Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
]
[ Trang Chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Tôi
có người bạn mới từ Việt Nam qua, khó tìm việc làm vì
vốn tiếng Anh kém cỏi, ai cũng khuyên nên đi học và hành
nghề Nail là tiện nhất vì học vừa nhanh, lại có nhiều
tiền. Cô hỏi, nghề Nail có nguy hiểm vì hoá chất độc hại
không? Vì cô đang có thai vài tháng, cô lo cho đứa nhỏ trong
bụng. Trước tình cảnh thiếu thốn của cô, tôi không biết
khuyên làm sao cho phải, nên chỉ biết nói cho cô nghe những
sự thật mà cô sẽ phải đương đầu. Không phải tôi đưa
ra những nhận xét bi quan nhưng vì tôi có người thân từng
làm nghề này nên xin đưa ra những khuyến cáo đứng đắn
không chỉ với cô bạn tôi mà với tất cả những ai đang
làm nghề này.
Nghề "Làm móng" là nghề phải đối mặt với các hoá chất mỗi ngày mà chúng là "những sát thủ thầm lặng". Thợ móng, hít thở các hoá chất này qua một thời gian dài nguy cơ ung thư và những căn bệnh liên hệ tới phổi gia tăng và có ngày sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Momo Chang, tác giả của một bài viết trên báo Hyphen Magazine đã thuật lại lời kể của Uyen Nguyen là chủ một tiệm nail. Bà này có một cô em dâu đã hành nghề trong tiệm của bà trên 15 năm. Cô em khám phá ra cái thai 8 tháng bị chết trong bụng và cô tin rằng vì cô đã hít quá nhiều hoá chất độc khi cô làm móng giả cho khách hàng. Năm 2007, báo Times đã gọi nghề Nail là một trong những nghề tệ hại nhất ở Hoa Kỳ vì những sản phẩm hoá chất được dùng trong tiệm. Những người thợ làm móng đã hít phải những hoá chất này liên tục trong 8, 10, 14 tiếng hoặc hơn mỗi ngày. Theo một nghiên cứu của đại học University Massachusetts trong vùng Boston, người ta khám phá ra những người thợ Nail là những người thường mắc các chứng bệnh như khó thở, nhức đầu, ngứa ngáy và đau nhức các khớp xương, gân hay bắp thịt. Theo Cora Roelofs, mặc dù chính phủ đã đặt ra những luật lệ hầu bảo vệ độ an toàn cho người xử dụng, nhưng những ngăn ngừa này cũng không giúp gì được cho những người thợ. Một trong những hoá chất độc nhất tìm thấy trong những tiệm Nail là chất carcinogen formaldehyde, và những chất khác là toluene and dibutylphthalate. Những chất này tạo nên quái thai và hư thai. Tôi có một người thân cũng làm nghề này. Sau nhiều năm hành nghề, một buổi chị đi chữa răng và người nha sĩ khám phá ra chị bị ung thư dưới lưỡi. Chị phải chịu phẫu thuật để cắt chỗ ung thư đi và được hoá trị. Bác sĩ chuyên môn còn xẻ đùi chị lấy thịt để vá vào chỗ lõm dưới lưỡi, nơi thịt ung thư bị khoét bỏ, đau đớn không thể nào tả xiết. Xui làm sao, ông ta bỏ nhiều thịt đùi quá, lưỡi bị chạm, chị nói chuyện không được, ông lại giải phẫu lấy bớt thịt ra. Chị chịu đau biết bao nhiêu lần, rồi chị bị chứng trầm cảm vì sợ chết, phải uống thuốc an thần để giảm đau và bớt sợ. Cơ thể chị lâu dần quen thuốc, ngày nào không có thuốc chị thấy như kiến bò trong xương. Khi vết mổ lành hai năm sau, phổi chị bắt đầu mọc những mụn ung thư nho nhỏ lan ra đầy phổi. Giờ, bác sĩ bảo đành phải để thế, không thể giải phẫu cắt chúng đi được vì chúng quá nhiều. Những mụn ấy phát triển chậm nhưng ngày một lớn dần. Chị xem như hết cách chữa, bèn tin vào những phương thuốc bậy bạ của bất cứ người nào mách bảo. Vợ chồng con trai chị cũng mở một tiệm Nail rất khá giả, thế mà mỗi lần tiệm đông khách thiếu tay thợ, chị lại xắn tay nhào vào giúp con. Thật là sinh nghề, tử nghiệp. Chị đúng là một mẫu người phụ nữ Việt Nam xưa tiêu biểu, chỉ biết làm việc hy sinh cho chồng cho con. Chị mở tiệm Nail kiếm tiền giúp gia đình, quần quật với việc nhà, không ăn chơi mua sắm, không biết giải trí se sua. Cuối đời chị đã được hưởng những gì ngoài mặc cảm làm Nail và những cơn đau của ung thư hành hạ. Và gần đây nhất chị giúp vốn cho con chị mở một tiệm tạp hoá loại 99 cents để bỏ dần tiệm Nail vì chị thấy được nguy cơ lâu dài của nghề này. Nghề nào, nghiệp nấy. Làm nghề khuân vác, thì già cụp lưng, xương sống lệch lạc. Người hành nghề Nail ngoài những bệnh về da dễ mắc còn phải đối diện với các bệnh về đường hô hấp. Trong một bài báo của American Journal of Epidemiology có một báo cáo y tế được thực hiện ngày 21 tháng 5, 2010, trong 325,228 thợ móng tay có bằng cấp có 9,044 trường hợp bị ung thư. Con số tỷ lệ ung thư là 0.87 %. Và tỷ lệ ung thư phổi là 1.21 % trên tổng số hành nghề, tức cứ 100 người thợ làm móng có 1.21 người mắc bệnh ung thư phổi. Con số này là con số đáng tin cậy. Ngoài ra họ còn mắc các bệnh liên hệ tới đường hô hấp và ngoài da khác. Theo The Industry Magazine Nails, Ở Mỹ có khoảng 60,000 tiệm Nail, con số người hành nghề làm móng khoảng 350,000 người, 96 % là phụ nữ, hơn phân nửa là người Việt Nam. Ông Nguyen Tin, chủ tịch hiệp hội Vietnamese Nail Care Profesional Association, tiết lộ Ở California có khoảng 42,000 thợ làm móng người Việt và con số người gia nhập làng Nail ngày một gia tăng. Tháng 12 năm 2004, một thanh tra y tế đột nhập vào một tiệm Nail ở San Jose để kiểm tra sau khi nhận báo cáo của một khách hàng tố giác sau khi làm móng, da bị dị ứng, ngứa, sưng tấy, đau rỉ nước, đi bác sĩ mãi không hết. Sau đó bộ y tế bắt đầu mở hàng loạt những vụ kiểm tra khám xét các tiệm Nail. Tiếp theo vụ báo cáo đó, có khoảng 30 trường hợp khách hàng bị chứng đau rỉ nước vì nhiễm trùng sau khi làm móng được ghi nhận. Các cơ quan truyền thông lớn của Mỹ liên tục nói về việc này. Họ than phiền các tiệm Nail Việt kém vệ sinh, không thoáng khí, hệ thống hút hay lọc hơi không hội đủ tiêu chuẩn bảo đảm sức khoẻ cho khách hàng lẫn thợ thuyền. Nhiều tiệm Nail không kiểm soát được rủi ro do hóa chất làm móng giả gây ra cũng như từ sơn móng tay, keo gắn móng, chất lau sơn móng tay. Sau đó nhiều tiệm Nail bị phạt vì phạm luật, không đủ tiêu chuẩn an toàn. Mặc dù mức độ hơi khói và bụi hóa chất ở dưới mức độ cho phép, nhưng chuyên viên móng vẫn có thể mắc các bệnh như khó thở, hen suyễn do Ethyl Methacrylates gây ra. Ngoài ra nhiều người bị cay mắt vì nồng độ Ema có trong bột làm móng. Khi mài móng có những hạt bụi rất nhỏ bay ra. Trong bụi có pha lẫn các chất như keo dán và methacrylate polymers. Chúng vượt rào cản ở mũi, cuống phổi và xâm nhập vào góc phổi đưa tới tổn thương, tạo nên các bệnh về đường hô hấp. Do đó việc đeo khẩu trang che bụi và ngăn được phần nào các hoá chất độc hại. Tuy nhiên các hoá chất này dễ bay hơi và hoà tan trong không khí có hại cho cả khách lẫn thợ. Tác dụng độc hại của các hoá chất trên cơ thể một người hành nghề xảy ra theo một tiến trình chậm và lâu dài khiến người ta không thấy mối nguy hiểm lập tức và ngay trước mắt. Vả lại việc học Nail nhanh, dễ, lại rẻ là một lợi điểm thu hút những người mới đến định cư muốn nhảy vào. Khi học nghề, nhà trường chỉ dạy sơ qua về cái độc nhưng lại tránh không nhắc đến cái hại thế nào mà chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh kiếm tiền nhiều và dễ. Patty Moran, một người thợ làm móng 38 tuổi, kể rằng bà làm trong một tiệm móng tay trong khu shopping Mall cùng 13 người thợ khác, 10 tiếng một ngày, 6 ngày một tuần. Bà đã không dùng khẩu trang che mặt, tiệm lại không có hệ thống quạt, hút hơi, lọc không khí, trong khi người quản lý hút thuốc liên tục suốt ngày khiến căn tiệm đầy những mùi. Ở trong tiệm bà không cảm thấy mùi hoá chất hay mùi gì vì khứu giác bà đã quen với nó và bà bắt đầu bị bịnh khó thở và cảm thấy phổi mình đầy những bụi. Sáu tháng sau, bà tìm việc khác làm vì bà không muốn chết sớm. Trong tất cả những người đã và đang làm thợ móng, chắc chắn có nhiều người ý thức được những rủi ro nghề nghiệp giống như bà Moran nhưng mấy ai có thể dứt khoát hay có ý định bỏ nghề kịp lúc như bà. Nghề làm móng đã giúp đỡ rất nhiều người Việt bước nhanh và bước mạnh trên con đường hội nhập khó khăn và khiến họ làm nên bao nhiêu cơ nghiệp vẻ vang. Người mình thường nghĩ "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" và nghề Nail là nghề kiếm tiền được ai dại gì mà bỏ. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết được nghề này khó bỏ mà nó có nhiều rủi ro thì mình nên đề cao cảnh giác và thường xuyên áp dụng những phương cách phòng ngừa hầu ngăn chặn những nguy cơ xảy ra hay giảm thiểu những rủi ro. Đó là chưa kể đến những nỗi cực nhục trong việc đối phó với sự cạnh tranh nghề nghiệp vì nghề nào dễ ăn thì ai cũng nhảy vào. Vì cạnh tranh mà có người mở cửa tiệm suốt tuần sợ mất khách. Những ngày lễ, họ phải mở cửa từ sáng sớm tới tối mịt. Có khi khách đông, bận rộn đến nỗi không ăn, nín đi vệ sinh đến nỗi có người bị xỉu vì đói vì mệt. Ngoài ra người thợ Nail còn có một mặc cảm thấp kém, giảm nhân cách vì cái vị trí bị ngồi dưới thấp của họ là chà chân, cắt da, săn sóc, lau chân, mang giày cho người ta. Sự tủi nhục không ít thì nhiều cũng làm cho tâm lý con người bị tổn thương. Chưa kể gặp khách hàng khó tính, bắt bẻ, hành hạ làm theo đúng ý họ khiến đồng tiền tưởng là dễ kiếm biến thành cục xương hóc trong họng. Chị tôi kể, có một bà thợ lớn tuổi đeo kính lão vẫn phải đi làm. Một hôm vì mắt kém, thay vì cắt móng, bà đã cắt lầm vào da chân của một phụ nữ da đen trẻ to con mập mạp. Chị lắc đầu nói "trời ơi, tôi thấy con Mỹ đen bất thần bị đau co cái chân to khoẻ của nó đạp bà một cái, tấm thân gầy nhỏ bé lăn lông lốc dưới đất thật là đáng thương". Bà đau đến nỗi mấy hôm sau chưa đứng dậy nổi để đi làm. Nỗi vinh nhục của nghề làm móng kể ra thì nhiều nhưng dĩ nhiên vào nghề thì ai cũng tập làm quen chịu đựng và "chấp nhận thương đau". Nhưng cái khó nhất của nghề làm móng có lẽ là "Đường vào nghề Nail rất dễ nhưng đường ra thì ....chắc chắn là khó vì ít ai bước ra dù cho họ phải đối mặt và sống với một "sát thủ thầm lặng" .
|
Tài
liệu tham khảo
- Cancer Incidence
in Female Cosmetologists and Manicurists in California, 1988-2005
- Unseen peril: Manicurists, most of them Vietnamese, face health riskwww.allvoices.com/.../4853547-unseen-peril-manicurists-most-of-them-vietnamese-face-health-risk |
|