Chim Việt Cành Nam     [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]

NGUYỄN TẤT NHIÊN,
nhà thơ biểu tượng ?

NGUYỄN BẢO HƯNG

(Viết để tưởng niệm nhà thơ bất hạnh quá cố)
Tôi không hề quen biết Nguyễn Tất Nhiên và cũng chẳng một lần được tiếp xúc với anh. Lần đầu tôi được biết đến tên anh là khi quanh tôi bỗng vang vang một số câu ca chẳng mấy chốc bỗng trở nên quen thuộc : " Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa... " hoặc " Thà như giọt mưa vỡ trên tương đá!..., Có còn hơn không, có còn hơn không... ". Đó là mấy câu thơ phổ nhạc, lời lẽ dung dị nhưng hình ảnh độc đáo, vần điệu tự nhiên lôi cuốn, dễ thấm sâu tâm thức người nghe. Hồi đó, đang mang tâm sự buồn vì mới phải khoác bộ đồ lính và bị chôn chân tại một nơi đèo heo hút gió, những lúc buồn tình tôi hay buột miệng nhâm nhi mấy câu thi nhạc này. Có lúc tôi còn nghịch ngợm đổi câu : " Ta chạy vòng tròn, ta chạy mòn chân " ra thành : " Ta chạy vòng tròn, ta chạy vòng quanh " rồi khoái chí cười thầm tự nhủ : " Đúng là thơ với thẩn, đúng là thẩn với thơ. Cái anh chàng Nguyễn Tất Nhiên quả khéo chọn cho mình cái tên tiền định. Khi không được ông Phạm Duy nổi hứng phổ nhạc cho một vài bài thơ, thế là bỗng dưng đâm nổi tiếng. "

Sự liên hệ giữa tôi với Nguyễn Tất Nhiên chỉ có vậy, không quá giới hạn mấy câu thi nhạc do quen miệng vẫn thường nghêu ngao hát hỏng. Bẵng đi một thời gian cho mãi tới cuối năm 1992, tôi bỗng nghe tin anh mất và được người bạn gửi cho bản sao chụp một vài bài báo nói về cái chết của anh. Nhờ đó tôi mới biết anh đã đi tìm cái chết bằng tự vẫn trong chiếc Toyota cũ kỹ với bộ quần áo nhầu nát, râu tóc lởm chởm. Bên cạnh các bản tin, có khi tôi được đọc đôi ba lời của những người thân quen với anh, nói về anh, nhắc nhở một vài kỷ niệm đã sống với anh, ái ngại cho thân phận anh hoặc bày tỏ lòng trắc ẩn trước cái chết thân tàn ma dại của anh. Nhưng, cát bụi rồi cũng phải trở về với cát bụi, chẳng mấy chốc không mấy ai còn buồn nhắc nhở tới anh thêm nữa. Vả lại, xét cho cùng, với những người còn sống trên thế gian này, có biết bao điiều ăn khách hơn để mà nói. Cái vụ cô ca sĩ sồn sồn nổi danh vừa bắt thêm được một kép nhí này. Cái vụ án sex giữa cô thư ký với nhà chính khách khả kinh lúc nào cũng lên mặt đạo đức răn đời này. Rồi lại còn vụ anh chàng khôi ngô tuấn tú, ăn nói thật nhỏ nhẹ dễ thương, ấy vậy mà giết người hàng loạt không gớm tay ; giết xong còn đem xác ra cưa như cưa gỗ không mảy may xúc động... Những vụ việc đó đem khai thác có phải ăn khách biết mấy không. Công đâu tốn giấy mực để nói nhiều về một anh chàng nằm chết rũ như dân bụi đời chính cống trong một chiếc xe tồi tàn. Cho dù người chết có là một nhà thơ từng được người đời biết đến. Muốn có thế đứng trong cái xã hội chạy theo danh vọng tiền bạc này cần phải biết mần ăn chút đỉnh. Văn chương, nghệ thuật gì cũng cần có Marketing, phải biết làm Show, phải biết biến nó thành Business. Thời buổi này mà vẫn láng cháng thích kể chuyện tình kiểu chú Cuội mơ tưởng Hằng Nga thì chỉ có nước đi chấm công thất nghiệp. Riêng tôi, tin anh chết có làm tôi phần nào xúc động. Giây lát, tôi liên tưởng tới cái chêt của nhà văn Ernest Hermingway. Nhưng rồi, cũng như mọi người, tôi lại lăn xả vào cuộc sống bon chen để kiếm miếng ăn. Và hình ảnh anh, cuối cùng, cũng bị xóa nhòa trong ký ức.

