Chim Việt Cành
Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
|
|
Ừ thì bắt đầu
như thế nào đây...chuyện đầu trở xuống cuống trở lên
là bấy lâu nay góc nhà lão có dăm bức tranh bồi giấy vàng
nghệ. Mỗi lần Tết đến, những bức tranh như cánh diều
đưa lão về cái tuổi ấu thời với đì đẹt ngòai sân tràng
pháo chuột, om sòm trên vách bức tranh gà. Ai mắng lão chịu,
tất cả những hoài đồng vọng ấy cứ lây lấy với lão
cùng đất đai làng mạc, mang hồn quê qua những bức tranh
nhỏ bằng quyển vở học trò, dung dị, một mạc, một chút
nào mang hơi hướng hương đồng cỏ nội...
Khi không lão đâm chột dạ vì dường như lão đang mon men tới nơi chốn biên soạn, biên chép thì phải. Khiến lão lan man đến ông Võ Phiến qua một bài viết: "Nhưng ai bảo cái khảo chơi không quan trọng bằng cái khảo thiệt? Những nhà nghiên cứu cặm cụi đo từng cái xương sọ của người ta, hì hục khai quật di chỉ xưa, mằn mò nhặt nhạnh từng lưỡi búa mũi tên v.v...để tìm về nguồn gốc dân tộc, chắc không khỏi mừng rơn khi có người nhờ lai rai đi nếm mắm mà chợt phát giác ra mối liên hệ gốc gác giữa ta và Tầu? Chợt nhờ mắm mà thấy ngay sự sai lầm của các sử gia từng chủ trương rằng dân Việt có nguồn gốc Hoa? Đi khảo thiệt với cái búa khảo cổ lăm lăm trong tay thì trông khả kính lắm đấy; nhưng kẻ đi khảo chơi, chỉ mang theo chiếc lưỡi giấu trong mồm, trông khả ái biết bao." "Đi khảo thiệt với cái búa khảo cổ lăm lăm trong tay" hình tượng nghe phát khiếp. Cua ốc mùi bùn, đã không dám nhận vơ là nhà biên khảo, lão cũng chẳng dám tự phỉnh là nhà văn, nhà thơ như ông Võ Phiến. Thế nên với những ý nghĩ viết lách vừa rồi, lão cất biến vào một chỗ làm mắm vì trộm nghĩ rằng có trải dài trên giấy có ma nó đọc, vì vào cái thời buổi kim tiền này, chả ai gà què ăn quẩn cối xay với ba bức tranh cũ rích ấy. Vậy mà hơn mười năm đã qua, lão quên tiệt chuyện mấy bức tranh Tết. Bỗng ngẫu nhiên, một ngày không nắng cũng chẳng mưa, lão qua Paris thăm vợ chồng cô em gái để thành chuyện...có sao kể vậy, chẳng phải tra cứu, "tra khảo" gì cho rách chuyện. *** |
Chú em rể đón
lão ở Metro ven đường bằng cái xe Citroen 2CV lụm cụm như
con cóc cụ, lão lầu trong miệng: Đúng là dở người, qua
đến đây chú ấy lại đâm đầu chơi đồ cổ hay sao ấy.
Chưa hết, lão chưa kịp nhận ra cái nhà ga nhỏ như mắt muỗi
thì đụng cái thị trấn buồn như chấu cắn. Ngồi trên xe
không kịp hàn huyên xong chuyện cùng một lứa bên trời lận
đận, loáng một cái...cái xe cà tịch cà tàng đã tới nhà.
Lão nhìn thoáng qua nơi ăn chốn ở của chú em, nói cho ngay
là cái làng thì đúng hơn. Ấy vậy mà nơi nào ở bên Tây
cũng có cái nhà thờ cổ lỗ sĩ với con gà cồ đứng trên
tháp chuông, cái cầu đá bắc qua con sông chẳng lớn hơn con
rạch là bao, và cũng chẳng thể thiếu dăm ba cây Platane giông
như cây hòe ở bên nhà trồng bên ven đường. Hiểu theo nghĩa
là chả có gì để thêm mắm thêm muối cho một chuyến...đi
Tây.
