Chim
Việt Cành Nam [
Trở Về ]
|
|
Rượu
đêm
Tản văn & truyện ngắn NXB Hội Nhà Văn Tác giả : Nguyễn Thị Xuân Sương (bút hiệu : Miêng / Xuân Sương) , sống tại Pháp. |
(*)
Trích từ tập "Rượu đêm"
|
Anh
bước lao chao ngả nghiêng trong tay bạn, cảm thấy niềm vui
kỳ diệu lạ lùng với người bạn mới. Không phải bợm
nhậu như anh đâu, thanh niên này vẻ chững chạc đàng hoàng,
đứng ở quầy uống sữa đậu nành tủm tỉm nhìn anh nốc
mấy ly cô nhắc. Thông thường vậy là anh sẽ cáu, nhưng lạ,
với người mới gặp lần đầu này, anh lại có cảm giác
vui vui muốn làm quen. Và anh gọi thêm ly nữa, lạng quạng
mang đến người uống sữa đậu nành, cúi chào trịnh trọng
đặt ly rượu trước mặt :
- Xin mời huynh cùng thưởng thức. Quán này cô nhắc uống được đây, chí ít thì cũng hơn sữa đậu nành mà huynh đang nhấm nháp. Người ấy mỉm cười nhã nhặn lắc đầu. Thế thì còn được. Đàng này lại giở giọng dạy khôn: - Hãy coi chừng con tim của bạn. Nó nguy rồi đấy. Anh hét to bất mãn: - Cái tim của tớ chẳng dính dáng gì đến đằng ấy, cũng chẳng dính dáng gì đến mấy ly cô nhắc chết tiệt này. Trước kia tớ nốc cả chai cũng chả thấm vào đâu. Mời thì uống, tớ khoái mới mời, đừng dạy tớ chuyện sức khỏe. Chán lắm. Giọng anh lè nhè khiến mấy người khách cuối cùng và chủ quán mỉm cười. Cái anh chàng Đông dương cao lênh đênh một chiều ghé qua thị trấn thuê phòng. Đã hai tuần nay dân bản xứ quen với dáng dấp anh lang bang khắp phố. Và ban đêm thường uống rượu say mềm, bảo nếu không thì không ngủ được. Có hôm chủ quán phải cho người dìu, ngại anh chàng thay vì đi thẳng lại quẹo khúc quành thì sẽ không về khách sạn. Trông anh chàng hiền lành và rất dễ cảm tình, gặp ai cũng chào hỏi vài câu như chỗ quen thân. Riêng với các cô xinh xinh thì chàng liến thoắng: - Em gái đi chợ về đấy à. Ngoan nhỉ. Hôm nào đẹp trời cho kẻ xa nhà này chén một bữa thì tuyệt. Sống ở đời phải tử tế với nhau. Câu sau chàng nói nhỏ như nói một mình. Tuyệt không có vẻ gì cợt nhã trêu ghẹo, nếu khác đi thì đã chẳng yên thân với các cụ thị trấn này rồi. -
Vẫn không à? Thế tớ uống hộ đằng ấy nhé. Liệu hồn,
hôm khác tớ sẽ phạt uống gấp đôi đấy. Trẻ mà nhát
như thỏ thì làm ăn quái gì.
