Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

HOÀNG HẠC LÂU CỦA THÔI HIỆU

Thu Tứ

Nguyên văn
Dịch nghĩa
Dịch ra thơ Đường luật
- Ngô Tất Tố
- Khương Hữu Dụng
- Vũ Hoàng Chương
- Lam Giang
- Nguyễn Quảng Tuân
- Thanh Tâm Tuyền
- Đặng Tiến
Dịch ra thơ lục bát
- Trần Trọng Kim
- Tản Đà
- Hải Đà
- Thu Tứ
Ai đó cưỡi chim bay mất, để lại lầu gợi hứng thơ. Thôi Hiệu lên lầu, ít lâu sau cũng "bay" mất, để lại thơ. Thơ Thôi Hiệu thì không bay đi đâu cả, mà "đậu" mãi trong Đường thi để liên miên gợi hứng dịch thơ!

Hoàng Hạc Lâu có lẽ là bài thơ Đường được nhiều người Việt dịch nhất. Sau đây là một số bản dịch từ lâu phổ biến, thêm đôi bản nữa mới ra đời trong thế kỷ 21.

Nguyên văn

Hoàng Hạc lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch nghĩa

Lầu Hoàng Hạc

Người xưa cưỡi hạc vàng bay đi rồi
Đất này nay chỉ còn trơ tòa lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng một bay không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn thong thả lửng lơ bay
Sông tạnh nom rõ hàng cây trên đất Hán Dương
Cỏ thơm xanh tốt trên bãi Anh Vũ
Chiều xuống, quê nhà không biết ở phương nào
Khói sóng trên sông khiến lòng buồn bã.

Dịch ra thơ Đường luật

Ngô Tất Tố:

Người xưa cưỡi hạc đã lên mây,
Lầu hạc còn suông với chốn này.
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn,
Ngàn năm mây bạc vẩn vơ bay.
Vàng gieo bên Hán, ngàn cây hửng,
Xanh ngắt châu Anh, lớp cỏ dày.
Trời tối quê nhà đâu tá nhỉ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây!

Khương Hữu Dụng:

Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút,
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi!
Hạc vàng một đã đi đi biệt,
Mây trắng ngàn nãm bay chơi vơi.
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng,
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời.
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người.

Vũ Hoàng Chương:

Xưa hạc vàng bay vút bóng người,
Nay lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi.
Vàng tung cánh hạc đi đi mãi,
Trắng một màu mây vạn vạn đời.
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu,
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi.
Gần xa, chiều xuống, đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!

Lam Giang:

Người tiên cưỡi hạc khuất bao giờ,
Lầu hạc nơi này dấu vẫn trơ.
Hạc cất cánh vàng bay một nước,
Mây dãng màn bạc lượn nghìn thu.
Hán Dương cây rạng sông quanh khúc,
Anh Vũ cồn tươi cỏ ngập bờ.
Đâu chốn quê hương trời sẩm tối,
Khói vờn sóng nước gợi sầu mơ.

Nguyễn Quảng Tuân:

Người xưa cưỡi hạc đã bay xa,
Hoàng Hạc lầu không vẫn chốn này.
Mây trắng ngàn năm lơ lửng mãi,
Hạc vàng một tếch khuất trùng ngay.
Hàn Dương sông tạnh cây phô sắc,
Anh Vũ cồn xa cỏ mọc dày.
Chiều muộn quê nhà đâu khuất bóng?
Trên sông khói sóng gợi buồn thay.

Thanh Tâm Tuyền:

Người xưa rong chim hạc đi khuất,
Đất cũ để trơ lầu vắng không.
Hoàng hạc thuở biệt rồi tuyệt dạng,
Mây nghìn kiếp trắng mải bông lông.
Tạnh quang cây bến lung linh nắng,
Xanh ngát cỏ đồng thiêm thiếp hoang.
Xế muộn làng quê nơi nào nhỉ?
Mặt sông khói quyện buồn lạ lùng.

Đặng Tiến:

Hạc vàng người trước cưỡi đi rồi,
Lầu trống còn tên Hoàng Hạc thôi.
Một thuở hạc vàng không trở lại,
Nghìn năm mây trắng vẫn đang trôi.
Hán Dương cây đứng soi sông sáng,
Anh Vũ cỏ non biếc bãi bồi.
Chiều tối quê hương nhìn chẳng thấy,
Trên sông khói sóng dạ bồi hồi.

Dịch ra thơ lục bát

Trần Trọng Kim:

Người đi cưỡi hạc từ xưa,
Đất này Hoàng Hạc còn lưu một lầu.
Hạc vàng đi mất đã lâu,
Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông.
Hán Dương cây bóng lòng sông,
Bãi kia Anh Vũ cỏ trông xanh rì.
Chiều hôm lai láng lòng quê,
Khói bay sóng vỗ ủ ê nỗi sầu.

Tản Đà:

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Hải Đà:

Người xưa theo cánh hạc vàng,
Vút bay thãm thẳm, bẽ bàng lầu thơ.
Thoắt đi cánh hạc xa mờ,
Mênh mang mây trắng thẫn thờ luyến thương.
Cây xanh vờn bãi Hán Dương,
Cỏ thơm Anh Vũ lộng hương bốn bề.
Chiều buông phủ lạnh bóng quê,
Chập chùng khói sóng thảm thê khách sầu.

Thu Tứ:

Bản 1:

Người xưa cưỡi hạc đi rồi,
Lầu xưa còn đứng chơi vơi một tòa.
Hạc bay đành mãi mãi xa,
Nghìn năm mây vẫn trắng lòa tầng không.
Mưa ngừng, nom rõ bãi sông:
"Ngàn cây thắp nến", bồng bồng cỏ tươi.(1)
Quê phương nào hở, chiều ơi?
Mịt mờ sông khói chi người ngẩn ngơ.

Bản 2:

Hạc vàng vút tự bao giờ,
Lầu Hoàng Hạc để đứng trơ bến này.(2)
Hạc đi, về chẳng hẹn ngày,
Nghìn năm mây trắng mơ bay khắp trời.
Mưa ngừng, rõ cảnh xinh tươi:
Bờ cây chen lá, bãi bồi cỏ lan.
Chiều buông, sông khói mơ màng,
Lòng ai chợt thắt, bàng hoàng: quê đâu?

___________

(1) "Ngàn cây thắp nến": lời ca khúc Nắng Thủy Tinh của Trịnh Công Sơn.

(2) Lý Bạch có bài thơ "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quản Lăng", tức lầu Hoàng Hạc ở gần một cái bến.