Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Thương nhớ
Phan-Thiết (Bình-Thuận)
"quê hương đất nước con người"

****


Bãi cát thiên nhiên ở Bàu Trắng

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG
(Paris)
 
Trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, chiếc tàu "Thống-Nhất" lưu thông theo lộ trình thường xuyên thì phải ngừng lại ở tại nhà ga Mương-Mán cách thành phố Phan-Thiết 12km, để phục vụ đón đưa những hành khách đi đường từng đã hoặc sẽ đặt dấu chân kỷ niệm lên miền quê hương nước mắm. Nói cách khác, kể từ ngày Phan-Thiết biết cựa mình thức giấc để phát triển, mở mang trở thành một vùng đất du lịch, thì giờ đây, đã có thêm hơn hàng con số triệu du khách bốn phương tìm dịp đến nơi nầy để tham quan các thắng cảnh nổi tiếng bằng với những lộ trình, và bằng với nhiều phương tiện khác nhau.

Ngược dòng thời gian, nếu ngày xưa phần đông người ta thường nói hình ảnh của cái tĩn nước mắm là biểu tượng cho vùng đất Phan-Thiết, thì ngày nay biểu tượng đó đã bị thay đổi vào bằng với những màu sắc kỳ quan đa dạng khác mang tính chất thiên nhiên có vẻ đẹp nên thơ, thừa sức để quyến rũ được thị hiếu của rất nhiều người. Theo tổ chức hành chánh vào năm 1999, thì thị xã Phan-Thiết đã được nâng cấp trở thành thành phố trung tâm của tỉnh Bình-Thuận, và gồm có 14 phường, 4 xã. Về địa lý, thì nó nằm ở miền duyên hải cực Nam của miền Trung có diện tích tự nhiên là 206,45km2 (đang dự trù mở rộng lên thêm 276,270km2 vào năm 2015 cùng con số đầu người tăng theo ước lượng là 312.000) với chiều dài ven bờ biển là 57,40km, và chiều dài của quốc lộ 1A xuyên qua địa phận là 7km. Phan-Thiết nằm cách Nha-Trang chừng 250km, cách Hồ-Chí-Minh chừng gần 200km và cách Hà-Nội 1518km theo đường bộ. Ngoài ra, Phan-Thiết còn có quốc lộ 55 đi tới Vũng-Tàu, quốc lộ 28 nối liền với miền đất ở cao nguyên. Và nếu muốn nói theo cách khác, thì vùng đất Phan-Thiết cũng nằm cùng trên vĩ độ với rặng núi đoạn cuối cùng của dãy Trường-Sơn ở tận xa về phía Tây.

Và như ai cũng biết, tỉnh Bình-Thuận xưa kia vốn là dải đất cuối cùng của vương quốc Chămpa nhưng về sau lại được sáp nhập vĩnh viễn vào Đại-Việt. Do vậy, cho nên bây giờ những di tích của các ngôi tháp Chàm còn ở quanh vùng chính là dấu ấn rực rỡ biểu tượng cho nền văn minh, văn hóa ở địa phương từng đã có một bề dày lịch sử vàng son trong thời kỳ quá khứ. Tuy nhiên, chừng nửa thế kỷ trước đây thì ít có ai có thể nghĩ ra rằng trong tương lai, thì các ngôi tháp Chàm đó sẽ là một kho tàng quý hiếm để thu hút con số du khách ở khắp mọi nơi tìm đến để vui thú tham quan.