Xong, hai anh em vào phòng cất hành trang, chú em trở lại nhà trên pha trà. Lão lững thững lên sau, miệng lầu nhầu rằng vạn lý quan san đến chốn này sao không ực cognac cho phải đạo mà lại...trà đàm cho khốn khổ cái thân già. Lão cũng không quên đứng lại ngắm bức tranh một lần nữa cho mãn nhãn. Lần này lão bắt gặp một cái lỗ thủng to bằng ngón tay cái ở góc bức tranh. Lão bấm bụng tiếc hùi hụi là nếu không có cái lỗ này thì tác phẩm có giá trị biết ngần nào. Vì cứ theo sự hiểu biết của lão thì đây là bức nguyên bản, chứ chẳng phải mấy bức vẽ tân tạo mà lão đang có ở nhà. Săm soi với cái lỗ, lão thấy dường như được đốt bằng đầu thuốc lá nên có mầu vàng đen cháy xém đâm hay hay... *** |
Hay đâu chả
biết, ra đến ngoài vườn lão thấy dưới tàng cây Platane
lá xanh um, trên bàn có tập album, cái tích nước sành hoa văn
cành trúc vàng ươm rất thân quen. Vừa ngồi xuống, như đi
guốc trong đầu lão, chưa kịp ngoác mồm lên hỏi về cái
ấm, tay dở quyển album, miệng chú em đá cái lưỡi: "Chẳng
dấu gì bác, em thửa được nó ở Bát Tràng...". Ấy đấy,
vậy mà lão không...hay, rồi chú em đảo qua chuyến về thăm
quê nhà cách đây vài năm. Hóa ra, chú em đã về thăm quê
cha đất tổ, đó là làng Thổ Khối, ngay sát làng tranh Đông
Hồ.
Lúc vừa mới đến, lão tưởng bở chú em rể...cùng một lứa với lão, bây giờ mới biết chú ấy già hơn lão tới ba, bốn tuổi lận. Cứ hở miệng ra là giở cái giọng Bắc kỳ đặc với "bác, bác, em, em". Lão nhíu mày rủa thầm, chả hiểu hết người hay sao đó cô em gái lão lại rước thằng chồng cụ như thế này. Thảo nào có một chút tuổi khọm thì hay bám víu vào một cái gì đó qua rêu phong ẩm mốc của miếu đình cùng cây đa bến cũ. Số là sau đó chú em già khằng ấy khoe tấm hình và chỉ vào ông từ giữ đền chẳng...trẻ hơn chú ấy bao nhiêu, rõ ra cùng giòng họ với chú em, với vai vế chi này tông kia. Chú em ven môi khoe mẽ: "Bác không biết đấy chứ, chứ chẳng dấu gì bác, nhờ có ông từ em mới biết em có họ với Nguyễn Đăng Thục, Mai Thảo Nguyễn Đăng Qúy và sau này là Nguyễn Đăng Mạnh. Cũng tốt thôi, bác nhẩy". Lão ớ ra lúng túng như gà mắc thóc vì chú em này cũng cũng danh gia vọng tộc ra phết. Rõ ra chú em thửa bức tranh tết Đấu vật treo ở dưới chân cầu thang cho nó hoách chẳng có gì lạ lẫm cho lắm... |
Thế nhưng lạ
một nhẽ khi không từ bức tranh về một phiên chợ Tết,
những tấm ảnh với cảnh dân dã, ông từ giữ đền quê
mùa. Trong cái đầu củ chuối của lão nhẩy bổ ra truyện
ngắn Tranh Tết của một tác giả khuyết danh mà lão
đã đọc từ lâu, nay đang quấn quýt lấy lão:
"...Viên quan hai Léc rất điển giai, vẫn được bạn bè gọi là con gà sống tốt mã vì Léc nói sõi tiếng Việt, giỏi mỹ thuật, và rất quan tâm tìm hiểu phong tục xứ Tonkin. Được về làm sếp bốt Ngã Tư Hồ, hôm trước, hôm sau Léc đã tha thẩn dẫn bọn lính vào làng. Hắn được biết ở đây người ta làm nghề vẽ tranh tết, và lúc này đang là mùa in tranh. Khi đi trên bờ sông Đuống, Léc để ý có những chiếc thuyền dọc đỗ nép vào bờ đun nấu khói nghi ngút. Một tên lính cho Léc biết đó là thuyền ở xa đến chờ mua tranh tết. Léc đến đầu làng, cảm thấy mùa xuân xứ này đang đến, mưa chăng như mạng nhện; và khóm lá giong - thứ lá dân bản xứ gói bánh chưng tết - thì xanh rờn, run rẩy trong gió rét. Để tỏ thiện cảm, Léc giữ bộ mặt vui vẻ gật đầu chào những người qua lại. Qua chiếc cổng làng có chữ Chinoise, Léc bước thanh thản trên con đường gạch. Con trai lão
