Chim
Việt Cành Nam
[ Trở
Về ]
|
|
GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ Bài
viết, ảnh chụp và tư liệu Võ Quang Yến
*** |
Thuở
mới qua học ở Pháp vào tuổi đôi mươi, từ những năm thập
niên 50, tôi đã bắt đầu thử viết tiếng Việt, viết để
khỏi quên tiếng mẹ đẻ, để quen với thành ngữ, để biết
sử dụng danh từ, khi mình sống trong một môi trường hoàn
toàn Pháp ngữ. Đề tài độc nhất tôi biết hồi đó là
khoa học đang học ở trường. Những bài đầu tiên gởi về
tờ Đại học ở Huế là những bài giáo khoa. Sau đó
mới có yêu cầu những bài phổ thông. Tôi may mắn được
anh Lê Ngộ Châu trước tiên nhận đăng trong tờ Bách Khoa
ở Sài Gòn. Nhằm lúc vệ tinh nhân tạo liên tục được phóng
lên không trung, tôi khai thác lúc ban đầu chủ đề không gian,
vũ trụ trước khi mở rộng ra mọi khía cạnh khoa học, không
ngoài mục đích thông tin, nhất là cho các độc giả thiếu
báo chí, ít sành ngoại ngữ trong nước. Nhắm bạn đọc mức
trung học phổ thông, tôi cố gắng viết đừng quá khó đọc.
Cố gắng vì ai cũng biết viết phổ thông không phải dễ,
nhất là muốn tránh những chi tiết rườm rà hay ngoài đề
không có gì là khoa học. Đây là một thách thức mà tôi tự
tạo vì ý thức mình không phải là một nhà văn, lại thiếu
danh từ khoa học. Cuốn sách đầu giường hồi ấy của tôi
là quyển Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn, thật
có ích nhưng không đầy đủ. Dù muốn dù không tôi buộc
phải đặt ra nhiều từ mới, tra qua xem lại với cuốn Dictionnaire
vietnamien chinois français của cha Eugène Gouin được anh Lê
Ngộ Châu chủ biên tờ
Bách Khoa gởi biếu. Ngày nay
tôi rất hãnh diện thấy nhiều từ đã được thông dụng.
Dần dần tờ Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ cũng
đòi hỏi và tôi dành cho báo nầy những bài bên lề khoa học,
mức có phần thấp hơn một chút, liên quan nhiều hơn đến
đời sống hằng ngày. Đến lượt chị Vân Trang ở tờ
Hồn
Trẻ yêu cầu tôi viết cho các em bé, từ đấy có mục
Tại
sao ? trong ấy ông chú giải thích những hiện tượng thường
gặp hằng ngày cho đứa cháu. Cơ quan xuất bản Phạm Quang
Khai đã gom góp một số các bài nầy để cho đăng trong hai
tập sách
Nói chuyện khoa học và
Vũ trụ và không
gian (1968). Sau đó nhà xuất bản Lửa thiêng tiếp
tục cho ra tập
Giáo dục tính phái (1973) mà một vài
chương đã được chọn đăng trong Bách Khoa. Ngày nay
tôi mừng thầm thấy những bài viết không nhiều tham vọng
đó đã được đọc và nhiều người lớn tuổi không ngần
ngại cho tôi hay lúc tôi hồi hương sau mấy chục năm xa cách.
Tôi rất cảm động khi có một nhà báo cho biết anh đã sao
giữ những bài của tôi. Và phấn khởi biết bao khi một bạn
đọc cũ bảo tôi : Nhờ đọc bài của anh hồi còn ở trung
học mà nay tôi dấn thân vào ngành khảo cứu ! Một lời nhỏ
thôi mà gây cho tôi một mối thích thú lớn lao, mỗi nỗi
hân hoan vô tận.
