Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
Chủ ]
[ Tác giả
]
|
Shiba
Ryotaro
|
Từ cầu Kiikuni đi về hướng tây, rẽ trái thì có tiệm Beniya của Fujibee là người cùng xứ Higo với Umanosuke. Umanosuke là hương sĩ ở làng Takase xứ Higo. Nhà Beniya đời nay sinh trưởng ở Edo, nhưng đời trước cũng từ làng ấy ra đây. Thế nên cả nhà Beniya quen gọi Umanosuke là "cậu ấm" mà quý trọng lắm. Bởi ở làng thì hương sĩ có uy thế lắm. Hôm ấy, khoảng mặt trời xế bóng, Umanosuke nhàn nhã bước vào tiệm hỏi: -"Thằng bé có ở nhà không?" Fujibee từ quầy tính tiền ngẩng mặt lên: -"Cậu ấm đấy ạ? Quý hoá quá. Cháu Matsukichi có ở nhà đấy ạ". -"À, định dắt nó đi ăn ở quán Matsuda trên Ginza đây mà". Matsukichi mới chín tuổi. Bắt đầu gọi "cậu ấm", "cậu ấm" như thế là từ đời cha của Fujibee kia, lâu dần trở thành biệt danh của Umanosuke. Mà nói đến biệt danh thì thứ nữ của chủ tiệm là cô Otose thường gọi lén Umanosuke là "Uma-san" (Ông Ngựa). Bởi không những tên anh là Umanosuke, mà khuôn mặt, tay chân anh cũng dài ngoằng, trông chàng trai này cứ như là thứ ngựa đi bằng hai chân ấy. Khi nào anh cao hứng thì lại cho cậu con út nhà này là Matsukichi ngồi lên lưng rồi bò ra đất, vừa kêu "Ngựa đây, ngựa đây" vừa phi khắp phòng. Ueda Umanosuke khá được biết tiếng trong giới kiếm khách ở Edo. Anh thuộc phái kiếm Kyoshin Meichi, là đệ tử đẳng cấp cao của thầy Momonoi Shunzo Naomasa có võ đường ở bờ sông Tsukiji Asari, và anh đang làm thầy dạy kiếm ở đấy. Võ đường Momonoi là một trong ba võ đường lớn nhất ở Edo thời bấy giờ, trong câu truyền tụng "Kỹ thuật Chiba, Uy lực Saito, Phẩm cách Momonoi", đến cả đám trẻ con thị dân Edo không đứa nào không biết. Cô nàng Otose thường nửa khen nửa trêu chọc anh rằng: -"Ngài Ueda tay kiếm mạnh lắm nhỉ!" Thế nào anh cũng đáp lại: -"Không đâu, yếu lắm, yếu lắm!" Đến nỗi người trong nhà Beniya này có thêm biệt danh cho anh là "Ông Ngựa yếu lắm!" nữa. Chàng trai trẻ vui tính này, có vẻ từ đáy lòng mình tin rằng tay kiếm của mình yếu, thường nói: -"Không ai kém may mắn trong chuyện thi đấu bằng tôi cả". Hễ cứ tham gia hội thi đấu nào, giỏi lắm thì hoà, còn không thì bị đánh thua mất. Chú thích của tác giả: Điều này có lẽ chẳng phải chỉ vì Umanosuke khiêm tốn mà nói thế đâu. Chín năm trước thời điểm của câu chuyện này, ngày 3 tháng 10 năm Ansei thứ tư (1857), Yamauchi Toyonobu (Yodo), tước Hầu, Lãnh Chúa phiên trấn Tosa, đã đích thân tổ chức đại hội thi đấu võ nghệ giữa đại biểu tuyển chọn của các lưu phái, trong dinh của phiên trấn Tosa ở Kajiyabashi, Edo. Bản kết quả của hội thi đấu này vẫn còn lưu lại đến ngày nay. Theo bản ấy thì Sakamoto Ryoma, 23 tuổi, phái Hokushin Itto, thắng Shimada Komanosuke; Katsura Kogoro, 25 tuổi, phái Shindo Munen, thắng Fukutomi Kenji phái Kyoshin Meichi. Ueda Umanosuke đã là tay kiếm kiệt xuất, 20 tuổi, đại diện cho võ đường Momonoi tham gia, nhưng đấu hai trận thua cả hai. Đối thủ là Hoshino Kikunosuke và Hayada Sensuke. Hai người này về sau cũng chẳng có ai thành kiếm sĩ chuyên nghiệp cả. Sau cuộc thi đấu này, thầy Momonoi Shunzo lắc đầu: -"Cậu Umanosuke này lạ thật". Umanosuke lúc tập ở võ đường thì phát huy nhiều chiêu thức kỳ diệu đến thầy Momonoi Shunzo chống đỡ còn khốn khổ nữa, thế mà ra hội thi đấu lớn thì lại như có lỗ hổng ở đâu đó! Chín năm đã trôi qua từ ngày hội ấy. Umanosuke vẫn còn ở võ đường, trở thành môn nhân thâm niên nhất. Lâu năm nhất nhưng vẫn không tiến thêm được bao nhiêu, được làm thầy dạy kiếm là do sự chiếu cố của chủ võ đường, chứ thật ra chỉ được giao cho việc chỉ dạy đám môn sinh mới vào học mà thôi. Thỉnh thoảng, thầy Momonoi Shunzo chủ võ đường lại bảo: -"Cậu Umanosuke này lạ thật! Cứ như là thiếu mất một đòn cuối gì đấy!". Cho ra thi đấu thì thế nào cũng thua. -"Tạm thời ngưng tập kiếm mà đi tập ngồi Thiền xem sao nào!" Thầy Shunzo đã khuyên như thế nên anh đến thử học Thiền ở chùa Tokaiji ở Shinagawa, nhưng được nửa năm thì hoà thượng trụ trì chùa ấy đến võ đường bảo: -"Cứ tiếp tục như thế thì tội nghiệp cậu ấy" mà khéo léo từ chối. Bảo rằng Umanosuke ngồi Thiền cứ như là ngựa vắt chân vậy. Nghĩa là không có căn cốt tu hành đấy. Thầy Momonoi Shunzo bảo anh: -"Umanosuke này, con có kỹ thuật và sức mạnh. Nhưng kiếm thuật đã đến mức nào đó rồi thì không còn là chuyện kỹ thuật nữa. Từ biên cảnh đó mà không mở ra