Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]              [   Tác giả ]

HỒNG TUYẾN

紅 線 

Nguyên tác từ : Thái Bình Quảng Ký 
Tác giả            : Viên Giao 
 Bản dịch của   : Phạm Xuân Hy 

Đời Đường trong phủ quan Tiết Độ Sứ Lộ Châu là Tiết Tung, có người tỳ nữ tên là Hồng Tuyến, gảy đàn Nguyễn rất hay, lại tinh thông kinh sử, vì thế nên được quan Tiết Độ Sứ rất là tín cẩn, giao cho chưởng quản các loại văn bản tấu chương, xưng là Nội Ký Thất.

Một hôm, trong quân mở đại yến, Hồng Tuyến thưa với Tiết Tung rằng :

- Tôi nghe tiếng trống đánh rất là bi ai, người đánh trống hẳn có tâm sự gì u uẩn !

Tiết Tung cũng là người am hiểu âm nhạc, nên đáp :

- Ta cũng thấy như vậy !

Bèn cho gọi người đánh trống đến hỏi, thì người ấy thưa rằng :

- Đêm qua vợ tôi qua đời, nhưng tôi không dám xin nghỉ !

Tiết Tung nghe người ấy nói vậy, lập tức thả cho về quê.

Bấy giờ là sau năm Chí Đức, đời Đường Túc Tông, các vùng Hà Đông và Hà Bắc chưa được yên ổn, triều đình sai Phù Dương làm Tiết Độ Sứ trấn thủ vùng này, và lệnh cho Tiết Tung giữ vững nơi ấy để khống chế vùng đất phía đông núi Thái Hàng Sơn.

Sau khi hết loạn An Lộc Sơn, các cơ cấu quân chính mới được thiết lập, còn trong giai đoạn phôi thai, triều đình ra lệnh cho Tung đem con gái gả cho con trai của Tiết Độ Sứ Ngụy Bác là Điền Thừa Tự, còn con trai của Tung thì lấy con gái của Tiết Độ Sứ Hoạt Châu là Lịnh Cô Chương.

Nhờ vào mối thông gia như thế, các sứ gỉa của các Tiết Độ Sứ ba trấn thường qua lại với nhau.

Nhưng Điền Thừa Tự vì bị bịnh phổi, nên hay lo ngại. Mỗi khi gặp mùa nóng nhiệt nặng nề hơn, Tự thường bảo :

- Ta như được trấn nhậm vùng Sơn Đông, khí hậu mát mẻ, thì có thể sống thêm được ít năm nữa !

Vì thế, Tự cho chiêu mộ ba ngàn dũng sĩ  trong quân đội, người nào võ nghệ và đảm lựơc cũng gấp mười lần người thường, mệnh danh là "Ngoại Trạch Nam". Tự lại đem ưu hậu bổng lộc để cung dưỡng họ, đêm ngày phòng vệ nơi chỗ ở cuả Trạch, chờ ngày lành tháng tốt, sẽ cất quân sang xâm chiếm Lộ Châu.

Tiết Tung nghe được tin ấy, ngày đêm trong bụng lo lắng không yên, miệng thường lẩm bẩm nói một mình, mà không tìm ra biện pháp đối phó.

Một tối, vào lúc sắp bắt đầu tiếng trống cầm canh, cửa viên môn trong quân trung đã đóng kín, Tung chống gậy thong thả tản bộ một mình ở ngòai đình viện, bên cạnh chỉ có người nữ tỳ Hồng Tuyến theo hầu.

Hồng Tuyến nó thưa với Tung :

- Từ một tháng nay con thấy chúa công ăn ngủ bất an, trong bụng hẳn có điều lo lắng, chẳng hay đó có phải chuyện nơi biên ải không ?

Tung đáp :

-Đây là chuyện liên quan đến sự an nguy của đất nước, khanh không hiểu nổi đâu !

Hồng Tuyến nói :

- Thiếp tuy thuộc hạng thấp hèn ti tiện, nhưng có thể giúp chúa công giải trừ lo lắng ưu phiền.

