Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả

Học là nợ, biết bao giờ hết nợ?
Trịnh Thanh Thủy
"Học đại học cũng khổ, không học cũng khổ". Vấn nạn này đã là nan đề, đưa bước chân của nhiều người vào con đường chông gai, lắm lúc không biết đi về đâu. Nghĩ đến đại học, thường người ta nghĩ đến một nơi đào tạo những ngành nghề chuyên môn để khi tốt nghiệp có thể tìm được một việc làm thích hợp với tài năng của hình hơn cái mục đích xa vời là học cao để làm giàu kiến thức hay trở nên một bậc thức giả thông nhân văn, đạt địa lý. 

Học sinh tốt nghiệp trung học xong, con đường tương lai trước mặt rối rắm như một bài toán đố. Người Việt ở hải ngoại ai cũng mong con mình học hành thành đạt nên nuôi mộng và cố công nuôi con ăn học thành bác sĩ, nha sĩ, luật sư hơn là quăng con ra đời tự lập vào tuổi 18. Học phí đại học là con số khổng lồ cũng là mối ưu tư của nhiều bậc cha mẹ. Gần đây học sinh Việt Nam có thành tích học giỏi đã khích lệ người Việt hải ngoại, khiến tỷ lệ sinh viên Việt Nam ghi danh vào đại học sau 18 tuổi hàng năm rất cao. Nhưng các em sinh viên này sẽ học chuyên ngành gì, học bao lâu, để trở thành những ai, là câu hỏi lớn cho các em. Tôi có hỏi nhiều em, chính các em cũng không biết mình sẽ học gì, học theo ý cha mẹ chọn, học theo ý thích của mình, hay học theo ngành chuyên môn đang "hot" trên thị trường việc làm nữa?

Hơn thế nữa, trong thời buổi kinh tế khó khăn này, tìm được việc làm thật khó, người đã tốt nghiệp đại học, đi làm có kinh nghiệm lâu năm còn thất nghiệp, huống hồ một sinh viên mới ra trường. Vì nhiều lý do, kể cả những người vì chọn sai nghề chuyên môn, bị sa thải vì thiếu khả năng, hay thất nghiệp vì hãng đóng cửa thay vì ở nhà buồn chán, nhiều người đã nghĩ đến việc cắp sách đến trường đại học. 

Muốn học đại học ở đâu cũng vậy cần phải có tiền, mà học phí đại học toàn cầu đã tăng nhanh một cách khủng khiếp. 
Ở Mỹ, học phí các đại học công chuyên ngành hai năm, Junior College, học phí tuy tăng, tương đối còn có thể trả được. Theo một nghiên cứu của National Center For Public Policy and Higher Education, từ năm 1999 tới 2009, học phí các đại học 2 năm, tăng 71%, trong khi lợi tức trung bình một gia đình giảm 4.9% vì mức lạm phát. 

Từ tháng 7 năm 2011, tại các đại học công lập 2 năm ở California, cư dân điạ phương phải trả $36.00 một Unit, mùa hè năm 2012 sẽ tăng $46.00 một unit. Niên khoá 2011-2012, chi phí phỏng tính(tiền học, sách, phòng) trong một năm, cho một sinh viên khoảng từ $11,000 nếu ở với cha mẹ, $13,500 nếu ở trong trường, và $ 17,500 nếu ở trọ. Đó là chưa kể ăn uống, quần áo, tiêu xài .

Tuy nhiên, ngày nay, đi xin việc tối thiểu phải có mảnh bằng đại học 4 năm, may ra mới được xét đơn, nên ai cũng phải cố gắng học thêm để có ít nhất mảnh bằng cử nhân mới chắc dạ mà nộp đơn.  

Học phí các đại học với chương trình hơn 4 năm, mắc hơn nhiều. 

Theo bảng phỏng tính niên khoá 2011-2012, chi phí (tiền học, sách, phòng) trong một năm, cho một cư dân địa phương khoảng từ :

Nếu sinh viên học ở các hệ thống Calstatẹ của California, $16,500 nếu ở với cha mẹ, $22,600 nếu ở trong trường, và $ 23,600 nếu ở trọ.

Nếu sinh viên học ở các hệ thống UC của California, $23,400 nếu ở với cha mẹ, $31,200 nếu ở trong trường, và $ 28,400 nếu ở trọ.

Đó là chưa kể ăn uống, quần áo, tiêu xài .