Tháp Chàm Po-Sah-Inư ỏ cạnh núi Ngọc-Sơn

Và cũng không được biết có phải là do sự ngẫu nhiên nào mà sau một sự kiện nhật thực hi hữu, thì người ta mới nhận thấy ra rằng tiềm năng du lịch của mảnh đất Phan-Thiết rất là phong phú. Ngày nhật thực toàn phần ấy xảy ra vào ngày 24-10-1995, lúc bấy giờ, các nhà khoa học về thiên văn được biết chính xác là nếu đứng quan sát ngay tại toạ độ địa dư Mũi Né, hoặc núi Tà-Dôn thì sẽ được nhìn thấy rõ ràng hơn bất cứ chỗ nào hết.Để có thể dễ dàng theo dõi, từ những phút giây hồi hộp diễn biến vô cùng ngoạn mục về hiện tượng tuần hoàn của thiên nhiên kỳ ảo. Và ngày đặc biệt đó cũng là ngày đầu tiên, mà Phan-Thiết đã có dịp được đón nhận một số thành phần du khách người nước ngoài (gồm cả các nhà khoa học, phóng biên bào chí) đến quan sát, nghiên cứu, cùng với hàng vạn người trong nước háo hức kéo nhau đến Mũi Né để quan chiêm.

Từ đó về sau, cái tên của mảnh đất Phan-Thiết đột nhiên bắt đầu được người ta chú ý tìm thấy trong các chương trình quảng bá rầm rộ về du lịch tại những tháp Chàm, các cồn cát trắng tinh hoặc đỏ, đến bãi biển êm đềm có cảnh quan sinh hoạt thuyền chài nhộn nhịp ở tại địa phương nầy. Nơi, mà từ xưa nay từng đã được nổi danh với những làng nghề truyền thống chuyên làm nước mắm.


Các thùng làm nước mắm ngày nay

Hiện giờ, tại những nhà sản xuất làm nước mắm có thương hiệu lớn thì người ta đã cải thiện rất nhiều về điều kiện trong quy trình chế biến theo đúng tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Và cũng như cách phối trí dụng cụ bên ngoài sạch sẽ, làm giảm thiểu rất nhiều về các mùi hôi xông ra từ trong các nhà thùng. Tùy theo bí quyết áp dụng khác nhau của các thương hiệu mà người ta cần phải dùng đến những phụ gia để làm tăng thêm hương vị, sắc màu của nước mắm. Như nào là thính, củ riềng, ớt, quả thơm, nước màu, thậm chí còn có cả ruốc hay ruột cá để thâu ngắn được thời gian trong công đoạn chế biến thành nước mắm. Tuy nhiên, nói chung không riêng gì ở Phan-Thiết mà trong cả nước ta hiện nay, thì nghề làm nước mắm cũng vẫn hãy còn đang áp dụng với phương thức cổ truyền bằng quy trình chế biến thô sơ, kéo dài thời gian cho nên hiệu quả về kinh tế có thể nói là quả thực còn thấp kém.


Tĩn đựng nước mắm ngày xưa

Đối với người VN, nước mắm là một loại ẩm thực quốc túy của dân tộc đã có từ lâu đời vả chủ yếu được làm bằng nguyên liệu hải sản cá và muối. Tuy nhiên, người ta thường dùng những loại cá cơm than vì nó có thân hình nhỏ dễ dàng bị phân rữa mau lẹ, lại thơm ngon và có độ đạm rất cao so với các loại cá khác. Tùy theo công thức chọn lựa trộn pha theo tỉ lệ giữa cá và muối để trong thùng, và khi xong rồi người ta gọi đó là chượp. Phần trên của chượp, thì người ta phủ lên cá kè đã được kết lại thành hình như một tấm chiếu. Kế tiếp, lại rải phủ thêm một lớp muối nữa trước khi cài lên lớp vỉ tre, và sau cùng dùng vật nặng thường là tảng đá để đè xuống. Sau một thời gian gần cả năm, có khi phải chờ đợi lâu hơn nữa để cho thủy phân xong xương cá, thì người ta mới lấy hết được nước mắm ở trong thùng hay trong lu. Nước mắm chảy ra đợt đầu gọi là nước mắm nhỉ, thì lúc nào cũng thơm ngon hơn là các đợt về sau. Hiện nay, tại Phan-Thiết có ba khu vực làng nghề nước mắm ở tại phường Thanh-Hải, phường Hàm-Tiến - Mũi Né và khu chế biến nước mắm có tầm vóc quy mô hơn ở Phú-Bài.


