Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]              [ Trang Chủ ]               [ Tác giả

Văn hoá yêu đương đại 
Trịnh Thanh Thủy
Sau khi clip cầu hôn của một nam sinh viên Việt cầu hôn bạn gái mình bằng một màn nhảy flash mob rất độc đáo ở Cali, Mỹ, được lưu chuyền trên net, cư dân mạng xem xong, ai cũng thấy xôn xao. Trong nước, ngoài nước, mọi người bắt đầu chú ý đến giới trẻ và phong cách yêu cũng như lối thể hiện tình cảm của họ hiện nay. Người lớn xem xong cảm động, người trẻ càng xem càng mê, lối tỏ tình lắm công phu, nhiều tập dợt ấy. Kẻ năng động lại thích cái văn hoá nhảy nhót, có nhạc, có bạn bè, gia đình, người thân, người lạ gom thành một đám đông thương yêu đùm bọc. Trong phút giây bày tỏ tình yêu quá thiêng liêng, ai nhìn mà không thấy những hành động được diễn ra một cách rất là dễ thương, dù cô gái vai chính còn có vẻ bất ngờ và bối rối. Yêu nhất nét hồn nhiên của đám đông, trộn lẫn, chung vui và chia sẻ. Nếu đem so với "văn hóa yêu" của thế hệ chỉ hơn chừng 10 tuổi, thấy khác xa lắm.
 
Nam đang cầu hôn Trang trước sân trường UCLA
Thú vị nhất là điểm tình cảm cá nhân của đôi trẻ được thể hiện cùng sự thương yêu, ôm ấp đầy tình người của một cộng đồng. Đó là một điểm son của flash mob. Chị bạn tôi mới coi clip ấy xong, hứng thú rủ tôi và bạn bè vào học lớp nhảy loại này vì cháu chị là một chủ nhiệm lớp ở Đại học Calstate Fullerton. Chị nói rất tếu "đi học cho cuộc đời có chút hồn nhiên, và rất tốt cho chân tay, người dẻo quẹo, đỡ đau lưng. Điệu rất dễ, không phải thập thò kiểu nhảy đầm Tây thập niên 60,70, kiểu "đi nhảy coi chừng bị ôm, bị lợi dụng ..." Mà thế nào là lợi dụng? ai lợi dụng ai? được cái gì, mất cái gì? Chẳng qua, cứ ôm ông Khổng Tử vào người, tiết cho phải sạch, giá cho phải trong, cứ làm như mình là một nồi cháo lòng không bằng."
Giới trẻ Hà Nội nhảy nhẫu hứng

Nói thêm về trào lưu nhảy flash mob, tiếng Việt mình gọi là nhảy ngẫu hứng. Flash mob, dịch sát nghĩa là "một cuộc huy động chớp nhoáng". Một nhóm bạn trẻ tụ tập nhau (có thể liên lạc trước qua tin nhắn trên mạng, spam hay tin nhắn điện thoại...) nhảy nhót ở nơi công cộng, và sau khi nhảy xong, họ tự động giải tán. Flash mob có khả năng lôi kéo như một cơn bão. Bắt đầu từ một người khởi xướng với những động tác đơn giản, bão sẽ lan ra tới gấp trăm, ngàn người. Người ta thích nhất ở flash mob là sự thoải mái, giản dị, mộc mạc với những động tác mà "ai cũng có thể làm được". Hiện nay flash mob được giới trẻ ưa chuộng nồng nhiệt ở nhiều nơi trên thế giới nhất là các nước Á Châu như Nhật Bản, Hàn quốc và cả Việt Nam.

Các buổi nhảy ngẫu hứng đã được diễn ra tại Sài Gòn, Hà Nội là những nơi tập trung mua bán sầm uất, là tụ điểm du lịch của người dân lẫn du khách. Mới đây ngày 20 tháng 11, 2011, có khoảng 500 bạn trẻ tụ tập nhảy flash mob trên cầu Ánh Sao, thành phố Sài Gòn. Ngày hội hiến máu, ở Hà Nội có cả ngàn sinh viên nhảy ngẫu hứng giữa mưa. Một màn nhảy của teen Ams trong "Ngày hội Anh tài 2010" xảy ra trong khuôn viên trường đã gây ra cơn sốt trong cộng đồng teen Hà Nội. Điều này chứng tỏ bầu nhiệt huyết của giới trẻ có sức lôi cuốn không nhỏ.

