Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          
Cá Nha Trang tắm nắng

Quách Giao

Sáng nay vịnh Nha Trang trời hồng sắc nắng. Mặt biển trải thảm thắm xanh.
Từ bãi biển Nha Trang nhìn về hướng Đông Bắc, có ngọn đảo nhỏ nằm chơi vơi trong vịnh Cù Huân. Dân thuyền chài gọi là Hòn Cứt Chim.

Đảo trông rất hiu quạnh. Hiu quạnh vì không một bóng cây ngọn cỏ, hiu quạnh vì ít có thuyền câu, thuyền chài, neo đánh cá hay núp bóng nắng trưa. Thuyền câu không  dừng, thuyền đánh cá không đậu vì không có bến thuận cho thuyền neo. Đảo chỉ gồm có hai khối đá vách thẳng đứng trơn tru, dường như trước kia chung một song vì thời gian và sóng nước nên phân chia làm đôi cách nhau không đầy một mét.Tuy nhiên nhìn từ xa đôi lứa vẫn cùng chung một khối. Nhìn từ hướng Nha Trang thì đảo trông giống như một con chuột bạch nằm thu mình giữa sóng gió trùng dương. Đến cách đảo độ 300 mét thì  hình dáng giống in như một chú khủng long con vừa mới từ trong trứng nở ra rồi bơi xuống bể…

 
Hòn Đỏ Nha Trang


Đây là một hòn đảo toàn đá nằm cách đảo Hòn Đỏ chừng 500 mét về hướng Đông, làm bình phong che thay tiền án. Nhìn từ xa Hòn Cứt Chim thường màu trắng. Màu sắc thay đổi theo từng thời gian với ánh mặt trời. Buổi ban mai khi vừng đông ló dạng thì đảo có màu nâu in hình trên nền  trời hồng rực rỡ. Lúc mặt trời đứng bóng, mặt biển xanh màu xanh ngọc bích thì hòn đảo trở thành màu trắng rồi biến sang màu đỏ trong chốc thoáng dưới ánh nắng xế tà và tím xẩm lúc trời chiều với sóng bạc lượn bao quanh.

Đảo toàn đá, một màu xanh xám. Nó khác hẳn với màu đá trên Hòn Đỏ chỉ toàn một màu đỏ. Theo lời những ngư dân có tuổi thì sở dĩ có tên Hòn Cứt Chim là vì trên đỉnh tuy ngó như là mặt bằng song lại có nhiều mô đá lỏm chỏm trông như là  phân chim. Trên đảo không có cây cối song thuở xưa lại có một loài chim mòng biển đến sống đông đúc. Chúng không làm tổ mà lại đẻ trứng trên đá, rồi nằm ấp trứng. Và phân chúng thải ra nhiều đến nỗi đọng lại thành đống và thời gian đã hóa thành đá nên mặt đảo gồ ghề.  Chung quanh đảo, vách đá dựng đứng khó mà leo lên tận đỉnh, thành ra tuy gần bờ song không có một bóng người khuấy phá. Tuy nhiên có một thời gian bầy mòng biển lại kéo nhau về hội tụ rồi lại tản đi phương xa. Và hôm nay chỉ còn sót lại một vài cặp mòng biển tháng ngày về đậu đẻ trứng ấp con. Chim mòng biển đẹp ở bộ lông trắng điểm màu hồng nhạt hoặc xanh đậm lẫn nâu đen. Cánh chim dài và thẳng vút khác với đôi cánh chim bồ câu rộng và có dáng hơi tròn. Đầu chim tròn như chim câu song mỏ dài và khi bay thì cổ vương thẳng. Chim mòng biển cũng sống thành đoàn. Tuy nhiên trên đảo chỉ có một vài con chim sống đơn côi hoặc từng đôi một  hoặc từng ba bốn đôi. Chúng thường nằm ấp trứng lẻ loi giữa nắng và gió. 

Khi chúng tôi đến thì trên đỉnh đảo có hai con chim đang ấp trứng. Chúng nhìn khách lạ với đôi mắt lặng lẽ rồi xoay đầu nhìn ra xa, nằm im như không hề để ý đến khách. Rồi bỗng nhiên xuất hiện một con chim khác, chim này vừa sà xuống thì con kia vụt bay đi để nhường chỗ nằm cho con chim mới vừa về. Chim bay về phía bể khơi thẳng một mạch rồi chìm khuất vào màu trời nước mênh mông.

