Chim
Việt Cành Nam
[ Trở
Về ]
|
|
GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ Bài
viết, ảnh chụp và tư liệu Võ Quang Yến
*** |
Một
trong những bài viết của anh Võ Quang Yến được nhiều độc
giả cảm mến là bài "Làm dâu xứ Huế". Anh viết về
chị Liliane, vợ anh. Quyển sách này, anh đề tặng chị trước
hết. Mấy chục năm trước đây, báo Bách Khoa ở miền
Nam cũ có mở một đề tài kéo dài trong nhiều số liên tiếp
về hôn nhân Việt-Pháp làm nhiều người trẻ thích thú theo
dõi trong đó có tôi. Tất nhiên tôi hâm mộ những trường
hợp thành công, tương đối hiếm, và ngậm ngùi lòng tự
nhủ lòng nên rút kết luận từ những trường hợp kia, nhiều
hơn, để cảnh giác. Qua Pháp, quen với vợ chồng anh Yến
trong bao nhiêu năm, không lúc nào nhìn anh chị mà tôi không
có cảm tưởng như đang đọc tờ Bách Khoa ở hồi hấp
dẫn nhất : anh chị là những người hiếm hoi có khả năng
làm tôi mất lập trường.
Hạnh phúc giữa anh chị là chiếc nhẫn cưới mà làng Mỹ Cang heo hút của xứ Huế xa xăm đeo vào ngón tay của chị mấy chục năm sau khi anh chị bước vào tình sử của báo Bách Khoa. Làng Mỹ Cang có thêm dâu, điều đó có nghĩa là cô dâu mới làm đậm đà thêm tình nghĩa thủy chung của anh Yến với nơi chôn rau cắt rốn. Anh Yến có hai mối tình : nước tôi và vợ tôi. Hai mối tình nhập với nhau làm một như nước một dòng của sông Ô Lâu chảy qua làng Mỹ Cang. Không phải bỗng nhiên mà tôi mở đầu với tờ Bách Khoa. Anh Yến, trước mắt thế hệ trên năm mươi tuổi, là Bách Khoa. Độc giả ở lứa tuổi ấy biết anh như tác giả được ưa chuộng của những bài viết khoa học phổ thông xuất hiện khá thường xuyên trên tờ báo có uy tín ấy. Nhờ đọc anh mà nhiều người trẻ đã thích khoa học. Trong một giai đoạn lịch sử còn quá hiếm thông tin khoa học, những bài viết dễ hiểu, trong sáng của anh đã mang lại những lượng kiến thức đứng đắn, đáp ứng đúng nhu cầu của những đầu óc vừa mới trưởng thành. Giá anh cứ có cơ hội tiếp tục như thế, vai trò giáo dục của anh đã lớn biết chừng nào ! Nhưng văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Huế nói riêng, có một điều kỳ lạ, không mấy ai thoát nổi. Chúng ta ai cũng thích văn thơ. Trong bụng mỗi người Việt Nam dường như đều có thầm thì một ông thi sĩ. Phi lục bát bất thành phu phụ. Bất thành trí thức ! Người khoa học đến như bác Hoàng Xuân Hãn - mà anh Yến nhắc nhở nhiều lần - cũng đã từng hãnh diện với hai câu thơ bình dân học vụ không kém gì với công trình học giả của bác : i tờ có móc cả haiSĩ tử ngày xưa ai mà chẳng làm thơ ? Không làm thơ thì không làm được cả chính trị. Làm sao máu thơ đó không chảy trong huyết quản của sĩ tử ngày nay ? Huống hồ sĩ tử đó si tình như anh Yến với cái xứ được mệnh danh là "đẹp và thơ"! Cho nên anh Yến chắp cánh văn thơ vào cây bút khoa học của anh là chuyện tất nhiên. Nhờ đó, nhà khoa học ngày xưa có dịp trải tâm tình với làng xóm, với đất