Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
Chủ ]
[ Tác giả
]
|
Murakami
Haruki
|
Thưa cô,
Hôm nay, hơi lạnh đã càng ngày càng dịu bớt, trong ánh dương đã cảm được chút hương mùa xuân. Xin hỏi thăm sinh hoạt thường ngày của cô hiện nay như thế nào? Cảm ơn cô đã gửi cho bức thư mang đến nhiều niềm vui. Nhất là đoạn cô viết về quan hệ giữa món chả thịt bằm [1] và hạt nhục-đậu-khấu thật là một áng văn trác tuyệt mà lại tràn đầy cảm giác sinh động của đời sống. Những dòng văn bật lên mùi nồng ấm của bếp lửa cùng với tiếng dao thớt sống động nao nức chờ đợi một món ăn ngon. Đọc bức thư của cô một hồi, tôi đâm ra thèm món chả thịt bằm đến không chịu nổi, nên đã tức tốc tìm đến một quán ăn đêm để gọi cho kỳ được món ấy. Thực sự, quán ăn này lại có đến tám kiểu chả thịt bằm khác nhau. Kiểu Texas, kiểu California, kiểu Hawaii, kiểu Nhật Bản, ..., tất cả tám kiểu như thế. Kiểu Texas thì thật to lớn, tuy chỉ đặc biệt về kích thước, thế thôi. Kiểu Hawaii thì có thêm nhiều miếng thơm. Kiểu California thì ... tôi quên mất là có gì đặc biệt. Kiểu Nhật Bản thì có thêm củ cải trắng nghiền nhỏ. Quán ăn kiến trúc lịch sự, các cô hầu bàn xinh đẹp, mà lại mặc váy cực ngắn. Nhưng chẳng phải tôi đặc biệt muốn đến quán này để điều nghiên về trang trí bên trong quán, hay để ngắm quần lót của các cô hầu bàn. Mục đích của tôi chỉ là để ăn chả thịt bằm, mà chỉ muốn món chả thịt bằm đơn thuần thôi, chẳng phải kiểu này kiểu nọ. Nên đã bảo cô hầu bàn cho tôi món ấy. Nhưng cô hầu bàn đáp rằng: "xin ông tha lỗi, quán em chỉ có món chả thịt bằm kiểu này kiểu nọ mà thôi". Tất nhiên, chẳng thể nào trách gì cô hầu bàn được. Cô ấy đâu có quyết định thực đơn, mà có phải cô ấy thích thú gì chuyện mặc đồng phục ngắn đến nỗi mỗi lúc cô cúi xuống để đặt chén đĩa lên bàn lại cho thấy cả quần lót đâu. Thế nên, tôi đã mỉm cười hoan hỉ mà gọi tạm món chả thịt bằm kiểu Hawaii vậy. Cô hầu bàn đã mách nhỏ rằng khi ăn, cứ gạt bỏ mấy miếng thơm đi là được. Cuộc đời đúng là ly kỳ thật. Tôi thực sự chỉ muốn món chả thịt bằm thông thường, ở đâu cũng có, vậy mà có lúc lại chỉ được đưa đến thứ chả thịt bằm kiểu Hawaii phải tự mình gạt bỏ mấy miếng thơm đi! À, mà món chả thịt bằm cô làm hẳn là chả thịt bằm thông thường, ở đâu cũng có đấy chứ nhỉ? Đọc bức thư của cô, tôi đâm ra muốn thế nào cũng mong được thưởng thức món chả thịt bằm thông thường cô làm. So với đoạn văn ấy, có vẻ đoạn cô viết về máy tự động bán vé của xe lửa quốc doanh có hơi cường điệu một tí. Tiêu điểm cô nhắm đến thì rất hay, nhưng khung cảnh chưa được lời văn truyền đến tận người đọc. Mong cô sẽ không quá cố gắng diễn tả cho thật sắc sảo. Kết cuộc, văn chương