Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Nỗi buồn ly hương

Hai Hùng SG

Ngồi chống càm , tay mân mê tách nước trà hảy còn đang nghi ngút khói, đôi mắt buồn buồn nhìn ra ngoài sân vườn  trước nhà ,  ông Sáu Lân khẻ thở dài rồi than vản một mình : 

- Tình hình này không biết phải xoay sở làm sao đây , trái Nhãn bị ép giá  rồi bây giờ tới  con Cá ,  vài bửa  hổng biết tới cái giống  gì nữa đây ?

Thấy ông Sáu rầu rĩ ra mặt , bà Sáu an ủi ông :

- Thôi ông à , tình trạng này là tình trạng chung , ---mấy người thương  lái đầu nậu là vậy dó , cứ hể mình trúng mùa thứ gì thì đồng nghĩa với việc mất giá thứ đó , à mà năm nào cũng vậy ,  số phần nông dân mình lận đận bấy lâu nay rồi  , ông buồn chi nữa cho sanh bịnh .

Ngước nhìn về phía bà Sáu ông nói :- không buồn làm sao được , tui hỏi bà vậy chứ lần nào bán thứ gì cũng bị cái đám thu mua nó ép giá quá trời , với cái ngữ này chắc bà con hết muốn trồng tỉa gì nữa , làm ra bao nhiêu chúng ăn hết ráo trọi , làm sao mà sống nổi bà nói tui nghe coi ?

 Biết chồng đang còn ấm ức và bực bội trong lòng nên có hơi to tiếng với mình , bà Sáu im lặng lui bước ra sau nhà làm công việc , vì đôi co với ông lúc này không có lợi chút nào thậm chí như " Đỗ dầu vào lửa " , bà tự nhủ :

- Thôi để khi khác rồi an ũi ổng cũng chưa muộn .

Vườn Nhản nhà ông  năm nay  trái đậu oằn cành ngó thấy mê , tưởng đâu thu hoạch xong là ông bà có thể trang trải mọi việc cho cuộc sống và trả nợ tiền mua đàn cá ông đang nuôi trên bè  cho ông Chín Mè một người chuyên cho vay trong cái ấp nghèo này , vậy mà cái đám đầu nậu xúm vào ép giá khiến ông bà phải bán hết vườn Nhản với cái  giá rẻ bèo , cầm tiền bán Nhản  trên tay mà ông nghe đau quặn thắt trong lòng .

Rồi bây giờ đến lượt bầy cá Ba sa ông nuôi trên bè cặp mé sông cái , thương cho Thằng Đực Nhỏ con ông suốt mấy tháng trời nó ứng chiến ngoài đó lo cho bầy cá , ngoài thức ăn là cám tổng hợp bắt buộc phải mua  , còn những  thức  ăn phụ cho cá  như con ốc bu vàng  ,nó phải đi bắt trên những đám ruộng  quanh đấy vừa giảm chi phí cho gia đình vừa giúp cho bà con tránh được  nạn  ốc bu vàng cắn phá  cây lúa .

Đàn cá lớn mau như thổi , mỗi khi  đến giờ thằng Đực nhỏ cho cá ăn ,lúc nó vung tay vãi thức ăn xuống nước , đàn cá chen nhau dành ăn chúng  quẩy đuôi trắng xóa cả mặt nưóc trong bè  , âm thanh vang lên rồ rồ khiến thằng Đực nhỏ thật vui , nó nhẫm tính với ông bà Sáu mới tuần trước đây thôi , nếu theo thời giá hiện tại do thương lái đang thu gom của các bè chung quanh và  với sản lượng cá trong bè nhà mình nó ước tính nếu thuận buồm xuôi gió  thì đây là điều hạnh phúc khi tháo bè  bán cá .

- Ông sáu ơi ! Có nhà hôn tui dô nói chiện chút coi .

Tiếng gã đầu nậu khét tiếng chuyên mua cá vùng này vang lên ngoài ngỏ  , bao nhiêu bè cá nơi  khúc sông cái ở đây , lúc  nào đến lứa bán hắn đều nắm chắc , hắn canh gần đến ngày chủ bè phải bán cá  hắn sẽ lân la tìm đến để dọ dẫm xem tình hình rồi liệu bề tính kế  .

