khôn khéo để học hỏi tùy thời lúc.

Đó là một trong những ưu điểm lớn còn sót lại của tập thể cộng đồng kiều bào của chúng ta.

Nhưng bên cạnh đó thì đại đa số người Việt lại không quen làm chuyện tranh thương, vì thế, người ta rất lấy làm lo sợ là trong tương lai thì các trung tâm thương mại da vàng hiện nay sẽ được ngắm nghé bởi những cánh tay tài phiệt người Hoa nối dài từ vùng Đông-Nam-Á đến mua lại để chiếm lĩnh thị trường. Sự kiện rất nhiều nhà hàng của kiều bào ta ở Paris từ lâu sang lại cho người Hoa khai thác đã là một bằng chứng để cho người ta suy gẫm. Nhược điểm làm kinh tế của kiều bào ta ở nước ngoài là ở chỗ đó. Ngoài ra, không có đức tính nhẫn nại, thiếu sự hợp quần gây sinh sức mạnh lại thích hưởng thụ trong cuộc sống vật chất ở địa phương, cho nên, chúng ta còn bị dễ dàng chia rẽ, chao đảo và tương tranh quyền lợi lẫn nhau. Do nguyên nhân nào và đổ lỗi cho ai thì đó là cả một vấn đề, còn bây giờ thì chúng ta đang sống trong một cộng đồng, mà trên thực tế, vẫn chưa có được một sự phối hợp liên kết hoàn toàn đúng trong ý nghĩa của tình đồng bào, dân tộc ở phương xa.

Vậy có phải chăng, là vì trình độ ý thức của kiều bào của chúng ta còn kém. Nó chưa thể thực hiện được những cái gì gọi là có tính cách đáp ứng cụ thể cho những nhu cầu thiết thực, nhằm đóng góp vào việc tương trợ phúc lợi tinh thần cho cộng đồng?

Nếu câu trả lời tiếp theo sau đó được xếp vào thể phủ định, thì thử hỏi rằng những thành quả mà cộng đồng nầy đã đạt được từ hơn mấy chục năm qua! Nó sẽ còn lưu lại những giá trị cụ thể nào, khả dĩ bảo đảm được mọi sự sinh tồn cho bản sắc văn hóa dân tộc của chúng ta đang bị thui chột lần mòn dưới ánh đèn màu điện tử ở phương Tây?

Dĩ nhiên là không có một triệu chứng bảo đảm chắc chắn, tối thiểu nào được nhìn thấy rõ rệt, hầu để đặt vào niềm tin tưởng. Nhiều thành viên của cộng đồng của chúng ta hôm nay được ví như là hình ảnh của một con ngựa đứt cương, nhảy vọt theo như ý muốn của mình, để phiêu lưu vào một chân trời mới. Họ đã bị bội thực văn hóa tại một vùng đất văn minh xa lạ đối với cá tính, phong tục, tập quán của dân tộc mình. Và rồi người ta lại nói đến hiện tượng tre kia thấy hãy còn xanh, nhưng thực ra nó đã có tuổi già khi măng non chưa mọc. Nhiều luồng tư tưởng bi quan có dịp tỏ lộ niềm ẩn ức, trốn chạy để mặc thế sự cho đàn sau gánh vác. Tuy nhiên, nói thì như vậy nhưng kỳ thực ra trong tâm hồn của mỗi người Việt-Nam tha hương nào cũng đều có được cấy vào ít nhiều tinh túy của tinh thần tự do, khai phóng vốn là những di sản của cha ông chúng ta thuở từ thời lập quốc.

Và nếu nói theo sự ca tụng của một nhà văn lừng danh nào đó, thì sức tiến của dân ta chỉ có thể bị dừng chân ở trước ngưỡng cửa đại dương...

Mô hình thực thể của cộng đồng Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài của chúng ta, kể từ lúc tượng hình cho đến khi được thành hình, đều do hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh và định mệnh của lịch sử xếp đặt tất cả. Do vậy, tiếng nói của dân tộc ở trong môi trường đó đã được dịp biểu lộ ra từng cá tính tự nhiên của những con người có nhiều khuynh hướng thành kiến nhân văn tổng hợp khác nhau. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không bao giờ có niềm hi vọng hão huyền, để xác tín rằng mọi lực lượng kết hợp của kiều bào có thể tạo ra được trong ngay tức khắc một lãnh hải trách nhiệm tinh thần, một hậu cứ kinh tài có những khả năng hữu hiệu lúc nào cũng sẵn sàng chi viện mọi nhu cầu về lâu, về dài cho tổ quốc.