Mới có tám giờ cho nên phía tây của đảo vẫn còn bóng mát. Sóng nước chập chờn. Tự nhiên chúng tôi nghĩ đến hình ảnh một vài túp lều bằng gỗ nằm vắt ngang từ khe hở của hai mảnh đảo. Nơi đây buổi sáng ngồi chờ mặt trời lên và ban đêm nằm nghe sóng vỗ thì thật là một khu du lịch êm đềm giữa vùng trời bao la của vịnh Cù Huân  (một vịnh đẹp trong những vịnh đẹp nhất thế giới). Mặt biển buổi sáng  hoàn toàn im lắng. Một màu xanh bao la trải rộng ngút ngàn đến tận chân trời. Hôm nay bể lặng nhưng lại có sóng ngầm. Trên mặt biển không có một gợn sóng nào nhô lên nhưng quanh bờ đảo lại có từng gợn sóng thỉnh thoảng lại tràn lên các bờ đá. Làn sóng tràn lên không tạo bọt sóng, không có âm thanh vỗ vào thành đá, không có bọt sóng trắng xóa tan vỡ và bắn ra tứ phương. Những đợt sóng ngầm lặng lẽ như từ dưới chân đá nhô lên và tràn lên khắp bãi đá rồi âm thầm rút xuống bể khơi một cách an lành. Con sóng ngầm không thể thấy từ xa. Thuyền phải kề cận gần bờ mới nhìn tận mắt con sóng lặng lẽ tràn lên bờ đá rồi âm thầm rút xuồng bể sâu. Những con sóng ngầm tùy theo mùa nước, khi thì hung dữ, khi thì hiền hòa. Mùa biển động, ghe thuyền đi gần bờ đá thường hay gặp tai nạn, bị các con sóng ngầm hung dữ dồi mạnh va đập vào đá.


 Biển lặng/Foto: Nguyentran
Hôm nay những con sóng ngầm nhẹ nhàng, hiền dịu. Và một hiện tượng kỳ thú chợt hiện ra trước mắt chúng tôi. Trên những bờ đá trải dài có vô số con vú nàng (một loài hàu có thân tròn và nhỏm cao ngọn) cùng với những con hàu tụ thành đám nơi bờ đá đang được những đợt sóng ngầm  dâng nước  tràn ngập rồi rút đi để trơ thân hàu dưới nắng mai hồng. Nhìn những đám hàu no tròn và lớn vóc chúng tôi nhớ đến nhà thơ Tản Đà đã từng đến Nha Trang và thuê thuyền ra Hòn Đỏ để thưởng ngoạn thắng cảnh thiên nhiên và ăn hàu uống rượu. Thi sĩ sau buổi thưởng ngoạn lại gặp cơn phong ba của biển động làm trôi mất thuyền về, phải nhờ đến người quen cứu hộ. Hàu ở hòn Cứt Chim nhiều và to lớn hơn ở Hòn Đỏ. Chắc là thi nhân nếu gặp thì ngưỡng mộ lắm lắm. Tuy nhiên Tản Đà tiên sinh không phải ra đảo ăn sò để được no bụng, mà để thưởng thức cái thú thiên nhiên để được hưởng cái hương vị  vừa thanh vừa ngọt của con sò khi được lấy từ vỏ hàu nơi vách đá, hòa lẫn với vị chua của chanh, vị mặn của muối tiêu và nhất là hơi cay của rượu đế.

Đang tưởng nhớ đến Tản Đà tiên sinh thì trước mắt chúng tôi chợt hiện ra một con sóng ngầm lan cao lên mặt bờ đá. Trong làn nước trong xanh có muôn vàn con cá liệt nhỏ lội nương theo làn nước đang dâng cao lên gành đá. Chúng chen chúc nhau bơi trong sóng nước và đột nhiện tụm nhau lại trong đám hàu chen nhau vùng vẫy và cuối cùng chúng nằm ngửa phơi bụng trắng nõn trên bãi đá đã khô nước.  Trong cảnh tượng đột biến này chúng tôi hồi hộp vì lo sợ đám cá con bị mắc cạn. Nhưng không, đàn cá vẫn ung dung nhảy tung lên xuống như chơi đùa với nhau. Chúng khép mở hai mang cá như hít thở khí trời, mắt mở lớn và mồm loa ra như hớp lấy ánh mặt trời. Chúng không có dáng dấp của những con cá bị mắt lưới vừa được đổ ra thúng hay trên mặt đất của những chiếc thuyền chài. Những con cá bị mắc lưới kia dãy dụa loi nhoi vì thiếu không khí để thở, vùng vẫy để tìm cái sống. Còn ở đây những con cá liệt con vùng vẫy để nô đùa cùng ánh sáng mặt trời và để hít thở không khí bể khơi. Những cái vảy cá dưới bụng lóng lánh dưới ánh dương như những hạt kim cương.  Tất cả đều nằm phơi bụng trên mặt đá.  Những cái bụng trắng phau nõn nà óng ánh. Những cặp mắt mở tròn, không ngơ ngác nhìn thẳng lên trời trong xanh. Những chiếc miệng nở tròn ngậm mở hớp thở khí trời chan hòa ánh nắng vàng. Tất cả đều có một vẻ thản nhiên trước sự khô nước, rực nắng hồng và tràn đầy niềm vui trong sự sống. Thế rồi một con sóng ngầm khác lại lặng lẽ tràn ngập lên gành đá và khi nước rút lui thì bầy cá bỗng nhiên biến mất. Chúng chìm vào nước và như tan biến đi trong màu nước trong xanh. Không một con nào còn sót lại, không một chiếc vảy cá nào  lưu lại trên vết đá.