Tung nghe Hồng Tuyến nói thế, lấy làm lạ, bèn đem việc Điền Thừa Tự chuẩn bị đánh chiếm Lộ Châu kể hết cho nàng nghe, rồi tiếp :

- Ta kế thừa công nghiệp của tổ phụ để laị, chịu ơn lớn của triều đình, một sớm một chiều để mất cương thổ, huân nghiệp trăm năm như thế là tiêu tan hết.

Hồng Tuyến nói :

- Việc này không khó, chúa công khỏi nhọc lòng, tạm cho thiếp đến Ngụy Thành quan sát tình hình và dò xét hư thực thế nào. Vào lúc canh một đêm nay thiếp xin lên đường, thì canh hai sẽ trở về phúc mệnh. Ở nhà, xin chúa công chuẩn bị khoái mã và sứ gỉa cùng soạn sẵn một phong thư ngoại giao, còn những việc khác, xin chờ thiếp về tính sau.

Tung nghe nàng nói, rất lấy làm kinh ngạc, hỏi :

- Khanh quả không phải là như người thường, ta thật ngu muội hồ đồ. Nhưng nếu như việc này không thành, chẳng hóa ra lại chuốc họa đến cho mau hay sao. Vậy nên làm thế naò ?

Hồng Tuyến đáp :

- Thiếp đi chuyến này, mọi việc ắt phải thành công.

Rồi nàng trở vaò khuê phòng, hóa trang để sang thành Ngụy Bác. Trên đầu, tóc nàng kết búi như người Ô Man, cài bằng cây trâm Kim Tước. Mình mặc một chiếc aó ngắn mầu tím. Chân đi hài tơ xanh. Trước bụng, đeo con chủy thủ có khắc long vằn. Ở giữa trán, viết tên thần Thái Nhất, sau đó ra vái Tung hai vái từ biệt.

Chớp mắt biến mất không thấy hình tích nàng đâu nữa.

Tung cũng đóng cửa, vaò trong phòng, ngồi một mình lặng lẽ dứơi ánh đèn. Bình thường, mỗi khi Tung uống rượu, chỉ một vài chén đã say rồi, nhưng tối hôm nay, Tung uống luôn cả chục chén mà vẫn tỉnh táo.

Ngoài cửa, chợt có tiếng tù và báo hiệu bình minh theo gió vọng vào, kèm với tiếng lá rụng trong sương mai ngoài thềm.

Tung kinh ngạc, đứng dậy. Chưa rõ chuyện gì, thì thấy Hồng Tuyến trở về.

Tung mừng rỡ, an ủi hỏi nàng :

- Sao, việc có xong không ?

Nàng đáp :

- Thiếp may mắn, đã không làm nhục mệnh của chúa công. 

Lại hỏi :

- Khanh có phải hạ sát địch nhân không?

- Việc đó không sẩy ra, nhưng thiếp có mang về đây chiếc hộp baú bằng vàng thường để đầu giường cuả Điền Thừa Tự, để làm bằng chứng

Rồi nàng thuật lại đầu đuôi công việc sang thám sát tình hình bên phía Điền Thừa Tự cho Tung nghe.

Nguyên sau khi từ giã Tung, thì khoảng gần giờ tý, Hồng Tuyến đến thành Ngụy Bác, rồi vượt qua mấy lớp cửa, vào được chỗ ở của Điền Thừa Tự. Nàng nghe tiếng ngáy như sấm của bọn " Ngọai Trạch Nam " từ trong trú phòng của họ vọng ra, rồi tiếng bọn binh sĩ phòng vệ đi lại ở ngoài sân đình hô gọi nhau như truyền trong gió.

Nàng khẽ đẩy cửa bên trái tẩm thất, lẻn vào đến chỗ màn ngủ cuả Điền Thừa Tự.

Nàng thấy Tự nằm trong màn, gác chân ngủ như chết. Đầu kê trên một chiếc gối làm bằng da tê giác. Râu và tóc được bọc bằng một chiếc túi bằng tơ mầu vàng. Thanh Thất Tinh Bảo Kiếm dấu bên cạnh gối đầu hơi ló ra chuôi ngoài. Cạnh đó là chiếc hộp baú hở nắp. Nàng thấy trong  hộp ghi tám chữ sinh thần của Tự và tên Bắc Đẩu Thần. Những hương liệu quý, cùng những báu vật đẹp mắt phủ đầy tán lọan trên nắp hộp. Cho thấy Điền Thừa Tự mong muốn lúc sinh tiền  được tận hưởng mọi giầu sang phú quý. Tự ngủ yên trong giấc mơ đẹp. Trong căn ngọa thất đầy hương thơm như thế.