Nhìn các em trẻ nhảy nhót yêu đương cuồng nhiệt, những bậc trưởng thượng chặc lưỡi giật mình tự hỏi. Sao chúng nó biểu hiện tình cảm lộ liễu quá, "tây" quá thế? Hãy xem các bạn trẻ yêu thần tượng của mình. Nào là những lúc tranh nhau xin chữ ký, chen lấn, chờ đợi, giành giật, hỗn loạn, đứt dép, thâm tím chân tay, chỉ để gặp mặt công chúa, hoàng tử trong mơ. Thậm chí có cô còn đột nhập vào khách sạn, cào tài tử kiêm ca sĩ Kim Huyn Joong, Hàn Quốc và tự hào đã chạm được vào người mình yêu thích ! ! ! Những tình cảm chan chứa được thể hiện cuồng nhiệt như la hét, khóc lóc, mất trật tự và phát điên lên trong những buổi đi đón những thần tượng âm nhạc như nhóm nhạc Hàn quốc Super Junior, Suju Ko, 2NE1 ở Hà Nội. Một nhóm teen lại còn tổ chức nhảy flash mob trong công viên Thống Nhất, Hà Nội để đón chào nhóm 2NE1 mà họ hằng mơ tưởng.

Ngày xưa ông bà chúng ta tỏ tình kín đáo và ý nhị. Cái thời mắt liếc mắt, vụng về nói lời ấp úng hay len lén trao một lá thư xanh đã qua lâu rồi. Nào những anh lầm lũi "theo Ngọ về" hàng tháng, hàng năm mà rụt rè không ngỏ được một lời mến mộ, đã "xưa rồi Diễm ơi". Có cô "bị" một anh chàng tỏ tình như sau: "Em đang đứng với mấy người bạn gái thì anh ta đi xe máy đến phanh kít lại cách mấy bước và lớn giọng: L, ra anh bảo. Em xấu hổ quá nhưng chẳng biết tránh đâu nên đành tiến ra phía anh ta. Anh ấy ngồi dạng hai chân trên cái xe @ hỏi: có yêu anh không? Trả lời ngay bây giờ, nói đi"

Văn hoá yêu bây giờ nẩy lửa, công khai, ồn ã hơn. Mới đây màn tỏ tình cuối năm rất lãng mạn bằng 600 bông hồng dưới 
Tỏ tình bằng trái tim kết từ 600 bông hồng 
dưới cầu Long Biên
cầu Long Biên đã làm người dân ven bờ sông Hồng một phen sững sờ. Bất kể thời tiết giá buốt, một chàng trai ngồi tỉ mỉ xếp 600 bông hoa hồng thành hình trái tim rất đẹp, có lồng chữ đầu của hai người, với mục đích tỏ tình với bạn gái của mình. Tiếp đó màn cầu hôn công khai giữa 2 thành viên diễn đàn CĐV bóng đá Hải Phòng có nickname là kedoibom và mitmeo đã làm sửng sốt 3 vạn khán giả ngồi chật kín các khán đài. Hai thành viên trẻ diễn đàn CĐV này đã yêu nhau được nửa năm và chàng trai lãng mạn kedoibom đã "mượn" sân Lạch Tray để "dội một trái bom" cầu hôn đến bạn gái mình. Trên các khán đài tiếng hô vang "hôn đi" không ngớt và sau khi cô gái đồng ý, chàng trai đã dắt tay cô gái xuống đường piste với bó hoa trên tay rồi chạy vòng quanh sân.

Các vụ tỏ tình được cho là ồn ào tiếp tục xảy ra và được sao chép, tạo nhiều dư luận trái ngược, có người cho là dễ thương, người thấy bị gượng ép, và có tính cách phô diễn. Kết quả của sự sắp đặt cầu kỳ, công phu của người nam đôi khi bị đánh đổi bằng sự cay đắng, mất mặt vì không lường trước được phản ứng của người mình yêu và lời cầu hôn bị từ chối trước đám đông. Đó là màn tỏ tình gây sốc ở Vũng Tàu với 1 hình trái tim được xếp bằng hoa hồng và nến, bên trong còn 1 trái tim nhỏ và dòng chữ bằng hoa hồng "I love U" rất lãng mạn. Hai nhân vật chính xuất hiện, chàng trai quỳ xuống tặng hoa và móc nhẫn từ trong túi đeo vào tay cô gái, sau đó là một nụ hôn. Họ nói chuyện với nhau rất lâu và đoạn cuối đau đớn diễn ra: cô gái đã không đồng ý lời cầu hôn của chàng trai, rút nhẫn và trả lại hoa.
 