Vốn không có cảm tình với cái tay mua gian bán lận này , vì mùa cá năm rồi khi đến cân cá trên bè nhà  ông  hắn đã phù phép khi cân ,  ăn gian khối lượng  làm suýt chút nữa làm  ông bị mất bạc triệu như chơi , may mà thằng Đực nhỏ nó thấy được cái dối trá kia của hắn ,  khiến hắn quê độ bèn quay sang làm bộ chửi mắng thậm tệ cái lũ đàn em chuyên cầm cân cho hắn ,  nay hắn lại ló mặt đến nhà ông  vì  lịch  sự  ông  sáu  phải tiếp hắn nhưng trong lòng không được vui :

-Tui trong nhà đây chú Toàn ơi , chú vô chơi uống nước .

Bước chân vào nhà , ngồi xuống ghế gã đầu nậu  dỡ cái nón cao bồi đang đội trên đầu  rồi cầm trên tay phe phẩy quạt , tay kia cởi bớt cái nút áo trên cùng ra cho đở nóng nực rồi càm ràm một mình .

-Năm nay sao ông Trời ổng nóng quá chừng quá đổi chịu không nổi luôn , mới có mười giờ sáng chứ mấy ,  đến đúng giờ  ngọ mà ra đường chắc da thịt đen thui thành Chà Và Ma ní luôn quá .

-Uống miếng nước mát đi chú , năm nay hạn bà chằn mà chú hổng biết sao , nước mặn bắt đầu lò mò vô cửa sông cái rồi đó chú , chừng nửa tháng nữa thôi thì dân làm cá tụi tui coi như " Bảy nghề " là cái chắc .

Nghe ông sáu nói về cá mắm và nước mặn đang xâm nhập sâu gần đến cửa sông cái ,  hắn nghỉ thầm trong bụng .
" Ha . Ha chết cái ông già này rồi , tự nhiên lạy ông tôi ở bụi này " , mình đâu có biết con nước ở đây ra làm sao đâu , cái này do ổng tự khai thôi , phen này đừng hòng thoát khỏi tay thằng Toàn này nhé .

Tên Toàn làm ra vẻ thông cảm cùng nổi khốn khó của người dân ở đây :

-Cha chả  ông Sáu nói dậy thì năm nay bà con mần nghề cá mình mệt cầm canh à nghe  , nếu đúng y chang như ông Sáu nói thì tội nghiệp bà con cô bác ở đây quá.

Nghe cái giọng đạo đức giả của tên buôn  cá , từ phía nhà sau bà Sáu đi  lên nhà trên rồi bằng cách nói kiểu móc họng :

-Chú Toàn nói đúng đó , tụi tui  thỉnh thoảng bị thiên tai hoành hành gần chết, nhưng bị nhân tai còn khủng khiếp hơn nữa đó chú ơi , thời buổi bây giờ long người nham hiểm lắm  biết đâu mà lường, bà già này nói vậy có sai chổ nào không chú ?

Biết bị bà Sáu xỏ ngọt , cố làm vẻ mặt nhân từ đàng hoàng nhất trong đám đầu nậu láu cá  , hắn nhỏ nhẹ phân trần chuyện năm rồi :

-Bà Sáu ơi !  vụ năm rồi tui hổng có cố ý đâu , mấy thằng quỷ nhỏ đó tụi nó tự ý làm bậy tui đã  cho nghĩ hết ráo rồi , ai đời đi ăn gian chi mồ  hôi nước mắt của người ta , làm vậy  bất nhơn , thất đức lắm .

Nói xong hắn nhe răng ra cười cầu tài với bà sáu , nhưng trong bụng hắn giận sôi gan rồi nói  lầm bầm trong miệng  :

- Bà Sáu này giỏi lắm , vài bửa nữa tui cho cả  nhà bà biết tay , cái bè cá của bà nằm trong tay tui mà bà đâu có biết , bà chưa thấy quan tài  nên chưa đỗ lệ bà Sáu ơi.

Thấy bà Sáu không tiếp tục kê mình nữa , tên Toàn cất tiếng nói trỏng :

  -Mấy ngày nay mắc chứng gì giá cá Ba sa cao mút chỉ luôn , giá thâu vô  mười tám ngàn một ký lô gam , mùa này mấy chủ bè hốt bạc nghe .

Dứt lời gã đầu nậu liếc mắt dò xét về phía ông bà Sáu Lân , hắn đang ra cái chiêu độc trong nghề thu gom cá , đưa ra cái giá cao hơn giá thu mua  trên thị trường , bằng cái mồi câu này hắn chắc như đinh đóng cột là ông  bà Sáu Lân mắc câu chỉ còn là thời gian mà thôi .

