Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Người VN Ở Nước Ngoài
Một Vị Thuyền Nhân Việt-Nam Đầu Tiên 
Vượt Biên Sang Định Cư Ở Nước Ngoài Làm Vẻ Vang
Cộng Đồng Dân Tộc
***

An-Tiêm Mai Lý Cang
(Paris)

Đền Lý Bát Đế

Chân dung đích thực từ những hình ảnh đơn phương cho đến màu sắc đa dạng của cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài, hiện nay, đã được nhìn thấy rõ nét bằng nhiều sự quyết tâm cố gắng vượt trội, để rút ngắn con đường hội nhập vào với sinh hoạt xã hội của người dân bản địa. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều mặt thành công về tương lai sự nghịệp, thì lại cũng còn có những quá khứ thất bại đau buồn. Và bên cạnh hình ảnh của những đứa con ngoan hiền học giỏi, đức hạnh, thì cũng phải kể đến có những thành phần thanh thiếu niên hư hỏng trước mọi sự bất lực giáo dục con cái của gia đình. Còn ngoài sinh hoạt liên đới cộng đồng, thì người ta cũng đều thừa nhận là chưa tìm thấy được có một dấu hiệu lạc quan, khởi sắc nào khả dĩ quy tụ được lòng người về một mối. Do vậy, đôi khi, có niềm băn khoăn chung của hầu hết mọi người, là không biết có phải nên phó mặc cho số mệnh của thế hệ nào ra thế hệ nấy. Và sẽ không có vấn đề liên kết ràng buộc khắt khe, để áp đặt cho thế hệ tương lai phải có lối suy nghĩ và sống như phương cách của thế hệ chúng ta?

Một lẽ dễ hiểu, vì chúng ta di cư đi quá xa tầm ảnh hưởng của dân tộc.

Thử lấy những thí dụ như trường hợp mô hình của cộng đồng người Trung-Quốc và Do-Thái. Họ đã xa lìa quê hương, tổ quốc của họ từ bao thế kỷ, vậy mà tâm hồn của họ lúc nào cũng còn giữ được nhiều bản sắc của giống nòi. Nguyên nhân là vì bước chân của họ đi đến đâu, thì cũng đem theo văn hóa của ông bà ra để mà ứng dụng một cách trung thành. Hay nói cho đúng hơn, là họ chỉ thoát ra ngoài lãnh thổ quê mẹ, để xâm nhập vào các xã hội láng diềng liên hệ bằng phương cách như hình ảnh của những vết dầu loang. Chính nhờ vào ưu thế dính trết tương liên đó, mà họ đã có những cơ vận hội may mắn sớm tìm thấy đựợc những viện bảo tàng căn cước duy trì tinh thần đồng chủng, để nhận thức trách nhiệm liên đới và củng cố tình đồng hương một cách tương đối khá dễ dàng. Trái lại về phần người Việt-Nam của chúng ta ngày xưa không có truyền thống tha phương cầu thực. Và đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập quốc, một tập thể cả triệu người do hậu quả biến động của chiến tranh mà phải đột ngột bỏ xứ ra đi đến những vùng đất đai có núi non xa lạ, khác nhau rất nhiều với thổ ngơi, văn hóa của dân tộc mình. Và vì do yếu tố của hoàn cảnh không gian bất lợi, cho nên đành cam phải sống rời rạc nhau, và khó có thể tổ chức kết hợp thân hữu được kiến hiệu theo như ý của nhiều người mong muốn. Hơn nữa, kiều bào của chúng ta phải chịu lấy ảnh hưởng trực tiếp nặng nề vào trật tự nếp sống của xã hội mới. Cho nên, có thể phải mất khá nhiều thời gian tính bằng thế hệ đời người mới mong hoàn thiện được mọi nhu cầu kết hợp. Do vậy, chuyện thực tế phức tạp trong đời sống cá nhân đi làm xảy ra thường xuyên hằng ngày lo giải quyết chưa xong, thì ai mà còn lòng dạ nào để ý lưu tâm đến mọi vấn đề bên ngoài song cửa. Nếu có bận tâm chăng, là vấn đề mà họ phải ráng cố gắng nuôi dưỡng tinh thần của con em để chăm chỉ học hành giỏi giang, tìm được việc làm bảo đảm tương lai. Còn nếu muốn nói đến những tham vọng uốn rèn, tôi luyện đưa chúng vào khuôn khổ cuộc sống, giữ mãi tinh thần văn hóa đặc thù của dân tộc ở xứ người, thì đó chỉ là một công trình tranh thủ hết sức tế nhị, đến đâu hay đến đó mà thôi. Tuy nhiên, trường hợp đáng được ca ngợi hơn hết là sự quyết chí để làm thế nào có thể cổ võ, động viên được tinh thần yêu nước của con em trong ngày mai hậu. Làm thế nào, để cảnh giác được con em phải có ý thức trở về nguồn và biết hãnh diện về cội rễ của giống nòi.

