Chim Việt Cành Nam              [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]         [ Tác giả ]

NGUYỄN HÀNH (1771-1824) 
        nhà thơ tài hoa trong An Nam ngũ tuyệt 

TS Phạm Trọng Chánh

Nguyễn Hành được người đời đánh giá là một trong An Nam Ngũ Tuyệt, năm nhà thơ lớn tuyệt diệu Việt Nam trong thời đại cùng với chú ông là Đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820) tác giả Đoạn Trường Tân Thanh. Ba người còn lại không ai khác hơn là : Nguyễn Huy Tự (1743-1790) tác giả truyện thơ Hoa Tiên bằng thơ lục bát, con Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh, con rễ Thượng Thư Bộ Lại Nguyễn Khản. Phan Huy Ích (1750-1822) tác giả bản diễn ca thơ nôm Chinh Phụ Ngâm khúc và Dụ Am Ngâm lục. Địa vị và tài năng của hai tác giả này, văn học đã dành một chổ đứng xứng đáng. Còn người thứ ba là Ngô Thời Vị (1774-1821) em út Ngô Thời Nhậm, một trong những tác giả Ngô gia văn phái : Hoàng Lê Nhất Thống Chí và tác giả Mai dịch tu dư và Thành phủ công thi văn, được vua Gia Long trọng dụng ngang hàng với Nguyễn Du hai lần đi sứ, lần cuối cùng thay Nguyễn Du mất năm 1820 làm Chánh Sứ, nhưng ông lại mất trên đường đi sứ về đến Quảng Tây năm 1821. . Ngô Thời Vị có mặt trong nhiều giai đoạn lịch sử của Hoàng Lê Nhất Thống Chí, những đối thoại của Nguyễn Huệ trong triều vua Lê, ông là người chứng kiến và chép sử, khác với ông anh cả Ngô Thời Nhậm phải lận đận, bận rộn trong công việc triều chính, Ngô Thời Vị là người có khoảng cách để quan sát, ghi chép và đủ tài năng để khởi thảo một tác phẩm văn xuôi độc đáo nhất nước ta. Tầm vóc Ngô Thời Vị đương thời sánh ngang với Nguyễn Du. Thơ chữ Hán ông rất độc đáo. Trước Hoàng Hạc Lâu, thi hào Lý Bạch phải thốt lên : Trước mắt có cảnh không tả được, vì thơ Thôi Hiệu ở trong đầu. Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu tuyệt tác thi hào Lý Bạch phải bí tứ thơ. Ngô Thời Vị hiên ngang xưng danh : Sứ thần nước Việt Ngô Thời Vị, Phóng bút đề thơ viếng cảnh này. Mọi người tôn sùng Quách Cự trong Nhị Thập Tứ Hiếu của Lê Văn Phức, vì mẹ già chôn con, thì Ngô Thời Vị kết án : Ngũ luân nào phải nhất luân, Mẹ già, con trẻ đồng cân rõ ràng. Lưỡng toàn ví chẳng đảm đương. Nghèo thêm một miệng nuôi thường đáng bao ? Cự kia, hiếu nặng thế nào, Giết con chẳng khác cầm dao giết mình. Cự kia, lòng tệ sao đành. Dù thông đạo hiếu, chưa rành đạo nhân. Hoàng kim ví chẳng được phần, Tránh sao một tội bại luân thường rồi ? (Tham Tuyền dịch). Lý luận Ngô Thời Vị thật chửng chạc đanh thép, khác lối hùa theo ngợi khen của người đời thật là một trong năm ngũ tuyệt. Thời học Trung Học, học Nhị Thập Tứ Hiếu, đến tên Quách Cự, tôi thấy tức tối, vì hiếu với mẹ mà nỡ chôn con, tên giết người vô luân kia thế cũng được gọi là hiếu, nay đọc được thơ Ngô Thời Vị thật mát gan mát ruột. Nếu ngòi bút như Ngô Thời Vị có mặt trong thời Cách Mạng Văn Hóa của Mao, 35 triệu người chết đói, người ta trao đổi con gái để giết ăn thịt, thì Ngô Thời Vị sẽ viết như thế nào ? còn cái gì gọi là đạo lý của nền văn minh Trung Hoa, cái văn hóa, văn minh man rợ như thế còn đáng gì cho ta làm gương tôn sùng ? Ôi những người Việt Nam sáng suốt còn chút lương tri con người, nỡ nào để những cháu gái Việt Nam tươi đẹp, tuổi thanh niên có cái chí hướng tung thẳng trời xanh, như cháu Phương Uyên bị giam trong tù, hay bị bán qua bên kia biên giới làm vợ thay cho hàng triệu em bé gái Trung Quốc đã chết vì bị ăn thịt, hay do chính sách một con phải giết con gái ?