Tỏ tình ở Vũng Tàu
Người Hà Thành muôn năm cũ yêu cái đẹp cổ của Hà Nội khi đi xa trở về, có thể sẽ khó chịu với những hình vẽ, chữ viết trên tường, đường phố hoặc bất cứ nơi nào có dấu chân của các cặp tình nhân đi qua. Họ, những kẻ yêu nhau muốn lưu lại kỷ niệm, bằng tên ghép, vài hàng chữ, lời có cánh hay những ký hiệu mà thành cầu, cây cối hay bờ tường ngẫu nhiên trở thành một chứng nhân lịch sử. Đôi lúc, có cả những dòng chữ thiếu văn hoá gây phản cảm cho khách qua đường, đặc biệt ở đây có nhiều khách ngoại quốc vãng lai.

Những thể hiện tình cảm lộ liễu nơi công cộng đã trở thành mối băn khoăn của nhiều người trong thời buổi văn hoá toàn cầu này ở Việt Nam. Khi VN mở cách cửa đón du khách, cánh cổng internet luân lưu trên không gian, cũng như sự mời đón Việt Kiều khắp nơi trên thế giới về, gió lạ đã thổi vào. Những làn gió văn minh đủ màu sắc văn hoá ồ ạt lùa đến, dĩ nhiên có cả gió lành, gió độc, rác rưởi, ruồi bọ và tất cả mọi thứ. Vấn đề là người dân ứng xử ra sao trước những luồng văn hoá mới mà thôi.

Đây là một vài ý kiến cá nhân trong nước được trích như những ưu tư trước văn hoá yêu đương đại.

- Ôm hôn nhau, thể hiện tình cảm riêng tư chốn công cộng (công viên, vườn hoa...) đã được bàn cãi nhiều và điều này xem ra có thể được chấp nhận ở một mức độ nào đó. Thế nhưng vô tư đến nỗi ôm hôn nhau...trên xe buýt thì quả thật cần phải xem xét lại bởi hành động này ít nhiều gây khó chịu cho những người xung quanh.

- Hơn thế nữa những cách thể hiện tình cảm đậm chất phương Tây này đã theo chân sinh viên vào giảng đường đại học. Chúng ta đều biết các bạn sinh viên yêu nhau rất hết mình nhưng "hết mình" đến nỗi thoải mái ôm nhau trong khuôn viên trường - nơi có biết bao bạn bè, thầy cô qua lại thì thật là quá "dị hợm".

- Còn nữa, không thiếu những cặp dắt tay nhau đến lớp. Lên lớp rồi, họ không chỉ ngồi cạnh nhau trò chuyện tâm tình mà đôi lúc còn diễn những "đoạn phim" nóng bỏng cho bạn bè ngồi xung quanh xem.

- Những hành động trên, đối với người phương Tây có thể là chuyện bình thường. Còn phương Đông chúng ta, ngày nay tuy đã có cái nhìn thoáng hơn, nhưng tôi dám chắc rằng phần lớn chúng ta không thể chấp nhận kiểu "tự do" dị hợm đó.

- Mỗi chúng ta đều có cách biểu hiện tình cảm của mình khác nhau. Tuy nhiên tình cảm thì không thể nào gương ép được. Dù bạn là người nước ngoài hay người Việt Nam thì cũng vậy. Thiết nghĩ do ý thức của mỗi chúng ta mà thôi. Một số người nước ngoài cũng như người Việt nam hôn nhau nhưng không làm những người bên cạnh khó chịu, tuy nhiên một số người làm điều ấy gây khó chịu những người xung quanh. Vậy hôn như thế nào để thể hiên mình là người có văn hoá? Có lẽ đây là một vấn đề khó và tôi nghĩ chúng ta cần có những buổi toạ đàm , những chương trình đề cập đến vấn đề tế nhị này nhằm giáo dục văn hoá yêu cho sinh viên, học sinh góp phần nâng cao đời sống văn hoá cho cộng đồng.

