Chim Việt Cành Nam         [  Trở Về  ]          [ Trang chủ
Tản mạn về Nhân Sinh Quan

Trầm Thiên Thu

N hân sinh quan là gì? Nhân sinh quan (conception de la vie, conception of life) là quan niệm của con người đối với cuộc sống. Như vậy nghĩa là mỗi con người đều có một nhân sinh quan riêng. Dĩ nhiên cần có một nhân sinh quan đúng đắn!

Manurti nói: "Quá phê phán người khác là phủ nhận quyền tự do sống của họ". Vì vậy, chỉ nên phê phán bằng tinh thần xây dựng chứ đừng ngụ ý xoi mói, xúc xiểm nhau. Tuy nhiên cũng cần khẳng định rằng không thể có sự tiến bộ nếu không có sự phê bình - nhưng phải xuất phát từ lòng yêu thương. La Rochefoucauld đã mạnh dạn kết luận: "Tất cả các dòng sông bác ái đều chảy vào biển cả ích kỷ". Đó là một sự thật minh nhiên mà người ta khó có thể dám chấp nhận, dám đối diện. Người ta dễ bị coi thường khi phải nhờ vả người khác, thậm chí có thể xảy ra giữa quan hệ thân thuộc hoặc phu thê. Sự thật luôn phũ phàng, nhưng vẫn là sự thật. Tuy nhiên, luôn cần giữ niềm tin và niềm vui.

Ai cũng muốn được khen, nghĩa là không ai muốn bị chê. Nhưng cứ nhận lời khen mãi, người ta sẽ dễ kiêu ngạo và ảo tưởng. Thật vậy, người khen ta chưa đáng quý trọng, thậm chí có thể là kẻ thù địch mà nịnh bợ để lấy lòng. Nhưng người dám phê bình ta khi nhận ra sai trái, đó mới là bạn tốt, là người đáng quý trọng, là thầy ta, nhất là những người vì lợi ích của ta mà dám phản đối ta cả trăm lần. Kinh Thư đã dạy: "Với một câu nói trái ý, nên xét xem có hợp lý không; với một câu nói chiều lòng, nên xem xét có vô lý không". Đức Phật xác định: "Hãy coi người chỉ lỗi cho ta như người chỉ cho ta kho tàng". Đức Giêsu khuyên: "Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng thấy cái rác trong mắt người khác mà lại không thấy cái xà trong mắt mình". Chưa đáng trách khi sai lỗi nhưng đáng trách khi biết sai mà không chịu sửa. Đó là cố chấp. Ai không chịu rút lại ý kiến sai là người không chuộng chân lý, không phục thiện.

Người tự trọng thì luôn tôn trọng người khác, luôn trọng chữ tín, luôn tỏ ra cao thượng và có động thái của một quân tử. Điều đó tạo nên tính cách của một người có nhân cách. Lời hứa thường là lời nói có cánh. Nói dễ nhưng làm khó. Ai càng dễ hứa thì càng dễ lỡ hứa. Tại sao người ta hứa? Vì sợ người khác không tin. Cũng vậy, tại sao người ta ghét bạn? Vì người ta muốn được như bạn mà không được. Có vẻ nghịch lý nhưng lại hoàn toàn thuận lý. Lới hứa có hệ lụy với chữ TÍN. Từ chữ tín mà có sự chung thủy trong tình yêu đôi lứa. Hẳn là không vô lý khi người Anh dùng từ ngữ "sweet nothings" để diễn tả những lời thề non hẹn biển, tán tỉnh, o bế hoặc nịnh hót của những người đang yêu nhau.

Trong cuộc sống đời thường có nhiều người chưa biết sử dụng các từ ngữ "cảm ơn" và "xin lỗi". Rất đơn giản mà hiệu quả. Dù là ai, ở cương vị nào, với mối quan hệ nào cũng vẫn cần sử dụng các từ đó. Thật là nông cạn và sai lầm khi cho rằng không cần "khách sao" với nhau! Biết sử dụng các mỹ từ đó cũng là một động thái đậm nét liên quan chữ tín. Dù có là "ông kia, bà nọ" thì trước tiên người ta phải là "con người" đúng nghĩa.