Những tài năng lớn như Nguyễn Hành, như Ngô Thời Vị đã bị quên lãng, tôi sẽ trở lại trong một bài viết khác về Ngô Thời Vị .

Năm nhà thơ lớn, thuộc bốn dòng họ văn học danh tiếng Việt Nam : Nguyễn Tiên Điền, Nguyễn Trường Lưu, họ Phan Huy làng Thu Hoạch huyện Thiên Lộc Hà Tĩnh, và họ Ngô Thì quê Tả Thanh Oai (làng Tó) Hà Đông nay thuộc Hà Nội.

Thế kỷ 18, 19 này có nhiều cuộc xếp hạng Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung Tùy Bút bài Thi ca xếp hạng ba người : Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Huy Oánh và Hồ Sĩ Đống là ba bậc thầy phục hưng thi ca . Nhưng chúng ta chỉ biết Nguyễn Tông Khuê là thầy dạy của Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Thục. Nguyễn Huy Oánh đào tạo 30 học trò đỗ Tiến Sĩ, và hàng trăm Cử Nhân một kỷ lục chưa từng thấy và là cha Nguyễn Huy Tự tác giả Hoa Tiên. Hồ Sĩ Đống là anh họ Hồ Xuân Hương. Có sắp hạng khác gọi Phạm Đình Hổ, Nguyễn Kính và Hồ Xuân Hương là Tam tài tử. Vua Tự Đức sắp hạng 4 người : Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán, Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường. Văn như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát hơn cả thời Tiền Hán, Thơ như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương chẳng kém thời Thịnh Đường. Còn Ngô Thời Nhiệm, được đánh giá rất cao, như một bậc thầy của Thiền Tông Việt Nam, một triết gia lớn, cuối đời thành Hải Lượng Thiền sư viết Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh được xếp hạng là Trúc Lâm Đệ Tứ Tổ (sau vua Trần Nhân Tông, sư Pháp Loa và sư Huyền Quang)..

Đáng tiếc thay phần lớn sáng tác của tổ tiên chúng ta đều bằng chữ Hán, chúng ta hầu như chỉ biết đến những nhà thơ nôm và quên đi những nhà thơ chữ Hán danh tiếng ngày xưa, ngày nay chúng ta thưởng thức thi tài cha ông bằng những bản dịch nghĩa khập khễnh, xa lạ như đọc thơ ngoại quốc. Thơ mà chỉ hiểu có nghĩa còn phần tiết tấu, vần điệu, âm nhạc, điển tích không hiểu thì chỉ thưởng thức thơ có một phần ba. Hơn một ngàn năm mở nước từ thời đại Lý- Trần, tác phẩm tổ tiên ta chủ yếu là thi ca. Dịch thơ chữ Hán ngày nay không còn bao nhiêu người, lại phải đủ tâm hồn thơ, đủ vốn liếng kỹ thuật để chuyển từ Đường Luật chữ Hán sang quốc ngữ, đúng niêm luật, cấu đối, ngày càng hiếm. Giới trẻ ngày nay quen làm thơ tự do, không phải khổ nhọc công phu trau dồi, học tập thể thơ Đường luật. Nếu không chuyển hết được tác phẩm tổ tiên ta cho con cháu đọc và thưởng thức được thì quả thực chúng ta đã bị cắt đứt với quá khứ. Di sản thơ chữ Hán Việt Nam còn rất nhiều, như Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, hay Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Mai Am, Nguyễn Thông, Trần Thiện Chánh.. cả một di sản đồ sộ chúng ta biết quá ít.. phần được dịch thuật trăm năm qua chỉ là một phần nhỏ. Trong bài này tôi xin giới thiệu một nhà thơ lớn Việt Nam bị lãng quên vì ông chỉ sáng tác thơ bằng chữ Hán. Nguyễn Hành, cháu của Đại Thi Hào Nguyễn Du.

