Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]            [ Tác giả ]

Cha

Quỳnh Chi

Y chỉ là người ở trọ, thuê một căn phòng trên gác nhà ông bà.
 

            Một buổi tối đầu tháng 2 và là ngày đầu tiên trong năm ấy Tokyo có tuyết rơi, cũng là ngày đầu tiên đến Nhật, Y đã tới căn nhà trọ này, do một cô sinh viên đã giới thiệu và thuê dùm. Dạo ấy mỗi khi đọc địa chỉ nhà trọ của Y ở quận Setagaya, các bạn đều trầm trồ là sao lại ở một khu dân cư đắt đỏ nhất nhiø Tokyo như thế. Số là vì nhà ông bà chỉ toàn con trai, nên họ muốn có một cô con gái trong nhà, do đó bà chủ nhà mới đến trường đại học -của người bạn ấy - ở gần đó xin yết bảng cho thuê phòng, với điều kiện là chỉ nhận nữ sinh.
 

            Y về tới nhà trọ thì mệt đừ vì say sóng từ khi còn ở trên máy bay, lại thêm một chặng đường dài trên xe buýt về nhà, phần vì lạnh cóng, nên vào tới cửa liền được bà chủ đưa lên phòng, trải nệm cho nằm nghỉ luôn tới sáng.
            Sáng hôm sau, khi Y thức dậy ông chủ nhà đã đi làm. Tới trưa có người con thứ ba của ông bà chủ là T, cũng cùng tuổi với Y, đi học về. T có ý đưa cô bạn gái tên M về nhà gặp Y để hướng dẫn trò chuyện với Y. Hai người này là bạn học cùng lớp môn Pháp văn, nên M có thể nói được vài câu với Y, trước khi Y học tiếng Nhật và có thể nói chuyện bằng tiếng Nhật với ông bà chủ nhà.
            Tới tối, ông chủ nhà về tới, Y mới được gặp ông để chào. Thật ra thì Y cũng hoàn toàn chưa nói được tiếng Nhật, chỉ thấy bà chủ nhà nói huyên thuyên (mà Y được nghe dịch lại), còn ông chủ nhà thì hầu như chẳng nói chẳng rằng. Vừa về tới nhà ông đã thay ra chiếc áo kimono màu đen của đàn ông Nhật, thắt lưng bằng một sợi vải to bản màu xanh thẫm quấn vài vòng ngang hông và buộc lại thành một búi. Mãi về sau, Y luôn luôn thấy ông khi ở nhà trong bộ áo kimono này. Chỉ khi đi làm ông mới mặc âu phục, và khi nào cũng trong bộ com lê màu thẫm. Nghe đâu ông là giám đốc một công ty xây dựng nho nhỏ, văn phòng đặt ở nội thành Tokyo.
 

            Ngoảnh đi ngoảnh lại Y đã quen dần với sinh hoạt trong nhà và hầu như đã trở thành cô con gái của bà chủ nhà, đúng như bà mong ước.
            Sáng sáng Y cùng với bà làm cơm sáng, chờ ông ngồi vào bàn cầm đũa rồi mới làm theo. Hai ông con trai lớn của ông bà đã ra ở riêng, chỉ còn hai người con còn ở nhà là T và em trai út là S, nhưng hai ông tướng này khi thì ngủ trưa, khi thì dậy sớm - những ngày đi trượt tuyết, đi chơi xa - thỉnh thoảng mới cùng ăn cơm sáng chung với cha mẹ. Ban ngày đi học, Y thường ăn trưa ở trường. Chiều về Y cùng nấu cơm chiều với bà chủ nhà và bữa tối hầu như vẫn lại chỉ có ba người.
            Tầng một là nơi sinh hoạt của gia đình, có một hành lang, bên kia hành lang là nhà tắm nhà kho và cầu thang, bên này hành lang là phòng ăn, nhà bếp, phòng khách và căn phòng sinh hoạt lát chiếu có kê một chiếc bàn thấp- nơi ban ngày là phòng cho bà khâu vá, chơi đàn, tối là nơi cả nhà ngồi ăn tối và xem tivi.
Tuy ngồi ăn chung một bàn, và bà vợ cũng thường kể lại cho ông chồng nghe chuyện này chuyện kia - phần lớn là về mấy ông con trai-, xong Y chỉ thấy ông chủ nhà nghe rồi ậm ừ, mà chẳng bao giờ thấy ông nói một câu nào.
            Và không biết có phải vì bà mau mắn, nhanh nhẩu, đã nói trước cho ông nghe tất cả những điều ông cần biết, nên cũng chẳng bao giờ ông hỏi hay nói chuyện gì với Y, tuy rằng trong bữa cơm có khi ông ra dấu bảo bà gắp cho Y món này món kia đặc biệt của Nhật.
 

            Khổ người tầm thước, mắt đeo đôi kính cận, vẻ mặt ông khá hiền từ. Y cũng chẳng mấy khi dám nhiøn thẳng vào mặt ông, nhưng có cảm tưởng như đó là một nét mặt không mấy khi tỏ ra cáu giận, cũng chẳng tươi cười. Mỗi khi cần nói với bà, Y thấy ông chỉ dùng một vài từ. Ví dụ như khi ông muốn bà dọn các cốc trà dùng sau bữa ăn trên bàn- để ông mở trang báo ra đọc- ông chỉ cần gạt nhẹ cốc trà ra dấu, hoặc nói 2 từ đại ý là " Đủ rồi". Đọc báo xong, ông đứng dậy và nói 1 từ " Tắm", thế là bà liền vội chạy vào buồng tắm chuẩn bị khăn áo sẵn cho ông. Thời gian đầu mới đến ở trọ, sau bữa cơm tối, Y thường đem sách vở xuống ngồi học nơi chiếc bàn thấp, trong khi ông đọc báo, bà lại tiếp tục may. Bà tốt nghiệp khoa cắt may âu phục một trường đại học nữ nên bà tự may hầu hết quần áo cho bà, còn nhận may cho mấy bà bạn. Và cũng vì thế bà bắt Y học đủ các môn nữ công gia chánh với bà. Chỉ có mỗi môn đàn ba dây shamisen rất khó, và vì bà còn phải bận dậy cho các bà Nhật khác trình độ khá cao, nên bà không bắt Y học. Mỗi tuần các bà đến đàn shaminsen này vào ngày thứ ba, có những hôm Y ở nhà nhằm ngày này thì thế nào các bà cũng gọi Y xuống cùng ăn trưa.
 

            Nửa năm trôi qua, Y đã có thể trò chuyện và nghe hiểu lõm bõm tiếng Nhật, lại nhằm mùa hè nên mấy bà rủ nhau đến biệt thự vùng núi để cùng tập đàn suốt một tuần, mấy bà cũng dắt cả Y cùng đi. Trong lúc các bà tập đàn thì Y ngồi học. Ai cũng bảo rằng Y với bà chủ trọ như hai mẹ con, như bóng với hình. Và không biết từ lúc nào, khi nói về ông với Y, bà cũng dùng chữ "ô - tô- san" ( "Cha"), như khi nói với mấy người con trai của bà.
 

            Mùa thu tới, mùa phong lá đỏ và người Nhật có lệ đi xem lá đỏ. Các công ty cũng tổ chức những buổi du ngoạn xem lá đỏ cho nhân viên. Ông chủ nhà đi vắng mấy hôm, không biết là đi xem lá đỏ với bè bạn hay với nhân viên, khi ông vừa về tới cửa, Y lại nghe tiếng ông gọi quen thuộc" Michiko !"( tên bà).
            Ngày hôm sau, bà đưa cho Y một cô búp bê Nhật đầu đội nón tay cầm cành hoa đậu tím(hoa fuji). Tháng 5 là mùa hoa này đã qua lâu rồi, nhưng bà bảo đó là vì búp bê cho con gái nên ông mới chọn cô búp bê này. Bà còn bảo Y: " Nhà này toàn con trai, nên có bao giờ mà ô-tô-san mua quà về đâu, đây là lần đầu tiên mới thấy ông mua quà đem về đấy". Buổi tối trong bữa cơm, Y lí nhí cám ơn, ông vẫn chẳng nói năng giø, chỉ thấy hình như là ánh mắt hiền từ sau cặp kính quen thuộc.
 

            Một năm trôi qua, sắp sang niên khóa mới vào đầu tháng 4, cũng sắp đến ngày Y lập gia điønh và sẽ phải rời khỏi căn nhà trọ thân yêu đầy kỷ niệm những ngày đầu tiên đến Nhật và nhất là những kỷ niệm với bà chủ trọ. Y vẫn gọi bà là ô-ba-san (bác), nhưng tình cảm quyến luyến như mẹ với con. Y nhớ nằm lòng tất cả những sở thích của bà, những thói quen của bà, nhớ giọng nói, nhớ tiếng bước chân của bà mỗi khi bà vội vàng lịch kịch ngoài hành lang, tiếng đập nệm phơi ngoài sân, dáng điệu nghiêm trang khi cầm chiếc đàn shamisen chuẩn bị gẩy đàn... Còn về ông, Y chỉ nhớ một dáng người tầm thước trong chiếc áo kimono màu đen nơi chiếc bàn thấp trong phòng lát chiếu tatami. Đó là vì sau vài tháng đầu Y phải đi học sớm nên cũng không còn ăn cơm sáng với ông bà ở phòng ăn.
 