Chẳng nghe người kia nói, chỉ chàng độc thoại, đưa ly rượu ngang mày, nghiêng người chào rồi uống một hơi. Chủ quán nhắc khéo: - Anh bạn Đông dương ạ, ly cuối cùng đấy nhé. Quán cũng sắp đóng cửa và anh say quá rồi. - Say! Tớ mà say… A, đã khuya thế cơ à? Thôi được, tớ về cho đằng ấy đóng cửa tiệm ngủ với vợ. Thấy chủ quán gật đầu ra dấu chú nhỏ bồi bàn, chàng la to: - Khỏi khỏi, cám ơn lắm, ông bạn này sẽ đưa tôi về, cũng là dịp để tán dóc đây. Anh chàng rút ví đặt lên quầy rồi đi, cái ví màu nâu mòn nhẵn chung quanh dày cộm giấy tờ tiền bạc. Chủ quán gọi thế nào cũng không quay lại, anh nói với người bạn mới: - Tớ vui được có đằng ấy cùng về. Cứ để ví đấy, mai hai ta ra uống tiếp. Và anh chàng xiêu vẹo bước đi trong tay bạn. Lại nghêu ngao hát nữa chứ, trông cứ như yêu đời lắm ấy. Giọng trầm trầm, rất buồn, rất truyền cảm nhưng nghèn nghẹn, có lẽ vi say mất giọng. Ừ, anh chàng mỗi lần say là hát, dễ chịu hơn là người say rồi khóc hay văng tục hay vũ phu. Người bạn mới mỉm cười: - Giọng anh cũng tốt đấy chứ. - Chuyện, tớ đã từng hát nghiệp dư nhiều năm giúp các tổ chức xã hội đấy. - Từ thiện nhỉ. Anh về đây làm gì mà ngày nào cũng nhậu say vậy. Có thân nhân ở đây à. Xin lỗi nhé, nếu không quá tò mò. Khéo ngã. - (Cười to) Thì tò mò quá rồi chớ nếu kéo gì nữa. (Nghiêm giọng) Không, tớ chẳng có ai ở cái xó này cả. Ngao du, thấy nó dễ thương thì ở chơi thời gian, khi nào chán nơi này sẽ ta bà xứ khác. - Thú vị nhỉ. Thế bà chị và các cháu không cùng ngao du với anh à? - (Đứng sững lại) Này, tớ cấm đằng ấy hỏi chuyện đời tư nhé. - Ô xin lỗi vậy. Coi chừng, đường chỗ này hơi gồ ghề. - Gồ ghề cóc gì. Tớ vẫn khua chân nửa tháng nay ở cõi đèo heo này, còn lạ gì, khéo vẽ chuyện. (Rướn người hít) Ra khỏi cái hang ấy là tỉnh người nhỉ. À này, sao đằng ấy chỉ uống sữa đậu nành là sao nhỉ, chẳng khác trẻ con là mấy. Dưới ánh sáng mờ mờ trăng đêm bắt đầu khuyết, hai bóng hình cao nhong nhỏng tay trong tay đổ dài trên đường. Các lùm cây khô khan co rúm ban ngày, ban đêm có vẻ thư giãn soãi tay chân nô đùa trong không khí. Mùa thu đã vào thị trấn mấy hôm nay, gió ngan ngát phủ tấm chăn mỏng lên cỏ cây và khúc đường vắng vẻ yên tĩnh lạ thường. Con sóc nhỏ thấy bóng người vội nhảy vào hàng bụi dại. Tiếng dế nỉ non xa xa gần gần cố giảm bớt cái bao la tĩnh mịch. Không một bóng người. Anh cảm thấy cực kỳ sảng khoái như chúa tể trong đêm, lại hát vang vang. - Nhà đây rồi. Anh vào chơi nhé, lát nữa tôi đưa về. Hai người bước vào khu vườn nhỏ vẻ tiêu điều. Trừ hai cây cao to cuối vườn, chẳng có hoa lá gì tươi tắn cười giỡn trong đêm. Cỏ mọc cao đến bục cửa sổ cũng úa tàn sau mùa hạ. Mấy tảng đá to bên trái căn nhà lù lù ẩn