Nhưng thực tế quá khứ cũng như hiện tại, sức nặng của cán cân chi viện về cho quê mẹ có từ lâu đã được khách quan đánh giá coi như là một tiềm năng to lớn, mà mãi đề cập đến không phải là thừa. Giờ đây, đứng trước nghĩa tình dân tộc, máu chảy ruột mềm, vui buồn chia sẻ, người ta ước mong cái thực lực của con gà đẻ trứng vàng nầy sẽ vẫn còn là một hình ảnh đẹp có giá trị sống mãi với thời gian.


Gà đẻ trứng vàng?

Theo thống kê tổng quát về tình trạng lịch sử di dân thế giới cho tới vào đầu thập niên của thiên niên kỷ thứ 3 của các báo chí tại Pháp, lúc bấy giờ, họ có đề cập đến con số gần hơn hai triệu rưởi người Việt-Nam hiện đang sinh sống trên gần chín mươi quốc gia lúc bấy giờ, thì đông nhất là ở Mỹ-Châu, kế tiếp là ở Âu-Châu. Sau cùng, là ở Châu-Đại-Dương và quanh vùng Đông-Nam-Á. Một số nhỏ người Việt hiện đang ở Trung-Đông và Châu-Phi cũng lên tới con số ngàn. Riêng về một bộ phận trong cộng đồng kiều bào lao động ở Đông-Âu, ở Nga thì con số nầy tùy cơ tăng giảm. Và theo tài liệu thống kê của Ủy-Ban Việt-Kiều từ trong nước chỉ vào cái mốc đầu năm 2006 cho biết, thì lúc đó đã có tới khoảng 3.000.000 kiều bào sống trên chín mươi quốc gia trong thế giới và được chia ra tổng quát như sau: Hoa-kỳ 1.300.000, Nga, Đông-Âu 300.000, Pháp 250.000, Úc 240.000, Canada 200.000, Đài-Loan 110.000, Thái-Lan 100.000, Đức 100.000, Anh 40.000, Bắc-Âu 30.000, Hà-Lan 15.000, Bỉ 12.000, Nhật 12.000, và những con số khác ở rải rác khắp mọi nơi.

Còn theo tài liệu của Wikipédia trong đầu năm 2012, thì đỉnh cao của nguời Việt hải ngoại đã đạt tới con số là 3.800.000 người. Nhiều nhất là ở tại Hoa-Kỳ nay đã có tới 1.737.433 đầu người, kế đó là ở tại Campuchia với con số 156.000 - 600.000 người, Pháp 250.000 người. Rồi kế tiếp theo thứ tự là Canada, Úc-Đại-Lợi, Lào, Đức, Hàn-quốc v.v là những nơi có đông người Việt đang định cư ở hải ngoại. Cũng trong năm 2012, nếu theo ước tính của Bộ Ngoại-Giao từ trong nước thì con số người VN đang ở tại Hoa-Kỳ là 2.200.000, Pháp 300.000, Úc 300.000, Canada 250.000, Đài-Loan 200.000, Campuchia 156.000 ngàn đầu người v.v.

Và theo một bản bản phúc trình mới nhất mà cũng là đầu tiên của Tổ Chức Di Trú Quốc Tế "IOM" (International Organization for Migration), thì hiện nay con số Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài đã đạt tới đỉnh cao là bốn triệu người có mặt trên 103 quốc gia. Nhiều nhất vẫn là tại lục địa Hoa-Kỳ nay đã vượt quá 1.600.000 người, với tỉ lệ tăng trưởng đạt mức 38% kể từ đầu thiên niên kỷ thứ 3 cho đến bây giờ. Trước đây, khi người Việt ở tại Mỹ lên tới con số là 1.132.031 thì người ta đã có thử làm một bản thống kê ước tính về trình độ văn hóa của những thành phần từ 25 tuổi trở lên, thì cho biết có độ 30,2% không có bằng trung học, 21.5% tốt nghiệp trung học hoặc tương đương, 16,8% có bằng cử nhân. Nhưng nay thì con số tốt nghiệp đại học có rất nhiều, đó là chưa kể đến những thành phần hậu tiến sĩ.