quận trưởng đi bên Léc, tên thông ngôn này rất được Léc
yêu thích, vì hắn vẫn là cố vấn về các phong tục địa
phương cho Léc, giải thích:
Lão định góp chuyện con đường làng lát bằng gạch vồ thẳng đều tăm tắp như vây rồng ở khúc trên cho nó ra chuyện làng chuyện nước. Thì làm như không hay, mà chẳng hay thật, vừa chuyên trà chú em vừa chép miệng: "Bác và em đều già khú đế cả rồi bác nhẩy, cáo chết ba năm quay đầu về núi...". Thế là lão được thể căng tai ra nghe chú em đốt lò hương cũ qua bức tranh Đông Hồ đằng chân cầu thang như một tĩnh vật, vất vưởng như những cái bình vôi dưới gốc đa già cỗi. Như cùng tình đồng điệu với tên thông ngôn "những lớp gạch cũ, mới cứ nối nhau kéo dài dưới rặng tre xanh". Chú em rong ruổi tiếp rằng mặc dù chỉ là tĩnh vật thô kệch, nhưng với chú em là cái gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Như một dấu ấn nghìn năm giữa người và vật. Chú em đang mần mò đi tìm những địa danh đang đi vào quên lãng, như những chiếc ấm đất của vang bóng một thời. Cứ theo như chú em ấy thì làng tranh Đông Hồ đã có trên dưới 500 năm từ khi Trịnh Tùng con thứ của Trịnh Kiểm phò vua Lê dẹp tan nhà Mạc ở Cao Bằng. Con cháu họ Mạc chạy tứ tán khắp nơi, phải thay tên, cải họ để tránh cuộc truy lùng thành họ Phạm, họ Hoàng, họ Nguyễn với tên đệm bộ mộc. Riêng họ Nguyễn ở làng Thổ Khối có chữ đệm là Đăng. Sau khi thất thế phải đổi họ, cha truyền con nối đến nay đã hơn hai mươi đời...Quá mù sa mưa, lão như bị vướng mắc trong cái màng nhện gia phả, gia tộc của chú ấy. Thấp thóang với lũy tre xanh, đình chùa, miếu đường, mồ mả gia tiên, căn nhà từ đường, bờ mương ao cá. Thêm một lần níu kéo, ai chẳng một lần lọm khọm với dĩ vãng. Để thả hồn về quá khứ, trở về với gốc gác, cội nguồn qua một dòng sông. Và một ngày nào đó, cũng chỉ vô tình thôi, tần ngần qua tấm mộ bia bên thửa ruộng hoang, qua đôi câu đối trước ngôi đền cổ, để lãng đãng về một dòng họ như: Phạm, Hòang, Nguyễn Đăng từ họ Mạc mà có. Nhấp một ngụm trà móc câu, lão bâng khuâng "Ai ra bến nước trông về Bắc - Chỉ thấy mây trôi chẳng thấy làng". Lão cũng bâng quơ theo chân chú em lụm cụm chống gậy đi tìm dĩ vãng, cứ quanh quẩn như cái đèn cù với truyện cũ vừa rồi: "...Ông cụ
dừng tay, gương mặt thoáng tái một chút rồi cúi xuống.
Đôi tay với những ngón xương xẩu lại cử động một cách
tinh tế, sử dụng bộ "ve" khắc thuộc lòng trên mặt gỗ.
Léc chăm chú ngắm, chụp ảnh, tỏ ra là người có văn hóa.
Bọn lính đi theo chán ngán bước quanh sân, mắt lơ láo ngó
chuồng gà. Léc nhìn vào trong nhà thấy một bà cụ già, mấy
đứa trẻ con, và những người khác đang bỏ việc, đưa mắt
nhìn nhau nghi ngại.
Mấy người
cúi xuống, bà lão lại đều đều chấm chổi lông vào chậu
điệp phết lên từng tờ giấy dó và vứt la liệt sau lưng.
Mầu điệp trong trắng vàng vàng như sắc ngà voi, óng ánh
chiều sâu làm Léc hết sức ngạc nhiên.
Ở góc nhà
bên kia là hai đứa trẻ thò lò mũi, một đứa quệt mầu
lên khuôn gỗ; một đứa đặt giấy, Léc thấy như là chúng
đang chơi trò của trẻ con thì đúng hơn là in tranh. Những
người bên cạnh chấm bút vào các chậu mầu và tô lên rất
nhanh. Chỉ một loáng tranh đã hoàn thành và được đem ra
sân phơi. Léc đưa một bức lên ngắm nghía... Hắn thấy hai
người đàn ông đang vật nhau, họ đóng khố, mình trần,
ngực nổi to như lực sĩ ném đĩa Hy Lạp và sau rốt, hắn
khuấy ngón tay vào chậu mầu; hắn kinh ngạc vì không thấy
những mầu này có trên các bức danh họa phương Tây.