thêm được thì có luyện kiếm trăm năm cũng vô ích thôi". Nhưng Umanosuke vẫn không lấy thế làm khổ. Luyện kiếm trăm năm cũng đâu có sao! Tính anh vốn không ưa suy nghĩ khổ não về những chuyện như: thứ gì là bức tường chắn trước mặt mình,... Có thể nói vì tính anh như thế nên cứ "thiếu mất một đòn cuối"; mà ngược lại, cũng do tính tình như thế, anh mới đến võ đường suốt chín năm không chán. Trong chín năm đó, nhằm vào thời tao loạn cuối đời Mạc Phủ, những người thừa máu nóng thì đã bay nhảy khỏi võ đường, mà xông vào chốn mây cuồng gió loạn cả rồi. Nhất là võ đường Momonoi này đặc biệt đã có nhiều môn sinh ra đi như thế. Như Takechi Hanpeita người phiên trấn Tosa, đã ra đi. Anh ta thuộc lứa đàn em của Umanosuke, nhưng lại là tay kiếm thiên tài, đã vượt qua đầu đàn anh Umanosuke mà thành giáo thụ trưởng trong võ đường. Nhưng 7, 8 năm trước đây, Takechi đã từ chức giáo thụ trưởng mà về xứ ở Tosa, có nói rằng: -"Thế là chức vụ này vào tay anh Umanosuke đấy nhỉ" như thể đã bàn giao chức vụ ấy lại cho anh. Thế nhưng, được chọn thay thế lại là người khác. Chỉ lần đó thì đến Umanosuke cũng phải ngậm ngùi mà nghĩ rằng mình là thứ kiếm cùn quá! Sau đó, chức giáo thụ trưởng đã qua tay nhiều người nữa, mà Umanosuke vẫn chưa lần nào được chọn. Thế nên, trong võ đường đã có những lời chê bai chùng lén rằng kiếm thuật của Umanosuke là thứ "ngây ngô như lừa ngựa". Hôm đó, nói chuyện với cô Otose, Umanosuke cũng đã bảo: -"Cô Otose này, giới đô vật sumo, hay nhạc sĩ đàn ba dây samisen, cũng thế thôi. Tài năng khác biệt giữa tay chuyên và tay mơ là do Trời phú cho cả. Người học kiếm cũng thế". -"Thế cậu ấm thì sao?" -"Tôi là tay mơ thôi". Umanosuke đáp thản nhiên như thế. Nếu có trách anh là người không thiết tha gì đến việc mình làm thì cũng không sai, nhưng thái độ bình thản chấp nhận thất bại của Umanosuke đã khiến cô Otose chú ý. Tuy chẳng phải là yêu thích. Ở điểm này thì Umanosuke quả thật "thiếu mất một đòn cuối". Tuy nhiên, cô Otose không tỏ vẻ đồng tình mà chỉ rất chừng mực nâng Umanosuke lên chút ít thôi: -"Em không nghĩ là cậu ấm không có được tài năng thiên phú ấy". -"Không đâu, quả thật là tôi không có được tài năng đó rồi". Umanosuke nói thẳng thắn. -"Tài năng thiên phú...", anh đưa cánh tay to chắc như thân cây ra, -"... không phải là thứ này". -"Thế thì là thứ gì?" -"Có lẽ là thứ này...". Umanosuke gõ nhẹ vào đầu mình. -"Trời đất!" Otose bật cười. Nhưng Umanosuke không cười theo, mà nghiêm trang kể chuyện ví dụ: -"Thầy dạy kiếm của tôi là Momonoi Shunzo, chưởng môn đời thứ ba, khi ông bằng tuổi tôi bây giờ, thì đã có chuyện như thế này......" Có lần Momonoi Shunzo được ngài Hầu tước già Nariaki, Lãnh Chúa phiên trấn Mito, vời đến. Nghe người ta đồn Momonoi Shunzo là kiếm sĩ đệ nhất Edo nên ngài muốn hỏi chuyện kiếm thuật. Ngài Nariaki vui thích nghe chuyện Momonoi Shunzo, khi nghe xong thì nói: -"Ta muốn xem anh viết". Chưởng môn đời thứ ba này cũng nổi tiếng về thư pháp nữa. Tức thì bút lông, giấy hoa tiên, nghiên mực được bày ra trước Momonoi Shunzo. Shunzo thoái thác, nhưng ngài Nariaki đốc thúc thêm, nên đành phải tuân lời viết thư pháp. Vừa cầm bút lên thì chợt cảm thấy có gì là-lạ. Nhưng vẫn ung dung trãi giấy ra, nhắm chừng phối trí của các chữ sẽ viết, rồi thoăn thoắt thảo một bài Đường thi xuống giấy. Trong lúc ấy, một võ sĩ cận vệ của ngài Nariaki rón rén bước đến sau lưng Shunzo, thình lình chém kiếm gỗ xuống lưng Shunzo. -"Thứ lỗi!" Shunzo xoay người, cầm quản bút chận kiếm gỗ ấy lại, nắm tay kia đấm ngay vào hông người cận vệ. Anh ta ngã xuống, bất tỉnh. -"Chao ôi, thầy ấy mạnh quá nhỉ!". Otose thán phục. Nhưng Umanosuke điềm nhiên nói: -"Cỡ đó thì tôi cũng làm được. Việc xuất thần xảy ra sau đó mới không thể nào theo kịp thầy ấy". Shunzo sau đó thoăn thoắt viết tiếp bài thơ. Người cận vệ thứ hai đang đứng chờ giúp việc bên cạnh Shunzo, lại thình lình nẩy người lên đè chặt xuống cánh tay phải của Shunzo. Shunzo trừng mắt uy hiếp, nhìn thẳng vào mắt người cận vệ ấy, giữ vững cánh tay mặc cho anh ta đeo cứng lơ lửng như thế mà viết tiếp đến hết bài thơ. Cánh tay mạnh đến như thế mới đáng khâm phục. Nghe đâu bài thơ viết ra không có chữ nào lệch lạc cả. Lãnh Chúa Mito, quan Ngự sử trong triều ấy, càng khâm phục quá đỗi mà xin lỗi Shunzo về trò đùa dai theo kiểu quan cách của