Chim Việt Cành Nam         [  Trở Về   ]        [ Trang chủ ]    [ Tác giả ]

VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH

QUA TRANH TÔ BÍCH HẢI

Xuân Sương

Người mang hai giòng máu tới một lúc nào đó thường tìm hiểu cội nguồn, người sống xa quê hương tới một lúc nào đó thường quay về cố quận, và người mang hai giòng máu sống xa quê hương tới một lúc nào đó luôn bị lương tâm cật vấn "Mình là ai? Và mình từ đâu tới" , thôi thúc đi tìm gốc rễ, "cái gốc ăn sâu vào đất. Nhưng đất nào đây?"(*),bởi đất ngụ cư và đất chôn nhau cắt rốn đều thân thiết như nhau, đều là một phần da thịt, con tim và óc não của mình.

Đó là tâm trạng chung đã thể hiện lên tâm hồn riêng của Tô Bích Hải, nhà hoạ sĩ sinh ra và lớn lên ở miền núi xứ Tày nhỏ bé hoang sơ bị kẹp giữa hai nước Việt - Hoa, thuở nằm nôi nghe lời ru ầu ơ của mẹ bằng tiếng Việt cũng quen thuộc như nghe tiếng cồng chiêng, nhạc cúng và chuyện hoang đường thần cây thần đá tiếng Tày ngày khôn lớn. Rời quê vào tuổi đôi mươi với tình yêu thiên nhiên và đam mê nghệ thuật, chị đã ngao du từ Âu sang Mỹ, lân la từng bậc cấp nhà thờ đến bậc thang cầu đá già cỗi mấy nghìn năm - nơi mang ít nhiều dấu tích cổ xưa, với hy vọng có thể ghé mắt vào một khe hở tình cờ nào đó hầu bắt gặp "một thế giới khác, thế giới bên kia của những hồn ma và thần linh ngày cũ" (*). Năm qua tháng lại cặm cụi kiếm tìm, chị phác thảo lên mặt giấy nhiều nét chưa rõ nét, hình thù chưa rõ hình thù, bối cảnh chưa là bối cảnh... Rồi ngọn bút cứ đẩy đưa chị miệt mài nét đậm nhạt tô bật chúng lên, cho đến ngày những ngọn cây, muông thú, những khuôn mặt mọi lứa tuổi, những thân thể hai giới tính, những tình huống mọi giai cấp và mọi giai đoạn cuộc đời cứ như từ hậu trường lừng lững bước ra phía trước sân khấu chưa kịp lên đèn, và chị giật mình: đâu đó trong những bóng hình mông lung chìm nổi, vô tình chị đã làm hiển lộ toàn thể chúng sinh trong Văn Tế Thập Loại mà đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã vực dậy bằng lời.

Chị đã tìm thấy cội nguồn, một cội nguồn vinh hiển và đau đớn, nhục nhằn nhưng bất khuất, thơm thảo nhưng đầm đìa những máu. Chị đã tìm thấy cội nguồn không từ nơi mình chào đời mà là nơi sinh sống và ngao du. Chị đã tìm thấy cội nguồn với bước đầu bằng những hồn ma bóng quế xứ người, vật vờ như đám ma Hời vì Kẻ thân thích vắng sau vắng trước, Biết lấy ai bát nước nén nhang? Cô hồn thất thểu dọc ngang, Nặng oan khôn lẽ tìm đường hoá sinh? Và chị nhất định vực họ lên nhờ cụ Tiên Điền tế độ. Và chị để trọn hồn mình lao đao theo họ bằng 17 bức tranh trên giấy lụa mỏng manh như số phận con người, thanh tao như linh hồn đã thoát tục, buồn buồn như Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt, toát hơi may lạnh buốt xương khô...

Cuộc triển lãm diễn ra vào đầu tháng tư trong căn nhà bảo tàng Điềm Phùng Thị. Hai người đàn bà tài hoa của hai thế hệ gặp nhau trong không gian Huế trầm tịnh đang rộn ràng chuẩn bị Festival 2012, đã lôi cuốn được khá đông khách tham quan trong nhiều ngày và họ không tiếc lời ca tụng. Bởi vì nó lạ chưa hề thấy, nó thanh vì không màu sắc chói chang, nó gây xúc động vì có chủ đề u buồn, nó trang trọng vì nói lên kiếp trầm luân nhân thế, nó mang âm hưởng thiêng liêng khiến người xem trao đổi phải thì thầm. Ngay Cũng có kẻ lỡ làng một tiết, liều tuổi xanh bán nguyệt buôn hoa, mà không xiêm y sắc màu lộng lẫy hay trâm cài lược giắt, bởi vì trên tranh Tô Bích Hải họ đã Ngẩn ngơ khi trở về già, ai chồng con nấy biết là cậy ai? Kẻ giàu sang phú quý dù được đội mũ trên đầu nhưng với đôi chân trần, rồi cũng sẽ là nắm xương khô, bởi Của phù vân dẫu có như không. Sống thời tiền chảy bạc dòng, Thác không đem được một đồng nào đi...Rừng người chập chùng thay cho phong cảnh bao la thường thấy trong nhiều tranh, mà cũng không phải người, chỉ là những đôi mắt thất thần, chiếc miệng há mở dở chừng, ngơ ngác, u ẩn hay thảng thốt lo âu, tóc ngược xuôi đảo điên trong gió. Bởi vì ngay cả tướng tá oai phong lẫm liệt bách chiến bách thắng, nhưng Khi thất thế tên rơi đạn lạc, Bãi sa trường thịt nát máu trôi, Bơ vơ góc bể chân trời, Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao? Nên toàn thể không có không gian bát ngát, không kỹ xảo điệu đàng hay hoa cỏ màu mè, tất cả chỉ là những sinh linh trừu tượng màu chì nhu nhã xanh da trời hay cà phê nhạt, hàng hàng lớp lớp hình hài người và vật. Với chú thích song ngữ Việt - Pháp, lời Văn Tế bên cạnh mỗi bức tranh khiến cái hồn Văn Tế bằng nét cọ càng thấm sâu thâm thúy, thoạt nhìn đã nổi da gà, đã thấy và nghe được cõi dị thường:

Trời xâm xẩm mưa gào gió thét
Khí âm ngưng mờ mịt trước sau
Rồi trong cái mông lung âm dương, trong cái thực của bài văn tế đã có gần ba trăm năm và cái hư của những bức tranh còn thơm mùi giấy lụa, giọng đọc diễn cảm của nhà thơ Vũ Phán khiến người xem rờn rợn động lòng nhìn lại mình trong kiếp phù du: không ai tránh khỏi một ngày nào đó cũng phân vân lưu luyến khăn gói đi tới Cầu Nại Hà kẻ trước người sau, Mỗi người một nghiệp khác nhau, Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?

Vì cuộc triển lãm khai mạc vào buổi chiều mà máy bay người bạn chí cốt của chị từ Pháp trễ về tới nơi buổi tối, chị "tái khai mạc" cho bạn. Tình cờ có một vị sư đến xem tranh, cám cảnh sinh tình bèn làm một buổi tụng kinh cầu nguyện. Duyên ở đâu, tự nhiên các đệ tử theo thầy đều có mang áo tràng nên mọi người tham dự lễ cúng tế đều gói mình trong áo Phật. Dưới ánh đèn vàng trườn ra từ giữa các bức tranh bắt chéo, đèn trên cao rọi xuống, trong khói nhang bảng lãng, giọng ngân nga kinh kệ tiếng Phạn bí ẩn... các khuôn mặt trong tranh như được ban phát linh hồn, lấy được hơi thở, ý thức được khung cảnh chung quanh, lung linh lung linh sống động, hối hả:

Lôi thôi ẵm trẻ dắt già
Có khôn thiêng hỡi lại mà nghe kinh
Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ
Phóng hào quang cứu khổ độ u...
Rất nhiều khách trẻ đến xem triển lãm, đặt câu hỏi. Với lứa tuổi này, văn tế vẫn là cái gì xa xôi lạ lẫm, có phần nào dị đoan mê tín. Nhưng một cô gái đã khóc khi chị bạn giải thích bức tranh có nhiều hài nhi với ghi chú Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé, Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha, Lấy ai bồng bế vào ra, U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng..., cũng như nhiều người sau khi chăm chú nhìn tranh đã kín đáo quay mặt đưa tay chặm mắt. Giữa căn phòng, tác phẩm điêu khắc của Điềm Phùng Thị là bức tượng đá đen hình người đàn bà biểu hiện cho Mẹ Đất, nhìn đám con cháu với ánh mắt bao dung mãn nguyện. Hôm sau trong bữa cơm trên đường ra Bắc, nhân viên nhà hàng thích thú ngạc nhiên thấy trên truyền hình hoạ sĩ đang đọc diễn văn khai mạc và...đang nói cười ăn uống trong tiệm của mình !

Không biết đã hoạ sĩ nào làm công việc như vậy chưa. Nếu chưa thì Tô Bích Hải đã sáng tạo một cách mới cho nghệ thuật. Nếu có rồi thì ít nhất chị đã vinh danh văn hoá nước nhà bằng cách làm sống động tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du bằng hội hoạ. Có thể sẽ hơi cường điệu nếu nói đây là cuộc triễn lãm vô tiền khoáng hậu. Thôi thì cứ giản dị tuyên bố là chưa bao giờ thấy và không biết có còn thấy ở một triển lãm khác nữa không. Ngoài việc nó gây "ấn tượng" vì rất ẩn dụ và độc đáo, người xem đừng chờ đợi một cái gì "hoành tráng" xôm trò, hãy để lòng nhẹ nhàng thanh thản đến với tranh, bởi vì khi thai nghén mò mẫm để hình thành các bức tranh này, một Tô Bích Hải với phong thái khiêm cung đã đem cả hồn lẫn xác "thực hiện một cuộc hôn phối giữa đá và giấy lụa bằng cách cọ xát và mơn trớn như một làn da.

Rồi nếu quên được mình, nếu thả hồn theo đá để nên một với đá, đá sẽ từ từ xuất lộ. Hiện lên một mạng tơ.

Mạng tơ dệt bằng những ký hiệu, những vết tích hình thành từ triệu năm, xin để mỗi người tìm cho mình chiếc chìa khoá hay dây tơ hồng dẫn sang bên kia tấm gương, bên kia bờ bến và dệt cho mình sứ điệp thầm kín của riêng mình" (*).

Xuân Sương
Paris, Aout 2012
(*) Trích lời Tự bạch của Tô Bích Hải (1947-).

- Văn tế trích từ Chiêu Hồn Thập Loại Chúng Sinh / Mai Quốc Liên khảo luận.- Tp. HCM: nxb Văn Nghệ, 1991.