Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
]
[ Trang chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Văn Ngọc Mẹ ở với chúng tôi gần 30 năm. Lúc nào tôi cũng thấy mẹ khâu khâu, vá vá, hay chắp nối một cái gì đó, đặc biệt là các mẩu vải. Vợ và các con tôi thường nói vui "Bà mình làm "thiết kế thời trang" thì mấy nhà tạo mẫu tân thời thất nghiệp là cái chắc!". Nghe con cháu tếu táo cụ chỉ cười, bảo "Thế chúng mày tưởng mẹ không biết thế nào là đẹp à? mẹ "sáng tác" khối thứ đẹp..." Thì hẳn nhiên rồi. Mẹ chúng tôi thích nhất cái sự khâu vào, tháo ra, đính thêm hoặc nối mới từ bao nhiêu là mụn vải cũ. Suốt mấy mươi năm, cái việc cắt cắt, khâu khâu ấy chừng chiếm lĩnh hầu hết tâm trí và thời lượng sống của cụ. Như thế, không vì một tình yêu nội sinh trong sâu thẳm của cụ, thì liệu bởi cái gì! Văn Ngọc tặng một bức tượng chân dung tôi, bằng gỗ. Tượng có hình hài tựa một quả trứng - "quả trứng" mang trong ruột nó "con sinh vật" bị lớp vỏ vây đè, luôn như không ngừng muốn mổ thủng cái vỏ chắn hữu hạn mà giành lấy khí thở. Tượng khá nặng, được đục, vạc từ một cái lõi gỗ khoẻ có mầu nâu mật, gợi cảm, không diễn tả sao cho chính xác được. Tất nhiên, vì tượng cấu trúc hình trái trứng nên đặt thế nào nó cũng không chịu yên vị theo cái lối lịch lãm thường tình. Và, cũng tất nhiên, nó sẽ "chủ động" lăn kềnh ra một cách rất ương ngạnh. Tôi cho "ông tượng tôi" vắt qua miệng cái hũ gốm cũ kỹ màu sành chín, rồi bày ngay dưới chân giá sách nhỏ. Từ bữa ấy, mẹ chúng tôi rất hay lên phòng. Thở mệt nhọc và gấp vì phải leo qua hai vòng cầu thang, dừng ngang vùng chiếu sáng cái cửa vào, mẹ nhìn ngắm bức tượng và cười ngặt cười nghẽo. "Đúng là Quý nhà mình rồi!". Không thể đếm được đã bao nhiêu lần mẹ chúng tôi cười ngặt nghẽo và lần nào cũng nói y nguyên một câu như thế. Mỗi khi chứng kiến mẹ ngắm tượng, cười cười, nói nói, thấy mẹ dường trẻ lại hàng chục tuổi ... Cuối năm 2004, một nhà điêu khắc thân quý gửi quà tặng tôi qua đường bưu điện. Quà là một bức tượng bán thân, bằng đồng. Ông tạc chân dung tôi theo lối ấn tượng và kỳ công xuống Ngũ Xã để đúc nó. Cái trán của tôi ông tả kỹ và khéo, căng đầy, ngỡ chỉ khẽ búng hoặc gõ nhẹ là có thể nổ vỡ tan tành. Khuôn mặt tôi ông phạc các mảng lớn quyết liệt, và thêm vào đầy những vết cào xước. Trong vài dòng gửi kèm, ông viết "Rồi đời nó còn vả nhiều vào cái mặt chú, bởi thế bác cứ vả và cào trước cho long trọng". Tôi chuyển bức tượng gỗ nằm vắt ngang đỉnh cái giá sách nhỏ và để bức tượng đồng lên miệng hũ gốm. Phòng hẹp quá. Đành để tạm vậy. Mẹ tôi hỏi "Lại một Quý nữa à?". Mẹ ngắm rất lâu, không