Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [  Tác giả

Nhà Thờ Đức Bà Paris 
(Notre Dame de Paris)
France 
 

Sóng Việt Đàm Giang biên soạn 

Nhà Thờ Đức Bà
(Phía sau)
Nhà thờ Đức Bà tại Paris, Pháp quốc, là một trong những nhà thờ nổi tiếng trên toàn thế giới. Lịch sử nhà thờ được ghi lại rất nhiều trên cả trăm ngàn trang điện tử qua nhiều thứ tiếng. Qua nhiều thăng trầm nhà Thờ Đức Bà vào đầu thế kỷ thứ 19 là một di tích đáng thương qua những tàn phá của thời gian và chiến tranh. Nhưng như có một phép lạ, vào năm 1831 văn hào Victor Hugo viết cuốn sách chuyện Chàng Gù Nhà thờ Đức Bà, và chính ông đã là động lực gây sự kêu gọi chính quyền tu bổ di tích lịch sử quan trọng này của thành phố Paris. Cuốn sách được tán thưởng nhiệt liệt và chỉ trong một thời gian ngắn sau đó kiến trúc sư Viollet-Le-duc đã được đô thành mướn để trùng tu nhà thờ.

Tóm lược lịch sử Nhà thờ Notre Dame de Paris.

Nhà thờ Đức Bà Paris, một nhà thờ Thiên Chúa giáo nằm ở phía tây của đảo Ile de la Cité giữa dòng sông Seine, trong quận 4 của thành phố Paris, Pháp, mang biểu trưng cho kiến trúc Gothic, được xây dựng bắt đầu từ năm 1163 do ông Maurice de Sully, Giám mục của thành phố Paris khởi xướng vào năm 1160 dưới thời trị vì của vua Louis XII.

Giám mục Maurice de Sully đã thấy được công trình hoàn tất những phần chính như chính điện, hành lang chính điện, hai cánh cuối, hai gian bên và một phần mặt ngoài cửa chính hướng Tây. Năm 1196, Giám mục Eudes de Sully tiếp tục cho hoàn tất mặt ngoài, hai gian đầu của nhà thờ, hành lang thượng, hai tháp mặt tiền phía Tây. Việc xây dựng kéo dài từ năm 1163 đến sau năm 1300 mới được coi như hoàn tất.

Nhà thờ Đức Bà mới với kiểu kiến trúc Gothic đã xây trên khoảng đất san bằng của nhà thờ Cơ Đốc Sainte Etienne (St Stephens) trước đó. Nhà thờ Cơ Đốc St Stephens này lại là thoát hình từ nguyên thủy của một cái đền theo kiểu Pháp cổ-Lamã (gallo-romain), rồi một đền Công giáo rồi biến hình thành Nhà thờ cấu trúc kiểu Latin Sainte Etienne. Sau cùng, nhà thờ mới có tên là Nhà Thờ Đức Bà từ sự hoàn toàn cống hiến cho Đức Mẹ.

Nhà thờ có chiều dài 130 m, chiều ngang 48 m, có thể chứa đuợc từ 6500 đến 8000 người. Ðược xem như một thời cực thịnh của Cơ Đốc giáo, dân chúng thành phố Paris thời đó dốc lòng ủng hộ tài chính và nhân lực.

Kiến trúc Gothic

Kiến trúc Gothic là một hình thể kiến trúc rất thịnh vào giữa và cuối thời kỳ Trung cổ. Nó là chuyển tiếp giữa kiến trúc La mã và kiến trúc thời Phục hưng

Đặc điểm tiêu biểu của kiến trúc Gothic là có khung vòm nhọn (pointed arch), có sườn chống đỡ khung vòm trần nhà (ribbed vault)và có cuốn bay -cột trụ vòng cung áp tuờng chịu đựng ở phía ngoài (flying buttress). Kiểu kiến trúc này nhấn mạnh vào những hình khối cao theo chiều thẳng đứng, những cột thanh, và có trần cao. Nhờ kiến trúc mái vòng cung đầu nhọn, cộng với hệ thống cửa sổ bằng kính lớn nên những ngôi nhà thờ theo kiến trúc này có nhiều ánh sáng.