Nghe Tên Toàn nói có người đang  thu mua cá với cái giá cao ngất ngưởng  đó , so vớ cái giá tuần trước hai ông bà cùng thằng Đực nhỏ tính toán nếu quả tình đúng như vậy thì nhà ông tự dưng  sẽ có thêm vài chục triệu từ trên trời rơi xuống , sẽ bù lại tiền bán Nhãn giá  rẻ hôm nọ ,lúc này tự dưng trong bụng  không còn cay  cú và ác cảm với tên Toàn nữa , bà Sáu hỏi hắn :

  -Chú Toàn nè , bầy cá nhà tui chủ nhật này tui sẽ phá bầy đó , nếu giá thu mua như chú vừa nói  thì vợ chồng tui để cho chú mua , tụi tui khỏi kêu mối khác .

Với cái sành sỏi của kẻ chuyên lừa lọc , trong bụng hắn cười thầm :

-  Hứ !  bà già Sáu này thấy chưa , bà làm sao thoát khỏi tay tui . Hà.. Hà .

Giả đò không nghe lời chào mời của Bà Sáu , mắt hắn ngó quanh quất lên trần nhà như muốn tìm kiếm gì đó , bà Sáu thì như Lửa đốt trong lòng , bà muốn được thấy cái gật đầu từ tên toàn hoặc ít ra hắn phải cho bà biết ý kiến ý cò gì chứ ,  đàng này  chờ mãi không thấy tín hiệu gì từ phía hắn , bà Sáu nói tiếp :

- Sao...sao hả chú Toàn , tui nói vậy thì chú tính sao để vợ chồng tui  còn tính tiếp.

Chỉ đợi bấy nhiêu thôi , nhưng không hấp tấp , hắn chậm rãi trả lời nhát gừng :

- Ừ ... Để tui ..coi lại ..rồi ..rồi cho ông Bà Sáu  biết sau nha ,  hôm nay  sẵn đi công chiện ngang qua đây ghé thăm ông bà chút thôi, giờ tui đi dìa,  vụ đó chậm lắm chiều mai tui trả lời . thôi tui đi đây  ...

Nhìn theo cái dáng của tên Toàn đang dần xa khỏi cái cổng nhà , trong  lòng nôn nóng bà Sáu buộc miệng :

-Cái thằng này có khi nào nó thấy mình cần rồi nó làm eo không vậy cà? nó không chịu  ăn giá này thì mình chịu khó kiếm mối khác , hạ hơn chút đỉnh cũng  bán phức cho xong để thằng Đực nhỏ nó còn  trở lên  Sài gòn  đi học tiếp nữa chứ .

Đồng ý mua với cái giá khá cao nói trên, ngày hẹn cân cá cũng đến , mới mờ sáng đã nghe tiếng chiếc xe tải bóp còi inh ỏi phía bên đường trước ngỏ , rồi tiếng tên Toàn vang lên :

  - Chuẩn bị xong  chưa ông bà Sáu ơi , lên xe đi ra bè cá với tui , đi với tui cho  tiện , xong chiện tui chở ông bà dìa luôn , tui hổng có tính tiền xe đâu mà sợ . He ..he  ...

Quýnh quáng vì không chuẩn bị cho cái tình huống bất ngờ do tên Toàn  tạo ra ,ông Sáu từ trong nhà chụm tay lên miệng  làm cái loa hét thật lớn  ra  ngoài  :

 -Vậy hả , chờ chút xíu tui ra liền ....

Rút kinh nghiệm lần trước tên Toàn cho đám đàn em ăn gian cân một cách lộ liễu nên không qua được cặp mắt cảnh giác của thằng Đực nhỏ , lần này thay vì dùng loại cân xách tay loại cân tạ như mọi lần  , khi cân chỉ cần móc vào quai cái cần xé  hai người chọt cái đòn gánh vào rồi cứ kéo rê cục cân trên trục khi nào cán cân thăng bằng thì hai bên mua bán đều dán mắt  nhìn vào để  cùng xác nhận số lượng cá trên cân , lúc hai bên chăm chú vào số cân cũng  là lúc một trong hai thằng đứng cân lấy tay chận phía đầu cán cân khiến số lượng cá trong cần xé  được nhẹ đi một cách đáng kể mà chủ bè cá ít có cơ hội phá  hiện , như đã nói do hai bên chỉ chăm chú vào chữ số ki lô gam đang thể hiện mà thôi . Lần này Tên toàn đi học hỏi ở các bậc đàn anh cũng chuyên nghề lái cá  bên kia bờ sông Tiền , mấy tay này hoạt động ở địa bàn tỉnh Đồng Tháp ít có  tên nào nhảy sang địa phương khác làm ăn , một vì lạ nước lạ cái , hai là  lỡ bị phát hiện gian lận rồi vướng vô  thưa kiện thì rất phiền phức vì ở đó khó được sự bảo kê của một số người có chức quyền ăn chịu với họ từ trước .

