Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]              [ Trang Chủ ]               [ Tác giả

Giữa bản năng tình mẫu tử 
của con người và loài vật.
Trịnh Thanh Thủy
Mỗi buổi sáng cuối tuần, tôi thường chạy bộ ngoài công viên gần nhà. Sáng nay như thông lệ, sau nửa tiếng chạy vòng, tôi đứng lại nghỉ mệt và ngắm cây xanh cùng những dòng chảy sinh hoạt cuộc sống quanh mình. Chợt tiếng động nhỏ gần một cây to vang lên, khuấy động bầu không khí yên tĩnh của sớm mai. Đó chính là âm thanh rơi nhẹ của một cái ly cỡ nhỏ bằng nhựa. Sự việc đó không làm tôi ngạc nhiên, nhưng hình ảnh thoăn thoắt bé nhỏ của một con sóc nâu chạy băng từ trên cây xuống làm tôi chú ý. Nó chạy đến gần ly,  thò miệng cắn vào thành ly để  kéo về phía mình. Cái ly nhẹ nhưng to bằng nửa thân hình con sóc khiến con vật phải dùng hai tay quặp lấy và nâng lên như người ta đang nâng một chậu đất hình cái ly vậy. Nó lôi cái ly lên cây đại thụ gần đó bằng tất cả những động tác vừa kể. Con vật vừa lên đến cái chảng ba rộng rãi, tôi nghe có tiếng ly rơi xuống đất. Sóc nhà ta chạy xuống đất, chui vào ly liếm láp tí ti, rồi lôi ly lên cây. Tôi đứng im không nhúc nhích, quan sát con vật vì sợ nó thấy động mà bỏ chạy hoặc sẽ  ngưng công việc ấy. Con vật nhặt ly và lên, xuống cái cây ít nhất là 5, 6 lần. Tôi không biết là trước đó, nó đã thất bại bao nhiêu lần. Cái lạ là mỗi lần lên tới chảng ba cây rậm rạp ấy, ly lại rơi. Sau nhiều lần rơi, Sóc ta có vẻ giận dữ, đứng trên cây, vẫy cái đuôi xinh xinh một cách nhanh, gắt và hung hãn. Nó quyết định xuống đất lần nữa. Khi nó tới đất, tôi phát hiện ra một con sóc con bé tí lông còn vàng tơ, bò chậm chạp từ trên cây xuống, đến bên con sóc nâu. Tôi đoán đây là hai mẹ con nhà sóc. Chú sóc con vừa đến bên mẹ thì sóc mẹ bỏ cái ly cho con sóc con chui đầu vào liếm. Còn nó đi tìm một cái ly khác gần đấy. Hôm qua nơi này một nhóm người tổ chức ăn mừng gì đó đã để lại một thùng rác đầy những ly chén nhựa và khăn giấy. Thùng rác vì quá đầy nên ly và khăn nhựa bay lung tung vương vãi trên bãi cỏ công viên. Các chú sóc nhà ta lại ưa ngọt nên hay tìm uống và liếm những giọt nước ngọt còn sót lại trong ly. 

Khi phác giác ra chú sóc con bỏ cây xuống đất tôi thấy vỡ oà ra lý do tại sao sóc mẹ lại mang cái ly lên cây và tại sao ly cứ liên tục rơi xuống đất. Sóc mẹ kiên nhẫn mang ly lên tổ sóc ở chảng ba cây cho sóc con liếm chút chất ngọt còn trong ly, nhưng sóc con vụng về cứ làm ly rơi xuống làm nhọc lòng sóc mẹ phải ra công. Óc tôi tự dưng nảy ra câu hỏi tại sao sóc mẹ không biết kêu sóc con xuống đất mà cứ phải lập lại cái động tác nhọc nhằn ấy một cái kiên nhẫn đến vậy. Nếu sóc con không thông minh chạy xuống liếm ly thì có lẽ sóc mẹ còn tiếp tục hành động này mà không từ bỏ. Như vậy, con vật thương con vì tình mẫu tử, bao dung, kiếm thực phẩm nuôi con vì bản năng hay vì tính kiên nhẫn sống còn mà không bỏ mồi? 