Đây là một tiền đề được tìm thấy trong tình huống khó khăn, đã làm cho hầu hết mọi người phải có trách nhiệm ý thức đến hoàn cảnh phức tạp của vấn đề giáo dục con cái trong gia đình mình. Và điều làm cho người ta băn khoăn nhất bây giờ, là rồi đây đa số trẻ em trong các thế hệ tương lai của cộng đồng sẽ bị nạn mù chữ Việt-Nam bên cạnh nền văn hóa Âu-Mỹ khai phóng trực diện cá tính con người. Và rượt theo trình độ điện toán của khoa học văn minh. Vì thế, nếu ngày nào mà các trẻ em trong cộng đồng người Việt-Nam hải ngoại sau nầy lớn lên tự cảm thấy mình hoặc bị có một thế đứng quá xa đối với tầm ảnh hưởng dân tộc. Hoặc bị bó tay trước mọi sự bất lực của thế hệ mình, thì tức là ngày đó, kể như tương lai phấn khởi của cộng đồng kiều bào sẽ rơi vào tình trạng không mấy chi tốt đẹp.

Chính sự bi quan nầy cần phải được can đảm, để chấp nhận khi cần nhìn vào thực tế. Vì yếu tố thời gian sẽ đào thải rất nhanh các ảnh hưởng của thế hệ cha anh đi trước, vốn có tinh thần hiểu biết nhiều về lịch sử dân tộc và còn nhiều tình tự đối với quê hương.

Trái lại, trường hợp của các con em sinh sau đẻ muộn và lớn lên trên đất lạ, cây cối nở hoa tươi tốt, sẽ tiếp tục được thụ hưởng sinh khí tự do, giàu sang vật chất. Nhưng chúng lại không có dịp để liên lạc, trao đổi thông tin với quê hương, về thăm mẫu quốc, thì làm sao mà có thể nói đến chuyện góp phần giao lưu văn hóa giống nòi. Hơn thế nữa, tuổi trẻ là bồng bột, hiên ngang, lạc quan và lý tưởng, trái tim chứa đựng sức sống đi vào hành trình phụng sự cuộc đời xã hội, non sông. Vậy nếu bỏ lỡ qua cơ hội trở về nguồn khi còn trẻ, có nghĩa là không thể biết nói, biết đọc, biết viết được chữ mẹ đẻ, thì sau nầy càng đến tuổi già lại càng bị nặng mang gánh gia đình, tinh thần chi phối, sức khỏe hao mòn. Và lúc đó, cho dù có muốn đóng góp gì chăng, thì cũng chỉ là những hình thức dự phần có ý nghĩa tượng trưng cho tấm lòng máu chảy về tim mà thôi.

Nhưng khi người ta nói đến lý thuyết quá nhiều, mà không có đề cập đến mọi điều thể hiện tế nhị để sửa đổi từ tác phong, tư cách, để tự cứu cho chính bản thân mình hầu làm gương sáng cho thế hệ con em, thì lại cũng chỉ hóa ra vô bổ. Do vậy, những ngôn từ thốt ra vì sự khinh suất vô tình hay cố ý có thể làm tan vỡ tình thân hữu cộng đồng để chuốc lấy lòng ganh tị oán hờn, sao cho bằng, một nghĩa cử gây sinh tình đoàn kết, hòa giải lẫn nhau hầu để cùng nhau xây dựng nên một mái nhà chung hạnh phúc. Người ta có lạc hậu chăng mỗi khi nghĩ đến tình đồng bào trên đất khách, và thật tình người ta không nghĩ mình quá tệ như vậy. Vả lại, nếu người ta từng nói theo quan niệm của triết học văn minh tôn giáo xem tất cả con người nhân thế như là những tế bào chung của xã hội bao la, thì sá gì một chút lòng đức độ, vị tha của mình không chịu bỏ ra để hàn gắn cho đời. Nhất là cho những con người còn giữ được tiếng nói của dân tộc, để nói ra những âm thanh quen thuộc mà chúng ta có dịp được nghe. Lẽ đó, nếu người ta không chịu tôn trọng ý kiến, tư tưởng của kẻ khác, thì tức là người ta đã mặc nhiên vô tình lại chà đạp lên tính chất của tinh thần tự do dân chủ, khai phóng theo như truyền thống của nền luật pháp văn minh trong xã hội Âu-Mỹ. Một hình thái cấu trúc xã hội lý tưởng, mà nhiều quốc gia chậm tiến đang mong muốn làm sao để có thể thực hiện được. Và như vậy, nếu một khi đôi điều băn khoăn suy nghĩ như trên không còn lý do tồn tại, thì lúc đó, mọi người mới có thể hiểu được mình và sẵn sàng bắt tay vào kỷ nguyên thuận hòa trong tinh thần cộng đồng mới.

