Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ] [ Tác
giả ]
|
|
(để tưởng
niệm nhà văn Nguyễn Mộng Giác)
|
Thế là ngựa sau những
ngày bon chân đã mỏi và ngã. Cuối cùng ông cũng đầu hàng
bệnh tật, buông tay chèo nằm xuống qua những mùa lũ giông
kinh động. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã tìm được nẻo
về tỉnh thức khi đối đầu những cơn mộng dữ đời người
hệt như cái tên của ông vậy.
Với nụ cười hiền, thái độ từ tốn, tĩnh như một dấu lặng, tôi bắt gặp nó ở ông, bất cứ nơi nào ông đến, ông đi, ông dừng lại. Trong khi phu nhân ông, chúng tôi quen gọi là chị Chi, ngược lại, vui vẻ, hoạt bát sôi động, âm ba giọng Huế ríu rít như chim theo quyện gót ông. Tôi không biết có phải vì bản tính không, mà mỗi lần ông đến dự các buổi họp mặt bạn bè với chúng tôi, ông đều ít nói. Đó là những lần hội ngộ bạn văn từ các nơi khác về thăm Cali. Chúng tôi đến với nhau tại nhà Nữ sĩ Nguyễn Hương. Khi ấy giữa hai thế hệ cầm bút, dường không còn khoảng cách, không có những đường vòng trải nghiệm đời to nhỏ khác biệt. Chúng tôi trò chuyện, chia sẻ những bài thơ, những dòng tư duy hay cung đàn, giọng hát. Không gian yên tĩnh, thoảng hương hoa nhẹ từ vườn khuya thoáng đưa về là những giây phút sóng sánh tiếng chạm ly của các cốc rượu nho màu hổ phách. Thời gian này ông chưa bệnh. Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Hương không khi nào quên mời nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Các cây viết ở khắp nơi đổ về của tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, hầu như không bao giờ thiếu mặt. Những Cao Xuân Huy, Trịnh Y Thư, Trần Thị Ngh., Bùi Bích Hà, Phạm Phú Minh, Thận Nhiên, Nguyễn Tiến Dũng, Trần Tiến Dũng, Đặng Phú Phong, Hoạ sĩ Rừng, Như Ngọc, Hoàng Công Khanh, Phùng Nguyễn, Lê Thị Thấm Vân, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Hoàng Nam, Trần Mộng Tú, Bùi Vĩnh Phúc, Phan Nhiên Hạo, Khánh Trường… đều đã có lần ghé đến. Ông cũng có mặt trong những buổi gặp gỡ , ra mắt sách Võ Phiến, khi Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc, Võ Quốc Linh, Nguyễn Hưng Trinh từ Úc qua, Trần Hoài Thư, Hoàng Đình Bình, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trần Doãn Nho, Lê Quỳnh Mai, Nguyễn Tường Thiết từ các nơi khác về. Tôi nhớ, lần đầu gặp ông, ấn tượng tôi thấy được nơi ông là một người rất "lành". Tôi tự nhủ, nhà văn mà tôi từng say mê chờ đợi, để đọc từng cuốn "sẽ ra lò" của bộ trường thiên tiểu tuyết "Sông Côn Mùa Lũ", đây này. Nhìn hiền tựa bụt. Tôi đọc "Ngựa nản chân bon" từ ngày đầu khi mới xuất bản. Tôi thích hầu hết những truyện ngắn và từng mảnh đời trong ấy. Từ Tố chân, Dốc Nhân Sinh, Ngựa nản chân bon, cho tới ,Trở lại gánh xiếc. Những mẩu chuyện nho nhỏ, mỗi số phận con người thăng trầm theo cuộc nổi trôi, vẫn còn giữ thói quen cố hữu hay một quán tính đeo đẳng suốt đời. Đó là chuyện chàng nhạc sĩ vĩ cầm vừa đàn vừa phải làm xiếc giống