Của người phúc ta, lão định bàn góp về nghệ thuật làm tranh dân gian theo truyện viết trên thi làm như ngẫu nhiên, ngẫu hứng gì ấy, chú em chiêu một ngụm trà và nói thay cho lão: "Thưa với bác, theo em năng nhặt chặt bị...". Thì cứ theo chú ấy, tranh Đông Hồ thể hiện một phần nào biểu tượng quen thuộc một thời nổi tiếng của dòng tranh dân gian đất Bắc với giấy điệp dùng in tranh là lọai giấy dó mịn, làm bằng vỏ cây dó. Giấy được phết nhựa thông, bồi bột điệp óng ánh nghiền từ vỏ hến, vỏ sò để làm nền. Mầu trung thực lấy từ cây vườn nội cỏ, mầu đen chế từ than lá tre khô, mầu xanh lam chiết từ lá chàm, mầu đỏ từ thân cây vang, mầu nâu từ qủa bứa, mầu vàng nhuộm bằng hoa hòe hay quả giành giành. Giấy nhũ là giất được quét bằng hồ pha bột vàng hoặc bạc. Cứ vậy, chú em miên man về một cõi xa vắng nào đó như ẩn hiện trước mắt. Không khí sầm uất vào cữ tháng Chạp, chợ tranh được mở tại đình làng để khách tứ phương tám hướng về mua, các thuyền xứ Đông, xứ Đòai ghé bến "vờn" tranh và "ăn" tranh hiểu theo nghĩa là xem và mua tranh. Cả làng tất bật sớm khuya, chỗ này rậm rịch giã điệp, chỗ nọ dở ván in tranh, cọ rửa lau chùi, khói đốt than ẩn hiện là đà trên ngọn cây. Trong ngôi nhà vách nứa tường tre, các cụ nghiện trà đặc, thuốc lào Tiên Lãng, và trà móc câu Thái Nguyên, thì không thể vắng bóng trong các đêm làm tranh, tiếng thuốc lào sòng sọc nghe đến vui tai. Nước trà đặc sánh, làm cho đầu óc minh mẫn, tỉnh táo, khiến cho nét vẽ thêm sống động, nhuần nhuyễn, có hồn có vía. Trong khi lão đang ngơ ngác như quạ vào chuồng lợn thì chú em mê mải chìm đắm với nghề làm tranh: Khắc ván tranh từ gỗ thị, gỗ mít mang về từ núi Thiên Thai, cả trăm năm không mọt, cùng những mẫu tranh in ván, tranh khắc, khuôn trổ lá. Mầu sắc dân dã từ lá tre, rỉ đồng, hoa hòe. Rồi xeo giấy, quậy hồ đặc quá thì vênh như bánh đa quá lửa. Xong đến in tranh, phơi tranh, gặp trời nắng ẩm, phải gia giảm mầu cho phù hợp với độ sốp của giấy. Tranh mới dập, gặp tiết hanh nồm, bị chua, bị vó. Chú ấy gánh bùn sang ao với tranh dân gian thì chẳng thể bỏ qua làng tranh Kim Hoàng ở Hà Đông và tranh Hàng Trống ở Hà Nội qua những kết hợp đường nét từ bản khắc gỗ, in trên giấy bản và dùng bút lông để vờn tranh, làm nhòe bớt nét gọi là căn. Chấm chỗ này, điểm chỗ kia, khiến tòan bức tranh đậm nhạt như tranh thủy mạc. Khác với tranh Đông Hồ khổ nhỏ, tranh Hàng Trống khổ lớn cho đền, chùa như những bức Đức Thánh Trần, Bà Chúa Liễu. Và không thiếu những bức tranh dân gian như tranh Rồng rắn, Bịt mắt bắt dê hay Kéo co. Thời cực thịnh vào thế kỷ 17 và 18, tranh Đông Hồ với Bát Tiên, Tố Nữ, tranh Hàng Trống với Đồng Tử, Tiên Dung và Ngũ Hổ. Tất cả những bản khắc gỗ cổ này, nay đã thất truyền. |
Trước kia, từ
dân cư bản địa lâu đời thuộc thôn Tự Tháp, sầm uất
quanh năm. Nay lan ra phố Hàng Trống, rồi đến Hàng Mã, Hàng
Quạt và ngay cả...Hàng Hòm. Nhờ trống tế trống hội, cờ
phưỡn võng lọng, quần áo chầu của ông đồng bà bóng,
ủng với hia...Ấy là tranh Hàng Trống bây giờ. Một công
đôi việc với đường xưa lối cũ, chú em dắt díu lão cùng
một chốn đi vê...về làng tranh Đông Hồ. Qua cầu Chương
Dương trên sông Hồng, cứ dọc theo quốc lộ 1 lên Bắc Ninh,
khỏang mấy cây số là gặp một ngã ba..Men theo sông Đuống,
nhìn qua con đê sẽ thấy chùa Đình Bảng, qua chùa Bút Tháp.
Khi nào qua nền đất cũ bên ven sông có tấm bia đá trên nền
chùa cổ. Trên tấm bia có hàng chữ "Đô Hồ Tự Bi", khắc
thời nhà Mạc (1527-1592), có trạm một đôi chuột đang giã
gạo và có ghi tên làng xưa cũ là Đông Mái, thuộc tổng Hồ,
trấn Kinh Bắc là tới.
Tới đâu thì tới, chả lẽ cứ ngồi ngây ra như thằng phải gió, trong đầu lão cứ trốn mây núp gió với truyện tranhTết, tranh Gà vẫn còn đang vật vờ với lão, vẫn chưa theo gió bay đi: "....Léc gật
đầu khâm phục. Hắn nhìn hết lượt các bức tranh thấy
những con gà, con lợn, cóc, chuột... dường như đang cử động.
Những người trong tranh đang cưỡi ngựa, cưỡi voi, cầm đao
giương cung rất hào hùng. Khi viên quan hai Léc trở ra, hắn
cầm bản khắc của ông già lên xem. Hắn thấy một con gà
trống lạ lùng, tấm thân đường bệ kiêu hãnh, cái mào và
đôi chân hiên ngang; con gà như sắp gáy lên. Chao ôi, con gà
Tonkin khác hẳn con gà Gaulois...
Ông già vẫn
lắc đầu, trán nổi gân. Léc thấy thất vọng; nhìn gương
mặt ấy, hắn biết khó lòng mà mặc cả trừ giả giở trò
cướp bóc.
Ông già đứng
dậy giành lấy bản khắc trong tay tên sếp bốt, điềm tĩnh:
Ông già tiếp
tục cúi xuống làm việc, đưa "ve" sửa vài nét ở cựa gà,
không nói năng gì. Gương mặt Léc hiện lên những đường
gân xanh, nhưng lại nở nụ cười:
Hắn quay ra và nụ cười tắt ngay, chỉ còn luồng mắt xanh lè như mắt mèo. Bất chợt Léc đứng sững lại, nhìn thấy một bản khắc cũ bỏ đi, được dùng vào việc cài then cửa chuồng gà. Léc đưa mắt cho tên thông ngôn. Tên này hiểu ngay, lấy bỏ ngay vào túi dết và đi thẳng ra cổng..." |
Chợt nhìn ra
cổng nhà chú ấy, không hẹn mà gặp, lão bắt gặp chú em...như
đang bước ra...Như đang trôi sông lạc chợ về một ngày
giáp Tết về thăm quê nhà: Lão lẳng lặng rong ruổi theo chú
ấy trong một ngày heo may chớm lạnh. Mặt trời đã lên nửa
con sào, khói sương còn vẩn vơ trên mái rạ, ngọn cỏ, đất
bãi. Dòng sông Đuống cứ lặng lẽ nổi trôi, chẩy mãi và
nhìn qua con đê là chùa Phật Tích, đền Gióng. Bỗng dưng
chú em như cảm nhận được cái hồn của trời đất và hòai
vọng một ngày nào đó không xa sẽ trở về cái làng tranh
đã đậm nét trong chú em, của cái tuổi ấu thời trong những
ngày Tết. Và ngay lúc này, trong chú em như bừng dậy cái âm
vọng rậm rịch, rộn rã của một ngày xeo giấy, khắc ván,
in tranh, phơi tranh. Và lão mường tượng thầm rằng: Ai chả
có lúc thả hồn đi hoang dẫu ở cái tuổi nào, như lão lúc
này đây...
Đường mưa ướt đất, lại thêm một lần nữa, chú em đẩy đưa lão về nghìn năm mây bay, với Lý, Trần, Lê, Nguyễn: Những bản in tranh Đông Hồ ngày nay, cho ta hình dung đến công việc in sách cách đây 9 thế kỷ vào đời Lý. Khởi đầu từ các sứ thần sang Trung Hoa xin kinh và cho người học nghề khắc bản gỗ. Năm 1018, vua Lý Thái Tổ sai hai quan là Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang nhà Tống để thỉnh kinh Tam Tạng, và thiền sư Tín Học cho khởi công khắc bản gỗ để in. Sau đó là đến kinh Kim Cương, Pháp Hoa, Dược Sư, Viên Giác. Theo sách Thiền Uyển tập, tổ phụ của nghề in mộc bản nước ta là Lương Nhữ Hộc, trú quán ở Liễu Chàng, huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương. Đồng thời, Sử biên niên ghi: Thế kỷ thứ III, làng Yên Hòa có một thứ giấy gọi là "Mật hương chỉ". Đến năm 1295, vua Trần Anh Tông lại sai Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo sang nhà Nguyên xin kinh Đại Tạng. Thiền sư Pháp Loa, trụ trì chùa Qùynh Lâm đã bắt tay ngay vào việc khắc bản in. Mỗi trang sách là một bản gỗ, phải khắc lên chữ trái để khi in ra giấy bản là chữ phải. Vì có những bộ kinh lớn, bản gỗ lên tới 600.000 tấm, thời gian hòan tất trên 20 năm. Với hàng trăm người khắc và hàng trăm người in, cho vào khỏang 1.400 chùa chiền ở thôn xóm, đại tự, quốc tự, đó là chưa kể hai, ba năm đi lấy kinh về. Như chú em ngược dòng lịch sử với kinh kệ qua nhà Lý, nhà Trần. Lá bay tường bắc lá bay sang, buồn tình lão cũng theo gió bay đi, lão ngược về chuyện với...thằng Tây tên Lếch: "...Gió tháng chạp lùa qua trấn song sắt nhà giam giá buốt. Tiếng ồn ào của những người đi chợ ngoài đường vọng vào càng làm ông lão buồn rầu. Chúng nó bắt giam ông đã một tuần nay, hằng ngày cho ăn cơm thịt bò, nhưng lại để mặc ông với bức tường - mà không hỏi han gì. Về đêm, ông lão không sao ngủ được, đôi tay buồn bực chỉ biết vuốt râu. Mùi gỗ thị, và mùi giấy mới hồ thơm thơm, chao ôi, sao mà ông nhớ nó thế. Nhiều lúc ông mệt thiếp đi nhưng lại sực tỉnh ngay. Những hình vẽ trong tranh cứ chập chờn trước mặt. Làm sao mà ông không nhớ cho được khi cả đời ông gắn bó với nó. Kỷ niệm hồi nhỏ của ông là những lần bị các cụ đánh sưng tay vì vô ý chệch một đường "ve".. Theo các cụ dạy, trước khi bắt tay vào tranh, bao giờ ông cũng mặc áo dài, sửa lễ cầu ông tổ nghề tranh mộc bản run rủi cho khí thiêng nhập vào người. Có thế khắc mới đẹp. Khi cầm đến "ve" đến gỗ, cứ mê đi mà làm. Ông nhớ hồi
trẻ khi khắc lại một bộ tranh, ông đã mải miết đến
ba tháng trời. Suốt ngày ông nằm bò ra sửa từng ly từng
tý... Ông thuộc lòng từng khuôn mặt người trong tranh như
khuôn mặt láng giềng đến nỗi nhắm mắt có thể đưa "ve"
lên gỗ được. Những người trong tranh rồi đến cả con
gà, con lợn ở đấy cũng thành bè bạn của ông...
Việc ấy...Lẽ dĩ nhiên chú em nào có hay biết, lại rủ rê lão thả rong với chuyện chợ búa: "Em xin thưa với bác chứ". Chú em ngừng lại một chút rồi tiếp...Chứ kinh đô Thăng Long, đất nghìn năm văn vật ta xưa phát triển theo từng thời đại để có cung điện, lâu đài cùng phốc xá và chợ búa để có cái tên chung là Kẻ Chợ. Giữa phố và chợ được gọi là phường hay làng nghề. Như phường Yên Thái làm giấy, phường Nghĩa Đô với dệt lĩnh và phường Thụy Khê cất rượu. Cả ba phường đó người dân Thăng Long kêu là Kẻ Chợ, gọi gồm là Kẻ Bưởi. Đơn thuần chỉ là một địa danh dính liền với chiều dầy của dòng lịch sử kéo dài cả mấy trăm năm. Tất cả đều tàn tạ bám vào mảnh đất cằn cỗi lâu đời...Để rồi, mỗi mảnh đất hình như đều số dòng sinh mệnh riêng nó. Với làng Yên Thái bây giờ, giấy bồi, giấy bản, giấy hội đang đi vào buổi hòang hôn. Chuyển qua làm nồi, làm đồng, vì vậy gần đây có câu "lệnh cồng chiêng Bưởi" là thế đấy. Làng Đông Hồ cũng vậy, từ tranh dân gian sang hàng mã, phẩm mầu giấy nhuộm, với những ông tiến sĩ giấy xanh xanh đỏ đỏ. Nghĩ lại cái buổi hòang kim Đại Việt của Lý-Trần thuở xưa với cả trăm nghệ nhân. Đến năm 1930 mới đây, rơi rớt còn là cụ Nguyễn Đăng Khiêm và ông cháu cùng vật đổi sao rời của làng tranh Bắc Ninh. |
Lão gật gù chắc
mẩm "cụ Nguyễn Đăng Khiêm" đánh chết cũng có họ với
chú em. Nếu không thì "ông cháu" cũng dấm dúi cho thằng em
bức Đấu vật cũ sì để mang về. Lão nhủ thầm nào
có khác gì bức tranh, già rồi, cũ kỹ rồi, đầu chờ vờ
như con cá trê gặp nước mặn nên lượng sượng chẳng biết
nói gì hơn là đảo về những phiên chợ tranh thời xa xưa:
"...Ngày hôm
sau vào phiên chợ Chằm, những người đi bán tranh tết bị
lính cướp giật từng bó. Dân các tổng mua tranh vội vã giấu
xuống dưới thúng hàng. Ban ngày thoáng thấy bóng chú lính
nào lảng vảng về làng, người ta báo nhau cất giấu hết.
Chuyện ấy đến tai tên thông ngôn, hắn hỏi Léc. Viên sếp
bốt mỉm cười:
Ông già thấy một chú Tây say đi vào, tay cầm chai rượu vang..." Chú Tây say đi vào...để làm gì chuyện đâu vẫn còn đó. Chuyện hiện giờ làlão đang lậm vào những bức tranh mầu sắc chân quê qua chú em. Mầu vàng rộm lên như cánh đồng lúa chín, mầu xanh ẩn sau lũy tre làng, mầu đỏ gấc như yếm thắm của chiếc áo tứ thân, mầu xám nhiễu như chiếc áo lam giang, trong lót nền hồ thủy, mầu đen như váy lĩnh giữa mùa quan họ. Từ bức tranh Chuột vinh quy, Ếch đi học, chú em vẽ vời lão từng đường nét, từng góc cạnh cùng những bố cục, sáng tạo theo trực giác, cảm tính này nọ. Qua bức "Gà ăn lá dáy", chú em miêu tả từng mảng mầu sắc. Mảng này phủ lên mảng kia với sắc độ tự nhiên, tươi rói trên nền hồ điệp, trong veo trắng óng, với nước đen mềm mại, chắc khỏe của than lá hồi. |
Ấy là chưa kể
bức Tố nữ hoặc Trê Cóc vậy mà bộc lộ được vẻ
tươi vui, dí dỏm cho việc trang hoàng nhà cửa, nhất là trong
dịp Tết. Cùng nét tranh khắc sâu, nét in phẳng lặng, lúc
hớn hở như chú bé ôm con vịt phú qúy, hay bế gà vinh hoa.
Khi thanh thản như cậu bé vắt vẻo ngồi trên lưng trâu thổi
sáo. Có lúc ngờ nghệch với con lợn ỷ, mặt chành bành to
bè. Bình dị và chân chất thì có thầy đồ cóc, chuột vinh
quy, như sự nối tiếp âm thầm của một nền khoa cử, của
một thời xa xưa. Số là vua Lê Trung Hưng (1533-1789) vì thiếu
tiền, ra lệ đóng ba quan tiền Minh Kinh để nộp quyển đi
thi, nên có nạn quan trường thông đồng mua bán. Vì vậy mới
có bức tranh dân gian "Chuột vinh quy", chú chuột khệnh
khạng đấm mõm ông mèo với cá và tôm.
Bỗng chú em cười tủm một cái: "Theo em thì các cụ ta xưa cũng hóm lắm đấy, bác ạ". Như bức Hái dừa chẳng hạn: Chàng trai đóng khố lửng lơ, chót vót trên ngọn cây, dưới là cô gái quê mặc yếm, vén váy hứng dừa. Khi không chú em múa môi khua mép với lão: "Nhào, nếu như trái dừa rơi tõm xuống váy thì...thì sao nhẩy, thưa bác". Chú em lại nháo nhác đến bức Đánh ghen, hai bà một cô, dí dỏm một nỗi, trong đó có một bà đánh hôi cầm kéo...Rồi chú ấy sớn sác hỏi lão: "Chứ theo bác nhỡ bà đánh hôi không lấy kéo sởn tóc mà cắt toẹt cái...váy thi sao đây, hở bác". Hở với hang rõ nhiễu sự, lão nhíu mày. Nhưng quả tình lão cũng chịu chết nghĩ không ra những cái oái oăm của các cụ gửi gấm trong những bức tranh tình tự dân gian. |
Qua nắng quái
chiều hôm, chuyện tình tự dân gian với đất lề quê thói
cùng các cụ, tiếng nói sâu kín của bản năng, ăn sâu vào
tâm thức, bao giờ cũng thâm trầm và bàng bạc như tiếng
sáo diều, câu ca dao cổ vẫn rong ruổi theo chân chú em. Đất
khách quê người cùng cái tuổi bóng ngả đường chiều, chú
ấy lại lãng đãng thả hồn về năm nào, như mới đâu đây.
Lang thang ở con đê Cổ Ngư, qua một dải đất hẹp, rồi
lạc về vùng Bưởi lúc nào không hay. Lững thững trên con
đường lát gạch đỏ au rộng khoảng năm thước ta, để
mỗi năm rước hội, kéo ngựa gỗ đi được. Ấy là dấu
ấn những chuyện trăm năm của các cụ ta xưa qua đám cưới
với lệ đóng cheo. Đời này qua đời khác, những đoạn đường
làng lát gạch cứ dài thêm mãi với những nhân duyên nối
tiếp cho dòng giống sinh tồn.