Tóm lại, giờ đây mỗi khi nói đến sự thành hình cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài, thì người ta đã phân tích ra gồm có nhiều thành phần thế hệ di cư từ thuở vua Gia-Long trên đường bôn ba đào tẩu ra nước ngoài mang theo hàng ngàn binh sĩ và gia đình họ. Rồi nào là thành phần di cư trước năm 1945. Kế tiếp, là thời kỳ thành phần thế hệ lính tráng gốc Việt cùng gia đình họ, theo chân đoàn quân viễn chinh Pháp hồi hương trong năm 1954. Các sinh viên đi du học nhiều đợt. Những người có hoàn cảnh thuận tiện sang Âu-Mỹ làm việc trong nhiều thời kỳ. Thế hệ sinh đẻ và lớn lên ở ngoại quốc. Thế hệ di tản và vượt biên từ năm 1975. Thế hệ con em của di dân sau năm 1975, các công nhân xuất khẩu lao động và các thành viên trong diện hôn nhân mai mối. Tuy nhiên, xét cho cùng thì chung quy còn lại chỉ có hai thành phần đáng được chú ý nhiều nhất. Đó là thành phần những thế hệ định cư vĩnh viễn ở xứ người nhưng luôn luôn vẫn tâm niệm rằng, đây chỉ là thời gian của giai đoạn tha phương cầu thực trên đất khách. Và một thành phần thế hệ khác kể cả những người chôn nhau cắt rún ở quê cha đất mẹ Việt-Nam, nhưng nay lạm nhận xem hải ngoại nơi đây chính lại là quê hương gắn bó của cuộc đời mình. Ngoại trừ, lớp thế hệ Việt-kiều sinh đẻ tại bản xứ thì dù muốn dù không, họ cũng phải xin chọn nơi nầy làm quê hương ruột thịt đầu tiên, và đó cũng là một sự đương nhiên.

Phải phân tích rõ ràng như vậy thì người ta mới có thể dễ dàng đi sâu vào đời sống tâm lý, tình cảm cá nhân của những thành phần gốc Việt cho dù là lai giống. Và cũng để có thể hình dung ra được từ bản sắc văn hóa dân tộc cùng với sự tác dụng của tinh thần hội nhập, hài hòa ở vào các môi trường giao lưu với nền văn hóa bản địa. Trong quá khứ, cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài chỉ là những hình ảnh nhạt mờ không hơn không kém vì số lượng ít ỏi, thiếu hẳn tính chất sinh hoạt tập thể. Vào thời kỳ đó, mọi người tìm đến với nhau như là một sự ngẫu nhiên, giao thiệp cư xử với nhau bằng những hành động riêng rẻ, và cũng không có được nhiều cơ hội, phương tiện để tổ chức các hội hè văn nghệ giải trí, tương thân, tương trợ. Và cũng để cùng nhau có dịp hoạt động dễ dàng, ít nhất là về mặt tinh thần hầu vận dụng được những đặc tính cơ bản của bản sắc dân tộc, để phát huy truyền thống tốt đẹp của người mình.

Ngày nay, với chiều hướng có phần thuận lợi hơn về hoàn cảnh không gian xã hội, các bộ phận của cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài chỉ cần tiến thêm một bước nữa về ý thức nội dung cơ bản, thế đứng của mỗi cá nhân trước trách nhiệm sống vì cộng đồng. Và tương lai cho cả thế hệ mai sau, để sốt sắng tham gia tích cực đóng góp tinh thần, vật chất vào cho tập thể. Với ý nghĩa thời sự cấp bách đó, nó đòi hỏi thật nhiều yếu tố thời gian và công sức của hầu hết mọi người phải làm sao để cho có thể duy trì được bản sắc văn hóa của dân tộc trong mọi tình huống, mà trong trường hợp nào cũng phải chủ động giải quyết về mọi vấn đề. Và còn hơn thế nữa, ngoài xã hội cộng đồng cũng như trong gia đạo phải bằng mọi giá tìm phương tiện để gieo thêm tình cảm về gắn bó với đất nước quê nhà. Phải thông cảm nỗi xót xa, đau khổ của đồng bào mỗi khi có họa mất mùa, thiên tai dồn dập, đời sống thiếu thốn của công nhân, trẻ em bụi đời v.v. Phải ý thức cho con em của mình biết tự hào về lịch sử quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Phải quan niệm đứng đắn về những môi trường gặp gỡ thuần túy Việt-Nam, bất luận dù ở trong lãnh vực nào đều cũng là những nhu cầu bức thiết để duy trì bản sắc giống nòi trên xứ người và cần được tán dương, tích cực tham gia triệt để.

Hiện tại, với tỉ lệ đầu người theo ước tính phỏng chừng gần bằng 3% của tổng số dân trong nước. Cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài đã may mắn do hoàn cảnh đào tạo ra được một số nhân tài đáng kể, khả dĩ có khả năng để len lỏi vào các ngành nghề điện tử, hành chánh, kỹ thuật v.v của xã hội phương Tây.

Phải chăng đó là những giấc mơ xưa của hai nhà chí sĩ cách mạng tiền bối họ Phan, nay đã được có cơ may thành tựu?