Những đặc điểm chính của kiến trúc Gothic như sau:

- Thường có chiều cao từ 38-42 mét, riêng tòa tháp có thể cao đến 60m, cửa sổ kính mầu ở mặt cửa vào chính phía tây có thể lớn tới 8-12 mét.

- Công trình kiến trúc với nhiều cửa sổ rộng, đón ánh sáng vào bên trong nhà thờ.
- Có thể có cửa sổ kính tròn rất lớn làm bằng kính ở mặt Tây, và hai bên cánh Nam và Bắc.
- Mặt Tây có cửa vào được trang trí lộng lẫy nhất; ở phần Hậu cung phía Đông thường có những gian thờ nửa đường tròn.
- Chiều cao của nhà thờ kiểu Gothic là do chiều cao thật cộng chiều cao do ảo giác, ảo giác này là do những cột cuốn, gờ sống và vòm trần gây nên.

Mặt đứng phía Tây (mặt chính) của kiến trúc nhà thờ Gothic tuân theo những quy chế như từ dưới lên trên được chia làm ba tầng: tầng dưới cùng là cửa, thường có ba hốc cửa rất sâu và cao. Tầng giữa ở chính giữa có cửa sổ tròn to bằng kính tô điểm màu sắc; tầng ba trên cùng có hai vòm cuốn lớn, hành lang và hai tòa tháp chuông. Mặt sau là một ngọn tháp cao 90m.

Hệ thống kiến trúc nhà thờ Gothic là một hệ thống không gian lớn, dùng khung chịu lực bên trong và bên ngoài, tách biệt rõ rệt giữa cấu trúc chịu lực và cấu trúc ngăn cách; với những phần chính từ trần mái đổ xuống gồm vòm mái hình múi có gờ, cuộn nhọn có múi đỡ, và cuốn bay chịu đựng phía ngoài.

Nhà thờ Đức Bà là một trong những công trình đầu tiên xây cất với cuốn bay hay gọi là những cột trụ vòng cung áp tường chịu đựng phía ngoài (flying buttress). Cuốn bay là một thành phần quan trọng của hệ thống cấu trúc nhà thờ Gothic, chia xẻ với cột tải trọng lượng của vòm trần, làm giảm tiết diện của cột đỡ khiến cho tòa nhà có nhiều chỗ để dựng cửa sổ lớn. Cấu trúc cuốn bay bao gồm những cái đà nghiêng trong không trung và những bệ cột đứng. Cuốn bay, trải rộng đến 15 m, cũng giống như những cột trụ phụ lực, được xây dựng dùng để đỡ những lực đạp ở mặt bên. Cuốn bay cũng góp phần liên kết giữa nhịp lớn ở giữa và nhịp biên, mang lại kiến trúc rất đẹp và lạ khi nhìn toàn diện nhà thờ ở phía sau.
 

Cửa trái (bắc) mặt Tây có khung 
Cấu trúc mặt sau (đông)
Thánh Denise ôm đầu

Hệ thống kết cấu nhà thờ kiểu Gothic tiết kiệm được nhiều vật liệu cho nhà vòm, chiều dày của vòm mỏng hơn, chỉ còn khoảng 25-30cm, vòm mái hình múi có sống còn hết hợp được nhiều loại mặt bằng khác nhau.

Một chút chi tiết về nhà thờ Đức Bà Paris. Kích thước nhà thờ Notre Dame.

Chiều dài: 130 m/427 ft long
Transept dài: 2.25 m/14 ft
Chiều rộng: 48 m/158 ft wide
Nóc mái cao: 43 m
Trần nhà vòm: 35 m/115 ft
Chiều cao tháp nhọn đằng sau: 96 m
Chiều cao tháp đôi: 69 m/226ft

Cửa khung nhọn cao trên 16 m/50ft 
Chuông tháp phía Nam: 13 tons, lưỡi chuông nặng 500kg

Tất cả nhà thờ rộng khoảng: 4,800 m²
Đường kính hai cửa kính tròn hai phía nam và bắc là 13.1 m/42½ ft
Đường kính cửa hồng tròn chánh tây là: 9.70 m.