Mãi tới gần đây, bất ngờ tôi nhận được thư của một cô học trò cũ đã từ lâu không có liên lạc. Trong thư cô cho biết đã quyết định rời hẳn Sài Gòn để về sông ở làng quê thuộc một vùng Tiền giang hẻo lánh, nơi tôi được gửi tới dạy học khi mới ra trường. Trong thư cô viêt : " Thầy ơi ! Sao thầy không chịu về Việt Nam để biết đến đời sống Sài Gòn ngày nay ra sao. Ít ra thầy cũng phải thực hiện một chuyến di để thăm dân cho biết sự tình chứ. Có về thầy mới biết được Sài Gòn trong thời kỳ mở cửa bước sang kinh tế thị trường đã biết đua đòi thói sống văn minh tiến bộ như thê nào. Có về thầy mới thấy được là Sài Gòn nay đang tái diễn lối sống như thời Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam trước đây, nhưng ở qui mô còn lớn hơn gấp bội. Cũng cảnh những tòa cao tầng sang trọng ngày được dựng thêm, nhưng càng để lộ bộ mặt vênh váo xấc xược bên cạnh nhưng khu nhà ổ chuột càng như chìm ngập giữa những đống rác chất cao như núi. Phố phường tấp nập người, xe như mắc cửi. Phòng trà, quán ăn mọc lên như nấm. Ai nấy đều hối hả nhớn nhác lo chạy miếng ăn hay giành dật áp phe để được ăn chơi thả dàn. Và bên trên tất cả vẫn là thần đô la ngự trị. Có điều khác là Sài Gòn trước đây em còn nghe được mạch sống ưu tư, em còn được thấy những con người, em còn bắt gặp những tâm hồn. Dẫu sao thì bên cạnh những bộ mặt hoạt đầu chính trị, những tướng tá tham nhũng bất tài, những gian thương đầu cơ bất chính, Sài Gòn thời đó còn nặng chĩu một bàu không khí quê hương. Sài Gòn thời đó còn có những cuộc biểu tình xuống đường, còn có những đêm thao thức không ngủ. Và trong cái không khí đấu tranh sôi sục ấy, còn có những con người khắc khoải một nỗi ám ảnh về quê hương đất nước. Ngày nay giữa một Sài Gòn thanh bình trong lòng đất nước đã độc lập thống nhất, vậy mà em có cảm giác như người người đều hướng ngoại và chỉ thích trọng ngoại, dường như chẳng còn mấy ai buồn nhớ rằng hãy còn một quê hương đang chờ được vực dậy và bồi đắp cả. Hay đúng ra hai chữ quê hương, nếu còn mang một ý nghĩa nào dó, thì nó chỉ đọng lại trong niềm chua xót của những con người, dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến, đã từng chấp nhận xả thân cho lý tưởng bảo vệ quê hương, nay đang bị hắt hủi gạt sang bên lề cuộc sống. Thầy ơi, thầy hãy về đi. Thầy phải về thăm một lần để hiểu dùm em tại sao em không còn tha thiết với Sài Gòn nữa. Em hết muốn ở lại để khỏi phải chứng kiến cảnh những người lính cộng hòa thời trước, nay phải lê lết tấm thân tật nguyền trên chiếc nạng gỗ để kiếm miếng ăn. Họ chỉ biết tìm lẽ sống trong niềm hãnh diện đã dám ở lại chiến đấu tới cùng để sống chêt vì niềm tin, chứ không hốt hoảng bỏ trốn như đám chỉ huy bất tài hèn nhát. Em cũng không muốn ở lại để phải chia sẻ niềm chua xót với nhưng con người từng được tuyên dương dũng sĩ diệt Mỹ cứu nước. Vậy mà nay, cũng vì một dạ sắt son với lý tưởng đấu tranh, họ đành chịu ngán ngẫm trước cảnh các đồng chí đã từng chung