Dẫu sao, đây cũng quả là một nét đẹp trong quá trình hội nhập vào thế giới bên ngoài của dân tộc Việt-Nam, và cũng phải nói một cách thực tế là bắt đầu từ năm 1975. Sau gần suốt cả một trăm năm bị giam mình trong nô lệ, chịu nhiều tủì nhục cho đất nước, người Việt-Nam của chúng ta bây giờ đã thực sự có điều kiện để tạo ra chiều không gian mở rộng, để tiếp cận với nền văn minh phương Tây qua nhiều hình thức khác nhau mà hình ảnh nếp sinh hoạt của cộng đồng kiều bào hôm nay đã thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, trong trường hợp nào đi nữa thì người ta cũng dễ dàng phân biệt được những ý nghĩa của giá trị thời gian cùng khoảng cách không gian hoàn toàn có tính cách khác nhau. Và nếu phong trào Đông-du, Tây-du thời tiền bán thế kỷ 20 ngày trước là nhằm mục đích tuyển chọn những thành phần thanh niên ưu tú của đất nước để gởi đi du học, hầu để mai sau nên phận nhân tài trở về góp phần vào công cuộc giải phóng quê hương.

Còn bây giờ, thì nhân tài hiện diện sẵn có ở khắp nơi mà người ta chỉ có thể gọi là tinh hoa của cộng đồng, chứ chưa phải được gọi là tài hoa của đất nước!

Với cái nhìn cay đắng đó, người ta thấy rõ ràng cuộc sống thực tế đã cột chặt vào quyền lợi cá nhân và hạnh phúc gia đình của cả những thế hệ kiều bào sinh trưởng ở nước ngoài. Giờ đây, lớp thế hệ trẻ có nhiều lý do để không còn thiết tha toàn vẹn cho tổ quốc quê hương. Đại đa số tuổi trẻ đầu xanh vừa mới lớn lên thực sự không còn có những nhu cầu liên hệ tình cảm, gia tộc, xóm làng như tâm hồn của cha anh họ nữa. Và ngay cả những khái niệm về nguồn gốc tổ tiên, thì cũng chỉ là những hình ảnh trừu tượng trong trí não của chúng mà thôi. Rồi đây, đất nước quê hương sẽ lần lần thiếu sự hiện diện trong tâm hồn của những con người gốc gác Việt-Nam nầy qua cách nói năng, ăn mặc, tập quán v.v nhất là sự vắng bóng dần con số thành viên nhiệt tình tham gia vào các buổi sinh hoạt tập thể cộng đồng. Tình trạng ấy sẽ kéo dài, và yếu tố của thời gian sẽ có tác dụng làm xói mòn tình yêu nước, vì tuổi trẻ mai sau sẽ có lối suy nghĩ cuộc đời hoàn toàn khác lại với trí óc, con tim của cha anh mà chúng đã có dịp nhìn thấy lâu ngày.

Đối với chúng, hình ảnh của cha anh kể từ ngày cất bước ra đi với não trạng bâng khuâng, trăn trở nhớ nhung về đất nước, thì chỉ có mang theo được một ít mảng hồn văn hóa lưu vong bên lề dân tộc, và gói ghém tích lũy nghèo nàn. Nhưng chúng cũng đã tỏ ra có đầy đủ trí óc sáng suốt thông minh để nhận định thừa hiểu rằng, bất luận những kẻ nào nếu muốn vượt qua khỏi ảnh hưởng của cộng đồng, thì phần đông đó là những kẻ vốn có tâm hồn vong bản. Lẽ đó, mặc dù hình hài của đất nước cha anh hôm nay thực sự đã bị đắm chìm theo khoảng cách của không gian mờ mịt. Nhưng cũng vẫn hãy còn có những người trẻ đã có được trình độ ý thức cao về nguồn gốc của giống nòi, và biết hãnh diện về nét đặc thù của những công trình chứng tích của vóc dáng đền đài, miếu tự đơn sơ của tổ tiên ta từ trong nước.

Do vậy, mà họ đã tỏ ra thông cảm cho cuộc đời của cha mẹ qua kiếp phù sinh ngắn ngủi của con người. Tình yêu quê cha đất tổ đã đánh động được con tim, và chuyển hóa đựợc tinh thần hoài cố quốc, làm cho họ bắt đầu thích lăn xả vào những phong trào gây sinh phúc lợi cộng đồng hướng về tầm xa hơn là dân tộc. Và làm đẹp quê hương hơn nữa, qua mọi hình thức nồng nàn đóng góp thiết thực khả năng sẵn có của mình. Tuy nhiên, càng về lâu, về dài thì người ta càng không thể tin rằng là những thế hệ tâm huyết đó còn giữ mãi được phong độ, để có thể còn hâm nóng lại được những bầu máu nóng trong xã hội phương Tây băng giá. Vì nơi đây, sức sống tranh đua giữa con người chẳng khác nào như là hình ảnh của những động vật thường quen chiến đấu ở trong môi trường mánh mung, tiểu xảo.