Xe vừa tấp vô sát mí lộ đất đỏ bên cạnh mé sông nơi bè cá Gia Đình ông Sáu đang nuôi ,  luồng  gió  mát  từ phía mặt sông thổi lên khiến cái không khí buổi ban mai thêm phần mát mẻ ,  từ ca bin xe nhảy xuống trên môi ngậm điếu thuốc lá đang cháy dở và bốc mùi khét lẹt , tên Toàn vỗ vào cái thùng xe tải đông lạnh rồi ngoắc tay ra lệnh cho mấy tay đàn em đang ngồi vắt vẻo trên  nóc xe :

 - Trời ơi ! Xe ngừng lại cả tháng rồi mà tụi bây còn ở trển hóng gió  nữa hả , lôi cái cân vô bè  cá cân gấp cho kịp giờ về Sài Gòn , chậm giờ nào  là mệt giờ đó nghe mấy đứa .

 Cái cân bàn mới cáu cạnh tên Toàn mới tậu cách đây vài hôm , sau khi  được các đàn anh chỉ cho cách " bóp  cổ " những người nông dân hiền lành  chân chất nơi miền quê nghèo , hắn đánh xe lên tận miệt Chợ Lớn ,vào một tiệm của người hoa chuyên bán các  loại cân theo cái địa chỉ mà tên đàn anh đã  mách nước cho hắn , sau một lúc cười cười với một tay Ba Tàu có cái vòng bụng to lớn như những bà mang bầu gần đến này sanh , đã xấu như vậy mà ông chủ bán cân này còn mặc chiếc quần xà lỏn cũ sì , mình ở trần trùn trục mồ hôi  mồ kê chảy nhuể nhại , tên Toàn lôi từ trong túi ra xấp bạc mới cứng, hai  bên đếm đếm giao giao ra chìu đắt ý, mới nhìn vào cứ ngỡ  họ quen nhau tự bao giờ .
Trong lòng hân hoan gương mặt thì tươi như hoa mới nỡ , Tên Toàn đang nghỉ đến số cá trong bè này sẽ được bốc hơi một cách tinh vi không ai phát hiện được kể cả những tên đàn em thân tín của hắn , khi vừa đặt chân lên bè thì hắn giật mình chỉ chút xíu nữa thôi hắn sẽ bị té  ngã xuống nước trong bè thì lúc đó hắn sẽ là mồi ngon của đàn cá nhà ông Sáu , thật may hắn gượng lại được khi chụp được  đầu  cái vỏng của thằng Đực nhỏ nó treo cạnh đấy để ngả lưng buổi trưa , sẳn những ngọn gió thổi hiu hiu nên sau khi cất tiếng hát chưa hết sáu câu vọng cổ thì  nó đã say  nồng trong giấc ngủ , việc canh chừng bè cá lúc  này là nhiệm vụ của con chó Phèn . 

Khi tên Toàn đi xuống bè cá với thái độ nghênh ngang , hắn không để ý đến con Phèn nhưng Phèn nhà ta thì dường như  nó biết tên Toàn là người xấu nó nhe răng gầm gừ rồi nhảy sổ về phía hắn rồi sủa rân lên , may là con Phèn bị xích lại chứ không thì hắn bị chú Phèn kia dạy cho bài học nhớ đời , lấy lại bình tỉnh hắn lấy tay chỉ vô mặt chú phèn rồi buông ra lời cay nghiệt :

- Mầy lạng quạng tao cho mầy thành rựa mận hoặc chả chìa đó nghe mậy , hên cho mầy đang bị cột chứ không mấy thằng cẩu tặc nó bắt mầy về chợ Ông Tạ lúc đó da của mầy dòn rụm thơm lừng bởi lửa rơm nó thui mầy đó con . 
Không biết con phèn có hiểu tên Toàn đang hù dọa mình chăng mà nó càng sủa dữ dội hơn nữa , thằng Đực nhỏ nghe câu nói thiếu lòng nhân từ với con Phèn cưng của mình , nó lừ mắt nhìn thẳng vô mặt tên Toàn với thái độ không hài lòng , tên Toàn chợt nhớ lại câu tục ngữ trong dân gian : " Đánh chó phải kiêng chủ nhà " nên vả lả nói với Thằng Đực:

  -Anh giởn chút cho vui mà , có gì đâu mà chú em mầy muốn ăn thịt anh hay sao dậy? , anh xin lỗi nghe thằng em trai , con chó em nó khôn thiệt ... 

