Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]            [ Tác giả ]

HOA SÚNG VƯỜN GIVERNY 
CỦA CLAUDE MONET 

Bài và ảnh Võ Quang Yến

Muốn ăn bông súng mắm kho,.
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm
Ca dao Nam Bộ
Ở điểm hợp lưu hai dòng sông Seine và Epte tại miền Haute-Normandie, gần vùng Vexin, có một cái làng nhỏ thời trước mang tên Givermiacum, nay gọi Giverny. Năm 1883, họa sĩ Claude Monet lại đây thuê rồi mua một cái nhà trước có một mảnh đất lớn. Ông cho đào một cánh của sông Epte để xây một vườn hoa. Sau đó ông mua thêm đất mở rộng vườn hoa. Ngày nay vườn Giverny phân biệt rõ hai phần: một vừờn trồng hoa đủ loại trước nhà gọi là Clos Normand rộng khoảng một hecta và một vườn nước phong cách Nhật Bản bên kia đuờng, hai phần đối chiếu nhau và bổ túc nhau.
 
Claude Monet
Ảnh Nadar 1899
Claude Monet
Tranh tự họa 1896
Khi Monet và gia đình lại định cư ở đây, từ nhà xuống đường là một vườn cây ăn quả, phần lớn là cây táo, có một bức tuờng đá bao quanh. Giữa vuờn, một lối đi trồng thông cây cao bóng mát. Ông cho đốn tất cả các cây thông, chỉ giữ lại hai cây thông đỏ (if ) gần nhà theo yêu cầu của bà vợ Alice. Ông cho cắt vườn thành những băng dài rồi cho trồng hoa đủ loại trên các lùm cao thấp khác nhau gây ra những thể tích cân đối, trong một khung cảnh màu sắc chan hòa. Những cây có trái chen vai với những cây nở hoa. Ngang đất những cây hoa huệ (lis), sen cạn (capucine), thược dược (dalhia), xen lẫn với các loại cây hoa cúc (chrysanthème), đỗ quyên (rhododendron), mộc qua (cognassier)... ; trên cao những nhánh hoa hồng leo đu đưa giữa các cành hoa thục quỳ (rose trémière) uyển chuyển, những cành hoa sơn maị (seringat) thơm phứt một vùng. Những cây hoa hồng leo còn tự do trèo lan khắp các lan can hay trên các vòm cầu vươn qua các lối đi. Ông Monet không thích tổ chức ngăn nắp các cây hoa, ông chỉ chú trọng màu sắc để sắp đặt chỗ trồng rồi mặc cây tự do lớn lên, phát triển theo ý muốn. Mãi miết trồng hoa, ông trở ra đam mê thực vật học, trao đổi cây hoa với những láng diềng, lắm khi còn đặt mua từ xa những mầm cây hay hành cây quý. Ông thường tự thú : bao nhiều tiền của của tôi đều đổ vào vườn hoa, nhưng bù lại tôi cũng rất vô cùng vui thích trong ngôi vườn của tôi.
Mười năm sau khi lại đây, sau khi mua cái nhà ở thuê, ông Monet mua tiếp mảnh đất cạnh nhà, bên kia đường rầy xe lửa, có môt ngòi nước nhỏ mang tên thông thường Ru chảy ngang qua. Mặc dù các người láng giềng chống đối vì sợ ông trồng những hoa lạ có thể làm ô nhiễm môi trường, hư hại sông hồ, nhưng được sự ủng hộ của vị tỉnh trưởng, ông bắt đầu cho xây dựng một vườn nước. Ông bảo, để vui thú xem hoa, ông chỉ trồng những cây thường mọc trong vùng như hoa súng, hoa iris (đuôi diều), những loại cây sậy,... thì không gây độc cho đất đai, sông ngòi. Vườn ngày càng lớn thêm. Dựa theo những tranh khuôn rập Nhật Bản mà ông đã nhiệt tâm sưu tầm, ông hướng tổ chức theo lối vườn Phù Tang, từ những nét cong đến cách sắp đặt không đối xứng các lùm hoa cũng như các lối đi. Khách dạo xem gặp rất nhiều cầu, núp bóng dưới những cây liễu rủ hay lấp loáng sau các lùm tre. Được đặc biệt chú ý là chiếc cầu vồng Nhật Bản màu lục hòa mình với những cành hoa glycine (dây đậu tía) tim tím nổi bật trên nền xanh cây lá xung quanh. Trong thư viết cho ông tỉnh trưởng, ông còn tâm sự : đối với tôi, hoa không chỉ để ngắm mà còn là một đề tài để vẽ.
