Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

THỜI TRANG và LỊCH SỬ

VÁY hay QUẦN ?

TRÁI hay PHẢI ?

Biên khảo

Trần thị LaiHồng

Tự thuở hồng hoang, loài người đã tìm cách lưu lại sinh hoạt bằng ngôn ngữ tạo hình, qua những nét vẽ hoặc khắc trên vách đá hang động, thân cây, tảng đá, tấm gỗ, thanh tre ... rồi tiến dần văn minh, đẽo gỗ, khắc phù điêu, tạc bia mộ, vẽ tranh, đúc gạch ngói, đúc tượng, đúc trống đồng ...

Đồng thời với hình tượng ngôn ngữ tạo hình, tiếng nói được lưu truyền bằng văn học dân gian với truyện kể và thi ca liên hệ đến sinh hoạt xã hội và lịch sử, và sau đó được thể hiện bằng chữ viết để diễn đạt tư tưởng, phổ biến hiểu biết, mở rộng và nối kết liên lạc khắp toàn cầu.  Từ ngôn ngữ tạo hình khắc vẽ đi đến chữ viết là cả một thời gian dài bốn mươi lăm nghìn năm!

Theo đà tiến hóa, con người phát triển những ngành nghệ thuật, và thời trang là tiếng nói thầm lặng của mỗi địa phương, mỗi dân tộc.  Kể từ khi biết che thân, loài người đã tìm cách làm đẹp với những vật dụng thô sơ như lá cây, vỏ cây, da thú, lông chim, và sau đó  tìm cách ngâm lá ngâm vỏ và thân cây như cây gai cây đay, cán bông vải, lấy sợi đan hay kết lại, rồi tìm ra tơ tằm dệt gấm lụa, tiến đến kỹ thuật chế biến tơ sợi hóa học... và sáng tạo nhiều kiểu may mặc.

zzzzz

Áp chui đầu và váy sợi vỏ cây, đầu thời đồ đồng.
Bảo tàng viện Copenhahue, Denmark

Tự thuở nào, y phục cũng như chữ viết - những nét văn hóa của một dân tộc - trở thành biểu tượng quốc gia.  Và tự thuở nào, y phục biến đổi trở thành thời trang từng miền, từng địa phương, giao thoa, pha trộn, gạn lọc, nhưng vẫn giữ nét riêng trong tổng thể thế giới để không bị đồng hóa hay mai một.

Thời trang ngày nay là thị trường lớn của thế giới.  Thời trang là đề tài học hỏi của sinh viên, từ Royal Academy ở London đến Viện Kỹ thuật Thời trang Fashion Institute of Technology New York, nơi nhà tạo mẫu Calvin Klein tốt nghiệp và nổi danh với thương hiệu CK; và từ Metropolitan Museum ở New York với Costume Institute, đến Victoria và Albert Museum ở London.  Ngay từ tháng 4 năm nay 2008 và còn tiếp diễn cho đến giữa tháng 7, đang có triển lãm tại Bảo tàng viện Boston's Museum of Fine Arts, qua tranh của hai họa sĩ Tây Ban Nha El Greco và Valazquez, về thời trang thế kỷ XXI và XVII.

Thời trang Việt Nam lần đầu tiên được trưng bày suốt ba tháng liền tại Wing Luke Museum Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, với những bộ áo dài và khăn quàng lụa vẽ Art onSilk của Trần thị Lai Hồng, từ tháng 9 năm 1992. Mới đây, tháng 4 năm 2006, một số áo mệnh phụ triều Nguyễn thế kỷ XX được nghệ sĩ Trịnh Bách phục chế, trưng bày cùng một số áo dài gọi là "cách điệu" của các nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng, Đặng thị Minh Hạnh, Lê Minh Khoa, Lê Phương Thảo và Monica Trần tại Viện Bảo tàng San José Museum of Quilts & Textiles, California.

Thời trang Việt Nam ngày nay rộ nở huy hoàng từ trong nước ra hải ngoại.  Không thiếu những buổi trình diễn, nhan nhản từ thôn quê quan họ Bắc Ninh hay vùng Đồng Tháp, Huế Sàigòn Hà Nội, và khắp nơi nào có bóng dáng người Việt.