Nguyễn Hành sinh năm 1771 và mất năm 1824 tên là Đạm, hay Đàm tự là Tử Kính hiệu Nam Thúc, biệt hiệu Ngọ Nam hay Nhật Nam. Con Nguyễn Điều, cháu Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm. Năm 1784 Nguyễn Điều làm Trấn Thủ Sơn Tây, gặp loạn kiêu binh đốt phá dinh thự quan lại Bộ Thượng Thư Nguyễn Khản. Nguyễn Khản trốn lên Sơn Tây toan cùng em hợp binh các trấn về giết kiêu binh, nhưng kiêu binh giữ chặt Chúa Trịnh nên không làm gì được, kiêu binh làm áp lực bãi chức Thượng Thư Bộ Lại Nguyễn Khản, Nguyễn Điều bị giáng chức về huyện Thanh Chương, Hà Tĩnh. Ông định cư cùng con cháu tại đây. Khi nhà Trịnh sụp đổ năm 1786, Nguyễn Điều uất ức mà mất, Nguyễn Hành lúc đó chỉ mới 15 tuổi. Cuộc đời Nguyễn Hành phiêu bạc đó đây, không thi cử, không cộng tác với nhà Tây Sơn lẫn nhà Nguyễn. Cuộc đời Nguyễn Hành chúng ta được biết qua các bài thơ. Thời gian Nguyễn Du ở Tiên Điền 1794 đến 1796 để xây dựng lại từ đường, đình chùa cùng Nguyễn Ức, Nguyễn Hành có mặt ở Tiên Điền tả việc chú đi săn. Việc xây dựng đền thờ Điền Nhạc Hầu Nguyễn Điều cũng có bàn tay Nguyễn Hành đề các câu đối. Nguyễn Hành có mặt ở Tiên Điền năm 1804, khi Nguyễn Du vợ mất xin về nghỉ tại quê nhà, và sau đó khoảng năm 1805 được phong chức Đông Các Học Sĩ triệu vào kinh đô Phú Xuân. Chức vụ Đông Các học sĩ bên cạnh vua Gia Long hàng ngày dâng sách cho vua đọc và giảng cho vua nghe. Rồi Nguyễn Hành còn ở Thăng Long tham gia viết Trúc Lâm Tông chỉ Nguyên Thanh với Ngô Thời Nhiệm tức Hải Lượng Thiền Sư ( trước 1802). Năm 1820 Nguyễn Hành còn làm bài thơ khi nghe tin chú Nguyễn Du mất tại Phú Xuân. Nguyễn Hành mất trong nghèo khó năm 1824, bốn năm sau khi chú là Nguyễn Du qua đời.

Nguyễn Hành để lại hai tập thơ là Quan Đông Hải A.1530, VHv 1444, VHv 81 và Minh Quyên Thi Tập VH .109. Bản chép tay lưu trử tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm. Hai văn bản này cũng có tại Ecole Français d'Extrême Orient Paris trong danh sách các tác phẩm Hán Nôm..

Minh Quyên thi tập là tiếng chim cuốc đau thương " Nhớ nước đau lòng con quốc quốc ", một tâm sự hoài Lê Trịnh buổi cha ông họ Nguyễn Tiên Điền là quan đầu triều, Nguyễn Hành là một cậu công tử ngày xưa nay chỉ là một lão thư sinh rách nát, sống nương nhờ giai nhân, vợ và người thân.

Quan Đông Hải : là Ngắm Biển Đông. Mỗi con người đứng trước biển đều cảm nhận được sự hùng vĩ của biển cả, từ đó họ suy gẫm về xã hội, về bản ngã của mình. Tôi xin dịch thơ một số bài thơ Nguyễn Hành qua nguồn : Tạp chí Hán Nôm. số 4/1997 ;

Bài Theo lối xưa : Tiếng chim phượng(con trống) lẻ bạn, mất chim hoàng hay loan (con mái) thảm thiết kêu trong trời, mây trắng vẫn lững lờ trôi, ta đi đâu, hỏi ta ta chẳng biết. Trong bụng ta chứa đầy tài năng và đức tốt, đủ năm tính tốt. Thương thay sinh ra chẳng gặp thời, nên trôi dạt theo thời thế như làn gió cuốn mau. Đời như biển cả mênh mông, chỉ có người đẹp hay sự tuyệt đẹp là nơi nương tựa. Nhìn lên cao bốn cõi. Nghĩ những điều xa vời vợi. Lồng con chim đại bàng là đất trời, các loài chim ri, chim se sẻ đậu ngoài lồng. Rồng thiêng hóa ra thần kỳ, phận con cá miết bơi trong ao nhỏ. Vạn vật đều có riêng tính của nó. Nền triết học cổ cần phát huy. Bậc siêu nhiên tâm tự tại thường an lạc, người ngoài đời có ai hay biết.

THEO LỐI XƯA

(Một bài)

Phượng lẽ kêu lưng trời,
Tiếng kêu sao thảm thiết.
Mây trắng lững lờ trôi,
Đi đâu, hỏi ta biết ?
Đan huyệt chứa tinh đức,
Rực rỡ đủ năm màu.
Thương thay thời chẳng gặp,
Trôi dạt theo gió mau.
Biển cả rộng mênh mông,
Giai nhân nơi nương tựa.
Lên cao nhìn bốn cõi,
Lòng nghĩ xa vời vợi.
Lồng đại bàng đất trời,
Ri sẻ đậu phên ngoại.
Rồng thiêng hóa thần kỳ,
Cá miết lội ao tí.
Vạn vật có riêng tính,
Triết nhân chuộng phát huy.
Siêu nhiên tâm tự tại,
Ngoài đời ai có hay ?