Còn các đại học tư thì sao? Con số sẽ là $40,300 nếu ở với cha mẹ, $45,200 nếu ở trong trường, và $ 45,900 nếu ở trọ.

Để giúp các sinh viên và phụ huynh trong việc chọn trường đại học thích hợp với khả năng tài chánh của mình, Văn Phòng Bảo vệ Tài Chánh Người Tiêu Thụ (CFPB) đã giới thiệu một trang mạng rất hữu ích có tên là "Financial Aid Comparison Shopper"  (http://www.consumerfinance.gov/payingforcollege/).  

Vào trang web trên, các sinh viên có thể chọn trường nào trong 7.500 trường đại học khắp nước Mỹ trước khi quyết định xin đi học, mượn tiền trả học phí và phải trả nợ trong bao lâu sau khi tốt nghiệp, qua chương trình "Know Before You Owe" (Những điều cần biết trước khi vay nợ)  

Phong trào biểu tình chống tăng học phí diễn ra trên khắp thế giới, từ Mỹ, Anh Úc tới Canada. 

Tháng 11, 2011 hàng ngàn sinh viên Anh tại London đã tụ tập phản đối việc tăng học phí. Riêng Ở Mỹ tại Sacramento, Cali, tháng 3, 2012, 8 ngàn sinh viên, giáo sư và ủng hộ viên đã biểu tình chống lại việc cắt giảm ngân sách giáo dục và tăng phí đại học.

Ngay đến Quebec, Canada là nơi học phí thấp nhất Bắc Mỹ vì phần lớn tiền học đều do chính phủ tài trợ cũng vậy. Các sinh viên kiên trì tranh đấu trong hơn 100 ngày qua từ 22 tháng 3, 2012, để phản đối chính phủ dự tính tăng khoảng $1500 trong 5 năm tức $300 một năm. Hiện nay mỗi sinh viên đóng khoảng $2175 một năm.

Thật ra chính tại Mỹ, mới chính là nơi mà chi phí đại học đã tăng quá cao và liên tục trong các năm qua. Với quyền tự trị và để cân bằng ngân sách, các Đại Học đã làm điều này. 

Trong ngày ra trường của một gia đình, một phụ huynh tâm sự với đài truyền hình ABC. Chúng tôi có 5 cháu đang học đại học 4 năm. Mỗi đứa tốn khoảng 60 ngàn tới 70 ngàn một năm cho chi phí ăn học. Tổng cộng 4 năm cho 5 đứa thì tiền đại học sẽ lên tới $1 triệu rưỡi cho chúng được thành tài. Đó là chưa kể một, hai đứa muốn theo đuổi các chương trình cao hơn cho bác sĩ hay dược sĩ. 

Nhìn thấy viễn ảnh con cái học hành ra trường thật là sáng sủa, tươi đẹp nhưng nghĩ đến con số học phí, ai cũng rùng mình. Không có tiền thì đi vay, ở Mỹ không vay thì không phải người Mỹ. Nhưng ngoài tiền nợ học đường phải vay, người ta còn phải vay đủ thứ nợ như nợ nhà, nợ xe, nợ thẻ tín dụng và bao thứ nợ linh tinh khác. Các bậc cha mẹ lo không nổi thì các sinh viên phải tự vay lấy hay các phụ huynh phải đứng tên ký cho các con vay. Đằng nào cũng mang nợ cả. Cứ tưởng tượng đến ngày ra trường các cậu cử, cô chiêu phải đối diện với một núi nợ mà không biết có tìm ra việc làm không, mặt ai không dài ra nặng nỗi ưu tư. 

Chúng ta thử nghe Mark Cuban phân tích về  "quả bóng nợ học đường" xem nó phồng to cỡ nào, chừng nào nó nổ và nó nổ ra sao các bạn nhé.