Tuy nhiên, qua thời gian, sự diễn đạt có khi đi lạc, nhất là khi dựng lại những nhân vật lịch sử, có thể vô tình, không đặt đúng vị trí không gian và thời gian xuất phát.

Mẹ Âu Cơ  bốn nghìn năm trước, thời huyền sử, không thể dùng thời trang áo váy tứ thân thế kỷ XIV - XV hay áo ngũ thân quần hai ống thế kỷ XVIII.  Hai Bà Trưng đầu thế kỷ thứ nhất không thể mặc quần mang boots mang bao tay và đội khăn vành Hoàng hậu Nam Phương. Công chúa Huyền Trân của triều đình Nhà Trần thế kỷ XIV không thể dùng thời trang triều Nguyễn thế kỷ XIX- XX.

VÁY hay QUẦN???
Những dẫn nhập dài dòng không phải vô tình mà có ý, khi nhắc nhở những nhân vật lịch sử.

Người Việt Nam ai cũng nhớ công đức Hai Bà Trưng, hai vị phụ nữ đầu tiên trong lịch sử đã đứng lên hô hào tập hợp binh mã chống lại và đánh đuổi bọn thống trị Đông Hán, dành lại độclập.  Hằng năm đến ngày giỗ Hai Bà, mồng 6 tháng 2 âm lịch, dân chúng trong cũng như ngoài nước đều long trọng tổ chức tưởng niệm.  Có tế lễ, có diễn hành xe hoa, có đại nhạc hội, có họp bạn, và tất nhiên có trình diễn hình ảnh Hai Bà.

Trong nước, Hai Bà cỡi voi thật đi diễn hành.  Ngoài nước thì dựng bàn thờ, có tranh vẽ Hai Bà rất trang trọng.  Cả trong và ngoài nước đều có thiếu nữ công dung ngôn hạnh đóng vai Hai Bà, áo quần rực rỡ, huy hoàng lọng tía tàng vàng.

Vấn đề nêu ra, là trang phục của Hai Bà Trưng.

Tuy sử sách ta cũng như Tàu không hình ảnh để lại, nhưng đều ghi rõ cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc. Hai Bà khởi nghĩa vào năm 39 thế kỷ thứ nhất sau Tây  lịch, đánh đuổi Thái thú Tô Định, dành lại độc lập cho quê hương. Cả hai cùng lên ngôi vua, lấy hiệu Trưng Nữ Vương, trị vì từ năm 40 đến năm 43, thì bị Nhà Hán bên Tàu cử lão tướng Mã Viện sang đánh bại.

Thời điểm thế kỷ thứ nhất, trên tất cả thế giới, từ Tây sang Đông, đàn ông cũngnhư đàn bà đều mặc váy, vì chưa phát minh ra chiếc quần. Mãi đến thế kỷ thứ ba sau Thiên Chúa loài người mới sáng chế chiếc quần, và chỉ dân vùng đồng hoang cỏ dại cỡi ngựa chăn nuôi săn bắn mới dùng.  Khi xuất hiện dưới thời Gaulois bên Pháp, quần chỉ phổ biến trong giới bình dân.  Chiếc quần qua Cổ Ba Tư vào thế kỷ thứ VI, lan sang Hy Lạp, La Mã, qua Trung Á, lên Mông Cổ, Mãn Châu, xuống Tàu vào thế kỷ XVII rồi vào Việt Nam.  Phụ nữ Việt Nam vẫn mặc xống/ váy, nên có cụm từ áo xống đặc biệt ở Đàng Ngoài, cho đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh thế kỷ XVIII, đàn bà Đàng Trong mới bắt đầu bỏ chiếc váy để mặc quần cùng áo dài, dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, và cụm từ áo quần xuất phát vào thời điểm này.