Trước mắt một họa sĩ, vườn hoa là cả một phong cảnh để ông mặc sức chọn lựa đề tài. Hoa muôn màu đủ loại thay sắc theo mùa. Mùa xuân các hoa báo xuân (primevère), hoa bướm (pensée), nghệ tây (crocus), đuôi diều (iris), mẫu đơn (pivoine), vành khăn (tulipe), tai chuột (myosotis), bồ câu (ancolie),... sặc sỡ giữa những đám hoa thuốc phiện (pavot) phất phơ đỏ chói. Qua hè đến thu, những hoa cẩm chướng (oeillet), hoa chuông (campanule), hoa xôn (sauge), phụ tử (aconite), lạc tiên (passiflore), liễu diệp (épilobe) , chân ngỗng (anémone), ,... đua màu với những loại cúc : cúc xoè (rudbeckia), cúc sao (aster), cúc mắt bò (delphinium)... Đây cũng là lúc các lá cây đổi màu từ xanh qua vàng rồi thành đỏ : những cây thích (érable), cây dẻ (marronnier), cây đoạn (tilleul), cây táo (pommier), cây đào (cerisier), cây mun (cutise),... đua nhau trổ bày sắc đẹp. Khi có ánh mặt trời xuyên qua túp lá khe khẽ rung rinh trong gió, màu sắc nổi bật lấp loáng trông như những chiếc lồng đèn chập chờn trong đêm. Tạo vật tưởng như trút đổ bao nhiêu sức lực còn lại trong năm vào một ngọn lửa cuối cùng đến sưởi nóng cây trước khi những chiếc lá lần lượt rụng hết để cây yên tĩnh ngủ dài mấy tháng mùa đông rét mướt.
Trong số các hoa trong vườn, có lẽ hoa súng được ông Monet ưa chuộng và vẽ nhiều nhất. Nhưng hoa súng không phải đột nhiên hiện vào tranh ông. Nghệ thuật vẽ của ông đã trải qua biết bao đoạn đường. Suốt đời, từ lúc sinh ra ở Paris năm 1840, lớn lên ở Le Havre, ông luôn trung thành với một ý tuởng đón nhận và truyền đạt theo tri giác. Thuở còn ở trường trung học, ông đã thích vẽ những tranh biếm họa đem trưng bày ở tiệm bán dụng cụ vẽ. Họa sĩ Eugène Boudin găp ở đây thành công kéo ông ra vẽ ngoài trời. Sau nầy Monet tâm sự định mệnh vẽ vời của ông là nhờ đã giao du với một họa sĩ yêu nghệ thuật và tính tự lập như Boudin. Tuy gia đình đồng ý cho ông theo dõi ngành vẽ nhưng bất đồng thấy ông không chịu học tập trong một trường chính thức. Rút cuộc ông vào làm ở Académie Suisse (Học viện Thụy sĩ) tại Paris. Ở đây, ông tiếp xúc với những họa sĩ có tiếng như Pizzaro, Cézanne. Trong thời kỳ quân dịch bên nước Algérie, năm 1861 ông bị bệnh thương hàn. Trở về lại Pháp, ông lại làm việc với Boudin và nhất là với Jongkind, một họa sĩ phong cảnh người Hòa Lan. Monet chịu nhận ông nầy đã giáo huấn hoàn toàn con mắt của ông và chính là sư phụ thực sự của mình.
