Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]              [   Tác giả ]

Đại bác Armstrong

Shiba Ryotaro
Phạm Vũ Thịnh dịch

- 1 -
Cuối thời Mạc Phủ Tokugawa, không có phiên trấn nào tân tiến cho bằng phiên trấn Saga. Từ chế độ binh bị cho đến binh khí, phiên trấn Saga đều đã cận đại hoá đến gần như ngang hàng với các nước hạng nhì của Âu châu, mà năng lực kỹ nghệ cũng chắc chắn vào hạng xứ sở xuất chúng nhất châu Á. So với mức "văn minh" của phiên trấn Saga thì mọi phiên trấn khác chẳng thấm vào đâu. Trong lúc các phiên trấn phía đông của dãy Hakone nói đến súng ống vẫn còn nghĩ là súng điểu thương, thì các cơ xưởng của phiên trấn Saga đã tự lực sản xuất được loại súng Goebel có bộ phận phát hoả dùng đá lửa rồi. Đến khi các phiên trấn chậm tiến kia bắt đầu hiểu ra được rằng "súng đạn thì phải là thứ Âu Tây mới được", thì phiên trấn Saga đã bán tống bán tháo tất cả loại súng Âu Tây phát hoả dùng đá lửa này cho các phiên trấn khác, mà mua vào kiểu súng bắn phát một, nạp đạn đằng đuôi. Đến chuyện tìm tòi thông tin "loại binh khí nào là tân tiến nhất?", thì không xứ nào nhiệt tâm cho bằng phiên trấn Saga cả. Chẳng hạn, năm Keio thứ 2 (1866), nước Pháp và nước Phổ (Đức quốc) đánh nhau một trận lớn ở vùng Worth, tin tình báo chỉ một tháng sau là đã đến phiên trấn Saga rồi. Mức truyền tin nhanh chóng đến thế này thì còn hơn cả Sở Đối ngoại của Mạc Phủ nữa.

Lãnh Chúa của Saga là Nabeshima Kanso (1814-1871) khi biết được thông tin về trận đánh này, đã đặc biệt quan tâm đến lý do tại sao quân Pháp thắng được. Quân Pháp chỉ có chừng 5 vạn quân, trong khi quân Phổ lên đến khoảng 8 vạn, gần như gấp đôi, vậy mà quân Pháp đã đánh bại được địch thủ. Khi Kanso biết được rằng bí quyết thắng lợi trong trận ấy chính là việc chỉ quân Pháp mới có loại súng Chassepot (nạp đạn đằng đuôi) và súng liên thanh (mitrailleuse), ông đã lập tức ra lệnh cho sứ thần của phiên trấn trú đóng ở cảng Nagasaki tìm mua các súng ấy. Sứ thần đến từng hiệu buôn ngoại quốc dọc bờ biển Oura dò hỏi, khi hiểu là ngay cả những nhà buôn vũ khí ở đấy cũng chưa hề nghe nói đến loại súng Chassepot hay liên thanh, liền nhờ họ móc nối với đám buôn súng ở Thượng Hải. Phiên trấn kiểu này thì có một không hai.

Ngay cả Choshu là phiên trấn đóng vai chính trong thời biến loạn cuối đời Mạc Phủ, họ cũng chỉ say máu vì thuyết Cần Vương Nhương Di (Phò vua, đánh đuổi kẻ man di mọi rợ là người Tây phương) là chuyện đấu tranh tư tưởng, chứ chế độ binh bị thì vẫn chẳng khác gì thời Chiến quốc [1]. Phiên trấn Choshu chỉ bắt đầu cải tiến binh bị theo Tây phương khoảng trước sau khi Mạc Phủ chinh phạt Choshu lần thứ hai (1865) một tí mà thôi. Nabeshima Kanso đã cười mũi rằng: "Người xứ Satsuma thì còn có đầu óc hiểu biết đúng chuyện. Chứ người xứ Choshu cứ tưởng rằng mọi việc trong thiên hạ thành bại là do ba tấc lưỡi nói chuyện tư tưởng luận thuyết trống không đấy".

Tệ hơn thế nữa, đám đứng về phe Mạc Phủ như phiên trấn Aizu thì trong mắt Kanso chỉ là đám hình nộm võ sĩ thời Chiến quốc ba trăm năm về trước mà thôi. Kanso sinh ra là thân phận Lãnh Chúa của phiên trấn Saga vốn có triết thuyết độc đáo về nhân sinh gọi là "Hagakure" (võ sĩ đạo ẩn mật, "The Way of the Samurai is found in death", võ sĩ đạo nằm trong cái chết), nhưng lại tin tưởng vào kỹ nghệ cận đại hoá, hơn là các thứ quan niệm triết học ấy, nên ông chỉ chuyên niệm vào việc nỗ lực xây dựng đất nước (phiên trấn nhà) thành quốc gia quân sự ngang hàng với những quốc gia hạng nhất ở châu Âu. Người Nhật Bản duy nhất theo chủ nghĩa kỹ nghệ này, từ năm Kaei thứ 2 (1849) đã lập xưởng chế sắt đầu tiên của Nhật Bản, bắt đầu chế tạo ngay trong nước loại súng đạn kiểu Tây phương, rồi lập Sở Hải quân ở cảng Mietsu trong lãnh địa Saga; đến niên hiệu Ansei (từ 1854) đã khởi đầu kỹ nghệ đóng tàu, bắt tay vào việc chế tạo chiến hạm chạy bằng hơi nước sản xuất ngay tại Nhật Bản.

Để khai phát các kỹ nghệ ấy, Kanso đã tuyển những người thông tuệ trong phiên trấn, cho theo học các môn Anh ngữ, Toán học, Vật lý, Hoá học, Cơ khí; bắt buộc họ học tập một cách cực đoan. Kanso đã huấn thị đám người thông tuệ này rằng: "Phải xem học tập là chiến đấu".

Phiên trấn Saga còn có một lợi thế khác nữa. Theo mệnh lệnh của Mạc Phủ, phiên trấn Saga đời này qua đời khác đảm nhiệm việc cảnh bị của cảng Nagasaki, nhờ vậy mà hấp thụ được vô số những tri thức quốc tế đa dạng. Ở điểm này thì Saga được lợi hơn bất cứ phiên trấn nào khác. Thêm vào đó, lại còn buôn bán đổi chác bí mật với nước ngoài được nữa chứ. Chính lợi điểm buôn bán bí mật này đã góp phần to lớn vào việc xây dựng nền văn minh đặc biệt của phiên trấn Saga.

Kanso còn là một người thạo tin. Khi biết ở Mỹ, nội chiến Nam Bắc nổ ra, ông đã hạ lệnh cho các quan phụ trách ngôn ngữ nước ngoài đến thăm tất cả các hiệu buôn ngoại quốc ở cảng Nagasaki, để dọ hỏi về tình hình cụ thể của cuộc chiến tranh ấy. Mục đích của việc dọ hỏi này chính là để biết loại võ khí nào được dùng. Và nhờ đó, Kanso đã có được tri thức rất đáng kinh ngạc. Đó là: "Cả hai bên Nam Bắc Mỹ đều dùng đại bác có những đường rãnh xẻ trong nòng súng". Nòng súng có những đường rãnh khiến đạn xoay chuyển khi súng phát xạ, vừa xoay vòng vừa bay tới nên đạn đạo ít bị sai lệch và đạn bay được xa hơn. Đó là một phát minh kinh thiên động địa trong lãnh vực binh khí học. Kanso bèn hạ lệnh điều tra thêm về việc này. Lúc bấy giờ là năm Bunkyu thứ 2 (1862). Ở kinh đô Kyoto, các chí sĩ Cần Vương Nhương Di hoành hành, các vụ giết chóc thừa mệnh Trời (Tenchu, thiên tru) xảy ra liên tiếp. Lúc đó chưa có đội Shinsengumi (đội võ trang truy diệt chí sĩ Cần Vương cuối thời Mạc Phủ) để trấn áp họ.

Rồi sau đó lại có tin báo: đại bác kiểu mới ấy đã là một thất bại! Thứ đại bác có đường rãnh ấy của cả hai bên Nam Bắc Mỹ đã nổ tét ra trên khắp các chiến trường, làm chết hay bị thương cả pháo thủ cùng phe nữa. Nguyên là loại đại bác có đường rãnh ấy, thời đó chưa có phát minh ra loại thép cứng nên tất cả các nòng súng đều làm bằng gang hoặc đồng. Đương nhiên, nòng súng bằng kim loại như thế mà khoét thêm những đường rãnh thì dễ nổ tét ra. Kanso nghe tin ở một mặt trận Mỹ, cả 5 khẩu đại bác kiểu ấy cùng khai hoả một lúc, tức thì nổ tét ra cả, khiến 45 người pháo thủ đứng cạnh súng tan tành thân xác, không còn chút vết tích gì nữa. Trong cuộc chiến tranh Nam Bắc Mỹ, cả hai bên đã có tất cả 168 cỗ đại bác có đường rãnh trong nòng súng bị nổ banh nòng.

Nhưng Kanso nghe chuyện lại càng phấn khích. Ông bảo: "Ta muốn có loại đại bác nguy hiểm ấy".

Không chỉ nói suông, ông còn ra lệnh cho chuyên viên chế tạo súng ống của phiên trấn nữa. Triết thuyết của Kanso là: "Tiến bộ luôn luôn kèm theo nguy hiểm". Đành rằng đại bác ấy nổ tét nòng ra thật, nhưng uy lực của nó thì không chối cãi được. Hẳn rằng văn minh sớm muộn gì cũng sẽ đạt đến mức chuyển được nguy hiểm ấy thành an toàn. Kanso bảo đám gia thần như thế.

Đúng vào khoảng đó, gia thần trú đóng ở Nagasaki là Tanaka Giemon cấp báo rằng: Một kỹ thuật gia Anh quốc đã khắc phục được nguy hiểm đó rồi! Tanaka Giemon là một trong những người thông tuệ nhất của phiên trấn, được Kanso phái đi học kỹ thuật tinh luyện kim thuộc, đi lại thường xuyên giữa Nagasaki và Saga. Theo báo cáo của Tanaka thì kỹ thuật gia Anh quốc ấy tên là W. G. Armstrong xuất thân là luật sư. Ngoài ra, không rõ thêm được điều gì. Kanso quan tâm đến cái tên ấy, mới chọn trong số cận vệ ra nhân vật Hideshima Fujinosuke, cho đi ngay đến Nagasaki để tìm hiểu về việc này.

- 2 -
Hideshima Fujinosuke mặt trắng, là người tốt nghiệp khoá đầu tiên trong ký túc xá Lan học [2] mà Kanso đã thiết lập ở khu Hachiman-koji gần thành Saga. Sau đó, đã được phiên trấn phái đến Sở Huấn luyện Hải quân của Mạc Phủ ở Nagasaki để học cả bốn môn Toán học, Vật lý, Pháo thuật và Máy hơi nước, rồi cũng đã có lần làm thủy thủ trên tàu Kanrin-maru sang Mỹ. Có lẽ trong đời Hideshima Fujinosuke, giây phút huy hoàng nhất là lúc tàu Kanrin-maru cập bến San Francisco. Pháo đài của Lục quân Mỹ trên cảng đã nổ 21 phát đại bác chào mừng chiếc quân hạm do Chúa tướng (Shogun - Tướng quân) ở vùng Cực đông phái đến Mỹ. Đương nhiên, phía Nhật Bản cũng phải nổ đại bác đáp lễ. Thế nhưng, hạm trưởng là Katsu Rintaro (Katsu Kaishu 1823-1899) còn lo âu về mức kỹ thuật bắn đại bác của thủy thủ đoàn nên ngần ngừ nói: "Thôi, dẹp đi thì hơn, chứ bắn hỏng lại thêm xấu hổ". Người trong ban pháo thuật là Hideshima Fujinosuke im lìm tiến đến bên mấy khẩu đại bác trên tàu, nạp đạn và thuốc súng vào, rồi canh đồng hồ cát mà cho nổ lần lượt, hoàn tất việc đáp lễ. Anh ta vốn ít nói. Bắn đại bác xong xuôi, anh trở vào phòng mình trên tàu, lôi kim chỉ từ hành lý ra, ngồi vá lại áo, chuẩn bị lên bờ. Anh ta là người như thế.

Khi trở về phiên trấn, Hideshima đã tiến ngôn lên Kanso rằng:

-"Thế giới từ nay thì người nói tiếng Anh sẽ giữ vai chính".

Chỉ ngắn gọn thế thôi. Nhưng Kanso đã nghe theo một lời đó mà ra lệnh ngừng học theo Hà Lan, chuyển nền Dương học (học theo Âu Tây) của toàn phiên trấn sang học theo Anh Mỹ. Hideshima Fujinosuke học tiếng Anh ở Nagasaki rồi theo lệnh phiên trấn mà học Công nghệ Binh khí theo kiểu Anh quốc. Không có thầy nào dạy cả nên chỉ còn dựa vào sách vở mà thôi. Nhưng anh hiểu cố gắng học hỏi chính là trung nghĩa đấy. Chính Kanso cũng đã bảo: "Ngày nay không còn là thời Chiến quốc, Genki Tensho [3] nữa. Có nghĩ đến nhà (Lãnh) Chúa thì đêm cũng đừng ngủ, gắng mà học Vật lý Hoá học cho thông". Kanso đã sử dụng đầu óc của đám thuộc hạ thông tuệ ấy một cách khắc nghiệt, không chút khoan nhượng. Thế giới quan của người Lãnh Chúa kỳ vĩ này chẳng phải là Cần Vương hay Nhương Di là thứ đang lưu hành vào thời ấy, mà là niềm tin rằng: chỉ có Vật lý Hoá học của Âu Mỹ mới cứu được nước Nhật Bản mà thôi.

Đời Hideshima Fujinosuke có một điều bất hạnh. Anh vốn thích tranh vẽ và có tài hội hoạ hơn người, lúc còn làm Cận vệ cho Kanso, đã thầm lén học vẽ tranh theo lối Nam Trung quốc, bị Kanso bắt gặp, mắng rằng: "Tranh vẽ thì làm được gì chứ!" rồi bị bắt phải dẹp chuyện học vẽ tranh mà chuyển sang học khoa học kỹ thuật. Lệnh của chủ nhân thì phải nghe theo thôi, Hideshima đành phải tùng phục. Triết thuyết "Hagakure" của phiên trấn này đã dạy: "Võ sĩ đạo là cái chết". Trưởng thành trong lời dạy quyết liệt ấy, Hideshima làm sao mà dám nghĩ đến việc tiếp tục học vẽ tranh, làm trái lệnh của chủ nhân cho được.

Từ Saga đi Nagasaki mất 4 ngày đường. Trên đường đi, mưa liên tiếp suốt ngày. Mùa đông. Không gì khổ bằng phải lội mưa mà đi như thế nhưng Hideshima vẫn im lìm bước tới. Lại nữa, anh quyết phải đi mỗi ngày 10 dặm (39 km). Vốn sinh ra trong cơ thể không mạnh mẽ gì lắm, hễ mệt là mặt đỏ lên, tĩnh mạch nơi màng tang nổi phồng, bắt đầu trong xanh ra. Vậy mà Hideshima vẫn bước đi, mỗi ngày không ít hơn 10 dặm. Khiến tiểu đồng cùng đi là Benzo nhiều lần phải can: "Xin đi chậm lại một chút thì tốt hơn". Nhưng Hideshima chỉ đáp: "Lệnh của chủ nhân đấy!".

Benzo hoàn toàn tùng phục người chủ này. Cậu ta là con nhà bán dầu ở xóm gần thành, muốn làm đệ tử của Hideshima nhưng bị bảo là: "Ta không nhận đệ tử", nên đành nói: "Nếu thế thì xin cho được làm tiểu đồng theo hầu, không cấp lương tiền gì cũng được", rồi theo làm không công cho Hideshima. Coi như đệ tử ruột.

Trên đường đi Nagasaki, Benzo đã xem người chủ của mình như là một loại siêu nhân vậy. Hideshima đi mỗi ngày 10 dặm đường xong, vào đến quán trọ thì đêm nào cũng đọc sách khoảng một giờ trước khi ngủ. Toàn là bản sao chép của sách Hình học hoặc Vật lý.

Có điều, trên đường đi, có khi đến khoảng đèo núi, đột nhiên Hideshima đứng khựng lại, sững sờ như khiếp đảm trước sự vật gì đấy. Mỗi lần như thế, Benzo lại nghĩ: "Nữa!..." rồi lấy giọng êm nhẹ mà hỏi: "Sao thế ạ?". Nhưng Hideshima không hề trả lời.

Dù vậy, Benzo cũng thầm hiểu theo cách của Benzo. Bởi ngày trước, có lần Hideshima đã bảo Benzo rằng: "Hễ thấy được cảnh trí nào ta yêu thích, thì ta lại kinh hoảng lên ngay". Hideshima có tài hội hoạ, và Benzo cũng đã nghe được chuyện anh bị cấm vẽ tranh. Người có tài hội hoạ thì khi thấy được phong cảnh mình yêu thích, hẳn tự nhiên nảy sinh cảm hứng mà động lòng hội hoạ. Mà trong trường hợp Hideshima thì lại bị chủ nhân cấm đoán. Thế nên không phải cảm hứng, mà là tình cảm uất ức nổi dậy, có khi khiếp sợ cả chuyện cảm hứng, đến thành ra cảm giác kinh hoảng trước phong cảnh mình yêu thích.

Có lần Benzo đã nói chạm đến chuyện ấy, đối với Hideshima là điều cấm kỵ không muốn nhắc đến. Benzo chỉ nói ngắn gọn: "Cậu chủ đáng thương quá!". Hideshima đoán hiểu, rõ ràng là đã lộ vẻ bực bội. Ý Benzo là: "Thích vẽ tranh mà lại bị ngăn cấm, thân thể gầy yếu mà lại bị ép phải học đêm học ngày. Chẳng hiểu lối sống như thế thì có hạnh phúc không?". Hideshima đáp, có vẻ giận dữ: "Chứ chính Lãnh Chúa (Kanso) cũng thế kia mà!".

Kanso lại còn gầy yếu hơn nữa kia. Dạ dày có bệnh kinh niên, da thâm đen, mặt gầy đến tròng mắt lõm sâu xuống. Tự mình đã buông xuôi mà bảo rằng: "Ta không còn sống được bao lâu nữa". Vậy mà vẫn thiết tha đến dị thường trong cố gắng Âu Tây hoá phiên trấn nhà. Hideshima muốn nhắc nhở đến điều ấy để so với chính mình. Mà Kanso còn có tài làm thơ phong phú. Hideshima bảo Benzo: "Ngài Yodo (Yamauchi Toyonobu) của phiên trấn Tosa nghe nói là thi nhân tài hoa lắm, nhưng chẳng hiểu có bằng được ngài Kanso của phiên trấn nhà không?". Kanso là người như thế, vậy mà lại cấm Hideshima không được theo đuổi hội hoạ!. Và anh đành phải nghe theo mà thôi.

- 3 -
Theo quốc lộ Tokitsu qua khỏi Nishisaka thì vào đến thành phố Nagasaki. Ngay cửa vào phố có dinh cơ của phiên trấn Saga. Hàng rào đá của dinh cơ nhô ra biển, bờ bên kia phủ bóng núi Inasa-yama, đây là góc đẹp nhất trong vịnh này.

-"Anh Tanaka có ở đây không?"

Hideshima hỏi về Tanaka Giemon, là người đã báo cáo tin đại bác Armstrong về phiên trấn nhà. Tanaka là người lúc đầu học Hoá học sau đó học cả Cơ khí học, Công nghệ Tạo thuyền, và là nhân vật sau này đã chế tạo được chiến hạm chạy bằng máy hơi nước, chỉ dùng sức của phiên trấn nhà mà thôi.

Tanaka mời Hideshima vào phòng mình. Benzo đi vòng ra hiên đứng nghe chuyện, cảm thấy thái độ của Tanaka có phần kiêu ngạo. Tanaka cứ thẳng thừng nói: "Chẳng biết!".

Hai người ấy là đồng liêu cùng làm trong Sở Tinh luyện, cả chức vụ lẫn lương bổng không ai kém ai. Mặc dù Hideshima xuất thân từ một nhà công thần thân thích của Mạc Phủ, trong khi Tanaka thì nhờ tài năng Dương học nên mới được thu dụng sau này, cùng với cha là Oumi. Hideshima đáng kiêu ngạo hơn mới phải. Vậy mà, thái độ của Hideshima lại có thể nói là có phần khúm núm trước Tanaka. Bởi lẽ về năng lực học vấn, kinh nghiệm, thì Hideshima có phần kém hơn Tanaka. Có thể nói rằng đó là lề thói của phiên trấn Saga. Đám quan lại làm việc cải cách theo Tây phương thì chuộng chủ nghĩa tôn sùng năng lực kỹ thuật chứ không coi trọng dòng dõi gia tộc. Tanaka Giemon cùng cha là Oumi học hỏi nghiên cứu Dương học lâu năm rồi, nên Hideshima còn cần phải nhờ Tanaka dạy cho nhiều điều.

-"Bảo là đại bác Armstrong ấy có nòng súng bằng sắt, lòng súng có những đường xẻ rãnh, thế thì nổ tét nòng súng là vì sao?"

-"Chẳng biết!".

-"Anh hiểu được đến đâu thế?"

-"Nghe từ Glover (Thomas Blake Glover) ở bờ biển Oura. Bảo là bên Anh chế được loại súng như thế. Chỉ hiểu được đến thế thôi".

Người phát minh là một luật sư xuất thân từ vùng đất Newcastle-upon-Tyne. Thế nhưng, Lục quân Anh xem súng ấy là nguy hiểm nên không dùng. Theo lời Tanaka thì đại bác Armstrong nạp đạn đằng đuôi. Thời bấy giờ, thường thức thì đạn đại bác được cho lăn từ miệng súng vào trong nòng. Nhưng đại bác Armstrong lại có cơ phận nạp đạn ở cuối nòng súng, pháo thủ mở cơ phận ấy ra mà nạp đạn vào, đóng nắp lại, rồi cho nổ.

Thật là chuyện khó tin! Hideshima thầm nghĩ. Có thể nói là đã phá tung thường thức về đại bác từ xưa đến nay.

-"Tôi cũng muốn tìm hiểu xem sao, nhưng hiện giờ thì bận bịu việc làm máy hơi nước cho tàu biển. Anh đi gặp Glover mà tìm hiểu thì tốt hơn".

-"Vâng, tôi sẽ làm như thế".

Đêm đó, Hideshima trọ lại dãy nhà của phiên trấn mà trong đầu có hình ảnh nòng đại bác cứ dính chặt vào đến chẳng muốn ăn. Vì vậy, Benzo cũng chẳng thiết ăn uống gì. Cậu ta lấy từ kho trong dinh cơ của phiên trấn ra được một ống tre, tỉ mẩn rị mọ một hồi rồi vừa nói vói qua vừa giơ lên cho Hideshima đang ngồi trong phòng bên cạnh xem:

-"Có thể họ làm cách này đây chăng?"

Hideshima đến cầm lên tay xem thì thấy đốt tre chừng 7 tấc ấy có dây sắt quấn vòng vòng bên ngoài. Benzo nói:

-"Nếu dồn diêm sinh vào ống tre rồi châm lửa thì 10 ống hết 7, 8 là nổ tét ra. Nhưng nếu quấn dây sắt vòng vòng như thế này thì hẳn là không tét ra đâu".

-"Nghe được đấy. Thế còn đuôi súng thì thế nào?".

-"Chỉ dám suy đoán là giống như kiểu hai cánh cửa nhà kho, kéo mở từ giữa ra hai bên không chừng".

-"Suy đoán như thế có thể đúng đấy!".

Hideshima cười lớn tiếng, là điều hiếm có.

Ngày hôm sau, Hideshima tìm đến Glover ở đường bờ biển Oura. Glover là một thanh niên có râu mép màu nâu hạt dẻ, một nhà buôn mạo hiểm đã đến cảng Nagasaki hầu như không một xu dính túi, vào năm Ansei thứ 6 (1860). Sau đó, đã nhân chính sách khai hoá du nhập văn minh Tây phương của phiên trấn Saga mà thành ra gần như là nhà buôn chuyên thuộc của phiên trấn, tạo được tài sản lớn trong thời gian ngắn, hiện nay đã có một hiệu buôn to xây theo kiểu nhà thuộc địa Âu Tây.

-"Tôi muốn hỏi về đại bác Armstrong".

Nghe Hideshima nói thế, Glover đáp: -"Khó đấy", tiếng nói như lẩn dưới râu mép.

-"Tôi muốn xem vật thật kia".

-"Với mục đích gì?".

-"Chỉ muốn xem cho biết. Sau đó, sẽ có lệnh mới từ ngài Kanso".

-"Tôi cũng muốn giúp lắm". Glover nói. -"Tiếc là chúng ta không được may mắn. Đại bác Armstrong là phát minh vĩ đại thật đấy, nhưng cũng vì vĩ đại quá mà không được Lục quân Anh quốc thu dụng. Rồi Bộ Hải quân Anh cũng đã thử dùng, mà kết quả là cũng không đánh giá tốt gì mấy, thế nên không chế tạo được bao nhiêu khẩu".

-"Dù sao, tôi cũng muốn xem qua".

-"Tôi hiểu chứ. Chỉ là muốn trình bày trước những hiểu biết cơ sở mà tôi có được đó thôi. Dịp may là...".

Glover chỉ tay ra ngoài cửa sổ phòng tiếp khách về phía cảng, có chiến hạm Frigate của Anh quốc đang neo lại đấy.

-"Chiến hạm đó từ Anh qua ngả Thượng Hải mới cập bến sáng nay. Có thể có chở theo đại bác ấy. Vậy thì đêm nay, tránh mắt dòm ngó của Sứ thần Mạc Phủ mà lén chèo một chiếc thuyền nhỏ ra đấy nhờ họ cho xem phía trong tàu xem sao".

Glover thử thương lượng với hạm trưởng người Anh qua Lãnh sự Anh quốc. Nhưng hạm trưởng từ chối. Vì thế Glover phải đích thân đến gặp hạm trưởng, nói rằng:

-"Saga là một trong những nước chư hầu lớn mạnh nhất trong liên bang Nhật Bản này. Ngài Kanso, vua nước chư hầu ấy có lòng ngưỡng mộ vô bờ bến đối với nền văn minh Anh quốc. Ông Hideshima này là một quan lo việc kỹ thuật của ngài Kanso ấy. Cho phép ông Hideshima thấy bên trong của chiến hạm hẳn sẽ đưa đến kết quả tốt cho việc bang giao của nước Anh trong tương lai..."

Hạm trưởng chấp thuận. Hai hôm sau, đang đêm, Hideshima dắt Benzo theo, lẻn đến gần chiến hạm ấy trong bóng tối. Thời đó, Mạc Phủ đã ký điều ước thông thương với liệt cường rồi, nhưng vẫn tiếp tục cấm các Lãnh Chúa không được tự ý tiếp xúc với ngoại quốc. Tự nhiên là hành động như thế của Hideshima cũng phải trốn tránh mắt soi mói của Sở Chưởng quản Nagasaki của Mạc Phủ.

Hai thầy trò ngủ lại trên tàu một đêm, sáng hôm sau được cho xem đại bác Armstrong ấy. Chiến hạm này có tất cả 20 cỗ đại bác, nhưng chỉ có một khẩu Armstrong thiết trí ở mạn tàu bên trái. Cuối nòng súng có tay nắm, xoay nửa vòng thì hiểu ra là cơ cấu vít xoắn ốc. Hideshima nhìn chăm chú như bị hút vào cơ cấu ấy, rồi mày mò vặn mở ra đóng lại nhiều lần. Hideshima nói:

-"Benzo này, suy đoán của cậu sai rồi. Có phải mở từ giữa ra hai bên đâu, vít xoắn ốc đấy!".

Từ trước đến nay, đại bác thì cuối nòng trơn tuột đâu có thứ gì, thế nên cơ cấu đuôi súng đại bác Armstrong hoàn toàn mới lạ.

-"Thưa ông, đây là đạn đại bác".

Lính thủy ôm đạn đại bác đến cho Hideshima xem. Không phải là đạn đặc mà là loại có dồn thuốc súng bên trong, có thể nổ tung ra. Điều đáng ngạc nhiên là đạn không phải hình cầu mà lại giống hình quả đấu (acorn) có mũi nhọn.

Hideshima yêu cầu người đội trưởng: -"Có thể nạp đạn cho xem được không?"

Đội trưởng bảo lính thủy trình bày thao tác nạp đạn. Người lính vặn mở nắp đuôi súng, nạp đạn, rồi cho ống kim loại chứa thuốc súng phát xạ vào.

-"Chỉ có thế thôi". Đội trưởng nói.

Nếu là đại bác thông thường thì không thể đơn giản như thế được. Phải cho bao thuốc phát xạ vào từ miệng súng, lấy cây đẩy nhét sâu vào tận cuối nòng cho an định, rồi mới cho lăn quả đạn tròn vào nòng. Mỗi lần bắn xong một phát thì nòng súng nóng lên, phải chờ cho đủ nguội mới nạp đạn lại được. Chứ trong trường hợp của đại bác Armstrong này thì đuôi súng hiếm khi bị nóng quá nên có thể nạp đạn bắn liên tiếp được. Vì vậy năng lực phát xạ là hơn gấp mười lần đại bác thông thường. Hideshima được giải thích như thế.

-"Mười lần kia à!". Hideshima cảm thán.

Người đội trưởng lại nói: -"Hơn nữa, xạ trình cũng khác xa". Và cho biết rằng ngay cả thứ đại bác giữ thành có xạ trình xa nhất là loại đại bác 24 pound có gắng lắm cũng chỉ đạt mức 2 ngàn 800 mét, trong khi kiểu đại bác Armstrong này thì cỡ nhỏ như khẩu trên tàu này cũng dễ dàng bắn xa đến 4, 5 ngàn mét. -"Vì thế, cảng Nagasaki này tuy được Tướng quân (Mạc Phủ) thiết trí rất nhiều khẩu đại bác giữ thành, nhưng nếu xảy ra trận chiến hải lục, thì chiến hạm này chỉ cần lùi xa 4 ngàn mét, nã đạn đại bác Armstrong vào trong chừng một giờ là có thể làm câm họng tất cả các pháo đài trên cảng".

Chẳng phải người đội trưởng ấy doạ dẫm gì, anh ta chỉ nói lên sự thật đơn giản đến trẻ con cũng hiểu được đó thôi.

Hideshima đứng lên, nói lời cảm ơn người đội trưởng. Anh ta quay người bước đi. Hideshima gọi với lại sau tấm lưng to lớn ấy: -"Anh quên chưa chào kính!".

Hideshima là người thông hiểu sự việc Tây phương nên biết người đội trưởng ấy, nói theo kiểu Nhật Bản, thì chỉ là cấp trưởng đội lính quèn thôi. Còn Hideshima là cấp sĩ quan. Hideshima hiểu rằng cho dù quốc tịch có khác nhau, tập tục quốc tế vẫn đòi hỏi người trong quân đội phải giữ đúng nghi lễ theo hệ thống quân giai. Người đội trưởng quay lại, chào kính. Hideshima gật đầu nhẹ đáp lễ, rồi bước đến phòng hạm trưởng có ông ta đang đợi ở đấy.

Hideshima nói: -"Thật là một kiểu súng quái lạ quá!". Sự thực, mặt Hideshima nhăn lại, lộ vẻ suy nghĩ lung lắm mà vẫn chưa hiểu ra được. -"Như thế mà nòng súng không bể nát ra thì lạ thật. Nòng súng ấy có bí quyết gì thế?"

-"Tôi chẳng phải là sĩ quan chế tạo súng nên cũng không hiểu".

Người hạm trưởng mập mạp đáp, rồi pha trà cho Hideshima. Nói chuyện với nhau một hồi, có vẻ hạm trưởng bắt đầu có cảm tình với người võ sĩ Nhật Bản nghiêm trang này, nên cho biết bí mật:

-"Phải đánh vòng dây thép niền nòng súng lại".

Hạm trưởng bảo là làm giống như niền các thùng gỗ đựng rượu thường thấy ở Nagasaki vậy. Ống trong cùng của nòng súng được niền nhiều vòng dây thép để tăng độ chịu đựng sức công phá, có điều nhìn bên ngoài thì không thấy gì đặc biệt. Cách quấn dây, cách niền có lẽ là bí mật của những kỹ thuật gia chế tạo súng ấy rồi.

Hideshima thầm nghĩ là Benzo đã đoán đúng về điểm này. Cơ khí học vốn là tích luỹ của thường thức đó thôi.

-"Thứ đại bác vĩ đại đấy". Hạm trưởng nói và cười lớn. -"Cũng giống như Napoleon của nước Pháp. Quả thật có thể là một quân nhân vĩ đại đấy, nhưng chính vì sự vĩ đại ấy mà toàn thể châu Âu trừ Anh quốc đã rơi vào tình trạng gần như là hủy hoại hoàn toàn, hàng trăm ngàn thanh niên đã chết vì ông ta, tất nhiên trong đó có cả đồng bào của ông ta nữa. Tương tự như thế, đại bác Armstrong cũng hàm chứa nhiều nguy hiểm. Nhiều cuộc thử nghiệm đã chứng minh điều đó".

-"Thử nghiệm ở đâu vậy?"

-"Ở Satsuma đấy". Hạm trưởng nói, mặt không đổi sắc. -"Trận chiến giữa quân Anh và quân phiên trấn Satsuma đã không phân thắng bại được. Tuy nhiên, về mặt tổn thất của hải quân thì phía Anh quốc, Bộ Hải quân đã phải nhận là bị tổn hại nặng hơn. Trong trận chiến giữa hải lục quân ấy, loại đại bác Armstrong lần đầu tiên được sử dụng. Uy lực xạ kích trường cự ly của loại đại bác này đã được thực chứng, đốt cháy tan nát thành phố Kagoshima, làm câm họng hầu hết các pháo đài địch. Chính tôi cũng đã có mặt trên boong soái hạm, tham gia vào trận chiến. Phải chi tôi có thể tái diễn được uy lực của đại bác Armstrong lần ấy, kích phá địch ở tầm xa, cho anh xem mức tuyệt vời đến thế nào! Loại đại bác này, sức phá hoại của đạn bắn ra tuyệt vời đến nỗi quân nhân chúng tôi cũng đã phải tán thưởng đến quên cả thở! Lại nữa, ngòi nổ báo hiệu của đạn đại bác cũng đạt đến độ tin tuyệt vời không lời gì diễn tả nổi!... Thế nhưng,...". Hạm trưởng bật cười. -"Chính khẩu đại bác cũng nổ tét mất!".

Dù sao đi nữa, nghe đâu bắn xong chừng 20 phát thì áp suất của khối khí thoát ra từ thuốc nổ phát xạ bắt đầu làm nứt phần đầu nòng súng. Trưởng ban pháo thuật cuống cuồng ra lệnh đình chỉ việc sử dụng các khẩu đại bác Armstrong. Đột nhiên, pháo lực của hạm đội Anh quốc yếu hẳn đi thấy rõ. Hạm đội Anh xâm nhập vào cảng Kinko ở Kagoshima, đến nửa sau của trận chiến ấy bắt đầu bị đại bác giữ thành của phiên trấn Satsuma bắn tan nát, có lẽ là vì các khẩu đại bác Armstrong đã đột ngột bị câm họng lại rồi. Sau trận chiến ấy, Tư lệnh hạm đội là Trung tướng Cooper đã cấp báo khuyết điểm trọng đại của đại bác Armstrong về cho chính phủ Anh. Cho đến lúc ấy thì trong Bộ Hải quân Anh, phái cấp tiến vẫn còn ra sức thuyết phục cho việc sử dụng chính thức kiểu đại bác mới ấy, còn phái bảo thủ thì phản đối. Nhưng báo cáo ấy đã giúp phái bảo thủ chiếm được phần thắng. Vì thế, tất cả các hạm đội Anh quay trở lại thiết trí loại đại bác cũ trên tàu chiến.

-"Tại sao?"

-"Hải quân Anh không có cách biểu hiện cảm tình đối với loại súng đạn tấn công cả phe mình!"

-"Thế Lục quân thì sao?"

-"Đám đó thì càng tệ hơn nữa. Ghét sự tiến bộ như ghét ác quỷ, họ tin rằng chỉ có sự an toàn và vững chắc là thiên thần giữ cho giấc ngủ của họ được yên tĩnh mà thôi".

-"Thế tại sao chiến hạm này lại có khẩu đại bác ấy?"

Nghe Hideshima hỏi như thế, người hạm trưởng có cá tính táo bạo theo kiểu dân Anh này đáp:

-"Vì tôi thích, thế thôi."

Có vẻ ông ta bất mãn đối với phương châm của Bộ Hải quân nên đã lén chất lên tàu mình chỉ một khẩu đại bác Armstrong ấy.

-"Anh có gặp người quân nhân Anh quốc nào không?"

-"Không có lý do gì lại không gặp"

-"Thế thì nếu có gặp, nhớ giữ bí mật chuyện chiến hạm này có khẩu đại bác ấy nhé".

Nói xong, hạm trưởng đột ngột vươn cánh tay chờ bắt tay, như giục từ giã.

Sau đó, Hideshima nán lại phòng sĩ quan trên tàu, chờ cho trời tối, rồi lại nương bóng đêm mà trở lại bờ biển Oura. Hideshima ghé lại hiệu buôn của Glover cảm tạ. Glover hỏi về kết quả của buổi đi xem tàu chiến ấy.

-"Chỉ xem qua, thế thôi". Khác với lề thói võ sĩ thông thường, Hideshima nói với vẻ đạm bạc nhạt nhẽo, giống như kiểu các kỹ sư đường sắt của Âu châu. -"Nhưng này, có câu hỏi chỉ mới là ý kiến cá nhân thôi..."

-"Xin cứ nói".

-"Nếu mà ngài Kanso bảo là muốn mua một khẩu đại bác ấy, thì anh có thể giúp được không nào?"

-"Chả hiểu".

Glover làm bộ nhăn mặt bi quan. Chẳng hiểu đấy là khó khăn thực, hay chỉ là thói con buôn, lúc đầu phải làm ra vẻ khó khăn trước khách hàng.

-"Và đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân mà thôi..."

Hideshima lại rào đón rồi nói tiếp:

-"Nếu phiên trấn Saga muốn mua đại bác Armstrong, thì hẳn không phải là thứ thiết trí trên chiến hạm, mà là thứ của Lục quân thiết trí trong pháo đài kia. Bởi phiên trấn nhà từ hai trăm mấy mươi năm nay đã nhận lệnh của Mạc Phủ mà trấn thủ cảng Nagasaki, mấy năm gần đây cần tăng cường các thiết bị giữ thành. Phiên trấn Saga này đang cần loại đại bác giữ thành có hoả lực lớn".

-"Đúng thế". Glover gật đầu mạnh, chỉ tay về phía chiến hạm của nước mình phía ngoài cửa sổ. -"Giả thử chiến hạm kia muốn phá tan pháo đài giữ cảng Nagasaki này, thì có lẽ dùng đại bác ấy cũng thành công được. Phía Saga phải có hoả lực đại bác mạnh hơn chiến hạm kia mới được".

-"Anh đúng là nhà buôn có tài!". Hideshima nói, chẳng có ý mỉa mai gì Glover, mà để tăng phần thôi thúc cho yêu cầu rằng: -"Thế nào anh cũng gắng xác nhận cho, bằng cách liên lạc về nước xem công ty Armstrong có thể bán đại bác ấy cho phiên trấn Saga ở nước Nhật Bản này không".

- 4 -
Hideshima Fujinosuke trở về Saga, lập tức báo cáo lên Kanso.

-"Vậy thì hãy đặt mua 3 khẩu. Lúc đầu thì mua cỡ 6 pound là được rồi. Mua cả đạn nữa. Đạn thì mỗi khẩu 600 phát. Một nửa là loại có ngòi nổ báo hiệu, nửa kia chỉ cần là đạn thường. Được chưa nào?"

-"Nhưng mà...". Hideshima ngần ngừ. -"Ba khẩu liệu có đủ không?..."

-"Đủ chứ!". Kanso nói, đáy mắt sáng lên. -"Sau đó thì phiên trấn chế tạo lấy. Đành rằng kỹ thuật vừa niền chặt nòng súng vừa tinh luyện chế tạo đại bác ấy là vấn đề khó khăn lắm đấy, thế nhưng Sở Tinh luyện của phiên trấn nhà tận lực nghiên cứu tập tành đến mức hy sinh cả tính mạng thì có gì mà không làm được."

Ba cỗ đại bác Armstrong ấy đã được chở đến cảng Mietsu của phiên trấn Saga vào mùa thu Genji nguyên niên (1864). Tháng 6 năm đó, ở Kyoto, đội võ trang Shinsengumi dưới trướng phiên trấn Aizu phe Mạc Phủ xông vào lữ quán Ikedaya khu Sanjo Kohashi Nishizume, chém giết các lãng sĩ Cần Vương [4] đang tụ họp ở đấy, gây náo động lớn. Rồi đến tháng 7 tiếp đó, quân sĩ phiên trấn Choshu phẫn nộ vì vụ ấy đã tràn lên kinh đô, đánh nhau kịch liệt với quân sĩ các phiên trấn phò Mạc Phủ ở gần cửa Hamaguri của Hoàng thành, rồi bại tẩu. Lúc bấy giờ, Lãnh Chúa của bọn Hideshima là Kanso chỉ cười mỉa mà lẩm bẩm:

-"Nghe nói bọn quan Gia lão [5] Fukuhara Echigo của phiên trấn Choshu còn đội mũ nhà quan eboshi, khoác áo bào hitatare, mặc bộ áo giáp lớn ra trận mà đột nhập vào kinh đô đấy nhỉ!"

Quan tâm của Kanso chỉ hướng về chiếc tàu buôn Anh quốc đã cập bến cảng Mietsu có kho chứa đại bác của phiên trấn nhà mà thôi. Trên chiếc tàu ấy có ba cỗ đại bác Armstrong ông đã đặt mua. Đại bác được bốc giở lên bờ, khiên vào kho xong, Kanso dẫn đầu bọn Hideshima và các kỹ sư cơ khí Dương học của phiên trấn, một đoàn 60 người ngựa rời thành Saga đến kiểm hàng. Cảng Mietsu ở cửa sông Chikugo-gawa, Kanso đã cho xây ở đây, trên nền đất cao, một cơ sở vận tải hàng hải hoành tráng, gồm cả bãi tập bắn đại bác bằng đạn thật, trường huấn luyện hải quân, kho chứa máy móc, cơ xưởng chế máy hơi nước, cơ xưởng chế thép, các loại cơ xưởng gia công kim loại, bến tàu,... Sự hoành tráng của cơ sở này đã là đề tài bàn luận tán thưởng trong giới người ngoại quốc ở Thượng Hải thời bấy giờ. Còn đối với các phiên trấn khác trong nước Nhật thì Saga cũng giống như phiên trấn Satsuma có truyền thống cấm đoán nghiêm trọng mọi sự xâm nhập vào lãnh địa, do đó hầu như chẳng ai biết về cơ sở này cả.

Đoàn Kanso bước vào kho hàng chứa các cỗ đại bác ấy, bên cạnh xưởng chế thép.

-"Nó đây à?".

Kanso bình thản đến bên một cỗ đại bác mới, sờ tay lên cơ phận cuối nòng súng. Dầu trơn được bôi đều một lượt trên đấy. Thân đại bác sơn một màu xanh đen, làm bằng thép nên cho cảm giác hoàn toàn khác với loại đại bác làm bằng gang hay đồng xanh, khiến liên tưởng đến lưỡi kiếm sáng loáng.

-"Thứ này thì liệu chế tạo được không nào?"

Kanso nói, vừa dòm từ miệng súng vào trong nòng. Bên trong súng tối om.

-"Mở cơ phận ở đuôi súng ra đi!"

Kanso ra lệnh. Người Anh có tuổi, mặc lễ phục, đi ngay đến đuôi súng, hai bàn tay đeo găng trắng nắm lấy tay vặn, mở nắp đuôi súng. Tức thì, ánh sáng tràn ngập nòng súng, những lằn rãnh khắc trong nòng súng đập vào mắt Kanso đều đặn đẹp đẽ như một tác phẩm mỹ thuật.

Kanso lẩm bẩm: -"Chế tạo thử xem sao!"

Sau đó, bọn Hideshima đến quan sát. Có điều, chỉ nhìn bề ngoài thì chẳng đoán ra được làm thế nào để chế tạo loại nòng súng vững chắc đến thế này.

Rồi súng được chuẩn bị bắn thử. Các cỗ đại bác được chất lên xe do lính kéo ra bãi tập bắn. Bọn kỹ thuật gia như Hideshima khỏi phải kéo xe. Quan Gia lão Nabeshima Shima làm chức Trưởng ban Pháo thuật đã chỉ huy bọn lính pháo thủ kéo xe súng ra bãi. Trong số đó có Benzo. Benzo đã do Hideshima tiến cử mà được chọn làm hạ sĩ quan, biên nhập vào tổ Pháo thuật. Ngày hôm nay, Benzo phải đảm nhận một chức vụ huy hoàng đến chính cậu ta cũng phải choáng ngợp. Bởi khắp phiên trấn đã có truyền thuyết rằng Benzo là người duy nhất đã thuộc nằm lòng cách thức sử dụng đại bác Armstrong! Có lẽ sư phụ mà cũng là chủ nhân của Benzo là Hideshima Fujinosuke đã khởi đầu lời đồn đại ấy. Sự thực thì Benzo đâu đã biết cách sử dụng gì. Kiến thức của Benzo chỉ là năm ngoái đây đã cùng Hideshima lên boong chiến hạm Anh quốc mà xem được thao tác trên đại bác ấy mà thôi.

Về chuyện bắn thử đại bác, người Anh có tuổi mặc lễ phục kia nói qua người thông ngôn rằng:

-"Đại bác này không thể nói là an toàn tuyệt đối được. Xin ngài Kanso dời bước ra xa mười mét, chỉ để mươi người cần thiết cho việc truyền thụ cách thức sử dụng đứng bên súng mà thôi".

Người Anh này tên là James. Theo thư giới thiệu của Glover thì ông ta là một cựu Trung tá Hải quân về hưu, đang làm nhân viên của hãng Armstrong.

19 pháo thủ trong đó có Benzo được chọn để học việc với James bên cạnh các cỗ đại bác. Trong số đó có cả võ sĩ sĩ quan, hạ sĩ quan lẫn bộ tốt. Nhóm người này sẽ là tổ Thao tác đại bác Armstrong về sau này.

Trước hết, James giải thích về cấu tạo, tính năng của đại bác, trong khoảng một giờ. Sau đó, chỉ vẽ các thao tác sử dụng súng. Cuối cùng, sang phần tác xạ, đại bác được canh nhắm vào mục phiêu là cồn đất cách đó một ngàn mét, bắn 5 phát có ngòi nổ báo hiệu, 5 phát đạn thường. Sau đó, đổi sang cỗ đại bác thứ hai, cũng bắn mỗi thứ đạn 5 phát như thế. Khi đến lượt cỗ đại bác thứ ba thì bọn Benzo đã quen việc rồi nên thao tác nhanh nhẹn.

Khẩu đại bác nào cũng phát huy được uy lực tuyệt vời, đạn có ngòi nổ đến mục phiêu là nổ banh ra, đất bắn vọt lên cao tung toé, đến như làm tối sầm cả trời đất.

- 5 -
Tuy nhiên, James chỉ bán đại bác chứ hầu như không biết gì về cách chế tạo cả.

-"Tôi là sĩ quan hàng hải chứ không phải là kỹ sư chế tạo. Duy có thể cho biết vài điều tôi đã xem hay nghe được ở cơ xưởng chế súng".

James giải thích thật sơ sài cho các kỹ sư cơ khí của phiên trấn Saga:

-"Trước hết, để tinh luyện được loại nòng súng đại bác này thì phải có lò đúc thật dài và hẹp. Tra vào lò thanh sắt tròn, phẩm chất cao, sau này dùng làm thân súng. Giống hệt như tra kiếm vào vỏ ấy". Khái niệm ấy nghe hoàn toàn khác với cách đúc kim loại từ trước đến nay. -"Tăng nhiệt độ lên nung đỏ thanh sắt cho đến khi ngọn lửa trắng ra mới bắt đầu mở cửa lò".

James tiếp tục giải thích. Cứ thế mà chế tạo ra ba ống thép có đường kính hơi khác nhau, cuối cùng ráp vào nhau mà chế ra nòng súng. Còn đuôi súng cũng phải có bí quyết chế tạo riêng. Để chịu đựng nổi sức phá của thuốc nổ phát xạ, phải dùng sắt có sợi dọc thay vì sắt có sợi ngang mà rèn vào ống nòng súng. Mà không chỉ một lớp, trên ống thép thứ hai cũng phải bổ cường tương tự như thế.

James còn trả lời các câu hỏi, vẽ hình mà giải thích nữa, nhưng đến các câu hỏi chi tiết kỹ thuật thì đành cười khổ sở mà nói rằng:

-"Tôi chỉ là tay mơ mà thôi. Các anh là chuyên gia đấy, xin vận dụng toàn bộ khả năng mà cố gắng tưởng tượng ra cho".

Từ ngày đó, công cuộc nghiên cứu của bọn Hideshima bắt đầu. Có điều, chỉ dựa vào lời giải thích tay mơ của James mà chế tạo được thân súng đại bác Armstrong thật thì hẳn phải là một phép lạ!

-"Ta hiểu thế chứ. Nhưng không làm thì phiên trấn Saga này sẽ phải chịu thụt lùi sau liệt cường mất". Kanso ép bọn Hideshima phải nỗ lực như siêu nhân. -"Tính năng có thua sút chút ít cũng được. Hãy chế cho ta thứ súng tương tự cho đúng nguyên lý là được rồi".

Bọn Hideshima quả thật đã phải nghiên cứu ngày đêm, quên ăn bỏ ngủ, lao khổ phấn đấu từ thảo luận này sang thảo luận khác, từ thử nghiệm này sang thử nghiệm khác. Đến khi cả bọn hầu như lý giải được toàn bộ nguyên lý chế tạo súng ấy thì đã cuối năm Genji nguyên niên (1864).

Nhưng lò đúc đặc biệt cho việc chế tạo súng vẫn chưa có. Phải bắt đầu thiết kế thứ lò đúc ấy. Mà lò đúc thì người có kiến thức quyền uy nhất trong phiên trấn chính là Tanaka Giemon, người đã báo cáo đầu tiên về đại bác Armstrong cho phiên trấn. Thế nhưng, Tanaka Giemon lúc ấy đang theo lệnh của Kanso mà bận việc chế tạo máy hơi nước cho chiến hạm, không thể giúp bọn Hideshima được. Tất nhiên, Hideshima phải đến Sở Hải quân tìm gặp Tanaka Giemon mà hỏi việc.

-"Xin lỗi phải làm phiền anh, nhưng đây cũng là việc giúp nước..."

Hideshima phải vuốt ve Tanaka để nhờ sửa chữa các hoạ đồ thiết kế hay chỉ bảo thêm cho. Nhiều khi Tanaka đã mắng: -"Chỉ có chừng này mà cũng không hiểu nữa à?", rồi đuổi Hideshima về.

Hideshima không hiểu gì mấy về sắt thép. Tanaka đã chê Hideshima về điều này.

-"Kim thuộc sắt có hai loại: bẻ gãy ra có loại màu trắng, và loại màu tro. Loại màu trắng thì cứng mà dòn, còn loại màu tro thì dẻo hơn, đun chảy thì đặc quánh lại. Thế thứ đại bác Armstrong anh nói đấy, nòng súng dùng loại sắt nào?"

Tanaka hỏi ngược lại như thế, thấy Hideshima không trả lời được, thì mắng:

-"Ngay cả điều đó mà cũng không biết nữa sao?"

rồi im lìm, Hideshima có hỏi gì cũng chẳng thèm đáp.

Mà ở cương vị của Tanaka thì điều đó cũng không có gì lạ. Bởi Tanaka đang phải theo lệnh nghiêm ngặt của Kanso mà khẩn cấp thúc tiến việc chế tạo máy hơi nước cho soái hạm của phiên trấn Saga cho xong trước mùa xuân năm tới. Đang lúc bận rộn như thế mà có kẻ đem chuyện chế tạo đại bác hoàn toàn ở lãnh vực khác tới hỏi này hỏi nọ thì quả là chỉ phiền nhiễu thêm mà thôi chứ ích gì.

Rồi trong lúc bận rộn đến điên người lên được như thế, cả hai người lại nhận được lệnh lâm thời đặc biệt của Kanso nữa. Lúc đó đã gần hết năm Genji nguyên niên (1864). Trước đó, phiên trấn Saga thúc tiến chuyện mua một chiến hạm vận tốc cao qua trung gian một nhà buôn Anh quốc tên là Walt, chiến hạm đó đã từ Anh quốc trở lại, cập bến Nagasaki rồi. Kanso ra lệnh cho hai người đến kiểm hàng là chiến hạm ấy. Kanso tiếng là một Lãnh Chúa vĩ đại, nhưng cũng chỉ có được đất Hizen công xưng 35 vạn 7 ngàn hộc [6] mà thôi. Số kỹ thuật gia Dương học đào tạo được trong phiên trấn cũng chẳng bao nhiêu, thế nên bọn người thông tuệ tài trí này bị sử dụng một cách khắc nghiệt trong nhiều lãnh vực khác nhau.

Hai người phải tạm thời ngưng việc nghiên cứu của mình để đi Nagasaki. Chiến hạm ấy đã trở lại, neo ở biển ngay trước dinh cơ của phiên trấn, nhả khói hồi lâu. Nhà buôn trung gian là Walt hướng dẫn hai quan kiểm tra này lên tàu. Tàu này thuộc loại dùng động cơ đốt trong, ba cột buồm, tuy trọng tải chỉ 500 tấn, nhưng có động cơ mạnh 140 mã lực, chạy được đến 8 hải lý một giờ. Lại nữa, là loại tàu bọc sắt được ưa chuộng thời bấy giờ, nên càng tăng phần hấp dẫn. Có điều cao giá! Đến 12 vạn đô-la. Đương thời, trong giới thương nhân ngoại quốc đã có lời bình chắc nịch rằng: "Các Lãnh Chúa Nhật Bản không ưa mặc cả". Walt hẳn đã nhắm vào đó mà ra giá thật cao. Nói gì đi nữa, chiếc tàu ấy đã được chế tạo ở thành phố Danburton nước Anh vào năm Ansei thứ tư (1857) tức là đã được 7 tuổi, có thể nói là thuộc loại tàu già rồi.

Nhưng cả Tanaka Giemon lẫn Hideshima Fujinosuke đều không bảo: "Bớt xuống đi". Bởi sứ mệnh của hai người chẳng phải để thương lượng như thế, mà cho dù có sứ mệnh như thế đi nữa, họ cũng nghĩ rằng võ sĩ trước mặt người lạ ngoại quốc thì không thể nghị luận chuyện giá cả cao thấp được. Sứ mệnh của hai người chỉ là kiểm tra xem chiếc tàu này có thể dùng được đến mức nào mà thôi.

Vào trong tàu, Tanaka Giemon đảm đương việc kiểm tra máy tàu, còn Hideshima Fujinosuke lo kiểm các thứ khác.

Walt cho tàu chạy. Ra khỏi cảng, lại cho chạy hết tốc lực. Hideshima coi đồng hồ đặt trên hải đồ, kiểm tốc độ tàu. Rồi ra boong tàu trên, lấy dao nhỏ cạo sơn nơi các cột buồm ra xem. Thấy những đường vân của nhiều lớp sơn đã được sơn chồng lên nhau trong 7 năm qua. Thế mà Walt dám nói là: -"Chiến hạm này sau khi cho xuống nước, đã có chút sự tình nên được Hải quân Anh quốc xoá khỏi sổ trưng dụng, từ đó thả neo suốt, nên không khác gì tàu mới cả"!

Hideshima Fujinosuke im lìm. Anh dùng sự im lặng ấy áp đảo Walt. Có lẽ vì vậy mà Walt cảm thấy ngột ngạt, không còn mon men đến gần Hideshima nữa, chỉ đi kèm theo Tanaka Giemon mà thôi.

Dự định là cho tàu chạy thử trong bốn ngày. Đã ra đến tận quần đảo Goshima. Càng ngày, bộ dạng Hideshima Fujinosuke càng trở nên kỳ quặc. Có lẽ khoảng ấy, tinh thần anh ta đã bắt đầu biến chuyển rồi. Ngày thứ hai, Hideshima suốt ngày chỉ ngồi riết bên ống khói tàu, nhiệt kế đặt bên cạnh, hí hoáy ghi hàng dãy số vào sổ tay. Có lẽ hình trạng ống khói tàu ấy đã khiến trí não anh liên tưởng đến nòng súng đại bác Armstrong, hai công việc kiểm tra chiến hạm và tinh luyện chế tạo nòng súng đại bác đã chồng lên nhau một cách kỳ quái. Ngay cả với Tanaka Giemon là đồng liêu, Hideshima cũng không nói năng gì.

Có lúc, Tanaka đang nói chuyện với Walt trong phòng máy ở đáy tàu, chợt phía trên đầu sáng hẳn lên, ngước nhìn thì thấy cửa sổ trên trần mở ra, khuôn mặt Hideshima Fujinosuke ló ra nhìn xuống dưới. Vẻ mặt chăm chú, không chớp mắt.

Đến ngày thứ ba, Tanaka nói với Walt:

-"Nói ra thì xấu hổ, nhưng mà có khi Hideshima đã nổi khùng rồi không chừng. Vì vậy, hãy rút ngắn việc kiểm tra bớt đi một ngày. Sáng mai, ta cho tàu vào cảng Nagasaki".

Walt như được cứu rỗi, đồng ý ngay. Tối hôm đó, tàu vào cảng Mogi buông neo.

Quá 9 giờ tối, trời đổ mưa lớn. Sấm chớp sáng loà khắp vùng bán đảo Shimahara, dần dần tiến lại gần, cuối cùng đã trút mưa to gió lớn, sấm sét đùng đùng, lắc lư toàn thân tàu.

Tanaka Giemon đang ở trong phòng trên tàu, để đèn sáng đọc cuốn sách Âu Tây mới nhận được. Hẳn là anh đã đột nhiên có dự cảm bất ổn. Bởi thanh kiếm anh thường đeo, nhưng ở trên tàu thì cởi ra, lúc bấy giờ được anh lấy ra khỏi bao hành lý quần áo mà dựng vào tường ngay bên cạnh bàn đọc sách.

Tanaka nhớ lại rằng Hideshima Fujinosuke ghét sấm sét. Khi nào bắt đầu có tiếng sấm là Hideshima biến hẳn sắc mặt, như hoá thành người khác.

Chẳng may, ngay khi Tanaka đang dựng thanh kiếm dựa vào tường thì sau lưng anh, cửa mở.

-"Ê, người nào đấy?"

Tanaka Giemon quay lại, tức thì toát miệng ra mà hét như thế. Bởi có người đàn ông hai mắt lồi ra như lọt khỏi tròng đã bước vào phòng. Tanaka phải cần chút thời gian mới nhận ra đấy là Hideshima Fujinosuke. Hideshima đã phát điên lên rồi. Có vẻ xung động từ tiếng sấm sét đã làm mất thăng bằng trí não anh ta. Hideshima không đứng thẳng, mà gập hai đầu gối, lết tới. Cung cách kiếm thuật được phiên trấn Saga thu dụng dạy rằng: "Trong trường hợp chém nhau trong phòng hẹp, có khi quỳ gối xuống mà múa kiếm lại có lợi thế hơn". Hideshima tuy đã lên cơn điên, nhưng vẫn nhớ lời dạy của sư phụ kiếm thuật mà anh đã theo học từ thuở nhỏ.

Thình lình, Hideshima chống thẳng chân phải, chém một đường kiếm có phần tuyệt diệu quá đối với một người chuyên học tập khoa học kỹ thuật Tây phương, chặt đúng vào cườm tay của Tanaka Giemon.

Phía Tanaka cũng chẳng phải là hoàn toàn không phòng bị. Anh đã tuốt gươm ra, đứng tấn đấy rồi, thế nhưng có lẽ đã bị áp đảo bởi khí phách điên cuồng của người không còn bình thường kia, nên cứng người chịu chém một nhát, lúc bị chém rồi mới dợm chạy trốn, nhưng nhảy đựng lên thì lại vướng ngã lên giường nằm, rồi bị chém thêm nhát nữa.

Cuối cùng Hideshima chém chết Tanaka, cầm thanh kiếm đẫm máu rời khỏi phòng, đến lúc chạy vào phòng của người phụ tá kiểm hàng là Ishikawa Kanzaemon mới bị cướp mất kiếm. Có lẽ vì đã hết sấm sét rồi nên đối với Ishikawa thì Hideshima đã bình tĩnh lại mà nói:

-"Tanaka Giemon đã nhiều lần ngăn trở việc chế tạo đại bác Armstrong của ta, rồi mới ngay đây đã lợi dụng nguyên lý điện khí mà gọi sấm sét đến, định hại ta. Vì thế, ta đã chém chết hắn rồi".

Phụ tá Ishikawa không thông Dương học, nhưng là nhà kiếm thuật chân truyền nối dòng kiếm phái Taisha nên đã bình tĩnh xử trí sự vụ. Anh đánh một đòn sống bàn tay atemi làm Hideshima ngất đi, đoạt hai thanh kiếm dài ngắn, cất vào phòng khác, rồi gọi Walt:

-"Mang dụng cụ y tế cứu cấp trong tàu đến đây".

Anh định săn sóc Tanaka Giemon, nhưng đã muộn rồi.

Sự kiện này đã được báo cáo ngay lên Kanso.

-"Cuối cùng đã phát điên lên rồi à?". Có vẻ Kanso cũng đã có dự cảm phần nào rồi nên không mấy ngạc nhiên. -"Bảo cho cả hai bên là đừng có động đến đao kiếm mà sinh chuyện ồn ào thêm. Khỏi phải giảm lương hay giáng chức. Hideshima Fujinosuke đã thi hành mệnh lệnh gắt gao của ta mà thành ra điên cuồng, Tanaka Giemon liên lụy mà bị hại, đều không khác gì đã hy sinh trên chiến trường vậy".

Hideshima Fujinosuke bị cho vào nhà tù trong dinh cơ của phiên trấn, sống thêm được vài năm, đến sau cuộc Minh Trị Duy Tân thì chết. Nghe đâu thường ngày cứ lảm nhảm mỗi một chuyện tinh luyện chế tạo nòng súng đại bác Armstrong, hẳn rằng nguyên nhân làm anh ta phát điên lên đó chính là việc chế tạo đại bác ấy. Đối với người không rành việc tinh luyện sắt thép thì đấy là một gánh nặng quá sức rồi.

- 6 -
Thế nhưng, chẳng phải vì thế mà phiên trấn Saga bỏ chuyện nghiên cứu và chế tạo đại bác Armstrong. Công trình nghiên cứu của Hideshima Fujinosuke được những nhà nghiên cứu Dương học khác kế tục, đến mùa hè Keio nguyên niên (1865) thì lò đúc hoàn thành, mùa thu bắt đầu đốt lò, rồi mùa xuân năm sau thì đã chế được hai khẩu đại bác thử nghiệm đầu tiên. Đó là kiểu đại bác dã chiến cỡ 6 pound, nhỏ hơn loại đại bác giữ thành hay đại bác thiết trí trên chiến hạm.

Lúc hai cỗ đại bác ấy được đặt lên xe kéo ra bãi tập bắn, trong đám người chế tạo súng của phiên trấn đã có kẻ cảm kích đến phát khóc. Nhà buôn Anh là Glover cũng từ Nagasaki chạy đến chúc mừng:

-"Phía đông kinh Suez mà chế tạo được đại bác nạp đạn đằng đuôi bằng thép, thì chỉ có mỗi một phiên trấn Saga mà thôi!".

Thực ra, ngay cả ở Âu châu, trừ Anh, Pháp, Phổ (Đức) ra, chưa hẳn đã có nước nào tự sức mình mà chế tạo được loại đại bác ấy. Ngay như Áo (Austria) là nước tự hào về Lục quân mà mãi cho đến năm Minh Trị thứ 6, 7 (1873, 1874) vẫn còn dùng loại đại bác chế bằng gang, nạp đạn từ miệng súng mà thôi, hoàn toàn chẳng có quan tâm đến loại đại bác Armstrong này. Năm Minh Trị thứ 6 (1873), khi đám Iwakura Tomomi (1825-1883) viếng thăm Âu châu, được hướng dẫn vào kho binh khí của nước Áo ở Wien, thấy loại đại bác cổ lổ ấy, mới ngạc nhiên hỏi:

-"Vì sao vẫn còn dùng đại bác kiểu cũ thế này?"

thì quan đại thần đảm đương Lục quân nước ấy trả lời quả quyết rằng:

-"Loại đại bác này mới có uy lực nhất chứ!".

Nhưng tình cờ đúng lúc ấy ở Wien đang có Hội Triển lãm Quốc tế, cả công ty Armstrong lẫn công ty Crup của Đức đều có trưng bày kiểu đại bác bằng thép nạp đạn đằng đuôi. Có hôm, uy lực của kiểu đại bác ấy được phô diễn trên quảng trường, khiến Lục quân Áo sửng sốt, qua đến năm sau mới chịu đổi tất cả đại bác trong Lục quân qua kiểu mới này. Trước đó 10 năm, phiên trấn Saga đã mua đại bác kiểu này rồi, và đã thành công trong việc chế tạo kiểu đại bác này ngay tại nước Nhật từ 8 năm trước. Glover có cảm thán như thế cũng chẳng có gì lạ.

Đại bác mới chế tạo được chuẩn bị bắn thử. Tất cả các thao tác nạp đạn xong xuôi rồi, bọn pháo thủ lui tản ra xa phía sau. Chỉ có Benzo đứng lại bên súng. Bắn thử súng đại bác thì nguy hiểm vì có thể nổ banh cả cỗ súng, nên quy tắc chung ở các nước là chỉ có một người chí nguyện châm lửa mà thôi. Benzo đã tình nguyện làm việc ấy. Chính Benzo cũng không hiểu mình tình nguyện là do lòng thương cảm đối với người chủ cũ là Hideshima Fujinosuke, hay chỉ vì tính cách của mình vốn hiếu động. Benzo cầm cây trúc dài gắn thanh sắt đằng đầu quấn vải tẩm dầu, khom người nấp dưới khoảng đất trũng mé sau cỗ đại bác, từ từ vươn cây trúc ra, cho đầu vải tẩm dầu đã đốt lửa đến gần lỗ châm lửa ở đuôi súng, châm vào. Đại bác rống lên một tiếng long trời, giật lùi. Đạn bay ra, nổ tung.

Benzo lại đến gần cỗ thứ hai, cũng cùng tư thế như trước, từ từ vươn cây trúc dài ra, đầu lửa phất phới trên không, cuối cùng châm vào nòng súng. Benzo chỉ nhớ được đến đó. Rồi bất tỉnh. Khi hoàn hồn trở lại, đứng lên xem thì chẳng thấy cỗ đại bác ấy đâu cả. Ở chỗ cũ chỉ còn một lỗ hổng to tướng, xe chở đại bác bị tan nát, mảnh vụn tung toé khắp nơi, còn nòng súng thì nằm lăn lóc ở một nơi xa đến khó tin được. Nòng súng bị tét ra, thép ở chỗ tét cuộn lên như giấy cuốn.

-"Benzo! Không sao chứ?". Sano Esuzaemon, một thường dân, chuyên gia về thuốc súng, là người đầu tiên chạy đến hỏi.

-"Có vẻ nòng súng nổ tét mất rồi..."

-"ƯØ". Sano không có vẻ ngạc nhiên gì mấy. Mà vừa cười vừa nói có vẻ tinh nghịch. -"Nổ tét ra thế chẳng phải là tội của bọn chế tạo nòng súng đâu. Lỗi tại ta đấy".

Bọn Sano của Sở thuốc súng muốn so sánh thử nghiệm nên đã cho thuốc nổ phát xạ vào cỗ đại bác thứ hai nhiều hơn cỗ thứ nhất.

-"Ra thế!".

Bây giờ mới biết, Benzo cảm thấy một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng mình.

Dù sao thì cuộc thử nghiệm cũng đã thành công. Phiên trấn Saga gọi đấy là kiểu đại bác Anshiki (An thức, nhại theo chữ A của Armstrong), và bắt đầu việc chế tạo đại bác để dùng thật sự. Tuy tính năng không bằng đại bác Armstrong chính cống, vì thép không bền chắc bằng, nên không dùng đủ số thuốc phát xạ được, nhưng dù vậy, một cỗ đại bác này cũng có uy lực bằng cỡ 10 cỗ đại bác loại thông thường vẫn dùng.

Khoảng những năm Keio thứ 2, 3 (1866, 1867), tình hình chính trị cuối thời Mạc Phủ bắt đầu căng thẳng. Nhưng chỉ có phiên trấn Saga và Lãnh Chúa Kanso là vẫn còn đứng ngoài lề của cuộc động loạn mà thôi. Không thuận theo khuyến dụ của liên minh Satsuma-Choshu, mà cũng chẳng vâng theo lời yêu cầu yểm trợ của Mạc Phủ, cứ điềm nhiên mà giữ vị trí trung lập.

Qua tháng Giêng năm Keio thứ tư (cũng là Minh Trị nguyên niên 1868), liên quân Satsuma-Choshu đánh cho quân Mạc Phủ đại bại bỏ chạy tan tác ở trận Toba Fushimi, bấy giờ Kanso mới nặng nề nhỏm lưng đứng dậy lên họp ở Kyoto.

Liên minh hai phiên trấn Satsuma-Choshu mặc dù đã trấn áp được vùng kinh đô nhưng không đủ binh lực để đập tan thế lực của Mạc Phủ nếu không kéo được về phe mình phiên trấn Saga vùng Hizen có quân đội kiểu Tây phương lớn mạnh nhất Nhật Bản đương thời.

Trong thời gian ở Kyoto, có hôm Kanso đã đến núi Arashi-yama, nhân lên thuyền chơi thì tình cờ mà gặp Katsura Kogoro (Kido Takayoshi, 1833-1877) là chí sĩ Cần Vương quyền uy của phiên trấn Choshu. Trên thuyền, Katsura đã khẩn cầu Kanso cho dùng quân đội phiên trấn Saga làm thế lực chủ yếu trong khối quan quân triều đình (liên minh Satsuma-Choshu). Kanso nghĩ rằng thời thế đã xoay chuyển đến thế này, có tiếc không muốn dùng quân mình cũng không được nữa rồi, nên đáp: -"Anh cứ dùng!" cứ như là cho mượn ống điếu hút thuốc vậy.

Có thể nói rằng chỉ một lời đó đã làm chuyển biến hẳn lực lượng chiến đấu của phe quan quân triều đình.

Kanso bảo: -"Ta thân là Lãnh Chúa, nhưng từ khi nối nghiệp nhà đến nay, vẫn gắng tích lũy tài sản như một thương nhân, không dám hoang phí một xu nào, chỉ để xây dựng cho được một quân đội hùng mạnh theo kiểu Tây phương. Trong mắt ta chẳng có Mạc Phủ mà cũng chẳng có Satsuma-Choshu, luôn luôn chỉ có tâm nguyện muốn thấy phiên trấn Saga đuổi theo kịp các nước Âu Tây được đến mức nào mà thôi. Nhưng ta đã già rồi. Mệt mỏi nữa".

Ông ngắm hoa nở đầy trên núi, mới tức cảnh mà ngâm:

"Hoa ứng lão nhân đầu thượng sỉ".

Hoa đó hẳn là chỉ vào quân đội phiên trấn Saga của ông. Có lẽ ý ông nói rằng: Hoa ấy mà cài lên đầu người già nua như ông thì hổ thẹn, chi bằng hãy ngắt lấy hoa ấy mà dùng đi.

Từ đó, chủ lực quân của phiên trấn Saga được phái đến trấn đóng đất Chinbu trên đường Hokuriku, ngoài ra, còn có đạo quân lưu động gồm bộ binh và pháo binh lên chiến hạm Moshun xuất phát từ cảng Mietsu của phiên trấn Saga. Trên chiến hạm Moshun có hai cỗ đại bác Armstrong chế bên Anh, là niềm tự hào của phiên trấn Saga, tất nhiên có cả Benzo đi theo nữa. Chiến hạm này trước hết đã ghé vào cảng Hyogo chờ lệnh của chính quyền mới ở Kyoto. Chính quyền mới dùng chiến hạm này và đạo quân lưu động trên đó làm bộ đội chiến lược, cho neo chờ đó, dự định phái đi mặt trận nào khó nuốt khi cần đến.

Lệnh "Đi Edo [7]" với mục tiêu rõ ràng như thế đã đến, chiến hạm này lên đường vào ngày 1 tháng tư. Ba ngày sau, tàu đến ngoài khơi Shinagawa, chuyển cho binh lính vũ khí lên bờ để họ theo đường bộ tiến đến Edo. Trên đường tiến quân, chỉ đại bác Armstrong là được phủ chiếu che kín, tránh mắt người ta, mà đưa vào dinh cơ của phiên trấn Saga ở Tameike trên Edo.

Thế nhưng thành Edo đã mở cửa êm thấm nên chuyện tấn công vào thành đã được dẹp bỏ. Bọn Benzo ở lại trong dinh cơ của phiên trấn chờ lệnh. Nghe đồn là bọn Benzo, pháo thủ chuyên thuộc của đại bác Armstrong thì không bị đưa đi mặt trận nào cả. Lý do thì nghe đâu là vì uy lực ác liệt của đại bác ấy về mặt nhân đạo không thích hợp với chiến trường ở trong nuớc.

-"Vậy là thứ dụng cụ to lớn quá mà thành ra không dùng được đấy!"

Ngay cả pháo đội trưởng là Sagara Jurotayu cũng có khuynh hướng kỳ thị không chính đáng đối với loại đại bác này.

Một mặt, ở chùa Kan'ei-ji vùng Ueno, bọn cựu gia thần của Mạc Phủ tập kết, tổ chức một đội cảnh bị trong thành phố, xưng là Shogitai (Chương nghĩa đội), càng ngày thanh thế càng mạnh thêm. Quan quân triều đình đã yêu cầu bọn ấy giải tán, nhưng họ không nghe. Họ tuyên bố là có đến ba ngàn người với 7 khẩu bích kích pháo (pháo nòng ngắn) kiểu Pháp cỡ 4 pound của quân Mạc Phủ cũ để lại, trong đó, 2 khẩu đặt ở Kuromon là một cửa lớn vào thành Edo, 2 khẩu đặt ở Sannodai, còn lại 3 khẩu chia đi các chỗ xung yếu phía sau, biến đồi núi Ueno thành một thành trì sẵn sàng nghênh chiến. Thường thức binh học cho thấy để bao vây mà công phá cho thắng được họ thì cần đến binh lực gấp mười lần. Nhưng tổng binh lực của quân triều đình phái đến Edo thì chỉ có khoảng 2, 3 ngàn mà thôi.

-"Đương nhiên là thành một trận đánh trong thành phố. Trận chiến trên các đường phố kiểu này sẽ đập nát đốt tan thành phố Edo mất. Vì thế, không thể ra lệnh pháo kích dễ dàng được".

Ban tham mưu của quân phiên trấn Satsuma trong đám quan quân triều đình đã chủ trương như thế, đối lập với lập trường chủ chiến của quân phiên trấn Choshu.

Tuy nhiên, khi Omura Masujiro từ kinh đô đến nhậm chức Tổng Tham Mưu thì quân triều đình chuyển sang quyết định tấn công, và quan quân các phiên trấn được phân chia nhiệm vụ ngay. Theo quyết định ấy, trận địa của quân phiên trấn Saga là vùng Hongodai, đêm trước ngày tấn công, trong lúc thành phố yên ngủ thì cổng dinh phiên trấn Saga ở Tameike âm thầm mở, đại bác Armstrong được kéo ra đường.

-"Thưa đội trưởng, kéo đại bác đến đâu ạ?". Benzo vừa kéo tấm chiếu che đại bác vừa hỏi.

-"Nghe bảo là đến dinh phiên trấn Kaga ở Hongodai đấy".

Quả thật, đến trước dinh phiên trấn Kaga thì thấy cửa Akamon mở sẵn. Đại bác được đưa ngay vào trong. Sau đó, đội trưởng Sagara cùng Benzo bước rảo trong khuôn viên tư dinh, ra đến mút phía đông. Đi thêm nữa thì đến bên kia là dinh phiên trấn Toyama vệ tinh của phiên trấn Kaga. Hai người xin vào trong, leo lên tường góc phía đông thì thấy dưới kia là vách núi. Bên kia vách núi là hồ Shinobazu, le lói ánh đèn trong đền Benten ở giữa hồ.

-"Phía bên kia hồ là rừng Ueno đấy".

Sagara nói. Quả thật, phía đó, nhà thờ lớn đốt đèn sáng trưng, đây đó trong rừng Ueno có lửa canh được nhóm lên, bập bùng cháy.

-"Đặt súng ở đây thì bắn tới đó được không nào?"

-"Được quá đi chứ!".

Benzo đáp như hét lên. Cự ly tầm xa đến thế ấy mà bắn tới được thì chỉ có đại bác Armstrong của Benzo mà thôi.

-"Vậy thì, đặt một khẩu đại bác ấy ở dinh phiên trấn Toyama này, và một khẩu ở dinh phiên trấn Kaga".

Sagara nói, rồi tức thì quay lại kho kéo đại bác đến, bố trí trận địa xong xuôi trước khi trời sáng.

Benzo đảm trách trận địa ở góc phía đông dinh phiên trấn Toyama. Mưa từ tối qua vẫn chưa dứt nên Benzo phủ giấy dầu che súng lại, rồi che chiếu rơm ngủ ngay bên cạnh súng.

Trời hửng sáng. Ngay trước mắt Benzo, đã thấy quan quân triều đình gồm binh lính của các phiên trấn theo nhau lên đường.

Rồi kịch chiến bùng nổ. Hai bên tổn thất nặng nề, số thương vong càng lúc càng tăng mà vẫn không phân thắng bại. Thế mà vẫn chưa thấy lệnh cho bắn đại bác Armstrong.

-"Thưa đội trưởng, vẫn chưa có lệnh à?". Benzo hỏi.

Cả Sagara cũng chẳng rõ.

-"Riêng hai khẩu đại bác Armstrong này thì phải đợi lệnh của Phủ Tổng đốc toàn quân triều đình đóng ở Nishinomaru mới bắn được".

-"Thế lệnh đó ra sao rồi?"

-"Ta đâu biết!" Sagara đáp.

Theo chỗ Benzo thấy thì phía cửa Kuromon, tình hình chiến trường có vẻ bất lợi cho quân triều đình. Benzo chẳng hiểu tại sao lại không cho bắn ngay.

Thật ra, Tổng Tham Mưu quân triều đình là Omura Masujiro đã có kế hoạch tinh vi. Ông ta nhắm chuyện dồn bọn Shogitai lại, không để phát tán ra trong thành phố, chờ thời cơ mà đập tan bằng một trận quyết định.

Thời cơ đó đã tới, ngay trước giờ Chính Ngọ. Có người cưỡi ngựa đưa lệnh của Tổng Tham Mưu đến. -"Bắn đi!". Lệnh truyền đến cho Tư lệnh quân phiên trấn Saga giữ mặt này là Nabeshima Kenmotsu. Kenmotsu truyền lệnh cho đội trưởng Sagara. Sagara hét lớn: -"Benzo!".

Bộ hạ của Benzo đã kéo xé giấy dầu phủ trên súng đại bác Armstrong. Tay Benzo đã nắm sẵn cây châm lửa. Đại bác đã được điều chỉnh nhắm đúng vào mục phiêu xong xuôi từ mấy giờ trước rồi.

Châm lửa.

Đại bác gầm lên, đạn đầu nhọn bay qua hồ Shinobazu, rơi trúng lầu Kichijo-kaku trên núi Ueno, phút chốc nổ tung lên mãnh liệt.

Đồng thời, khẩu đại bác bên dinh phiên trấn Kaga cũng rống lên ba phát liên tiếp, phá tan nát trung tâm của Kichijo-kaku, nổi lên một đám cháy lớn.

Lúc hai khẩu đại bác Armstrong bắn xong mỗi khẩu 6 phát đạn thì đội Shogitai bị tiêu diệt hoàn toàn, chiến cuộc chấm dứt một cách tẻ nhạt đến khó tin.

Sứ mệnh của Benzo đã hoàn tất. Lao khổ của Kanso và các thuộc hạ Dương học của ông cũng đã kết liễu, biểu trưng bằng 12 phát đại bác oanh liệt này.

Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 09-2008
t4phamvu@hotmail.com
Chú thích:

[1] Thời Chiến quốc : 1467-1568, các sứ quân cát cứ các nơi đánh nhau hỗn loạn, cho đến khi Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu tiếp nhau hoàn thành cuộc thống nhất, mở ra thời Phủ Chúa Tokugawa.

[2] Lan học : Rangaku, học theo Hà Lan là nuớc được phép buôn bán với Nhật thời bấy giờ.

[3] Thời Genki : 1570 đến 1573, Thời Tensho : 1573 đến 1592.

[4] Lãng sĩ Cần Vương : võ sĩ ở nhiều phiên trấn khác nhau, chungchí hướng Cần Vương (phò Vua chống Mạc Phủ Tokugawa), đã bỏ phiên trấn nhà lên kinh đô Kyoto, trở thành lãng sĩ (võ sĩ mất chủ tướng), tụ họp nhau hành động chống phá phe ủng hộ Mạc Phủ.

[5] Gia lão : Karo, cấp quan cao nhất giúp Lãnh Chúa cai trị phiên trấn.

[6] Hộc : Koku, đơn vị đo lường, khi dùng để tính bổng lộc của võ sĩ, hay lực kinh tế của phiên trấn thì khoảng 150 kí gạo, khi dùng để tính dung tích thuyền bè thì khoảng 180 lít.

[7] Edo : trung tâm cai trị của Phủ Chúa Tokugawa, bây giờ là Tokyo.

Ghi chú của người dịch:

Truyện ngắn "Armstrong-hou" của Shiba Ryotaro, được dịch từ nguyên tác là truyện thứ 9 trong tập truyện cùng tên, bản bỏ túi, do nhà Kodansha Bunko tái bản lần thứ 30 tháng 12 năm 2000.

Nabeshima Kanso (Naomasa) (1814-1871)