Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập IV : Huế một thời xưa 

Võ Quang Yến

***

35- DU LỊCH MIỀN ĐẤT CŨ

Cách đây đúng 20 năm, sau gần 40 năm cách biệt, tôi lại đặt chân lên miền quê cũ, nơi đã sống suốt thời tuổi trẻ. Náo nức, rạo rực, hân hoan, vui mừng...biết bao tính từ cho đủ để miêu tả thế giới nội tâm tôi trước, trong và sau khi đi viếng thăm đất nước. Về lại Pháp, bạn bè kế tiếp nhau hỏi han cảm tưởng và yêu cầu kể lại cặn kẽ chuyến đi. Thật ra, kể chuyện thì dễ, cảm tưởng khó trả lời. Tôi không phải là ông Tây đi du lịch Việt Nam, tham quan Huế với lối nhìn của cặp mắt người nước ngoài, tôi cũng không còn là một người Việt dửng dưng ngắm nhìn sông nước hữu tình quê hương như một phong cảnh thường thấy hằng ngày. Sau hơn một nửa thế kỷ sống nơi đất khách quê người dù sao đã dồn chứa trong đầu óc tôi những ấn tượng sâu sắc ngày nay chung sống với những kỷ niệm ngày xưa, tuy chỉ trong khoảng 20 năm tương đối ngắn ngủi nhưng đã được ghi tạc đậm đà trong đáy sâu tâm hồn như mọi hình ảnh của tuổi thiếu niên.

Ở Pháp, vào dịp nghĩ hè, khi đi về quê, tôi thường thích rảo bước qua những cánh đồng lúa vàng thơm phức vì ruộng lúa gây lên trong lòng tôi những kỷ niệm xa xưa. Đấy là lúc chân đạp lên những thảm cỏ xanh, ngây ngất trong cơn gió mát ban chiều, tôi hít vào cho đầy ngực không khí dịu lành của đồng quê. Đấy là lúc vào mùa gặt hái, tôi mải mê ngắm nhìn những cô thôn nữ khỏe mạnh, vui tươi, quần xắn lên quá bắp chân, đon đả chạy trên đê ruộng, hai vai nặng trĩu những bó lúa chín vàng. Vì vậy, một cọng cỏ tươi phất phơ trên bờ ruộng đối với tôi là một hình ảnh đẹp như một cô gái nõn nà. Hôm được đưa về Ưu Điềm xem bức tráng tường Chăm cổ trước chùa, tôi tự hỏi hai ông bạn dẫn đường đã nghĩ gì khi trầm ngâm nhìn tôi cặm cụi chụp hình một cây lúa đang trổ bông trong cánh đồng bát ngát. Du lịch đối với tôi lúc nầy không phải là thành trì, đền miếu, lăng tẩm, điện đài nhưng chính là ngọn cỏ đó, cây lúa đó mà tôi cam chắc sẽ không bao giờ ra khỏi ký ức tôi.

Thật ra, tôi về thăm quê hương không phải chỉ đi ngắm ngọn cỏ, cây lúa mà còn để đi tìm mọi hình ảnh thời xưa. Chỉ học ở Sài Gòn có một năm trước khi đi Pháp, bao nhiêu kỷ niệm của tôi hầu hết được giới hạn trong miền đất Huế. Sau nhiều năm xa cách, tôi không còn nhớ tất cả các nẻo đường mà nhớ sao được khi nhiều đường cũ đã bị hủy bỏ cũng như nhiều đường mới đã được mở ra. Con đường quen thuộc hồi nhỏ của tôi dẫn từ trường tiểu học Chaigneau trước nhà Bưu Điện, là nơi tôi học, về đến cầu Phủ Cam, là nơi nhà anh tôi. Ba năm liền, sáng, chiều đi về hai lần, vậy mà sau nầy trở lại, tôi chẳng tìm ra được một góc đường, một mẫu nhà để chỉ hướng cho mình. Cái nhà của một ông anh khác ở trên bờ sông An Cựu cạnh cầu Lò Rèn, bên kia Dòng Cứu Thế, nơi tôi ở trước khi rời Huế, ngày nay không còn núp bóng mấy cây dừa trồng ở vườn trước với cái sân bóng chuyền vang dậy tiếng nô đùa lúc cuối chiều mà đã nhường chỗ một số nhà nằm san sát nhau. Lưỡng lự mãi trên bờ sông, rút cuộc tôi không vào tận nơi : chắc mình chẳng còn tìm ra chút gì quen thuộc nữa và chắc cũng chẳng có người biết mình là ai ! Nhìn dòng nước đục ngầu thong thả chảy, tôi hồi tưởng lại những buổi tắm sông trước nhà, rồi trong trí óc tôi hiện ra hình ảnh quán bán giấy, viết của cô gái dựng lên bên nép đường vào dịp khai trường cuối cùng của tôi ở Huế : đôi mắt linh động đen lánh như còn mãi lén nhìn tôi. Sau hơn 50 năm mà sao hình ảnh vẫn còn rõ ràng như mới hôm qua. Cách đây mấy ngày, một ông giáo sư người Pháp vừa mới sống hơn một chục năm ở kinh đô Việt Nam về nói với tôi ông không muốn đi nghỉ hè ở Hà Nội vì ông sợ sẽ là người xa lạ trong một thành phố quá quen thuộc. Tâm trạng tôi mỗi khi về Huế cũng tương tự vậy.