Như được soi sáng, từ nay Monet chịu học hành đứng đắn hơn. Ông vào học Ecole d'Art de Paris (Trường Nghệ thuật Paris), đặc biệt theo dõi xưởng vẻ của giáo sư Charles Greyre. Những bạn của ông hồi ấy là Bazille, Renoir, Sisley. Cả bọn thường cùng nhau đi lại ở Café Guerbois, nơi họ có dịp gặp gỡ Emile Zola, Edouard Manet. Tiến hoá kinh tế, xã hội, văn hóa thế kỷ 19 đem đến một kết quả là phóng thích những nghệ sĩ : từ nay họ hết còn phải phụng sự một ông hoàng, bà chúa nào. Nhưng những họa sĩ tự lập từ nay cũng phải tự nuôi sống và tìm lấy nơi triễn lãm, thương lượng với những nhà buôn nghệ thuật và những nhà hàng tranh. Ở Pháp, một nơi triển lãm quan trọng không tránh được là Le Salon de Paris (Phòng Triển lãm Paris). Nhưng họa sĩ thì đông mà chỗ thí ít, chỉ trong năm 1863, trên số 5000 yêu cầu của 3000 họa sĩ có đến 4000 bị từ chối, gây ra phong trào Le Salon des Refusés (Phòng tranh những Người bị từ chối) ! Hiển nhiên, các họa sĩ bị từ chối không khỏi đặt câu hỏi về cá tính nghệ thuật của mình, trừ Cézanne được chấp nhận tức khác, còn Monet thì phải đợi đến 1865. Nhờ Bazille giúp đở về mặt tài chính, Monet không đến nổi quá nghèo và có khả năng đi vẽ ngoài trời quanh Paris hay ở vùng biển Normand không quá xa. Đây là nơi ánh sáng và màu sắc đặc biệt hòa hợp với nhau.
Một khúc ngoặc quan trọng trong cuộc đời nghệ sĩ của Monet là vào năm 1869 khi có dịp cùng vẽ với Renoir ở La Grenouillère, một địa điểm giải trí gần Paris, nơi có thể bơi lội, chèo thuyền, có quán ăn trên nước,... Ở đây, viø hoạt động náo nhiệt xung quanh, cần phải vẽ những nét màu sắc lanh chóng, rắn rỏi. Làm được như vậy cũng là nhờ hoá học đã cho ra đời những ống màu, họa sĩ khỏi mất thì giờ trộn màu. Kết quả là các bức tranh cho thoát ra một phong cách nghệ thuật mới trong ấy ấn tượng lấn áp cảnh tượng. Vào tuổi 30, năm 1870, ông cưới bà Camille Doncieux, đã có một đứa con với ông, Jean, cho ông thêm một đứa thứ nhiø, Michel. Bà là người mẫu của ông, hiện diện trong các bức Les promeneurs (Những người đi dạo), Femmes au jardin (Những phụ nữ trong vườn), La femme au lombrelle (Người đàn bà cầm dù), La Japonaise (Cô gái Phù tang). Trong thời kỳ chiến tranh Pháp Đức (1870-71) ông sống ở London và làm quen với Paul Durand-Ruel, người sau nầy đã phổ biến nhiều các tranh thuôc loại ấn tượng. Năm 1884, trong một cuộc triển lãm chung ở Paris với Boudin, Degas, Cézanne, Guillaumin, Monet, Berthe Morisot, Pissarro, Renoir và Sisley, một kiệt tác của ông, bức tranh Soleil levant (Mặt trời mọc), được đổi thành Impression, soleil levant (Ấn tượng mặt trời mọc), nhân một bài báo của nhà phê bình mỹ thuật Louis Leroy với một cái tít có tính cách hài hước L'Exposition des Impressionnistes (Cuộc triển lãm các nhà Ấn tượng)! Ngắm tranh, ông hỏi : "Bức nầy biểu thị gì ? Chỉ là một ấn tượng Tôi cũng bị xúc động, chắc là vì ấn tượng bên trong", không dè danh từ ông dùng trở thành thông dụng. Bức tranh nầy đánh dấu một bước ngoặc khác còn quan trọng hơn trong con đường sáng tác chung của ông. Nhiều năm sau, cùng với nhiều tranh khác của các bạn đồng kỹ thuật vẽ, đồng quan niệm mới về thiên nhiên và nghệ thuật, vẽ vì thích thú, vẽ để sáng tác, bức tranh "Ấn tượng mặt trời mọc" khai trương "trường phái ấn tượng".