Thơ Nguyễn Hành tập Quan Đông Hải

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

NGHĨ CỔ (Nhất thủ)

Cô phượng minh trung thiên,
Âm hưởng nhất hà bi !
Phù vân tiền trí tứ,
Vấn ngã nhất hà chi ?
Đan huyệt hàm tinh đức,
Ngũ sắc sinh quang huy,
Thương tai thời bất dụng,
Phiêu bạc tùy phong phi.
Hải thủy hạo mang mang,
Giai nhân đắc sở y.
Đăng cao lâm tứ hoang,
Du du hữu hà tư.
Đại bàng lung vũ trụ,
Xích án tập phiên ly.
Thần long hảo biến hóa.
Ngư miết du ô trì.
Vạn vật các hữu tình,
Triết nhân quý phát huy.
Siêu nhiên tâm tự lạc,
Thử ngoại thùy khả vi ?

Chú thích :

Đan Huyệt : Theo Sơn Hải Kinh : trên núi Đan Huyệt có nhiều vàng ngọc. Sông Đan Huyệt phát nguyên từ núi ấy chảy ra bể Bột Hải. Ở đấy có một loại chim lông năm sắc rất rực rỡ, gọi là chim phượng hoàng.

Đại bàng: Theo Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Chim Đại Bàng là chim lớn, lưng chim bằng không biết dài đến mấy nghìn dậm, khi bay lên thì cánh rộng như đám mây ở bên trời.

Giai Nhân: Thơ Khuất Nguyên thường nói đến Mỹ nhân hay giai nhân, tượng trưng cho cái đẹp như chân thiện mỹ.

Bài Hai Bà Trưng. Hai cô gái họ Trưng không biết đến nuôi tằm dệt lụa. Vì báo thù nung nấu suốt ngày đêm ( phải tập luyện võ nghệ, chiêu tập binh sĩ ). Thừa cơ vùng dậy đuổi Thái Thú Tô Định, chẳng mấy chốc thu hồi các thành toàn cõi Lĩnh Nam. Từ đây phong khí nước ta đã khác. Âm vượt khí dương và trai cũng như gái. Trong bát quái thiên ly giờ ngọ (từ 11 đến 1 giờ trưa, chính ngọ 12 giờ) Quẻ ly tượng trưng cho nữ, ngọn giáo sắc. Trước là hai Bà Trưng sau có Bà Triệu đảm đương vận nước trong khoảng cách 200 năm. Đến nay miếu thờ hai Bà tuẩn tiết, vẫn sừng sững bên bờ sông Hát, muôn thuở vẫn được nhân dân thờ cúng nghi ngút khói hương. Nữ nhi mà có tài trí như thế, thật là hổ thẹn biết bao bậc nam nhi yếu hèn.

HAI BÀ TRƯNG

Hai gái họ Trưng chẳng biết tằm,
Báo thù nung nấu dạ ngày đêm.
Thừa cơ vùng dậy đuổi Hán Sứ,
Mấy chốc thu hồi cõi Lĩnh Nam.
Từ đấy nước ta phong khí khác.
Âm vượt khí dương, nữ như nam.
Bát quái hậu thiên, ly giờ ngọ.
Ly tượng trưng nữ ngọn giáo lam.
Trước Trưng sau Triệu đương vận nước,
Ba người nổi dậy hai trăm năm.
Miếu tòa sừng sững bờ sông Hát.
Muôn thuở vẫn nghi ngút khói hương.
Nữ lưu tài trí hùng như thế,
Tự thẹn biết bao trai yếu hèn.

Thơ chữ Hán Nguyễn Hành, tập Quan Đông Hải, Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

LƯỠNG TRƯNG

Lưỡng Trưng nhị nữ bất tri tàm,
Báo cừu nhật dạ tâm như đàm.
Thừa cơ nhất cử trục Hán Sứ,
Hô hấp chi gian cứ Lĩnh Nam.
Tự thị ngô bang khí nhất biến,
Âm thừa dương khí nữ vi nam.
Hậu thiên bát quái ly đương ngọ,
Ly vị trung nữ vi qua đàm.
Tiền Trưng hậu Triệu đương kỳ hội,
Nhị bách niên gian tác giả tam.
Hát giang giang đầu di miếu tại,
Vạn cổ huân cao tùng uất lam.
Nữ trung tài tính hữu như thử,
Tức sử bỉ nọa văn phong tàm.