mình. -"Thế nếu là ngài Ueda thì làm sao?" -"Chắc là đã nổi nóng lên rồi. Khi đánh ngã người cận vệ thứ nhất, chắc đã quăng bút đứng lên. Để rồi sau đấy sẽ phải ân hận. Bụng dạ chỉ đơn giản một bề như tôi hẳn là không thể đạt đến mức thâm sâu của kiếm thuật được". Bụng dạ chỉ đơn giản một bề như thế mà đã theo đuổi kiếm thuật được chín năm rồi đấy! Otose nghĩ là sự chuyên chú trông như không có gì của Umanosuke cũng thật đáng khâm phục. Mà đối với Umanosuke, ngoài kiếm thuật ra, anh chẳng có mục đích gì khác cho cuộc đời. Nhà anh giàu có, tiền chi cấp dư giả dể anh sống thung dung ở Edo mà theo đuổi việc kiếm thuật theo sở thích. Cũng có thể cảnh ngộ được ưu đãi như thế mới đưa đến chuyện trình độ kiếm thuật của Umanosuke cứ đứng mãi ở mức "ngây ngô như lừa ngựa". -"Tôi không muốn thừa kế võ đường mà cũng chẳng muốn lập võ đường riêng, thâu môn đồ vào học. Chỉ muốn sống thư thả ở Edo này thôi. Chỉ cần theo đuổi việc kiếm thuật là đủ cho nhà tôi an lòng mà chi cấp đều đặn...... Quả thật, có phần đơn thuần quá nhỉ!" Chứ gì nữa! Otose buồn cười. Umanosuke lại bẻ ngón tay rắc rắc, như một thói quen đơn thuần, không có ý nghĩa gì. -"Matsukichi chuẩn bị xong chưa nào?... Để em đi xem nhé". Otose lấy lý do đó mà đứng lên. Nói chuyện với anh này rõ chán! Hôm ấy là ngày 3 tháng 9 năm Keio thứ hai (1866). Chiều hôm ấy, Umanosuke dắt Matsukichi rời tiệm Beniya. Anh hoàn toàn không biết rằng "Định mệnh" phức tạp đang chờ anh phía trước. Thật ra, nếu sự kiện hôm ấy mà không xảy ra thì cái tên Ueda Umanosuke mãi mãi không ai hay biết trong lịch sử kiếm thuật Nhật Bản. |
Đương thời, xóm Shin Ryogae-cho ở vào vị trí khu Ginza ngày nay. Umanosuke nắm tay Matsukichi lên cầu Kyobashi hướng về phía nam. Qua khỏi cầu, ngay bên trái là quán nhậu Matsuda. Quán Matsuda rất đông khách thời bấy giờ, có cả chi nhánh ở khu Asakusa nữa. Vẹt khung vải bảng hiệu của quán ra thì thấy tầng dưới đã đông nghẹt khách rồi. -"Xin mời lên tầng trên". Cô hầu bàn đi ngang qua, nói với giọng không vồn vã gì mấy. -"Tầng trên có chỗ à?" -"Không..." Cô ta đáp, không thèm quay lưng lại. Đang bận rộn bưng thức nhắm cho khách đó thôi. -"Thế nghĩa là có chỗ hay là không có chỗ?". Umanosuke nổi sùng. Chuyện hiếm có đối với anh đấy, nhưng có lẽ bụng đang đói quá thì dễ nổi giận. -"Tầng trên cũng đông lắm". -"Thế sao lại nói là mời lên tầng trên?" -"Ủa?..." Cô gái như chợt nhớ ra, lấm lét nhìn mặt Umanosuke. Có vẻ là khách thường lui tới quán này, nhưng gặp lúc bận rộn đến thế này, cũng khó mà chiều khách được. -"Để em nhờ họ ngồi sát lại cho có chỗ". Cô hầu bàn nói, rồi bước sầm sập lên tầng trên. Một hồi sau, Umanosuke và Matsukichi theo nhau bước lên. Cầu thang chật hẹp. Các bậc thang được chùi mãi trong nhiều năm đã bóng lên màu hổ phách. Umanosuke nhắc Matsukichi: -"Coi chừng trợt đấy!". Matsukichi gật đầu. Lên đến tầng trên thấy đông như hầm trong hơi người. Tầng trên của quán Matsuda này cũng giống như các quán ăn khác trong thời ấy, dùng những tấm chắn đơn giản để chia nhóm khách ngồi. -"Cháu à, đông quá nhỉ!" Umanosuke lại càng bực mình. Chàng trai này chỉ có kiếm thuật và thức ăn là thú vui mà thôi. Tình trạng thế này thì làm sao mà vui nổi. -"Xin mời đến đây". Có tiếng mời lanh lảnh của cô hầu bàn từ trong góc phòng vẳng đến, hai cậu cháu đành len lỏi loanh quanh qua nhiều nhóm người, lách qua nhiều đầu gối khách ăn, mới đến được bên cạnh cô hầu bàn ấy. -"Quý khách dùng gì ạ?" Umanosuke gọi thứ này thứ kia, cô ta nghe xong thì quay lưng đi mất. Còn lại Umanosuke nắm tay Matsukichi đứng tần ngần. Chỗ ngồi hẹp quá! Thêm vào đó, hai người khách ngồi sẵn ở đấy, đã bị ép phải chừa chỗ, liếc nhìn lên Umanosuke với tia mắt hung hiểm. Có vẻ là võ sĩ. Mà có vẻ say nữa! -"Cháu à, thôi về đi nhé?" Umanosuke thì thầm, có phần hoang mang. Nhưng chuyện về hay ở này bắt trẻ con phải quyết định thì tội nghiệp quá. Cậu bé chẳng biết nói sao, xụ mặt như sắp khóc đến nơi. -"Thế ngồi lại vậy nhé?" -Ừng". Matsukichi gật đầu, nhưng mắt còn lấm lét liếc nhìn hai người võ sĩ say rượu kia, có vẻ sợ sệt. Hai người kia, có vẻ cùng đi với nhau, nhìn Umanosuke với mắt nhìn chứa đựng sự bực tức. Cũng đương nhiên thôi. Họ đã bị cô hầu bàn ép ngồi sát vào để chừa trống khoảng một chiếu, mà chẳng nghe lấy một tiếng cảm ơn, kẻ mới đến lại còn đứng đấy thì