- "ôm hôn thống thiết, những cử chỉ mặn mà nơi đám đông ấy phải chăng là một tình yêu chân thật hay cũng chỉ là thứ tình cảm thoáng qua", tôi nghĩ điều này không thể trả lời một cách chính xác được . Chúng ta mở cửa , chúng ta được " nhận " thì chúng ta cũng phải chấp nhận những cái " mất "... một trong những cái mất đó là lối suy nghĩ " thoáng " trong tình yêu của giới trẻ . Sách , truyện , phim ảnh ,... nó ngấm dần mà người ta không biết , có thể gọi là vô-thức , rồi người ta hành động , và cứ cho như thế là bình thường...Nhìn cảnh 2 người hôn nhau trước cổng trường , nhìn cảnh người ta âu yếm nhau trong " vườn học tập " - trước con mắt bao nhiêu người , nhìn cảnh trong lớp học mà người này dựa vào người kia ,... tôi cũng cảm thấy " ngứa mắt " , nhưng... làm gì được ? Sv rồi , họ chẳng giống như em nhỏ để mình còn la rầy , họ có nghe mình nói không ??? tôi nghĩ là không ! Sự thay đổi nhận thức về những hành động của mình , có chăng là ở chính bản thân họ thôi ! Tình yêu sv bây giờ khác 5 năm về trước , và tình yêu sinh viên 5 năm sau cũng sẽ khác tình yêu sv bây giờ , phải chăng , sẽ càng bạo dạn hơn , càng " thoáng " hơn nữa ???

- Theo tôi, hiện nay nếu người ta muốn thể hiện những tình cảm của mình nơi công cộng thì nên thể hiện một cách thanh lịch, đẹp. Không chỉ riêng tôi mà có lẽ tất cả chúng ta đều cảm thấy vui khi thấy trong cuộc sống tình yêu được người trao gửi cho nhau một cách đầy ngọt ngào mà lãng mạn. Thêm một nụ hôn, cuộc sống có lẽ sẽ tươi mát hơn giữa đặc kín những bụi bặm, bon chen. Việc cuộc thi hôn tại Hải Phòng vừa rồi không có được giấy phép tổ chức từ các cơ quan quản lý văn hóa thể hiện một điều: Hình như người Việt Nam chưa quen lắm với việc bày tỏ tình cảm nơi công cộng, có lẽ vào thời điểm hiện tại... yêu còn khó hơn ghét rất nhiều.

Chuyện yêu đương một cách hồn nhiên nơi công cộng của thế hệ trẻ hiện nay còn bị một số người lên án gay gắt và cho rằng họ bị ảnh hưởng phim ảnh và truyền thông nhưng lại quên rằng ngoài phim ảnh và truyền thông, hệ thống mạng toàn cầu chính là một nhịp cầu giao lưu khiến thế hệ trẻ bạo dạn và thoáng hơn nhiều. Ai từng là cư dân mạng, sẽ không lạ lùng gì khi gặp những bàn tay trẻ Việt giơ ra bắt làm quen với các bàn tay bạn hữu thế giới. Trên yahoo messenger, paltalk, hay những trang tìm bạn tình, kết bạn bốn phương, bao nhiêu là tình bạn được nối kết giữa Âu, Á, các giống dân và chủng tộc khác nhau. Hai, ba mươi năm trước lấy chồng ngoại quốc là điều bị dị nghị, ngày nay các cô đua nhau đi lấy chồng nước ngoài. Quan niệm yêu ngày nay thay đổi nhiều, có khi chỉ là những quan hệ thuần tính nhục dục. Có người chỉ đong tình yêu bằng con số bạn tình mình có được hàng ngày. Càng có nhiều bồ càng chứng tỏ mình được yêu nhiều, có sức lôi cuốn mạnh. Tuổi trẻ yêu vội sống cuồng, có người sống buông thả, trụy lạc, thay người yêu như thay áo và xem đó như một chiến tích.

