Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [ Tác giả ]
Bốn cửa thành

Truyện ngắn của Quý Thể

Nhà tôi tuy nhỏ, nằm  trong xóm lao động, nhưng được cái là biệt lập, không chung vách với ai. Nhà có bốn cửa quay ra bốn hướng, cửa nào cũng là cửa chính, đều ra vào được. Tôi rất thích ngôi nhà nhiều cửa và cũng thường đem việc này ra khoe. Có người tán thành, nói:" Tết nhất ông xem thầy xem lịch nói xuất hành hướng nào tốt, mở cửa phương đó..." Lại có người cho rằng nhà kiểu này không sợ kị tuổi tác nào. Riêng vợ tôi thường than vản:

- Nhà cửa gì trống huyếch trống hoác, tiền của làm sao đậu cho được, có làm lụng cực nhọc suốt đời cũng chẳng dư. Với lại mưa thì lạnh lẽo ướt át, nắng thì gió máy bụi bặm. Bốn cửa bốn khoá, nội việc sắm khoá giữ chìa cũng mệt.

Sáng sớm hôm nay tôi mở cửa hướng bắc. Cửa  quay phía đường cái,  giờ này còn sớm lắm, rất ít xe cộ. Tôi thấy lão Tạo, hớt tóc dạo, nhà bên kia đường. Sáng này lão cũng dậy sớm,  đứng nhìn về phía hai đầu đường. Không biết nhà hắn có việc gì mà sáng sớm hắn đã phải đón xích lô? Đây là việc rất lạ, nhà hắn có  xe đạp. Đi đâu hắn và vợ con đạp xe, không bao giờ dám chơi sang ngồi xích lô. Thế mà sáng nay gặp chiếc xe nào hắn cũng đưa tay ra vẫy, xe dừng, hắn đến gần, nhỏ to gì đó, xích lô bỏ đi. Tôi chắc bọn họ nói chuyền tiền nong, không thoả thuận được. Phải bốn năm lần như thế, không chiếc xe nào chịu chở cả.

Một lúc sau chị Tạo xô cửa bước ra, dáng chị ta đi đứng e dè khép nép  nét mặt nhăn nhó đau đớn, một tay ôm bụng, tay kia nắm lưng quần, ra đến đường chị tựa vào thân cây, đứng thở. Tới đây tôi vẫn chưa rõ nhà Tạo hôm nay có việc gì? Vợ Tạo hỏi:

-  Lâu quá sao không có xe nào sao? Kì kèo chuyện tiền bạc làm gì, nó đòi bao nhiêu cũng chịu.

-  Không phải chuyện tiền nong. Không đứa nào chịu chở, có đứa nói, cho bạc vạn cũng không thèm...

-  Ông nói với người ta chở gì?

-  Chở đàn bà đi đẻ...

Mụ Tạo đau bụng quá, nổi khùng chửi:

-  Đồ Ngu! Ai bảo nói chở người đẻ?

-  Không nói nó cũng biết, bụng to sầm sầm như cái thúng, mặt mày nhăn nhó rên rỉ, chở tới nhà thương, không đi đẻ đi đâu?

-  Mặc kệ cha nó, lên xe rồi nó phải chạy.

- Thôi, không cần, để tui lấy xe đạp chở mình đi. Mụ Tạo không bằng lòng nhưng chẳng còn cách nào, đành chấp thuận, nhưng than: " Ai đời đi sinh mà phải ngồi xe đạp". Anh Tạo gọi :" Thuý ơi ! Lấy áo quần bỏ vô giỏ cho má mày đi đẻ" Chị Tạo đau bụng quá, ngồi sụp xuống đất. Anh Tạo dẫn xe ra, hai người leo lên đạp mấy vòng. Tạo dừng lại, nói :" Mình thì vội mà chiếc xe bánh non quá, đạp nặng như cái cùm. Đi nữa dập ruột hết" Chị Tạo đau quá leo xuống xe ngồi bệt lên cỏ nói :"Cái đầu nó tuột xuống dưới rồi, cấn quá, không đứng được nữa " Tạo chạy vô nhà kiếm cái bôm, không có, anh ta dẫn xe qua phía bên kia đường nhờ bôm, một lúc sau dẫn xe lại. Chị Tạo leo lên xe, hai tay ôm chồng, gác cằm lên vai anh ta, hối :"Mau lên !  Đẻ dọc đường bây giờ! "Tạo gò lưng đạp bỗng thét lên:"A ! Đau quá, nhả ra !" Người đàn bà đau đẻ quá cắn vai chồng. Bóng hai người khuất ở cuối đường.

Tôi trở vô nhà ngồi thừ ra nghĩ ngợi. Một con người sắp sửa chào đời, vào cái giây phút thiêng liêng quan trọng đáng vui mừng đó, sao không thấy sự mừng rỡ đón chào ? Chỉ thấy toàn nỗi đau đớn, sự bực bội. Vừa lúc đó vợ tôi nói:" Mở cửa sau cho con Trà quét sân sau,  cỏ rác nhiều lắm, như nhà hoang."