Cử chỉ của sóc mẹ làm tôi liên tưởng đến lối hành xử trong việc tìm dấu vết tổ mình của những con ong đất. Thế giới loài ong rất kỳ thú. Chúng ta thường thấy những tổ ong trên cây dưới hiên nhà hay trong một bụi cây nào đó nhưng nếu để ý kỹ chúng ta sẽ thấy một loại ong chuyên môn làm tổ của nó dưới mặt đất đó là loài ong đất (ground-nesting bees). Một trong những giống ong đất là ong Nghệ(bumble bees). Chúng thuộc loại côn trùng đem lợi đến cho người vì chúng mang phấn từ nơi này qua nơi khác khiến cây có thể thụ hoa và đơm trái. Ong Nghệ ít làm phiền tới thế giới của người vì chúng rất bận rộn trong việc bay lượn hút mật và xây tổ. Việc xây tổ lại là việc của những con ong cái. Mỗi mùa xuân đến, các nàng ong chúa bắt đầu tìm một nơi mới để làm tổ.  Sau khi đào những đường hầm dài dưới lòng đất, các nàng xây một cái tổ lớn gồm những phòng rộng hay những căn buồng chứa đầy mật và phấn hoa. Đào tổ là nghề của các mợ ong.  Chúng làm tổ ở những nơi có loại đất khác nhau như đất sét, đất bùn, cát ở các đụn cát sa mạc hay ở bãi biển. Có những loại ong đất rất đặc biệt, chúng chọn nơi để làm tổ chống lại khí hậu nóng bức bằng cách đào sâu xuống lòng đất để tránh hơi nhiệt. Kẻ thù của vương quốc ong là các anh chồn hôi. Chúng rất thích ăn thịt côn trùng, mà ong đất là món côn trùng khoái khẩu của chúng. Chồn hôi hay tìm phá tổ ong để ăn thịt ấu trùng và ong đất. Chúng “cố đấm ăn xôi” mặc kệ cho ong chích, cho da thịt sưng tấy trong cái thú đau thương. Do đó ong đất hay dấu tổ của mình bên dưới một vật phẳng như một tấm ván cũ, miếng nylon, hay cái sàn mục. Chúng dùng cỏ khô hay rơm rạ để dấu tổ và để lót chỗ cho các mợ ong đẻ trứng và nuôi dưỡng ấu trùng. Các ong chúa đẻ suốt mùa hè. Còn các ong thợ thì làm việc không ngừng nghỉ để xây vương quốc và cung cấp thực phẩm cho ấu trùng cùng nỗ lực ra sức giữ nhà. Mặt đất thường hay có sự thay đổi, đôi khi một nhánh cây khô rơi xuống che đường vào tổ. Có khi một trận mưa làm lá rụng xuống che kín khiến các ong thợ khi đi hút mật trở về không còn thấy được căn nhà xưa. 

Các nhà động vật học đặt ra câu hỏi “Làm sao các con ong đất biết đường về tổ khi chúng rời nhà? Rudiger Voss and Jochen Zeil of the University of Tübingen, Germany đã có câu trả lời khi họ quan sát chúng. Chúng thường dùng một cấu trúc bay cao cố định để gom hết tất cả chi tiết một cảnh vật mà chúng cần phải nhận ra lần nữa. Khi rời một nơi chốn, chúng bay vòng lại để nhìn rõ và đánh vòng cung từ phía bên này sang phía bên kia và đánh dấu mốc trung tâm của một cảnh quan bằng một vật nổi bật. Dường như chúng nhớ hàng loạt những bức ảnh của cảnh vật như đã chụp hình ở cuối mỗi đường bay vòng cung. Khi trở về chốn cũ, chúng có khuynh hướng bay theo một đường bay cố định có phong cảnh hợp với những gì chúng nhớ. Khi tổ bị lấp, chúng bay theo mùi mật, theo đường cũ mà về, không thấy tổ chúng cứ bay vòng vòng . Chúng không có cái thông minh để tìm một nơi tạm trú hay lập một cái tổ mới mà cứ kiên nhẫn đánh vòng. Khi đó chúng ta sẽ thấy rõ đội ngũ của những con ong thợ không nhà. 

Việc đi tìm lại tổ của các con ong thợ được gọi là một “hành động cố định khuôn mẫu” (fixed ation pattern) lập đi lập lại như con sóc mẹ đã làm. Hành động cố định khuôn mẫu là những cử chỉ rập khuôn của con người hay loài vật sinh ra với tính chất di truyền. Nó không phụ thuộc vào sự giáo dục hay dạy dỗ. Một thí dụ điển hình là loài ngỗng Graylag sẽ dùng mỏ để lăn những trái trứng nào bị đổi chỗ hay rời xa tổ, trở về tổ của nó theo bản năng thiên bẩm. Vì không có tính thông minh nên nó sẽ lăn những vật gì có hình dáng giống trái trứng như một trái banh gôn, một cái nắm đấm cửa hay kể cả một cái trứng to lớn khác không phải là trứng của nó đẻ ra. 