Bài Trăng trong đầm. Suy tư về hình ảnh mặt trăng chiếu trên đầm nước. Trăng trên trời, trăng dưới nước, mặt nước như một tấm gương là ba. Trăng cao vời vợi, nước trong đầm sâu không thể dò thăm. Nhìn trăng bổng nhiên ngộ thấy chân lý, không cần lý luận dài dòng.
TRĂNG TRONG ĐẦM

Trong đầm mặt trăng sáng,
Trong trăng đầm nước trong.
Một tấm gương giao chiếu,
Cùng đầm, nước : ba phần.
Cao cao trăng vời vợi,
Đầm sâu không dò thăm.
Bổng nhiên ngộ chân lý,
Chẳng biện minh dài dòng.

Thơ Nguyễn Hành trong tập Quan Đông Hải, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

ĐÀM NGUYỆT

Đàm trung hữu minh nguyệt,
Nguyệt trung hữu thanh đàm.
Thượng hạ kinh giao chiếu,
Đàm nguyệt câu thành tam.
Cao cao bất khả ấp,
Thâm thâm bất khả tham.
Du nhiên ngộ chân cơ,
Dục biện dĩ vong đàm.

Bài cảnh mùa thu trên đầm nước. Một đầm nước lai láng tràn đầy. Cảnh tượng bốn mùa thu qua xuân lại. Tỉnh ánh trăng chiếu sáng, động thấy mây bay phiêu du . Tiếng ếch nhái kêu như hờn oán. Nước chảy róc rách như gợi cơn sầu. Cảnh trí đầy đủ để ngâm vịnh thơ chỉ thiếu thuyền ngư ông ngồi câu cá.
CẢNH THU TRÊN ĐẦM

Một đầm nước lai láng,
Cảnh tượng bốn mùa thu.
Tỉnh chiếu ánh trăng sáng,
Động thấy mây phiêu du.
Ếch nhái kêu hờn oán,
Nước róc rách kêu sầu.
Cảnh đầy thơ ngâm vịnh,
Thiếu ngư ông thuyền câu.

Thơ Nguyễn Hành trong Quan Đông Hải, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

ĐÀM THU

Trạm trạm nhất đàm thủy,
Tứ thời cảnh tượng thu.
Tinh quan minh nguyệt tại,
Đông kiến bích vân phù.
Các các oa minh oán,
Tiêu tiêu thủy lạc sầu.
Khán tiền giai khả vịnh,
Duy khiếm nhất như châu.

Bài Đi trong núi : Đi mãi để vượt qua núi, chợt thấy một dòng khe chảy ngang. Đường hiểm trở trên núi vắng ngươi đi. Núi vắng chim về ca ríu rít. Suối chảy nước trong lạnh. Mùa thu nhiều mưa cây cỏ sum xuê, Một làn khói trắng từ đâu bay lên. Phải chăng là từ nhà một bậc hàn sĩ.
ĐI TRONG NÚI

Đi mãi vượt ngọn núi,
Chợt qua một dòng khe.
Đường hiểm vắng người đến,
Núi vắng tiếng chim kêu.
Suối chảy nước trong lạnh,
Mùa thu cây xum xuê.
Mây trắng từ đâu đến,
Nhà hàn sĩ gần kề.

Thơ Nguyễn Hành trong Quan Đông Hải, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

SƠN HÀNH

Hành hành độ nhất sơn,
Hốt phục quá nhất khê.
Lộ hiểm nhân hãn đáo,
Sơn không điểu cô đề.
Phi tuyển hà liệt liệt,
Thu mộc uất thê thê.
Bạch vân sơ khởi xứ,
Khả vi hàn sĩ thê.

Bài Tiếng chuông sớm Đạo quán Huyền Thiên, Hà Nội. Tiếng chuông gọi tỉnh giấc mộng trần thế, ai khua chuông vắng nơi phía đông thành Thăng Long. Tiếng chuông đi, tiếng chuông đến không cần phải hỏi. Không cần suy nghĩ, không cần nghe mà biết đến cùng tận. Tịnh vốn là tự nhiên không cần thiền định. Cơ mầu thiền hiểu ra nghĩa là chân không . Trở về với chân ý lòng nao nao không tả được nghe đêm khuya như có tiếng sóng đến bên song cửa.
TIẾNG CHUÔNG SỚM QUÁN HUYỀN THIÊN

Gọi tỉnh hồng trần trong giấc mộng,
Ai khua chuông sớm phía thành đông ?
Chuông đi, chuông đến không cần hỏi,
Không nghĩ không nghe biết đến cùng.
Tịnh vốn tự nhiên cần chi định.
Cơ mầu Thiền hiểu chẳng là không.
Trở về chân ý lòng khôn tả,
Đêm khuya như sóng đến bên song

Thơ Nguyễn Hành, trong Quan Đông Hải, Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

HUYỀN THIÊN QUÁN THẦN CHUNG

Hoán tỉnh trần tiêu nhất mộng trung,
Thử thanh thủy khiển xuất thành đông ?
Tự lai, tự khứ mạc tu vấn,
Phi nhĩ, phi tâm hà tất cùng.
Tịnh tướng như như an dụng định,
Thiền cơ liễu liễu bất tư không.
Quy lai thử ý chân điền tả,
Thâm dạ triều âm đáo khách song.