thầm hỏi thằng bé muốn về hay không nữa chứ! Với vẻ mặt mang ác cảm như thế, hai người ấy lại tiếp tục chén chú chén anh. Umanosuke ngồi xuống. Không chú tâm cũng biết được tình hình bên cạnh. Người lớn tuổi thì đâu khoảng 35, 36. Người kia có chỏm tóc búi theo kiểu môn sinh của Sở Giảng võ, luôn mồm "thưa thầy, thưa thầy". Về sau này mới rõ người lớn tuổi là Nakagawa Toshizo, giáo thụ chỉ đạo kiếm thuật của phiên trấn Tendo có dinh cơ ở khu Marunouchi. Nakagawa có chiều cao trung bình, hơi mập, vai to dị thường, mũi thấp. Hốc mắt sâu, mắt đảo lia lịa không chút sơ hở. Thật đúng cốt cách của một kiếm khách. Hai người không ngừng bàn chuyện kiếm thuật. -"Ito này, kiếm của cậu thì......". Người tên là Ito ấy, cũng sau này mới rõ là Ito Shinzo, phiên sĩ Tendo, đệ tử của Nakagawa. "... không tiến hơn được đâu". -"Thưa thầy, vì sao thế ạ?" Người trẻ Ito ấy vừa rót rượu vừa ứng đáp qua loa. -"Phải ngồi Thiền mới được! Tập ngồi Thiền đi!" Thoáng nghe vậy, Umanosuke càng lắng tai nghe. Bởi có kẻ cũng được khuyên giống hệt như anh. -"Cậu đã biết chuyện thầy Shirai Toru ra khỏi phái kiếm Nakanishi Itto mà cuối cùng đã vượt hơn hẳn sư phụ của mình chưa nào?" -"Thưa thầy, chưa biết ạ". Trông người đệ tử có phần sang trọng hơn thầy. Có lẽ thầy đang được đệ tử đãi ăn uống đây. Shirai Toru là danh nhân khoảng thời Bunka Bunsei (Bunka: 1804-1817, Bunsei: 1818-1829), tạo được tiếng tăm ở Edo, trở về quê ở Okayama, mở võ đường thâu môn sinh ba trăm người, được xem là tay kiếm bậc nhất ở vùng Sanyo. Nhưng đột nhiên, suy nghĩ sao đó mà trở lại Edo. Bởi đã hoài nghi, không phải về tâm thành của mình, mà về kiếm thuật trong cuộc đời, bảo rằng: -"Từ xưa đến nay, kiếm sĩ từ thuở nhỏ đã phải bắt đầu tập luyện chân tay, tăng sức cơ bắp, điều tiết hô hấp, tập cho động tác nhanh lẹ, chịu cực chịu khổ lâu năm mới đạt được kiếm kỹ hơn người. Thế mà mới chừng 40, 50 tuổi là đã tiếp cận tuổi già, khí lực suy giảm, mất đi sự thần tốc trong hành động, cuối cùng lại trở thành xác phàm không khác gì ai. Tất cả kiếm khách trong thiên hạ đều như thế cả. Chọn đời kiếm khách như thế chẳng phải là sai lầm rồi sao?". Shirai hoài nghi như thế lúc mới 28 tuổi, cuối năm Bunka thứ hai (1805). Shirai có một người sư huynh mà anh ta chưa bao giờ thắng được từ khi bắt đầu tập kiếm. Đó là Terada Gorouemon, gia thần có thế lực của Matsudaira Ukyodayu, Lãnh Chúa phiên trấn Takasaki xứ Joshu, thời thơ ấu đã học kiếm phái Nakanishi Itto, nhưng không thích kiếm thuật sử dụng kiếm tre, nên bỏ sang học phái kiếm cổ truyền Muteki (vô địch) theo thầy Ikeda Yasaemon, khổ luyện 12 năm, đạt được mức thâm sâu trong kiếm phổ Kokushinden tuyệt luân của phái kiếm này. Về sau, do ý muốn của Lãnh Chúa Matsudaira Ukyodayu mà Terada trở lại học kiếm pháp Nakanishi Itto, nhưng từ đầu đến cuối chỉ dùng kiếm gỗ mà thực hiện mọi chiêu thức, cuối cùng đã tự mình khai ngộ ra được tâm kiếm độc đáo của riêng mình. Chuyện khai ngộ của Terada nhuốm màu sắc tôn giáo rất đậm. Terada đã học thuộc lòng di cảo của Thiền sư Hakuin (Bạch ẩn), rồi được Hoà thượng Higashimine là truyền nhân của phái Thiền ấy, tâm truyền giảng giải cho, và có thời đã tuyệt thực mấy ngày liền, mỗi ngày tắm nước lạnh hai trăm lần, cuối cùng đã khai ngộ được. Hoà thượng chỉ đạo dạy rằng: "Sự kỳ diệu của đạo là đạt đến Thiên Chân trong trắng tự nhiên". Terada đặt tên cho phái kiếm mới của mình là phái Tenshin (Thiên Chân). Terada thường bảo môn đồ: -"Kiếm gỗ của ta có lửa bắn ra đấy!", luôn luôn dùng kiếm gỗ đấu tập, thần tốc ra đòn trước chế ngự đối thủ, bọn môn nhân không ai kịp giở đòn chân đòn tay gì được cả. Bây giờ Terada đã 63 tuổi rồi. Shirai nghĩ: đấu kiếm với người sư huynh ấy thì có thể nắm được chìa khoá để giải toả nghi vấn về kiếm thuật và cuộc đời của mình. Tuy tuổi tác cách xa nhau, nhưng cả Terada lẫn Shirai đã có thời cùng được môn đồ phái kiếm Nakanishi tôn sùng là "lưỡng hùng" của môn phái. Bây giờ Shirai đang ở tuổi tráng niên, sư huynh ấy ở tuổi lão niên. Shirai chắc bụng là sẽ thắng mà đến viếng sư huynh Terada ở xóm gần thành Takasaki. Sư huynh vui vẻ nhận đấu. Nhưng sự thể đã xảy ra không như Shirai tưởng. Terada tấn kiếm ở tầm giữa, sừng sững như ngọn núi lớn ép tới, khiến Shirai cứ phải lùi dần, lùi dần, không sao sấn tới được bước nào. Mồ hôi dầu toát ra ướt đẫm