Một câu hỏi được đặt ra rất lý thú là con người có những “hành động cố định khuôn mẫu” này hay không? Câu hỏi này được Irenaeus Eibl-Eibesfeldt và Hans Hass đặt ra . Họ làm việc cho cơ quan The Max-Planck-Institute ở Đức về ngành chuyên môn nghiên cứu sinh lý học của các cử chỉ hành động con người. Hai nghiên cứu gia này làm một đoạn phim quay lại những cử chỉ con người trong những hoàn cảnh xã hội rất tự nhiên, đặc biệt là  không có chất kịch tính. Những hoạt cảnh tự nhiên theo phong tục tập quán này được quay dưới một góc độ trung thực nghĩa là ống kính dấu đi khiến người bị quay không biết là mình bị quay. Những hình ảnh quay được của một phụ nữ người Himba từ Namibia ở Nam phi có hành động cố định khuôn mẫu. Khi chăm nom, bồng ẵm con cái theo bản năng tình mẫu tử, bà mẹ trẻ cười với đứa bé. Mí mắt cô nhướng lên cùng lúc với đôi lông mày nhô cao sáng rõ trong hàng loạt hình phim ảnh đã chứng minh. Đó là một cử chỉ trong hằng loạt những cử chỉ được đưa ra để dẫn chứng “hành động cố định khuôn mẫu”. Điều này liên quan đến việc kết luận, những cử chỉ ấy là bẩm sinh tức là bản năng tự phát chứ không phải do học hỏi hay giáo dục. 

Những nghiên cứu này đã tạo ra sự tranh cãi cũng như bị chỉ trích và ngày nay những từ này đã được thay thế bằng “những hành động khuôn mẫu”(behaviour patterns hay behavioural acts). Từ cố định bị bỏ đi vì:

- Thật sự cử chỉ hay thái độ cư xử không có cố định như cụm từ “những hành động khuôn mẫu” ám chỉ. Có những thay đổi khó thấy được ở trong và giữa các loài vật cũng như con người vì sự tạo tác mỗi cá nhân hay từng con vật có một cấu tạo khác nhau.

- Những cử chỉ hành động không hẳn là bẩm sinh mà nó còn khác nhau tùy thuộc vào kinh nghiệm

- Hơn thế nữa hành động còn bị chi phối bởi ảnh hưởng môi trường và điều kiện sống chung quanh. 

Những nghiên cứu và khảo sát của các nhà động vật học giúp chúng ta hiểu rõ đời sống của loài vật, thông hiểu đời sống sinh, tâm lý cũng như văn hoá của chúng để có thể tiếp xúc và trò chuyện với chúng. Hơn thế nữa họ còn đi sâu vào nghiên cứu những tiến trình tiến hoá của con người từ thượng cổ tới nay. Một trong những nhà động vật học nổi tiếng lẫy lừng về thuyết tiến hoá của con người là Charles Darwin. Cuốn The Expression of the Emotions in Man and Animals  của ông đã ảnh hưởng tới suy nghĩ của nhiều nhà động vật học khác. 

Có lẽ tôi đã đưa bạn đọc đi quá xa chỉ trong những cử chỉ bình thường của một con sóc hay một con ong trong khi đời sống bận rộn con người còn nhiều cái để quan tâm. Nhưng các bạn ơi, nếu tưởng tượng ra được một điều thế giới thiên nhiên và những sinh vật quanh ta mất đi chỉ còn toàn con người sống với nhau chắc kinh hoàng lắm nhỉ. Làm sao có một con sóc mang một cái ly lên cây để tôi ngồi quan sát, để các chú chó và các em nhi đồng rượt đuổi? Làm sao có những con ong mang nhụy hoa từ nơi này sang nơi khác để hoa kết trái thành thực phẩm nuôi con người? Mọi vật đều có tính liên kết mật thiết với nhau phải không các bạn?

Trịnh Thanh Thủy
Tài liệu tham khảo

-Soil of ground-nesting bees: Journal of the Kansas Entomological Society
http://www.jstor.org/pss/25085307

-Ethological studies of sign stimuli
http://www.flyfishingdevon.co.uk/salmon/year1/psy128ethology_experiments/ethexpt.htm