Tuy nhiên, mới đây theo nguồn tin của hãng thông tấn AFP vào ngày 26/6/2013 đã có trích dẫn một bản khảo sát về hình ảnh của cuộc sống cách ly nhưng bình đẳng của các công dân Hoa-Kỳ gốc châu Á của Trường Đại-Học Brown ở Providence (Rhode Island), là một trong những ngôi trường nổi tiếng nhất ở Hoa-Kỳ. Bài khảo sát tỉ mỉ nầy dựa vào bản nghiên cứu từ số liệu của Cơ- Quan Thống-Kê Dân Số Hoa-Kỳ (U.S Census Bureau) đã báo cáo về thực trạng của những thành phần nhập cư châu Á hoà hợp nhưng chưa thực sự hòa tan vào trong xã hội Hoa-Kỳ. Và mặc dù mọi người đều được bình đẳng trong xã hội, nhưng những thành phần công dân nầy lại không có được những điều kiện thuận lợi về kinh tế như nhau. Phần tổng kết cho thấy rằng, hiện nay thì những thành phần nhập cư châu Á khác như Ấn-Độ, Nhật-Bản, Phi-Luật-Tân, Trung-Quốc, Hàn-Quốc có mức thu nhập cao theo thứ tự như trên, thì họ đang và có khuynh hướng muốn sống tại các khu vực tập trung những thành phần dân địa phương có học thức, giàu có. Còn thành phần người Hoa-Kỳ gốc VN, thì hiện nay họ cũng có khuynh hướng muốn sống gần gũi với các khu vực trung lưu da trắng. Tuy nhiên, về mặt khác vẫn theo bản tường trình của Trường Đại-Học Brown, thì hiện nay, cộng đồng nhập cư VN là một cộng đồng có mức thu nhập thường niên thấp nhất, có tỉ lệ thất nghiệp cao, và cũng là một cộng đồng có trình độ giáo dục thấp nhất trong số các thành phần nhập cư vào đất nước Hoa-Kỳ đến từ châu Á.

Trở lại công trình nghiên cứu về kết quả của các dữ liệu về hiện trạng di dân Việt-Nam hiện nay ở khắp nơi của tổ chức "IOM" vừa thực hiện xong vào giữa năm 2012, thì người ta có thể nói đó là một tài liệu có phần chính xác nhất. Lý do là vì "IOM" đã không đơn phương hoạt động, mà ngược lại, tổ chức nầy đã có sự phối hợp liên hệ với chính phủ Việt-Nam và với Liên-Hiệp-Quốc (LHQ cũng đã có đề xướng một chương trình với mục đích giúp ích an sinh xã hội Việt-Nam được phát triển lành mạnh). Theo đó, bức tranh toàn cảnh của thực trạng di dân trên thế giới, được nhật tu kể từ giữa năm 2012 đã được đánh dấu coi như là có phần tăng trưởng mạnh. Và nhất là, nói riêng về Việt Nam do có nhu cầu hợp tác xuất khẩu lao động ra nước ngoài đạt mức kỷ lục cũng như vấn đề sinh viên du học, hoặc thành lập gia đình theo diện hôn nhân mai mối, hoặc bị tệ nạn buôn người xuyên qua biên giới làm gái mãi dâm hay cho con nuôi v.v. Và người ta có thể dễ dàng nhìn thấy và phân tích ra ngoài con số Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài đã có mặt từ lâu, thì lực lượng công nhân xuất khẩu lao động chính là con số đứng đầu trên cả hai diện sinh viên du học và diện hôn nhân dị chủng v.v.