Bình thường trong quân doanh, Tự tỏ ra uy thế lẫm liệt, không nể sợ ai. Nhưng  lúc này, Tự đâu biết rằng tính mệnh của mình  đang nằm trong tay Hồng Tuyến.

Còn  nàng cũng chẳng bận lòng đến việc thả, hay bắt Tự làm gì.

Bấy giờ, dưới ánh đuốc mờ tỏ lập lòe, hương lư khói tạnh tro tàn. Bốn phía bố trí thị nữ, vệ sĩ canh gác nghiêm mật. Giáo mác, binh đao la liệt. Tuy nhiên, cũng có đứa dựa đầu vào bình phong mà ngáy, lại có đứa cầm phất trần vươn tay duỗi chân mà ngủ.

Hồng Tuyến bèn thaó lấy những chiếc khuyên tai của bọn thị nữ, còn aó, quần thì buộc lại một túm. Nhưng bọn chúng đêù ngủ say mê mẹt, chẳng đứa nào hay biết gì. Sau đó, nàng mới lấy đến chiếc hộp báu của Điền Thừa Tự, rồi theo lối tây môn ra khỏi thành Ngụy Bác.

Đi được gần hai trăm dậm, Hồng Tuyến nhìn lại, chỉ thấy đài Đồng Tước cao sừng sừng nguy nga. Con sông Chương Hà cuồn cuộn đông lưu. Trên cây trăng tà lơ lửng. Thỉnh thoảng đó đây văng vẳng tiếng gà gáy sáng.

Lúc ra đi, Hồng Tuyến lòng đầy phẫn hận bao nhiêu, thì nay trở về lại tràn trề hân hoan phấn khởi, khiến cho nàng nhất thời quên hết nỗi lao luỵ dọc đường . Nàng nghĩ đến cái tình tri ngộ Tiết Tung mà muốn đáp đền muôn một.

Nay thì tâm nguyện đã thành.

Hồng Tuyến thuật đến đấy, bèn đổi giọng nói với Tung :

- Sở dĩ giờ tý canh ba đêm qua, thiếp phải trở đi trở về bảy tám trăm dặm, tiến nhập vaò nơi nguy hiểm, vượt qua năm sáu tòa thành, là chỉ mong sao chúa công được giảm bớt ưu phiền, chứ thiếp nào có quản chi tân khổ !

Tung nghe lời Hồng Tuyến, sai sứ giả cầm thư sang trao cho  Điền Thừa Tự.

Trong thư viết rằng :

" Tối qua, tôi có người gia khách từ Ngụy Bác thành trở về, mang theo chiếc hộp báu của nguyên soái thường vẫn để đầu giường, tôi không dám giữ lại, nay xin kính cẩn phụng hoàn. "

Sứ giả cuả Tung phi ngựa như bay, chỉ nửa đêm đã sang đến thành Ngụy Bác. Bấy giờ trong thành, khắp nơi đêù thấy người ta sưu tra để tìm chiếc hộp báu của Điền Thùa Tự. Toàn thể binh lính đều tỏ vẻ lo lâu sợ haĩ.

Sứ giả của Tiết Tung đến cưả Ngụy Thành, xin vào yết kiến Điền Thưà Tự ngay.

Tự vội vã ra đón vào.

Lúc sứ giả của Tung, dâng hộp báu trả laị cho Tự, Tự không cầm nổi sự kinh ngạc và sợ haĩ, cơ hồ suýt té xuống đất. Sau đó, Tự mời sứ giả vào trong nội thất của mình nghỉ ngơi. Lại mở đại yến thết đãi để mua chuộc tình cảm, tặng tống lễ vật rất nhiều cho họ.