Khăn đội đầu, áo khoác, váy, giày nam chiến sĩ
20,000 Years of Fashion, The History of Costume and Personal Adornment,
Francois Boucher

Cuối thế kỷ XIV, đàn ông Tây phương vẫn mặc váy hoặc áo chùng

Ngay tại quốc gia văn minh tân tiến như nước Mỹ, mãi tới thế kỷ XIX, đàn bà Mỹ mới bắt đầu thay váy mặc quần, theo phong trào The Bloomer Costume hay Bloomers, do bà Amelia Jenks Bloomer cổ võ trên đặc san The Lily, tờ báo nữ đầu tiên tại Mỹ, vào năm 1848.  Thời điểm này, đàn ông Anh, nhất là vùng Bắc Tweed, vẫn còn mặc váy, có khi ngắn cũn cỡn.

Thế kỷ thứ nhất, y phục Hai Bà Trưng tất nhiên là y phục xưa còn rõ nét khắc trên cán dao, lưỡi rìu, tượng đồng, và hoa văn trống đồng, gồm yếm, áo bên trong tròng đầu hoặc xẻ phía trước, ngắn ngang hông hoặc có hai vạt dài, áo khoác ngắn bên ngoài, mặc váy quấn hoặc váy chui, buộc thắt lưng có bản thòng dài che cả phía trước và phía sau, đeo kiếm, đầu quấn khăn gắn lông chim, bông lau hoặc tàu cau, lá cây, chân quấn xà cạp, mang dép giản dị.


Váy hay quần???  -  Xin thưa: - Váy!  Hai Bà Trưng mặc váy, vì vào thời điểm đó, thếkỷ thứ nhất, chiếc quần chưa ra đời.

Hai Bà Trưng, tranh Võ Đình

*****

TRÁI hay PHẢI ???
Trước khi nói đến chuyện trái hay phải, xin hãy nhận xét áo của các đấng nam nhi.  Có phải áo của quý vị mày râu vạt úp qua phải và cài nút bên phải không?  Đúng vậy !

Bây giờ, mời quý vị nhìn lại, nếu quý bà quý cô ăn mặc theo kiểu Tây phương, chắc chắn áo quý vị cài bên trái.

Nhưng, xin nhấn mạnh chữ nhưng này,nhưng nếu quý bà quý cô mặc áo dài, thì áo dài Việt Nam của quý bà quý cô lại cài bên phải, như đàn ông !  Áo dài cài bên phải, dấu vết nô lệ còn sót lại sau một nghìn năm ta bị Tàu đô hộ. Nếu có người đẹp nào mặc qi pao/cheongsam/xường xám, tức là áo Tàu, thì rõ ràng áo Tàu cài bên phải.

Nhìn quanh thế giới, từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc, như có một luật lệ ngầm không văn bản không ký kết, nhưng loài người cùng tôn trọng: đàn ông mặc áo cài bên phải, đàn bà cài qua trái.  Duy chỉ có người Tàu, đàn ông đàn bà nhất loạt áo cài qua bên phải.

Những tài liệu tiền nhân để lại cho thấy người Việt luôn luôn cố gắng phấn đấu, không những bảo tồn từng tấc đất giang sơn, mà còn gìn giữ căn bản văn hóa dân tộc, trong số, phải kể đến chiếc áo dài phụ nữ.  Sử sách ghi chép rằng người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo cài bên trái.  Chỉ từ khi bị người Tàu xâm chiếm đô hộ, ta bị buộc đồng hóa, phải dùng kiểu Tàu: áo cài bên phải.

Trong bài viết về Y Phục Người Việt Qua Các Thời Đại, học giả Thái Văn Kiểm nhắc đến các sách Tàu như Lễ Ký, Luận Ngữ, Xuân Thu Tả Truyện, Hoài Nam Tử, nói về văn hóa, phong tục tập quán các sắc dân phía Nam nước Tàu, trong số có người Văn Lang Lạc Việt, thuộc nhóm Bách Việt phía Nam Hồ Động Đình.