Ước lượng số gỗ cây sồi để làm nhà thờ là 1,300 cây, cỡ 21 hecta rừng.

Nhà thờ có kiến trúc cửa mặt chính hướng Tây, mặt hậu hướng Đông. Phía mặt tiền nhà thờ (hướng Tây) có một cấu trúc thăng bằng. Ba cửa lớn không bằng nhau, cửa giữa cao nhất và rộng hơn hai cửa kia. Cửa bên trái có khung. Sáu cánh cửa lớn được trang trí bằng những cốt sắt uốn nắn và những hình tượng các thánh điêu khắc trên cạnh những vòm cong. Phía trên ba khung cửa lớn ở ngoài mặt tiền nhà thờ, có một hàng 28 bức tượng đặt trong hốc hiện thân của những vua Judah và Do Thái. Năm 1793 nhóm cách mạng lâm thời lật đổ vương quyền, họ tưởng những tượng đá trên là biểu tượng của vua chúa Pháp, nên mang chặt đầu trước sân nhà thờ và đập phá một số tượng khác. Những phá hủy này đã được kiến trúc sư đảm trách trùng tu Nhà thờ tên Eugène Emmanuel Viollet-le-Duc sửa chữa và tu bổ lại như thấy hiện nay.

Cửa vòm phía bên trái của mặt tiền chính Tây (cửa góc tây bắc) là cửa của Đức Mẹ Đồng Trinh, mô tả cảnh Hoàng đạo (Zodiac) và cảnh đăng quang của Đức mẹ. Phần cửa giữa có Cảnh Phán Xét Cuối Cùng (Last Judgment) chia làm ba tầng, tầng thấp nhất miêu tả thói xấu và tính tốt, tầng giữa có cảnh chúa Jesus cùng các Tông đồ, tầng trên cùng là cảnh khải hoàn của Chúa sau khi Phục Sinh. Phần cửa bên phải là cửa Thánh Anne, diễn tả cảnh Đức mẹ và Chúa Hài đồng lên ngôi Vương. Bên góc trái phía sau cửa tây bắc là một cầu thang có 402 bậc dẫn lên tháp chuông, nơi mà văn hào Victor Hugo đã viết nên câu chuyện Chàng Gù Nhà Thờ Đức Bà. Tháp phía tây nam (bên phải) là nơi để một cái chuông lớn tên Emmanuel cân nặng 13,000kg và một cây để rung chuông nặng 500kg.

Ba cửa chính (Tây)
Cửa Nam Hoa hồng
Cửa Bắc (Quasimodo)
Nói chung, nhà thờ hay Thánh đường Cơ đốc giáo thường có sàn cấu trúc như hình dấu thánh giá. Đầu thánh giá hướng về phương Đông/East (hướng về Jerusalem). Phần transept là phần đi ngang qua thân chính của nhà thờ với cánh bắc và cánh nam, đôi khi có cửa. Chân của dấu thập thánh giá nằm cuối phương Tây/West, là nơi có đặt cửa vào chính điện.
 
   
Vào thời xa xưa, đạo giáo có một uy thế quan trọng trong xã hội, những biến cố quan trọng đều cần có sự thông qua bằng một buổi lễ hợp thức hóa tại nhà thờ. Trong lịch sử lễ hội tại nhà thờ Đức Bà là những buổi lễ hoàn toàn có tính cách tôn giáo như đăng quang Đức Giám Mục, Giáo hoàng, cử hành hôn lễ, cầu nguyện danh nhân qua đời v.v.., nhà thờ Đức Bà còn nơi tuyên bố trắng án tà đạo và tha bổng nữ anh hùng dân tộc Pháp Joan of Arc (07-July 1456). Một trong những sự kiện lịch sử quan trọng là lễ lên ngôi vua của Napoleon ngày 02/12/1804 do đức Giáo hoành Pius VII cử lễ. Lễ đăng quang của Napoleon đã được họa sĩ Jacque Louis David vẽ lại trong một bức họa vĩ đại vào năm 1807, hiện nay trưng tại viện bảo tàng Louvre (ngoài ra còn một bản thứ hai thực hiện trong những ngày J.L. David lưu vong hiện trưng tại Điện Versailles). Cũng tại nhà thờ này mà Jean of Arc được phong thánh chức vào ngày 16 tháng 5, năm 1920.
 
Đức Mẹ
Lễ Đăng Quang Napoleon
Thánh Joan of Arc
Chuyện "Chàng Gù Nhà Thờ Đức Bà" của Victor Hugo

Chàng Gù Nhà Thờ Đức Bà là một cuốn chuyện tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Victor Hugo viết bắt đầu từ năm 1829 và hoàn tất vào tháng Hai năm 1831, đề cập tới đời sống dưới thời Vua Louis XI (1423-1483). Cuốn truyện đã lên án xã hội, đã chồng chất các đau khổ lên đầu các nạn nhân, điển hình là chàng gù Quasimodo và người con gái gypsy tên là Esmeralda. Dưới đây là phần tóm tắt cốt chuyện.

Câu chuyện kể bắt đầu vào ngày Lễ những kẻ Điên (Feast of Fools) vào đầu năm 1482 tại Paris, Pháp với nhân vật chính Quasimodo -một chàng gù hình dạng bất thường, khuôn mặt quái dị và là kẻ rung chuông Nhà thờ Đức Bà, được bầu làm Giáo hoàng của những kẻ Điên.

Chuyện chuyển qua giới thiệu nhân vật thứ hai, cô gái dân du mục Gypsy tên Esmeralda, một thiếu nữ xinh đẹp, có trái tim rộng lượng, tốt bụng được nhiều đàn ông ngưỡng mộ như Captain Phoebus, nhà thơ nghèo không nhà cửa Pierre Gringoire, và Quasimodo, cùng ngay cả người cha đỡ đầu nuôi duỡng Quasimodo là Claude Frollo, Phó Chủ giáo (Archdecon) của nhà thờ Notre Dame. Frollo bị dằng xé giữa tình yêu ám ảnh tội lỗi với Esmeralda và luật lệ nghiêm khắc của giáo hội, ông ra lệnh Quasimodo bắt cóc nàng nhưng chàng gù không may bị Phoebus và lính canh bắt được đồng thời cứu thoát Esmeralda.

Vì tội bắt cóc Esmeralda, Quasimodo bị xử tội phát 50 roi quất và phải quay bánh xe nặng giữa công trường cho dân chúng xem cộng thêm một giờ giăng nắng. Đau đớn và khát nước, Quasimodo kêu gào xin nước và nàng Esmeralda động lòng trắc ẩn mang nước cho uống. Quasimodo từ đó hoàn toàn tri ân và ngưỡng vọng nàng.

Chuyện cũng kể về Pierre Gringoire vì hoàn cảnh đã bị nhóm dân du mục bắt và vì không muốn Gringoire bị treo cổ nên Esmeralda đã nhận lời lấy Gringore làm chồng hờ.

Esmeralda sau khi được Phoebus cứu thì tri ân và mê anh ta. Frollo theo dõi Esmeralda và biết Esmeralda và Phoebus có tình ý với nhau. Frollo ghen tuông điên cuồng nên sai người giết Phoebus khi hai người hẹn hò gặp nhau và sắp sửa ân ái làm Phoebus suýt chết. Sau đó Esmeralda bị kết tội âm mưu giết Phoebus và bị xử án chết bởi treo cổ. Khi Esmeralda đứng trên đài xử quyết thì Quasimodo đu dây thừng từ Nhà thờ, cứu nàng, và mang nàng trú ẩn trong nhà thờ, như thế Esmeralda được bảo vệ dưới luật hộ quyền bất khả xâm phạm.