Quả vậy, xã hội phương Tây trên thực tế trong trường hợp nào thì cũng không thể gọi là có tính cách hoàn toàn lành mạnh như nhiều người quá ao ước nghĩ lầm! Hãy nhìn hình ảnh sống động trong phim trường mà quái kiệt Charlot đang chuyên làm nghề gắn kiếng cửa sổ, mà nếu muốn có được những ổ bánh mì nhận đầy bơ thịt hằng ngày, thì lại phải cần đến sự hợp tác của một thằng nhóc bụi đời lanh lợi đi trổ tài ném đá phá bể kiếng nhà thiên hạ. Hay thực tế hơn với bao nhiêu trường hợp trăm phần trăm, là người ta sẽ có dịp khổ sở ra mặt mỗi khi phải đưa chiếc xe hơi vào các trạm sửa chữa, hay như biết bao nhiêu những trường hợp tương tợ trong các ngành nghề khác v.v. Bộ mặt của xã hội phương Tây cũng hãy còn có nhiều khuôn mặt nạ trá hình tinh ma quỷ quái, và cũng không phải chỉ dừng lại ở nơi đó.

Ngoài ra, hiện tượng lệ thuộc quá nhiều vào đời sống kinh tế gia đình vẫn có thể làm vẩn đục lòng yêu nước của nhiều người trí thức? Hay cũng có thể làm xóa mờ ý niệm hoài hương của đại đa số thành phần bình dân? Hơn bao giờ hết, sự kiện ấy được nhìn thấy rõ ràng không riêng gì cho kiều bào của chúng ta, mà còn cho hầu hết bất cứ từng lớp di dân tha phương cầu thực nào trên thế giới. Nói chung, hiện nay hình ảnh tinh thần yêu dân tộc, đồng bào ở tại quê hương gốc gác của các sắc tộc di dân trộn pha như ở Mỹ-Châu, Âu-Châu, Úc-Châu v.v từ lâu đã bị giảm dần đi những mức độ nồng nàn. Hay nói cách khác, là tâm hồn của các thế hệ di dân quốc tế ngày nay đã có những biến chuyển thực tế hơn. Do vậy, mà sau khi tìm được đất lành chim đậu hạnh phúc ấm no, thì họ thường hay nghĩ ngay đến tương lai của gia đình con cháu. Chính vì lẽ đó mà người ta có thể nói rằng, yếu tố ràng buộc vào kinh tế gia đình đã quyết định cho sự lựa chọn quốc tịch, cho đa số hoàn cảnh của các thế hệ di dân thuộc bất cứ thành phần quốc gia nào.

Tuy nhiên, trở lại vấn đề mà nếu người ta còn có những ước vọng tạo ra nhiều thành quả ở tương lai, thì người ta cũng không thể nào quên được mọi nhu cầu quan trọng đòi hỏi không thể không có, để ứng dụng vào công việc giao tế xã hội hằng ngày. Đó chính là những mối ưu tư về trật tự của tổ chức tốt đẹp, để kiều bào có thể cùng nhau sinh sống trong một định chế cộng đồng hữu hiệu, hầu để lại cho con em sau nầy còn có dịp kế thừa những di sản trọn vẹn của cha anh. Do vậy, người ta phải cố gắng làm thế nào để tìm cách động viên, làm sao cho sống lại tính chất hữu cơ trong tinh thần của hầu mọi người Việt-Nam đang chung sống ở tại nước ngoài. Nhưng đứng trước những trở ngại dị đồng khó lòng khắc phục được trong một sớm chiều, thì người ta cũng không loại trừ ra ngoài được những yếu tố bi quan lo ngại về tinh thần chơn chất bình dân địa phương của những thành viên kiều bào. Và lẽ dĩ nhiên, hình ảnh của một gia đình trong trường hợp điển hình đó, nếu họ không có được những ý thức trách nhiệm cần thiết đối với tập thể, thì họ cũng chẳng màng lưu tâm nhiều hơn về tương lai cuộc sống của con cái mình. Và như vậy, hiện tượng sẽ bị đồng hóa vào xã hội bản địa chỉ còn là vấn đề sẽ được rút ngắn lại nhiều hơn ở thứ tự thời gian.