trong cỏ dại như người ta chơi cút bắt. Tự nhiên anh rùng mình. Chủ nhân hiểu ý mỉm cười, dìu anh bước lên mấy bực thềm sứt mẻ. Tiếng ổ khóa lách tách rít rắm rồi hai người vào bên trong. Căn nhà như cũ lắm, mùi ẩm mốc khiến anh nhảy mũi. Chẳng trông thấy gì. Chàng uống sữa đậu nành với tay đâu đó tìm diêm. Ngọn lửa leo lét không đủ soi căn phòng khách rộng thênh thang, ngoài chiếc bàn và hai ghế xa lông với lớp bụi dày là chiếc tủ cao có ống nghe và máy đo áp huyết. Dụng cụ khám bịnh mà nom rất khả nghi, thiếu vệ sinh. Hình như chủ nhà chẳng mấy khi quét dọn và không quan tâm bụi bặm. - Xin lỗi anh, hơi bụi vì tôi thường vắng nhà. Tôi sẽ khám tim cho anh. - Khỏi, tim tớ tốt. Cám ơn. - Chẳng mất mát gì, tôi không tính tiền anh đâu. - Tớ ngán gì tiền, có điều tim tớ chẳng cần khám. - Anh nhầm rồi, tim anh có vấn đề mà. - Đã bảo không. (Dợm bước ra) Hay tớ về vậy. - Gớm, khó tính nhỉ, dễ cáu, thảo nào tim chẳng ổn. Thôi rồi, anh ngồi chơi tôi ra ngay. Chàng thanh niên uống sữa đậu nành bước vào trong. Cánh cửa long bản lề cách phòng khách vài mét hẳn là phòng ngủ. Anh nghe tiếng lục đục mở tủ, cánh tủ cũng có vẻ xộc xệch, rồi chàng uống sữa đậu nành bước ra với chiếc bờ lu dông trắng như xác định địa vị của mình, áo đã rã ở cổ và tay trái. Lạ nhỉ, bác sĩ thứ gì mà trông bẩn thế. Vậy mà bất giác anh ngạc nhiên sao mình lại có vẻ tin cẩn, như đã rơi đúng vào tay lương y. Cái tim đã nhồi máu hai lần khiến anh suýt chết sắp được bàn tay phù phép của chàng trẻ tuổi này giải cứu đây. Có cái gì rất quyến rũ ở chú chàng, mái tóc bồng bềnh rũ xuống trán khiến mặt có vẻ ngây thơ, đôi mắt to thẳm thẳm buồn với cái nhìn chân thật, dáng dấp thư sinh và nhất là giọng nói trầm chững chạc. - Đằng ấy là bác sĩ nhỉ ? - Như anh thấy, chuyên tim. - (Dáo dác nhìn quanh) Trông ế khách nhỉ. - Chả ma nào đến. - Bác sĩ mà chẳng có bịnh nhân thì chẳng là bác sĩ nữa rồi. - Vẫn đấy chứ, nhưng bệnh nhân như anh thì không có. - Thế có bệnh nhân gì? - (Tủm tỉm) Loại khác. Mà này, anh thật tình không muốn khám tim à? - Đùa đấy. Khám đi. Khám kỹ vào. (Lại nhìn quanh) Chẳng có Internet nhỉ. - Anh cần dùng à? Ngoài cà phê có mà. - Không, tớ dị ứng với thứ quỷ ấy. Tình bạn giữa họ bắt đầu như vậy, giản dị thân tình. Chàng lêu nghêu Đông dương có vẻ rất hãnh diện là người bạn hầu như duy nhất của chàng bác sĩ. Hầu như, bởi vì anh chẳng thấy ai đến chơi hay khám bịnh, trừ một lần có đứa bé gái thập thò ngoài cửa khi đôi bạn vừa xênh xang về nhà, chàng bác sĩ bảo con bé không nên ở đây vì đêm đã khuya và cấm không cho nó đến nữa. Những chuyến đi về khuya khoắt này kéo dài chẳng được bao lâu vì khách sạn than phiền là chàng Đông dương không