Tôi mở cửa sau, cửa này quay về hướng nam nhìn qua nhà ông Lộc. Từ ngày ông Lộc qua đời, tôi chưa lần nào ra sân sau. Tôi nhớ lúc sinh tiền, ông cũng thường dậy sớm như tôi. Ông bưng cho tôi tách nước trà cúng Phật. Ông thường cầm chiếc bay  nhỏ, ngồi cạnh chậu hồng, xới đất vun gốc, làm cỏ. Thời gian gần đây đôi mắt ông kém lắm. Trước ông đã cận thị rất nặng, cặp kính ông mang dày như hai cái đít chai, nhìn vào thấy mấy quần ánh sáng, tôi đã thử mang một lần, hoa mắt, chẳng thấy gì. Về sau ông dù có tăng thêm độ cũng không thấy, đi cứ vấp ngã mãi.

Ông ngồi trước chậu hoa không nhìn bông hoa mà tìm nó bằng tay và bằng mùi hương. Ông cúi đầu thật thấp, mũi chạm đoá hồng hàm tiếu. Ông kể chuyện hoa, và theo ông thì cây cỏ nó cũng biết "luyến" người, nó có tình và bày tỏ tình cảm bằng màu sắc mùi hương. Hôm nay tôi nhìn qua vườn nhà ông, cảnh vật rất ảm đạm thương tâm. Ông mới qua đời chưa đầy một tháng mà vườn tược tàn tạ thấy rõ. Con cháu ông nhiều lắm nhưng chẳng có đứa nào chăm sóc. Hôm ông mất, con cháu để tang, thầy trên chùa xuống xé khăn tang thành nhiều dải dài buộc cho cây, giờ đây trong nắng mai, trong ngọn gió nhè nhẹ buổi sáng,  vải tang trắng phấp phới bên đoá hồng nở ra cho người mà người thì không còn.

Trước đây ông có thói quen dậy sớm, thức bà dậy nấu cơm cho con cháu ăn đi học. Cả nhà rộn rã từ lúc  còn mờ sáng. Giờ đây đã trưa. Mặt trời lên hơn con sào mà vẫn im lìm, cửa ngõ còn đóng, bên trong nhà tối đen lạnh ngắt.

Tôi trở vào ngậm ngùi cho cái lẽ tử vong. Tôi nghe có tiếng ồn ào nơi cửa hướng về phía mặt trời mọc. Giọng bà Hoa Bắc bán bánh canh lanh lảnh:

-  Ông Long bà Nhàn ơi! Ra đây dẫn cụ về, cụ làm bậy ra đây rồi!

Và sau đó là một tràng dài đầy lời than vản:

-  Trời ơi, mới mở hàng sáng sớm như thế này còn mua bán gì được nữa? Có nước bê nguyên nồi vô nhà, vợ chồng con cái húp bánh canh trừ cơm...

Tôi mở cửa nhìn về phía nhà bà Hoa Bắc, thấy khách khứa nhốn nháo. Có người chạy ra đứng ở sân không quên bê theo tô bánh canh. Hoá ra ông già cha đẻ ông Long năm nay thọ tám chín mươi gì đó, vào quán bà Hoa Bắc làm bậy trong đó hôi thối khách khứa chạy cả. Ông Long nghe kêu, chạy qua xốc nách bố lên, ông cụ già quá, người teo tóp lại như đứa bé lên mười. Ông Long bế cha chạy về, vừa chạy vừa than: "Kiểu này tắm cụ xong thì tôi cũng phải tắm."

Tôi chứng kiến từ đầu đến cuối cái hoạt cảnh khổ sở về tuổi già. Đúng lúc ấy có tiếng gõ cửa. Ấy là cánh cửa hướng mặt trời lặn. Mở ra, tôi thấy ông Hai hàng xóm, mặt mày thất sắc, nói:

-  Nhà có cái túi cao su chườm nước nóng không?

Tôi nói có, ông thở phào nhẹ nhõm, than: " Thế mà suốt ngày qua tôi đi mua, đi mượn, không đâu có". Tôi hỏi cần làm gì, ông nói vợ đau bụng, đau bụng gì không biết, đau dữ dội, mỗi cơn đau lăn lộn, toát mồ hôi, uống đủ thứ thuốc rồi, không bớt. Tôi nói, tại sao ông không chở chị nhà đi bệnh viện. Ông nói vợ ông không chịu tới bệnh viện, sợ họ mổ bụng. Ông Hai mượn túi cao su xong còn cố nài nỉ tôi qua nhà khuyên lơn vợ ông. Ông nói tôi là chỗ thân cận, hàng xóm láng giềng, lại là người có ăn học cao, nói chắc chị vợ ông ta nghe lời.  Tôi nhận lời qua nhà ông vì sự tò mò.

