Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

HOÀNG HẠC LÂU TỐNG MẠNH HẠO NHIÊN CHI QUẢNG LĂNG

Thu Tứ

Nguyên văn
Dịch nghĩa
Dịch ra thơ Ðường luật
- Khương Hữu Dụng
Dịch ra thơ lục bát
- Trần Trọng Kim
- Ngô Tất Tố
- Thu Tứ
*
Lý Bạch lên lầu Hạc trước sau bao lần nhỉ? Có lần lên toan thơ vịnh cảnh, thấy thơ Thôi Hiệu trên vách, bèn thôi. Có lần lên để tiễn Mạnh Hạo Nhiên lên đường...

Bạn Mạnh xuống thuyền. Bạn Lý đứng trông theo. Chân trời, nơi thường thấy đất, Lý lại thấy nước, nước đang cuồn cuộn chảy vào trời!

Nguyên văn

Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu
Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.

Dịch nghĩa

Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng (1)

Bạn cũ rời lầu Hoàng Hạc để đi về phía đông (2)
Xuôi xuống Dương Châu vào tháng ba giữa mùa hoa khói (?)
Bóng cánh buồm lẻ loi xa tít lẫn vào không gian xanh biếc
Chỉ thấy sông Dương Tử chảy sát bên trời.

Dịch ra thơ Ðường luật

Khương Hữu Dụng:

Hoàng Hạc lầu xưa bạn cũ rời 
Dương Châu hoa khói tháng ba xuôi 
Buồm đơn bóng hút vào xanh biếc 
Chỉ thấy Trường Giang chảy cuối trời

Dịch ra thơ lục bát

Trần Trọng Kim:

Phía tây bạn biệt Hạc lâu,
Tháng ba trẩy xuống Dương Châu thuận dòng
Cánh buồm bóng hút màu không,
Trông xa trắng xóa nước sông bên trời.

Ngô Tất Tố:

Bạn từ lầu Hạc lên đường,
Giữa mùa hoa khói, châu Dương xuôi dòng.
Bóng buồm đã khuất bầu không,
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời. 

Thu Tứ:

Từ lầu bác bước xuống sông
Nước xuôi buồm thuận thẳng dòng nhanh sao
Xa trông chẳng thấy thuyền nào
Thấy sông cuồn cuộn trôi vào trời xanh.

____________
(1) Quảng Lăng thuộc Dương Châu.
(2) Chúng tôi dịch thế này vì Quảng Lăng nằm ở phía đông của lầu Hoàng Hạc. Ngay cả nếu ta không biết vị trí tương đối của điểm khởi hành và điểm đến, thì cái chi tiết thuyền “xuôi xuống” cũng đủ cho ta kết luận rằng Mạnh Hạo Nhiên đã đi từ tây sang đông, vì sông Dương Tử chảy từ tây sang đông.