Chú thích :

Theo sách Hà Thành tích cổ lục có 4 Quán (Đạo Lão) thành Thăng Long : Chân Vũ, Huyền Thiên, Đồng Thiên và Đế Thích. Quán Chân Vũ tức Đền Trấn Võ. Quán Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai , Quán Đồng Thiên 73 Đường Thành và Quán Đế Thích ở phố Thịnh Yên. Quán Trấn Vũ, được xây dựng từ đời Lý Thái Tổ lúc thiên đô tới Thăng Long (1010) thờ vị thiên thần Huyền Thiên Trấn Võ theo Đạo Giáo để trấn giữ phương bắc thành Thăng Long, còn gọi là đền Trấn Vũ hay Chân Vũ. Đạo Lão tại Việt Nam bị lẫn lộn với Đạo Phật. Lão Tử sau khi trao lại quyển Đạo Đức Kinh và vào núi ở ẩn. Người đời dựa vào Đạo Đức Kinh mà xướng đạo thần tiên. Khác với Trung Quốc, Đạo Lão có những cuộc tập họp khởi nghĩa như Bạch Liên giáo, giặc Khăn Vàng.. Đạo Lão Việt Nam hầu như không có một ảnh hưởng chính trị gì. Thời Lý Trần, các vị vua nâng Đạo Khổng, và Đạo Lão lên ngang tầm của mình thành Tam Giáo Đồng Nguyên, nhưng thực tế Đạo Lão gần như không có thực thể, rất ít Đạo Quán, người theo Đạo Lão không có sự truyền thừa thầy trò từ đời này sang đời khác, người về hưu hưởng nhàn, hay ở ẩn tự xưng mình theo Đạo Lão, một số người lấy chuyện đồng bóng, hay bà chúa Liễu Hạnh để thờ cúng, trong lịch sử Việt Nam, Đạo Lão là một nhân tố không cần tính đến. Trong thơ Nguyễn Hành, quán Huyền Thiên đã trở thành chùa Huyền Thiên, nơi có nhà sư đánh chuông, thiền định. Quán Trấn Võ ngày nay không ai còn biết là nơi thờ phượng của Đạo Lão, và cũng chẳng ai còn biết Huyền Thiên Trấn Võ là ai gốc tích từ đâu ?

Bài Trọ Bắc Thành. Nhà thơ tự hỏi : Ta định làm gì đây mà đi thui thủi một mình đến thành này ? Cảnh cũ thời thế đổi thay, dinh thự bác và ông đều là bậc Tể Tướng triều đình đã tiêu tan cháy nát. Lòng vưong vấn mãi không khuây. Thời loạn lạc gạo quý như châu, ngọc trai, cũi đắt như quế, văn chương sách vỡ bị khinh khi. Năm xưa Nguyễn Hành là công tử được mọi người quý trọng, Nay trở về thành anh đồ già nghèo nàn.

TRỌ BẮC THÀNH

Ta định làm gì đây ?
Thui thủi đến thành này ?
Mắt nhìn không quen thuộc,
Vương vấn mãi không khuây.
Gạo châu cũi quế trọng,
Văn chương sách vở khi.
Năm xưa công tử quý,
Anh đồ già năm nay.

Thơ Nguyễn Hành, Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt.

BẮC THÀNH LỮ HOÀI.

Ngã diệc vi hà giả ?
Tịch liêu lai thủ thành ?
Nhãn trung vô cố vật.
Tâm thượng hữu dư tình
Quế ngọc quan hoài trọng.
Văn chương sách giá khinh.
Tích niên quy công tử,
Kim dã lão thư sinh.

Trong Minh Quyên thi tập, Nguyễn Hành có bốn bài thơ viết về chú là Đại Thi hào Nguyễn Du.

Mừng chú Tri phủ Thường Tín từ quan năm 1804: Vì đâu thời bình yên chú lại từ quan. YÙ chú có chi hơn được nghỉ hưởng nhàn. Chức tước chú đã theo kịp cùng bạn hữu. Công danh đã thoả chí với cha và anh. Vô tâm như mây trắng bay lòng mong mõi. Chim chưa mỏi chưa lường được sức bay nhanh. Hẹn ngày về quê cũ cùng hội ngộ. Vui với cây tùng trong giá rét vẫn đơm cành, khóm cúc cũng đang đơm nụ để trổ hoa.