Frollo sau đó báo cho Gringoire biết rằng Nghị viện đã có quyết định trục xuất Esmaralda ra khỏi Nhà thờ và nàng sẽ bị tử hình. Thủ lãnh của nhóm du thủ du thực Truands (nhóm này bị xem như những kẻ tội phạm), tên Clopin nghe được tin này nên đã tìm cách hô hào cả nhóm bao vây, tấn công Nhà thờ để cứu nàng.

Nhưng Quasimodo nghĩ rằng nhóm bạo động muốn hại Esmeralda nên anh ta hết sức chống lại để bảo vệ nàng. Ngược lại, anh ta nghĩ rằng người của nhà Vua muốn cứu nàng nên đã giúp họ tìm Esmeralda. Frollo cứu Esmeralda thoát khỏi đám đông nhưng vì nàng nhất quyết cự tuyệt tình yêu của Frollo nên bị Frollo trao cho nhóm quân lính bắt giữ và sau đó Frollo đứng trên cao từ trong Nhà Thờ nhìn nàng đang bị hành quyết ở phía xa. Khi Frollo đang cười như điên cuồng trong đau khổ thì bị Quasimodo đẩy từ trên cao Nhà thờ xuống mặt đất chết ngay. Quasimodo sau đó tìm đến nơi để xác Esmeralda sau khi hành quyết, nằm cạnh nàng không rời cho đến chết. Khoảng 18 tháng sau khi khu hành quyết được mở ra thì người ta thấy chỉ còn xuơng. Khi có người muốn gỡ rời hai bộ xương ra thì thì xương Quasimodo biết thành bụi.

Cuốn tiểu thuyết Chàng Gù Nhà Thờ Đức Bà là cuốn sách đầu tiên viết bao quanh cuộc đời từ vua nước Pháp cho đến chuột cống rãnh Paris. Victor Hugo đã diễn tả câu chuyện như một kịch trường vĩ đại về lịch sử thời đó, hiện thân qua bối cảnh nhà thờ, xã hội như nhân chứng và chủ xướng thầm lặng. Đây cũng là cuốn chuyện đầu tiên nói đến những kẻ nghèo hèn, hành khất, những kẻ bị coi như thành phần bất hảo, được xem như là những kẻ chủ xướng.

Cuốn tiểu thuyết ra mắt năm 1831 đã thu hút quần chúng mãnh liệt và là động lực khơi mào sự tu bổ những kiến trúc bị tổn hại theo thời gian và chiến tranh. Tối hậu đã dẫn đến sự trùng tu và xây dựng một kho để Thánh vật cho Nhà Thờ Paris vào giữa thế kỷ thứ 19 bởi chính quyền thời vua King Louis-Philippe I. Công việc trùng tu được giao cho Kiến Trúc sư Jean-Baptiste Lassus và Eugene Viollet-le-Duc thực hiện bắt đầu vào năm 1844. Sau khi Lassus qua đời năm 1857 thì Viollet-le-Duc là người duy nhất tiếp tục công việc.

Viollet-le-Duc là một người có đầu óc phóng khoáng, ông đã có lời như sau: "bảo trì, tu bổ một tòa nhà lớn không phải chỉ là duy trì nó, sửa chữa nó, hay làm lại nó, mà là công việc tái thiết lập để nó trở nên một trạng thái hoàn tất có thể chưa từng hiện hữu ở một thời điểm nhất định nào đó".

Viollet Le-duc đã biến một Nhà Thơ đổ nát điêu tàn thành một nhà thờ như chúng ta hiện thấy.

Ngoài những máng xối thoát nước có hình thú hả miệng (gargoyles) ra thì kiến trúc sư Villolet Le-Duc thêm vào một số quái vật mình sư tử đầu thú (chimieres) được trưng ở tầng hai giữa hai tòa tháp. Một tòa tháp nhọn ở phía đông của nhà thờ cao 90 m cũng được xây lại. Một vài điểm lý thú chung quanh công việc tu bổ bảo trì Nhà Thờ Notre Dame của Le-Duc đã được biết đến. Chung quanh ngọn tháp nhọn cao vút này có trưng tượng của nhiều thánh. Tất cả các tượng đều quay lưng vào tháp nhọn, hướng mặt xuống phía dưới, riêng một tượng ở cửa Nam (tượng St Thomas) thì trong tay phải cầm một thước vuông, lại quay mặt nhìn lên ngọn tháp mà khuôn mặt thánh này giống kiến trúc sư Le-Duc. Mời quan sát hình đính kèm xem có đúng không nhé.
 

Tượng Các Thánh
Thánh Thomas
Viollet-le-Duc
Tượng Quasimodo (*)
Mốc Zero km

(*) Tượng Quasimodo có thể thấy trong hậu cảnh tấm hình cửa Bắc phía trên

Ông Le-duc là một người rất hâm mộ chuyện của Victor Hugo với Chàng Gù Nhà Thờ Đức Bà. Chúng ta có thể đã biết như trên rằng Le-Duc là người đã xây cái ngọn tháp cao vút (spire), và có tượng thánh St Thomas, tay cầm một cái thước vuông, ngửng mặt ngưỡng mộ nhìn lên ngọn tháp, công trình xây dựng của chính ông, mà khuôn mặt thánh St Thomas giống hệt khuôn mặt của Le-Duc; nhưng có mấy ai biết rằng trên một góc vách cao bên cửa Bắc (trên Rue du Cloitre Notre Dame) có hình một tượng bán thân nhân vật gù Quasimodo trong chuyện Chàng Gù nhà thờ Đức Bà ? Và tượng này được đặt ở đó sau khi Le-duc đã hoàn tất việc tu trì nhà thờ Notre Dame ? Tượng Quasimodo rất nhỏ, nằm trên cao và lại ở trong góc giữa hai bức tường nên ít ai chú ý đến.
 

Chàng Gù Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris)

Nhà thờ cổ kính tại Paris
Có chuyện chàng gù thật dị kỳ
Ẩn náu đời buồn đầy tuyệt vọng
Yêu thầm chết thảm ngập lâm li.
Hugo viết chuyện tình lưu vết (1)
Le-Duc tu trì dấu vẫn ghi (2)
Góc vách cheo leo nhìn tuyệt vọng
Ngày đêm nắng gió hứng sầu bi.
          Sóng Việt Đàm Giang
          01/17/2013

(1) Victor Hugo
(2) Eugène Emmanuel Viollet-le-Duc

Tưởng cũng nên nhắc đến cái mốc tròn có ghi là mốc zero km nằm ở công trường phía trước nhà thờ; tất cả các khoảng cách từ Paris đi các nơi trong nước Pháp đều được đo từ mốc này. Và gần đây nhà thờ cũng đã được thay một loạt chuông mới vào dịp lễ Phục sinh năm 2013.

Tạm Kết

Tóm lại, nhà thờ Notre Dame là một nơi mà hầu như mọi người đến Paris đều ghé thăm.

Cũng như tại nhiều di tích lịch sử khác, công trình tu bổ bảo trì luôn luôn được tiếp diễn từ năm này sang năm khác, tháng này sang tháng khác. Đi thăm Notre Dame, ngoài chụp hình để kỷ niệm, chúng ta nên dành thì giờ để thăm viếng, quan sát kỹ lưỡng những hình ảnh tiêu biểu lịch sử của nhà thờ từ chung quanh bên ngoài, đến bên trong với những vòm trần, tượng thánh, cửa kính màu cùng lắng nghe chuông gióng trầm bổng tuyệt vời. Notre Dame de Paris là một địa danh sống mãi trong lòng tất cả những người yêu mến Paris.

Sóng Việt Đàm Giang
(Hè 2013)
Ghi chú. Hình bản đồ Nhà thờ và ông Le-Duc thu thập trên Wikipedia/internet. Số hình còn lại thuộc bộ hình riêng của người viết.

Lịch sử Nhà thờ Notre Dame một phần thu thập ngày 28 May, 2013/ trích dịch từ trang: http://www.notredamedeparis.fr/spip.php?article380



 

 

 

1