Ngày hôm sau, Tự phái người của mình đem ba vạn tấm tơ lụa, vải vóc, và hai trăm con ngựa tốt, cùng vô số những vật dụng quý báu trân kỳ khác, sang biếu cho Tung, và thưa rằng :

"Đầu tôi chưa rơi, mạng sống vẫn còn, đó  là nhờ ơn riêng của tướng  quân. Tôi nguyện sửa đổi lỗi,, thay cách cư sử, không còn gây điều phiền nhiễu . Từ nay, một lòng một dạ tuân theo sự chỉ huy khu xử cuả tướng quân, không còn dám nhận là thân gia của tướng quân nữa. Xin tướng quân cho tôi được làm kẻ theo sau ngựa hầu tướng quân, mỗi khi tướng quân xuất hành, hoặc làm kẻ cầm roi dẫn ngựa, khi tướng quân hồi thành. Việc tôi nuôi dưỡng bọn dũng sĩ "Ngọai Trạch Nam", vốn chỉ để đề phòng trộm cướp đạo tặc, thật không hề có dị chí mưu đồ chuyện khác, nay cũng xin giải giáp và cho chúng hoàn hương cầy ruộng. "

Từ đấy, Nam Bắc hai miền, cứ hai tháng một lần, lại phái sứ giả sang thông tin với nhau.

Một hôm, thình lình Hồng Tuyến đến từ biệt Tung để ra đi.

Tung bảo với nàng :

- Khanh sinh ra ở nhà ta, sống với ta, nay sao lại có ý đi đâu ? Vả, lúc này là lúc ta cần nhờ đến khanh, lẽ naò lại bỏ ta mà đi ?

Hồng Tuyến thưa :

- Kiếp trước, thiếp vốn là nam tử, bôn tẩu giang hồ cầu học, đọc được sách Thần Nông Dược Thư, chữa được bệnh tật cho đời. Thuở đó, có người đàn bà mang thai, thình lình trong bụng bị ký sinh trùng, thiếp dùng Nguyên Hoa Tửu để trị, chẳng ngờ cả mẹ lẫn hai con đều bị chết.
Vì tội ấy, thiếp bị Diêm Vương ở dưới âm ty trách phạt, phải đầu thai làm con gái, mang kiếp nô lệ tỳ tiện, khổ sở. May nhờ thác sinh vaò cửa chúa công, đến nay cũng mười chín năm rồi. Ăn no mặc đẹp, lụa là mỹ vị phủ phê, thương yêu hết mực. Vinh huy đến thế là cùng. Huống hồ, nay triều đình đã trung hưng, lập xong pháp điển, bọn loạn thần ắt phải chu diệt hết. Việc thiếp sang Ngụy thành mới đây, thiếp chỉ mong sao baó được đôi chút, ân dầy nghĩa cả của chúa công mà thôi. Nay nam bắc hai xứ đã hòa hiếu, thành trì được baỏ toàn, vạn dân an cư lạc nghiệp, tướng sĩ mong được cởi giáp buông đao. Thiếp thấy, thân phận nữ nhi như thiếp, mà làm được việc ấy, cũng đủ xoá bỏ được tội kiếp truớc, chuộc lại nguyên bổn. Nay đã đến lúc thiếp nên trốn bỏ cõi tục, tu hình luyện khí, tìm cõi trường sinh bất tử.

Tung nói :

- Nếu khanh chẳng muốn lưu lại chốn bụi hồng này, thì ta xin tặng ngàn vàng làm phí khoản xây dựng đạo quán để khanh làm chỗ ẩn cư tu trì !

Hồng Tuyến đáp :

- Việc tu trì là việc liên quan đến hậu kiếp sau này, làm sao thiếp có thể tính trước được !

Tung thấy không thể giữ nàng ở lại được, bèn mở dạ yến trong đại sảnh đường, mời tất cả tân khách đến dự để tiễn nàng.

Tung vừa uống rượu vừa ca.