Tôi biết vợ ông tên là Mỹ Lệ, một người phụ nữ rất đẹp. Lệ đã quá bốn mươi nhưng biết chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp nên trông còn trẻ lắm. Tôi thấy chị ta lúc nào cũng tươm tất, áo quần thay ngày hai ba bộ, tóc tai son phấn đàng hoàng. Nghe nói buổi mai chị ta son phấn trang điểm cả giờ mới xách giỏ đi chợ. Chị ta tập thể dục nhịp điệu, thể dục thẩm mỹ,  nên người thon gọn, không thua con gái. Ngoài ra Lệ còn biết gĩư cho tinh thần lạc quan vui vẻ yêu đời, luôn cười cợt với trẻ con, cười duyên với những người đàn ông. Thế mà giờ đây cơn đau và bệnh hoạn làm cho Lệ trở thành người khác hẳn. Khác đến mức tôi không ngờ. Tôi thấy Lệ bò lê, lăn lộn dưới đất, áo quần xốc xếch, tóc tai bù xù, mặt mày không son phấn trông ủ rủ nhợt nhạt. Chị ta đau đớn quá quên cả mắc cỡ, áo sút mấy hạt nút, không cài. Tôi khuyên một vài câu rồi trở về.

***

Tôi không biết hôm nay là ngày gì mà mở bốn cánh cửa trông về bốn hướng đều thấy cảnh khổ của kiếp nhân sinh. Đầu tiên là cảnh đi đẻ của mụ Tạo, cái chết của ông Lộc, tuổi già cụ thân sinh Ông Long, cơn đau của chị Lệ. Thực đúng là bốn cái khổ cơ bản của con người, sinh, lão, bệnh, tử. Suốt ngày hôm đó tôi buồn chán chẳng muốn làm công việc gì.

Thế nhưng sáng hôm sau khi mở cánh cửa hướng bắc, tôi thấy chiếc xích lô che mui kín đỗ lại. Chị Tạo trùm khăn ôm đứa bé đỏ hỏn trờ về. Nét mặt chị rạng rỡ hẳn lên. Người trong nhà đổ ra reo hò chào đón một thành viên mới của gia đình.

Tôi ra cửa sau nghe bà Lộc hối con cháu : " Mở cửa ra để thầy trên chùa vào cúng thất cho bố" Một thầy còn trẻ mặc áo nâu, đội nón lá đi xe máy đỗ trước cổng. Lúc sau có tiếng chuông mõ, nhìn vào thấy hương hoa đèn đóm sáng ngời, quang cảnh ấm cúng và đầy tình thương mến.

Nhìn qua nhà ông bà Long, tôi thấy ông cụ chín chục tuổi, áo quần mới, ngồi sưởi nắng trước sân, dáng ung dung, tiên phong đạo cốt. Ông đang bẻ bánh mì vụn ra cho mấy con chim bồ câu ăn. Tôi quay trở lại xô cánh cửa mở ra hướng mặt trời lặn, lại nghe tiếng hát véo von, nhìn lên ban công thấy chị Mỹ Lệ chưng diện son phấn xinh tươi hơn ngày thường. Thấy tôi, chị cười duyên.

***

Ngày xưa bên nước Ấn độ có vị Thái tử tên là Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu May Gia. Một hôm thái tử ở mãi trong cung, tù túng, bèn xa giá đi ra bốn cửa thành, không may phải chứng kiến bốn cảnh khổ của kiếp con người sinh, lão, bệnh, tử. Thái tử buồn chán cho số kiếp con người, bỏ ngôi báu, đi tìm đạo, ngày sau thành Phật. Đó là đức phật tổ Thích Ca Mâu Ni.

Ngày hôm qua tôi cũng đã chứng kiến cảnh khổ của kiếp con người, cũng muốn đi tìm chân lí. Thái Tử còn bỏ ngôi báu, cung vàng điện ngọc đi tìm đạo huống chi tôi không có gan bỏ ngôi nhà tồi tàn, con vợ già, bầy con nghịch, đồng lương hạng bét của anh công chức quèn này sao? Cũng may tôi chưa kịp đi tìm đạo thì cảnh đời hôm nay đã khác, không còn cảnh đen tối buồn thảm như hôm qua. Tôi lẩm bẩm: Đời là thế mà, không có sinh lão bệnh tử như chất muối thêm vào thì cuộc đời nhạt nhẽo biết chừng nào!

Tôi là người viết văn, cũng có lúc bí đề tài, phải tìm ở sách vở đông tây kim cổ xa lắc xa lơ mà có khi chẳng được gì. Nay thì tôi đã có "nguồn" đề tài ở sát ngay bên cạnh. Hãy đẩy cửa ra nhìn cuộc đời mà viết ./.