lưng đấu cật, nay nhờ có chức vụ và biết tham ô móc ngoặc, đã thản nhiên quay lưng với lý tưởng để được thỏa thuê thụ hưởng với tài sản và quyền hành trong cương vị một đẳng cấp mới. Thầy ơi, Sài Gòn ngày nay đã trở thành xa hoa tráng lệ hơn khi xưa nhiều ! Nhưng cảng phô bày cảnh xa hoa tráng lệ bao nhiêu, em càng thấy cuộc sống nó lạc điệu bấy nhiêu. Bởi vậy em chán sống ở Sài Gòn lắm. Phải nói là em sợ sống ở Sài Gòn mới đúng. Em không muốn ở lại để phải chứng kiến những cảnh Sài Gòn đổi mới trong giai đoạn mở cửa kinh tế. Em ngại rằng tiền bạc đầu tư được đổ thêm vào, nếu có giúp cho tăng trưởng kinh tế, thì tình trạng này cũng chẳng đem lại cải thiện đồng đều cho toàn xã hội. Sự tăng trưởng, nếu có, rút cục chỉ giúp cho việc huênh hoang tạo thành tích nâng cao được tỉ số đô la về lợi tích bình quân tính theo đầu người ; nhưng thực chất có thê nó còn khoét sâu hố ngăn cách giàu nghèo và đảy đất nước lún thêm trong bãi lầy chậm tiến. Thầy ơi, trước đây khi phong trào đấu tranh sôi sục của học sinh, sinh viên dâng cao, trong làn không khí sặc sụa hơi cay và trước dùi cui thô bạo của cảnh sát dã chiến em chẳng biết sợ là gì. Vậy mà sao bây giờ em lại thấy sợ nhiều điều quá, thầy ơi ! Em sợ cảnh đô la hàng hóa ngày càng tràn ngập thành phố sẽ làm cho con người sài gòn ngày càng bị cướp đoạt linh hồn. Em cũng sợ mỗi lần phải gặp bộ mặt vênh váo trên thân hình béo ngậy của những kẻ từng bị coi là quân bán nước bám đít giặc, nay nhờ có mớ đô la vác về lại được trọng hậu tiếp đón như những bậc chính nhân quân tử : bởi vì những cảnh ngộ đó bắt em cứ phải nhớ lại rằng cuộc đời thực chất bao giờ cũng vô luân và tàn nhẫn lắm. Em càng sợ hơn nữa khi có những lúc em tưởng như không còn nhận ra được ngay chính em. Trước đây, thầy cũng biết, em sôi nổi nhiệt tình là thê. Vậy mà ngày nay, mỗi lần nghe nhắc đến nào là độc lập tự do, nào là công bằng xã hội, nào là dân chủ dân quyền, em chỉ nghe lòng mình lạnh giá, tưởng như còn thêm muốn đóng băng. Bởi thế nên em sợ, em sợ, em sợ lắm thầy ơi ! Bởi thế em chi muốn sống xa, xa thiệt xa, sống xa Sài Gòn... ". Cuối thư cô không quên hỏi tôi có còn giữ được cuộn băng nào mang những tình khúc Nguyễn Tất Nhiên hay không ? Cô còn nhắc đến bản nhạc " Thà như giọt mưa... " mà cô rất ưa thích và cũng là bản tôi được nghe cô hát trong một buổi sinh hoạt văn nghệ của nhà trường. Cô cho biết cô đã khóc nhiều khi nghe tin Nguyễn Tất Nhiên mất. Cô khóc vì ý thơ anh đã đem lại cho cô nhiều cảm xúc đẹp. Bởi vậy cô đã khóc cái chết của nhà thơ như khóc cho chính cô, khóc để tiễn đưa một thiên đường đã mất. Nay cô mong được nghe lại những bản nhạc mang ý thơ Nguyên Tất Nhiên, chắc vì muốn được trở về với bàu trời thơ nay đã bị đẩy lui vào dĩ vãng, cái bàu trời thơ đã đùm bọc cô bằng những kỷ niệm ấm áp của thời con gái khi lòng mình chớm biết xôn xao. Thư chỉ có bấy nhiêu hàng chân tình giản dị : nhưng cảm xúc lại tràn đầy, ý tưởng thật súc tích.