MỪNG CHÚ TRI PHỦ THƯỜNG TÍN TỪ QUAN (1804)

Yên bình sao chú lại từ quan,
Ý chú chi hơn được nghỉ nhàn.
Chức tước kịp theo cùng bạn hữu,
Công danh thỏa chí với cha anh.
Vô tâm mây trắng lòng mong mõi,
Chưa mỏi chim bay lường sức nhanh,
Quê cũ hẹn ngày vui hội ngộ,
Cúc tùng năm rét nẩy đơm cành.

Thơ chữ Hán Nguyễn Hành, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

HỶ THÚC PHỤ THƯỜNG TÍN PHỦ TRI PHỦ GIẢI QUAN QUY

Thanh bình, hà sự cố từ quan,
Dũng thoái thi công ý sở an.
Liệt tước dĩ tòng thiên hạ đắc,
Lĩnh danh ưng vĩ ngã gia tàm.
Bạch vân bản dị vô tâm xuất,
Phi điểu nghi ư vị quyển hoàn.
Chỉ nhật cố viên bồi thắng hội,
Tuế hàn tùng cúc tỉnh tương khan.

Bài Tiễn chú Đông Các Học Sĩ đi Nam Kinh ( Phú Xuân). Núi Hồng Lĩnh và đảo Song Ngư là đất danh tiếng, nơi Tiên Điền Phu Tử Nguyễn Du thành danh. Triều đình trọng vọng đưa ngựa xe đến đón, nhưng vẫn nhớ đến quê hương rau thuần cá lô là đất nghĩa tình. Sở nguyện được ở chốn làng quê, nay lệnh vua, cờ quạt phải lên đường. Nước cửa phá Tam Giang lên cuồn cuộn, nhưng sóng tan, vì gió an bình.
TỐNG THÚC PHỤ ĐÔNG CÁC HỌC SĨ PHÓ NAM KINH

Hồng Ngư đất danh tiếng,
Nơi Phu tử thành danh.
Ngựa xe triều trọng vọng,
Thuần lô đất nghĩa tình.
Làng quê vốn sở nguyện,
Cờ quạt vội đăng trình.
Nước Tam Giang cuồn cuộn,
Sóng tan gió an bình.

Thơ Nguyễn Hành, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

TỐNG THÚC PHỤ ĐÔNG CÁC HỌC SĨ PHÓ NAM KINH

Hồng Ngư đa tú khí,
Phu tử độc trì danh.
Bào mã đương triều quý,
Thuần lô cố viên tình.
Châu lư phương thuộc vọng,
Tinh phái cự đăng trình.
Hao hao Tam giang thủy,
Phong đào tư thản bình.

Chú thích:

Nam Kinh: Kinh đô Phú Xuân, Huế ngày nay. Đông Kinh là Hà Nội.

Hồng Ngư: Núi Hồng Lĩnh 99 ngọn và hai đảo Song Ngư hình như hai con cá trước cửa biển huyện Nghi Xuân.

Phu Tử: danh gọi bậc thầy đáng kính như Khổng Phu Tử. Nguyễn Thiếp được tôn xưng La Sơn Phu Tử. Nguyễn Bỉnh Khiêm là Tuyết Giang Phu Tử. GS Hoàng Xuân Hãn: Yên Hồ Phu Tử.

Tam Giang: phá Tam Giang, gần Huế, cửa biển rất nguy hiểm. Ca dao: Thương anh em cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.

Bài Thơ dâng chú Đông Các Học Sĩ viết khoảng năm 1805, 1807. Họ ta có người vinh hiển như Tiên Điền Phu Tử Nguyễn Du. Là đỉnh cao nhất trong 99 ngọn núi Hồng Lĩnh. Phẩm chất xứng đáng ở trong cung bằng ngọc và đi ngựa đeo vòng vàng. Nhưng tâm hồn bình dị chất phác như cây cỏ trong vườn thôn quê. Cuộc đời có 10 năm gió bụi giang hồ từng đi chu du khắp Trung Quốc và nước Nam, từng khi câu cá khi đi săn khi vào tù, có những lúc làm quan nơi cung điện triều đình, nơi công quán hai điều đầy đủ. Tài năng Thư, họa, cầm, thi bốn nghề đều thông thạo. Nhưng vẫn không quên thú vui quê nhà ăn rau thuần cà vược. Chỉ chờ ngọn gió thu nổi lên lòng nhớ quê là từ quan về quê nhà.

THƠ DÂNG CHÚ LÀ ĐÔNG CÁC HỌC SĨ

Họ ta có người như Phu Tử,
Cao nhất trong chín chín núi non.
Phẩm chất ngọc đường, kim mã quý,
Tâm hồn cây cỏ nội vườn thôn.
Giang hồ, long miếu hai điều đủ,
Thư họa cầm thi bốn nghệ thông.
Thú quê thuần vược không quên được.
Ngày về quê cũ ngọn thu phong.