Hiện nay, tại các quốc gia như Hoa-Kỳ, Úc, Anh, Trung-Quốc, Singapore là những nơi có con số sinh viên Việt-Nam du học nhiều hơn các xứ khác. Còn điểm đến của các công nhân lao động Việt-Nam ở nước ngoài, trước nay nhiều nhất vẫn là những quốc gia tân tiến ở quanh vùng Đông-Nam-Á, Trung-Đông, Châu-Âu rồi mới tới các quốc gia khác. Riêng về sự có mặt của những Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài theo diện hôn nhân kể từ cái mốc của năm 2005 cho tới năm 2010, thì cũng đã có đến 133.000 trường hợp đã chính thúc đăng ký kết hôn. Và khuynh hướng mới bây giờ, là họ thích lấy người Hàn-quốc trước cả những người Đài-Loan và Trung-Quốc. Và cũng trong quan niệm mới, ngày nay họ rất thực tế khách quan khi cho rằng di dân hợp pháp ra nước ngoài bất luận trong mọi trường hợp, hoàn cảnh nào cũng chỉ là một sự trao đổi cân bằng về kinh tế, giao lưu văn hóa xã hội nhằm thúc đẩy thăng tiến tạo ra sự phồn vinh và hạnh phúc cho cả hai bên.


Tiếp viên cà phê tại Little Saigon

Hơn thế nữa, lại còn có nhiều cô dâu hết sức lấy làm hãnh diện, vì nhờ có dịp ra sống ở nước ngoài mà họ có phương tiện vật chất gởi về giúp đỡ cha mẹ già thực tế đang phải sống trong hoàn cảnh cơ cực tại quê nhà. Sự kiện không lạ lùng nầy càng khiến cho người ta từ lâu nhìn thấy, là cũng đã có con số thành viên không nhỏ trong gia đình của cộng đồng Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài từng có thành kiến và không muốn cho con em mình có chồng là những thành phần người Việt vốn không có tương lai tươi sáng trên con đường sự nghiệp trên đất khách.

Một lần nữa, nói riêng mặt khác nếu người ta từng đánh giá không sai về tiềm năng chi viện kinh tế của Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài gởi về trong nước, thì mới thấy được nguồn doanh thu về kiều hối thật là quan trọng. Và cũng nếu người ta chịu khó theo dõi từng bước nhảy vọt về khối tiền tệ ở nước ngoài của người Việt tuôn về trong nước trong năm 1991 vỏn vẹn chỉ có 113 triệu đô la, thì năm 2006 được là 4 tỉ đô la, sang năm 2009 được 6,2 tỉ đô la qua những kênh chính thức. Tuy nhiên, sang đến trong năm 2011 mặc dù nền kinh tế toàn cầu bị suy trầm nhưng cũng đã được là hơn 8 tỉ đô la tương đương với khoảng 8% GDP cả nước.

Đó là chưa kể tới những tặng vật có giá trị khác.

Và bây giờ, xin trở lại trường hợp trái với hoàn cảnh lịch sử của kiều bào di tản chiến tranh tại phương Tây. Sự thành hình của mảng cộng đồng người Việt-Nam ở trên các nước xã hội chủ nghĩa Đông-Âu bắt nguồn từ chủ trương xuất cảnh lao động của chính phủ trong nước, theo giống mô hình của các láng diềng như Phi-Luật-Tân, Thái-Lan v.v. Mặc dù từ trước cho tới nay con số công nhân lao động Việt-Nam luân phiên đi ra làm việc ở tại nước ngoài có thể tạm ước đoán lên tới trên dưới cả triệu người, nhưng cũng vì có sự thay đổi luân phiên thường xuyên đó, mà đôi khi sự cập nhật thống kê của các nhà báo không được chính xác. Tuy nhiên, để cho kiều bào cùng có một khái niệm ngược dòng thời gian, thì vào hồi đầu năm 1991 người ta có được những thông tin đáng tin cậy về số lượng công nhân lao động Việt-Nam làm việc ở tại nước ngoài và ghi nhận như sau: Nga-Sô (kể cả vùng Tây-Bá Lợi-Á) 87.000 người, Đức 60.000 người, Tiệp-Khắc 37.000 người, Bảo-Gia-Lợi 24.000 người, Hung-Gia-Lợi và Ba-Lan khoảng 12.000 người, I-Rắc được ước lượng bằng con số hàng trăm người v.v. Lúc bấy giờ phải nói rõ thêm là sau thời gian đó, thì đã có khoảng trên dưới 70.000 người công nhân lao động sau khi mãn khế ước hợp đồng vẫn tìm cách ở lại tại địa phương để tiếp tục sinh sống cho đến ngày hôm nay.

