Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]      [ Tác giả ]
 
Quản Cơ Thành và Khởi nghĩa Bảy Thưa

Bùi Thụy Đào Nguyên


Tượng đài Trần Văn Thành 
tại Châu Phú, An Giang
Trần Văn Thành (? [1] - 1873) còn được gọi là Trần Vạn Thành (theo triều Nguyễn) [2] , Quản Cơ Thành (khi làm Chánh Quản cơ), Đức Cố Quản (tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương gọi tôn). Ông là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1867-1873) trong lịch sử Việt Nam.

Cuộc khởi nghĩa diễn ra trong bối cảnh triều đình nhà Nguyễn đã ký hòa ước (Hòa ước Nhâm Tuất 1862) với thực dân Pháp, và các cuộc khởi nghĩa tại Nam Kỳ lúc bấy giờ bị dập tắt hay bị suy yếu. Mặc dù vậy, khởi nghĩa Bảy Thưa vẫn hình thành và kéo dài khá lâu (6 năm) ở đồng Láng Linh (Châu Phú), và đã gây tiếng vang trong và ngoài tỉnh.

Đây là cuộc khởi nghĩa mang đậm màu sắc tôn giáo vì thủ lĩnh Thành (là một trong số đại đệ tử của Phật Thầy Tây An) và đông đảo nghĩa quân đều là người theo đạo Lành (còn có tên là đạo Bửu Sơn Kỳ Hương).

I. Thân thế và sự nghiệp:
Trần Văn Thành sinh ra trong một gia đình trung nông ở ấp Bình Phú (Cồn Nhỏ), làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, huyện Đông Xuyên, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) [3].

Ông trưởng thành và hoạt động dưới triều đại Thiệu Trị và Tự Đức, từ khoảng năm 1840 đến 1873.

1,1 Thời loạn đầu quân giúp nước:

Năm 1840, Trần Văn Thành gia nhập quân đội nhà Nguyễn giữa lúc Nặc Ông Đôn, em vua Cao Miên, nhờ có Xiêm La giúp sức, đã khởi quân chống lại cuộc bảo hộ của Việt Nam.

Nhờ có sức khỏe, giỏi võ nghệ, khá thông thạo chữ nghĩa, nên ông được cử làm suất đội (chỉ huy khoảng 50 lính), từng đóng quân ở Chân Lạp (Campuchia ngày nay).

Dưới thời Thiệu Trị, ông từng đem quân đánh dẹp phe nổi dậy ở Láng Cháy (Tri Tôn). Năm 1845, sau khi lập được nhiều công lao, ông được thăng làm Chánh quản cơ, coi 500 quân, đóng quân ở Châu Đốc để giữ gìn biên giới phía Tây Nam.

Năm 1846, Nặc Ông Đôn qui phục nhà Nguyễn. Cuối năm Đinh Mùi (1847), xét thấy tình hình biên giới Tây Nam đã ổn định, thực hiện chính sách "ngụ binh ư nông", triều đình cho giải ngũ một số binh sĩ, trong đó có cơ biền của Trần Văn Thành. Trước khi về lại quê nhà, ông được ban thưởng nhiều phẩm vật cùng một tờ chiếu khen là "Quản cơ tinh binh".

1.2 Giải ngũ về quê góp phần khẩn hoang, tu học:

Giải ngũ, Trần Văn Thành cùng gia đình đến cư ngụ tại khu vực chùa Huê Viên (còn gọi là chùa Vườn Bông, nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân).

Năm 1849, Trần Văn Thành gia nhập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy Tây An) sáng lập năm 1849 [4].

Từ 1851, khi Đoàn Minh Huyên bị bắt buộc phải đến tu tại chùa Tây An (Châu Đốc), nghe lời thầy, ông mang vợ con rời Cồn Nhỏ (Bình Thạnh Đông) đến vùng Nhà Bàng sau này [5], rồi đến Láng Linh (Châu Phú) lập trại ruộng để lo việc khẩn hoang [6].

1.3 Nước nhà bị ngoại xâm, trở lại quân ngũ:

Tháng 2 năm 1861, Đại đồn Chí Hòa thất thủ, sau đó quân Pháp lần lượt đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vua Tự Đức liền ra lời kêu gọi các sĩ dân nơi đây cùng hợp tác chống ngăn quân xâm lược. Hưởng ứng lệnh vua, Trần Văn Thành trở lại đội ngũ.