Từng cần xé cá được đặt lên cân , nước từ cái cần xé đựng cá trên bàn cân chảy ra ướt sũng cả một khoảnh sân mùi tanh của cá được vài cơn gió thoảng qua nhẹ đưa cái mùi đặc biệt này bay đi khắp vùng, hai bên lúi húi ghi ghi chép chép vào cái sổ tay của mình sau khi xem mã cân thể hiện ,thỉnh thoảng bên mua đưa tay đẩy cục cân xê dịch qua lại rồi thì bên bán cũng đưa tay xê dịch cục cân , có lúc lại thả thêm hoặc bớt những cục cân vào trái cân treo lũng lẵng trên đòn cân , rồi chốc chốc cũng phản ứng với nhau chút ít về số lượng của từng đợt cân , do bên nào cũng sợ  thua thiệt sẽ  nghiêng về phần mình , nói là nói vậy cho có vẽ công bằng chứ người bán làm sao thoát khỏi cái vòng kim cô vô hình do bên mua chụp vô đầu họ như Tôn ngộ Không bị Đường Huyền Trang Tam Tạng niệm chú gắn vòng kim cô vào đầu của năm nào trong quá khứ , lúc này chỉ còn nghe theo lệnh của chủ nhân  vòng kim cô ác nghiệt kia thôi . Khi xem đoạn phim này có người chặc lưỡi thương cho Tôn ngộ Không :

- Có bảy mươi hai phép thần thông  mà không thoát nổi cái vòng kim cô kia, đúng là chạy trời không khỏi nắng .

Hôm nay  gia đình ông Sáu Lân chạy trời không khỏi nắng do tên Toàn này bày ra , cá đã yên vị trên xe , ông Sáu và Thằng Đực nhỏ cùng Tên Toàn  đang chụm đầu vào nhau trên chiếc bàn tròn nơi bên hông nhà của bè cá , từng  con số được cộng dồn lại , lấy tay bấm cái máy tính bỏ túi Hiệu Casio  , con số kết quả hiện ra tới đâu thì Trên trán ông Sáu và thằng Đực Nhỏ mồ hôi tuôn ra như tắm tới đó  mặc dù ông và nó đang được cái quạt máy cũ mèm đang chạy hết công suất vẫn không ngăn được những giọt mồ hôi mặn đắng kia , vì tổng sản  lượng cá đợt này không được như dự tính của nhà ông , trái lại gương mặt của tên Toàn lúc này tươi rói như những con tép đất  được cái lũ  nhóc trong ấp này xúc trong đám ruộng gần nhà , khi cái rỗ được dỡ lên khỏi  mặt nước những con tép đất nhảy tưng lên soi xói  thân hình tép đất nhỏ xíu  trong veo nhưng được cái ăn rất ngọt , tên Toàn đang hí hửng , qua cái vụ này hắn dự định sẽ sắm sửa thêm nhiều đồ vật đắt tiền cho vợ con hắn thêm phần ấm cúm , và hắn cũng dư biết qua cái vụ này vợ chồng ông Sáu vốn cơ  cực lại càng cơ cực , đúng là cái thời buổi ai chết mặc bây , miễn tiền thầy thầy bỏ túi ...

Tối hôm ấy bên chiếc vỏng treo tòn teng  trên  hai cây cột ở hàng hiên  trước nhà , nằm vắt vẻo đong đưa nhè nhẹ , qua ánh đèn dầu tù mù gương mặt trầm tư lắng đọng , ông Sáu không thốt một lời kể từ khi cầm số tiền bán cá đem về giao cho Bà Sáu cất giữ . Trong đầu ông hình ảnh ông Chín mè mặc bộ đồ bà ba trắng , đầu đội nón nỉ , tay kè kè cái cặp nhỏ , trong đó sổ đỏ , giấy chứng nhận sở hửu nhà đất của những người ông ta cho mượn tiền làm ăn ,rồi giấy nhận nợ của bên mượn tiền , ông chín Mè khi cho ai mượn tiền lúc nào  miệng cũng bô bô :

-Thấy bà con mình khổ quá tui mới nhín nhút cho mượn chút đỉnh mần ăn ,  chứ tui không phải cho vay như mấy bà ngoài chợ đâu , làm nghề này thất  đức lắm , tui ăn chay trường mà , phật dạy luật nhân quả rành rành kia rồi , ai dám làm việc  ác đức cho mang tội  .

Mấy người vay tiền của ông rồi ít nhất cũng đã từng một lần nhận xét  cay  cú :

  - Chín Mè này cho vay " xanh xít đít đuôi " mà miệng lúc nào cũng nhân đạo hết , còn ăn chay trường nữa chứ , đúng là : Nam mô một bồ dao găm ,người chay tịnh theo giáo lý nhà Phật chánh gốc không ai làm cái nghề như ổng hết .
Nghe vậy có người còn nói thêm :

- Đó  , ấp mình  đó có  , bà Ba Cao bán quán đầu ấp của mình  kìa , bán món nào  cho ai cũng một câu nói duy nhất thốt ra  nơi cửa miệng :  

- Cái này tui để vốn cho chú thím hay  anh chị gì đó , tui lời có một phân thôi , đúng một phân không hơn không kém 
.
Nhiều người nghe bà Ba nói riết cái câu nói cố hửu : Tui lời có một phân thôi , họ bèn nói cho những người chung quanh với cái nói móc lò nhẹ nhàng:

- Cái Bà Ba Cao này già cả lắm rồi , buôn bán cho bà con mình bả bán  lấy vốn  không hà , vậy thì đừng đến đó mua nữa , bán vậy bả cụt vốn có ngày tội nghiệp bả lắm , mẹ tổ nó bả  bán mắc như quỷ mà nói : Tui lời có một Phân hà , hổng dám một phân đâu , phân nửa thì có  .

  Trở lại với ông Sáu lân , với số tiền bán cá này thì làm sao chuộc lại  cái sổ đỏ của mảnh đất nhà ông , mà không cầm sổ đỏ trong tay thì xem như đất nhà ông có cái xác mà không có hồn , ông cứ bị dằn vặc trong lòng  vô cùng , bây giờ  còn tiền đâu để thằng Đực nhỏ quay lại trường Đại học để học cho xong mấy cái Tín chỉ mà nó chưa hoàn thành , rồi còn lo vợ con cho nó nữa , ông bà đang thèm một đứa cháu nội để bồng ẳm hôn hít cho đã thèm , chứ Thằng Đực bây giờ mà hôn nó chắc khét lẹt  bởi nó đã dạn dày sương gió , đâu còn bé bỏng như ngày xưa , ngày ấy thằng Đực gần mười tuổi mà ông vẩn còn ôm nó vào lòng  rồi ông hôn lên đôi má bầu bĩnh của nó mà nghe cái hương vị ngọt ngào như lúc nó còn nằm trong nôi , bây giờ  nói lỡ dại ông bà có nằm xuống mà chưa có đứa cháu đích tôn nối dõi tông đường thì buồn biết mấy .

Mùa hè nóng nực mà được vài cơn gió nhẹ thoảng qua nó làm ông Sáu chìm vào giấc ngủ đầy mộng mị ..
Là một người lính nghĩa quân ở quê nhà , sở dĩ Anh Sáu Lân vào sắc lính này vì anh còn Mẹ già  là Bà Tám Ngân , năm ấy bà đã lụm cụm đi đứng khó khăn nên Anh phải tình nguyện vào đồn nghĩa quân gần nhà , sau giờ công tác anh tranh thủ về nhà chăm lo cho Bà , cũng được vài năm thì bà Ngân ra đi trong một đêm ngoài trời  mưa  rơi  rả rích .
Rã ngũ anh Sáu quay về đời sống dân sự  hàng ngày , bao nhiêu quân trang quân dụng anh không đành vứt bỏ như phần lớn những người lính năm xưa , anh giữ lại như giữ cái kỷ niệm những ngày mẹ anh còn sống , vậy mà những vật dụng đó giờ đây giúp anh trong công việc hàng ngày , chẳng hạn cái nón sắt thì có nhiều việc để xài ,  có hôm anh lấy làm cái cối để giã cái đám cua đồng mỗi khi  chị Sáu nấu món bún riêu , cái nón nhựa  anh cắt bỏ cái băng cầu bên trong nón bỏ đi , anh tra cái cán tre thật dài làm cái gàu múc nước từ con mương phía trước nhà tưới vào từng gốc cây cam cây bưởi , cây chanh cây  quít  những cây này là kế hoạch lấy ngắn nuôi dài của anh , trong khi chờ các cây dừa cho  trái , anh  và chị Sau sống đắp đổi bằng những ngọn rau và cây trái trồng  tạp nhạp trong sân vườn , ít lâu sau khi có số vốn kha khá anh đầu tư hết vào cái vườn nhản  hạt tiêu , rồi sau này vốn liếng đó cũng tiêu luôn  theo nhản hạt tiêu vì nhiều lý do  . 

Đôi giày bố , bộ đồ ka ki xanh , rồi cái sợi dây TAB đeo ở thắt lưng  ngày xưa anh cũng không còn để dành kỷ niệm nữa mà nó đã góp phần  vào những  khi anh làm các công việc trong vườn nhà .

Cầm trên tay nhiều xấp tiền do ông Năm lái buôn chồng tiền mua mão hết vườn cam , đang đếm tiền trên bờ con mương trước nhà , chưa kịp vui mừng thì bị ai  đó giật xấp tiền rồi xô ông rơi tỏm xuống mương nước , ông la thật to  cướp .. Cướp, nước dưới mương tràn vào miệng  vào mũi khiến ông ho sặc xụa ..

- Ông Sáu , ông Sáu ,  ông ơi vô nhà ngủ dùm tui  mưa tạt quá trời cái thân già bệnh hoạn không lo , nằm ngủ chổ đó trúng gió ngũm cù đèo có ngày đó ông ơi  , mà làm gì ông la  làng phát ớn  làm tui điếng hồn vía .

Tiếng bà Sáu vợ ông kêu giật ngược , thấy ươn ước nước  nơi miệng  do nước mưa tạt vào làm ông  tỉnh giấc , ông chợt hiểu mình đã qua một giấc mơ dữ , ông cất tiếng  hỏi :
  
- Bà nó ơi , mấy giờ rồi , tui nằm chơi mà không ngờ làm luôn một giấc dài ghê, đã vậy còn gặp mưa nữa chứ , may có bà kêu chứ không tui uống nước đầy  bụng dưới mương rồi còn gì .

Nghe tiếng ông Sáu hỏi , thằng Đực nhỏ đang nằm trên chiếc giường tre gần đó lên tiếng : 

- 2 giờ sáng rồi đó Tía  , mà Tía ơi , con lên Sài Gòn đi  học lại nha tía , chắc tuần  sau con sẽ đi , lên trên con ở chung với mấy đứa cùng lớp đang ở thuê phòng trọ  gần trường , con sẽ làm thêm có tiền đóng học phí  lo gì , trời sanh voi thì sanh cỏ tía khỏi lo cho con .

Nghe thằng  Đực Nhỏ nói ông thấy như có kim chích đầy người , đau nhói trong lòng ông vừa buồn vừa mừng , buồn vì không còn khả năng cho con ăn học mừng vì nó có cái suy nghỉ tự đứng trên đôi chân của mình , bất giác những giọt nước mắt tuôn chảy trên đôi má nhăn nheo của ông .

Cái vụ cân cá sáng nay ông và Thằng Đực cũng nghi ngờ cái tay đầu nậu  này nó đã ăn gian khi cân , nhưng ăn gian cách nào thì ông và thằng Đực  không đủ khả năng khám phá , sau này tay Toàn kia ăn quen nhịn không quen  bị xộ khám khi dỡ cái thủ đoạn ăn cướp công khai số lượng cá của gia đình nọ , do thấy số lượng không tương xứng với số cá nên họ làm dữ bà con xúm lại rất đông và đã lật tẩy vụ gian lận này , mấu chốt bí ẩn nó nằm trong  mấy  cục cân rời do mấy người sản xuất cố tình tiếp  tay cho những kẻ không có lương tâm như tên Toàn .

  - Ông Sáu ơi ! tui chín Mè đây có nhà hông vậy ?

Nghe tiếng Chín Mè rỗn rãng ngoài sân , lòng dạ rối bời , ông Sáu mời ông Chín vào nhà , trà nước đâu đó xong xuôi sau một lúc cùng nhau bàn về số tiền cầm cái sổ đỏ ông Sáu nói như năn nỉ :

- Đó nảy giờ tui nói thiệt hết trọi rồi , bụng dạ , ruột gan phèo phổi  móc hết ra cho ông coi rồi đó , cho tui góp phân nữa rồi mùa sau tui chồng  đủ tiền cho ông được không ông Chín ?.

Bằng cái cách nói của kẻ cho vay cao tay ấn , ông chín Mè nói  :

- Ông Sáu ơi ! tụi mình cũng người chòm xóm với nhau không hà ,tui  thông cảm cho ông bà lắm chứ , nhưng ông bà Sáu biết sao hông..

Làm bộ cảm động và với cái giọng nghèn nghẹn Chín Mè Tung ra độc chiêu nhằm  kết thúc cuộc thương lượng như những người Trọng tài bóng đá thổi còi kết thúc trận đấu một cách dứt khoát sau khi cộng thêm một ít giây phút bù giờ cho trận đấu chính thức  khiến cho cổ động viên của hai đội bóng kẻ thì cười hả hê , người thì  đầm đìa nước mắt , hoặc như chết lặng giữa tinh không khi đội nhà bị loại khỏi trận đấu :

- Nói thiệt Ông bà Sáu Thương nha , tiền tui cầm đất cho nhà mình tui cũng đi vay của người khác , họ tính lời ghê lắm , tui bị cái nghiệp này  chứ tui cũng không muốn đâu . thôi như  vầy đi , mai  tui đem qua cho ông Bà thêm một trăm triệu nữa để hổ trợ cho ông bà dọn nhà giao đất cho tui để tui cấn nợ lại cho họ , chứ không thì nó cào nhà tui luôn đó ông bà Sáu . 

  Đất trời như sụp đỗ dưới chân , hai vợ chồng ông Sáu thấy trước mắt một tương lai thật mờ mịt , là nông dân sống bao đời nay giờ thì không còn  một cục đất chọi chim thì thử hỏi từ đây đến cuối đời cuộc sống gia đình ông bà sẽ ra sao khi gặp cảnh không nhà không cửa trên chính quê hương mình bao  đời nay , rồi mồ mã ông bà tổ tiên , cha mẹ nữa , mồ mã nằm trên đất này họ có để yên cho những xác thân dưới mộ kia hay không , có khi họ bắt ông bà  bốc dỡ các hài cốt kia thiêu đốt cho vô hủ sành rồi đem thẳng vô chùa, nghĩ đến ngày tư ngày tết không còn dịp đi tảo mộ đốt những nén nhang mượn làn khói mong manh kia làm sợi dây thiêng liêng nối liền với người sống cùng kẻ chết có thể nhờ vậy mà cả hai đều được ấm lòng , với ông bà Sáu thế là hết , đêm ấy ông Sáu lên tăng xông đứt mạnh máu não , dường như biết mình không thể qua khỏi , ông ra hiệu cho bà tới gần bên , bằng cái giọng mệt nhọc thều thào ông trăn trối :

- Chắc tui sắp đi xa rồi bà nó ơi , tui dặn bà làm gì cũng phải cho thằng Đực nhỏ học xong đại học để sau này nó không phải cơ cực như tui với bà .

Nói được bấy nhiêu ông nất lên nghẹn ngào , nước mắt lưng tròng từ từ hơi thở ông yếu dần rồi dứt hẳn , bên ngoài bổng dưng sấm chớp vang rền , mưa trút nước như xối xã như khóc cho một kiếp người quá đổi bất hạnh .

Khi ông Sáu Lân được mồ yên mã đẹp , ngôi mộ ông được người hàng xóm tốt bụng cho nằm cạnh bên người thân của họ , Bà Sáu giao mảnh đất thân yêu lại cho ông Chín Mè rồi bà theo thằng Đực nhỏ lên Sài Gòn thuê nhà ở và buôn  bán lặt vặt sống qua ngày , Thằng Đực nhỏ cũng tìm được việc làm đủ trang trải cho sự học hành .

Vùng Quê ,nơi chôn  nhau  cắt rún của hai mẹ con Bà Sáu Lân tuy cách  Sài Gòn không xa lắm , nhưng cũng rất xa kể từ khi mảnh đất này rơi vào tay lão Chín Mè , hai mẹ con bà chắc chẳng còn cơ hội quay lại nơi này khi tương lai hảy còn mịt mù ở phía trước , mỗi buổi chiều khi trên bầu trời ánh nắng vàng vọt sắp khuất ở phía đàng tây , Bà Sáu rưng rưng nưóc mắt , nhìn về cỏi xa xăm nơi ấy đã một thời đầy ắp kỷ niệm đối với bà , vì hoàn cảnh bà và thàng Đực đành phải ly hương , và nơi xa xăm ấy chỉ còn lại chồng Bà , ông Sáu nằm lại đấy bên cạnh đất nhà mình , có thể hàng ngày ông vẩn trong coi giữ gìn phần đất ngày xưa mà ngày nay lão Chín Mè đã nghiễm nghiêm là chủ nơi đây , mảnh đất này trong tâm thức của mọi người dân nơi đây họ vẩn cho là hai vợ chồng Sáu Lân là chủ , có lẽ vì thế bà Sáu nhất quyết để ông Sáu nằm mãi nơi ấy và không bao giờ bà cho ông Sáu phải chịu cảnh ly Hương như mẹ con bà ./.

Hai Hùng
Viết xong  cuối Hạ 2011 tại  Sài Gòn