Làn nước trong veo vẫn chập chờn, nắng vẫn chứa chan vàng trên mặt nước. Nắng trong suốt xuyên qua làn nước để  nhìn qua thấy đáy. Không một bóng cá nào bơi lội. Bỗng nhiên chừng vài phút sau, bầy cá liệt con lại xuất hiện cùng với đợt sóng ngầm kế tiếp. Và lần này chúng cũng lại nằm phơi nắng bên nhau. Một vài con, chừng như hăng tính theo con sóng vượt lên phía trên cao. Và khi con sóng rút đi thì con cá lại tung mình nhảy lên như tiễn chào bạn sóng. Nằm im chỉ một vài giây thì chú cá nhỏ này lại nhảy lên một lần nữa rồi khi chạm mình xuồng thềm đá thì lại nằm im lìm như giả chết. Trông chúng tinh nghịch như những trẻ con: vô tư và hồn nhiên. Cơn sóng ngầm tiếp theo lần này sớm hơn lần trước. Các chú cá tinh nghịch lại trở về với bể khơi. Theo dõi nhiều lần như thế chúng tôi xác định rằng không phải các chú cá liệt con bị sóng ngầm đánh văng lên mà là chúng đã nương theo triều nước mà lên bờ đá để giỡn chơi rồi nằm phơi nắng. 

Nhìn ngắm cảnh tượng này ban đầu chúng tôi hồi hộp và lo âu cho sinh vật biển nhỏ bé. Song khi quan sát và nhận xét chúng tôi mới thấy rõ những nét vui tươi, sinh động của sự chen chúc cùng nhau phơi mình dưới nắng mai hồng. Chỉ một điều lạ lùng là tại sao chúng lại có hành động kề cận với cái chết mà nhất là tại sao cá lại thích nằm phơi nắng dưới ánh mặt trời, trên nền đá. Nếu không nhìn tận mắt thì không thể nào tin được. Cảnh tượng diễn ra suốt gần một tiếng đồng hồ. Ngoài bể khơi có những đàn cá chuồn bay lên khỏi mặt nước hàng trăm thước nhưng đó chỉ là nhất thời và không có sự hiểm nguy vì thế nào sau khi bay trên mặt nước cá lại rơi xuống bể khơi. Còn ở nơi Hòn  Cứt Chim này, bầy cá liệt con phải hiểu thấu qui trình của những đợt sóng ngầm để vững tâm nằm phơi mình trên đá, để tắm nắng hồng tươi để chờ đợi con sóng ngầm kế tiếp lên tiếp đón mình về với biển khơi.
 


 Nắng vàng biển xanh. Foto: Nguyentran


May mắn thay chúng tôi quay được vài thước phim hình ảnh cá lên nằm phơi nắng trên đá và không có gì hạnh phúc hơn là được nhìn ngắm tận mắt cảnh thiên nhiên lý thú và lạ lùng này.

Trong trời đất có biết bao hiện trạng thiên nhiên kỳ lạ xảy ra mà chính mắt chúng ta có trông thấy mới tin được.

Cá tắm nắng trên đá do chúng tôi tình cờ trông thấy tại một hòn đảo đá nhỏ nhoi trơ vơ giữa biển đông tại vịnh Nha Trang.

Để kỷ niệm chúng tôi  gọi hòn đảo Cứt Chim là hòn Cá Tắm Nắng.
 

QUÁCH GIAO