Văn hoá yêu của người Việt hiện nay đã được pha trộn khá nhiều văn hoá phương Tây, tựa như một số các nước Á Đông khác như Phi, Hàn, Nhật. Sự trộn lẫn mang tính toàn cầu hoá không xấu nhưng sự bắt chước hay vay mượn phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Nói một cách tiêu cực thì chạy theo trào lưu một cách hồn nhiên mà không nghiên cứu kỹ nét văn hoá mình đi vay, dễ đưa đến lắm điều trái ngang, tạo sự nực cười ngô nghê. Tục ngữ có câu "Nhập gia tùy tục", mấy ngưòi Mỹ vô tiệm phở VN, thấy bưng ra 1 đĩa giá, ngò om, ngò gai, tưởng đĩa salad như Mỹ, cố bốc nhai trệu trạo hết trưóc khi tô phở tới. Người VN khoái chí ôm bụng cưòi ngặt nghẽo.

Tích cực hơn, ta có thể thấy văn hoá trộn lẫn sẽ biết thành một nét văn hoá mới có màu sắc đặc thù riêng. Tỷ như món pizza ở YÙ không giống món Pizza ở Mỹ và lại càng khác hơn khi nó ở Việt Nam, nó được chế biến lại cho hợp khẩu vị dân địa phương.

Áo dài Việt Nam bây giờ biến hình theo từng nhà vẽ kiểu thời trang mang đủ nét Âu Á pha trộn, áo dài có khi còn có cả hai quai trên vai giống áo tank top!! Hay như các cô dâu tổ chức đám cưới trong nước hiện đang chạy theo phong trào mặc áo voan trắng mà đôi khi đòi phải có 2 quai. Ở Nhật, cô dâu cũng mặc đầm trắng như vậy, nhưng không có những điều kỳ cục đính kèm. Đặc biệt ở Việt Nam, các chàng đi dự tiệc cưới, lại diện quần bò(jeans) vì muốn chứng tỏ mình giản dị, cool và không mặc đẹp hơn chú rể !!! Mấy ông cao bồi Texas thấy, chắc trợn tròn mắt ngạc nhiên không sao nhắm lại được. Các nhà văn hoá ngoại quốc nghiên cứu phong tục Việt Nam sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy một nét văn hoá xưa, hoạt động tín nghưỡng dân gian là "lên đồng" ngày nay có nơi còn được tân trang bằng màn nhảy lên đồng điệu cha cha cha!!!

Ở hải ngoại, các bậc cha mẹ hầu như ai cũng muốn con cái mình tìm cho được người phối ngẫu hay người yêu là người Việt. Một anh chàng 25 tuổi gốc Việt sanh ở Mỹ bảo với mẹ rằng "Mẹ cứ bắt con tìm bạn gái VN, con cũng cố nhưng chịu thôi, vì so với mấy đứa bạn ngoại quốc của con vừa thành thật, thẳng thắn, mấy đứa con gái VN hay nói vòng vòng, con đâu phải là chuyên viên tâm lý mà đọc được ý nghĩ của tụi nó".

Một bà mẹ khác dạy con gái trước khi cưới "con bắt  nó phải mua nhẫn kim cuơng cỡ 2 carat trở lên" nhưng chính bà lại dạy con trai "bộ bố mẹ nó tưỏng nhà nó ngon lành lắm hả? Nó có bằng Master, con cũng có Master vậy, nó õng ẹo, con cứ dẹp...".

Krystal Eplin có nói "Tình yêu giống như bạn uống vội một ly sô cô la nóng, trước khi nó nguội lạnh. Hớp đầu có thể làm bạn ngạc nhiên, nhưng nó sẽ giữ ấm cho bạn rất lâu". Tình yêu tuổi trẻ đương đại cũng vậy, nóng bỏng, cuồng nhiệt và làm thế giới chung quanh giật mình. Hãy yêu họ và ủng hộ họ vì tình yêu của họ làm trái đất này còn có màu xanh.

Trịnh Thanh Thủy
Tài liệu tham khảo

-Văn hoá yêu ở sinh viên http://vietbao.vn/Xa-hoi/Van-hoa-yeu-o-sinh-vien/30086552/126/
-Tình yêu sinh viên nơi ký túc xá http://thpt-nbk.org/forum/Topic-Tinh-yeu-sinh-vien-noi-ky-tuc-xa
-Văn hoá yêu-Phụ nữ online http://www.baomoi.com/Van-hoa-yeu/139/4955777.epi