Rivarel nói: "Sự khiêm nhường luôn có hệ lụy với với lòng khoan dung, còn lòng kiêu ngạo luôn có dính líu tới lòng ghen tỵ". Người khiêm nhường không thể cộc cằn, thô lỗ, xốc nổi, độc đoán hoặc cố chấp, viø "khiêm nhường không thờ ơ với lời khen mà cũng chăm chú nghe lời chỉ trích" (Jean-Paul Sartre). Nhờ đó mà người ta khả dĩ khôn ngoan hơn. Rất chí lý khi Tạo hóa cho mỗi người có 2 chân, 2 tay, 2 tai, 2 mắt, 2 bán cầu não, nhưng chỉ có 1 miệng. Nghĩa là chúng ta phải đi nhiều, hành động nhiều, nghe nhiều, quan sát nhiều, suy nghĩ nhiều, nhưng... NÓI ÍT.

Yêu thương có hệ lụy với chữ tín. Người trọng chữ tín là người không nói suông. Ít nói, nhưng đã nói là làm. Họ trì hoãn hứa để luôn trung thành với giữ lời hứa, như Napoléon I khuyên: "Cách giữ lời hứa tốt nhất là đừng hứa gì cả". Dục tốc bất đạt. Đừng vội vàng mà hãy chín chắn, như tục ngữ Việt Nam có câu: "Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói". Càng phải cẩn thận hơn khi đó là lời hứa, chẳng hạn khi chọn bạn thì hãy từ từ, và khi muốn thay bạn thì càng nên từ từ hơn.

Độc đoán, cố chấp, ích kỷ, kiêu ngạo và tự ái có hệ lụy gần gũi với nhau. "Thuận ngôn nghịch nhĩ" nhưng "cái tôi" trong con người quá lớn nên lấn lướt và xúi giục lý trí hành động sai lệch. Vì thế, Pascal đã xác định: "Cái tôi là đáng ghét". Đàn áp, lấn át người khác thì dễ, nhưng chiến thắng chính mình thì vô cùng khó khăn. Ai ccó thể chiến thắng chính mình thì mới thực sự là người vĩ đại.

Carandier phân tích: "Người muốn làm thì tìm ra phương tiện, người không muốn làm thì tìm ra lý do". Cứ ngỡ đơn giản nhưng lại chứa đựng cả một triết lý thâm thúy. "Nói trước bước không qua" là vậy. Người ta dễ thất hứa, một phần là do khinh suất. Người ta thường có "xu hướng" lấy cái phụ làm cái chính - và ngược lại. Có những điều cần đơn giản hóa, nhưng có những điều không nên đơn giản hóa.

Nhân vô tập toàn. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Không ai dám chê trách người khác khi chính mình vẫn còn nhiều lỗi lầm. Như ca dao Việt Nam:

Chân mình còn lấm bê bê
Mà còn cầm đuốc đi rê chân người

Và tôi cũng không dám "bạo phổi" mà lạm bàn, chỉ muốn tìm một triết-lý-sống để không ngừng cố gắng tự hoàn thiện, càng nhiều càng tốt.

Bạn đừng vội chạm tự ái nếu chút thiển ý của tôi gây "dị ứng" đối với bạn. Hy vọng bạn cũng cởi mở và không hề tự ái. Chắc chắn "không ai cao đến mức không bao giờ phải vươn, và cũng không ai thấp đến mức không bao giờ phải cúi xuống" (M. D. Baughman).

Để kết, xin mượn lời Dục Tử để chia sẻ: "Biết hay mà không tin thì là dại, biết dở mà không sửa thì là mê". Quả thật, con người rất yếu đuối và luôn đầy tham-sân-si. Hy vọng mỗi chúng ta khả dĩ giữ lòng thanh thản với tinh thần của sách Luận Ngữ: "Triêu văn đạo, tịch tử khả hỷ" (sáng nghe được đạo, chiều chết cũng vui). Theo tôi, đó là điều cần thiết và là niềm hạnh phúc với một nhân sinh quan đúng đắn. Người bạn tốt là người có mặt đúng lúc khi cần thiết. Sống tốt và sống chân thành còn là trách nhiệm của mọi người. Ngoài ra, người ta còn phải có một ý chí thép để đủ nghị lực vượt qua mọi nghịch cảnh.

Mong sao đừng có những người mang họ "hứa", theo chủ nghĩa "duy hứa", cứ hứa nhiều mà chẳng giữ được bao nhiêu - như người ta thường nói: "Trăm voi không được bát nước xáo". Càng lớn càng phải trọng chữ tín, vì "nhất sự bất tín, vạn sự chẳng tin". Khó thật! Khó không có nghĩa là không làm được, nhưng phải cố thi hành, nếu còn giữ lòng tự trọng và muốn được tôn trọng.

TRẦM THIÊN THU