nước, với dân tộc mà anh nồng nàn yêu như con trai mê gái. Độc giả rất dễ nhận ra nồng độ của trái tim say mê ấy trong những trang nhật ký lý thú này. Riêng tôi, tôi chỉ xin trích ra đây hai chi tiết tầm thường nhất, vụn vặt nhất, nhưng tiêu biểu biết bao cho con người của anh Yến và tình cảm của anh. Tôi thấy đây như hai giọt máu chảy ra từ ngòi bút của anh Yến - nghĩa là từ trái tim trẻ dại của anh. Giọt máu thứ nhất là bốn chữ "Hắc Kí Ni Sơn". Anh Yến si tình tiếng Việt đến độ Việt hóa cả cái xóm Hacquinière của thiên hạ. Hacquinière nằm trong thung lũng Chevreuse đẹp có tiếng của ngoại ô nam Paris. Vây quanh thung lũng là đồi. Nhà anh Yến nằm chênh vênh trên đồi, xinh xắn nép mình dưới những cây sồi lực lưỡng. Anh Yến nhiều lần âu yếm kể chuyện nhà của anh và khách Huế đến chơi trong sách. Đến chơi, khách lấy xe lửa xuống trạm Hacquinière. Địa danh này biến mất dưới ngòi bút của anh Yến, hóa kiếp Việt Nam thành tên Hắc Kí Ni Sơn. "Hắc Kí Ni" thì trung thực, bộc trực, nghe sao nói vậy. "Sơn " thì hơi ngông đối với dãy đồi con. Nhưng anh Yến cãi : cái tên Hắc Kí Ni Sơn đâu có dài gì hơn Hy Mã Lạp Sơn ? Mà Hy Mã Lạp Sơn thì quá quen tai Việt Nam ! Anh có lý quá. Anh có thể nói thêm : chẳng thế mà Hy Mã còn đi cả vào thơ của danh nhân : Cao vút từng không, băng vượt núiThì Hắc Kí Ni cũng đi vào văn ! Giọt máu thứ hai, "Xô Thành", có một lịch sử khác, kém hùng vĩ hơn. Chị Yến lớn tuổi, không lên nổi đồi, dù là đồi con. Khách Huế đến chơi cũng vậy thôi, không lên nổi đồi của anh chị trong mùa tuyết, xe trượt mà chân cũng trượt. Cho nên anh chị dời tổ ấm về một căn nhà trong thành phố không xa đó bao nhiêu, thành phố sang, thành phố giàu, thành phố trưởng giả mang tên là Sceaux. Khi anh chị dọn nhà, tôi hồi hộp không biết anh sẽ cho thành phố này hóa kiếp thành tên gì của Việt Nam để ký dưới các bài viết của anh từ đó. Hay thế ! Cái thành phố trưởng giả cao sang này được anh Yến ban cho một tên Việt rất bình dân mà cũng rất trung thực : "Xô". Tiếng Việt không thích đơn côi, lẻ loi, nên anh Yến láy đôi tình tứ gọi tên "Xô Thành". Anh quên mất rồi, Huế của anh cũng đơn côi một chữ ! Trong các địa danh thành phố ở Việt Nam, dường như chỉ có Vinh đơn côi như thế với Huế. Bởi vậy, tôi thích gọi là "Xô", nghe vui tai, như khi mình gọi tên ở nhà của con. Nhưng anh Yến chắc đã nghĩ đến văn thơ nhiều hơn ; chắc anh nghĩ đến khóe mắt của Dương Quý Phi, biết đâu nghĩ đến cả Kiều, khi làm khai sinh cho đứa con thứ hai của anh trước Ủy Ban Nhân Dân xã Mỹ Cang : Lạ cho cái sóng khuynh thànhAnh Yến là kẻ si tình với tiếng Việt từ khi anh viết cho Bách Khoa. Anh Việt hóa tất cả. Việt hóa cả thiên thần, thổ địa. Việt hóa cả hiện tại, tương lai. Anh Việt hóa vợ. Anh Việt hóa con. Bởi vì anh suốt đời là thằng học trò Mỹ Cang mải mê đi bắn cu xanh.
|
|
|
[
trang sau ]
|