Làng chài ở Mũi Né

Ngày trước, khi người ta có dịp đến Phan-Thiết thì họ sẽ không bao giờ quên lợi dụng ngay cơ hội để mua một vài chai nước mắm đem về nhà. Còn bây giờ thì khác, người ta lại phải tự mình đi tìm đến với Phan-Thiết bằng nhiều phương tiện rồi ở lại đó để nghỉ ngơi, tham quan các thắng cảnh địa phương nổi tiếng ở quanh vùng duyên hải. Đất Phan-Thiết ngày nay đã có những quần thể du lịch thể thao, vượt sóng, leo núi, câu cá, đánh gôn cùng với những khu nghỉ dưỡng hiện đại, các khách sạn cao cấp theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho mọi thành phần du khách.


Bãi biển Hòn Rơm

Đặc biệt, là hình ảnh của khách sạn bốn sao Novotel Phan-Thiết giờ đây bất ngờ được hàng chục triệu người nghe biết tới. Vì nơi đó đã phát sinh ra nguyên nhân cho một câu chuyện tình éo le, trắc trở, và đã trở thành một đề tài thời sự sinh hoạt xã hội vô cùng lý thú, hấp dẫn. Để cho hầu hết mọi người nào thích tò mò, muốn tìm hiểu về cuộc đời của một cậu bé tí hon ở tại địa phương, nay bỗng dưng trong một sớm chiều thì đã trở thành một nhà đại tỉ phú của Việt-Nam hiện đang sinh sống trên đất nước Hoa-Kỳ...


Đây là khách sạn Novotel Phan-Thiết*

Trở lại sự hình thành của dải đất Bình-Thuận kể từ khi được sáp nhập vào Đại-Việt cho đến bây giờ, cho dù đã từng có nhiều nhân vật anh hùng hào kiệt xả thân làm đẹp quê hương, nhưng người ta rất tiếc là đã rất khó tìm thấy chứng tích còn lại được ghi chép một cách rõ ràng trong danh sách người hiền sở tại. Ngoại trừ trường hợp của Nguyễn-Thông (1827-1884), là một nhà danh sĩ trí thức nhiệt tình yêu nước từng giữ chức Phó Đề-Đốc chống giặc xâm lăng Pháp dưới triều vua Tự-Đức. Ông cũng là người từng treo ấn từ quan, vì bất mãn bọn gian thần nhưng vẫn được triều đình trọng dụng lại mời ra phục chức.

Vào năm 1881, sau cùng ông được bổ nhiệm đi làm làm Phó sứ điển nông kiêm Đốc-học tỉnh Bình-Thuận. Các tác phẩm chính của ông để lại cho đời sau gồm có: Việt sử thông giám cương mục khảo lược, Khâm Định nhân sự kim giám, Dương chính lục, Kỳ xuyên thi sao, Kỳ duyên văn sao và Ngọa du sào tập. Ông là người sinh ra ở Gia-Định nhưng qua đời ở tại Bình-Thuận, mộ phần của ông bây giờ nằm ở trên đồi Ngọc-Lâm, dưới chân núi Ngọc-Sơn đối diện với tháp Po-Sah-Inư.

Mặt khác, hầu hết phần đông du khách đến tham quan Phan-Thiết thì chỉ thường được nghe qua nhiều hơn về lịch sử của vương quốc Chămpa hiện còn in dấu ấn bằng những ngôi tháp rêu phong. Nói chung trong toàn tỉnh Bình-Thuận, thì hình như hầu hết mọi người dân đều đã từng làu thông lịch sử văn hóa lâu đời của người Chămpa với nhóm di tích tháp Po-Sah-Inư, đền thờ Po-Klong-Mơhnai và hàng trăm bảo vật cung đình của vua Chăm và hoàng hậu hiện còn lưu lại sau cùng.