Trong quan niệm nghệ thuật cho nghệ thuật, cuộc đánh giá một bức tranh rất tương đối, tùy vừa người vẽ vừa người xem, chỉ thích đáng ở một lúc nào đó, trong những điều kiện nào đó. Nghệ thuât nầy đòi hỏi, ngoài một cuộc thực hiện lanh chóng, những kỹ thuật mới lạ về cách sắp đặt những màu sắc với ánh sáng trên tranh vẽ thế nào để thể hiện, như tôi đã được nghe giảng, một "hỗn hợp quang học" trong mắt người xem tranh. Bắt đầu từ nay, Monet dự năm cuộc triển lãm tập hợp từ 1874 đến 1882. Trong thời gian nầy, nhiều kiệt tác của ông ra đời như La Gare Saint-Lazare (Nhà ga Saint-Lazare 1877), Rue Saint-Denis (Đường Saint-Denis), Festivités du 30 Juin 1878 (Hội hè ngày 30 tháng sáu 1878). Tuy nhiên, tranh không được mua nhiều, Monet luôn sống trong thiếu thốn và thay đổi chỗ ở nơi rẻ tiền : Argenteuil, Vétheuil, Poissy, sau cùng Giverny. Bà Camille mất năm 1879, ông cưới bà vợ góa ông chủ nhà, Alice Hoschedé, năm 1892. Từ cuối năm 1880, tranh của ông bắt đầu được nói đến và tương đối, tuy không trở nên giàu, ông có phương tiện hơn để tiếp tục vẻ. Ánh sáng là quan trọng trong tranh của ông nên ông thích vẽ một loạt trong nhiều lúc trên cùng đề tài : Les rochers de Belle-Ile 1886 (Những mõm đá Belle-Ile), Falaises de Belle-Ile 1886 (Những vách đá Belle-Ile); Meules de foin, effet de neige, matin 1890 (Đụn cỏ khô, tác dụng của tuyết, ban mai), Meules de foin, fin de l'été, matin 1891 (Đụn cỏ khô, cuối hè, ban mai), Meules de foin au coucher de soleil 1891 (Đụn cỏ khô vào lúc mặt trời lặn). Ngoài ra ông vẽ cả một loạt tranh có tiếng nhà thờ Rouen trong nắng, cuối chiều,...(18 bức chỉ về mặt tiền) những năm 1893-94.
Monet 1906
Monet 1916
Monet 1906-1916
Monet 1906-1916
Non 40 năm cuối đời (1883-1926), ông rất tận tụy, kiên trì với cái vườn ở Giverny. Ông mất công, tốn của biến hóa cái vườn trồng cây táo thành một vườn hoa muôn sắc muôn màu nhưng không quên trồng rau cho gia đình. Đào, xới, nhổ cỏ, khi cần kêu con tưới cây, một mình ông làm tất cả. Lắm khi làm một mình không nổi, ông bỏ tiền thuê người giúp việc nhưng ông tự chọn, đi mua từng hạt giống cây rồi chỉ định chỗ trồng cây. Ông đặt vào vườn tất cả sức lực và tình yêu. Nhưng công tác còn đồ sộ hơn với cái vuờn nước mười năm sau vườn normand. Nếu trước đây chỉ sửa san vườn cũ, ông phải đào bới để tạo thành cái hồ nước nầy. Luôn nuôi trong trí óc phong cảnh Nhật Bản, một trong công trình đầu tiên là xây dựng nhiều cầu và vẽ cầu, cái cầu chính ngày nay là nơi được khách lại chụp hình nhiều nhất : Le pont japonais 1899 (Cái cầu Nhật Bản). Đề tài thứ nhì thực hiện trong khoảng 250 bức tranh, đủ cở, đủ quan niệm, là những hoa súng đủ màu mà ông cho trồng khắp hồ. Hoa súng thu hút ông quá sức đến nổi trong nhiều bức cảnh vật trong hồ được thu gọn trong một dãy nhỏ, phần còn lại nhường cho hoa ! Ngoài những bức Les nymphéas blancs 1899 (Những hoa súng trắng), Nymphéas 1914, 1917 (Hoa súng),... ông đã tặng cho Nhà nước 14 bức tranh nymphéas khổng lồ được treo một năm sau khi ông mất trong hai phòng hình bầu dục ở Musée de l'Orangerie (Viện Bảo tàng Nhà trú cam) thuộc Jardin des Tuileries (Vườn Lò ngói) tại Paris. Năm 1918, ông viết cho Georges Clémenceau, bạn ông : "Tôi sắp hoàn tất hai bức trang trí mà tôi muốn ký ngày Thắng trận, tôi xin kính tặng Nhà Nước qua trung gian của ông".
"Ấn tượng mặt trời mọc" Monet 1884
Cái cầu Nhật Bản Monet 1899
Năm 1922, ít lâu trước khi giao tặng các bức tranh, Monet bị đau bệnh đục nhân mắt, phải qua một kỳ giải phẩu. Ông rất nản lòng, xé bỏ nhiều bức tranh và vào một lúc hết còn muốn giữ trọn lời hứa. May mà ông không thi hành ý định và cuộc biếu tặng tranh của ông là một hành vi quan trọng chưa từng có của một họa sĩ lúc sinh thời. Cử chỉ nấy còn quý hóa hơn khi biết ông là một họa sĩ nghèo nhưng vô cùng đam mê. Ông bảo may mắn của ông là ngồi vẽ ngay trước cảnh vật, đưa ấn tượng vào nét vẽ một cảnh tượng chỉ hiện ra trong chốc lát, tuy sau nầy trong số những tranh được sắp vào trường phái ấn tuợng ông tiếc đã thấy những bức tranh không có gì là ấn tượng! Sự biến thái của mây, ánh lóng lánh của nước, tất cả những gì luôn biến đổi chiếm đóng đầu óc ông. Năm 1908, ông viết cho Geoffroy : "Những cảnh nước và phản ảnh đã luôn ám ảnh tôi. Mặc dầu quá sức lực của một ông già như tôi, tôi ước mong thành công cho phát tỏa tình cảm của tôi". Sau khi Monet mất (chôn ở nghĩa trang gần nhà thờ trong làng), một dạo vườn được cô vợ của Jean chăm non nhưng sau đó bị bỏ hoang. Michel trao tặng vườn cho Académie des Beaux-Arts (Hàn lâm viện Mỹ thuật). Nhờ tiền giúp của nhiều nhà hảo tâm Mỹ, vườn được trùng tu và năm 1980 mở cửa cho công chúng. Năm 1999, Pháp đã tổ chức lần đầu tiên và có lẽ lần cuối cùng ngay ở Musée de l'Orangerie một cuộc triển lãm 60 bức tranh của Monet, không những lưu trữ ở Pháp mà còn mượn khắp năm châu (Anh, Mỹ, Nhật, Hòa Lan, Do Thái,...) nhân dịp trùng tu viện bảo tàng mà cũng là kỷ niệm 80 năm ngày Monet viết thư tặng những tranh của ông cho Nhà Nước. Đây là một cuộc triển lãm hiếm có, rất quý cho những ai hâm mộ hội họa nói chung, Monet và hoa súng nói riêng. Hiện nay vườn Giverny mở cửa mỗi ngày trừ ngày thứ hai.
Xô thành Mừng xuân 2013
Tết Quý Tỵ