"Chúng ta chưa quên quả bóng địa ốc ở Mỹ đã nở quá to và nổ mới đây thôi. Người mua nhà đã được mượn tiền rất dễ dàng để mua nhà và cuối cùng thì không trả nổi. Nếu nhiều người mua, giá nhà hy vọng sẽ tăng, người đầu tư sẽ kiếm được lời khi bán hoặc tái tài trợ(refinance). Chủ nợ cứ cho mượn, bất cần con nợ có trả nổi không, miễn là giá nhà lên, ai cũng vui vẻ. Và giá nhà lên thật, địa ốc mua, bán được  nhà, chủ nợ lẫn địa ốc làm ăn suông sẻ đầy hào khí. Đùng một cái, tiền cho mượn dừng lại, vì con nợ không trả nổi tiền. Chủ nợ không cho mượn nữa, người mua không mua được nhà, vì không đi vay được. Không ai tái tài trợ nữa, nhà bán không được, giá nhà đi xuống, trái bóng địa ốc nổ tung và xì hơi. Chúng ta ai cũng biết kết cuộc ra sao.
Bây giờ chúng ta khảo sát xem việc muợn tiền đi học đại học có khác với câu chuyện trên không?
Sinh viên đi mượn nợ để học cao lên, cũng dễ dàng như mượn nợ nhà vậy. Bạn có biết nợ đại học lưu cữu không trả nổi của sinh viên còn nhiều hơn nợ xe và nợ thẻ tín dụng. Trung bình mỗi sinh viên nợ khoảng 23 ngàn đồng. Con số nợ của quốc gia ấy đã tăng đến hơn 1 trillion tức một ngàn tỷ đô. Số tiền này là nợ của 37 triệu sinh viên Mỹ học đại học, nhiều hơn tiền nợ của 175 triệu người nợ thẻ tín dụng và chắc chắn lớn hơn món nợ của những người mượn mua xe.
Điều chúng ta thấy rõ ở đây là việc mượn tiền đi học quá dễ, nên ai trước số học phí quá cao đều đi mượn nợ. Vì mượn nợ có thể trả được tiền học nên các đại học cứ việc tăng học phí mỗi năm. Chúng ta nhìn được sự tương tợ của quả bóng điạ ốc đã ló dạng. Mượn tiền dễ, giá học phí tăng hệt như giá nhà vậy."

Tổng thống Obama đã đưa ra một chương trình tặng thưởng cho các đại học không tăng phí nhưng chương trình đó thất bại. Bây giờ sinh viên hay những người đi học để đổi nghề, tốt nghiệp mà không tìm ra việc làm. Họ cố mượn nợ để tìm những trường đại học tốt nhất hợp với túi tiền của mình, với hy vọng ra trường hưởng được số lương xứng đáng với việc làm thơm ngon, béo bở. Không ai nghĩ đến việc tốt nghiệp đại học mà đi làm lương tối thiểu. 

Vấn đề trở nên tệ hại hơn, các sinh viên đứng trước một tỉ lệ thất nghiệp 9,1% khi họ tốt nghiệp vào năm 2011 và là mức cao nhất từng được ghi nhận. Nhưng tỉ lệ đó vẫn chưa bằng nửa tỉ lệ thất nghiệp 20,4% đối với những người không có một văn bằng đại học.

Tuy nhiên vấn đề lớn nhất là những việc làm thơm tho không có trên thị trường việc làm. Tất cả các việc lý ra dành cho họ đó đều được đưa các nước khác nơi mà giá nhân công còn rẻ mạt, để các chủ nhân ông còn tìm được khối tiền lời trên sản phẩm mà họ tạo ra"

Trong khi các trường đại học cứ xây thêm phòng ốc, thêm các lớp, các môn học về xã hội, nhân văn, thương mại, nghệ thuật, văn chương. Các sinh viên ưa thích học các ngành này rốt cuộc chỉ dùng 4 năm học với chi phí rất cao để thoả mãn lòng yêu thích và làm giàu kiến thức mình mà thôi. Rất khó tìm được việc trong những ngành liên quan tới văn chương, âm nhạc và nghệ thuật. 

Tôi có người bạn tốt nghiệp đại học 4 năm với món nợ khoảng trên hai trăm ngàn. Anh ta không tìm được việc làm và mỗi lần nghe tiếng điện thoại reo lại giật mình vì chủ nợ đòi. Anh ta mang đủ thứ nợ, nợ xe, nợ đại học, nợ thẻ tín dụng, cả ngày các cơ quan đòi nợ thuê gọi tìm anh liên tục. 

Thôi thì phó mặc cho số trời, vì ông bà ta có câu rằng "Lo gì, trời sinh voi, sinh cỏ" Nhưng thời buổi kinh tế èo uột này, cỏ không mọc nổi mà voi thì ăn toàn mía không mới chết.

Trịnh Thanh Thủy
Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo
-Californiacolleges.edu
http://www.californiacolleges.edu/finance/how-much-does-college-cost.asp
-Mark Cuban - The Coming Meltdown in College Education & Why The Economy Won’t Get Better Any Time Soon

http://www.zerohedge.com/news/2012-21-23/mark-cuban-coming-meltdown-college-education-why-economy-won%E2%80%99t-get-better-any-time-s