chỉ là thứ đắp đổi cho thích hợp mà thôi. Bức thư của cô kỳ này đạt điểm tổng quát là 70 điểm. Kỹ năng văn chương của cô đang tiến bộ dần lên. Xin vững lòng cố gắng mà không nôn nóng. Mong đợi thư sau của cô. Mùa xuân thật sự đến thì thích quá nhỉ. Ngày 12 tháng 3. Tái bút: Cảm ơn cô đã gửi cho hộp bánh quy. Ngon quá. Tuy nhiên, trên nguyên tắc của hội, nhất thiết cấm giao lưu cá nhân ngoài thư từ, do đó mong cô từ nay không phải bận tâm chuyện quà cáp thế nữa. Dù sao, cũng xin cảm ơn cô rất nhiều. Tái tái bút: Thư lần trước, cô viết về "chuyện khó khăn tinh thần" với ông nhà, nếu giải quyết được êm đẹp thì tốt quá. * Việc làm thêm như thế, tôi đã làm suốt khoảng một năm. Lúc tôi 22 tuổi. Tôi đã ký khế ước với một hãng nhỏ làm việc gì chẳng ai hiểu rõ ở Iidabashi có tên là "Hội Văn-Bút - Pen Society", mỗi tháng cứ viết tràn đi cho đủ số trên 30 lá thư, tương tự như lá thư trên đây; mỗi lá thư tính 2 ngàn Yen [2] , thư nào nội dung cũng giông giống nhau. Khẩu hiệu quảng cáo của hãng này là "Chính bạn cũng sẽ viết được những bức thư làm cảm động lòng người". Người muốn viết thư giỏi như thế phải vào hội, đóng phí gia nhập và hội phí hàng tháng, mỗi tháng viết bốn lá thư gửi đến hội. Người làm việc cho hãng, trong đó có tôi, gọi là "Bút-sư - Pen Master", đọc, hiệu đính các lá thư này rồi viết cảm tưởng và hướng dẫn, như trong bức thư trên đây. Hội viên phái nữ thì do bút sư phái nam đảm đương, và hội viên phái nam thì có bút sư phái nữ. Tôi đảm đương tổng cộng 24 người, tuổi từ 14 đến 53, mà nhiều nhất là các cô từ 25 đến 35 tuổi. Nghĩa là phần lớn hội viên tôi đảm đương đều lớn tuổi hơn tôi. Vì vậy mà trong khoảng một tháng đầu, tôi bị bấn loạn vô cùng, vì thấy văn chương của hội viên hay ho hơn mình nhiều; có vẻ họ quen viết thư hơn tôi rất nhiều. Chứ tôi trước đó, thư từ cho ra hồn thì hầu như chưa hề viết một bức nào cả. Quả thật tôi đã toát mồ hôi lạnh mà gắng gượng qua được tháng đầu tiên ấy. Tuy nhiên, hết tháng đầu, không thấy có hội viên nào hé ra một lời bất mãn về năng lực văn chương của tôi cả. Mà ngược lại, người trong hãng còn cho biết tiếng tăm của tôi đang ở mức khá cao nữa. Và ba tháng sau, tôi còn có thể tự hào là năng lực văn chương của những hội viên do tôi hướng dẫn đã tăng tiến thấy rõ. Cứ như là một phép lạ! Có vẻ những người phụ nữ này quả thật đã tin tưởng vào "bút sư" là tôi, từ đáy lòng của họ. Khoảng ấy thì tôi đã không hiểu lý do tại sao, nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi cho là vì họ buồn quá đó thôi. Chỉ vì họ muốn viết điều gì đấy để giãi bày với người nào đấy. Và hẳn là họ tìm đến lòng khoan dung hỗ tương với người đọc những điều