Sau khi đi Pháp chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ thất bại, năm 1865, Phan Thanh Giản được cử làm Kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Do sức ép của Pháp, triều đình lệnh cho ông Giản phải lùng bắt Võ Duy Dương (còn gọi là Thiên hộ Dương), và ông Giản đã phái Trần Văn Thành thực hiện nhiệm vụ này, nhưng ông chỉ làm cho lấy có [7].

Ngày 20 tháng 6 năm 1867, quân Pháp chiếm thành Vĩnh Long. Sau đó, một đoàn tàu chiến do trung tá hải quân GaLey cầm đầu, tiến lên huy hiếp thành Châu Đốc, buộc Tổng đốc Phan Khắc Thận phải đầu hàng, tỉnh An Giang mất ngày 22 tháng 6 năm 1867.

Để cứu nguy nước nhà, Trần Văn Thành tự tổ chức dân binh đắp cản ở quê nhà (Cồn Nhỏ) để ngăn quân Pháp, đồng thời mang quân qua phía Rạch Giá, hỗ trợ cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực. Tháng 6 năm 1968, thủ lĩnh Trung Trực đánh chiếm được đồn Kiên Giang mấy ngày, thì bị quân Pháp tổ chức phản công. Lập tức, Trần Văn Thành cho quân (có đông đảo đồng bào Núi Sập tiếp tay) đắp cản ở Ba Bần, Trà Kên (nay đều thuộc huyện Thoại Sơn) để ngăn cản tàu chiến Pháp đi tái chiếm tỉnh lỵ Rạch Giá.

Ngoài ra, ông còn can dự vào việc giết viên Chủ tỉnh Vĩnh Long là Salicetti ở Vũng Liêm.

Cuộc cản phá thất bại, Nguyễn Trung Trực bị đánh thua rút quân ra Hòn Chông (nay thuộc Kiên Lương), còn Trần Văn Thành thì dẫn lực lượng của mình vào Láng Linh dựng trại, khẩn hoang làm ruộng, luyện quân và rèn đúc vũ khí...để chuẩn bị làm cuộc đánh đuổi ngoại xâm [8].

1.4 Tổ chức kháng Pháp ở Láng Linh:

Láng Linh một cánh đồng rộng trũng phèn rộng bao la, thời nhà Nguyễn, đất này thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang (nay nằm trên địa bàn các xã Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Bình Phú (nay đều thuộc huyện Châu Phú tỉnh An Giang). Xưa kia, nơi đây có nhiều đầm lầy, đế sậy và vô số cây thưa (vì thế mà thành tên cuộc khởi nghĩa) [9], lại ít có kênh rạch thông vào...

Theo lời kể của nhân dân và tư liệu cũ thì căn cứ chính của khởi nghĩa Bảy Thưa là Hưng Trung doanh (nay thuộc ấp Hưng Trung, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú). Đó là địa điểm thuộc Cốc Ông Cậy hiện nay, nằm cách chùa Nam Long khoảng 500 mét, băng qua rạch Cốc nhỏ. Chùa Nam Long trước đây là nơi cư trú của ông bà Thành để điều động cuộc khởi nghĩa. Dựa vào bài vị, cách bày trí, cùng hiện vật đào được tại nền chùa đã chứng minh cho điều ấy [10].

Xung quanh Hưng Trung doanh có các đồn làm tuyến ngăn cản đối phương, như: đồn Cái Môn, đồn Lương (đều thuộc Thạnh Mỹ Tây), đồn Giồng Nghệ (Vĩnh Hanh, (Châu Thành), trạm canh Ông Tà (Tà Đảnh, Tri Tôn), đồn Hờ ở vàm rạch Cái Dầu (Châu Phú), v.v... (xem thêm bản đồ chiến khu Bảy Thưa). Mỗi đồn đều được trang bị súng thần công, súng điểu thương, hỏa hổ,... với khoảng 150 nghĩa quân phòng thủ.

Trần Văn Thành phất cờ chống Pháp vào khoảng tháng 8 năm 1867, và lấy tên Binh Gia Nghị đặt cho đội quân của mình [11].

