Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
Chủ ]
[ Tác giả
]
|
Nakajima
Ramo
|
Lời
người dịch:
Nakajima Ramo, 1952-2004, là nhà văn, kịch sĩ tấu hài, ca sĩ Rock, nhạc sĩ Rock Guitar, diễn viên sân khấu, ti-vi, điện ảnh và truyền thanh. Ông tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Osaka, sáng lập kịch đoàn "Lilliput Army" (Quân đoàn tí hon Lilliput) năm 1986, sáng lập ban nhạc Rock "PISS" năm 1996. Tác phẩm "Konya, subete no bar de" (Đêm nay, ở tất cả các quán rượu) được giải thưởng văn học Yoshikawa Eiji cho Tác gia Mới năm 1992. Tác phẩm "Gadara no buta" (Heo Gadara) được giải thưởng của Hiệp hội Tác gia truyện Trinh thám Nhật Bản năm 1994. Ông viết nhiều tác phẩm làm nền cho việc tấu hài "rakugo" (lạc ngữ : chữ rơi), là hình thức kể chuyện hoạt kê trên sân khấu truyền thống của Nhật Bản từ thời Minh Trị (1868-1912). Một trong những tác phẩm ấy, "Nghĩa địa bánh canh" được dịch từ nguyên tác "Udon bangaichi - Ketsune no hakaba" của Nakajima Ramo, là tác phẩm thứ nhất trong tập "Ramo banashi - Chuyện kể của Ramo" từ Nhà xuất bản Kadogawa Shoten tháng 12 năm 1991. |
Thưa
quý vị, cái đất cố đô, Kansai [1]
này thì ngay
cả chúng tôi đã sống ở đây vài chục năm cũng có chỗ
chẳng hiểu nổi người ta suy nghĩ như thế nào hay thực tế
nó ra làm sao! Như mấy năm trước đây, lúc đội bóng chày
Hanshin của địa phương này đoạt chức Vô địch toàn quốc
đấy. Người ủng hộ đội Hanshin đã vui sướng cuồng nhiệt
đến mức cả sáu mươi mốt người hè nhau nhảy từ cầu
Dotonbori xuống sông. Mà nếu chỉ có người ta nhảy xuống
sông thôi thì cũng còn hiểu được, đằng này lại có cả
hình nhân ông Đại tá Sanders của hiệu gà nướng Kentucky
Fried Chicken nhảy xuống sông nữa kia! Nghe đâu mọi người
đã hét vang "Tắm đi! Tắm đi!" mà nâng ông ấy lên ném tỏm
xuống nước! Thế rồi, hình nhân ấy lặn đi đâu mất tăm,
người ta chờ mãi chẳng thấy nổi lên. Đài ti-vi mới cho
thợ lặn mang máy quay phim lặn xuống xem ông ta trôi dạt đến
đâu rồi, để chiếu cho công chúng xem. Đám người hè nhau
quẳng hình nhân xuống sông đã đành, mà cả đài ti-vi cho
thợ lặn tìm hình nhân ấy nữa, thật chẳng hiểu được
họ làm thế để làm gì!
Có lẽ chung quy thì chỉ là chuyện người địa phương vui mừng vì đội nhà đoạt giải vô địch toàn quốc đó thôi, nhưng cũng cho thấy rằng bình nhật, người dân vùng Kansai này có mặc cảm tự ti đến đâu đối với người ở Tokyo. Chứ cho dù đội Giants có đoạt giải vô địch đi nữa, cũng đâu có nghe ai nói người Tokyo hè nhau nhảy xuống sông Sumidagawa! Bởi dân Kansai có mặc cảm tự ti đối với người ở Tokyo như thế nên ngược lại, hễ có chuyện gì là vỗ ngực tự hào về Osaka-Kansai, hay nói xấu Tokyo. Có điều Tokyo cho dù có hư thối đi nữa cũng vẫn là đất thủ đô của Nhật Bản, cho nên có thiên vị đến mấy, cũng không làm sao mà bảo Kansai hơn Tokyo được. Kinh tế không hơn được, ti-vi thua đứt, xuất bản thua đứt, bóng chày cũng thua luôn. Mặt này mặt kia thua hết! Kết cuộc, có chăng là bánh canh "udon" mà thôi! Thế nên người Kansai hễ có dịp là khoe, cứ như là chiến thắng gì hiển hách, rằng: "Bánh canh Tokyo ấy à! cái thứ nước dùng đen thui ấy, ai mà ăn được chứ! Bánh canh gì thứ ấy, bùn đen đấy!". Tự hào được có mỗi một thứ bánh canh thì là chuyện đáng thương hại quá, nhưng quả thật, món bánh canh "udon" Osaka-Kansai thì ngon tuyệt! Chẳng cần phải là tiệm chuyên môn gì, cứ vào đại một quán cơm trên đường đi đâu đấy mà gọi xem! Thế nào cũng có được bát bánh canh ngon lành! Thế nhưng, làm gì có chuyện điên khùng rằng khắp vùng Osaka-Kansai này không hề có một quán bánh canh nào dở! Tất nhiên là cũng phải có quán bánh canh dở chứ! Nhưng những quán như thế thì không sống lâu được. Bởi khách ăn không cho phép. Kết cuộc, gạn đục khơi trong một hồi thì chỉ có các quán ngon còn lại mà thôi. Vậy thì, những quán bánh canh dở bị xua đuổi đi ấy đã đi đâu rồi? Thật ra, xin giữ kín thông tin này ở đây thôi: những quán bánh canh dở ấy đã trôi dạt đến một khu vực riêng biệt. Bí mật này thì chỉ có người Kansai mới biết được, không thể lộ ra cho người ngoài. Ngày xưa xem phim Tarzan, thấy có Nghĩa địa voi đấy. Những con voi già yếu bị bầy đàn xua đuổi đều trôi dạt đến nơi ấy mà chết, gọi là Nghĩa địa voi. Tương tự như thế, những quán bánh canh Kansai không sống nổi cũng tự nhiên mà trôi dạt đến khu vực "Nghĩa địa bánh canh" có thật ở ngoại ô Osaka. Ngại động chạm nên không dám nêu rõ địa chỉ, chỉ dám nói là ở phía nam phường Tennoji mà thôi. Khu vực ấy, người Kansai biết với nhau là "khu bánh canh ngoại lệ" đấy, suốt một khu phố san sát toàn là quán bánh canh. Nhưng quán nào cũng là thứ quán bánh canh đã vì lý do riêng mà trôi dạt đến đấy, nên người địa phương tuyệt đối không có ai lai vãng cả. Vậy mà thỉnh thoảng cũng có đôi người từ phương xa chẳng biết gì, hay những người từ đâu đâu phải đến Osaka làm việc vài ngày, vô tình mà lạc vào khu vực này. Những người như thế sẽ gặp phải chuyện gì ở đây, chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ rợn người! Khách lạ: -Ủa, xóm này chẳng hiểu sao mà trông lạ quá! San sát toàn là quán bánh canh cả. Chẳng có lấy một hiệu cắt tóc, hiệu sách hay hiệu thuốc gì gì ráo! Chỉ mỗi một thứ quán bánh canh thôi! Mà nhằm giờ ăn trưa, sao chẳng thấy bóng người nào cả nhỉ? Thế này thì buôn bán ra làm sao? ƯØ, mà bụng mình đã kêu lên từ nãy giờ rồi. Thôi thì, đã cất công lặn lội từ Okayama đến đây, cũng nên nếm thử món "bánh canh đậu hủ chiên" danh tiếng của vùng đất Naniwa này cho biết! Thế nhưng, bao nhiêu là quán bánh canh san sát nhau thế này thì biết vào quán nào mới được ăn ngon chứ? Ồ, quán này trông mới và đẹp nhỉ! Nhưng khoan đã nào! Cũng giống như các quán ăn Tàu đấy, mấy quán trông hào nhoáng, sáng choang, thì thường không ngon. Quán nào có vẻ ám khói một tí, bân bẩn một tí theo năm tháng, mới cho ăn ngon được! Vậy thì, cứ vào quán nào trông bẩn nhất là được. Bẩn nhất... Ôi, quán nào trông cũng bẩn, khó mà xếp hạng nhất nhì! Quán kia kìa, ngay cả cái nhà như nghiêng nghiêng sắp đổ, phải dựa vào nhà bên cạnh mà gượng giữ cho khỏi đổ sụp xuống. Xem bảng tên quán kìa! Chữ "H" trong "BÁNH CANH" đã rơi đâu mất, thành "BÁN CANH" mất! Vào quán ấy xem sao! Nhưng, đang ăn bánh canh mà nhà ấy đổ sụp xuống đè lên mình thì nhếch nhác quá! À thôi, phải thử mới biết chứ! Chi bằng cứ bấm bụng mà vào thử xem sao. Khách: -Khách đây! (mở cửa kéo rẹt rẹt, bước vào) Ủa! Chẳng có ai cả! Xin lỗi! (đóng cửa lại) Ối, đau quá, đau quá! Cái gì thế này? Xe đạp trẻ con? Sao lại để ngay cửa ra vào thế này chứ! Làm mình vấp phải rồi! Mà sao thế này? Chỉ có mỗi một cái bàn à? Mà trên bàn lại tán loạn những sách những tập gì ấy đầy cả bàn. Quán này có thật mở cửa buôn bán đây không? Xin cho hỏi: Có ai đấy không? Bà chủ: -Phù... phù... Vâng! Vâng! Ra ngay đây! Khỏi phải lớn tiếng thế! Vâng! Vâng! Xin lỗi nhé! Mới từ phòng vệ sinh ra đây mà. Khách: -Chào bà. Bà chủ: -Chào ông... Thưa, ông là ai? Khách: -Là ai?... Thưa, tôi là Yamauchi... Bà chủ: -Vâng, ông Yamauchi... Thế, có gì?... Khách: -Hả? Có gì nghĩa là...? Bà hỏi tôi gọi món gì, phải không ạ? Bà chủ: -Gọi món gì... A, thế ra ông đây là khách vào ăn...? Khách: -Vâng, thì tôi cũng định thế mới vào đây... Bà chủ: -A ha ha ha ha. Nếu thế sao không nói ra ngay cho. Khách: -Xin lỗi bà. Bà chủ: -Tôi lại cứ ngỡ là người đến khuyến dụ mua bảo hiểm gì đấy chứ. Xin lỗi, xin lỗi. Mời ông cứ ngồi xuống đâu đấy đi. Khách: -Đâu đấy... thì cũng chỉ có mỗi một cái bàn này thôi, phải không ạ? Bà chủ: -Vâng, đúng thế. Khách: -Nhưng mà, bàn này đầy cả sách tập lung tung thế này... Bà chủ: -À, xin lỗi ông! Thằng bé nhà tôi mới ngồi làm bài tập ở nhà đấy mà. Xin dọn dẹp ngay ạ. (Hướng lên tầng trên, gọi lớn) Yu-ichi! Yu-ichi! Xuống đây mẹ bảo! Cậu con: (Bước xuống cầu thang rầm rầm) -Gì thế mẹ? Bà chủ: -Gì thế gì nữa! Yu-ichi! Con lại chơi game ti-vi trên ấy chứ gì! Không làm bài tập sao chứ? Cậu con: -Con làm xong rồi mà! Bà chủ: -Làm xong rồi còn bày sách tập la liệt thế kia là sao hả? Con không chịu dọn dẹp đàng hoàng, làm phiền ông khách đấy! Khách: -Không, có phiền đâu... Cậu con: -Thì dọn dẹp là được chứ gì! Nào, dọn dẹp... Bà chủ: -Này, Yu-ichi! Ăn nói thế mà được à? Cái miệng nào nói thế đấy? Hả, cái miệng nào? (Kéo xệch môi thằng bé). Cậu con: -Đau, đau quá! Bà chủ: -Cái thằng này! Học hành không lo, lại cứ mở miệng ra là ăn nói vô phép. Lấy dây câu mực mà khâu miệng mày lại, quẳng mày vào nồi nấu bánh canh cho tởn! Cậu con: -Ôi, đau quá! Xin lỗi mẹ! Bà chủ: -Biết tội rồi còn không dọn dẹp cho nhanh đi à! Cậu con: -Ôi chao! (vừa dọn dẹp trên bàn, vừa khóc) Khách: -Này... cháu, để tôi giúp một tay nhé. Cậu con: -Hức... hức.... Khách: -Đây, để tôi giúp cho. Bà chủ: (Quát lớn) -Khỏi phải can thiệp vào chuyện người khác! Khách: -Ôi... Xin lỗi! Bà chủ: -Ủa! sao tôi lại thế này? Lớn tiếng với khách mất rồi. Chỉ tại thằng bé này hỗn láo quá nên tôi nổi nóng... (Quay sang trừng mắt mắng cậu con) Thật là thằng con trời đánh! Phải thế không, ông? Khách: -Hà?... Bà chủ: -Năm tới là lên trung học đấy chứ!... Khách: -Thưa, cho gọi... Bà chủ: -À, phải rồi, phải rồi! Quên khuấy đi mất chuyện khách gọi gì... Thế thì... thực đơn, thực đơn đâu rồi? Ủa, đã thấy đâu đây kia mà? A, có đây, có đây! Nào, mời ông chọn. Khách: -Vâng, cảm ơn. (Mở thực đơn ra xem). Bản thực đơn lại nhăn nhíu thế này! Nhưng mà có vẻ cũng có đủ thứ nhỉ. Bánh canh đậu hủ chiên, bánh canh tôm lăn bột, bún chả cá rưới khoai mỡ, bánh canh trứng chiên,... Bà chủ: -Ông khách à, một mình ăn làm sao cho hết mà gọi lắm thứ... Khách: -Hả?... À không, tôi mới đọc lên một lượt thôi. Bà chủ: -Thế à! Khỉ thật! Khách: -Vậy thì... Chọn món nào nhỉ? Ừm, đã đói lắm rồi đây. Thôi thì, xin bà cho cơm trứng chiên với bánh canh tôm lăn bột chiên đi. Bà chủ: -Vâng ạ... Ông nhà tôi lại chạy đi búng bi sắt mất rồi. Mọi chuyện cứ để tôi phải làm hết cả. Khổ quá! (Dợm bước đi chợt ngừng lại) Thế ông khách gọi... bánh canh trứng chiên với cơm tôm lăn bột chiên... đấy nhỉ? Khách: -Không phải! Cơm trứng chiên với bánh canh tôm lăn bột chiên đấy chứ Bà chủ: -À, phải rồi... Dạo này sao mà cứ mơ hồ không nhớ gì được rõ ràng, lại nhức một bên đầu nữa. Đến tuổi hồi xuân rồi sao chứ! Khách: -Hả? Bà chủ: (Dợm bước đi chợt quay lại) -Ủa, tôm lăn bột chiên là với cơm hay với bánh canh nhỉ? Khách: -Thì đã gọi bánh canh tôm lăn bột chiên mà! Bà chủ: -À, thế ạ. Ngay từ đầu, tôi đã cho biết món ấy đấy chứ ai! Vậy mà lại quên đi mất! Chắc phải đi nhờ châm cứu mới được. (Dợm bước đi chợt quay lại) -À, cơm gà trứng chiên với bánh canh trứng sống đấy nhỉ? Khách: -Ơ kìa! Tôi gọi cơm trứng chiên với bánh canh tôm lăn bột chiên kia mà? Bà chủ: -Ông khách này, làm gì mà mặt sưng mày sỉa thế kia. Ờ thì, bụng đói thì ai cũng dễ nổi nóng cả thôi. Vâng, vâng, cơm thịt heo trứng chiên với bánh canh tôm thịt kho... Khách: -Bà này... cố tình nói chệch ra sao chứ! Bà chủ: -Cái gì... cố tình gì kia? Chẳng phải cơm rau với bún rưới khoai mỡ à? Khách: (Tức tối) -Đúng đấy, đúng đấy, cơm rau với bún rưới khoai mỡ! Bà chủ: -Vâng, vâng. Xin chờ cho một chút. Cơm thịt heo với bánh canh măng... Khách: (Tức nghẹn) -Ựng... Bà chủ: (Quay điện thoại rẹt rẹt) Khách: -Ủa?... Bà này... làm gì thế? Quay điện thoại rồi lại quên mất khách gọi món gì nữa đây! Bà chủ: -Alô, alô... Quán Tsuru-Tsuru đấy phải không? Tôi gọi từ quán ăn Daruma đây. Mang cho tôi cơm trứng chiên với bánh canh tôm lăn bột chiên nhé. Mỗi thứ chỉ một phần ăn thôi. Nhanh lên nhé, khách đang đợi đấy! Khách: -Ủa! Này bà, chẳng phải nấu tại quán này sao? Bà gọi quán khác mang đến đấy à? Bà chủ: -Đúng thế đấy. Xóm này toàn là quán bánh canh cả. Lúc nào có khách vào quán nào, chẳng biết được. Nếu quán nào cũng mua trử sẵn thì bánh canh, vật liệu đâm ra ế ẩm hư thối đi mất. Vì thế mới chia phiên từng tháng, các quán chia nhau làm. Giá mà ông khách vào đây hai tháng trước thì đã nhằm đúng vào phiên quán này làm các món ấy rồi! Khách: -Đến nước này thì... thôi! cứ ăn đi, chuyện gì khác ra sao mặc kệ! Bà chủ: -Xin chờ chút nữa, người ta mang đến. Xem ti-vi gì đấy đi nhé! Tôi đi chợ một tí rồi về ngay ấy mà! Khách: -Khoan đã! Bà này... Thế là, trên đời này cũng có những quán bánh canh quái ác như thế, bà chủ quán bỏ mặc khách ở đấy chờ, cứ thế mà ra chợ mất. Người khách bị bỏ rơi lại một mình trong quán, ôm bụng đói meo, thờ thẫn ngó màn hình ti-vi chẳng muốn xem, ngồi đợi mang thức ăn đến. Mà sao đợi mãi chờ hoài chẳng thấy mang đến. Khách: (nhìn đồng hồ) -Chậm quá nhỉ! Ti-vi đã chiếu hết hai chương trình tạp lục rồi đấy! Có khi họ quên mất rồi! Chứ một tiếng rưỡi rồi còn gì! Cho dù tôi có kiên nhẫn đến mấy đi nữa, thế này là giới hạn rồi! Ra khỏi đây, kiếm quán ăn khác thôi. Nhưng mà... bà ta bảo là các tiệm chia phiên nhau nấu hàng tháng đấy. Thế nghĩa là, dù có vào quán nào đi nữa cũng đâu có khác gì nhau! Thế này thì một là phải đợi ở đây, hai là bỏ qua chuyện cơm nước đi, chứ chẳng còn cách nào khác cả. Chả lẽ mình lại chết vì đói ở đây sao chứ! Lo âu như thế một hồi cũng đến ba mươi phút nữa. Cuối cùng, sau hai giờ chờ đợi, nghe có tiếng xe đạp dừng trước cửa quán. Người ta mang thức ăn đến! Người đưa thức ăn: (kéo cửa rèn rẹt) -Cảm ơn! Cảm ơn! Quán Tsuru-Tsuru đây! (giọng đàn ông ồ ề, thô lỗ, mạnh bạo) Khách: -A, cuối cùng rồi cũng mang lại đây nhỉ! Đây này, đây này. Muộn quá! Làm gì mà muộn thế! Người đưa thức ăn: -Cảm ơn! Đây, bánh canh đậu hủ chiên... Khách: -Cái gì? Tôi gọi cơm trứng chiên với bánh canh tôm lăn bột chiên kia mà! Người đưa thức ăn: -Hả? (thở dài ra vẻ ngại khó) Ra thế! Bánh canh đậu hủ chiên thì không được à? Lại phải quay về đổi món... Khách: -Thôi, thôi, bánh canh đậu hủ chiên cũng được! Bánh canh đậu hủ chiên cũng chả sao cả! Người đưa thức ăn: -Được! Thế thì được! Bởi dù gì đi nữa, khách có gọi món gì khác thì cũng cứ nói là đem nhầm, là ai cũng đành chịu món bánh canh đậu hủ chiên này cả thôi! Chứ khách chẳng được bao nhiêu người, mà lại phải mua trử sẵn những tôm, những vịt làm sao được chứ! Phải thế không ông khách? Khách: -Vâng, đúng thế...? Chẳng khác được! Thôi thì gì cũng được, đưa ngay đây cho tôi đi. Người đưa thức ăn: -Thì đây! Một bát bánh canh đậu hủ chiên. Khách: -Ủa? chứ đũa đâu? Người đưa thức ăn: -Đũa à? Đũa thì lấy ở quán này chứ! Ủa, quán này chẳng có đũa! Cái bà chằn ấy, đến đũa cũng không đưa ra nữa! Khách: -Nói gì thế! Mang thức ăn đến thì mang cả đũa đến mới phải chứ! Làm sao ăn bánh canh đây? Người đưa thức ăn: -Đừng to tiếng thế chứ! Chờ tí! Có kệ chén đĩa đây này! Xem nào! (kéo cửa kệ) À, có nĩa đây! Khách: -Nĩa? Lấy nĩa ăn bánh canh à? Người đưa thức ăn: -Được chứ sao không! Ông khách à, hồi tiểu học đã lấy muỗng chẻ đầu mà ăn bánh canh đấy chứ gì! Đã làm như thế được thì bây giờ ăn cách nào chả được chứ! Đến như mì sợi của Ý đấy, chẳng phải là ăn bằng nĩa đấy sao? Khách: -Ừ thì thế... Người đưa thức ăn: -Nói chung, người Nhật Bản cứ dùng đũa xẻ đôi mãi, nên tài nguyên gỗ rừng khắp Đông Nam Á mới khô cạn đi mất đấy. Không phải sao? Khách: -Hiểu rồi, hiểu rồi! Lấy nĩa ăn bánh canh là được chứ gì! Người đưa thức ăn: -Thế à? Vậy thì, ăn nhanh đi! Khách: -Ủa? Gì thế? Sao anh lại ngồi ngay trước mặt mà nhìn tôi? Người đưa thức ăn: -À, thì chờ ông ăn xong đây mà. Khách: -Hả? Người đưa thức ăn: -Chứ phải trở lại lấy bát thì tốn công quá mà. Một bát bánh canh đậu hủ chiên, ông nghĩ có bao nhiêu chứ? Khách: -Xà?... Người đưa thức ăn: -420 Yen, kể cả thuế đấy. Đâu phải là món tiền mà một người lớn phải đi lại hai lần đâu. Phải nghĩ cho như thế chứ! Khách: -Ừm... hiểu rồi. Người đưa thức ăn: -Hiểu rồi à? Hiểu rồi thì ăn chóng, nuốt nhanh đi chứ! Khách: -Được rồi... Nhưng mà, dùng nĩa ăn bánh canh... thức ăn đầy nước dùng... Ủa? Nước dùng đâu? Người đưa thức ăn: -Sao đấy? Khách: -Này anh, bánh canh này chẳng có chút nước nôi gì cả?... Người đưa thức ăn: -Không có nước dùng à? Lúc rời quán ra đi, đã có nước dùng xâm xấp kia mà! Khách: -Anh nói thế chứ, nhìn xem, có nước nôi gì đâu nào! Người đưa thức ăn: -A ha ha ha. Thế thì bánh canh đã hút hết nước dùng vào rồi chứ gì. Khách: -Bánh canh hút hết nước dùng? Người đưa thức ăn: -Ờ thì, tổng-trọng-lượng có thay đổi chút nào đâu! Có phải nước dùng bốc hơi đi mất đâu nào! Phải thế không? Khách: -Vì thế mà bánh canh trương phình như thế này đấy à? Mà này, bưng bát lên lại thấy đến đáy bát cũng lạnh tanh ấy chứ! Người đưa thức ăn: -A, thế à? Dọc đường đã ghé xem chiếu phim đấy mà! Khách: -Hả? Dọc đường đã ghé xem chiếu phim rồi mới đến đây à? Người đưa thức ăn: -Phim hay lắm đấy! Lethal Weapon 2 (Vũ khí chết người)! Tớ đây cũng muốn có súng Magnum to bự ấy, cứ khách nào mà lải nhải than phiền này nọ, là bắn thủng toàn thân như tổ ong cho biết tay! Bắn cho phun máu tung toé thật hoành tráng ấy. Phải thế không? Chứ tớ đây tội quái gì phải hoàn lương làm thằng xách cơm cho người ta! Ngày ra tù, đã chặt cụt một ngón tay tạ lỗi với băng đảng rồi đấy. Phải chi cứ tiếp tục đường cũ thì giờ này cũng đã được chia phần đất dụng võ, súng lục một hai khẩu nhét túi chứ chơi sao! Đồng ý thế không, ông khách? Khách: -...Va... vâng... Người đưa thức ăn: -Sao thế? Làm gì mà cúi mặt thậm thà thậm thụt thế hả? Ăn đi chứ! Aên nhanh không thì bảo! Khách: -...Va... vâng... Xin ăn ngay... (nuốt vội vàng) Người đưa thức ăn: -Ngon không? Khách: -Hử? Người đưa thức ăn: -Ăn có ngon không? Khách: -Vâng, ngon, ngon lắm... Người đưa thức ăn: -Ngon gì mà ngon chứ, ông kia! Khách: -Úy! Người đưa thức ăn: -Thế đấy! Bọn tiểu tư sản chúng bay cứ vẽ vời bịa đặt sơn phết lên ảo tưởng mà cho là hạnh phúc đấy. Cứ vuốt trên xoa dưới, cầu mong sao cho bốn bề lặng gió, là sung sướng rồi. Chứ gì nữa! Khách: -Hà... Quả là đúng như thế! Người đưa thức ăn: -Chẳng cần phải gật đầu tán đồng theo nhịp như thế! Khách: -Vâng... Xin thứ lỗi! Người đưa thức ăn: -Có sao đâu! Nào, ăn nhanh cho xong đi chứ! Khách: -...Va... vâng... (nuốt vội vàng) Xong rồi đây, cảm ơn anh lắm. Người đưa thức ăn: -Trả bát lại đây! Khách: -À... Vâng. Thế nĩa thì sao? Người đưa thức ăn: -Thứ đó thì ăn nhằm gì chứ! Khách: -Vâng, xin lỗi anh. Vậy thì xin trả bát lại. Người đưa thức ăn: -Thế thì, cảm ơn ông khách. Một bát bánh canh đậu hủ chiên, ăn lạnh đặc biệt, xin ông 650 Yen. Khách: -À... vâng. Có tờ một ngàn Yen đây. Người đưa thức ăn: -Hả? Nếu cần tiền thối thì phải cho biết trước chứ, ông khách! Khách: -Không, khỏi phải thối lại! Người đưa thức ăn: -Thế ạ? Cảm ơn ông, mời ông lần sau cũng chiếu cố cho. (kéo cửa bước ra ngoài rồi đóng cửa quán lại) Người đưa thức ăn đi khỏi rồi, ông khách đang lau mồ hôi lạnh thì bà chủ quán đi chợ về. Bà chủ: -Ủa, ông khách vẫn còn đây à? Khách: -Chứ người đưa thức ăn mới đến, vừa đi xong đây mà! Bà chủ: -Thế à? Phải rồi, cậu Ken ở quán Tsuru-Tsuru ấy có thói quen đưa thức ăn đi nửa đường lại ghé xem chiếu phim, và có tật ưa hăm doạ đánh khách, tai tiếng lắm mà. Khách: -Bảo là đã ghé xem phim Lethal Weapon 2 gì đấy. Bà chủ: -Tôi nói có sai đâu! Tội nghiệp ông khách. Thế là đã phải ăn bánh canh trương phình rồi chứ gì? Khách: -Hả? Bà chủ: -Trương phình ra rồi chứ gì nữa! Khách: -Bánh canh thì trương phình ra, chứ ngược lại,... Bà chủ: -Ngược lại gì kia? Khách: -Tuổi thọ của tôi thì thu ngắn lại!
|
Chú thích:
[1] Kansai : vùng phía Tây gồm Osaka, Kyoto, Kobe,..., là vùng kinh kỳ cố đô cũ của Nhật Bản, đến thời Minh Trị (1868), Thiên hoàng dời đô sang Edo (Tokyo bây giờ), vùng phía Đông gọi là Kanto. |
|