Tuy nhiên, thực thể của cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài sẽ không bao giờ bị bức tử, nếu một khi người người, nhà nhàtoàn thể cộng đồng kiều bào ở khắp mọi nơi lúc nào cũng có lòng tưởng nhớ đến quê hương, và thủy chung không sao quên được tiếng nói của mẹ đẻ. Chính vì vậy, mà ngoài lý do phải đi tìm bằng mọi cách để làm sống lại tính chất hữu cơ trong sự chung chạ cộng đồng, người ta còn phải biết áp dụng những điều khái niệm cụ thể về tập quán của xã hội phương Tây, để có thể sớm được dễ dàng hội nhập vào mọi nhu cầu kết ước. Điều mà nhu cầu có mối tương quan trói buộc cộng đồng của chúng ta vào luật lệ địa phương, và tình cảm liên hệ với thế giới bên ngoài. Đó là hành trình của một bài toán nan giải vừa đã được tìm ra đáp số để chữa bệnh tận gốc, mà trách nhiệm của những nhà dìu dắt hội đoàn là phải biết ra công thi hành phương thức để củng cố cho sự kết hợp và nuôi dưỡng tinh thần đó sống mãi trong mái nhà thân hữu cộng đồng. Còn nữa, màu sắc của yếu tố tôn giáo dân tộc cũng đã đóng một vai trò đặc biệt, làm nhịp cầu hữu hiệu quy tụ được con số đông kiều bào có niềm tín ngưỡng thiêng liêng. Chính hình thức tôn giáo là một phương tiện tâm linh chuyên chở văn hóa hồn thiêng của dân tộc ra tận nước ngoài, nhưng trong tập thể cộng đồng người ta cũng phải nên khéo léo tế nhị, để dung hòa tư tưởng cùng nhau trong những vấn đề nhạy cảm.

Hiện nay, hãy còn đa số gia đình kiều bào - nhất là những người cao tuổi - trong cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài của chúng ta luôn luôn có quan niệm cho rằng, mình trước sau cũng chỉ là những kẻ ngụ cư chớ không pnải là những kẻ định cư lâu dài trên đất khách. Lẽ đó, cho nên mọi sự liên hệ gắn bó tình tự với đất nước xa xôi dù xảy ra dưới bất cứ hình thức nào, thì đó cũng là những dịp để họ được trực tiếp góp phần tham gia bày tỏ tấm lòng. Và từ lâu, họ cũng đã từng khẳng định lại quan niệm nầy nhiều lần, để họ tiếp tục kiên trì giữ được tinh thần sốt sắng cụ thể là phụ giúp khả năng tài chánh cho gia đình ở cách xa hơn nửa phần trái đất, để thư từ về thăm viếng cha mẹ, bà con ruột rà thân quyến, mồ mả tổ tiên v.v. Sau cùng, là cũng để luôn luôn tỏ lòng tưởng nhớ đến non nước quê hương yêu dấu cách xa nghìn dặm. Như vậy, đứng trước nhiều quan niệm trái ngược nhau về ý nghĩa tương lai cuộc sống của từng hoàn cảnh, tùy thế hệ, liệu người ta thật sự có đủ khả năng bản lĩnh để đứng lên cứu nguy toàn vẹn cho hiện tượng băng hoại của cộng đồng! Hay đành bất lực cứ để cho định mệnh nổi trôi, cho đến một lúc nào mà thực thể của cộng đồng nầy phải chịu ảnh hưởng của một sự hóa thân biến lần bản sắc?

Chúng ta hãy mạnh dạn bỏ đi những huyền thoại dân gian trái với mọi nhận thức chiều sâu của khoa học, thực tế của cuộc đời, hầu để tận dụng triển khai tinh thần chiến đấu, ý chí sáng tạo, tinh thần cầu tiến và bàn tay xây dựng của con người. Và cũng không quên dặn dò trao lại gói hành trang cho thế hệ con em, để chúng tiếp tục vận hành con tàu viễn xứ kịp theo tốc độ của nhu cầu thời đại. Ngoài ra, chuyện trong gia đình dạy con cái nói tiếng Việt cũng vậy. Chuyện chính yếu không phải là ở chỗ bắt buộc các con em phải làu thông ngôn ngữ mẹ đẻ, mà không trau dồi tiếng nói bản địa, vốn có ảnh hưởng trực tiếp vào vận mệnh tương lai của chúng hơn bao giờ hết. Nhưng mọi sự cố gắng quyết tâm ép buộc chúng phải tham gia vào các tổ chức sinh hoạt trẻ em cộng đồng, áp dụng cho chúng biết thực hành được một số ngôn ngữ mẹ đẻ tối thiểu, thì tức là còn giữ được cho chúng có cơ hội để mai sau dễ dàng khi muốn có dịp tìm về bản sắc dân tộc, để suy tư về nguồn gốc của giống nòi. Vả lại, mỗi khi nhận định về nguồn cội sắc tộc của con người thì người ta cũng cần nên phân tích kỹ ra tùy thuộc vào hai yếu tố của thổ ngơi và thời điểm. Bởi vì khi nói đến quê cha đất tổ, thì nghĩa là có tính cách để cho người ta muốn nói đến hoàn cảnh không gian xa xưa của ông bà, và khi nói đến nơi chôn nhau cắt rún thì mới lại là một sự trái ngược.