Đặc biệt sách Luận Ngữ ghi chép những nhận định của Đức Khổng Tử, bản dịch của Đoàn Trung Còn, và Sử Ký Tư Mã Thiên, Sử Trung Quốc, bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê, đều có nhắc lời Đức Khổng Tử khen Quản Trọng.  Sách Luận Ngữ do Đoàn Trung Còn dịch, chương 14 về Hiến Văn, trang 222, ghi lời Đức Khổng Tử khi luận về các công thần tài trí hơn người, đã nói "  Vi QuảnTrọng ngô kỳ bị phát tả nhậm hỉ. "  Nghĩa là nếu không có Quản Trọng thì ngày nay ta - tức là người Tàu phương Nam, trong số có Khổng Tử quê nước Lỗ ở phương Nam - phải cắt tóc, mặc áo cài bên trái vậy.

Quản Trọng là ai ?

Sử Ký Tư Mã Thiên ghi Quản Trọng là Tể tướng của Tề Hoàn Công nước Tề đời nhà Chu bên Tàu, thế kỷ X trước Tây lịch. Thời đó dân Việt còn ở phía Nam nước Tàu và là một trong nhóm Bách Việt.  Rất tài trí, Quản Trọng lập chính sách " Phú quốc Cường binh, " tổ chức " ngũ gia liên binh " giúp Tề giàu mạnh, thu phục chư hầu, chinh phục các nước nhỏ phía Nam, coi như man-di, sửa đổi văn hóa phong tục, cách ăn mặc, bắt . bỏ kiểu áo cài bên trái gọi là tả nhậm, và phải theo Tàu cài qua phải gọi là hữu nhậm.

Lời khen của Đức Khổng Tử rất quan trọng, xác nhận các sắc dân phía Nam nước Tàu, phía Nam sông Dương Tử - trong số có Lạc Việt - xưa mặc áo cài qua trái nhưng bị Tàu đồng hóa buộc cài qua phải như họ.

Thế kỷ XVIII, thời ta bị nhà Thanh đô hộ, họ còn cấm dân ta để tóc dài, bắt phải dóc tóc bím đuôi sam, và không cho nhuộm răng đen.  Người Tàu gốc nhà Minh không chịu theo nhà Thanh, đã di tản sang sinh sống tại Việt nam với cao trào Phản Thanh Phục Minh, không chịu dóc tóc thắt bím.

Việt nam cũng không chịu khuất phục áp lực người Tàu, mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, Vua Quang Trung Nguyễn Huệ xuất quân ra Bắc quyết đánh đuổi quân xâm lược.  Đêm ba mươi Tết, mặc tối đen âm thầm, mặc quân nhà Thanh ăn Tết, quân Nam tiến băng rừng tràn ra sa trường ...Bài hịch xuất quân chữ nôm của Vua Quang Trung nhấn mạnh: 

Đánh để cho dài tóc/ đánh để cho răng đen 
Đánh để cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ ...


Mặc dầu qua thời gian, việc cắt tóc ngắn và để răng trắng là những tiện nghi hữu ích, và là nét văn hóa chung cả toàn thế giới, nhưng tinh thần bất khuất của Vua Quang Trung cho thấy nước Nam ta có nền văn hóa riêng, và không bao giờ cúi đầu chịu nhục ngoại bang áp đặt đồng hóa.

Về phía người bình dân, tập Tranh Dân gian Việt Nam  Imagerie Populaire Vietnamienne của Maurice Durand, một học giả Pháp chuyên nghiên cứu Việt nam, viết về nghề khắc gỗ làm mộc bản, có in một bức Hai Bà Trưng và một bức Bà Triệu, ba vị nữ anh hùng dân tộc.

Hầu hết tranh dân gian từ cả 500 năm trước hoàn toàn chịu ảnh hưởng nặng nề của Tàu.  Nhưng điểm son nghệ nhân khắc hai bức mộc bản này, là đã tôn trọng nét văn hóa Việt Nam rất rõ rệt: Hai Bà  mặc áo kiểu Việt Nam xưa, không cài qua bên phải theo Tàu.  Đặc biệt bức mộc bản Bà Triệu càng rõ rệt y phục người Việt xưa, vùng Núi Nưa Thanh Hóa mà cho đến nay người Mường còn giữ nếp cũ.  Bộ y phục này bên trong là yếm và bên ngoài có áo cánh rồi áo khoác giống áo tứ thân nhưng không có cổ cao kiểu Tàu mà lại là giao lãnh, tức là hai vạt trước giao vào nhau.