cả người, cuối cùng Shirai lạc thần mà ném kiếm gỗ, cuộn người nằm xuống sàn. Tỉnh lại mới hỏi sư huynh cách tu tập. Terada dạy: -"Trước hết, phải rời bỏ đường tà. Để được như thế, đừng ăn thịt nữa, mỗi ngày phải tắm nước trong". Shirai nghe lời, làm theo cách ấy suốt 5 năm. Cuối cùng, thân thể gầy còm, yếu đuối, cả thân xác lẫn tâm thần đều lạng quạng. Sau đó, học từ Thiền sư Hakuin phép nội-quan nhìn thấu chính mình, hai tháng sau thì khai ngộ. Terada năm 68 tuổi đã theo Hầu tước Lãnh Chúa Takasaki đổi đi Osaka. Shirai lại đến hỏi cách tu tập từ nay về sau. Terada dạy rằng: -"Sau đây thì cần niệm Phật. Hãy tìm Hành giả Tokumoto mà chuyên tâm niệm Phật đi". Shirai vâng lời, đến xin làm đồ đệ Hành giả Tokumoto, mỗi ngày đến đạo tràng mà niệm Phật, gióng chuông, tụng một vạn lần Nam Mô A Di Đà Phật. Vừa niệm Phật vừa liếc nhìn Hành giả Tokumoto, Shirai nhận thấy tay Hành giả cầm dùi chuông tự nhiên vô thức mà tác động lên chuông thành tiếng, lời niệm Phật và cử động của bàn tay hoà hợp trong cơ chuyển của thiên nhiên. Shirai hiểu ra được lẽ huyền diệu, từ đó trở thành tay kiếm vô song trong thiên hạ. Nakagawa Toshizo, giáo thụ chỉ đạo kiếm thuật của phiên trấn Tendo đã kể chuyện như thế với giọng khích lệ đồ đệ của mình. -"Còn ta thì đã phải tập ngồi Thiền suốt mười năm, mới đạt đến mức phát sinh được Chân Như trong thân mình. Cậu nhìn kiếm gỗ của ta, hẳn là thấy ánh sáng phát ra chứ gì? Chân Như là như thế đấy". Thầy nói chuyện nghe nửa hiểu được, nửa không. Mà thầy cũng khá say rồi. -"Đúng thế! Kiếm gỗ của thầy có ánh sáng phát ra thật đấy!". -"Chứ sao!". Umanosuke liếc nhìn Nakagawa, nghĩ thầm: Cái mặt như thế mà bảo là người đã khai ngộ! Mặt Nakagawa trông thô bỉ quá. Môi dưới bóng nhẫy những mỡ, lại còn thưỡi ra những múi thịt đỏ rợn người. Nhưng chuyện ngồi Thiền ấy có lẽ thật thế chăng? Umanosuke chợt bần thần suy nghĩ. Dù gì đi nữa, sao lâu quá chưa thấy mang thức ăn đến? Matsukichi là đứa bé nhút nhát, giật tay áo Umanosuke, ngước mặt lên như muốn nhắc hỏi anh. -"Chậm quá nhỉ!". Umanosuke gật đầu, nói với Matsukichi. Bất ngờ, có lời đáp lại: -"Chậm thế thì xin mời một chén rượu của tôi đây", từ Nakagawa chĩa môi sang. Umanosuke lại là người một giọt rượu cũng không uống được. -"Không, tôi không quen uống..." Umanosuke mỉm cười từ tạ, nhưng Nakagawa có vẻ giận: -"Rượu của tôi thì không uống à?" -"Không, rượu của ai cũng không uống". -"Làm mất mặt quá chứ!". Nakagawa cười khỉnh, nhích đầu gối sang, hỏi: -"Phái kiếm nào đấy?". Matsukichi nhìn khuôn mặt ấy mà khiếp sợ quá, nép cứng vào người Umanosuke. Điều này lại càng chạm nọc Nakagawa. -"Ngươi khinh ta đến thế à?" -"Có khinh gì đâu!" -"Nếu không, sao từ chối không uống?" -"Vì không uống được". Umanosuke thẳng thắn đáp. Nhưng lời đáp ấy đã mồi lửa vào miệng người đệ tử ngồi bên cạnh là Ito Shinzo ấy: -"Vô lễ quá thế!" -"Vô lễ gì?" -"Bộ mặt như thế! Lối nói như thế! Có biết vị này là ai đây không?". Matsukichi lẻn ra sau lưng Umanosuke. Cử chỉ sợ hãi của Matsukichi lại càng làm hai thầy trò ấy tức giận thêm. -"Sao ngươi lại kéo theo con nít nhà dân thường kia chứ?" Chẳng lẽ Umanosuke lại đáp: "Mắc mớ gì đến các ngươi!" đối với bọn say này. Umanosuke đứng lên, bảo Matsukichi: -"Cháu à, ta về đi!". Matsukichi lập cập nhích chân, lỡ chạm vào thanh kiếm đeo lưng của Nakagawa Toshizo. -"Ê, thằng nhỏ kia!". Nakagawa quát lớn. Umanosuke xanh mặt, đưa tay ra sau lưng đẩy Matsukichi. -"Cháu ra trước đí!". Matsukichi oà khóc, chạy ra hành lang. Chờ cho có tiếng chân trẻ con bước vội xuống các bậc thang, Umanosuke nói: -"Xin thứ lỗi", rồi định rời đi. Tất nhiên, anh tạ lỗi về chuyện Matsukichi lỡ chạm vào kiếm ấy. Nhưng Nakagawa vẫn còn gầm gừ. Umanosuke xuống giọng thật nhỏ, lặp lại: -"Trẻ con lỡ dại. Xin tha thứ cho". -"Hiểu rồi! Vậy thì ngươi chắp tay lại xin lỗi đi!" Người đệ tử cũng quát lớn: -"Còn không xin lỗi nữa à!" -"Không, điều đó thì xin tha cho!". Umanosuke mỉm cười, rồi bước ra hành lang. Cả đám khách ở tầng trên lặng thinh theo dõi. Kẻ say lại ý thức được đám đông đang nhìn mình, Nakagawa chộp kiếm đuổi theo Umanosuke. Đám khách trong phòng đứng cả lên. Có người trèo qua lan can phía bên kia mà trốn đi. Umanosuke đâu có ngờ Nakagawa đuổi theo. Anh bước xuống bậc thang đầu tiên... rồi bậc thang thứ hai... Khi bàn chân trái