ngủ trong phòng, chỉ sáng sớm khi mấy người làm vệ sinh đến thì gặp anh nằm dài trên băng đá ngoài sân. Họ ngại cho sức khỏe anh. Nhậu nhẹt, thức khuya, ngủ không đàng hoàng khiến chẳng mấy ngày mà người anh rộc hẳn đi, xanh lả. Trời đã se lạnh và gió đêm thường quét đi những người yếu đuối, ngộ nhỡ có chuyện gì. Là thị trấn nhỏ, chẳng ai muốn rầy rà. Năm kia đã có một ký giả về đây làm phóng sự về ngôi mộ của một nhà văn hoang phế lâu năm. Ban ngày có hai người khác lo máy quay phim máy chụp hình. Đêm, ông ký giả một mình mua rượu mời ông nhà văn ngồi dậy thù tạc, bảo với đồng nghiệp là để lấy cảm hứng và cảm giác mạnh khi giao tiếp với thế giới bên kia. Chẳng biết ông nhà văn quá cố có nhậu không, có say không, nhưng ông nhà báo người ta tìm thấy sáng hôm sau không còn cử động nữa. Lúc đó cũng vào mùa thu, ông ký giả nằm dài trên đống lá đã mủn phủ tràn lan ngôi mộ nhà văn không ai chăm sóc. Cả thị trấn xáo động. Ở đây hình như quá yên tĩnh, chỉ cần một sự kiện nhỏ cũng làm thành chuyện. Và câu chuyện ông ký giả hãy còn mới tinh, dĩ nhiên không ai muốn thêm một ông Đông dương lạ hoắc ở đâu đổ bộ đến, chẳng may hồn rời khỏi xác thì rất phiền cho thị trấn - nhất là khách sạn nơi anh trú ngụ. Vì vậy khi bầu trời khoác bộ áo đen, anh Đông dương lịch kịch xách va ly rời khách sạn thì chưa bước hết con đường dẫn đến bùng binh thị trấn, nơi thiên hạ tụ họp tán dóc mỗi sáng mỗi chiều dưới các tàng lá sum suê hoặc dù chống nắng bên quán cà phê nhỏ, là cả khu đã biết hết rồi. Trước tiên là khách sạn điện thoại cho chủ tiệm cà phê nơi anh vẫn thường uống rượu, vô tình bị đóng vai người quản lý “toàn bộ tài sản” mà anh nhất định không chịu lấy về từ hôm trước. Mỗi lần anh ăn tiêu gì ở đâu, người ta thường báo cho chủ cá phê, ông này lại lấy cái ví anh ra kiểm tra và chi trả trước mặt vài nhân chứng, ghi chép cẩn thận vào quyển sổ con. Thị trấn này đặc biệt dễ thương điểm đó, của rơi ngoài đường người ta chỉ nhặt để bên lề, không ai tham lam của người khác, vì vậy anh chàng Đông dương cũng có cái may đã lưu lại nơi đây. Mỗi lần phải chi trả người ta lại thấy tiện là anh không dùng thẻ tín dụng. Giờ nếu anh rời khách sạn tức rời thị trấn, chủ quán cà phê hài lòng khỏi phải đóng vai quản lý bất đắc dĩ cho anh nữa. Lỡ anh xài quá số tiền trong bóp thì sao. Anh vào quán cà phê như vào nhà, kéo lê chiếc va ly nhỏ đặt trong góc phòng. Anh hầu như không ăn gì, uống rượu cũng ít đi và nói càng ít hơn nữa. Chủ quán có vẻ lo lắng thấy anh mệt lử và thở phào khi anh đồng ý nhận lại cái ví. Anh bảo đã hứa với bạn từ ngày mai sẽ bỏ rượu, sẽ ăn ở nhà với bạn vì bạn muốn chăm sóc sức khỏe anh hơn, không để anh la cà thất thường