Qua nhiều gian lao thử thách với các biến chuyển lịch sử, có khi chiếc áo dài bị hạn chế phổ biến vì cho là xa xỉ phẩm như dưới thời nội chiến Quốc Cộng Nam Bắc, suốt 30 năm liền, đàn bà ngoài Bắc phải ngắn gọn quần tây áo cộc như đàn ông.  Nhưng sau khi chiếm được miền Nam, thống nhất đất nước, người Bắc ùa vào Nam thấy trù phú sung túc bèn " nhận hàng ",rồi chẳng bao lâu các bà các cô vụt bung đua đòi quần là áo lượt thời thượng rực rỡ màu mè, cổ cao cổ thấp không cổ hay khoét rộng hở vai hở ngực, tay dài tay ngắn tay loe, vạt hẹp vạt rộng ba tà bốn tà hay mớ ba mớ bảy, dài lệt bệt quét đất chẳng thấy đâu chiếc quần ...nhưng vẫn nô lệ áo cài bên phải theo lệnh Tàu.

Thời trang thay đổi tùy thích mỗi người theo phong trào chung cả thế giới, vì nếu không đổi mới chẳng được gọi là thời trang.  Thay đổi để tiếp nhận tinh hoa mà gạn lọc cặn bã và hài hòa kết hợp, nhưng vẫn giữ gìn truyền thống căn bản của mỗi dân tộc.

Nhưng, lại vẫn chữ nhưng quan trọng này, ta thoát ách đô hộ Tàu cả nghìn năm trước, và nay đã là một quốc gia hoàn toàn độc lập, không có lý do giữ lại dấu vết nô lệ lạc lõng giữa phụ nữ thế giới với quy luật y phục chung cho toàn cầu, là áo phụ nữ cài qua bên trái.

Áo dài phụ nữ cài bên trái, lý tình đều thuận hợp.

Trần thị Lai Hồng
Hoa Bang, hè 2007 sang Xuân 2008


Trích và bổ túc Tìm Hiểu Áo Dài Việt Nam của Trần thị Lai Hồng, đầu tiên đăng trên Phụ Nữ Ngày Nay 1986, và sau đó trên nhiều báo chí hải ngoại, báo điện tử www.gio-o.com/ cùng nhiều báo điện tử khác.


Tài liệu tham khảo :

-     Anna Buruma, Fashion of the Past, Collins & Brown, London 1999
-     Association for Viet Arts, Áo Dài: A Modern Design Coming of Age, San Jose Museum of Quilts & Textiles 2006
-     Bernard Dupaigne, Vidage d'Asie, Edition Hazan, Italy 2000
-     Francois Boucher, 20,000 Years of Fashion, The History of Costume and Personal Adornment, Expanded Edition 1967
-     Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Linh, Hoàng Hưng, Lê Văn Lan, Thời đại Hùng Vương, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1976
-     Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, Văn nghệ 2003
-     Nguyễn văn Huyên, La Costume Annamite, Hanoi 1940
-     Trần Trọng Kim, Việt nam Sử lược, Khai Trí 1971
-     P. Huard và M. Durand, Connaissance du VietNam, E.F.E.O. Hanoi, 1954
- Tranh Võ Đình, tư liệu của Trần thị LaiHồng

Từ phải : Y phục Mỵ Nương, Bà Trưng, phụ nữ Mường, trưng bày trước buổi trình diễn

Hành trình về Đất Mẹ của Trần thị LaiHồng, dùng khoảng 200 bộ y phục phụ nữ do tác giả vẽ kiều, để ôn lại phần nào lịch sử và văn hóa Việt Nam, tổ chức tại Orange County, California, 6 tháng 8, 2011