Rồi thì chú em đứng lại thẫn thơ ngắm nét hoa văn trên cổng làng, nghỉ chân dưới bóng cây đa già, đằng sau là căn nhà cổ xưa u tịch còn sót lại, như vấn vương u uẩn, nghe vang vọng của nhịp chày Yên Thái, cùng tiếng chuông u tịch của đền Đồng Cổ, lẫn trong hươg trời sắc nước của Tây Hồ. Cùng những nỗi niềm tiếc nhớ về một làng nghề giấy đang đang chìm dần vào dĩ vãng với "Mịt mùng khói sóng ngàn sương - Nhịp chày Yên Thái, mặt gươm Tây Hồ" mà một thời làm giấy sắc vua, kinh kệ, giấy lụa để in tranh. Lão lặng lờ
theo những bước chân đi của chú em, cơm mắm thắm về lâu,
âm hưởng quê nhà từ một miền sâu thẳm lại ẩn hiện
qua truyện Tranh Tết của lão...
"...Thấy chú
Tây say vào, ông già bỗng run run. Chú Tây say loạng choạng:
Chú Tây say đập cái vỏ chai xuống cạnh bàn, rồi ngồi xuống ghế. Ông lão nhìn ngón tay mình hốt hoảng, bất thình lình, chú Tây say vùng dậy, tay này cầm vỏ chai vỡ dốc ngược, tay kia vồ lấy ông như con mèo đói. Ông lão vùng vẫy. Mấy chú lính nhào vào giúp sức ôm chặt lấy ông. Năm ngón tay gầy khô xòe rộng trên bàn. Năm sau, viên quan hai Léc nhận được lá thư của một người bạn họa sĩ từ Pháp gửi sang: "Léc. Moa đã nhận được bức tranh và bản khắc gỗ, đáng tiếc hai tấm khác nhau. Tuy nhiên, bức tranh đúng là một tác phẩm vô giá..." *** Lão thuỗn mặt ra như có gì trong cái đầu đất sét của lão mà chưa moi móc ra. Vừa lúc chú em móc điếu thuốc châm lửa, thế là lão bật ra câu hỏi cớ sự gì bức tranh treo dưới chân cầu thang có cái lỗ cháy đen thui...Chú em khật khừ nhả một đụn khói và nhấm nhẳng rằng: "Nhào, chả có gì đâu bác, một ngày ngẫn ngẫn bên bờ sông Seine, bắt gặp bức tranh ấy ở tiệm sách cũ thế là em mang về". Chú em nhả khói: "Mang về rồi, nhòm thấy thằng Tây nào đó ký tên vào góc bức tranh. Ngứa mắt, em dí một điếu thuốc, vậy thôi. Thưa bác...". Ấy vậy mà cho đến lúc này, lão vẫn chưa có dịp kể chuyện Tranh Tết trên cho chú ấy nghe. Đang quắn ruột thì vừa lúc chú em nhỏm dậy vào nhà và lững thững mang ra chai Bordeaux, một đĩa gan ngỗng to bự sự. Lão đực mặt ra như ngỗng đực vì bỗng nhớ ra giấy làm tranh làng Đông Hồ mầu đỏ từ thân cây vang, nên ắt hẳn người ta gọi rượu đỏ là...rượu vang chăng. Như liễu ngộ, lão nhắm một miếng mồi đưa cay, lão ngửa cổ nốc cạn một ly như voi uống thuốc gió. Hết chai, lão say say như cóc cụ ngậm thuốc lào. Chiều về, lão lờ đờ ngả người ra ghế nhắm mắt lại. Rất xa xôi, thoáng trên mặt chú em có đám mây bay... Tia nắng quái len lỏi qua rặng lá xanh um, lão chập chờn với giấy điệp vàng, với hoa hòe. Dường như có cơn gió lùa lao xao trên tàng cây, lão nghe loáng thoáng như âm hưởng rậm rịch của một ngày xeo giấy, khắc ván, in tranh, phơi tranh...Chìm đắm trong giấc ngủ ngày, lão chơi vơi thấy mình đang có mặt ở quê nhà trong một ngày heo may chớm lạnh. Mặt trời đã lên nửa con sào mà khói sương còn vẩn vơ trên mái rạ, ngọn cỏ, đất bãi. Dòng sông Đuống cứ lặng lẽ nổi trôi, chẩy mãi. Nhìn qua con đê, ẩn hiện trước mắt lão là không khí sầm uất vào cữ tháng Chạp, chợ tranh được mở tại đình làng để khách các thuyền xứ Đông, xứ Đòai ghé mua tranh. Lão chống cây gậy trúc lùa cua, thẫn thờ quanh con đường làng lát gạch vồ, lắng đọng với phiên chợ chiều vắng khách. Lão mơ mơ nghe có tiếng cóc nhái âm ỉ như có tiếng ai đấy gọi đò sang sông về một bến nước... Thêm một cơn gió thoảng, lão ho khùng khục như người hen. Chiều tối ập đến, trong nhà, ngoài sân, đằng góc vườn đâu đâu cũng vang lên tiếng cóc ho.
|
|