Bức thư vẫn nằm trong tay, tôi chưa dứt được nỗi bàng hoàng xúc động. Trước những tâm tình bộc lộ trong thư và trước niềm mơ ước của cô được trở về với thê giới nhỏ nhoi của mình, tôi không khỏi liên tưởng tới thái độ ơ hờ của tôi khi nghe tin Nguyễn Tất Nhiên mất. Tôi cho rằng do môi trường sống khác biệt, những kẻ nay đã làm quen với nếp sống văn minh máy móc tây phương khó mà còn biết rung cảm với ý thơ Nguyễn Tât Nhiên như nhưng con người còn ở lại Việt Nam. Chỉ những con người vẫn sống bám rễ trên mảnh đất còn đói khổ ấy, những con người đã lớn lên trong đau thương đầy máu và nước mắt, và nay vẫn tiếp tục phải đi tìm ý nghĩa cuộc đời trong chất đắng men cay của kiếp người : chỉ có họ thôi mới cảm nhận được hết cái đẹp của ý thơ Nguyễn Tất Nhiên trong trạng thái nguyên thủy của nó.

Hình ảnh Nguyễn Tất Nhiên nằm chết trong chiếc Toyota cũ kỹ bỗng lại hiện về, mỗi lúc một rõ nét, như một tra vấn, như một ám ảnh. Tôi bỗng đâm thắc mắc. Tôi bỗng trở nên suy tư. Tôi bỗng ham muốn tìm hiểu sâu xa về anh, về con người anh, về quyết định ra đi của anh. Cố lục lọi trong đám băng nhạc cũ bị bỏ só từ lâu, tôi mừng rỡ khi tìm ra cuộn băng " Những năm tình lận đận " mà cô ngỏ ý muốn tôi sang cho một cát sét. Tôi dành cả buổi tối để nghe cuộn băng, đặc biệt nghe đi nghe lại bản " Thà như giọt mưa... " qua tiếng hát Lệ Thu (1). Giọng người hát nay có bị chai đi ít nhiều nhưng tài năng diễn xuất vẫn điêu luyện như thuở nào.

Âm thanh từ máy hát đã dứt từ lâu... Trong bóng đêm bao trùm sự sống lắng đọng, tôi nằm im chờ giấc ngủ, tai như còn nghe vang vang giọng hát điệu nhạc. Những lời ca " Thà như giọt mưa vỗ trên tượng đá... Có còn hơn không ! " vẫn vang vang trở đi trở lại, nhịp nhàng thấm dần tâm thức tôi như những giọt nước còn sót lại của cơn mưa đầu mùa, từ mái tranh vẫn nhỏ đều, nhỏ hiền lành, nhỏ kiên trì, nhỏ thánh thót, nhỏ như muốn thấm sâu vào lòng đất nứt nẻ khô cằn, để từ đó làm nẩy lên một mầm mới xanh tươi. Thế rồi tôi bỗng nghe toàn thân tỏa lan một cảm giác trong sáng êm dịu, tươi mát như lần đầu tiên tôi được tiếp xúc thế giới thơ anh. Thì ra không phải nhờ được Phạm Duy phổ nhạc mà thơ Nguyễn Tất Nhiên được người đời biết đến. Chính vì thơ anh chan chứa hồn thơ nên mới gợi hứng cho Phạm Duy muốn đem phổ nhạc. Riêng tôi, càng lắng nghe bản " Thà như giọt mưa... " tôi càng tìm thấy nơi bản tình ca một kỹ năng diện đạt điêu luyện. Điêu luyện đến mức có thể đem so sánh với những bài thơ thành tựu nhất theo đòi hỏi của Thi phái biểu tượng.(2)