Lại mời người tân khách là Lãnh Triều Dương làm bài từ để ngâm :

Thái Lăng ca oán mộc lan chu
采 菱 歌 怨 木 蘭 舟
Tống khách hồn tiêu bách xích lâu,
送 客 魂 消 百 尺 樓
Hòan tự Lạc phi thừa vụ khứ
還 似 洛 妃 乘 霧 去
 Bích thiên vô tế thuỷ không lưu
碧 天 無 際 水 空 流
Tung ca xong, không cầm được nỗi lòng bi lụy sướt mướt. Hồng Tuyến chắp tay vái Tung, cũng hai hàng nước mắt đầm đìa, rồi giả rượu say rời tiệc đi ra.
 Sau đó chẳng ai biết nàng đi đâu.
Vài hàng chú thích
Tác giả : Viên Giao
袁  郊
Viên Giao tự là Tử Nghi, người Lang Sơn Sái Châu (nay thuộc huyện Nhwũ Nam tỉnh Hà Nam, niên hiệu Hàm Thông đời Đường Ý Tông, Viên Giao được bổ nhiệm làm Từ Bộ Lang Trung, sau thăng nhiệm là Thứ Sử Quắc Châu. Đến đơì Đường Thiệu Tông, Viên Giao làm Hàn Lâm Học Sĩ.
Về sáng tác, Viên Giao có viết tiêut thuyết truyền kỳ « Cam Trạch Dao », một quyển. Truyện « Hồng Tuyến » là một truyện trong tác phẩm này.
Ngoài ra, Viên Giao còn có các tập « Nhị Nghi Thực Lục », « Y Phục danh Nghiã Đồ »…

Tiết Độ Sứ
節 度 使
Tên chức quan.
Vào thời kỳ đầu nhà Đường duyên theo chế độ nhà Bắc Chu và nhà Tuỳ thiết lập chức Tổng Quản tại những vùng đất trọng yếu, sau lại đôỉ là Đô Đốc, coi mọi việc quân sự cuả một số châu.
Sang đến đời Đường Duẹ Tông mơí gọi là Tiết Độ Sứ.
Đâù niên hiệu Thiên Bảo, nhà Đường lập ra 9 Tiết Độ Sứ ở ngoài duyên biên. Mỗi Tiết Độ Sứ lấy một số châu làm một trấn, tổng lãm hết mọi quyền  quân sự, dân chính, tài chánh, và quyền giám sát. Nhân vì những viên quan này lúc nhậm chức được triều đình ban cho hai lá cò tinh và hai cờ tiếtnên mới có danh xưng là Tiết Độ Sứ. Bên dưới quyền Tiết Độ Sứ có các thuộc quan là Hành Quân Tư Mã, Phán Quan, Chưởng Thư Ký, Thôi Quan. Mới đầu Tiết Độ Sứ chỉ thiết lập tại những nơi biên phonfg và những trấn trọng yếu. Sau loạn An Lộc Sơn, Tiết Độ Sứ được đặt ra quá nhiều, đến nỗi cha truyền con nối, laị mang quá nhiều chức vị, có quyền tuyển bổ liêu thuộc, xưng ùng xưng bá một phương, hình thành một cục diện phiên trấn cát cứ nghiêm trọng cuôí thời kỳ nhà Đường.
Đến thời Ngũ Đại, việc thiết lập Tiết Độ Sứ quá lạm dụng, và các Tiết Độ Sứ lại càng hoành hành ngang ngược hơn.
Đến thời nhà Tống, bãi bỏ các phiên trân, quyền hành trả vè cho các châu, Tiết Độ Sứ chỉ còn là vinh hàm của các tương, tướng và họ hàng nhà vua, hoặc kông đi nhậm chức, hoặc có đi cũng không có qưyền hạn gì.
Đến các đơì Liêu, và Kim vẫn còn tồn tại.
Nhưng đến đời Nguyên thì phế bỏ.

Lộ Châu
潞 州
Lộ Châu, tức Thượng Đảng Quận, tên một châu đời Đường. trị sở taị thành phố Trường Trị tỉnh Sơn Tây ngày nay.

Nội Ký Thất
內 記 室
Cổ đại có chức Ký Thất. Nội Ký Thất như ngày nay goị là Bí Thư riêng.