Nghệ sĩ Chăm trình diễn văn nghệ

Lịch sử của Chămpa đã có từ năm 192, và sau khi đã trải qua bao thời kỳ hưng phế cho đến thế kỷ thứ 19, thì chỉ có trong giai đoạn (1627-1651) khi chúa Chăm là Po-Rome xưng vương và cưới công chúa Ngọc-Hoa con gái của chúa Nguyễn-Phúc-Nguyên, thì quan hệ ngoại song phương giữa Việt-Chăm được diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, sau một thời gian dài tiếp nối đó thì lại cũng đã có xảy ra nhiều sự xung đột lẫn nhau, và mãi cho đến khi dưới triều đại của vua Minh-Mạng, thì đúng vào năm 1832 chính là cột mốc cuối cùng mà vương quốc Chămpa không còn tồn tại.

Lãnh thổ Chămpa trải qua nhiều thời kỳ

Chămpa
năm 1000
Chămpa
năm 1471
Chămpa
năm 1832

Phan-Thiết ngày nay đang trên đà khởi sắc nhờ lợi thế có ven biển sạch đẹp, có khí hậu quanh năm nắng ấm, có thắng cảnh thiên nhiên và trục giao thông thuận tiện. Cho nên ngay từ đầu thập niên trong thiên niên kỷ thứ ba, thì chính quyền nơi đây cũng đã kịp thời dấy lên một phong trào kêu gọi nhiều dự án đầu tư du lịch. Và nhờ vậy, mà bây giờ bộ mặt thành phố Phan-Thiết đã hoàn toàn khác lạ hơn xưa với nhiều công trình chỉnh trang thành phốkhang trang, mới mẻ như mở rộng được không gian dễ nhìn với hình ảnh náo nhiệt quen thuộc hằng ngày của ba thành phần sắc dân chính là Việt-Chăm-Hoa hòa đồng sinh hoạt nơi phố phường chợ búa. Phần đông du khách người nước ngoài đến đây, thì họ thường thích đi tham quan thành phố bằng xe xích lô đạp. Còn du khách trong nước, thì họ sẽ không bỏ qua dịp để đến tìm thú vui ở khu phố Tây lạ mắt đã dần được thành hình trên con đường Nguyễn-Đình-Chiểu ở khu Hàm-Tiến. Và tìm đến các quán ăn hải sản ngay tại trong châu thành, để thưởng thức các đặc sản như mực một nắng chấm với nước mắm, trái thanh-long, bánh căn, bánh rế, cốm hộc, dông cát nướng sa tế, cùng với các loại gỏi cá mai, cá đục, cá suốt pha trộn theo kiểu địa phương.

Ngoài ra, họ sẽ còn có dịp để được nghe người dân địa phương kể chuyện, giới thiệu ra những ưu thế về con số kỷ lục trên quê hương Bình-Thuận của họ mà không ở nơi nào có.


Bộ xương cá ông dài nhất ở VN

Chẳng hạn như ở đây, là nơi có con số resort và khách sạn nằm trải ra thật dài theo ven biển. Là nơi, có xương cá ông dài 22m, nặng 65 tấn được đánh giá là lớn nhất của VN và của cả vùng Đông-Nam-Á. Là nơi, có thương hiệu nước mắm đầu tiên ở trong nước. Là nơi, có diện tích trồng thanh-long nhiều nhất ở VN. Là nơi, có nước suối khoáng nổi tiếng Vĩnh-Hảo. Là nơi, có bãi đá Cổ-Thạch với nhiều hình dạng sắc màu v.v.


Bãi đá Cổ-Thạch

Sau cùng, là nơi có những đồi cát Mũi Né xinh đẹp luôn luôn thay hình đổi dạng bên cạnh bể khơi màu xanh lục quyện cùng trời đất bao la.