nữa. Chủ quán tươi cười, nói biết là sắp mất khách nhưng rất mừng cho quyết định của anh, vì trông anh tiều tụy lắm rồi. Quán bắt đầu đông, anh lặng lẽ ra đi trong khi mọi người bận bịu dọn ăn cho khách. Trời đã tối đen khúc đường anh vào nhà bạn. Vẫn con đường nhỏ ấy mà không còn trăng soi, cũng không có bạn đi bên cạnh, anh thấy như chơi vơi trong bóng tối mịt mùng. Nhiều lần anh bước hụt, con đường lồi lõm các mô đất kéo dài như vô cùng dưới đôi chân suy nhược của anh. Không một hơi thở. Không một bóng đèn. Phố mãi ngoài kia chẳng hắt nổi vào đây chút sáng. Trong bóng thẫm tím của đêm, căn nhà bạn như gần như xa, ánh sáng mơ hồ hắt hiu dẫn anh tiến tới. Anh lạng quạng vấp té trên mô đất bên đường, lại gượng dậy bước đi. Con đường sao mà dài, quá dài so với thường lệ. Trời mùa thu lại oi bức bất thường, bầu khí quyển đặc quánh, đổ ụp xuống nhân gian. Anh cảm thấy ngộp, hổn hển đứt hơi, muốn gọi bạn nhưng tiếng côn trùng nổi lên lấn át. Chợt tiếng gầm thịnh nộ từ trời đổ xuống khiến anh hốt hoảng té qụy. Anh vịn mô đất đứng lên nhưng mắt anh không nhìn rõ bóng đèn nhà bạn nữa, chắc gió thổi tắt nến rồi. Khắp người anh đau đớn rã rời. Bất ngờ một thứ tình cảm khó định nghĩa xâm chiếm lấy anh. Trong thoáng chốc anh như nhìn thấy suốt cuộc đời mình đã trải qua và bỗng nhiên hối tiếc đã lang thang đến xứ hẻo lánh xa xôi này, hối tiếc đã rời khách sạn trong lúc sức khỏe kém đi và hối tiếc bước vào con đường mà chẳng hiểu sao, anh thấy âm u quỷ ám. Cơn mưa trái mùa ào ào hối hả trút nước như thể không muốn anh nghĩ ngợi gì thêm. Thoạt tiên thấy sảng khoái thoát khỏi nóng bức ngột ngạt, anh ngửa mặt lên đón nước. Chỉ vài phút sau anh mới thấy cái lạnh thấm vào da thịt, len qua lớp áo khóac mùa thu, len qua lớp sơ mi mùa hạ, len suốt vào xương tủy. Anh rùng mình nhiều lần, nỗi ân hận khi nãy lại trở về hành hạ anh mãnh liệt. Anh không hiểu mình đang đi đâu đây, giữa khu đất nhấp nhô và cỏ mọc như rừng, giữa các bụi rậm lù lù như những oan hồn ngồi chờ cơm cúng. Màn mưa dày dặc bao phủ anh, không còn bóng đèn nhà bạn dẫn đường nữa, anh hoàn toàn lạc lõng, bơ vơ, hoảng hốt. Anh muốn quay về khách sạn, ngày mai sẽ xin lỗi bạn và sẽ đến ban ngày cho dễ. Anh mò mẫm tìm chiếc va ly, cố vén mưa vạch đường ngược ra hướng phố. Đêm hoàn toàn. Mưa vẫn ào ạt. Anh không thấy gì cả, run rẩy lạnh cóng và sợ hãi vu vơ quấn lấy anh. Đất trơn trợt kéo chân anh nhiều lần ngã xuống, có khi đầu chạm vào bực đá có khi vào mô đất, lại mò mẫm đứng lên và bước đi, muốn định về hướng phố mà chẳng biết lối nào. Giải đất này khô khan là thế mà khi mưa trút xuống thì nhầy nhụa quá, bùn như từ lòng đất đùn lên níu chân anh lại. Nỗi buồn