đặt xuống bậc thang thứ ba, Umanosuke nghe phía trên đầu có tiếng Nakagawa hét: -"Thằng kia!", rồi lưỡi kiếm lớn của Nakagawa chém xuống vai anh. Umanosuke đang ở trong chỗ hẹp, tay phải chạm tường, tay trái chạm ván ốp, không có khoảng hở để rút kiếm ra. Vậy mà không hiểu sao vẫn rút kiếm ra được. Về sau, Umanosuke gắng suy nghĩ, nhưng vẫn không hiểu rõ anh đã làm động tác như thế nào mà lại có thể rút kiếm ra như thế. Lắm lần, anh cố nhớ lại cảnh rút kiếm ấy, nhưng vẫn không sao lý giải được. Dù sao đi nữa, lần ấy anh cũng đã rút kiếm ra được rồi. Kiếm tuốt ra, chân vẫn giữ nguyên vị trí, chỉ có lưng xoay lại. Lưỡi kiếm vặn vẹo vươn lên, vừa thoát ra khỏi vỏ kiếm đã nương theo đà ấy, vẽ nên một vòng cung sắc nhọn, phóng ngược ra sau lưng lên phía trên đầu, chém vào cổ Nakagawa Toshizo, sâu đến đứt cả xương. Máu phun vọt ra, thân người Nakagawa đổ ào qua đầu Umanosuke, rơi bịch xuống nền đất dưới chân cầu thang. Không kịp nghĩ: Thiền mà cũng đến nỗi này sao?, Umanosuke bàng hoàng bước xuống bậc thang cuối cùng, như trong mộng. Trong khi đó, phía trên đầu Umanosuke, Ito Shinzo cầm kiếm chạy rầm rầm xuống mấy bậc thang. Ito xuống đến nửa cầu thang đúng vào lúc Umanosuke dẫm chân xuống bậc thang cuối cùng. Ito nhảy vọt lên, chém sả kiếm vào vai Umanosuke. Nhưng cứ thế mà thành xác chết, theo đà nhảy mạnh bạo ấy rơi lăn lóc trên nền đất dưới cầu thang. Thân người bị chém banh ra, mà cũng chỉ vì một nhát kiếm của Umanosuke mà thôi. Hẳn là chuyện hiếm có. Khách ở tầng trệt chạy trốn ra đường. Đường trước cửa quán đông nghẹt người đứng xem đen nghịt như núi. -"Có thấy cháu bé đâu không?" Umanosuke dõi mắt tìm quanh. Trong cơn hốt hoảng, anh không thấy Matsukichi đang đứng sững trong góc phòng gần đấy, mắt mở to tướng. Sự việc xảy ra kinh khủng quá, khiến trẻ con không nhận thức được mà hoá ra bình thản kỳ lạ. Thấy vậy, Umanosuke an lòng. Anh tra kiếm vào vỏ, nói: -"Xin gọi người chức trách của khu này đến đây". Có người nào đó chạy đi. Umanosuke ngồi xuống bậc thang: -"Cháu à, lại đây". Umanosuke đặt Matsukichi ngồi lên đùi, ôm cậu bé vào lòng. Hai bàn tay anh ôm vai cháu, cảm thấy thân thể nhỏ xương ấy bé bỏng quá. Nhưng Matsukichi không run rẩy tí nào. Gặp chuyện ghê gớm quá thì lại bình thản được nhỉ. Umanosuke chợt nhìn thấy cô hầu bàn trẻ kia. Thấy anh nhìn, cô dợm chạy trốn. Umanosuke vừa mới chém chết người ta, hẳn là trông có vẻ đáng sợ lắm. -"Cô kia, thức ăn thì không cần nữa đâu". Giọng nói có phần cao hứng. Nếu là thầy Momonoi Shunzo, trong trường hợp này hẳn cũng nói thế. Umanosuke nghĩ: Mình cũng đâu đến nỗi là đồ bỏ!. Anh tự nhủ: Cười lên đi nào! Cơ mặt co lại. Nhưng mặt khó cử động quá, nên anh dồn sức vào bụng dưới, rồi bắt đầu mỉm cười được. Cô hầu bàn hoảng hồn la lên rồi chạy mất. Có vẻ nụ cười của anh quái dị quá chăng. Viên chức của khu vực này đã đến. Umanosuke khai tên họ, sở thuộc phiên trấn nào, và kể đầu đuôi câu chuyện đưa đến việc kiếm kích đổ máu này. Trong lúc đó, có vẻ Matsukichi nhớ lại nỗi khiếp hãi trước đây, nên nép chặt bên hông Umanosuke mà khóc oà lên. Umanosuke phải vừa thuật chuyện vừa dỗ dành cháu: -"Đừng khóc! Hết sợ rồi mà". Tình cảnh như thế khiến viên chức của khu vực thông cảm. Những người chứng kiến cũng đồng tình với phía Umanosuke, khiến hai người đã chết bị xem như bọn gian ác vô đạo. Hai xác chết nằm đó đã diễn vai gian ác thật thuyết phục. Nói chuyện diễn trò, hẳn phải thấy rằng vai cậu bé Matsukichi quan trọng đến thế nào. Nếu không có Matsukichi, hẳn là hai người kia đã chẳng có cớ để khởi đầu gây sự. Cũng có thể nói là vì Matsukichi mà đưa đến cái chết của hai người ấy. Cũng chính cậu bé ấy giờ đây lại nép chặt vào bên hông Umanosuke mà cứu giúp cho thế đứng của anh. Đến Umanosuke cũng phải chịu là tự nhiên mà thành một sự sắp đặt kỳ diệu. Và cả cô hầu bàn nữa chứ. Nếu như cô đã không có thái độ như thế đối với người khách đang đói bụng, để không làm cho Umanosuke bực tức, tình cảm uất ức dồn nén không lộ ra vẻ mặt khó chịu của Umanosuke, thì đâu đến nỗi chọc giận hai người võ sĩ kia. Cũng có thể nói rằng hai người ấy đã chết do thái độ của cô hầu bàn kia nữa. Vả lại, bình thường thì gặp bọn say rượu vô lễ như thế, Umanosuke hẳn đã khéo léo tránh đi rồi. Tính anh vốn hoà hoãn. Vậy mà hiếm hoi thay, cơn giận dữ đã nổi dậy trong lòng