            Một ngày cuối tháng 3, trời còn lạnh và hôm ấy buổi chiều có mưa, nghe đâu buổi sáng lúc đi làm ông quên đem theo ô, nên chiều về tới ga ông gọi điện thoại về nhà, bảo đem ô ra cho ông. Bà bảo bà còn đang bận nấu cơm, và nhờ Y đem ô ra nhà ga thay cho bà.
            Quanh các nhà ga xe điện ở Tokyo thường là các khu phố buôn. Quanh ga Chitosefunabashi gần nhà trọ của Y cũng thế, nhưng khu phố buôn chính ở bên kia đường rầy, còn phía nhà trọ của Y phần lớn là nhà ở, chỉ có một đoạn đường ngắn gần ga có vài phòng mạch, nhà bưu điện, với hai dẫy cửa hàng như hiệu giặt ủi, hiệu hoa, hiệu sách, hiệu thuốc, hiệu bánh kẹo, một hiệu cà phê, hai ba hiệu ăn bán mì ramen, và một khu chợ bán thịt cá hoa quả rau cỏ tạp hóa v.v. Trời mưa không to lắm nhưng cũng còn giá buốt vì chưa sang xuân. Y đưa chiếc ô đen to lớn của đàn ông cho ông chủ nhà, và lặng lẽ bước theo ông.
            Thật bất ngờ, khiến Y rất đỗi ngạc nhiên, ông đã quay lại và lần đầu tiên ông nói chuyện với Y:
            -Vào hiệu cà phê uống một chút cho ấm nào.
            Trước nhà ga chỉ có một hiệu cà phê duy nhất, cũng không rộng lắm. Ông gọi một ly cà phê cho ông, và một cốc sữa nóng cho Y. Y ngồi đối diện với ông, nhưng rốt cuộc cho đến khi uống xong ra về, tuyệt nhiên ông không hỏi Y thêm một câu nào, và Y cũng đã quen với sự yên lặng của ông nên cũng không thắc mắc. Ra khỏi hiệu, ông che ô đi trước, Y lẽo đẽo theo sau. Về tới nhà, Y giải thích cho bà biết là vì vào hiệu cà phê nên bây giờ mới về tới nhà. Bà gật đầu, ra chiều thông cảm, khẽ bảo: " Con gái sắp về nhà chồng rồi nên ô-tô-san buồn đấy ".

            Đó là lần đầu tiên và duy nhất. Và cũng là lần cuối cùng.

            Trong bao nhiêu năm sau đó, mỗi khi Y về thăm thường chỉ có bà ở nhà. Và rồi đến một ngày bà gọi điện thoại cho Y báo tin ông qua đời. Tang lễ cử hành trong một ngôi chùa do ông em trai của bà trụ trì. Nghe đâu trước khi mất ông căn dặn bốn người con trai phải chăm lo cho mẹ thật chu đáo. Mỗi lần Y đến thăm là M- bạn gái của T xưa kia, nay là cô con dâu thứ ba, cũng được nghe M phân bua đủ điều. M thường nói:

            - Cô Y biết rõ tính nết của mẹ chúng tôi đấy, nhưng mà cha chúng tôi đã căn dặn là phải chăm lo cho mẹ, nên mẹ muốn gì mấy ông con trai cũng chiều theo ý mẹ.

            Bà chủ trọ của Y sau đó bị lẫn, rồi qua đời, thấm thoát mà đã hơn mười năm. T và M cũng chỉ có hai con trai nay đều đã có gia điønh ra ở riêng. Y chợt nhớ ra là không biết từ bao giờ, gần đây T cũng không còn nói chuyện với Y như những năm đầu khi Y đến thăm, mà lúc nào cũng chỉ có Y và M cùng mấy người nàng dâu xúm xít nói chuyện với nhau.

            Chắc rồi một ngày nào đó T sẽ lại giống hệt như cha của anh ta.
 

Quỳnh Chi (Ngày Từ Phụ - 16/6/2013)