và niềm hối tiếc phiêu lưu rời khách sạn lại ập đến, anh nhớ cô ấy quá, nếu còn với nhau, phiêu lưu với nhau, dù trong điều kiện nào cũng là thú vị. Đằng này… Anh vội gạt ý nghĩ tiêu cực ấy đi nhưng bỗng dưng bật khóc. Tiếng mưa to át tiếng nấc thoát ra từ cổ, nước mưa xóa ngay nước mắt vừa ra. Ngay cả giọt nước mắt khóc cho cảnh ngộ, khóc nhớ người xưa, cũng không còn dấu vết. Toàn thân anh lạnh cóng, tay chân bắt đầu run rẩy và anh không kiểm soát được nữa. Nhưng chút tỉnh táo còn sót lại trong đầu cứ đẩy anh đi tới, đi, ngay cả chẳng thấy bàn tay. Cuối cùng anh mừng rỡ nhìn thấy phố kia rồi, nhưng chắc lạc về khu khác. Nhiều dãy phố dài nhưng trông nghèo nàn, một ít nhà khang trang đèn sáng rực nổi bật giữa đám nhà thấp lè tè tôi tối. Dầu sao thì anh cũng thấy an lòng, từ xa đã thấy cả phố có vẻ rộn ràng vui, tiếng chén đĩa chạm nhau của bữa cơm chiều, tiếng trẻ con nô đùa, tiếng đàn hát vẳng ra. Sức lực tưởng mất đi lại trở về, anh hưng phấn hát theo và ngạc nhiên thấy từ xa, con bé thập thò cửa nhà bạn hôm nào đang chạy đến. - Chú đi lạc à? Nhà chú Martin mãi ở phía kia kìa. Gớm nhỉ, thế tức nó hiểu ở đây mình chẳng có bạn bè nào khác, đồ ranh. Con bé nhanh nhẩu kéo va ly bước thoăn thoắt, qua hai dãy phố quẹo tay mặt, vượt khỏi căn biệt thự quẹo trái, đi thẳng hết dãy nhà thấp, quẹo trái nữa… Mỗi lần quẹo nó dừng lại chờ anh đến gần, nếu nó chạy biến đi thì chẳng biết đằng nào. Anh theo muốn hụt hơi, rủa thầm gớm loắt choắt thế mà nhanh như sóc. Có lúc anh cảm thấy bước mình nhẹ thênh thang, vụt theo kịp con bé. Mưa đã ngưng từ bao giờ, có lẽ từ lúc anh vào phố, chỉ còn lại cái ẩm ướt và hơi đêm bao la se lạnh. Anh hít sâu vào lồng ngực, cảm thấy an bình và trong thoáng chốc cảm nhận hết cái đẹp của cuộc đời. Bây giờ anh cũng nghĩ đến cô ấy, một thứ tình cảm bao dung thênh thang. Hình như anh vừa bước qua một ngưỡng gì đó, xa lạ mà an lành, bỏ lại sau lưng những dằn vặt buồn phiền một thời trai trẻ. - Đây rồi chú, cửa mở. Cháu đi nhé, chúc chú một đêm vui. Khách khí nhỉ. Chỉ thế là con bé đã biến nhanh như cắt, bất ngờ như lúc nó hiện ra trong phố. Anh bỡ ngỡ bước vào nhà bạn, đèn đuốc sáng trưng và bàn ghế bày biện trông cũng khang trang ra phết, có lẽ hai hôm nay anh chàng không lêu bêu với mình là để lo sửa soạn đón mình đây. Anh cảm động khi bạn từ trong bước ra với chiếc khăn lau tay, vồn vã: - Mưa quá anh nhọc nhỉ, ướt hết rồi. Thôi anh vào trong thay quần áo rồi ăn cơm, tôi nấu khéo lắm đấy. Anh thay bộ đồ ngủ, chợt cảm thấy nó nhẹ tênh như sương khói. Có lẽ vì mệt hay vì kích động quá mà không còn cảm nhận được trọng lượng nữa, cái gì anh cũng thấy chơi vơi thênh thang. Lòng anh mở