nói thêm gì, rồi lần xuống gác. Một hôm khác cụ lên phòng, tôi dò ý: "Mẹ thấy bức tượng này thế nào ạ?". Cụ bảo "Chú Ngọc làm tượng Quý giống như đang ngủ, mà mẹ ngắm thì hoá ra là đang thức chong chong. Cái tượng bằng đồng cũng rất đẹp, nhưng mẹ cứ thấy hình như...nó nghiêm trang, ngay ngắn quá..." Mẹ chúng tôi vốn là con gái một nhà tư sản Hà thành thời Pháp tạm chiếm. Sự học của mẹ chỉ ở mức đọc thạo và "vẽ chữ" đủ nét. Tôi chả hiểu làm sao mẹ chúng tôi lại có thể nhận biết và diễn đạt một cách tuyệt vời giản dị như thế. Không những chỉ là giản dị, mà theo tôi còn rất thần tình! Có phải cái phần hồn bung thoát từ các trạng thái lắng ẩn trong thần cốt hai bức tượng kia quá khác nhau chăng? Nếu không là như thế thì là gì? Lại nhớ một bận, có tới sáu vị (nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà phê bình văn chương...) nhã ý hạ cố thăm tôi. Họ ngắm "cái đầu tôi" do Văn Ngọc "chế", rồi phán "Sao thằng cha này tạc ông không giống cái lối tượng xưa nay thế nhỉ? Ngộ thật đấy!". Tôi nín thít. Thế liệu nếu tôi bảo Văn Ngọc là một hoạ sĩ tài danh thì liệu họ có cho là tôi nói điêu không?, họ có giảng cho tôi một bài hùng tráng về thế nào là một tác phẩm xứng đáng của một nền mỹ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, khoa học và đại chúng không? Sáu vị chí ít cũng đang nổi danh trên mặt báo như cồn, nên tôi nín thinh không nói gì, không giải thích gì, xem ra được một lần khôn! Dạo tháng ba, nhà thơ Y Phương có công việc ở Vũng Tàu. Ông tranh thủ ghé thăm thắp hương tưởng niệm mẹ chúng tôi. Khi trò chuyện ông cứ chăm chăm nhìn lên đỉnh cái giá sách, rồi suýt xoa "Cho anh ôm cái tượng chú một lúc. Người làm bức tượng gỗ này ắt là một tay cự phách. Rất không giống ai. Chí ít không giống các hoạ sĩ, các nhà điêu khắc anh đã từng quen, đã từng gặp. Hắn phải rất yêu chú, đọc ra chú, có những thấu hiểu và sẻ chia riêng với chú. Mai về Bắc, tiếc quá chưa gặp người này!" Tuần rồi, nhà thơ lại phôn từ Hà Nội để thăm hỏi, để thông báo về vài cái ồn ào văn chương. Rồi ông hào hứng rằng cuối năm nay ông đi trại viết ở Vũng Tàu, đã đăng ký với Hội Nhà văn rồi. "Chú phải kéo Văn Ngọc đến cà kê với anh". Rồi ông lại bảo "Chân dung chú do Văn Ngọc tạo tác nó ám anh quá. Nghĩ kỹ thì đếch phải nó tạc chú đâu. Nó "đục" Hoàng Quý, "đục" cả cái hồn cốt, cái kiếp nạn tham, sân ,si của Hoàng Quý vào gỗ mới đúng!" |
|
|
|
|
|
|
2.
Tôi nghiệm rằng những tác gia kiệt xuất, những nghệ sĩ
trác việt đều lưu dấu vô số mảnh ký ức lộng lẫy của
cuộc đời họ, thôn quê xóm mạc họ, tinh thần họ...trong
hầu khắp các tác phẩm tiêu biểu của mình.
Văn Ngọc luôn luôn mang trong từng tế bào, từng hạt máu vô số mảnh ký ức lộng lẫy của cuộc đời, thôn quê và tinh thần sống chính anh. Đó là những mảnh vỡ, những vệt nứt trì bám anh theo nghĩa hẹp một vùng làng đồi nước non trung du, và, ở nghĩa rộng là mênh mông sông biển, ruộng đồng, làng thôn, quê xóm Việt. Ở cả hai nghĩa dồn tụ, dựng dậy trong anh cái ý thức sáng tạo khác thường, cách nhìn khác thường, sự sử dụng cũng khác thường cho tác phẩm của mình mọi dạng vật liệu mà con người quá ít hồi cố. Đây, những thân gỗ cụt từa tựa hình nhân; hoặc từa tựa bao thân cọ mang màu của than cháy. Kia, là hằng hà mảnh ván thuyền dạt vỡ, trôi vô định trong biển thời gian, bám quanh chúng bao nhiêu là rến rác và sinh thể trì níu sống. Chỗ này hồi quang qua tấm gương mờ ố tia chớp những khoảng khắc sinh diệt. Những vòng tròn, những lỗ thủng tối sâu, câm nín. Một không gian vũ trụ khê đọng mà tít tắp khôn cùng dựng đứng không trật tự trong trật tự; như quân bài đô mi nô chỉ chực đổ, đè bất kỳ lên vết chân người đã và đang hoá thạch... Tôi cố nhớ xuyên lớp sương của tâm trí trì trệ tôi về miền quê xa lơ lắc ngoài kia. Ở đó, vùng đất đồi quê tôi đã chỉ còn là thứ đất đá ong hoá. Nhà Văn Ngọc ở ngay đó, ven cái làng đồi có cái tên rất cổ là Hương Nộn. Thực ra, từ cuối triều Nguyễn trở ngược người ta vẫn gọi nó là làng Nhang Nộn thuộc tổng Và. Nhang Nộn có nghĩa là cây hương cũ. Mà cây hương cũ thì khói cũng ảo mờ. Nó là cây hương người ta đã quên! Dẫu vậy, trong lòng đất kia thì linh thiêng lắm, bởi từ sâu thẳm mảnh đất đã cằn cỗi hoang hoá này có bao nhiêu là đền miếu thờ các tướng lĩnh đã từng đánh đuổi quân Đông Hán giành nền độc lập cho nước Việt thuở hai Vua Trưng Trắc, Trưng Nhị khăn trắng kiếm thề. Nhà tôi cách nhà Ngọc chỉ chừng hơn cây số. Tôi ở cổ thành Hưng Hoá, cái thành luỹ mà nhà yêu nước Nguyễn Quang Bích mang thân hứa quốc chống chọi với giặc Pháp lưu danh muôn đời như Hộ Thần. Từ mảnh đất có căn nhà của cha mẹ tôi, ngược phía bắc chừng năm trăm bước sải, là qua làng Trúc Phê rồi tiếp giáp một rẻo đồng rất hẹp đã có thể bước thẳng vào thềm nhà Văn Ngọc. Tiên Tổ tôi vẫn kể rằng cái năm thành Hưng thất thủ bao trai đinh Hưng Hoá, Trúc Phê, Hương Nộn giáp chiến với quân Pháp oanh liệt nằm xuống trên rẻo đồng hẹp này. Và khi hoá, đầu họ đều quay về con sông Mẹ - sông Hồng, chảy cuộn ngầu ngay đó. Tôi không biết thời ấu thơ Văn Ngọc có hay ra sông Hồng nhảy ào ào từ rừng bè tre, bè nứa vẫy vùng như tôi không. Cái đoạn sông chảy qua Hương Nộn, rồi Hưng Hoá vốn rất rộng, rất xiết bồi lên phía hữu ngạn của hai làng chúng tôi một cồn đất nhỏ nhưng màu mỡ. Trên cồn đất ắp phù sa ấy trồng biết bao nhiêu là ngô, khoai, chuối và rau, củ. Tôi luôn thấy nó xanh nghi ngút trong ký ức mình. Tôi tin Văn Ngọc cũng thường chơi trò con trẻ trên những chiếc bè kia, trên cái cồn đất kề bên sông đó. Có khác chăng là chú bé Văn Ngọc sẽ ít ngỗ ngược chơi các trò vô bổ như đám chúng tôi, bởi dưới tay chú sẽ luôn là cục than, viên phấn, mẩu gạch hay cái que ngắn tiện dụng cho sở thích vẽ nhăng vẽ cuội, vẽ cả những ước vọng, những tưởng tượng luôn luôn là mong manh. Có thể, trong muôn hình vẽ mà Văn Ngọc đã vẽ sẽ có hình những con cò đứng một chân, mà Ngọc cố ý vẽ không đủ mắt. Ngộ nhỡ vẽ thêm mắt là cò sẽ cất cánh bay đi thì sẽ tiếc thế nào! Ngay dưới dòng sông cuồn cuộn phù sa đỏ lịm đã có một thời không ngớt những thuyền đinh với buồm ba, buồm năm hình những cánh dơi khổng lồ kỳ mộng đi về tấp nập. Người làng của Ngọc xuống trấn Hưng tôi bán sắn, bán củ nâu, bán sơn ta... Mẹ của Ngọc, một nông nữ tần tảo áo thâm, khăn mỏ quạ vẫn qua nhà tôi mỗi phiên chợ để khi thì trò chuyện, khi thì ăn cùng mẹ tôi miếng trầu vỏ, hoặc nhờ chị tôi may đón tết cho chồng con tấm áo diềm bâu đã nhuộm chín nước nâu. Trong muôn câu chuyện của các bậc sinh thành liệu họ có phàn nàn về cái tính ương ngạnh và nghịch ngợm quá trời của tôi, hay cái nết suốt ngày chỉ chăm chăm hí húi vẽ vẽ rồi tẩy xoá của Văn Ngọc không nhỉ. Rất có thể sẽ là như vậy! Và, cũng rất có thể những mảnh vỡ của ký ức đã luôn quá vãng trong tâm hồn nhiều nhạy cảm của Văn Ngọc. Rất có thể vô vàn những chiếc đinh cũ, mẩu gỗ sứt sẹo bợt bạt màu thời gian, những chiếc đũa tre xỉn màu, meo mốc, những cột gỗ cháy đầy vết khắc tượng hình, các bức tranh tuyệt đối giản tiết cả màu và hình nét, các sắp đặt nghệ thuật công phu của Ngọc... đều mang cái "Không gian rất Văn Ngọc" bồi đắp từ hiện tại lẫn quá vãng cất tiếng nói chói lọi và day dứt. |
3.
Vào thời gian khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, Văn
Ngọc học lớp mỹ thuật của trường Văn hoá Nghệ thuật
Vĩnh Phú (cũ). Có thể lấy mốc thời gian này - tuy ngắn,
là bước khởi đi cho sự nghiệp Văn Ngọc.
Cái trường mà Ngọc theo học rất nhỏ nhưng khá thơ mộng, được xây cất trên ngọn đồi đầy lau sậy và cây dại ở Đoan Hùng. Sau 1975, nơi đây cũng như mọi làng quê thuộc hậu phương miền Bắc những thiếu thốn chất chồng. Một tỉnh trung du rất nghèo, rất nhiều hy sinh đóng góp vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vẫn dồn nguồn lực cho ra đời một ngôi trường đào tạo những tài năng văn hoá nghệ thuật vì mai hậu thì quả là sự cố gắng rất to lớn. Ấy là chưa kể những năm tháng ấy cả hai phía biên thùy nào đã bình yên! Tôi còn nhớ rằng Văn Ngọc học ở lớp Mỹ thuật do hoạ sỹ Vương Chùy làm chủ nhiệm. Mỗi dịp Hoàng Hữu, Nguyễn Thọ, Nguyễn Hữu Nhàn và tôi ngược lên thăm trường thì căn nhà Vương Chùy tươi tắn hẳn bởi rất nhiều khuôn mặt các hoạ sỹ trẻ ghé thăm. Họ luôn luôn là A, là B, là C hay là X, là rất nhiều nữa. Không mấy khi có Văn Ngọc. Dĩ nhiên, dù đông đảo hơn ngày thường nhưng các hoạ sỹ trẻ ít bạo dạn góp lời. Họ lắng nghe chăm chú thầy Vương Chùy cùng các anh Hoàng Hữu, Nguyễn Thọ, Nguyễn Hữu Nhàn đàm đạo đủ mọi thứ chuyện, lẽ tất nhiên chuyện chủ yếu là tranh pháo, những tin thời sự, những ta thán về cuộc sống thiếu thốn và đói khát, những thầm thì bức bối chỉ thì thào so le, và đôi khi là những dự định mộng mị vốn dĩ mơ hồ nhưng luôn luôn hăm hở và to tát còn ở phía tít vời. Khi vắng các trò, thể nào Vương Chùy cũng có đôi điều về những hoạ sỹ trẻ mà ông truyền thụ và đào tạo. Rằng A được về màu nhưng trong tranh cũng nhìn rõ cả sự láu cá. Cậu này sẽ hư, tranh của cậu ta đã thấy những chi tiết, những khối, hình được "cấu" một cách ranh ma từ những tranh của người khác. Xem chừng sẽ chỉ là một gã bất tài, khi có cơ hội thì rất có thể sẽ là một kẻ hoạt đầu. Rằng B thì khá, có tương lai, có thể thành một tên tuổi ở một thời không mấy xa. Rằng tranh cậu này bố cục chặt chẽ, màu đẹp, vẽ dụng công dẫu hơi bị ảnh hưởng từ tranh của các hoạ sỹ Nga đương đại. Còn C, còn X ư? số này có cố gắng, rất chăm chỉ, rất thích học hỏi nhưng tiếc thay trời lại chưa cho họ nhiều năng lực, nên gắng lắm cũng khó vượt qua được cái cách dựa vào mỹ thuật để hành nghề vẽ cổ động, kẻ biển, trang trí đám ma đám cưới ở huyện ở xã. Không thấy nhắc mấy về Văn Ngọc. Có lẽ Văn Ngọc đã bơ vơ ngay từ những ngày tháng nhiều mong ước. Tôi xem các bài tập cảm thấy Ngọc vẽ một cách không giống ai, nhiều trừu tượng trong ấn tượng, có khi lại đầy những gợi cảm tượng trưng, nhiều màu u uẩn và sắc lạnh, lược bỏ những đường vờn vân vi thay bằng những nhát mạnh, những khối hình bạo liệt với tương phản khi trầm cảm khi chói nhức. Trong mỗi bức vẽ đã gây nhiều khó chịu với chung quanh thời kỳ này của Ngọc hình như chứa chất một cái gì đó không cam chịu an nhiên. Hay là từ khi ấy Ngọc đã hồ nghi những lý thuyết lối mòn, những bài giảng mỹ học bợt bạt lười nhác phải thỏa hiệp tiếp nhận sự đơn tính phong cách, những y huấn duy ý chí và nghèo sự đột khởi. Sự cần làm khác đi, cái ý thức muốn làm khác đi, muốn phải được là mình cũng đồng nghĩa anh bị hồ nghi, sẽ không được phía đa số bỏ phiếu thuận. Văn Ngọc dường như nhìn thấy rất sớm cái lối vẽ bồi tôn, cái sự lặp đi lặp lại bội thực và câu chấp chủ đề, những gượng gạo áp ý đặt tình, tô hồng hiếp đáp tư duy cá tính, thủ tiêu sự thăng hoa và phiêu linh của trí tưởng. Và có lẽ cũng rất sớm, Văn Ngọc từ chối "đi" lẫn vào cái lối đi quán tính trong thế hệ lớp hoạ sỹ cùng thời na ná những bản coppi vô hồn đang mắc lưới, đang tụt hậu xa hút sau thời kỳ bùng nổ những tài năng có cốt cách với những độc diễn có ý thức như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái và vân vân nên danh ngay trong nửa đầu thế kỷ trước. Hơn thế, trong những năm học khởi thủy, Văn Ngọc tự mở một hướng tìm kiếm, ý thức tự cách tân cho cách đi mà khi ấy có thể còn chưa rõ ràng, để sau này anh có quyền tuyên ngôn: "Tôi không làm hội hoạ hay điêu khắc mà Làm - Nghệ - Thuật". Cái "lối" Làm - Nghệ - Thuật anh hoài thai là lật trở bản thể, cố thấu hiểu bản thể, không máy móc cưỡng bức vật chất, tìm dìu vật chất, tìm tiếng nói hợp nhất với vật chất nhằm dựng dậy phần hồn đầy hồ nghi của vật chất la liệt quanh đời sống và quanh anh. Cũng sau khi tốt nghiệp cái trường tỉnh không lâu, Văn Ngọc nhập ngũ dọc ngang các nẻo đường biên ải. Thời kì chuyển tiếp này làm giầu có vốn sống cho Văn Ngọc rất nhiều. Tôi lờ mờ nhận biết hình phản chiếu anh từ một bức sơn khắc khổ lớn.Trong bức tranh hoành tráng, Văn Ngọc cố công hú gọi cái xum xuê, hùng vĩ của những rừng hồi bạt ngàn, những cây gạo đăm chiêu nơi bến lặng, những bản Mường, bản Thái, Tày, Dao giản dị lung linh trong khói lam hiện mơ hồ và kiều diễm trên nền ấm vàng điều, dưới chồng lớp nét khắc phóng túng đắc dụng của thuật sơn then. Cả những chú ngựa thồ thở mệt nhọc và bồn chồn gõ móng sau một chặng dài, những người lính lầm lũi mà gấp gáp, những dáng ảnh người dân rẻo cao mộc mạc, dịu dàng và hồn nhiên. Và, ngút trùng thiên nhiên liên điệp được bố cục, xếp đặt cô nén nhưng vẫn bung hoạt chực bước ào ra khỏi sự trói buộc chật hẹp của những tấm vóc. Tất cả là câu thúc, là hồi cố từ bao miền sơn cước mà anh đã đi qua. Mà có thể, nó đi qua anh, đi xuyên anh để tỏa sống trên tranh, trên cái sơn khắc lãng mạn lộng lẫy mang tên "Biên giới". Văn Ngọc dành cho bức sơn khắc một vị trí trang trọng trong cái không gian ở của anh. Không phải vì nó đã là một tuyệt tác. Nó chưa bao giờ có thể trở thành một tuyệt tác Nhưng, anh vẫn ưu ái nó một vị trí tương xứng bởi bức sơn khắc đã là một cung đời chính anh. Bởi anh đã lao tâm khổ tứ sinh thành nó, rồi vĩnh viễn từ biệt nó, từ biệt cái vô số lệ dĩ rồi ngoặt bạo liệt sang con đường khác, con đường mở vào bản thể. Mà, đi về phía chưa thành đường mới có nghĩa là Đi Tới. Đi tới những Không - Thời - Gian không lặp lại giữa vũ trụ vô lượng và vũ trụ người, hy vọng làm một cuộc đánh thức vật chất, phả hồn vào vật chất, bắt vật chất cất tiếng cho dù vật chất vô tri. |
4.
Một số hoạ sĩ, nhà phê bình đã không dưới một lần viết
về không gian mỹ thuật Văn Ngọc, tìm cách mở khoá vào hàng
loạt những tác phẩm của anh. Họ tìm anh trong tranh, họ "vẽ"
lại anh trong Điêu khắc - Sắp đặt mà anh đã làm. Họ ghi
chép rất chi tiết cái không gian thực vật mà anh giễu cợt
một cách trìu mến - đặt tên cho nó là "Prison" (nhà tù).
Lại có những bài viết, những tranh luận khổ công ngập
ngừng che chắn nỗi e ngại trước những triển lãm khác thường,
kể cả những tác phẩm anh hoàn thành từ hai cuộc đi tới
Pháp (Toulouse) và Mỹ (Vermont). Chỉ riêng anh là kể một cách
không vồn vã về các chuyến đi. Anh không thích mất thời
gian bô lô ba la cho mấy cái chuyện cảnh quan và văn hoá sinh
hoạt của các thế giới văn minh khác. Pháp và Mỹ ư? Rất
hiện đại, rất đẹp, rất tuyệt vời, tất nhiên rồi! Không
đủ thời gian tỷ mẩn tìm hiếu những khe ngách đời sống
chính trị của họ., cũng tất nhiên rồi, vì ngôn ngữ bất
đồng, vì sinh hoạt trái ngược, vì thời gian sáng tác chừng
hai tháng khác nào bóng câu qua cửa.
Vậy thì các chuyến đi kia có ích gì không? Rất có ích. Anh đã biết nhiều hoạ sĩ đến từ nhiều nước sáng tác cùng anh cũng không ghê gớm như đồn thổi. Có một số là thực tài. Nhiều hơn số thực tài chỉ tầm tầm. Tranh của họ, điêu khắc của họ, những sáng tác thể loại sắp đặt của họ nhiều duy lý, rất dễ "bắt nạt" kẻ non vía. Trong phần nhiều những tác phẩm dường thiếu cái chiều sâu duy linh của thế giới tâm linh gây men siêu hình Đông phương, của những xung động vi tế nào đó, của sự quẫy cựa, gợi nghĩ từ những "tiếng" chìm sâu trong vật chất. Do đó, khi anh trình bày những tác phẩm như "Sự bất đồng ngôn ngữ", "Tưởng nhớ người xưa"... đã tạo chuỗi phản ứng đa chiều về sự nhận biết khác trước những đồng nghiệp nhiều quốc tịch. "Đi một ngày đàng..." người xưa dạy thế! Còn hơn thế, anh nhận rõ anh hơn, nhận rõ sức ám ảnh từ những sáng tạo thuộc thế giới tâm hồn anh giữa...một ngày đàng! Tôi không viết về mỹ thuật Văn Ngọc. Tôi không cố lừa mị mình để làm điều này. Tôi không có khả năng ấy. Tôi là một nhà thơ. Dẫu Thơ là người anh em của thế giới Mỹ thuật xét từ cạnh khía nào đó thì cái việc tôi viết nếu để góp "cái sự bàn về mỹ thuật" sẽ rất dễ thành một thứ ngô nghê, sẽ là một việc "Đánh trống qua cửa nhà sấm", là một cách diễn trò "Thầy bói xem voi". Gần nửa thế kỷ trước, khi còn là một "oắt xà lai" tôi đã bị cái tay quý tộc Đôn Kihôtê thân tàn ma dại bốc lên lưng con "nghẽo" Rôxinantê già, ngốc nghếch bước vào cuộc trường chinh săn bóng, săn hình nàng Đulxinêa đẹp mê hồn trong trí tưởng. Tôi bị cả dáng vẻ, hành vi, những lời lẽ hùng biện của y thuyết phục và đánh gục. Có lúc, tôi hằng ước ao được úp lên cái sọ mình một chiếc thau đồng méo, cũ. Rồi tìm đâu đó một cái khiên. Rồi tự kiếm lấy một cây mã thương. Rồi chọn làm bạn một anh chàng lùn lùn như Xantrô Panxa cho cuộc hành trình suốt cuộc đời tôi. Nghĩa là tôi đã điên, hoặc thuộc về sự điên. Nghĩa là bao người tim óc hoàn hảo sẽ chế giễu tôi, sẽ ném phân ngựa vào chiếc chiến bào hơi bị long trọng của tôi, lên mặt mũi không phải là không sáng láng tôi cả với những lời nhạo báng và những thương cảm nữa. Khi chơi với Văn Ngọc, bơi trong không gian các tác phẩm Văn Ngọc, tôi ngộ ra rằng phàm những tay mơ mộng đều dính dấp một tí tình yêu kiểu Đôn Kihôtê, đều mang trong mình cái tinh thần "đi" như Đôn Kihôtê - Yêu một nàng Đulxinêa ngay từ khi chưa rõ thực. "Đi" để chiến đấu với những cối xay gió luôn ngáng đường như quỷ dạ xoa. Nếu ở tôi, vì kém tài nên cái tình yêu kia, cái tinh thần "đi" kia chỉ là chút chút, thì với một tài năng khác thường như Văn Ngọc, cuộc yêu của anh, cái tinh thần "đi" của anh là phải xuyên thấu những vật chất bất kỳ, những vật chất câm lặng như toan, màu, đinh rỉ, mảnh kính, các thẻo gỗ bị thời gian tàn sát, đũa tre và bao bố, dây xích và thậm chí cả sứ, sành... Anh sẽ "đâm" chúng bằng chiếc mã thương sắc nhọn và bay bổng của trí tưởng, thổi vào chúng hơi thở tái sinh, để thức chúng dậy, và làm chúng cất lên tiếng khóc, tiếng cười, thậm chí cả những tiếng rên xiết dù cay đắng hay ngọt ngào, dù cỗi cằn, khắc khổ hay chói loá. Trong tinh thần "yêu" và "đi" như vậy, không gian Mỹ thuật Văn Ngọc, thế giới Mỹ thuật Văn Ngọc, những tác phẩm của nghệ thuật Văn Ngọc thắp hồn cho những tái sinh! |
5.
Với tôi, mãi đến giờ "chữ" luôn luôn mang những bí mật.
Trong rừng "chữ" - những quy ước diễn đạt bằng ký tự
- luôn ẩn chứa những mật mã. Ấy thế mà nhạc mẫu tôi
thì lại biết mở những ổ khoá từ ngữ thật giản dị
và hồn nhiên khi cụ cần diễn đạt những điều mà cụ
muốn. Mặc dù như tôi đã nói, cụ chỉ được tiếp nhận
sự học ở mức đọc thạo và biết "vẽ chữ" đủ nét.
Vậy thì cái vốn từ hết sức phong phú cụ dễ dàng điều
khiển nó đến từ đâu? Có từ đâu? Có lẽ nó "đến" và
nó tích tụ từ nguồn vốn của cuộc đời, thường không
bằng phẳng, từ giao thoa quanh ta. Thế đã thoả mãn và đầy
đủ chưa?
Lại nhớ, chỉ riêng "cái đầu tôi" mà Văn Ngọc "đục" đã làm sáu "nhà" nọ coi là rất ngộ, là không giống cái thuật tượng xưa nay. Họ thuộc về phía số nhiều theo cách bàn "cơ học", hay thuộc về một quan hướng nào khác? Chao ôi! Để nghệ thuật không bị hoá băng rất cần những cuộc vượt thoát trong sáng tạo không ngừng, những trả giá không ngừng của những tài năng. Tôi thốt nhớ vào tuổi thiếu thời, tôi đã đọc từ một pho truyện - hình như là "Truyện cổ Yơxta beclinh" thì phải. Ở khúc vĩ thanh của pho sách ấy có mấy dòng kể lại một mẩu chuyện mà tôi còn láng máng thế này, kể rằng: Rồi một hôm anh lính đánh trống thổi kèn trong trung đoàn viễn binh ở mãi đâu tận xứ Ấn Độ trở về hào hứng kể với mọi người, rằng bên ấy người ta cao to như những tháp chuông, còn những con ong to bằng con ngỗng! Tất thảy cười váng lên. Những mụ béo thì cấu chí. Và hỏi "Thế những cái đõ ong sẽ to đến chừng nào?". Anh lính điềm nhiên trả lời, những cái đõ cũng chỉ bé như những cái đõ bình thường thôi. Thế là người ta la hét, người ta cười vãi nước mắt, người ta nghĩ chắc anh lính đáng thương dính một nhát kiếm ở đầu hoá cho nên loạn óc. La hét và cười chán chê, có một người tư lự "Thế những con ong khổng lồ của anh sẽ chui vào chiếc đõ bình thường kia thế nào hả anh lính?". Anh bảo dịu dàng: "Đó là việc của những con ong! ..." Thế đấy!
|
|