một thằng hề, để kiếm cơm trong "Trở lại gánh xiếc". Hai cái kim găm, cây vĩ cầm, chiếc gối nhung đỏ thành một phần đời của chàng. Thói quen găm kim giữ hai ống quần hầu có thể vừa đàn vừa lộn ngược đầu trồng chuối, vừa chuyền banh, đã tố giác cái nghề khốn khổ của anh. Đàn vĩ cầm như một trò xiếc hơn một nhạc sĩ chơi đàn thực thụ. Vì di tản khỏi Việt Nam từ năm 1975, tôi không có dịp sống và biết những biến động đã xảy ra tại Việt Nam sau thời gian đó. Nhờ đọc tác phẩm của ông tôi có ít nhiều khái niệm về cuộc sống người dân xảy ra thế nào và những tư duy của tầng lớp trí thức ra sao. Trong cái tranh tối, tranh sáng của thời cuộc, con người không hơn chiếc lá giữa dòng, không biết về đâu. Những niềm tin và giáo điều trở nên thứ hào quang giả tạo. Sự phản bội của cấp lãnh đạo, những con thiêu thân phơi xác cho lý tưởng như những đứa con ngoan. Cuộc đối thoại giữa sự sống và cái chết của Vị Linh Mục, Viên Trung Úy, Cụ cán sự hồi hưu, ông Nhà Giáo trong truyện "Ngựa nản chân bon" thật là thú vị. Những cái chết được nói đến như một chọn lựa cho sự cùng đường. Nét anh dũng để thể hiện một khí tiết. Hay buốt nhói hơn là lối thoát cho một bế tắc tư tưởng. Những cái chết như dấu chấm than, cái tan vào hư vô, cái để lại lãng đãng vài sợi khói. Và ngoài kia sự sống vẫn xanh mầm như một cành mai trốn tuyết, sống lại sau một trận mưa xuân. Con người vẫn yêu thương con người, sống vui vẻ và tha thứ, vẫn cho ra đời những lộc non tinh khôi dù đớn đau quằn quại. Bây giờ, qua ba mươi mấy năm, chủ nghĩa, học thuyết vô thần xưa trên quê cũ biến hình. Sức sống của người dân quả là phi thường, vẫn xanh ngời khát vọng, vượt lên bao tiếng thở than, bao oan hồn nằm xuống cho chủ nghĩa sau cuộc đổi đời năm 75. Những con người trong sạch, rừng rú ngày nào, giờ xênh xang áo gấm, tiền bạc rủng rỉnh, nói dối, ăn chận, ăn cướp của dân. Chiếc vòi hút nhựa nguyên của con sâu đo ngày càng vươn dài, ăn ruỗng tầng tầng lá xanh, mầm tươi ngày trước. Thế giới của người nghèo bỗng rộng lớn bao la với từng bầy, từng bầy dân đen nhàu nát hôi hám, lôi thôi lếch thếch, trước cửa các phòng khám. Con người được nhồi nhét như cá mòi xếp lớp trên một giường bệnh theo tư thế đầu đuôi. Những con bệnh chờ chết, không tiền mua thuốc, không tiền viện phí đứng ngồi chen chúc trong hành lang các bệnh viện. Trên đường phố đầy đặc những nhà cao tầng khang trang nhưng người dân khốn khó không nhà, không đất vì nhà đất của mình bị cướp sống. Biển lại động, sông Côn dậy sóng, lòng dân tộc chập chùng những nỗi thê lương, người dân không một tấc sắt chỉ biết cởi truồng nằm vạ để giữ nhà, giữ đất, làm sao ngăn được bạo cường. Người anh hùng Nguyễn Huệ xưa đâu sao không thấy? Áo vải năm xưa vắng mặt hôm nay. Hỡi tác giả "Sông côn mùa lũ", ở nơi chốn an nhiên nào đó, ông có tạo hình, thai nghén được một nhân vật anh hùng nào tương tợ Nguyễn Huệ trong tác phẩm mới của ông không?
|
|