Sau 1975, tôi tạm ngừng viết vì hết còn yêu cầu. Một hôm, gặp bác Hoàng Xuân Hãn ở chùa Trúc Lâm (Villebon, miền nam Paris), tôi vui mừng được bác nhắc lại những bài tôi viết trong Bách Khoa và bác đề nghị cùng tôi in sách khoa học loại Que sais-je của Pháp nhưng chuyện ấn loát và nhất là tài chính phức tạp nên dự án không được thực hiện. Năm 1986, sau chuyến về thăm quê hương lần thứ nhất của tôi, nhiều bạn nghe tôi kể chuyện thấy thích thú và thúc dục tôi viết bài tường thuật. Những bài bút ký đầu tiên tôi chỉ viết về Huế là nơi tôi đã sống suốt thời niên thiếu trước khi đi du học và gởi đăng tờ Sông Hương ở Huế. Dần dần tôi mở rộng phạm vi đề tài, kể chuyện đời sống ở Pháp, ấn tượng những chuyến du hành khắp đất Á Đông, miêu tả những ngôi chùa cổ kính mà tôi may mắn được chiêm ngưỡng đặc biệt gởi về tờ Giác Ngộ. Sau Sông Hương, Người Sông Hương, Tập san Quốc Học, tờ Huế Xưa và Nay chịu nhận đăng rồi đến lượt tờ Nhớ Huế ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong chương trình mở rộng ra ngoại quốc, cũng muốn có bài của tôi. Song song với các bài loại bút ký nầy, luôn theo yêu cầu, tôi viết một loạt bài có tính cách thời sự, kinh tế, khoa học đăng ở các tờ Kinh tế Sài gòn, Tuổi trẻ Chủ nhật, Đại Đoàn Kết, Văn hóa Du lịch, Khoa học Phổ thông, Quê Hương, Khoa học và Tổ quốc, Biển, Đất Mới, Hợp Lưu, Đoàn Kết, Hương Sen ở Việt Nam cũng như ở Pháp, Canađa, Hoa kỳ. Đặc biệt, cũng theo yêu cầu, tôi mở một mục ở tờ Lao Động xem như là một cánh cửa sổ hé ra nước ngoài. Tôi luôn nghĩ sáng kiến nầy rất xác đáng, cần thiết để mở rộng trí óc cho một số độc giả, nhưng tiếc là điều kiện đăng bài không cho phép tiếp tục. Về mặt khoa học, từ nhiều năm nay, tôi cộng tác thường xuyên với báo Thông tin Khoa học và Công nghệ ở Huế,bắt đầu với anh Lê Phước Thúy, nay đổi tên thành Nghiên cứu và Phát triển. Gần đây, trong tinh thần mở rộng giới bạn đọc, tôi lấy những bài khoa học đã đăng, sửa lại nếu cần, thêm tài liệu cho kịp thời sự rồi lần lượt gởi đăng trong các báo điện tử Khoa học @ Đời sống, Vietsciences, Chim Việt Cành Nam. Tôi cố gắng thực hiện những bài tổng thể hướng về cây thuốc đầy đủ tài liệu hầu mong giúp sức những bạn làm khảo cứu muốn đi sâu vào đề tài. Những bạn đọc thuờng xuyên theo dõi những bài viết của tôi khen tôi viết siêng và viết đa dạng. Một cô bạn thời lết ghế nhà trường hiện định cư ở bên trời Úc cho nhiều đoạn tôi viết rất dễ thương. Hiếm nhận được phản ứng của độc giả như những nhà văn có tiếng, những lời bình phẩm tích cực nầy khuyến khích tôi trên đường viết lách. Có bạn phàn nàn không đọc được tất cả các bài của tôi. Thật vậy, bài đăng khắp nơi, sợ rồi một mai đây những bài viết của tôi tản mác bốn phương, chẳng biết đâu mà tìm. Từ đấy có ý kiến gom góp lại thành sách. Tôi ngần ngại vì đọc một bài ngắn dễ lướt qua, đọc cả một cuốn sách liệu sẽ được phản ứng ra sao ? Tục ngữ có câu : Gậy ông đập lại lưng ông ! So sánh hơn thiệt, với lại cũng nên để lại một chút gì cho con cháu, bạn bè, tôi quyết định cho in một phần các bài viết. Trong tập Gửi thương về Huế (nguyên văn là Gởi, nhà xuất bản sửa lại Gửi như lối nói người Bắc)nầy, tôi chỉ giới hạn một số bài bút ký có liên quan đến Huế mến yêu của tôi là những bài thổ lộ tâm can mang đậm tình quê hương. Mong độc giả thông cảm và tha thứ những tình cảm có khi bộc trực quá chừng. Tôi xin cám ơn anh Nguyễn Phú Phong đã chịu khó bỏ thì giờ quí báu đọc lại bản thảo và đề nghị vài sửa đổi, anh Gs Cao Huy Thuần cuối hè nóng bức đã chịu hạ tay viết cho vài dòng giới thiệu nồng hậu, anh Gs Mai Quốc Liên mặc dầu công tác bề bộn đã chịu lảnh phần ấn loát cho cuốn sách nhỏ nầy ra đời. Tái bút 2012 Trong cuốn tái bản nầy, các bài được chia thành bốn tập, thêm vào tập năm gồm có những bài phần lớn đăng sau khi cuốn sách xuất bản. |
|
[
trang
trước ] / [
trang
sau ]
|