Theo tờ trình của Pháp năm 1870, thì lúc bấy giờ lực lượng của Trần Văn Thành có khoảng 1.200 nghĩa quân, bao gồm một số quân triều và nghĩa dân (trong đó phần đông là tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương). Để củng cố thêm thế lực, Trần Văn Thành cho người đến liên hệ với Pu Kom Pô, thủ lĩnh kháng Pháp ở Campuchia, nhưng vì ông này cũng đang gặp khó khăn nên việc liên kết không mấy hiệu quả. Ngoài ra, ông còn cho người sang Xiêm La và Cao Miên để mua súng đạn, nhưng không thành công, vì hai nước ấy không muốn nhúng tay vào việc Nam Kỳ e mất lòng Pháp.

Cuối năm 1868, các phong trào kháng Pháp tại Nam Kỳ đã bị tan rã gần hết, lực lượng Trần Văn Thành lâm vào thế cô, và ông trở thành nhân vật bị Pháp truy nã, treo giải thưởng cao [12].

1. 5 Bị tấn công và mất:

Năm 1871, một cộng sự của Pháp là Trần Bá Lộc thử hành quân vào Bảy Thưa, nhưng chẳng thâu được kết quả do sình lầy, bốn phía lau sậy mù mịt, thỉnh thoảng bị phục kích.

Sang năm 1872, nhờ lời khai của nghĩa quân ra hàng và mật thám thăm dò được, thực dân quyết định mở cuộc càn quét lớn vào Bảy Thưa. Tuy nhiên mãi cho đến năm sau, họ mới phát lệnh hành quân.

Bắt đầu từ tháng 3 năm 1873, thực dân Pháp cho quân đánh phá đồn Hờ ở rạch Cái Dầu (thuộc Châu Phú), và uy hiếp đồn Nghệ (thuộc xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, An Giang) rồi kéo dần vào rừng. Họ nã đại bác vào phía trước và cho dân dọn đường phía sau. Qua 5 ngày chiến đấu, quân Bảy Thưa lui dần. Quân Pháp không tiến mau được vì ngột nắng và sợ đỉa. Ngày 19 tháng 3, hải quân Pháp từ Châu Đốc tiến vào đánh đồn Cái Môn (nay thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú). Tuy có hào sâu nhưng vì súng của nghĩa quân bắn không được xa, phát nổ phát không, nên chẳng bao lâu quân Pháp tràn vào được trong đồn. Cùng ngày ấy, tàu chiến Pháp đâu tại vàm rạch Mặc Cần Dưng (nay thuộc Châu Thành, An Giang), ngoài sông Hậu, rồi cho quân [13] dùng xuồng nhỏ vào ngọn rạch Mặc Cần Dưng (nay thuộc Châu Thành, An Giang) để tiến tới ngọn Hang Tra là nơi Trần Văn Thành đang chỉ huy chiến cuộc.

Biết mình đang bị bao vây, và người Pháp có vũ khí hữu hiệu, nhưng Trần Văn Thành và nghĩa quân vẫn cương quyết đối phó.

Theo Sơn Nam, khoảng 9 giờ sáng ngày 19 tháng 3 năm 1873 (21 tháng 2 năm Quý Dậu), quân Pháp bắt đầu xung phong đánh chiếm Hưng Trung doanh. Báo Le Courrier de Saigon ra ngày 5 tháng 4 năm 1873 tường thuật:

Tại Hưng Trung, Trần Văn Thành vẫn bình tĩnh đứng sau chiến lũy làm bằng những tấm ván và những bao gạo chồng lên nhau, để đốc thúc nghĩa binh chiến đấu. Nghĩa quân trong các chiến lũy thổi tù và, đánh trống và reo hò để tăng uy thế. Bên cạnh ông còn có con trai ông hỗ trợ cho ông bắn"...

Nhà văn Sơn Nam kể:

Ông Trần Văn Thành vẫn bình tĩnh đối phó, tuy đang bị vây. Ông đứng sau phòng tuyến làm bằng ván với những bao gạo chồng chất. Ông thách thức bọn Pháp, dùng ống loa mà chửi rủa thậm tệ. Đồng thời ông day về phía quân sĩ của mình mà khích động tinh thần; quân sĩ hò reo vang rân, chửi rủa bọn Pháp, trống đánh liên hồi. Ông Trần Văn Thành cắt từng lọn tóc nhỏ của mình mà phân phát cho các tín đồ...Bọn Pháp được lịnh đánh tràn vào. Ông Thành mặc áo màu đo sậm, đốc thúc chiến sĩ, ra hiệu lịnh, bên cạnh ông là đứa con ruột đang tiếp tay và đích thân ông bắn súng... (Nói về miền Nam, bản điện tử).

Trước hỏa lực mạnh mẽ của đối phương, dù cố gắng chống trả nhưng chỉ vài giờ sau thì quân Bảy Thưa cũng bị đánh tan. Cũng theo Sơn Nam thì sau trận này, bên nghĩa quân có 10 người chết, 5 người bị thương, 15 người bị bắt sống. Ngoài ra, họ còn bị đối phương chiếm đoạt 16 súng điểu thương, 70 cây đao, nhiều gạo cùng ghe xuồng, một số giấy tờ cho thấy ông Thành từng ở Rạch Giá với Nguyễn Trung Trực và can dự vào vụ đánh giết Salicetti (chủ tỉnh Vĩnh Long) ở Vũng Liêm.

Xong trận, quân Pháp nổi lửa đốt tất cả dinh trại, phá hủy hết các lò đúc vũ khí, rồi mang xác ông Thành và Đội Văn (Pháp ghi là Vang, giữ hậu tập, tử trận trong trận Hưng Trung) về chưng bày tại chợ Cái Dầu (Châu Phú) để thị uy, để ngăn chận những tin đồn cho rằng ông còn sống, chỉ tạm thời đi lánh mặt và sẽ tiếp tục kháng chiến. Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 902) thì ông không tử trận. Sách viết: "sau khi bản doanh Hưng Trung bị tàn phá, thất bại nặng, ông rút lui vào chiến khu và mất ngày 21 tháng 2 âm lịch năm 1873".

Về cái chết của ông, đến nay vẫn chưa được làm rõ.

1.6. Đánh giá:

Nhà văn Sơn Nam viết về Trần Văn Thành và cuộc khởi nghĩa của ông như sau:

Trần Văn Thành từng tham gia những trận chống quân xâm lược Xiêm, đời Thiệu Trị. Qua đời Tự Đức, thấy sự áp bức của vua quan, ông trở thành tín đồ của Đoàn Minh Huyên, bấy lâu nổi danh với tài trị bệnh, cải cách Phật giáo, bỏ những nghi thức rườm rà, nhằm huy động nông dân chống lại phong kiến... Với chí lớn không chút bi quan yếm thế, ngay sau khi An Giang mất, ông đưa nghĩa dân và nghĩa quân qua phía Rạch Giá, tham gia cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, và ông trở thành nhân vật mà thực dân Pháp truy nã gắt gao, treo giải thưởng. Sau đó, ông rút lui về Láng Linh để khẩn hoang. Có thể nói, ông là người đầu tiên dám nghĩ đến việc canh tác ở vùng trũng phèn này. Từ năm 1871 đến đầu năm 1873, mật khu lần hồi thành hình...Nghĩa quân gồm quân sĩ cựu trào, thêm khá đông người yêu nước từ các tỉnh. Khi đề cập cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, nhiều sử gia đều đánh giá cao, vì:

-Việc tổ chức khá khoa học, với công sự, kho lương thực; đặc biệt là đúc súng ống tại chỗ, tuy súng hãy còn thô sơ, kiểu "ống lói".

-Biết dùng hình thức tôn giáo để qui tụ quần chúng và che mắt thực dân Pháp.

-Thủ lĩnh (Trần Văn Thành) thấy rõ tương lai dân tộc ở hành động cụ thể là phải chống ngoại xâm, không thể ngồi khoanh tay chờ núi Cấm nứt ra "bất chiến tự nhiên thành". Thái độ của thủ lĩnh và nghĩa quân là "chiến đấu không thỏa hiệp"

Sau trận đánh, theo Sơn Nam, viên chủ tỉnh Pếch cũng đã nhận xét rằng: cai tổng Lý Mun và phủ Trần Bá Tường, từng tham gia đánh nhiều lần, nhưng trong trận này, quả là mất tinh thần. Quân Bảy Thưa gan lỳ khi bị bao vây, hứng chịu hỏa lực mạnh, chứng tỏ uy tín của Trần Văn Thành khá lớn. Pếch cũng thú nhận là không chiến thắng hoàn toàn vì phần lớn nghĩa quân rút lui an toàn. Cánh quân do chủ tỉnh Châu Đốc hẹn hợp đồng không đến kịp để chận nút [14].