Còn trước đó, họ là những tập thể công nhân lao động được tuyển chọn qua nhiều hình thức thủ tục ưu tiên tại Việt-Nam để gởi đi ra nước ngoài làm việc. Sau mỗi khi mãn hạn thì họ được trả về lại Việt-Nam, và lập tức có một đợt công nhân lao động khác được đổi sang thay thế. Lâu lâu, báo chí ở trong nước cũng có loan tin của chính phủ công bố về tình trạng xuất cảnh công nhân lao động đi ra làm việc ở xứ ngoài, là chỉ nặng mang tính chất lao động thuần túy. Nhưng kể từ khi xảy ra biến cố bức tường Bá-Linh vào năm 1989, thì có kéo theo nhiều công nhân lao động từ bên Đông-Đức chạy sang qua bên Tây-Đức xin tị nạn di dân, làm cho vấn đề nầy chuyển sang qua một hình thức có phần phức tạp. Trong lúc đó thì ở tại Tiệp-Khắc, các băng đảng trọc đầu (Skinhead) cũng đã bắt đầu dấy lên những đợt khủng bố người Việt, bằng cách trấn lột, thanh toán và giết chết nhiều người. Thêm vào, hình ảnh của cộng đồng người Việt-Nam ở tại các nước Đông-Âu, Nga-Sô dạo ấy còn có sự hiện diện thêm của các thực tập sinh và sinh viên du học. Trong số nầy, cũng đã có những người từng chiếm được cảm tình của người yêu nên tình nguyện ở lại lập gia đình, và chấp nhận làm dâu rể với xóm làng người dân bản địa, xin chọn nơi nầy làm quê hương.

Khác hẳn với các trường hợp của kiều bào lính thợ, kiều bào phu đồn điền, kiều bào di tản chiến tranh, kiều bào du học, kiều bào công nhân lao động v.v. Hình ảnh của một số kiều bào gốc từ ở Lào và Cam-Bốt hiện đang góp mặt vào thành viên của cộng đồng ở tại các quốc gia ở phương Tây, thì bắt nguồn từ có một hoàn cảnh đặc biệt tế nhị hơn. Vào thời kỳ còn chế độ thực dân Đông-Dương, thì do hoàn cảnh của địa lý lịch sử nhất là về mặt hành chánh mà có sự hiện diện của người Việt-Nam sinh sống tạo nghiệp dài theo quốc lộ 1 (nay là con đường xuyên Á 22A) từ Sài-Gòn đến Nam-Vang (Phnom-Penh). Kể từ vùng chiến khu Mỏ Vẹt ven biên giới, từ Gò-Dầu-Hạ bắt đầu từ cửa khẩu Mộc-Bài ngày nay trở đi lên miền Sà-Phu, Lò-Súc, Xvay-Riêng, Pray-Veng kéo đến tận thủ đô Nam-Vang, thì người ta nhìn thấy lác đác những khu mái nhà tranh của gia đình người Nam (tiếng gọi kiều bào ta của những người Cam-Bốt biết nói chút ít tiếng Việt lúc bấy giờ). Và cũng như khung cảnh Việt-kiều ở ven biên Hà-Tiên, Châu-Đốc kéo qua biên giới Cam-Bốt vùng Ta-Keo, Cang-Đan để lập nghiệp


Tiệm bán tạp hóa của người Việt
ở cố đô Luang-Prabang (Lào)

Còn ở tại Lào, do đường dây thương mại từ trục Sài-Gòn - Hà-Nội kéo dài lên đến tận thủ đô Viêng-Chăn (Vientiane) qua vùng Xa-Văn-Na-Khet (Savannakhet), đã khiến cho một số tiểu thương Việt-Nam lúc bấy giờ có quyết định lưu lại vĩnh viễn ở xứ Lào để tìm dịp sinh nhai. Hoàn cảnh đó, cũng giống như trường hợp của những công chức Pháp gốc Việt-Nam về sau ngày đình chiến 1954 thì tình nguyện sống ở lại trên quê hương nầy. Ở đây, người ta cũng không quên đề cập đến hoàn cảnh lịch sử đặc biệt khác, đã tạo nên thành phần của mảng cộng đồng Việt-kiều tiền phong là bắt nguồn ở tại Thái-Lan, kể từ lúc có nhóm tàn quân của họ cùng một số gia đình theo chân bước đường của vị vua lưu vong nhà Nguyễn. Thế hệ nầy, đích thực là những thế hệ tiền thân của hình ảnh người Việt-Nam vượt biên. Nhưng chứng tích sử liệu về đoàn người hậu duệ của đức vua nhà Lý dầm dãi nắng mưa sương gió, vượt sóng xa khơi trên đường lánh nạn, mới thực tế chính lại là những vị thủy tổ đầu tiên của tập thể cộng đồng người Việt-Nam ra định cư ở nước ngoài.

Bản tính của người Việt-Nam chúng ta là hiếu khách, dễ dàng chung sống hòa bình, hòa hợp với bất cứ hình thức bản sắc của chủng tộc nào trên thế giới. Trường hợp có cả triệu người Hoa-Ấn v.v từng đã ăn đời ở kiếp từ bao thế kỷ qua với những sự nghiệp lớn lao tậu được trên đất nước Việt-Nam ta, mà họ không gặp một sự kỳ thị nào, há không phải đó là một bằng chứng rõ rệt nói về đức tính bao dung cao đẹp của dân tộc chúng ta hay sao?

Chính cũng vì có bản chất tinh thần hòa đồng, hòa hợp và yêu chuộng tình hữu nghị láng diềng đó, mà đã có gần phân nửa triệu kiều bào chơn chất, ung dung có mặt sinh sống trên đất Chùa-Tháp và Lào. Và rồi, sau phong trào phát động thảm sát người Việt (cáp Duồn) khởi đầu từ ở Biển Hồ, thì hầu hết các nạn kiều của chúng ta đã phải trắng tay để bỏ chạy về mẫu quốc. Nhưng phải kể lại ngược dòng thời gian từ biến cố mùa Xuân 1975, thì mới đã bằng vào hình thức nầy hay trường hợp khác, mà họ đã được đưa sang tái định cư tại các quốc gia Âu-Mỹ. Đồng thời, cùng lúc đó thì cũng có hàng ngàn kiều bào rời bỏ Viêng-Chăn, Nong-Khai, Savannakhet để vượt sông Cửu-Long sang đất Thái-Lan trên đường đi tìm đất tị nạn chính trị, chiến tranh và xin định cư ở các quốc gia đệ tam, nhất là ở tại Pháp và Hoa-kỳ.

Lần cuối cùng trong thế kỷ thứ 20, thì sau thời gian nước nhà thực sự được hoàn toàn độc lập, thống nhất, thì lại cũng có phát sinh ra phong trào di dân sang đất Cam-Bốt và Lào để lập nghiệp kinh tế nữa. Còn thời điểm bây giờ là thời kỳ toàn cầu hóa, mà ba nước thuộc địa Đông-Dương cũ đang cùng nhau bước chân trên cửa ngõ đi vào nền kinh tế thị trường. Cho nên, con số di dân qua lại có nhiều cơ hội tăng lên rất nhanh. Bên cạnh đó, số công nhân lao động làm việc quanh vùng Á-Đông như Nhật-Bản, Nam-Hàn, Đài-Loan, Mã-Lai cũng được ghi nhận có chiều hướng tăng lên nhiều hơn sau mỗi đợt thống kê so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ cần nhìn lại tính riêng tại hòn đảo Đài-Loan vào giữa năm 2005, thì đã có tới gần 182.000 kiều bào cư ngụ ở nơi đây dưới dạng công nhân lao động, và làm cô dâu cho các gia đình bản địa qua các cuộc hôn nhân mai mối (nhưng cuối năm thì số lượng đó lại giảm đi). Kế đó là tại Mã-Lai có khoảng 90.000 công nhân kiều bào, Nam-Hàn có khoảng 25.000 công nhân kiều bào v.v.

Và bây giờ, nếu không đề cập tới trường hợp của đoàn người hậu duệ dưới thời nhà Lý đã vượt biên sang định cư ở tại Cao-Ly, thì người ta có thể nói rằng:

- Cộng đồng Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài được thành hình lần đầu tiên là từ ở khoảng cuối thế kỷ thứ 17, khi có đoàn quân và những gia đình theo chân nhà Nguyễn bôn ba đào tẩu sang ẩn náu tại đất Xiêm-La (Thái-Lan).

- Cộng đồng Người Việt-Nam ỞNước Ngoài thành hình lần thứ nhì, được đánh dấu bằng những hình ảnh của hàng chục vạn người lính thợ Pháp sang tham chiến trong hai trận thế giới chiến, cũng như số đông cu-li được tuyển mộ sang làm phu cạo mủ cao su trong các đồn điền ở Tân-Đảo. Trở lại bối cảnh sau thế chiến thứ nhất bùng nổ, thì có con số ít vài trăm sinh viên Việt-Nam, có phương tiện xuất dương du học tại Pháp. Sau hiệp định Genève ngày 20-7-1954, thì trong đoàn quân viễn chinh của Pháp trở về cố quốc, cũng đã có mang theo con số hàng ngàn binh sĩ lính Tây và gia đình của họ gốc Việt-Nam rặc, đem về định cư tại khu Sainte-Livrade (Bordeaux). Và cũng sau những ngày nầy, thì ảnh hưởng về chính trị của Hoa-kỳ đã bắt đầu bén rễ tại miền Nam Việt-Nam, cho nên có phong trào du học sinh sang Mỹ bắt đầu. Còn nữa, trong thời gian chiến tranh tại miền Nam Việt-Nam bột phát, thì cũng có hàng ngàn người Việt đã tìm bằng mọi cách để được nhập cảnh vào xứ Pháp, rồi sau đó ở lại luôn kiếm việc làm sinh nhai.

- Cuối cùng, trong những hình ảnh của cộng đồng kiều bào xảy ra gần nhất từ năm 1975, là hầu hết các Pháp-kiều gốc Việt và các con lai Pháp-Việt, con lai Mỹ-Việt hồi hương. Cộng thêm vào đó là cuộc di tản chiến tranh, các đợt thuyền nhân và các chương trình thỏa hiệp đoàn tụ gia đình, và các phong trào đi ra nước ngoài lập nghiệp kế tiếp sau nầy. Vả lại, nếu muốn nói thêm trở lại cho rõ ngọn ngành, thì người ta không quên là suốt thời kỳ thuộc địa Đông-Dương (Việt-Miên-Lào) khoảng từ đầu thế kỷ thứ 20, thì lần lần đã có dấu chân người Việt di dân sang đất Chùa-Tháp để lập nghiệp trong điều kiện rất dễ dàng. Và cũng như ở tại Lào, số công chức Việt-Nam trong guồng máy cai trị của Pháp được phái sang làm việc tại Cam-Bốt cũng khá đông đảo.

Tiếp nối cho sự thành hình của một bức tranh còn dang dở, sẽ là những hình ảnh của các phong trào sinh viên du học ngày càng đông hơn, những đợt xuất cảnh công nhân lao động từ nay đã được nối dài từ Á-Châu, Âu-Châu sang tận đến Mỹ-Châu, Phi-Châu.

Rồi đúng vào thời điểm không gian, mà Việt-Nam hoàn toàn mở cửa hội nhập giao lưu toàn cầu cùng với đại gia đình trên thế giới, thì đó cũng là lúc mà cuộc sống của tập thể kiều bào đã dần dần được đi vào trật tự của khuôn khổ luật pháp xã hội địa phương nơi họ đang cư ngụ.

Tóm lại, hiện nay tất cả những người Việt chánh tông đã và đang có mặt ở khắp các nước ngoài, những Việt-kiều cư ngụ lâu đời ở tại Thái-Lan, hoặc vừa mới sang Lào hay Cam-Bốt. Và những người Việt có mang trong mình hai dòng máu chủng tộc được tập trung thành từng nhóm nhỏ đang ở trong thị thành hay sống rải rác ở làng mạc khắp nơi trên thế giới, đều được gọi chung là hình ảnh thực thể của cộng đồng Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài.
 

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG
(Paris)
*****************************