ngỏ, sẵn sàng tuôn ra những gì từng khép lại che giấu. Anh cảm tưởng như có gì thôi thúc phải thổ lộ lòng mình, phải trải bày như phơi tấm lụa dưới nắng cho khô đi, cho nhẹ nhàng xếp vào ngăn kéo. Rồi anh sẽ giã từ những bữa rượu đêm. Anh ra phòng ngoài, bạn đang mở rượu, anh ngồi xuống ghế đối diện: - Đằng ấy không uống sữa đậu nành à? - (Cười to) Đặc biệt hôm nay thì không. - (Ậm ừ) Đằng ấy nhớ bị tớ cấm không cho hỏi chuyện đời tư nhỉ. Thế giờ tớ kể đời tớ cho nghe nhé. - Không bắt buộc đâu anh bạn ạ. Có phải anh ở nhà với tôi là phải khai hết tông tích ra đâu. - Hẳn thế, nhưng phải có mức độ thân thiện nào thì tớ mới khai. Này nhé, cô ấy bỏ tớ theo trai đấy. - (Tủm tỉm) Cô nào? Chắc tại anh hay cáu chăng? - Vợ tớ chớ cô nào nữa. Chỉ tại cái thứ Internet quái quỷ, vì vậy tớ rất thù thứ kỹ nghệ thông tin hiện đại. (Mơ màng) Chẳng là tụi tớ hay đi trình diễn văn nghệ giúp các hội đoàn, cô ấy chuyên hát dân ca, tớ tân nhạc tạp diễn và ghi ta điện. Rồi đưa lên óep. Thế là có thằng ranh nào đó thư từ qua lại khen cô ấy hát hay. Ban đầu chỉ thế thôi, mà cuối cùng là tớ mất cả vợ lẫn con. Con trai hẳn hoi nhé, bốn tuổi… - Xin chia buồn với anh. Số mạng hết cả. - Triết lý vặt. Mà đằng ấy biết thằng nhỏ chết vì sao không? Trời ạ, vì cô ấy hẹn với trai, bỏ thằng nhỏ trong xe tưởng chờ chốc lát mà rồi quên béng. Hơn ba tiếng đồng hồ sau mới ra thì thằng nhỏ ngất ngư trong xe khóa kín giữa nắng mùa hè rồi. Đem tới bịnh viện không cứu kịp nữa. (Thở ra) Có cái không biết nên vui hay nên tự trách là ra tòa, muốn cho cô ấy nhẹ tội, tớ khai là cô ấy rất yêu con. - Nên vui chứ, như vậy là anh rất tốt. Mà chị ấy có yêu con thật không? - Không yêu bằng tớ yêu. Nhất là từ ngày có thằng bồ ranh. (Thấp giọng) Cô ấy vào tù, tớ bắt đầu say sưa. Rồi tớ mất việc. Tớ bán hết nhà cửa tài sản, chia cho cô ấy một nửa, phần tớ thì ngao du. (Lắc đầu) Mà thôi, bây giờ tớ bỏ qua hết, tớ sẽ bắt đầu lại từ đầu, sẽ không rượu chè nữa. Kinh nghiệm cho thấy rượu cứ vơi cả thùng mà buồn vẫn cứ lù lù nằm nguyên ra đấy. - Hoan hô anh. Giờ ta cụng ly chứ? - Dĩ nhiên, kiêng là bắt đầu từ ngày mai cơ. Bên ngoài đêm sững lại. Cái lạnh mùa thu ẻo lả lùa vào khe cửa và trong ánh sáng tưng bừng của căn nhà bao lâu hiu quạnh như chợt lóe lên cái gì rực rỡ chưa từng thấy. Hai người bạn trò chuyện râm ran, rượu hết chai này đến chai kia, chuyện hết câu này đến câu nọ, người ngoài nghe thấy hẳn tưởng là một ngày đại lễ… * Chẳng biết bằng cách nào, sáng hôm sau người ta lại thấy anh nằm chỏng trơ trên băng ghế trước khách sạn. Cái lạnh và ẩm ướt thấm vào người vốn đã yếu nên anh nóng hừng hực, phải đưa đi cấp cứu. Anh mê man và không còn nói năng được