Nho sĩ Cao Văn Cảo, người cùng thời, có làm bài thơ chữ Hán tưởng niệm Quản Cơ Thành. Vô danh dịch như sau:

Non sông Hồng Lạc, giặc xâm lăng
Thẳng thắng, Trần công cố sức ngăn.
Trời đất biết cho lòng sốt sắng,
Kiếp đời ghi mãi chí thù hằn.
Đền thờ tỏ dấu dân trong nước,
Thơ vịnh nêu tình khách viết văn.
Những đứa phản thần qua đến cửa,
Gục đầu, run mật, cặp mày nhăn.

Năm 1909, một tu sĩ trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tên là Vương Thông có viết tập thơ Nôm thể lục bát có tên là "Trần Quản Cơ dữ Gia Nghị Binh", kể về khởi nghĩa Bảy Thưa, trong đó có nhiều câu nói đến tinh thần "an bần, lạc đạo", lòng quả cảm và tiết tháo của ông, trích hai đoạn ngắn:

Thân ngài (Trần Văn Thành) chẳng quản rách lành,
Ở trong Láng đó lều tranh chờ thời.
Người trung đứng giữa mặt trời,
Đắng cay bao quản vận thời chớ than.
Trích cò le át la vang,
Đậu khoai nuôi bữa bắp rang đỡ lòng...

Và:

An Giang có một ông (Trần Văn Thành) đây
Chữ dạ ngay thầy ái quốc ưu dân.
Thà thua xuống láng xuống bưng,
Kéo ra đầu giặc lỗi chưng quân thần...

Hiện nay, vào các ngày 20, 21, 22 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, một số nơi trong tỉnh An Giang đều có tổ chức lễ trọng thể để "Kỷ niệm ngày Quản Cơ Thành hy sinh và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa".

II. Vợ, con:
2.1 Nguyễn Thị Thạnh (1825-1899), vợ Quản Cơ Thành, là người ở rạch Sa Nhiên, thôn Tân Quy Đông, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang (nay là phường Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc). Bà là người vợ nhân hậu, đảm đang, văn võ đều khá giỏi. Trong công cuộc kháng Pháp của chồng, ngoài việc lo cơm nước, thuốc men và động viên binh sĩ; bà còn cùng với hai người con gái là Trần Thị Hè và Trần Thị Nên đi vận động mọi người đóng góp tiền của lương thực, tham gia đào kênh (kênh Bà Dâu), khẩn ruộng, trồng dâu nuôi tằm dệt vải,...tạo nguồn vật dụng và lương thực cho căn cứ.

Ông Thành và bà có tất cả 6 người con: ba trai, ba gái, theo thứ tự sau: Trần Văn Nhu, Trần Thị Hè, Trần Văn Chái, Trần Thị Nên, Trần Thị Núi và Trần Văn Trạng. Trừ trai út mất năm 7 tuổi, hai trai còn lại đều khá danh tiếng:

2.2 Trần Văn Nhu (1847-1914), còn gọi là Cậu hai nhà Láng (người miền Nam gọi con đầu lòng là thứ hai), người lập ra Bửu Hương tự (tức chùa Láng) và cũng là người kế truyền mối đạo Bửu Sơn Kỳ Hương sau khi cha mất. Lúc khởi nghĩa Bảy Thưa bị đánh dẹp (1873), mẹ ông cùng ông và những người thân tín khác, bị Pháp truy nã rất gắt nên phải lẩn trốn nhiều nơi. Năm 1897, ông Nhu trở về căn cứ cũ lập Bửu Hương tự (nay là Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành), phát "lòng phái" để thu nhận tín đồ. Ông Nhu mất tại Trà Bang (Rạch Giá) ngày 25 tháng 3 âm lịch năm 1914.

2.3 Trần Văn Chái (1855-1873), bị thương ở bắp đùi rồi bị quân Pháp bắt khi cùng chiến đấu với cha tại bản doanh Hưng Trung. Sợ con không thể chịu nổi sự tra tấn của đối phương sẽ khai báo bí mật của nghĩa quân, bà Thạnh (vợ Quản Cơ Thành) liền nhờ người đưa thư khuyên con nên tự vẫn để tròn khí tiết [15].

Không rõ Trần Văn Thành và Trần Văn Chái được chôn cất ở đâu. Trong khu mộ của dòng họ Trần ở gần chùa Bửu Hương tự thuộc xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú), không có phần mộ của hai người.

III. Thông tin liên quan:
Trong phát biểu bế mạc Hội thảo cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa và lễ hội văn hóa truyền thống huyện Châu Phú ngày 9 tháng 12 năm 2009, có một vài tồn nghi đã được giải đáp như:

- Trần Văn Thành và Trịnh Quang Nghị là hai người khác nhau. Ông Nghị là cậu ruột danh sĩ Nguyễn Thông, và là thuộc tướng của Tán lý Nguyễn Duy. Sau khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ (ngày 24 tháng 2 năm 1861), ông này cùng Phan Văn Đạt khởi nghĩa ở vùng Vàm Cỏ.

-Dinh Hưng Trung là nơi đặt bản doanh của Khởi nghĩa Bảy Thưa, nay là khu vực chùa Nam Long thuộc ấp Hưng Trung, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú; không phải là nơi Dinh Sơn Trung do giáo phái Nguyễn Long Châu xây cất năm 1947, hiện đang tọa lạc tại xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, An Giang [16].

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn nghi chưa giải quyết được, như cần làm rõ thêm về cái chết của Quản Cơ Thành, về ngôi mộ ở rạch Thủ Điềm (thị xã Sa Đéc) được cho là của ông, về địa danh Bảy Thưa hay Bãi Thưa, v.v...

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:

[1] Sách Lịch sử địa phương An Giang và một số sách khác không ghi năm sinh. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu, năm sinh của ông trong khoảng 1818 đến 1821. Th.S. Nguyễn Thị Hoàng Phương (Kỷ yếu, tr. 6) ghi ông sinh năm 1917, còn Hỏi đáp lịch sử Việt Nam (Tập 4, tr. 161) ghi ông sinh năm 1820.

[2] Có ý kiến cho rằng "chỉ vì do phát âm gần giống nhau mà viết sai" (theo PGS. TS. Trần Hồng Liên, Kỷ yếu, tr. 106).

[3] ?Theo ThS. Nguyễn Hữu Hiếu (Kỷ yếu, tr. 10). Phạm Văn Sơn (tr. 208) và Hỏi đáp lịch sử Việt Nam (Tập 4, tr. 161) ghi tổng An Lương lúc bấy giờ thuộc quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc. Có tác giả cho rằng gốc gác ông là từ miền Trung vào (Kỷ yếu, tr. 106), từng định cư ở Sa Đéc, sau lên Bình Thạnh Đông lập nghiệp (Kỷ yếu, tr. 127),

[4] Tục truyền vào năm 1849-1850, ở miền Tây Nam Kỳ dân chúng bị bệnh dịch hoành hành làm chết nhiều người. Lúc đó có Đoàn Minh Huyên "phát phù trị bệnh", được dân chúng sùng tín xem ông như là một vị Phật. Nghe danh, Trần Văn Thành đã xuống Xẻo Môn (Chợ Mới, An Giang) để xin gặp và rồi trở thành người đầu tiên được Đoàn Minh Huyên nhận làm đệ tử, và được thầy gọi là "chú Xả" (Xả theo nghĩa "xả thân", "xả bỏ") . Và người Pháp đã lầm khi nói Quản Cơ Thành là người lập ra "đạo Lành", thực tế đạo này do Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên) sáng lập. Về sau, đạo Lành mới có thêm tên khác là Bửu Sơn Kỳ Hương (theo Nguyễn Hữu Hiệp, "Kỷ yếu", tr. 52-53 và 56).

[5] Theo Giảng Nhà Láng, trích: "Kêu Đức Cố, Thầy nêu rõ việc: Ta ở đây, lịnh cho ở quyết/ Nhưng ta còn nhiều việc phải lo / Chú Xả nghe, tôi đã dặn dò/ Hiệp huynh đệ chung lo xây cất/ Trước trại ruộng, sau là tư thất/ Vô Nhà Bàn xây cất dùm tôi/ Việc cần lo, lo sớm cho rồi/ Chừng xong việc chắc tôi về đó"...(trích lại trong Kỷ yếu, tr. 63). Lần hồi về sau nơi đây hình thành nên hai làng là Hưng Thới và Xuân Sơn; nay xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên (theo Vương Kim, tr. 133).

[6] Năm 1851, Phật Thầy Tây An tổ chức 4 đoàn khẩn hoang, và Trần Văn Thành đã chỉ huy một đoàn đến vùng Láng Linh (theo ThS. Nguyễn Hữu Hiếu, Kỷ yếu, tr. 14).

[7] Theo Nguyễn Văn Hầu (tr. 383-384), Quản cơ Thành và đã gặp thủ lĩnh Dương, rồi trở thành bạn bè vì chung chí hướng ("Đã biết đó lo đền nợ thủy thổ/ Đây cũng lòng ái quóc ưu dân" [trích thơ Quản cơ Thành]). Cùng quan điểm với Quản cơ Thành, thủ lĩnh Dương sau đó đã dùng chiến thuật "yểm kỳ tức cổ" (giấu cờ im trống) một thời gian.

[8] Theo Đồng Tháp nhân vật chí do Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp biên soạn, thì cùng rút về Láng Linh lập căn cứ chống Pháp còn có Chánh lãnh binh Nguyên Hương (nguyên thành thủ úy Hà Tiên) và các bộ tướng như Quản Bạch, Kim Chung...Đến khi Láng Linh thất thủ, Quản Cơ Thành hy sinh, các ông này đã trốn về quê ở thôn Tịnh Thới, tổng An Tịnh (An Giang) tiếp tục chống Pháp (dẫn lại theo TS. Nguyễn Hữu Hiếu, Kỷ yếu, tr. 18).

[9] Cây trát thưa hay cát thưa (dân gian gọi tắt là "thưa") là một loại cây ưa mọc ở vùng đất thấp, chịu được mùa nước nổi, cội to (khi lớn), lá nhỏ mà dài (xem ảnh). Ca dao địa phương có câu: Bãi bồi mọc những cát (hay trát) thưa/ Thương em đi sớm về trưa một mình. Theo Nguyễn Hữu Hiệp và Liêm Châu, tên cuộc khởi nghĩa viết là Bãi Thưa (theo nghĩa bãi đất mọc nhiều cây thưa) mới đúng. Do cách phát âm của người nông thôn miền Nam, mà tên Bãi Thưa lần hồi thành ra Bảy Thưa (theo Kỷ yếu, tr. 79 và 92). Hiện nay ở Láng Linh còn rất ít loại cây này.

[10] Theo ThS. Trần Văn Đông, sau khi dinh Hưng Trung bị tàn phá, ông Đạo Cậy đã đến đây dựng cốc tu hành, nên người dân còn gọi nơi này là Cốc Ông Đạo Cậy (Kỷ yếu, tr. 83). Hiện nay ở đầu cầu sắt số 13 (ngang UBND xã Bình Phú) có một dinh thờ mang tên là Dinh Hưng Trung (xem ảnh), nhưng theo Võ Thành Phương thì đây chỉ là sự trùng tên. Và nơi dinh thờ ấy tọa lạc khi xưa có một đồn quân ở đấy hay không, thì chưa thể khẳng định được (Võ Thành Phương, Kỷ yếu, tr. 25).

[11] Trong bằng phong cho Nguyễn Kế Trung làm chức Chánh Đề đốc, có câu liên quan như sau: "An Giang tỉnh, Gia nghị cơ, Trần Vạn Thành cai quản hợp đồng"...(dẫn lại theo Trần Thị Thu-Võ Thành Phương, Khởi nghĩa Bảy Thưa (1867-1873). NXB TP. Hồ Chí Minh, 1991). Vậy Gia Nghị là phiên hiệu của một đội quân ở An Giang thời Nguyễn, giống như "Gia Trung cơ", "Gia Thuận cơ" ở Gia Định... Giảng Nhà Láng có đoạn: "Trong cơ vệ, mộ quân đã đủ/ Ông trở về chịu chức Quản cơ/ Đạo nghĩa quân khai trống phất cờ/ Lấy danh nghĩa Binh cơ Gia Nghị".