Vào giữa thế kỷ thứ 19 xuất hiện tại Âu châu một trào lưu tư tưởng dẫn đến một hệ thẩm mỹ mới mở đường cho một trường phái sáng tác mới gọi là trường phái biểu tượng hay trường phái tượng trưng (école symboliste). Ra đời vào lúc chủ nghĩa tư bản phôi thai đã bước sang thời kỳ phát triển quá độ, trường phái biểu tượng xuất hiện như một bừng tỉnh của đời sống tâm linh trước xu hướng đương thời ồ ạt chạy theo tiện nghi vật chất. Trên bình diện văn học, nó là phản ứng chống lại trào lưu thời đại bộc lộ óc tôn sùng khoa học thái quá. Vào lúc Ernest Renan với cuốn " L'avenir de la science, 1890 " đặt niềm tin vào khoa học có thể giải quyết toàn bộ vấn đề tri thức cho loài người và nhũng Emile Zola (3), những Paul Bourget(4) muốn áp dụng các phương pháp quan sát và lý luận khoa học vào việc nghiên cứu các hiện tượng đời sống xã hội và con người trong văn học, nhà thơ Charles Baudelaire và các đồng môn của ông lại muốn ca ngợi sự hiện hữu của một thế giới siêu việt huyền diệu, huyền bí bên trên cái thế giới của tồn tại hữu hình. Cái thê giới siêu việt ấy chính là cái thế giới của đời sống tâm linh mà ta chỉ có thể gợi lên theo cảm nhận của trực giác chứ không thê mô tả theo ghi nhận của giác quan. Và chỉ với thi ca nay được quan niệm như một phương pháp biểu thị mới, ta mới có khả năng nói lên được tính huyền diệu, huyền bí của thế giới siêu việt ấy. Do đó Baudelaire đã đè xuất một quan niệm mới về thi ca hoàn toàn khác biệt với quan niệm thi ca truyèn thống, đồng thời cũng đánh dấu một cuộc ly dị trong lãnh vực ngôn ngữ giữa thi ca và văn xuôi. Quan niệm mới về thi ca này chính là chủ trương của thi phái biểu tượng hay thi phái tượng trưng (poésie symboliste) (5).

Theu Baudelaire cùng các đồng môn của ông, thơ không cùng chung ngôn ngữ với văn xuôi vì thế giới thi ca và thế giới của văn xuôi là hai thế giới biệt lập. Thế giới thi ca là thế giới siêu việt (transcendant), thế giới ưu tú thuộc về đời sống tâm linh, vượt hẳn lên cái thế giới thực dụng dung tục của giác quan. Do đó thơ phải là một loại ngôn ngữ đặc biệt mang chức năng cao cả nói lên đuộc tính chất siêu việt của đời sống tâm linh. Bản chất khác với văn xuôi, nó không thể -theo quan niệm cổ truyền " poesis ut pictural " (thơ là tô họa)- là cách phát biểu hoa mỹ hơn, có vần điệu hơn, để cũng chỉ nói lên những gì văn xuôi có thể diễn đạt được.

Văn xuôi là ngôn ngữ của thực dụng, ngôn ngữ của kinh nghiệm thực tiễn để nói với lý trí, nói với giác quan. Nó chỉ nêu ra các sự kiện, gây cho ta một ý niệm về các sự kiện hoặc dựng lên trước mắt ta hình tượng một sự vật đã được ghi nhận theo giác quan. Chỉ danh, mô tả hoặc giải thích một sự vật (cái nhà) hay một ý niệm (ái tình) , dễ làm ta liên tưởng tới tới hình ảnh tới quan niệm ta sẵn có về sự vật, về ý niệm đó. Và do trí óc, trí tưởng tượng đã được thỏa mãn, ta không muốn cố gắng đi sâu xa hơn để vượt qua cái vỏ bên ngoài, đi sâu đến cốt lõi, đi tận vào bản thể của từng sự vật, từng sự kiện được nêu ra. Đối với thế giới hữu hình đã vậy, văn xuôi lại càng bị giới hạn, nếu không muốn nói đôi khi còn bất lực, để nêu lên những trạng thái sống, những hình thức sinh hoạt của tâm linh. Khác với ý niệm hay hình tượng chỉ là phóng chiếu hay sao chụp của một thực tại bỗng trở nên cứng nhắc, mỗi trạng thái tâm linh đều là một thực thể cá biệt, đơn thuần, phong phú và sinh động. Nêu tên hoặc mô tả tức là đem lồng nó vào những khung sẵn có, giản lược nó vào những khuôn mẫu chung chung, làm nó trở nên nghèo nàn khô héo, giết chết tính đặc thù, tính sinh động của nó.