họ viết. Cứ thế, suốt từ mùa đông năm tôi 21 tuổi đến mùa xuân năm 23 tuổi, tôi đã sống như một con hải cẩu què chân trong hậu cung văn chương của nó. Hội viên đã gửi đến tôi thật đủ thứ thư từ. Thư nhàm chán cũng có, thư ngộ nghĩnh tức cười cũng có, mà thư buồn thảm cũng có. Trong khoảng thời gian một năm ấy, tôi có cảm tưởng mang máng rằng mình đã già đi luôn một lèo hai, ba năm. Lúc tôi có chút sự tình phải nghỉ việc ấy, tất cả các hội viên do tôi hướng dẫn đều nuối tiếc. Cả tôi nữa, mặc dù thật tình đã thấy chán chuyện phải viết thư ngày này qua ngày khác, ở một ý nghĩa nào đấy, cũng tiếc nuối. Bởi tôi cảm nhận được rằng có được chừng ấy người giãi bày chân thành đến mức như thế với mình, có lẽ là cơ hội sẽ không còn có lại nữa. * Riêng về chuyện chả thịt bằm thì, tôi đã có cơ hội được ăn món chả thịt bằm do cô ấy (người đàn bà viết trong bức thư trên đây) làm cho. Nàng 32 tuổi, chưa có con, chồng làm việc cho một trong năm hãng mậu dịch lớn nhất nước. Khi tôi viết trong lá thư cuối cùng rằng rất tiếc sẽ nghỉ việc vào cuối tháng ấy, nàng đã mời tôi đến ăn trưa. Nàng viết: sẽ làm món chả thịt bằm thông thường, ở đâu cũng có. Mặc dù trái với quy tắc của hãng, tôi quyết tâm đến ăn trưa với nàng xem sao. Chẳng có thứ gì trên đời này có thể ngăn cản được lòng hiếu kỳ của một thanh niên 22 tuổi. Căn chung cư của nàng nằm ven đường tàu điện Odakyu. Căn phòng có cái vẻ trống trải của một cặp vợ chồng không có con. Bàn ghế, đèn phòng, và cả áo len của nàng không là thứ đắt tiền, nhưng trang nhã. Trong lúc tôi ngạc nhiên vì nàng trông tươi trẻ hơn tôi tưởng tượng rất nhiều, thì nàng cũng ngạc nhiên vì thấy tôi trẻ hơn nàng tưởng tượng rất nhiều. Hội Văn-Bút không bao giờ tiết lộ tuổi tác của bút sư cả. Tuy nhiên, mỗi bên chỉ ngạc nhiên một lần, thế thôi. Khẩn trương của buổi gặp mặt ban đầu đã nhanh chóng giải tiêu. Trong tâm tình hai hành khách lỡ trễ cùng một chuyến tàu, chúng tôi cùng ăn món chả thịt bằm nàng làm, và uống cà-phê với nhau. Từ cửa sổ tầng 3 này có thể nhìn thấy tàu điện chạy qua. Hôm ấy là một ngày đẹp trời, bao lơn của các căn chung cư chung quanh phơi đầy nệm màn, chăn trải giường. Đôi lúc nghe có tiếng đập nệm phơi phành phạch. Thứ tiếng động kỳ dị không cho được cảm giác xa hay gần, như vọng lên từ một đáy giếng đã khô cạn. Món chả thịt bằm thật ngon lành. Gia vị vừa đúng độ. Bên trong lớp da nám dòn một tí, nước mật tươm tràn trên thịt bằm nung núc. Nước xốt cũng đạt mức lý tưởng. Tôi khen như thế, làm nàng lộ vẻ vui sướng. Uống cà-phê xong, chúng tôi vừa nghe đĩa nhạc Burt Bacharach vừa tâm sự. Thật ra, thân tôi thì chẳng có gì đáng gọi là tâm sự cả, nên phần lớn