[12] Theo quyết định số 473 không đề ngày do Đô đốc Ohire ký vào tháng 8 năm 1868, thì ai bắt được Trần Văn Thành sẽ được thưởng 1.000 france, viên chức nào bắt được sẽ thăng cấp bực (dẫn lại theo Liêm Châu, Kỷ yếu, tr. 94). Không bắt được, đầu năm 1873) Pháp sai Tôn Thọ Tường mang thư đến chiêu hàng, nhưng ông Thành từ chối, quyết đánh tới cùng (theo TS. Trần Thuận, Kỷ yếu, tr. 31).

[13] Đây là cánh quân mạnh nhất do Tri phủ Trần Bá Tường (em ruột Trần Bá Lộc) chỉ huy, có Phó quản Hiếm (trước kia là quân Bảy Thưa) cầm đầu một toán quân nhỏ theo hỗ trợ. Nhưng thực ra, viên chủ tỉnh Long Xuyên tên là Pếch (Emile Pueh) mới là người chỉ huy chính, có đại úy Guyon làm trợ lý (theo Sơn Nam, tr. 70).

[14] Lược theo Sơn Nam, Lịch sử An Giang, (tr.68-72).

[15] Sách Hỏi đáp lịch sử (Tập 4, tr. 164) kể:..."Bà Thạnh bèn nhét một con dao kèm theo một bức thư giấu bên trong đòn bánh tét. Năm ngày sau khi nhận thư, người con tự tử trong nhà ngục Châu Đốc". Nhà văn Sơn Nam cho biết khi ấy Trần Văn Chái mới 18 tuổi, và cũng vừa mới hứa hôn. Trong bức thư phúc đáp cho mẹ chồng (khuyên bớt sầu thảm, và nên lấy chồng khác), lời lẽ của người con gái này rất thống thiết (tr. 72).

[16] Theo kết luận của cuộc hội khảo đã nêu, thì dinh Sơn Trung ở xã Vĩnh An (Châu Thành, An Giang) không phải là nơi đặt bản doanh của khởi nghĩa Bảy Thưa; song nhiều tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn tin rằng đây là một căn cứ hết sức quan trọng. Và người ta đã góp công góp của xây dựng mới lại ngôi thờ (lạc thành năm 2005), đồng thời phục dựng một lò rèn, sau khi tìm thấy ở đây một số xỉ sắt được cho là của một lò rèn của nghĩa quân Bảy Thưa. Hàng năm, vào các ngày 20, 21, 22 tháng 2 (âm lịch), nơi đây đều có tổ chức lễ trọng thể để "Kỷ niệm ngày Quản Cơ Thành hy sinh và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa".

Sách tham khảo:
-Nguyễn Văn Hầu, Đức Cố Quản hay cuộc khởi nghĩa Bảy thưa, Nhà xuất bản Tân Sanh, Sài Gòn, 1956.

-Nhiều người soạn, Địa chí An Giang (Tập I), UBND tỉnh An Giang tổ chức biên soạn và ấn hành, 2003.

-Sơn Nam, Lịch sử An Giang, Nhà xuất bản Tổng hợp An Giang, 1988.

-Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (Quyển 5, Tập Thượng). Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn, 1962.

-Vương Kim, Bửu Sơn Kỳ Hương. Nhà xuất bản Long Hoa, Sài Gòn, 1965.

-Nhiều tác giả, Kỷ yếu Hội thảo cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa và lễ hội văn hóa truyền thống huyện Châu Phú (trong bài gọi tắt là Kỷ yếu). Phòng Văn hóa Thông tin huyện Châu Phú (An Giang) xuất bản, 2010.

-Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.

-Nhóm Nhân Văn Trẻ, Hỏi đáp lịch sử (Tập 4) , Nhà xuất bản Trẻ, 2007.

-Phan Văn Kiến, Lịch sử địa phương An Giang. Nhà xuất bản Giáo dục,