Để bổ xung cho khả năng hữu hạn của văn xuôi, Baudelaire chủ trương thi ca phải là một ngôn ngữ mới, một phương thức biểu thị mới, một cách tiếp cận mới hiện thực (une nouvelle approche de la réalité) để đảm nhiệm một chức năng mới : cho phép ta nói lên những gì mà ngôn từ hàng ngày không thể diễn đạt hết được. (Nhưng thơ cũng không vì thế phải là một cách nói hũ nút, nói tối tăm bí hiểm khiến không ai cảm nhận nổi). Muốn đạt được mục tiêu, thi ca phải chấm dứt ngay cuộc ăn nằm vụng trộm đã từ lâu trót lỡ với văn xuôi. Từ nay thi ca phải thay thế thói quen chỉ danh, mô tả hay kể lể của văn xuôi bằng phương thức ám chỉ, bằng dùng các biểu tượng để gợi ý. Nhờ vào các hình tượng, các biểu tượng để gây liên tưởng, nhờ biết tận dụng khả năng khêu gợi của thanh âm, của màu sắc tiềm ẩn nơi ngôn từ, thi ca sẽ lần lần dẫn dắt người đọc, người nghe hình dung được một cách sinh động, thậm chí cảm cảm thấy như sờ được (6) toàn bộ điều nhà thơ muốn nói lên. Đặc biệt trong công tác này, nhà thơ còn phải dành cho nhạc tính một địa vị ưu thế. Nhạc tính (la musicalité) không chỉ đơn thuần là nhạc điệu (la musique) được tạo thành bởi vần điệu (la rime) và tiết nhịp (le rythme) tức là sự phân bố hài hòa giữa các âm thanh trầm bổng và các điểm nhấn trong câu thơ, trong mạch thơ. Nhạc tính cũng có thể là một hình tượng hay một nhóm tù được sử dụng như nốt nhạc chủ trong một bản nhạc hay như câu đọc lâm râm làm lời niệm chú trong một bản kinh cầu. Nhưng dù dưới dạng thức nào, nhạc tính cũng phải giữ một vai trò chủ chốt vì nó là thành phần có khả năng mê hoặc và gợi cảm nhất. Nhờ nó thi ca sẽ có thêm quyền lực để ru ngủ lý trí, đánh thức dậy những cảm xúc, những ấn tượng còn bị giam cầm nơi tiêm thức, giải thoát chúng được tự do bay bổng, đưa tâm hồn ta đi vào cõi huyền diệu, cõi huyền bí của đời sống tâm linh. Đi vào cõi thơ.

Trên đây là tóm lược nội dung quan điểm về bản chất và chức năng của thơ theo mỹ quan biểu tượng. Chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể hơn qua nghiên cứu kỹ năng bộc lộ chất thơ và ý thơ trong bản " Thà như giọt mưa.... " (7).

( Còn tiếp)
---------------------------------------------------------------------------

(1). Lệ Thu của Sài Gòn trong khoảng thập niên 1965-75.

(2). Bài viết này chỉ muốn nói lên sự giao cảm và đồng cảm của bản thân người viết với con người thơ, thế giới thơ Nguyễn Tất Nhiên : qua tiếp xúc với một bài thơ được phổ, người viết, bằng những cảm nghiệm riêng, đã nghe dội lên trong tâm thức những âm vang nào để, từ đó, dẫn đến một vài suy tư tản mạn liên quan đến nhiều lãnh vực trong cuộc sống.