là nàng kể chuyện đời nàng đó thôi. Nàng kể thời đi học đã muốn trở thành nhà văn. Là người ngưỡng mộ Françoise Sagan, nàng kể về Sagan cho tôi nghe. Đặc biệt nàng thích cuốn tiểu thuyết "Có yêu Brahms không?". Tôi cũng không ghét gì Sagan. Ít nhất thì cũng không nghĩ là nhàm chán như người ta nói. -"Nhưng mà tôi thì chẳng viết lách gì được cả". Nàng nói. -"Bắt đầu viết từ bây giờ cũng chưa muộn mà". Tôi nói. -"Chứ anh là người đã cho biết là tôi chẳng viết lách gì được cả đấy thôi". Nàng cười, nói. Tôi đỏ mặt. Thời 22 tuổi, có chút gì là tôi đỏ mặt lên ngay. -"Nhưng mà, văn chương của chị có sự chân thành lắm chứ". Nàng không nói gì, nhưng khoé môi thoảng chút gì như là nụ cười. Một nét cười mỉm thật mơ hồ, đâu chỉ một phần nhỏ của một cen-ti-mét. -"Ít nhất thì bức thư của chị đã khiến tôi đọc đến là muốn ăn món chả thịt bằm ngay thôi". -"Hẳn là vì đúng vào lúc anh đói bụng đấy". Nàng dịu dàng đáp. ƯØ thì, có thể là thế không chừng. Tàu điện chạy qua bên dưới cửa sổ, vọng lên những tiếng sầm sập khô khan. * Lúc đồng hồ chỉ 5 giờ chiều, tôi nói lời từ biệt. -"Đến lúc phải xin phép ra về. Có lẽ chị còn phải chuẩn bị cơm tối cho ông nhà sắp về?" Nàng vẫn tựa tay chống cằm. -"Ông ấy về rất trễ. Trễ lắm kia. Hôm nào cũng quá nửa đêm mới về đến nhà". -"Bận việc đến thế kia à?" -"ƯØm". Nàng nói, sau một thoáng ngần ngừ. -"Vả lại, trong thư cũng đã có viết là không được song suốt với nhau đấy". Tôi thật chẳng biết nên nói sao cho phải. -"Nhưng mà, cũng chả sao". Nàng nói, dịu dàng. Tôi nghe mà có cảm giác có vẻ "chả sao" thật. -"Cảm ơn anh về chuyện viết thư trong suốt thời gian vừa qua. Tôi thật là vui thích". -"Tôi cũng vui thích lắm". Tôi nói. -"Và cảm ơn chị đã cho ăn món chả thịt bằm ngon lành nữa". * Ngày nay, đã mười năm trôi qua, mỗi lần đi tàu điện Odakyu chạy ngang qua khu chung cư của nàng, tôi lại nhớ đến món chả thịt bằm nám dòn ngon lành của nàng. Không còn nhớ là khung cửa sổ nào, nhưng tôi có cảm giác là bên trong khung cửa sổ ấy, có lẽ nàng vẫn còn nghe nhạc Burt Bacharach, một mình. Có phải đáng lẽ tôi nên ngủ với nàng tối hôm ấy? Đây là đề tài văn chương của tôi, mà tôi vẫn không hiểu nên làm sao. Có lớn thêm đi nữa, vẫn còn vô số điều mà mình không hiểu nên làm sao cho phải.
|
Chú thích:
[1] Hamburger Steak: xin dịch tạm là "chả thịt bằm". [2] 2 ngàn Yen khoảng 20 Mỹ kim. Truyện ngắn "Có yêu Burt Bacharach không? - Ba-to Bakarakku Ga OSuki?" là truyện thứ 9 trong tập truyện "Ngày đẹp trời để xem Kangaroo" từ Nhà xuất bản Đà Nẵng, tháng 5 năm 2006, dịch từ nguyên tác của Murakami Haruki "Kangaruu Biyori" bản bỏ túi do nhà Kodansha tái bản lần thứ 47 tháng 3 năm 2004. |
|