anh, tích tụ lớn dần lên, rồi bùng nổ thành sát khí khi anh đặt chân xuống cầu thang ấy. Có thể nói chẳng phải sự tức giận, mà chính là anh hoàn toàn không suy nghĩ trước sau, cân nhắc gì cả khi trên cầu thang bước xuống. Anh đã hoàn toàn vô tâm mà phản ứng, chứ nếu không thì thân thể anh làm sao mà thực hiện được động tác rút kiếm phản công thần kỳ như thế được? Umanosuke lần đầu tiên đã nếm được vị "vô tâm" ấy. Và cũng khởi đầu từ cô hầu bàn kia, anh đã thi triển được những thế kiếm kỳ diệu đến như thế. Hiện tượng của con người có nhiều yếu tố bất ngờ đan xen nhau mà tạo ra tác phẩm trong thoáng chốc. Trong trường hợp này, tác phẩm lại có phần khác thường, biểu hiện bằng hai xác chết trên nền đất của quán Matsuda. Có lẽ trong mơ hồ mù mờ thế này có công án Thiền gì đấy. Umanosuke nghĩ như thế mà trở thành người chịu khó suy nghĩ đôi chút. Vụ "xô xát ở quán Matsuda" này được giải quyết xong mà không hại gì đến Umanosuke. Phiên trấn Tendo có hai võ sĩ bị giết, muốn đưa ra thành chuyện lớn, nhưng họ điều tra ngọn ngành vẫn không nắm được chi tiết nào có lợi cho Nakagawa và Ito cả, nên đành im lặng mà chấp nhận tổn thất. |
Vụ "xô xát ở quán Matsuda" này đã dựng Umanosuke lên thành kiếm khách nghĩa hiệp nhất đất Edo. Hầu như mỗi ngày đều có nhiều kiếm khách các môn phái khác tìm đến võ đường Momonoi để xin "chỉ dạy cho kẻ hậu học". Umanosuke cứ phải tiếp khách và kể đi kể lại cùng một câu chuyện ấy. Có lúc lại phải rút kiếm gỗ, tái diễn cảnh ấy cho khách xem. Hoá ra lại làm cho võ đường Momonoi mang tiếng, rằng "được thể mà khoác lác, một bước tới Trời!". Umanosuke hoàn toàn không có ý như thế, nhưng người ta vẫn cho là thái độ của Umanosuke chỉ có thể hiểu được như thế mà thôi. Quán nhậu Matsuda từ vụ này đã nổi danh khắp Edo, người hiếu kỳ từ xa cũng đua nhau tìm đến, nên tha hồ hốt bạc. Umanosuke thật mắc cở quá, không bước chân lại quán Matsuda, nhưng một hôm, có việc đi ngang qua đấy, nên tình cờ ghé lại. Anh bước lên tầng trên, mọi người rộn lên như đón chào người anh hùng! Trong những tia nhìn đầy hiếu kỳ của đám khách, Umanosuke chẳng làm sao có da mặt đủ dày để bình thản mà ăn uống cho được. Anh đành âm thầm ăn qua loa cho xong rồi bước xuống cầu thang. Bước xuống mấy bậc thang, anh chợt nhớ lại lúc ấy, tay bất giác sờ cán kiếm. Cho đến bây giờ, anh vẫn không rõ mình đã làm động tác nào để xoay lưng rút kiếm được như thế. Anh rút kiếm thử xem. Nhưng rút kiếm được, mà không làm sao xoay lưng chém địch suôn sẻ được như lần ấy cả. Anh thử lại vài lần. Thử mấy lần cũng bị vướng, mũi kiếm chạm vào trụ gỗ, còn không thì mũi kiếm không với tới đâu xa phía sau lưng cả. Lạ lùng thật! Có lẽ khi lâm vào thế cùng, không ý thức mà con người có được động tác phản ứng kỳ diệu đến tưởng như bất khả kia. Umanosuke bất giác nhìn xuống phía nền đất. Có khoảng 20 khuôn mặt người lạ chen nhau ngước lên nhìn anh. Có vẻ họ nghĩ là Umanosuke đang cố ý diễn lại cảnh ấy cho bọn họ thoả lòng hiếu kỳ đấy. Thấy anh rút phắt thanh kiếm ra, đồng thời xoay lưng vung kiếm, rồi quay lại tra kiếm vào vỏ, cả phía dưới lẫn phía trên cầu thang vang rộn tiếng vỗ tay hoan hô thật ngây thơ! Umanosuke làm thinh bước ra khỏi quán. Chuyện này rồi cũng loan truyền đi, khiến Umanosuke phải chuốc lấy những lời quở trách, không chỉ từ môn nhân trong võ đường Momonoi, mà còn từ những kiếm khách có lòng chính nghĩa trong khắp Edo nữa. Người ta đồn là anh đã biểu diễn lại cảnh ấy chiều theo yêu cầu của khách ăn nhậu ở quán Matsuda. Thầy Momonoi Shunzo vốn đã khổ tâm vì vụ này từ trước, nghe đồn như thế lại càng bực bội không chịu nổi mà bảo anh: -"Con quả thật không hiểu kiếm là gì cả". Umanosuke nghĩ là thầy hiểu lầm rồi, nhưng anh không có tài hùng biện để giãi bày ngay được. -"Thưa, ngay lúc ấy thì...". Umanosuke muốn nói lúc xảy ra vụ xô xát ở quán Matsuda. -"... con nghĩ là đã hiểu được...". Quả thật, ngay giây phút ấy, anh cảm thấy đã hiểu ra được điều gì đấy. Thế nhưng, điều đã hiểu được ấy ngay sau đó đã lọt khỏi tâm trí anh mất rồi. Umanosuke gắng tìm lại điều ấy, không phải chỉ muốn tái diễn để hiểu phương pháp chống đỡ, mà thật ra, anh muốn quay trở lại để hiểu được tâm cảnh của mình ngay lúc ấy. Nắm lại được, xác nhận được tâm cảnh ấy, thì hẳn là có được lợi điểm gì đấy còn quý hơn cả kỹ thuật kiếm pháp nữa. Thầy