(3). Emile Zola (1840-1902), nhà văn thuộc trường phái hiện thực (réaliste) nhưng theo khuynh hướng tự nhiên (naturaliste) với chủ trương mô tả tâm lý các nhân vật đều ít nhiều bị chi phối bởi tính di truyền và môi trường xã hội qua bộ trường thiên tiểu thuyết " Les Rougon-Macquart .- Histoire naturelle et sociale d'une famille au XIXè siècle" (Giòng họ Rougon-Macquart - Lịch sử tự nhiên và xã hội của một gia đình ở thế kỷ 19). " L'Assomoir(1877), Germinal(1885), La Bête humaine (1890), là một vài tên truyện được biết tiếng nhiều nhất trong bộ trường thiên gồm 20 tập này (1871-1893). 
Không chỉ là nhà văn, E. Zola còn được biết tiếng nhờ bài báo "J'accuse" (Tôi cáo buộc) trên nhật báo "L'Aurore" (13-1-1898), qua đó ông tố cáo Bộ Tham Mưu Pháp đã ngụy tạo hồ sơ để vu oan đại úy làm gián điệp cho Đức chỉ vì ông này gốc Do Thái. Kết quả là vụ án được đem ra xét lại, Dreyfus được minh oanh và phục hồi chức tước tháng 12-1900.

(4). Paul Bourget (1840-1935), tác giả cuốn " Le Disciple " (Đệ tử), một loại tiểu thuyết luận đề vừa là sự mô tả đồng thời cũng là một tố cáo việc áp dụng máy móc các lý thuyết khoa học vào đời sống tâm linh. " Le Disciple " (1889) là chuyện chàng thanh niên Robert Grilou, do óc sùng bái và muốn ứng dụng thuyết tâm lý tất định (le déteminisme psychologique) của ông thầy dậy triết là Adrien Sixte, nên đã tìm cách ve vãn tán tỉnh Charlotte con gái của gia chủ mướn anh tới dạy kèm. Hậu quả dẫn đến cái tự tử của Charlotte vì tưởng rằng đã bị Grilou lường gạt và Grilou, bị cáo buộc tội đầu độc Charlotte, đã chấp nhận ngồi tù để bảo vệ thanh danh cho Charlotte.

(5). Chúng tôi chỉ muốn giới thiệu thi phái biểu tượng như là một mỹ quan (une esthétique), một nhãn quan (une vision), một cách tiếp cận (une approche) mới về hiện thực, về cuộc sống bằng thơ, qua thơ. Chúng tôi khống hề chủ trương thi phái biểu tượng là tất cả thơ. Chúng tôi cũng không có ý tham dự vào cuộc tranh luận về thõ mới, thơ cũ, thơ hiện đại hay hậu hiện đại. Vốn không phải là một đệ tử lưu linh, nhưng tôi có được nghe nói khách sành điệu chỉ đánh giá hương men qua phẩm chất của loại nếp cất rượu và kỹ thuật ủ men, chứ không phải do rượu được rót ra từ bình mới, bình cũ, bình hiện đại hay bình hậu hiện đại.

(6). Muốn biết đến khả năng không chỉ tạo hình mà còn nói lên tính sinh động của một vật thể bằng phương pháp, ám chỉ, gợi ý để gây liên tưởng ta có thê đọc lại bài " Quả Mít " của Hồ Xuân Hương mà các bài thơ gợi cảm ý vị có thể là những bước chân còn đi trước cả tập " Les Fleurs du Mal " (1857) của Baudelaire nữa.

(7). Trong phần trình bày dưới đây, chúng tôi chi muốn tìm hiểu, qua lời lẽ bộc lộ trong bản tình ca, hồn thơ và ý thơ của anh đã khơi động được tâm tình của cả một thế hẹ thanh niên miền Nam như thê nào. Chúng tôi không có ý coi bài viết này như một biên khảo về thân thế và thi nghiệp của Nguyễn Tất Nhiên.