Đồi cát bay ở Mũi Né

Từ lâu, có rất nhiều du khách từng đi ra tham quan Phan-Thiết nhưng họ chỉ biết có Mũi Né chứ chưa hề lê gót chân vào thành phố Phan-Thiết bao giờ. Sự kiện nầy thực ra cũng chẳng có gì là lạ, vì họ chỉ đi theo tour ngắn một ngày, cho nên họ cần phải cố tranh thủ thời gian để tìm hiểu, mục kích về các thắng cảnh ở quanh vùng hơn là có nhu cầu cần phải đi vào thăm viếng thành phố. Hơn thế nữa, vì một khi đã đến với Mũi Né rồi thì họ kể như đã bị lôi cuốn vào trong các cảnh quan thiên nhiên bên cạnh bầu không khí trong lành. Theo vị trí địa hình, thì Mũi Né nằm ở về phía Đông-Bắc của Phan-Thiết và cách trung tâm thành phố 22 km. Từ một nơi duyên hải hoang vắng, lác đác chỉ có vài xóm dân chài nghèo cùng với những đồi cát đỏ không thuận tiện về mặt giao thông. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, Mũi Né đã vươn mình phát triển rất nhanh và trở thành một trung tâm du lịch nổi tiếng hàng đầu ở Phan-Thiết, và cũng là một địa điểm du lịch có tầm vóc quốc gia được rất nhiều du khách kể cả người nước ngoài tìm đến để nghỉ ngơi, thư dãn. Mũi Né ngày nay được coi như là một đứa con cưng, và cũng là một phường giàu có nhất của thành phố Phan-Thiết.


Bãi biển Đồi Dương cạnh trung tâm thành phố Phan-Thiết

Và bây giờ nói riêng về mặt khác, tuy ngày nay đặc sản của địa phương là nước mắm Phan-Thiết từng đã bị nước mắm Phú-Quốc cạnh tranh ráo riết trên thương trường. Nhưng lợi thế của nước mắm Phan-Thiết là đã có mặt lâu đời, và ở trên đất liền có trục giao thông thuận tiện, nên đã có dịp gần gũi hơn đối với thành phần du khách nước ngoài biết tới nhiều hơn dù họ không mua. Ngoài ra, còn đối với du khách trong nước trước khi du hành tới Phan-Thiết, thì họ lại biết thêm chi tiết còn có nhiều chỗ khác nữa mà họ sẽ tìm đến tham quan như nào là: tháp nước Phan-Thiết, tháp Po-sah-Inư, tháp Chăm Phố-Hài, mộ tiền hiền Nguyễn-Thông, trường Dục-Thanh, lầu ông Hoàng, bãi đá ông Địa, ngọn hải đăng Kê-Gà, Hòn Rơm, đồi cát Mũi Né, núi Tà-Cú, suối nước khoáng Vĩnh-Hảo, đảo Phú-Quý v.v. Và họ cũng đã từng có nghe qua về giai thoại của một câu chuyện tình buồn ngày xưa ở địa phương nầy của nhà thơ Hàn-Mạc-Tử, mà bây giờ xác thân của ông hiện an nghỉ nghìn thu ở tại tận Ghềnh-Ráng, Qui-Nhơn.


Ngọn hải đăng Kê-Gà

Hơn thế nữa, họ còn biết cả thời điểm nào để chọn đi tham quan đúng vào các dịp có xảy ra lễ hội mừng Xuân ở trên sông Cà-Ty của người Kinh, lễ hội Nghinh Ông của người Hoa và lễ hội Katê của người Chăm ở tại địa phương nầy.


Lễ hội Katê của người Chăm

Theo nguồn tin thống kê của sở VHTTDL tại địa phương, thì trong năm 2012 vừa rồi, toàn tỉnh Bình-Thuận đã đón nhận được 3,141 triệu lượt du khách, đạt doanh thu 4.358 tỉ đồng. Trong đó có khoảng 341.160 lượt du khách nước ngoài, chủ yếu họ chỉ đến Phan-Thiết và khu vực Mũi Né.


Biển ở đảo Phú-Quý

Ngoài ra, từ gần thập niên trở lại đây thì Bình-Thuận cũng đã thực hiện kế hoạch khai thác tốt đẹp ngành công nghiệp dầu khí trên các mỏ dầu Emerald, Ruby, Rạng Đông, Sư Tử Trắng, Sư Tử Nâu, Sư Tử Vàng, Sư Tử Đen và còn đang tiếp tục thăm dò tìm các mỏ dầu khác ở quanh vùng. Riêng mỏ dầu Sư Tử Đen, thì có trữ lượng dầu rất lớn nhất và hiện nay mỗi ngày có thể khai thác lên tới 90.000 thùng dầu thô.


Giàn khoan dầu

Còn về đảo Phú-Quý từ lâu cũng được nằm trong khu quy hoạch xây dựng lên một hệ thống chế biến dầu, dự trữ dầu thô và nhựa làm đường. Hơn thế nữa, tuy thời điểm bén nhạy nầy làm cho ngành nghề đánh bắt hải sản thường gặp phải ít nhiều trở ngại khó khăn, nhưng người dân chài địa phương cũng quyết liên kết bám biển thành lập các tổ, đội để hỗ trợ cho nhau khi gặp phải vấn đề. Và cảng Phú-Quý hằng ngày đều tập nập, với các hình ảnh sinh hoạt quen thuộc của những tổ, đội ngư dân lướt sóng ra khơi. Tuy nhiên, nếu tách riêng ra từng địa phương thì Phan-Thiết là một ngư trường lớn của Bình-Thuận được thiên nhiên ưu đãi về vùng có khí hậu tự nhiên phù hợp lý tưỏng với công nghệ nghề làm nước mắm ngon, có hương vị đặc trung nổi tiếng từ lâu. Do vậy, mà Phan-Thiết lại còn có thêm những nguồn lợi tức chính thâu được đem về từ trên biển cả. Đó là chưa kể đến những ruộng muối truyền thống, ngành nghề canh tác nuôi trồng thủy sản tôm, mực, sò điệp, sò lông v.v. Thêm nữa, về khoáng sản thì địa lý quanh vùng Phan-Thiết (nói riêng) như Hàm-Tiến còn có mỏ Imenít-Zircon, đá Mico-granít ở Lầu Ông Hoàng, mỏ cát thủy tinh ven biển có trữ lượng đến khoảng 18 triệu tấn chưa được khai thác đúng mức.

Phan-Thiết ngày nay mặc dù không thể so bì được với những thành phố du lịch phát triển tiến bộ đàn anh, nhưng người ta vẫn có thể nói bây giờ Phan-thiết là một dải đất giàu có, đang trên đưòng khởi sắc với một tương lai đầy hứa hẹn.


Hình ảnh Phan-Thiết về đêm

Trở lại câu chuyện như đùa, là một cậu bé tí hon ở Phan-Thiết đột nhiên trở thành vị đại gia với tài sản kếch sù từng một thời đã được hầu hết báo chí trong nước lẫn hải ngoại lấy làm đề tài khai thác rất ăn khách trong một thời gian kỷ lục. Và mọi tình tiết nầy, không khỏi đã phải làm cho rất nhiều người lấy làm vô cùng ngạc nhiên khi thích thú theo dõi đến nỗi phải vui hứng, và đặt ra thành câu nói tiếu lâm rằng là bạc tiền mà cũng biết phù thịnh chớ chẳng phù suy! Vì Phan-Thiết hiện nay là một trong những thành phố sung túc, phát triển rất nhiều so với các thành phố còn nghèo khác.