Thơ Nguyễn Hành, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

THƯỚNG THÚC PHỤ ĐÔNG CÁC HỌC SĨ

Ngô môn tú xuất như Phu Tử,
Cửu thập cửu phong trung nhất phong.
Phẩm tại ngọc đường, kim mã quý,
Tâm tương mộc thực thảo y đồng.
Giang hồ , long miếu nhiêu song đạo,
Thi họa cầm thư huyến tử công.
Khúc vị thuần lô vong bác đáo,
Kỷ hà quy khứ tại thu phong.

Bài Ức Công. Mười chín năm trước năm 1802, khi vua Gia Long ra Bắc đánh bắt vua Quang Toản Tây Sơn, Nguyễn Du từ Quỳnh Hải dẫn thủ hạ là học trò, và tráng đình mang lương thực bò, ngựa, lợn.. đến dâng sớ vua Gia Long tại Phù Dung trấn Sơn Nam. Vua Gia Long phong ngay Nguyễn Du làm Tri huyện Phù Dung, sự kiện này giống như Phi Tử thời Chiến Quốc dâng ngựa cho vua Chu Hiếu Vương được phong chức Phụ Dung nước phụ chư hầu, nên Nguyễn Du có danh là Phi Tử. Nguyễn Hành trong bài Đi săn có nhắc tới danh hiệu này. Lúc này Nguyễn Du đã hoàn tất xong chuyện Kiều, người đời đua chép, nên có danh tiếng tài hoa nhất thế gian. Phúc dày nhà ta chú giữ tròn. Nạn dịch năm 1820, từ Hà Tiên ra Bắc, hai trăm ngàn người chết. Nguyễn Du chết trong trận dịch này. Ba năm lưu lạc chốn kinh thành cố đô Thăng Long, trông về phương nam nhìn mây trôi nhớ chú. Từ nay về núi quê nhà Hồng Lĩnh, hoảng hốt khi nghe tiếng chó sũa của thợ săn thú. Câu đầu theo tôi là Thập cửu niên tiền thúc Phi Tử. Nguyễn Hành khi gọi chú thường gọi có lễ phép là chú Phi Tử, chứ không gọi trống rỗng tên hiệu. Người đời sau vì không hiểu chữ tố như trong bài Độc Tiểu Thanh Ký, viết năm 1804 khi Nguyễn Du làm Tri phủ Thường Tín, vợ mất tìm về Cổ Nguyệt Đường tìm Hồ Xuân Hương để nối lại duyên xưa, thì biết tin nàng đang lấy lẽ Cai Tổng Cóc Nguyễn Công Hoà ở Vĩnh Yên, nàng ốm đau như nàng Tiểu Thanh, bên song cửa Cổ Nguyệt Đường bên Hồ Tây vườn cảnh đã hoang vu thiếu bàn tay nàng chăm sóc, Nguyễn Du viết bài thơ gửi Hồ Xuân Hương. Do đó tố như chỉ có nghĩa là người tài sắc như nàng Tiểu Thanh, năm 1920 người chép văn bản cho Trường Viễn Đông Bác Cổ, hiểu lầm là bút hiệu Nguyễn Du, nên sửa đổi thúc Phi Tử thành Tố Như Tử.
NHỚ CHÚ

Mười chín năm trước chú Phi Tử,
Nổi tiếng tài hoa thế gian cử.
Phúc dày nhà ta chú giữ tròn,
Dịch lệ làm cho chú chết dữ.
Ba năm lưu lạc chốn kinh thành,
Phương nam mây trôi lại nhớ chú.
Từ nay về núi nhà đêm thanh,
Hoảng hốt nghe tiếng thợ săn thú.

Thơ Nguyễn Hành, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

ỨC CÔNG

Thập cửu niên tiền thúc Phi Tử,
Nhất thế tài hoa kim dã hử.
Ngô môn hậu phúc công xảo hoàn,
Dịch lệ hà năng tốc công tử ?
Tam thu xuân lạc thử thành trung,
Nam vọng phù vân mỗi ức công.
Quy khứ gia sơn văn dạ lữ,
Tinh linh hoảng dữ năng thời đồng.

Bài thơ này là bài thơ hiếm hoi của một nhà thơ trong ngũ tuyệt ghi lại ngày mất của Đại Thi hào Nguyễn Du giữa lúc nạn dịch đang bao trùm cả đất nước, người người hoảng hốt lo sợ,ngoi gia đình còn mấy ai nhỏ giọt nước mắt thương cho nhà thơ tài hoa nhất nước Nam.
Paris 28-5-2013
TS Phạm Trọng Chánh
Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne.