Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả

Giải ảo
tình khúc áo bông

Phanxipăng

Hiện nay, áng thơ Áo bông che đầu / Áo bông che bạn / Nhớ bạn / Tự tình của Trần Tế Xương 
càng được đông đảo người biết thông qua ca khúc Người đi Tam Đảo do Phó Đức Phương phổ nhạc. 
Áng thơ kia chất chứa bao điều u ẩn mà hậu thế cần giải ảo. Nhân vật ai là những ai? 
Phải chăng địa danh Tam Đảo trong áng thơ chỉ dãy núi đá ở vùng đông bắc nước ta 
nổi tiếng về du lịch nghỉ dưỡng? Than ngô hay thương ngô hay Thương Ngô nhỉ?.
Vì hàng loạt lý do khách quan lẫn chủ quan, nhiều đơn vị tác phẩm của Trần Tế Xương / Tú Xương (1870 - 1907) lưu truyền lắm dị bản. Áng thơ mà chúng ta đang khảo sát là ví dụ tiêu biểu. Nhan đề tồn tại ít nhất 4 kiểu khác nhau. Có sách như Thân thế và thơ văn Tú Xương (NXB Cây Thông, Hà Nội, 1951), Tú Xương - tác phẩm, giai thoại (Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh, 1987), Thơ Tú Xương (NXB Văn Học, Hà Nội, 1998), Tú Xương toàn tập (NXB Văn Học, Hà Nội, 2010) in nhan đề Áo bông che đầu. Có sách như Tú Xương con người và nhà thơ (NXB Văn Hoá, Hà Nội, 1961), Thơ Trần Tế Xương (Ty Văn hoá Nam Hà, 1970), Thơ Tú Xương (NXB Đồng Nai, 2008) in nhan đề Áo bông che bạn. Có sách như Văn thơ Trần Tế Xương (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1957) in nhan đề Nhớ bạn. Lại có các tài liệu http://htx.dongtak.net/spip.php?article109 và  http://scvnlive.net/vbb/archive/index.php/t-4171.html ghi nhan đề bài thơ là Tự tình. Nội dung cũng tam sao thất bản, nên ở đây xin trưng bản mà cá nhân tôi cảm thấy ưng ý:
Ai ơi! Còn nhớ ai không?
Trời mưa, một mảnh áo bông che đầu.
Vì ai, ai có biết đâu!
Áo bông ai ướt? Khăn đầu ai khô?
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ,
Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình.
Non non nước nước tình tình,
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ! (1)
Ai là ai?

Trong áng thơ lục bát này, thủ pháp trùng âm điệp ngữ được phát huy quá đỗi tài ba tương tự những khúc dân ca tuyệt diệu. Đại từ ai chỉ 2 nhân vật khác nhau. Một ai chỉ nhà thơ. Một ai chỉ bạn của thi sĩ. Vấn đề đặt ra: bạn đó là kẻ nào?

Theo ý kiến của một số người, đó là bạn cùng giới với Tú Xương. Sách Thơ Trần Tế Xương chú thích: "Bạn của nhà thơ đến thăm gặp mưa, nhà thơ phải cởi áo bông của mình che đầu cho bạn khỏi ướt. Bây giờ bạn đã đi xa, nhà thơ nhớ bạn và nhớ sự việc cũ". Có người thấy loạt từ láy Non non nước nước tình tình, lại liên hệ một số áng thơ khác của Tú Xương như Nhớ bạn phương trời, bèn đoán rằng đó là nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867 - 1940).

Một số người lại nghĩ rằng đó là bạn khác giới với Tú Xương, thậm chí là những cô đầu Hồng Hồng Tuyết Tuyết (2) hành nghề hát ả đào. Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) từng nhận xét: "Không có công gì nhiều và to nữa, ngoài một lần che khăn đầu bằng áo bông của mình và ông nhân cái ý khăn đầu ấy, cái việc nhỏ nhặt tầm thường này đáng lẽ không đáng kể là công đâu. Khốn nhưng không kể ra thì lấy gì mà nhắc để hỏi: Ai ơi! Còn nhớ ai không? Cho nên kể cái công nhỏ nhặt tầm thường mà lại duy nhất này. Thoạt mới nghe thì thật buồn cười (vì Tú Xương vốn có tài hài hước), nhưng nghĩ kỹ ta thấy cái cử chỉ lấy áo bông của mình che đầu người khác mới dịu dàng làm sao! Nó phải là cái cử chỉ của một người ưa dịu dàng. Và cái cử chỉ càng nhỏ nhặt và tầm thường bao nhiêu, càng tỏ ra lòng yêu mến nâng niu của mình to lớn và đặc biệt bấy nhiêu. Cái người ưa dịu dàng, cái người được trìu mến nâng niu ấy phải là một người liễu yếu đào tơ để mặc anh đàn ông chiều chuộng mình. Hoặc nếu quá ra thì là một người đàn bà õng ẹo đòi người đàn ông chiều chuộng mình. Vậy là người đàn bà này phải là người cô đầu nay đây mai đó (Người đi Tam đảo, Ngũ hồ) mà Tú Xương gặp lại, chứ không phải người đàn bà con nhà tử tế. Vì thời này đàn bà con nhà tử tế không ai đi với bạn đàn ông. Và nếu có thì khi người bạn đàn ông có che áo bông lên đầu mình dù có thích mấy đi nữa, cũng chỉ mỉm cười và sẽ hất tay người ấy ra".

Kỳ thực, người đó rất đàng hoàng và đích thị tình nhân một thuở của Trần Tế Xương. Nàng là một tiểu thư đất Nam Định, tục danh Cõn, con gái út của tiến sĩ Vũ Công Độ (3). Nhóm thực hiện sách Tú Xương - tác phẩm, giai thoại bao gồm Nguyễn Văn Huyền (chủ biên), Đỗ Huy Vinh, Mai Anh Tuấn căn cứ vào lời thuật của một số bô lão ở Vị Xuyên mà ghi chép: "Khi còn trẻ, hai người đã yêu thương nhau, nhưng gia đình ông Nghè không thuận. Cô Cõn phải lấy chồng ở xã Mai Xá (nay thuộc ngoại thành Nam Định), tên là Hai Đích. Năm 23 tuổi, chồng chết, cô trở về Nam Định, ở vậy, nuôi con. Ông Tú cũng đã lấy vợ, trái tim vẫn lưu luyến mối tình xưa, nhưng không vượt quá khuôn khổ. Bài thơ này làm nhằm một đêm nhà thơ si tình, lượn qua nhà người tình cũ, gặp mưa, phải lấy vạt áo bông che đầu, càng thổn thức khôn nguôi".

Xin nêu thêm một số chi tiết thú vị. Mặc dù goá bụa lúc còn quá trẻ, lại xinh xắn khéo giỏi, nàng Cõn được nhiều "đại gia" ve vãn, song quả phụ cương quyết giữ lòng trung trinh thờ chồng và nuôi con, bởi thế khi nàng 50 tuổi đã được vua Khải Định ban tặng 4 chữ Tiết hạnh khả phong. Quả phụ Hai Đích, tức nàng Cõn, chỉ có một mụn con gái mang họ tên Hoàng Thị Sính. Sính lớn lên, kết hôn với quan huyện Vũ Thiện Thuật, sinh hạ nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1916 - 1976).

Tam Đảo ở đâu?

Dòng thơ Áo bông ai ướt? Khăn đầu ai khô? gói ghém muôn tâm tình quá khó diễn đạt rõ ràng rành mạch đủ đầy. Từ khăn đầu được sách Tú Xương - tác phẩm, giai thoại chú giải: "Phụ nữ ngày trước thường đội khăn. Đây có thể chỉ khăn tang chồng (ứng với hai câu dưới)".

Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ có nghĩa di chuyển tới nơi đâu? Nửa sau áng thơ này được nhạc sĩ Phó Đức Phương phổ nhạc thành bài hát Người đi Tam Đảo. Nghe ca khúc nọ, cũng như đọc tác phẩm của Tú Xương, rất đông người đinh ninh rằng Tam Đảo là dãy núi đá gồm 3 đỉnh Thạch Bàn, Thiên Thị, Máng Chi / Phú Nghĩa. Với diện tích khoảng 850km2, đỉnh cao nhất 1.310m, khu vực Tam Đảo được Pháp xây dựng 163 ngôi biệt thự, tạo lập thị trấn nghỉ mát từ đầu thế kỷ XX, cách Hà Nội 68km.

Vậy Ngũ Hồ ở chỗ nào? Tam Đảo hiện thuộc 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang chẳng có Ngũ Hồ. Há lẽ là Ngũ Hồ nơi rừng núi Bạch Mã ở tỉnh Thừa Thiên - Huế? Hay Ngũ Hồ là 5 hồ nước dưới chân núi Phú Sĩ ở Zamanashi, Nhật Bản? Hay là Đại Ngũ Hồ / Laurentian Great Lakes gồm 5 hồ Superior, Michigan, Huron, Erie, Ontario toạ lạc giữa Canada và Hoa Kỳ?

Chính xác, khi đề cập Tam ĐảoNgũ Hồ, Trần Tế Xương liên tưởng những hồ lừng danh ở đất nước Trung Hoa.

Đó là hồ Hàng Châu, còn gọi hồ Tây (4), tại tỉnh Chiết Giang. Với diện tích 6,3km2, hồ Hàng Châu nổi tiếng bao đời qua mấy chữ nhất sơn, nhị đê, tam đảo, ngũ hồ 一山, 二 堤, 三島, 五湖. Nhất sơn là 1 ngọn núi, thực chất là đồi, mang tên Cô Sơn. Tam đảo gồm 3 đảo Nguyễn Công Đôn, Hồ Tâm Đình, Tiểu Doanh Châu. Ngũ hồ gồm 5 hồ Ngoại Tây, Ly Tây, Hậu Tây, Tiểu Nam, Nhạc.

Đó cũng là hồ Nhị Hải / Nhĩ Hải tại tỉnh Vân Nam. Từ xa xưa, với diện tích 250km2, hồ Nhị Hải đã được khái quát qua mấy chữ tam đảo, tứ châu, ngũ hồ, cửu khúc 三島, 四洲, 五湖, 九曲. Tam đảo gồm 3 đảo Kim Thoa, Ngọc Kỷ, Xích Văn. Ngũ hồ gồm 5 hồ Liên Hoa, Thái, Tinh, Thần, Chử.

Lưu ý rằng Ngũ Hồ còn chỉ 5 hồ Động Đình chủ yếu tại tỉnh Hồ Nam, bao gồm Đông Động Đình, Vạn Tử, Mục Bình, Đại Thông, Hoành Lĩnh, Lộc. Ngũ Hồ lại trỏ hồ Động Đình và các hồ lân cận, gồm 5 hồ Thái, Thanh Thảo, Xạ Dương, Đan Dương và Cung Đình. Và Ngũ Hồ cũng là danh từ chỉ 5 hồ to lớn với phong cảnh đẹp của Trung Hoa là Động Đình, Hàng Châu, Phan Dương, Sào, Thái.

Tam Đảo và Ngũ Hồ được các sách chú thích ra sao? Thơ Trần Tế Xương ghi: "Thắng cảnh ở Trung Quốc nhưng cũng có nghĩa là hai tiên cảnh". Tú Xương - tác phẩm, giai thoại ghi: "Là cảnh tiên, cảnh đẹp (ở Trung Quốc). Cả câu ý nói chồng bà Hai đã đi xa, về nơi tiên cảnh". Tú Xương toàn tập ghi: "Hai thắng cảnh ở Trung Quốc, cũng có nghĩa là hai tiên cảnh. Câu này có ý nói là chồng bà Hai đã đi xa về nơi tiên cảnh (đã mất)".

Than ngô hay thương ngô hay Thương Ngô?

Soạn tiểu luận Thơ Tú Xương / Đọc thơ Tú Xương in trong một số thư tịch, như tập II Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (NXB Văn Học, Hà Nội, 1982) và Trần Tế Xương - về tác giả và tác phẩm (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2003), Xuân Diệu (1916 - 1985) bình luận: "Tú Xương đã viết một giọng văn kín đáo hai nghĩa, vì như thế tiện hơn. Người về khóc trúc than ngô một mình, hiểu nghĩa văn học thì khóc trúc là trúc mà hai bà vợ vua Thuấn khóc chồng đã vẩy nước mắt vào, làm cho lốm đốm; than ngô là cây ngô đồng trong thơ cổ, hiểu nôm na thì trúc với ngô là ở nông thôn, khóc trúc than ngô là khóc cho nhân dân mà đa số là nông dân".

Một số tài liệu chép áng thơ này, không ghi than ngôthương ngô. Thế có nghĩa yêu thương cây ngô đồng hoặc quả bí ngô hay trái bắp ngô ư?

Thực ra, đây là một điển cố văn học, chính xác phải khóc trúc Thương Ngô. Vì là địa danh, Thương Ngô cần được viết hoa. Truyền thuyết kể rằng vào thời Ngũ Đế, vua Thuấn đi tuần thú phương nam, chẳng may tạ thế khi đến đất Thương Ngô ở lưu vực sông Tương - chi lưu chính của Trường Giang tại tỉnh Hồ Nam - khiến hai bà phi xinh đẹp là Nga Hoàng và Nữ Anh (con của vua Nghiêu - kẻ đã nhường ngôi cho vua Thuấn) tìm đến dòng sông nọ mà khóc lóc thảm thiết khiến nước mắt nhỏ xuống những cây trúc tạo vệt lốm đốm chẳng phai, hình thành giống trúc Tương phi, tức trúc Thương Ngô. Khóc xong, hai bà phi nhảy xuống sông tự trầm. Điển cố liên quan sông Tương như giọt Tương hay mạch Tương cũng xuất phát từ tích ấy.

Thương Ngô / 蒼梧 / Cangwu còn gọi Cửu Nghi / 九疑 / Jiuyi là núi trồi 9 ngọn hao hao nhau, hiện đã trở thành Vườn quốc gia của Trung Hoa. Trong tập Bắc hành tạp lục, thi hào Nguyễn Du (1766 - 1820) từng sáng tác đôi bài thất ngôn bát cú Thương Ngô tức sự Thương Ngô mộ vũ, cùng chùm 15 bài thất ngôn tứ tuyệt Thương Ngô trúc chi ca.

Trần Tế Xương gieo vần gọn ghẽ, mà rất gợi:

Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ,
Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình.
Không những ca ngợi nết chính chuyên của người tình xưa, thi sĩ còn xốn xang tấc dạ nên bật đôi dòng lục bát nhằm kết thúc áng thơ. Thi khí dường nhẹ bổng nhưng sao nỗi niềm nặng trĩu:
Non non nước nước tình tình,
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ!
Ai hoá ra kẻ. Ai hoá ra mình. Tuy hai mà một. Tuy một mà hai.

Được giải ảo thoả đáng, tình khúc áo bông càng khiến bao lớp tri âm thuộc muôn thế hệ thêm bồi hồi xuyến xao khi thưởng thức.

(1) Khảo dị:
* Dòng 1: Hỏi ai ai có thương không? / Hỏi ai, ai đó thương không? / Hỡi ai, ai có thương không? / Hỡi ai, ai có nhớ không? / Ai ơi ai có nhớ không? / Ai ơi có nhớ chi không? / Ai ơi còn nhớ ai không?
* Dòng 2: Đêm mưa, một mảnh áo bông che đầu.
* Dòng 3: Rạng ngày, ai biết ai đâu? / Nào ai có biết ai đâu? / Nào ai có tiếc ai đâu?
* Dòng 4: Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô?
* Dòng 5: Người đi Tam đảo, Ngũ hồ,
* Dòng 6: Kẻ về khóc trúc thương ngô một mình / Kẻ về khóc trúc than ngô một mình / Kẻ về khóc trúc than ngô sao đành?
* Dòng 7: Non non, nước nước, tình tình,
* Dòng 8: Vì ai tươi thắm cho mình ngẩn ngơ! / Vì ai lận đận cho mình ngẩn ngơ!

(2) Trích từ bài ca trù nổi tiếng của Dương Khuê (1839 - 1902).

(3) Vũ Công Độ (1805 - ?): Người làng Vị Hoàng, tổng Đông Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định; nay là phường Vị Hoàng, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định. Vốn là giám sinh trường Quốc Tử Giám. 28 tuổi, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Minh Mạng XIII, tức năm 1832. Bia đá còn lưu danh tại di tích Văn Thánh / Văn Miếu ở Huế. Làm quan đến chức Thái bộc tự khanh quyền Bố chánh Thái Nguyên.

(4) Tây hồ 西湖 (bính âm: Xī Hú) là tên gọi rất nhiều hồ ở Trung Hoa - theo thống kê của Lonely Planet thì 800 hồ - và một số quốc gia khác. Nhật Bản có hồ Saiko. Việt Nam có hồ Tây ở Hà Nội.

Đã đăng tạp chí Kiến Thức Ngày Nay 722 (1-9-2010)
Đính kèm tệp mp3 ca khúc Người đi Tam Đảo do Phó Đức Phương phổ thơ Tú Xương, với giọng hát Duy Thường
--->  Người đi Tam Đảo


 

Phanxipăng viếng mộ Tú Xương bên hồ Vị Xuyên, TP Nam Định. 
Ảnh: Trần Nam Xuyên

Tam Đảo trong bài thơ lục bát của Tú Xương 
chẳng đề cập đến khu nghỉ mát nổi tiếng này ở vùng Đông Bắc nước Việt Nam. 
Ảnh: Dudi

 Sông Tương ngày nay, đoạn chảy qua thành phố Trường Sa, 
thủ phủ tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa

Cửu Nghi sơn quốc gia sâm lâm công viên