Năm 2009, trong liên hoan phim Tribeca trình chiếu tại Hoa-Kỳ, nhà đạo diễn Alexis Spraic có cho ra mắt về một tài liệu "Shadow Billionaire"(Tỉ phú ẩn mình) dài 90 phút, ghi lại cảnh huyên náo về pháp lý diễn ra sau cái chết của Larry Lee Hillblom (1943-1995). Đây là một đoạn phim được nhiều người quan tâm chia sẻ về tính công khai đi qua mọi sự tranh cãi, về mối quan hệ huyết thống cha con trong chứng tích khoa học chủng tử di truyền. Và mới đây, vào khoảng đầu năm 2012, nhà văn James Duncan Scurlock cũng cho phát hành một cuốn sách có tựa đề "King Larry: The life and Ruins of a Billionaire Genius" ("Vua Larry: Cưộc đời và sự đổ nát của một nhà tỉ phú thiên tài") nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhà tỉ phú Larry Hillblom đã qua đời vào ngày 21-5-1995 trong một tai nạn thủy phi cơ giữa biển khơi ở gần đảo Saipan. Và mãi cho đến nay, vẫn chưa tìm được thi hài.

Vậy câu chuyện của nhân vật Larry Hillblom ở tận Mỹ-Châu nói trên có liên quan gì đến giai thoại của cậu bé Lory dưới đây, từ một đứa bé quê nghèo bỗng dưng đã được trở thành một nhà đại tỉ phú Việt-Nam ở tại Phan-Thiết? Lẽ dĩ nhiên, câu giải đáp tiếp theo sẽ không kém phần lý thú và hấp dẫn để cho người ta có dịp nghiệm lại về cuộc sống trăm năm trong cõi người ta với ý nghĩa vô thường theo lẽ đạo.

Trước đây hơn bốn thập niên qua, thì cũng đã có một vụ ông Hoàng-đế xứ Trung-Phi (Centrafricaine) tìm lại được đứa con rơi là Martine ở tại Gia-Định, trong lúc mà nàng công chúa đang làm nghề bốc vác bao xi măng trong nhà máy xi măng Hà-Tiên ở tại Thủ-Đức. Sau đó 23 năm thì vào năm 1995 cũng có xảy ra câu chuyện ngược lại, là một cậu bé tí hon Việt-Nam bị bỏ rơi đi nhờ pháp lý truy tìm nguồn gốc của cha là một nhà tỉ phú Mỹ vừa mới qua đời để khiếu kiện, để xin được quyền thừa hưởng gia tài.


Đây là hình của cậu bé Lory,
là một trong những người giàu có nhất
trong cộng đồng người VN ở nước ngoài.
(Ảnh chụp cùng mẹ là Nguyễn-Thị-Bé)

Và người cha của Nguyễn Bé Lory không ai khác hơn là ông Larry Lee Hillblom, một doanh nhân người Mỹ thành đạt công danh và đã trở thành tỉ phú. Cách nay hơn hai mươi năm, Larry Hillblom từng có đến nhiều nơi ở VN để điều nghiên về tiềm năng phát triển du lịch địa phương, sau cùng ông đã chọn hai địa điểm là Đà-Lạt và Phan-Thiết để đầu tư vào ngành dịch vụ khách sạn và vui chơi giả trí. Nói riêng tại Phan-Thiết, vào năm 1992 ông mua lại khách sạn Vĩnh-Thủy và đổi tên lại là Novotel sau khi đã tân trang đẹp đẽ đạt tiêu chuẩn nâng cấp thành loại 4 sao. Khoảng thời gian 1992-1993, trong lúc đang còn đứng ra trực tiếp đôn đốc thực hiện hoàn hảo công trình, thì ông có để ý quan tâm đến một nhân viên phục vụ trong khách sạn tên là Nguyễn-Thị-Bé lúc ấy vừa tròn 18 tuổi. Và hậu quả sau cùng, là Nguyễn-Thị-Bé đã bị mang thai và sinh ra Nguyễn-Bé Lory.