Một nơi còn gợi nhiều kỷ niệm là ngôi truờng lúc trước mang tên Khải Định. Biết bao danh nhân đất nước đã lết ghế ở đây. Kể chuyện cho bạn bè, tôi cũng tự hào đã từng ra vào ở đây trước kỳ chinh chiến. Những ngày biến cố 1945 rồi thời Cách mạng để lại cho tôi biết bao ấn tượng khó quên. Chính ở trong các lớp học nầy mà tôi viết những bài đầu tiên gọi là văn đăng trong tờ báo lớp vì những bài viết trước đó đều chỉ là những bài luận viết để nộp cho thầy. Chính ở đây đã học cô nữ sinh người Pháp Huguette Elule, sau nầy thành nhà văn sĩ Elule Perrin, mà tôi có dịp gặp ở Paris trong một bửa tiệc kỷ niệm ngày mồng 9 tháng 3. Đồng tuổi tôi, cô học trên tôi đến 3 lớp. Hồi ấy cô có viết một cuốn nhật ký kể lại đoạn đời bị giam lỏng ở trong trường Thiên Hựu sau ngày đảo chính Nhật. Yêu Huế hơn người gốc Huế, cô ta đã cảm kích tôi khi tâm sự nỗi lòng. Nhưng sau khi cô chết cách đây 2 năm, cuốn nhật ký được xuất bản : hỡi ôi, tôi vô cùng thất vọng vì tôi không thể tưởng tượng một đầu óc thực dân như vậy trong một cô gái trẻ còn ở tuổi học sinh. Tôi không quen cô ta ở trường Khải Định nhưng dù có biết nhau chưa chắc gì hồi đó có dịp hàn huyên như ở Paris. Đọc đến đoạn cuối khi cô tả cảnh quân đội viễn chinh đến "giải phóng" Pháp kiều, trong trí óc tôi hiện ra hình ảnh đoàn Giải phóng quân ta ngồi đợi lên tàu "Nam tiến" thành hàng dài dọc con đường Lê Lợi bây giờ, từ nhà ga xuống đến gần cầu Truờng Tiền. Trong số những thanh niên nầy, bao nhiêu chiến sĩ đã ra đi mà không hẹn ngày về ? Trước trường Khải Định, tôi trầm ngâm đứng ngắm đài Trận vong Tử sĩ oai nghiêm chế ngự cả một đoạn dài sông Hương, nhưng chẳng thấy có khắc tên những người anh hùng đã hi sinh cho đất nước.

Năm 1986, khi tôi về nước lần đầu tiên, cầu Trường Tiền còn bị gảy chỉ được tạm sửa. Tôi còn nhớ những ngày đi học lấy đò qua sông, học sinh vui vẻ chòng ghẹo nhau buộc mấy cô nữ sinh phải núp mặt sau chiếc nón lá bài thơ. Trong mấy năm liền vắng bóng những tà áo dài tung bay trước gió trên cầu, một hình ảnh mà khách du lịch nào cũng thèm ghi vào máy ảnh của mình. Trong chương trình Hội Người Yêu Huế hồi đó có đặt mục sửa chữa lại cầu nhưng phải đợi đến khi anh Hà Văn Lâu qua làm đại sứ ở Pháp mới có cơ hội bàn cải sâu rộng. Ngày nay, mặc dầu có cầu Phú Xuân rộng rãi, cầu Trường Tiền luôn vẫn còn tiếng thơ mộng. Trái với Paris có đến trên dưới ba chục cái cầu trên sông Seine, cầu Trường Tiền một thời đã là độc nhất trên sông Hương nếu không kể cầu tàu lửa Bạch Hổ xa xăm. Tôi thích thong thả bách bộ qua cầu, nhất là về cuối chiều, dừng chân đứng ngắm những con đò qua lại, có cái to lớn chạy bằng máy, chở hàng hóa nặng trịch nước lên đến gần mạn tàu, có cái mỏng manh lướt sóng với một cô lái đò độc nhất, tuy không nghe tôi cũng tưởng tượng ra một giọng hò văng vẳng trong tai. Đây là cảnh tượng hiếm có ghi lại trong trí óc những người xưa kia có được may mắn sống những giây phút chạnh lòng trên Hương giang muôn thuở.

Học sinh trường Khải Định hồi tiến chiến còn giữ nhiều kỷ niệm đi học trong Thành Nội vì trường được dành cho quân đội. Không còn vua chúa, cung tần mỹ nữ, những cung điện được giao phó cho bọn trẻ mặc sức tung hoành. Ngày nay muốn vào tham quan Đại Nội, phải mua vé, có giờ giấc, không được tự do đi lại mọi nơi, có chỗ còn cấm chụp hình : có ai dè một thời học sinh đã tự do đá banh ngay trên sân điện nếu không chen nhau chễm chệ ngồi lên ngai vàng. Nói thật ra, gọi là đi học, đầu óc học sinh những năm đó rất bận rộn với thời cuộc. Chế độ thuộc địa không còn nữa, đất nước đang vùng lên trên con đường độc lập. Thanh niên thiếu nữ nào vào lúc ấy ai mà không nghĩ đến tương lai đất nước dính liền đến tương lai của chính mình. Ngay trong tổ chức của lớp đã có những chương trình học hành sâu xa, phát họa những con đường chuẩn bị phát triển xã hội. Tôi còn nhớ mỗi học sinh được mời ghi lên giấy nguyện vọng của mình để rồi có người thu thập làm bản tổng kết, hy vọng sau nầy góp ý cho một chính phủ dân chủ độc lập. Rất tiếc là sáng kiến nầy không đi đến một kết quả nào. Hồi đó, mộng của tôi là học thành kỷ sư canh nông, cho nên khi thi vào lớp đệ nhị khoa học, tôi không chọn ban A là ban toán mà lại ghi vào ban B học nặng về vạn vật học. Thời cuộc dẫn đường tôi vào ngành hóa học nhưng những năm sau nầy, tôi lại đặt nhiệt huyết của mình vào những cây thuốc, thỏa mãn một mộng thời xưa. Đi dạo trong Tử cấm thành, tan hoang sau vụ cháy năm 1947, nay được xếp dọn lại ít nhiều, những năm đầu tôi về thăm đang còn là nơi hoang dại, lau lách um tùm, tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến sự tàn lụi của một vương triều, đến giá trị vĩnh cửu của sự vật.

Song song với kinh thành, lăng tẩm cũng đuợc khách du lịch chiếu cố đến nhiều. Khái niệm lăng tẩm của các vua triều Nguyễn thật đặc biệt. Quần thể các lăng nằm quanh sông Hương, trong những rừng thông phía nam kinh thành, tương tự như Thung lũng các Nhà vua bên Ai Cập. Đằng khác, lăng không phải chỉ là nơi chôn cất thi hài nhà vua, thật ra không biết chôn ở đâu, mà lắm khi còn là nơi vua lại nghỉ ngơi, đọc sách, ngâm thơ, nghe nhạc,...trong lúc còn sinh thời. Hùng tráng nhất là lăng Gia Long, oai nghiêm nhất có lẽ là lăng Minh Mạng, nhưng lãng mạn nhất thì chắc chắn là lăng Tự Đức. Lăng của ông vua thứ tư triều Nguyễn thật là một vườn thơ, có thể xem như là một nhà nghỉ mát. Có ai dè đây lúc trước là nơi đầm lầy, sốt rét và thợ thuyền bị bắt lại xây cất bất bình nổi loạn, cùng với một số quan lại, sư sải dấy binh suýt giết chết vua. Ông cố ngoại Hồ Oai gia đình tôi đã có công điều khiển quân binh thành công dẹp được giặc Chày Vôi. Mỗi khi lên đi dạo ở đây, tôi lại có dịp suy nghĩ nhiều đến ông cố ấy, xuất thân từ một gia đình tầm thường, đã thành đạt trong cuộc sống. Tuy công trạng của ông ta không được tất cả sĩ phu các giới khen phục, ta phải chịu nhận ông là một người trung với vua, biết làm tròn bổn phận của một sĩ quan bảo vệ. Tôi cũng tự hỏi nếu ông Hồ Oai không thành công cứu được vua, tương lai tổ quốc ta đã đi về đâu vì ai cũng biết chính dưới triều Tự Đức mà nước Pháp đã đặt nền bảo hộ lên đất Việt Nam.

Về Huế, thấy thành phố trầm lặng trước kia của tôi bây giờ cũng học đòi đổi mới, theo đà tiến lên của dân tộc. Là một thành phố văn hóa hơn là kỹ nghệ, thương mãi, Huế rất có lý khi chú trọng nhiều về mặt du lịch. Quán cơm, khách sạn mọc lên như nấm. Mấy năm trước, dãy nhà cũ của người Pháp ở đường Lý Thường Kiệt chẳng hạn được sửa sang thành nhà khách, bây giờ những nhà khách ấy cũng nhường chỗ cho những khách sạn nhiều sao. Hồi tôi mới về chỉ có một khách sạn Hương Giang là lớn, bây giờ trong xóm nầy khách sạn lớn nhỏ đủ cở. Nhà hàng Morin Frères cũ cũng trở thành khách sạn Morin Saigon bề thế. Với những Festival liên tiếp hai năm một lần, ngành du lịch thấy phát triển rõ ràng đồng thời cống hiến nhiều việc làm cho người dân. Tôi chưa có về dự một Festival nào, chỉ có đọc chương trình, thấy có vẻ hấp dẫn. Câu hỏi là những tiết mục đặt ra, ngoài mục đích lôi cuốn du khách, đóng góp làm sao cho cuộc mở mang vùng Huế ? Hương xưa làng cổ, nhà vườn Kim Long gợi lên những nét đặc sắc của văn hóa Huế thật đáng giới thiệu. Trình diễn nghệ thuật thủ công cũng cần được đề cao. Đằng kia, phục dựng lễ hội Nam giao chẳng hạn với đoàn Ngự đạo xuất cung, hồi cung cùng lễ tế trên đàn Nam giao với vua quan, võng lọng, cờ xúy, voi ngựa, tốn nhiều công phu, tiền bạc, liệu có được xem như một sự kiện lịch sử không hay chỉ xếp vào những loại tuồng hát ? Vẫn biết trên thế giới có nhiều thành phố cũng phục dựng những cạnh tượng thời xưa nhưng không phải vì người ta làm thì mình cũng học đòi làm theo.

Dù sao, tôi vẫn mừng khách du lịch ngày càng đông tham quan Huế. Hy vọng họ vui thú khi viếng thăm đồng thời nâng cao kiến thức về một nơi lịch sử của đất nước Việt Nam quê hương mình. Mong mỏi ngoài khách sạn, quán cơm, những mục giải trí,... trình độ trí thức của những hướng dẫn viên cũng đạt đến một mức độ cao. Ngày xưa người ta kể chuyện buồn cười món canh gà Thọ Xương, ngày nay chính tôi được nghe vạc đồng nấu cơm cho cả một binh đoàn. Cũng có thể anh hướng dẫn viên nói để cười, vì đoàn khách cười thật, nhưng câu tiếng Pháp của anh không thể hiểu một cách khác. Những giải thích như thế đáng buồn và phải tránh. Trong cuộc xây dựng nền du lịch Huế cần phải nâng cao toàn bộ mới mong khách thích thú, say mê và hẹn ngày trở lại.

Xô thành nóng ngày hè nóng 2006
Nhớ Huế 30 Du lịch xứ Huế 2006


Hết Tập IV


  [ trang trước ]  /  [ ]