nữa, quai hàm cứng ngắt vì cóng lạnh trong đêm. Không còn va ly, không còn giấy tờ tiền bạc. Người ta đành chờ ba hôm sau, khi quai hàm anh mềm lại và cơn sốt nguy kịch đã qua. Nói thế nào cũng không nghe, bệnh viện đành để anh xuất viện trưa thứ sáu nhưng mãi đến chiều anh mới thực sự ra về. Đó là một buổi chiều cuối tuần an lành có nắng vàng tươi ngọt ngào dưới trời thu dìu dịu, một buổi chiều lý tưởng để người thị trấn rồng rắn theo anh đến nhà bạn, nơi mà anh diễn tả thì không ai đoán được là đâu. Đám con nít lao nhao chạy trước cười nói thích chí như đi rước đèn. Ông chủ tiệm cà phê đi cạnh trông chừng sợ ngã vì anh bước liêu xiêu đổ về phía trước. Người ta đi như thể tiễn cô dâu về nhà chồng, một nhà chồng xa lạ họ muốn khám phá cho an tâm biết con gái sẽ trú ngụ nơi nào. Trên đường hướng khách sạn, khi anh rẽ vào khúc quành thì thiên hạ ngạc nhiên hỏi anh có nhầm không, làm gì có phố nào bên ấy, chỉ là nghĩa trang. Nhưng anh nhất định bảo phải qua khỏi khu này. Anh vòng vo mấy lối nhỏ nghĩa trang và con bé hôm nào kéo hộ va ly từ sau nhanh nhẩu vượt chạy trước, nháy mắt cười ra dấu anh theo. Qua hai dãy mộ quẹo tay mặt, vượt khỏi căn nhà mồ sang trọng quẹo trái, đi thẳng hết dãy mồ thấp, quẹo trái nữa… anh mừng rỡ căn nhà bạn kia rồi. Từ xa vẫn thấy căn nhà tiêu điều hoang phế. Mọi người bỡ ngỡ nhìn nhau. Họ dè dặt đẩy cánh cửa xiêu vẹo lủng lẳng ổ khóa móc ơ hờ, bước vào bên trong âm u bụi bặm. Căn phòng khách rộng thênh thang, ngoài chiếc bàn và hai ghế xa lông với lớp bụi dày là chiếc tủ cao có ống nghe và máy đo áp huyết… Cái ví anh trên bàn. Có người chợt kêu lên: Có phải va ly anh kia không? Người ta quay về phía tay chỉ, chiếc va ly màu đen nằm chơ vơ trong góc. Thiên hạ lo lắng nhìn anh. Anh bàng hoàng bước ra vườn, nơi mấy tảng đá to bên trái căn nhà lù lù ẩn trong cỏ dại như người ta chơi cút bắt, e ấp ngôi mộ nhỏ. Tần ngần, anh nhìn tấm hình bạn trên bia mộ, vẫn mái tóc bồng bềnh rũ xuống trán khiến mặt có vẻ ngây thơ, đôi mắt to thẳm thẳm buồn với cái nhìn chân thật… Anh lẩm nhẩm đọc “Nơi an nghỉ của Martin Dupont, sinh viên y khoa, sinh ngày… mất ngày…”. Cách đấy không xa, tấm bia mộ gắn hình con bé mới khi nãy còn chạy trước nháy mắt với anh. Mặt anh không còn giọt máu. Một cơn đau nhói lên và anh ôm ngực, vừa lúc ngã qụy trong vòng tay ông chủ cà phê vẫn theo chăm anh bên cạnh. Người ta vội làm hô hấp nhân tạo nhưng con tim đau đớn của anh đã muốn ngơi nghỉ hoàn toàn. Chiều bắt đầu thong thả dạo chơi trong khu nghĩa địa và giun dế ở đâu bỗng rộn rã vang rền. Thế gian yên lặng cúi đầu. Như thể Martin muốn anh hiểu rõ người bạn mới ấy là ai trước khi chán nơi này sẽ ta bà xứ khác.
|
|