Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Toan tính bất thành 

Quý Thể

Trưa làm về, Tuần vào phòng ăn, không thấy vợ, hướng vô phòng ngủ gọi:

- Em ơi ra ăn cơm !

Kêu đôi ba lần không nghe tiếng trả lời, anh đóan vợ đi vắng.Tuần hỏi chị Hai người làm, chị nói :" Cô nằm xem sách ở trong phòng". Tuần bực tức, thời buổi này lúc nào cũng khư khư ôm tiểu thuyết. Vợ con người ta lặn lội đầu tắt mặt tối suốt ngày còn bà này sống viễn vông, chẳng chút thực tế, phải chi cô ta đọc sách học hành, hay đọc sách bổ ích, trau dồi kiến thức, đàng này đọc tòan tiểu thuyết ái tình nhảm nhí, quyển nào cũng dày mo, tòan chuyện dâm ô, bạo lực. Không uốn nắn kịp thì hỏng. Anh gọi thêm vài lần nữa mới nghe vợ lên tiếng. giọng nói còn có ý không bằng lòng :

- Ăn đi, no lắm, không ăn đâu, kêu mãi...

- Tới bữa phải ăn chớ, tại sao lại no ?

- Thì no chớ làm sao ?

- Ăn gì mà no ?

- Vừa rồi ra ngã tư Bà Triệu, Thái Nguyên ăn bún bò bà Diệu...

Nói xong Mộng như còn sống trong không khí của câu chuyện kể lai lịch quán bún bò giò heo nổi tiếng lâu đời ở thành phố này. Ngày trước ai có khách khứa từ xa đến, buổi sáng thường dẫn tới quán hàng đặc sản này điểm tâm. Thời ấy nơi đây gọi là bún bò Công Chánh. Lúc đầu người mẹ bán. Sau giải phóng mẹ già, con gái lớn bán. Bún bò Công Chánh ngon đặc biệt. Ở Nha Trang chỉ có bún bò nơi đây mới được xem là "Chính thống" bún bò Huế, còn những nơi khác đều lai cả, lai với phở, mì quảng, hủ tiếu...

Tuần trách vợ :

- Cơm đã dọn lên rồi, còn đi ăn hàng ...

- Không ăn sao được ?

- Tại sao ? Đói bụng hả?

- Không phải đói. Em vừa đọc xong cái truyện ngắn "Máy đếm tiền" Anh Chín Hợi dẫn cô gái xinh đẹp mà anh gọi là máy đếm tiền vô chợ ăn bún. Chiều lành lạnh, hai người ngồi cạnh lò than trên có đặt nồi nước dùng bốc khói thơm mùi thịt bò, mùi giò heo, mùi sả và nhiều thứ rau thơm khác. Ánh lửa bập bùng làm cho đôi má cô gái thêm hồng. Cô cắn ớt xiêm, môi phồng lên, mọng như quả nho chín. Hàm răng cửa của cô trắng đều, mở ra cắn phập vào chiếc chân giò tươm mỡ...Đọc thấy muốn ăn không chịu nổi, em liền đạp xe đi ăn một tô bún giò nạc dặc biệt. Bây giờ còn no.

Nghe vợ nói, Tuần nghĩ ngợi mãi về số phận mình, rủi hay may khi sống với một con người lẫn lộn giữa đời thực với tiểu thuyết này ?

***

Chiều hôm sau đi làm về anh thấy mắt vợ đỏ hoe và sưng tấy như vừa mới khóc. Anh tưởng đã xảy ra chuyện gì, hỏi, Mộng không nói. Tuần đi thẳng xuống bếp hỏi chị Hai:" Ở nhà có xảy ra chuyện gì mà vợ tôi khóc ?" Chị Hai nói :

- Không, cả buổi chiều bà nằm trong phòng.

- Thế tại sao cô ta khóc ?

- Tôi làm sao biết được. Tôi tưởng thầy làm cô giận

- Tôi có nói gì đâu.

Tuần lên nhà trên thấy Mộng đứng trước gương lấy khăn ướt lau mặt, chải tóc, xong ngồi trước bàn phấn đăm đăm nhìn hình bóng mình trong gương, buồn rười rượi, đợi chồng hỏi nhiều lần mới chịu nói :

- Không có chuyện gì cả...

- Tại sao lại khóc ?

- Việc riêng của em

- Việc gì ?

Mộng nói, giọng buồn buồn:

- Hai người ấy chia tay nhau rồi...

- Hai người nào ?

- Anh Thọai và cô Trang Đài. Thực là đôi trai tài gái sắc, rất xứng đôi vừa lứa, yêu nhau say đắm nồng nàn, thủy chung, thế mà chẳng được lấy nhau...

- Thọai nào ? Trang Đài nào ?

- Thọai là kỹ sư học ở Hung ga ri về, còn Trang đài con ông giám đốc công ty cầu đường, ông Trần Phú Bổn, nổi tiếng giàu có và quyền hành. Thọai là anh cô Kim Lan, Kim lan là người yêu của Hóa...

- Thọai, ông Phú Bổn, Kim Lan, Hóa, nào xưa nay anh chẳng biết ?

- Hóa không yêu Kim Lân lại đi tôn thờ Mai. Ông phú Bổn được đề bạt lên làm giám đốc sở...

Tuần không hiểu, không nhớ, và điên đầu về mấy cái tên và mấy con người có quan hệ lộn xộn rắc rối này. Chàng hỏi :

- Thế rồi làm sao ? Họ đang ở đâu ?

- Họ ở trong tiểu thuyết "Dang dở " của nhà văn nữ Dương Liễu Tân...

Tuần "à" lên một tiếng thực to, làm bộ vỡ lẽ. Anh giả vờ đồng cảm :

- Tội nghiệp quá, chuyện tình bi thảm như thế ai đọc không rơi lệ, không sụt sùi ?

Mộng tưởng chồng thương cảm thực. Tuần nói :

- Có phải anh chàng theo tiếng gọi của non sông lên đường nhập ngũ, còn nàng tựa cửa ngóng chinh phu ? Hay nàng không chịu đựng nổi cảnh chăn đơn gối chiếc đã ôm cầm sang thuyền khác ?

Tuần nghĩ, thực buồn cười. Ai tình theo kiểu tiểu thuyết ba xu đó mà đọc cũng mủi lòng. Tuần thấy người châu Á, nhất là phụ nữ, có cái tính quái gở, thích nghe chuyện buồn để khóc. Đọc báo nghe người ta nói các phim trường bên Hồng Kông, mỗi năm sử dụng cả trăm lít cái gọi là nước mắt giả, đó là chất glycérine. Những giọt này đậu trên má diễn viên không bị lớp kem và phấn hút mất, nó bắt ánh đèn, sáng lên trông rất rõ và rất đẹp. Đẹp hơn nước mắt thực nhiều. Cuối cùng Tuần hỏi :

- Thế hai kẻ đang yêu nồng nàn thắm thiết như thế vì sao lại chia tay ?

- Nàng làm chủ mấy đầu huê bị vỡ phải trốn đi. Chàng ở lại tử thủ, hi sinh cho bọn con hụi cấu xé.

- À thì ra thế. Thực là một cuộc tuẫn tiết cao đẹp !

***

Lại có lần nàng bảo chàng chở đi chợ mua sắm. Mộng nói :" Đừng gởi xe, lúc về chợ đông lấy xe ra khó lắm. Đừng dẫn xe vào chợ. Cũng không thể dựng xe bên đường vào quán nhâm nhi cốc bia , cảnh sát giao thông bắt giam xe, còn không thì kẻ gian lấy mất. Anh cứ ngồi trên xe đợi em, em vào chợ nhanh lắm, chừng năm phút thôi". Tuần làm đúng lời vợ. Chàng châm đến điếu thuốc thứ ba, xem người qua kẻ lại đã chán, nắng lên cao, cái áo len mặc lúc sáng nóng lên như lửa vẫn chưa thấy bóng dáng vợ. Anh không dám bỏ đi, và cũng nhờ cứ nghĩ, Mộng sẽ trở lại mà anh kéo dài được nhiều nhiều phút. Xem đồng hồ thấy đúng nửa giờ nàng mới trở ra, không thấy mang xách gì cả.

Tuần hỏi :

- Mua cái gì ?

- Tìm không thấy.

- Tìm cái gì mới được chứ ?

- Đôi hoa tai.

- Hoa tai người ta bán đầy rẫy, có gì phải tìm?

- Lọai này đặc biệt lắm...

- Thứ gì mà ghê gớm thế ?

- Đôi hoa tai hình quả tim vỡ, mang lủng lẳng dưới mái tóc ngắn, trông ngộ nghĩnh lắm.

- Em trông thấy ở đâu ?

- Anh vô tâm quá, hồi hôm xem ca nhạc trên TV không thấy ca sĩ Sandra mang hay sao ?

Tuần giả vờ làm người có chú ý để cho vợ vui. Thực ra đêm qua, mới bật TV lên anh đã ngủ khì. Nhưng ai chớ ca sĩ người nước ngòai này anh biết, anh nói : " Nàng Sandra không đẹp, nhưng có duyên nhờ đôi hoa tai tim vỡ với cặp lông mày rô, rậm rạp như sâu róm của lão Đực làm nghề thiến heo! Nhưng đó là hoa tai người ta bán bên Mỹ. Chợ Đầm cái chợ cỏn con ở nước mình ai bán?" Mộng buồn bã ra về.

***

Qua mấy chuyện ấy Tuần hiểu thêm tâm tính vợ. Anh chưa biết tính sao để sống, để hòa hợp với người phụ nữ kì dị này. Nhân một buổi hội thảo về đề tài thụ tinh nhân tạo cho dê lấy sữa. Tuần ngồi gần anh Lực. Trong khi mọi người lên diễn đàn, góp ý kiến sôi nổi thì hai anh chàng này chụm đầu vào nhau kháo đủ thứ chuyện trên đời. Cuối cùng chuyển sang đề tài "Mộng sống và làm việc theo tiểu thuyết với điện ảnh". Tuần than : Thực là khổ ! Lực cãi: Chả bù với bà vợ quê mùa của tôi, từ ngày sống chung với cô ta mấy chục năm tôi chưa thấy cô ta cầm dến cuốn sách. Thấy tôi cầm tờ báo bả còn cự : "Lo gánh nước chẻ củi, nấu cơm. Thời buổi này mà báo chí sách vở !" Rồi anh chàng Lực nầy phân bì: "Ông thế mà còn sướng hơn tôi, có cô vợ còn để ý đến sách vở. Song tôi dặn ông một điều. Phải hết sức cẩn thận. Tìm sách vở tốt cho cô ấy đọc, để cho cô ta đọc sách xấu tai hại vô cùng. Mấy năm gần đây, từ khi có nền kinh tế thị trường, có khi nào ông đi vào hiệu sách xem người ta bán thứ gì trong ấy không ? Tòan là sách vở bậy bạ, dâm ô, đồi trụy, bạo lực, mê tín dị đoan...Nhiều quyển sách mới nghe cái tên đã mất hồn như : Hơi thở rướn cong, chăn gối ngọt ngào, đêm tân hôn của quỉ..."

- Thế theo ông chọn sách gì là tốt nhất ?

- Cái này phải chuyển hướng từ từ. Từ chỗ tiểu thuyết ái tình sang tiểu thuyết có chủ đề, sang sách tiểu sử danh nhân, lịch sử, xã hội...Cuối cùng tôi thấy tốt nhất là sách tôn giáo, giáo lí kinh kệ. Chị ở nhà đạo gì ?

- Nhà tôi thờ cúng ông bà và có thờ Phật, nhưng không thấy đi chùa, ăn chay và kinh kệ gì.

- Thế thì tốt rồi, ông cứ theo tôi dặn đem kinh kệ nhà Phật về cho cô ấy đọc .

***

Một năm sau Tuần là người tìm sách về cho vợ đọc. Anh được tiếng thương vợ lại được quyền kiểm duyệt văn hóa phẩm. Cái đích cuối cùng cũng đã tới. Lần này thú vui không phải là bún bò, cuộc chia tay đầy nước mắt, đôi hoa tai tim vỡ mà đúng là một cuộc "cách mạng" thực sự trong tư tưởng cô Mộng. Sách vở ghê gớm thực, hèn gì có người ví ngọn bút có sức mạnh như một sư đòan.

Đi tu cũng trải qua một quá trình rất phức tạp. Lúc đầu chị kết bạn với mấy người hàng xóm, rằm, mồng một cúng kiến, ăn chay. Sau cô vào sinh họat trong một tổ chức tôn giáo cơ sở gọi là khuôn hội. Tổ chức này giống hệt chi bộ đảng. Lúc này Mộng đã qui y, có tên mới, gọi là pháp danh (Tên nhà Phật) là Nguyên Bích, giống như người viết văn làm thơ có bút danh. Việc đầu tiên của tín nữ Nguyên Bích là xếp cất áo dài, áo đầm, xanh đỏ đủ kiểu, quần jean nữ bó chặt như bó giò, áo ngủ rộng thùng thình mỏng như tơ nhện, son phấn đủ lọai, sáp tô môi, sáp tô mi mắt, mascara, cái kềm kẹp làm cong lông mi, kem ướt, kem khô, kem mỡ, bút chì tô lông mày, bút chì vẽ viền môi...Tóm lại tín nữ Nguyên Bích vĩnh biệt lối sống phù hoa, lao vào cuộc đời khổ hạnh. Lúc đầu Mộng tính kêu ve chai vào bán mấy thứ vật dụng lẩm cẩm này, sau nàng nghe thầy trên chùa thuyết giảng cái gọi là " Hạnh bố thí" Mộng không bán nữa mà kêu con Kim Lê đến cho. Cũng tại vì cái "hạnh bố thí" này mà con bé Kim Lê đang từ một đứa con gái ngoan ngõan vâng lời cha mẹ, chiều nào cũng gánh nước cơm về nuôi heo, bỗng dưng trở chứng ăn diện đi chơi suốt ngày. Bị cha mẹ kéo về đánh cho một trận nên thân sau đó còn trói vào cột nhà, cạo đầu !

Mộng đi chợ mua mấy thước vải màu khói hương về may cái áo dài suôn đuột, chẳng eo co gì cả, để đi chùa. Từ đó trong nhà diễn ra một cuộc "cách mạng" thầm lặng nhưng triệt để. Dưới bếp không còn mắm nêm, mắm cà, mắm ruốt, mắm dưa...thay vào đó là tương chao, xì dầu. Trong nhà xuất hiện nhiều bàn thờ, nhà trên có bàn thờ ông địa, dưới bếp bàn thờ ông táo, ngòai sân thờ thiên, ngòai ngõ thờ ngũ lộ ma vương... Riêng cái gác gỗ lúc trước để bụi bặm mốc meo nay biến thành chốn thờ tự trang nghiêm, lúc nào cũng nghi ngút khói hương.

Đêm lại Mộng mặc áo dài ngồi trước bàn thờ gõ mõ tụng kinh. Đã khuya anh Tuần chờ vợ xuống nằm chung, không thấy. Chờ mãi Tuần vẫn nghe tiếng kinh kệ với mùi khói hương hăng hắt rất khó chịu. Tuần không ngủ được, hồi hợp chờ đợi buổi tụng niệm, mong cho mau xong. Đợi lâu quá Tuần sốt ruột lẻn ra ngòai. Lúc này việc tụng niệm đã xong, Tuần tưởng vợ vào phòng, ai ngờ nàng ôm gối mền xuống nhà ngang nằm một mình.
Tuần mò xuống, nàng hất ra, nói :" Để cho người ta yên !" Tuần lăn xả vào, toan bỡn cợt lấp liếm, không ngờ bị vợ tống cho một đạp nên thân. Thích nữ Nguyên Bích nói:

- Ông có biết cái tội phá phách không cho người khác tu chết xuống địa ngục hóa thành con quỉ gì không ?

Rồi tín nữ Nguyên Bích nói tên lòai Ngạ Quỉ, chuyên đi phá kẻ tu hành. Tên nó bằng tiếng Phạn, dài, khó nghe và khó nhớ lắm. Nói xong Mộng trùm kín mền lại trông như con nhộng nằm trong cái kén, cố thủ chống lại con quỉ quấy phá người tu hành.

Tuần ấm ức bỏ lên nhà trên lên giường nằm một mình, mãi không ngủ được. Chàng cố nhớ cái tên lòai quỉ mà trước hay sau gì mình cũng hóa thành nó, nhưng chịu, chẳng tài nào nhớ được, tự nghĩ, nhớ làm gì, sau này mình hoá thành nó, thế nào người ta sẽ kêu tên mình. Tuần thao thức mãi, càng nghĩ càng tức cho thằng bạn tên là Lực chỉ vẽ tầm bậy để ra cái nông nổi dở khóc dở cười này. Chàng ngẫm nghĩ , hèn gì xưa nay bao nhiêu mưu đồ toan tính cải sửa cái tâm tính con người, gọi chung là "cải tạo tư tưởng" đều trở nên thất bại phá sản. Còn chàng cũng toan tính cải tạo lại dẫn tới cái kết quả bất ngờ "chết người " như thế này ./.