Đó là một sự giải thích, phân tách hợp lý rõ ràng trên cơ sở bình đẳng nhân quyền mà người ta không thể nào không nhìn thấy được những hiện tượng phát triển tinh thần của tuổi thơ đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề trong xã hội phương Tây. Lý do là vì trẻ em sinh ra thuộc thế hệ đàn sau ở trong lòng đất mới nầy đã có dịp hội nhập tức thời vào vạn vật, màu sắc cá biệt với quê hương ruột thịt của cha mẹ mình. Rồi nào là chế độ dinh dưỡng ăn uống bằng sản phẩm thực vật, thảo mộc địa phương, còn lúc lớn lên thì bước vào dưới mái học đường và hấp thụ ngay mức văn hóa trong trình độ văn minh của quốc gia cư ngụ.

Và điều nầy, sẽ làm cho chúng có một sợi dây vô hình ràng buộc, do đó, đương nhiên chúng phải bị lệ thuộc vào mọi ảnh hưởng sắc thái của đất nước bản địa.

Tuy nhiên, có bao giờ tuyệt đại bộ phận trong cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài của chúng ta nghĩ đến cho thế hệ của con em mình. Sau nầy khi lớn lên thì ngoài quê hương chôn nhau cắt rún của chúng, chúng vẫn còn phải bị ràng buộc vào mối tình thiêng liêng quê cha đất tổ của ông bà nữa...như trường hợp của một đại gia đình giòng họ Lý gốc " Việt-Nam" ở Hàn-quốc từ bao thế kỷ đã trôi qua?

Trong những thập niên dài gần đây, không riêng về truờng hợp đặc biệt của tác giả mà còn phải kể cả những thành phần người Việt xa quê về nước thăm nhà. Và đã cùng nhau có dịp viếng thăm tổ đình của giòng họ Lý ở tại miền Bắc, để nghĩ thế nào khi nhìn thấy được trên bàn thờ "Lý-Bát-Đế"* ở tại làng Đình-Bảng, thị xã Từ-Sơn, Bắc-Ninh (tỉnh cũ là Hà-Bắc) cách Hà-Nội khoảng 20km về phía Bắc, hiện có một quyển sổ vàng khắc ghi mấy dòng tâm huyết Việt-Hàn với bút tích đề ngày 18-5-1994 với nguyên văn như sau:

Kính thưa các vị Tiên-Vương,

Hôm nay con là Lý-Xương-Căn, hậu duệ của các vị về đây tưởng niệm công đức của các quý Tiên-Vương. Với nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi cội nguồn, dòng giống, rồi đây cháu chắt của quý vị sẽ lại tìm về nơi đây được vui mừng khấn vái trước những anh linh của các quý Tiên-Vương. Nỗi niềm tưởng vọng đó cũng là đạo lý đương nhiên đối với tổ tiên, và hơn nữa, xin cầu nguyện các Tiên-Vương phù hộ cho để quan hệ hữu hảo giữa hai nước được sâu đầy hơn nữa. Với tấm lòng cảm động, xúc động không sao ngăn nổi, hôm nay về thăm cháu chắt được cảm nhận lòng vinh quang, vinh dự và cũng cảm thấy ấm lòng đối với cuộc hành hương lẻ loi nầy.

Cháu chắt xin thề, không bao giờ làm những điều gì tổn thương đến vong linh cao quý của các Tiên-Vương bằng cả tinh thần và sứ mạng đặc biệt...

Trên đây là bút tích của một người Hàn gốc Việt ở trong phái đoàn về thăm quê cha đất tổ sau gần tám trăm năm, mà các thế hệ gia đình ông bà của họ đã có dịp vượt biên ra định cư sinh sống ở nước ngoài. Trong quá trình lịch sử thành hình nên bản sắc cộng đồng người Việt-Nam hải ngoại, thì trường hợp hoàn cảnh của gia đình họ Lý nầy phải nói rất thật là đặc biệt đối với cả tập thể kiều bào và dân tộc. Cách đây mấy năm, nhân dịp tham dự buổi lễ mừng Tết Đinh-Hợi 2007 tại Hà-Nội, người ta cũng có dịp gặp lại hình ảnh của thành viên kiều bào nầy. Đó chính là Lý-Xương-Căn (Lee-Chang-Can), một doanh nhân Hàn gốc Việt hiện tại đang lập nghiệp và sinh sống ở tại miền Bắc Việt-Nam. Ông là cháu đời thứ 26 của hoàng tử Lý-Long-Tường, và là hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý-Thái-Tổ.

Đây là một phần sử liệu vô cùng quan trọng đối với tinh thần dân tộc, kéo dài từ đó đến giờ đã trải qua gần tám trăm năm. Thời gian cách đây khá lâu vào tháng 11 năm 1994, thì tại Hàn-quốc cũng đã có hệ thống của các đài truyền hình, phát thanh SBC tổ chức một chương trình đặc biệt vinh danh nói về "Lễ hội kỷ niệm hoàng tử Việt-Nam Lý-Long-Tường". Và cũng để thực hiện chương trình văn hóa kỷ niệm Hoa-Sơn tướng quân nầy, đài SBC đã sang tận Việt-Nam quay phim cảnh làng Đình-Bảng vốn là quê hương của dòng họ Lý-Hoa-Sơn với đền "Đô" tức là đền thờ tám vị tiên vương nhà Lý.