Momonoi Shunzo chỉ nói: -"Con hiểu sai rồi". Nhưng Umanosuke tự tin là mình đã không hiểu sai. Ngay sau đó, Umanosuke đã rời Edo đi tu tập một vòng ở Kyushu, như ý thầy Momonoi Shunzo muốn anh rời khỏi chuyện thị phi ở Edo một thời gian, mà cũng vì chính Umanosuke đã bất bình về sự hiểu lầm ấy của thầy mình. Sau khi Umanosuke đi Kyushu, thầy Momonoi Shunzo bảo các đệ tử cao cấp trong võ đường rằng: -"Có vẻ cậu ấy ngay giây phút rút kiếm chém địch, đã thấy được gì đấy. Nhưng lại để vuột mất những gì đã thấy được ấy. Chắc là chẳng còn tìm thấy lại được đâu". Thầy ấy nghĩ rằng Umanosuke không có căn cốt để có thể tìm thấy lại được. Umanosuke đi vòng các nơi ở Kyushu rồi vào phiên trấn Satsuma. Đến khoảng ấy cuối thời Mạc Phủ, việc đến viếng phiên trấn Satsuma đã trở nên dễ dàng lắm rồi, Umanosuke còn được cả phiên trấn hoan nghênh chào đón nữa. Trong thời gian ở đấy, anh đã trú ngụ tại nhà phiên sĩ Ishuin ở xóm Kajiya gần thành. Mỗi ngày đều có người đến xin "chỉ giáo", nhưng không ai đạt đến trình độ kiếm thuật của Umanosuke cả. Một ngày kia, có Yoshida Yushin, kiếm sĩ phái Tenjinen từ Hyuga lãnh địa Shimazu, đến xin đấu. Phiên trấn Satsuma có lệ là không mở võ đường, nên chỗ đấu kiếm được chọn là sân nhà của Ishuin. Ngày đấu, bọn gia thần của Lãnh Chúa hâm mộ kiếm thuật lũ lượt kéo đến xem, khiến trận đấu nổi tiếng như cồn. Yoshida không mang dụng cụ bảo vệ mặt, thân hay tay, chỉ cầm thanh kiếm tre to bản. Umanosuke bảo: -"Xin mang dụng cụ bảo vệ vào". Yoshida mỉm cười đáp: -"Môn phái chúng tôi quen như thế này rồi", nhất định không chịu mang dụng cụ bảo vệ. Umanosuke đành cởi dụng cụ bảo vệ của mình ra, nhưng anh không khởi đấu ngay, mà đem áo giáp bằng cật tre đến cột vào thân cây tùng gần đấy, rồi nói: -"Thưa ngài Yoshida, kiếm tre của tôi có tác động đến mức nào, xin thử vào áo giáp này để ngài xem. Nếu áo giáp này gãy vụn ra, thì xin ngài mang dụng cụ bảo vệ vào cho". Yoshida không tin có chuyện như thế, nhưng cũng tỏ ý bằng lòng, xem sao. Umanosuke tấn kiếm trên tầm cao, mũi kiếm múa lơ lửng trên không một lúc, rồi đột ngột chém vụt xuống thần tốc đến nỗi người xem chớp mắt thì không thấy được. Nghe vút một tiếng chói tai, áo giáp tre gãy vụn ra. Tiếp đó, Umanosuke mượn một tấm gỗ dày 4 phân (chừng 12 mm), đặt thẳng đứng, bình thản tấn kiếm rồi đột ngột đâm tới mãnh liệt. Mọi người im bặt sửng sốt. Lưỡi kiếm tre của Umanosuke đã xuyên thấu qua tấm gỗ. -"Vì thế, xin mang dụng cụ bảo vệ giùm cho". Rồi cuộc đấu bắt đầu. Nhưng Yoshida đã run sợ quá rồi, tay chân lập cập không ra đòn gì được, bị ép lùi mãi, chẳng ăn thua gì cả. Các cuộc đấu của Umanosuke đều gần như thế, đối thủ của anh thường khiếp sợ đến cứng người mà thua, còn nếu họ không cứng người vì khiếp sợ, thì anh thua. Umanosuke được tiếng là kiếm khách số một Nhật Bản về kiếm tre, thế nhưng cho đến Minh Trị Duy Tân, vẫn không được đối xử như là kiếm khách hạng cao cấp nhất. Sau Duy Tân, có thời Umanosuke đã làm giáo thụ kiếm thuật trong Nha Cảnh sát quốc gia, và chết năm Meiji (Minh Trị) thứ 25 (1892). Những năm về già, Umanosuke thường đến chơi ở võ đường không nổi tiếng mấy do đệ tử của môn sinh mình là Mitsuwa Sennosuke mở ra ở xóm Matsushima khu Nihonbashi, khi nào có người khẩn khoản yêu cầu thì biểu diễn dùng kiếm tre đâm thủng tấm gỗ dày 4 phân cho họ xem. -"Kiếm thuật của ta rốt cuộc là như thế này thôi". Umanosuke thường cười mà thản nhiên nói như thế. Nhưng nghe đâu cũng đã có lần bảo nhỏ Mitsuwa Sennosuke rằng: -"Trong vụ xô xát ở quán Matsuda, ta đã làm rơi mất một thứ quý báu lắm. Mà ngay bây giờ cũng vẫn còn làm rơi rớt mất như thế. Giá mà tìm thấy lại được, thì có lẽ ta đã trở nên một người khá hơn rồi". Võ đường của Mitsuwa Sennosuke là nơi đám môn nhân còn sót lại của võ đường Momonoi lừng danh ngày xưa thường đến chơi, nhưng rồi võ đường này đến năm Meiji thứ 19 (1886) cũng bị dẹp mất. Tự nhiên, sau đó Umanosuke cũng đi đâu mất, không ai biết cả. Vợ của Umanosuke chính là cô Otose ngày xưa ấy. Con trai thứ tên là Takanosuke, nghe đâu bán dược phẩm ở Yokohama.
|
Ghi chú của
người dịch:
Truyện ngắn "Kitte wa mita ga" của Shiba Ryotaro, được dịch từ nguyên tác là truyện thứ 6 trong tập truyện "Armstrong-hou" (Đại bác Armstrong), bản bỏ túi, do nhà Kodansha Bunko tái bản lần thứ 30 tháng 12 năm 2000. |
|