Câu chuyện chỉ có vậy tưởng chừng như đã được kết thúc vào trong sự lãng quên, vì khi bé Lory ngày càng lớn lên thì đã biết sống an phận cuộc đời bên cạnh những cồn cát, bể khơi êm ả vắng người. Lúc ấy thì hình bóng của người cha, thì Lory chưa hề được một lần nhìn thấy. Còn mẹ, là Nguyễn-thị-Bé cũng đã làm lại cuộc đời và hạnh phúc có con bên cạnh người chồng mới sau nầy. Tuy nhiên, không ngờ sau khi cái chết của ông chủ Novotel được tung ra, thì mẹ của Lory là Nguyễn-Thị-Bé mới hay tin nên liền tìm bằng mọi cách để nhờ trung gian liên lạc chứng minh rằng bé Lory chính là con của máu huyết của nhà tỉ phú Hillblom. Lúc bấy giờ, hầu hết các báo chí VN đều nhảy vào bắt đầu nhập cuộc bằng với những thiên phóng sự kéo dài thật ly kỳ, hấp dẫn và đã lôi cuốn được rất nhiều sự hiếu kỳ của hàng triệu độc giả.

Còn ở tại Mỹ, sự qua đời của H illblom cũng đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi rất lâu dài về quyền thừa kế của những đứa con rơi của ông. Hơn thế nữa, vì khó khăn trong việc tìm kiếm ADN cho nên thời gian đành phải tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên, cuối cùng nhờ có thêm kẽ hở của luật pháp (ở địa phận Saipan thừa nhận quyền thừa kế của những đứa con rơi có cùng gen với cha mẹ) mà Lory đã cùng với ba đứa trẻ khác. Là một đứa ở Guam và hai đứa ở Phi-Luật-Tân đều được phán quyết của Tòa-án liên bang Hoa-Kỳ chấp nhận cho hưởng quyền thừa kế, để chia gia tài của Larry Hillblom ngoài phần di chúc của người quá cố. Riêng phần của Nguyễn-Bé Lory vào đúng năm 2013 thì đã đến 18 tuổi trưởng thành, và sẽ có đầy dủ tư cách pháp nhân để được hưởng toàn bộ số tiền thừa kế là 60.000.000 dollars sau khi trừ thuế lợi tức và thuế liên bang. Hiện nay Lory và mẹ đều nhập quốc tịch Hoa-Kỳ, hiện đang cư ngụ tại thị trấn Mariana thuộc đảo Saipan nước Mỹ.

Giờ đây, đối với xã hội Việt-Nam thì Nguyễn-Bé Lory của Phan-Thiết được coi như là mộtkẻ đương thời đang nắm trong tay một sự nghiệp khổng lồ. Và hiện nay Nguyễn-Bé Lory không còn là một trẻ thơ nữa, mà cậu đã lớn lên trở thành một người thanh niên học thức có tầm hiểu biết, để suy nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa cuộc đời trong xã hội. Nói riêng, là về hoàn cảnh định mệnh của cá nhân mình xuất thân ra từ ở một nơi xóm nhỏ góc làng ven biển cả.

Vả lại, là trong năm 2011 thì Nguyễn-Bé Lory cũng đã có trở về thăm lại quê hương, bùi ngùi khi nhìn lại từng cảnh vật mến yêu kỷ niệm ngày thơ ấu. Và đã có những lời thổ lộ tâm tình cảm động, với hoài bảo sẽ thực hiện ở mai sau...

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG
(Paris)
* - Hiện nay khách sạn nầy đã được chuyển nhượng và đổi tên lại là Du Parc Phan Thiet Ocean Dunes & Golf Resort.

Du Parc Phan Thiet Ocean Dunes & Golf REsort

*****