Nguyên hoàng tử Lý-Long-Tường là con thứ 12 của vua Lý-Anh-Tông, vì đi kiếm đường tị nạn chính trị mà phải tìm cách vượt biên trôi giạt đến vương quốc Koryo (Cao-Ly) vào năm 1226. Tại đây, Lý-Long-Tường đã được hoàng đế Kojons của nước Koryo tiếp đãi trọng hậu, và sau đó được tấn phong cho tước hiệu là Hoa-Sơn tướng quân vì ông đã có công giúp nhà Vua chiến thắng được giặc Nguyên-Mông. Những tài liệu quý giá nầy đã được chính phủ hai quốc gia Việt-Hàn luôn luôn chính thức quan tâm đề cập đến trong Hội Hợp-Tác Phát-Triển Văn-Hóa Kinh-Tế và Nghiên-Cứu Lịch-Sử Hàn-Việt đã có dịp nối lại quan hệ sau gần tám thế kỷ. Chính nhiều sử gia và học giả Hàn-quốc cũng đã từng đề cao về hình ảnh của hoàng tử Lý-Long-Tường như là một nhân vật kiệt xuất, văn võ song toàn. Chiến công đánh đuổi quân Nguyên-Mông và cứu nguy cho Hàn-quốc đã làm cho nhân dân nước nầy, hiện nay, một mực luôn luôn tỏ lòng sùng kính Hoa-Sơn tướng công. Họ tiếp tục nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của hoàng tử, và tổ chức hằng năm lễ kỷ niệm Lý-Long-Tường ở hai nơi là Séoul và trấn Hoa-Sơn. Giờ đây, toàn bộ gia phả của dòng họ Lý gốc "Việt-Nam" đã được các hậu duệ của Hoa-Sơn tướng quân ghi chép và giữ gìn cẩn thận. Trong đó, có nói rõ ràng về nguồn gốc của vị tổ tiên mình là Lý-Công-Uẩn sinh ra ở tại làng Đình-Bảng, huyện Tiên-Sơn, đất kinh Bắc tức là vùng tỉnh Hà-Bắc của Việt-Nam ngày trước. Và rồi, do ý thức trở về nguồn cội cho nên nhân dịp một buổi lễ do Trung-Tâm Nghiên-Cứu Văn-Hóa Quốc-Tế tại Hà-Nội tổ chức vào ngày 24-11-1994, thì vị cháu sau cùng của dòng họ Lý gốc "Việt-Nam" là Lý-Xương-Căn** đã trân trọng trao lại toàn bộ gia phả vô giá nầy lại cho Việt-Nam sưu khảo, bảo tồn.

Ôi! Thật là cảm động vô ngần, và xúc động biết bao!

Vì đây là một thực thoại dân gian của xã hội đương thời gói trọn nghĩa tình cao quý, và sự kiện lịch sử thành tâm vọng quốc của những gia đình hoàng tộc nhà Lý gốc "Việt-Nam" lánh nạn Trần-Thủ-Độ, chạy sang đến đất Cao-Ly trú ẩn dưới triều đại của hoàng đế Kojong lúc bấy giờ là có thực. Chính vì vậy, mà bây giờ mỗi khi nhắc đến hoàn cảnh của từng giai đoạn đặc biệt đã ráp nối nhau, tạo nên sự hình thành cho mảng cộng đồng thân yêu của chúng ta nơi hải ngoại hôm nay. Chắc chắn ai nấy cũng sẽ không sao có thể tránh khỏi được bao nỗi bùi ngùi, nghĩ lại từng dấu chân dò dẫm của người xưa đã bước đi trong những cuộc hành trình dặm ngàn gian khổ.

Và hình ảnh về sự nghiệp của Hoàng-Tử Lý-Long-Tường luôn luôn bao giờ cũng đều được hầu hết tất cả mọi người vinh danh thừa nhận, coi như là một vị thủy tổ của thuyền nhân Việt-Nam đầu tiên trong lịch sử lập quốc, đã vượt biên ra định cư ở nước ngoài từng làm vẻ vang cho tập thể cộng đồng kiều bào của chúng ta.

An-Tiêm MAI-LYÙ-CANG
(Paris)
* - Tám vị Vua nhà Lý ngày xưa là: Lý-Thái-Tổ, Lý-Thái-Tông, Lý-Thánh-Tông, Lý-Nhân-Tông, Lý-Thần-Tông, Lý-Anh-Tông, Lý-Cao-Tông, Lý-Huệ-Tông.

** - Hiện nay đồng hương Lý-Xương-Căn và gia đình đã trở về lập nghiệp sinh sống tại Việt-Nam.

Thủy đình của đền Đô

*****************



 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Người VN Ở Nước Ngoài

******
 
 

*********


 
 
An-Tiêm MAI-LYÙ-CANG

(Paris)