Đường Túc Tông
唐 肅 宗
Đường Túc Tông là con thứ ba của Đường Huyền Tông, mẹ họ Dương sinh năm 711, đến năm 756 tức vị. Đường Túc Tông ở ngôi đươc 7 năm thì mât, có bốn niên hiêụ là Chí Đức (756-758), Càn Nguyên (758-760), Thượng Nguyên (760-762) và Bảo Ứng (762)

Nguỵ Bác
魏 博
Ngụy Bác là tên một phương trấn đời Đường, một trong ba trấn của Hà Bắc lúc bấy giờ, được đặt ra để  chủ yêú nhằm mục đích để phủ dụ vỗ về tàn dư của An Lộc Sơn. Nguỵ Bác Tiết Độ Sứ cai trị Ngụy Châu (nay thuộc thuộc huyện Đại Danh tỉnh Hà Bắc, thống hạt  bao quát sáu châu như Nguỵ Bác, Bối Châu, Vệ Châu.

Điền Thưà Tự
田 承 字
Điền Thừa Tự (704-778) người Lư Long Bình Châu  (nay thuộc hyện Lư Long tỉn Hà Bắc), nguyên là cưụ bộ hạ của An Lộc Sơn. Trong cuộc loạn An Sử, Điền Thưà Tự thường đi tiền đạo. Sau khi loạn bình, Điền Thừa Tự xin hàng triều đình, và từng được bổ nhiệm Tiết Độ Sứ các châu Bốí  Bác Thương, Doanh, sau chiếm cứ bẩy châu, trở thành một phiên trấn cát cứ trọng yếu thơì ký cuối của nhà Đường.

Tiết Tung
薛 嵩
Tiết Tung là cháu của danh tướng Tiết Nhân Quý nhà Đường, người Long Môn (nay thuộc Hà Tân tỉnh Sơn Tây), từng nhậm các chức Tiết Độ Sứ, Hình Bộ Thượng Thư, Hữu Bộc Xạ, phong Bình Dương Quận Vương.

Nguyễn

Tức đàn Nguyễn. Tương truyền đàn này do Nguyễn Hàm đời Tấn sáng chế ra, vì thế mang tên đàn Nguyễn. Hình trạng như đàn nguyệt, chia ra ba lọai là Đại Nguyễn, Trung Nguyễn và Tiểu Nguyễn.

Ngoại Trạch Nam
外 宅 男
Nghĩa tương đương như con nuôi.

Thái Ất Thần.
太 乙 神
Tên một vị tôn thần của Đạo Giáo, cũng còn gọi là Tháí Nhất, Bắc Cực Thần

Thất Tinh Bảo Kiếm
七 星  寶  劍
Thất Tinh tức Bắc Đẩu Thất Tinh, Ngũ Tử Tư người nước Ngô thời Xuân Thu, thường đeo bên người thanh baỏ kiếm naỳ.

Tý Dạ Tam Khắc
子 夜 三 刻
Tý dạ, tức nửa đêm giờ tý, tương đương với giờ bây giờ từ 2 3 giờ đêm đến đầu 1giờ sáng hôm sau. Khắc , cổ nhân dùng hồ lậu đựng nước, để đo giờ giấc, và trong  hồ có một mũi tên khắc một trăm số tương đương vơí 24 của một ngày, như vậy một khắc bằn 14 phút 40 .

Đồng Tước Đài
銅 雀 台
Đài này do Taò Tháo cất vaò năm 210 thời Tam Quốc ở tại huyện Lâm Chương tỉnh Hà Bắc, gồm hơn một trăm gian, dùng làm chỗ cư ngụ cho các sủng phi của Tào Tháo. Và thường  lên đây yến ẩm, tiếp đãi tân khách,  ngắm nhìn phong cảnh.Vì trên nóc đài, có một con chim lớn bằng đồng, xòe hai cánh, và đuôi như  cố muốn bay lên trên không, vì thế mới thành tên là Đồng Tước.
Con Tháo là Tào Thực có làm một bài phú là "Đăng Đài Phú", rất được người đời truyền tụng.
Đỗ Mục đời Đường có bài "Đồng Tước Đài Hòai Cổ",có câu nổi tiếng:
东 风 不 与 周 郎 便,
铜 雀 春 深 锁 二 乔
Đông phong bất dữ Chu Lang tiện
Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều