Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

AI ĐÃ HÓA AI

Thu Tứ

Bốn thế kỷ chưa nên cơm cháo
Nam đế, Việt vương: điềm xấu
Thì y như rằng!
Ai cầm thú đâu mà đòi hóa!
Từ Nam đế đến "Nam quốc sơn hà..."
đến Bình Ngô đại cáo
Người đi khai hóa bị đồng hóa!
Bốn thế kỷ chưa nên cơm cháo
Căn cứ vào kết quả tìm hiểu của các nhà sử học, có thể hình dung hiện diện thống trị của người Tàu ở Bắc bộ xưa kia như một đám chốt sắt đóng xuống một cái thảm lúa xanh mênh mông. Mỗi chốt là một lỵ sở của guồng máy cai trị, là một cái "tỉnh Tàu", có quân viễn chinh Tàu đồn trú, có quan Tàu chỉ huy, có "lại" Việt phục vụ quan Tàu, có một số thường dân Việt phục vụ quan Tàu, quân Tàu và lại Việt... Bên ngoài chốt là xóm làng của nông dân ta, những người ngày ngày theo nhau ra đồng cày sâu cuốc bẫm.

Ngoài đàn áp khởi nghĩa và lo thu, chở về Tàu những thứ tài nguyên, sản vật giá trị, các chốt còn có nhiệm vụ khai hóa dân bản xứ, giúp họ thành người văn minh như người Tàu.

Năm 231, trong sớ tâu lên vua Ngô, thái thú Tiết Tổng đánh giá tình hình cai trị từ đầu đến lúc ấy: "Dân như cầm thú (...) đến nay (...) hơn 400 năm mới hơi nên người."(1)

Hừm, tưởng sau bao nhiêu công khai hóa của các thái thú lừng lẫy Tích Quang (qua năm 2), Nhâm Diên (qua năm 24), Sĩ Nhiếp (qua năm 187) thì bọn cầm thú nay đã đồng với cư dân Trung Nguyên xong xuôi rồi kia chứ.

Nam đế, Việt vương: điềm xấu
Năm 231, sau hơn bốn thế kỷ Bắc thuộc, sau bao nhiêu công khó của các quan Tàu, dân ta đã "hơi nên người", vậy độ ba thế kỷ được đè đầu cưỡi cổ nữa thì ta nên người hẳn chứ gì?

Lịch sử không đơn giản thế.

Năm 541, Lý Bí khởi nghĩa, năm 544 xưng Nam đế.

Năm 549, Triệu Quang Phục kế nghiệp họ Lý, xưng Việt vương.

Ô hay, làm loạn cứ làm, sao lại xưng danh hiệu linh tinh thế này? Sao lại phân biệt Nam với Bắc, Việt với chẳng Việt, sao đến giờ này, hàng bảy trăm năm sau ngày đất Giao Chỉ bắt đầu được ánh sáng văn minh từ phương bắc rọi xuống, mà vẫn còn có những kẻ lạc hậu tự nhận mình là "Nam đế", là "Việt vương"?!

Dĩ nhiên cả đế lẫn vương rồi đều chẳng trị vì đất phương nam, đất của người Việt, được bao lâu. Nhưng cái tên chọn xưng của Lý của Triệu, chẳng phải nó nói lên rất gọn sự thất bại của âm mưu đồng hóa của "thiên triều" đấy sao. Và nó còn như báo trước sự thất bại khác, thất bại tối hậu.

Thì y như rằng!
Năm 679, nhà Đường đổi Giao châu thành An Nam đô hộ phủ. Tên mới nghe oai vệ, nhưng thực ra mang ý nghĩa không hay chút nào cho nhà nước Trường An.

Vì đã gọi là đất "đô hộ" thì tức là đất ấy không phải một phần lãnh thổ nước mình.(2)

Đổi tên như thế là đã vô tình xác nhận một bước lùi nghiêm trọng trong cuộc bành trướng về phương nam của chủng Hoa Hạ!

Như một định mệnh, cái "đô hộ phủ ở phía nam đã bình định" vừa ra đời xong bèn từng bước một bước ra khỏi vòng kiểm soát của kẻ đô hộ.

Trần Quốc Vượng cho biết: "Buổi đầu (...) trực thuộc chính quyền trung ương Trường An, nhưng từ năm 757 trở đi thì trực thuộc tiết độ sứ Lĩnh Nam ở Quảng Châu và đến nửa cuối thế kỷ IX thì An Nam có chức tiết độ sứ riêng."(3) Có tiết độ sứ riêng chẳng bao lâu thì ở đô hộ phủ bèn có "kẻ" Khúc Thừa Dụ lợi dụng tình hình chính trị suy sụp ở Trường An mà tự xưng làm tiết độ sứ luôn, không thèm đợi vua Đường tấn phong!(4)

An Nam đã "lộng" đến mức này, thì cái sự việc Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, giết thái tử Hoằng Tháo, rồi xưng vương chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ai cầm thú đâu mà đòi hóa!
Xét kỹ, cuộc "khai hóa" đất phương nam của người Tàu thất bại đâu phải vô cớ.

"Dân như cầm thú" là dân thế nào?

Đại khái, là "búi tóc (...) mặc áo chui qua đầu cài khuy bên trái (...) nam nữ thích nhau bèn thành vợ thành chồng, cha mẹ cũng không ngăn được".(5)

Ơ hay, người mà như thế thì chỉ khác người không búi tóc, mặc áo không chui qua đầu cài khuy bên phải, bắt con cái lấy vợ lấy chồng theo ý cha mẹ, chứ đâu có giống gà, vịt, sáo, quạ, diều, chó, mèo, trâu, bò, ngựa gì đâu!

"Dân như cầm thú", dân ấy còn có cả luật pháp hẳn hoi!

Hậu Hán thư chép năm 43 Mã Viện tâu lên vua Tàu: "... luật người Việt khác với luật Hán hơn mười việc."(6) Bình Nguyên Lộc cho hay thành ngữ Tàu có câu "Khác mười điều, có nghĩa là mỗi-mỗi mỗi khác."(7) Tức khi vào đến đất Giao Chỉ, Mã Viện thấy đó là một nơi đã tổ chức thành xã hội có luật pháp và luật ấy khác hẳn luật Tàu.

Rõ ràng khi kẻ "cưỡi ngựa đội mũ"(8) hung hăng kéo xuống quá Lưỡng Quảng, hắn đã gặp người "cưỡi đò đội nón", chứ không phải gặp cầm thú chi cả!

Tướng Mã Viện chỉ đem quân đi đàn áp kháng chiến thì cứ sự thực mà tâu, còn thái thú Tiết Tổng chịu trách nhiệm về việc cai trị thuộc địa thì cố ý tâu xuyên tạc sự thực để được vua Tàu khen cai trị giỏi, phải vậy chăng?

Người Việt cũng là người nhưng khác hẳn người Tàu, đó là một sự thực khó chịu đã ám kẻ chiếm đất suốt hơn nghìn năm.

Và chắc chắn nó đã là một cái cớ khiến "ông đội (mũ)" rốt cục đành phải chịu để "gió đưa (gấp) về Tàu" năm 938!(9)

Từ Nam đế đến "Nam quốc sơn hà..." đến Bình Ngô đại cáo
Cái ý nghĩa then chốt của biến cố lịch sử năm 938 là một dân tộc đã đánh đuổi một dân tộc khác ra khỏi đất nước mình mà giành lại độc lập. Biến cố ấy hoàn toàn không phải là một cuộc nổi loạn xảy ra trong cương vực nước Tàu.

Do thế còn yếu mà Ngô Quyền chỉ xưng vương, nhưng chưa đầy ba mươi năm sau Ðinh Bộ Lĩnh đã xưng đế, rồi đến năm 1077 thì Lý Thường Kiệt nói thật rõ ràng:

"Nam quốc sơn hà, Nam đế cư...".

Người Tàu ở phía bắc, người Việt ở phía nam, nước ai người nấy ở, hễ giở trò xâm lược là sẽ lập tức bị đánh văng!

Bốn câu thơ của Lý Thường Kiệt, có người bảo nó là bản tuyên ngôn độc lập ngắn nhất thế giới!(10)

Người ta có thể vốn cùng dòng giống mà vì mâu thuẫn trầm trọng nên chọn ở riêng, lập nước riêng, như trường hợp dân Anh bỏ qua Mỹ châu chiếm đất của người da đỏ mà lập nước Mỹ.

Nhưng trường hợp nước Việt Nam ta thì khác. Lý Thường Kiệt làm thơ vắn tắt để động viên quân sĩ đánh giặc Tống nên không giải thích. Vài trăm năm sau, Lê Lợi đánh xong quân Minh sai Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo (1427), có nêu rõ cái cớ căn bản khiến phải đuổi cho được giặc:

"... Sơn hà cương vực đã chia,
phong tục bắc nam cũng khác..."

Đó, ta nhất định không chịu ở chung nước với người Tàu là vì ta với họ phong tục khác nhau, ta với họ là hai giống người khác nhau.

Phan Ngọc nhận xét: "Bình Ngô đại cáo (...) là bản tuyên ngôn đầu tiên về quyền tự quyết dân tộc và định nghĩa đầu tiên của nhà nước dân tộc trên thế giới".(11)

Lập nước riêng vì mình là một dân tộc riêng, đơn giản thế thôi, vậy mà phải đến đầu thế kỷ 15 trên thế giới mới có dân tộc Việt Nam xung phong tuyên ngôn!

Hẳn ta không phải là nhà nước dân tộc đầu tiên trong lịch sử, nhưng ta nói ra cái ý thức ấy trước các dân tộc khác. Tại sao? Có phải cái tình trạng bị ngoại nhân cai trị quá lâu ngày mà không đồng hóa được đã khiến trong ta cái ý thức dân tộc nó mỗi lúc mỗi thêm sôi sục, khiến ta cứ hễ có dịp là vùng lên. Rồi tuy rốt cuộc đã vùng ra khỏi được ách đô hộ, nhưng mối đe dọa bị tái xâm chiếm lúc nào cũng sờ sờ nên ý thức dân tộc sau đó không nhạt đi mà lại mỗi lúc mỗi đậm đà hơn nữa...

Đầu thế kỷ 15 ta mới tuyên ngôn rõ ràng, có sớm gì đâu. Vì vào thế kỷ 6, như Đào Duy Anh nhận định, "cuộc vận động độc lập của Lý Nam Ðế (đã) là một cuộc quốc gia vận động phôi thai".(12)

Phôi thai, rồi sẩy thai, rồi rốt cục "bưng đầu mà ra"(13), rồi vài thế kỷ sau thì dõng dạc lên tiếng thay cho tất cả những nhà nước dân tộc khác trên mặt địa cầu!

Oái ăm cho người Tàu, chính cuộc đô hộ của họ đã xúc tiến quá trình hình thành quốc gia dân tộc Việt Nam. Rồi chính ý đồ tái thiết lập đô hộ của họ đã khiến dân tộc Việt Nam trong ba thế kỷ rưỡi đến hai lần tuyên ngôn độc lập!

Người đi khai hóa bị đồng hóa!
Lịch sử ưa chơi những trò ngộ nghĩnh.

Có kẻ thấy người khác mình, "chụp mũ"(14) người là chim với chó. Rồi thấy người yếu hơn mình, xông qua đè đầu cưỡi cổ. Vừa đè, vừa hăm hở đòi giúp "chim chó" tiến lên người, giúp "Nam man" hóa đồng với Trung Quốc nhân.

Than ôi, càng ở lại giúp lâu, kết quả càng tệ hại:

Lý Nam Đế là người gốc Tàu.(15)

Rất nhiều lãnh tụ kháng chiến khác cũng là người gốc Tàu.(16)

Con cháu của những ông quan Tàu được vua Tàu tín nhiệm sai đi đồng hóa giống mọi phía nam lại tự thấy mình là một với giống mọi ấy!(17)

Những cái chốt sắt Hoa đen sì đóng xuống nền lúa Việt xanh tươi tưởng sẽ bền muôn năm, nào ngờ chỉ ít lâu sau đã bị lúa phủ xanh mất tích!

Từ Lộ Bác Đức đội mũ xông vào Giao Chỉ năm -111 cho tới Hoằng Tháo rơi đầu trên sông Bạch Đằng năm 938, hơn mười thế kỷ ánh sáng văn minh phương bắc đòi rọi cho "đồng" mảnh đất nhỏ phương nam...

Rốt cục, người quả đã đồng với người rồi, nhưng trông lại mà xem, kìa chính ai mới đã hóa ai!

(Để đọc thêm Thu Tứ, xin mời viếng trang GOCNHIN.NET.)
 ________________________

(1) Nguyễn Duy Hinh, Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, VN, 2004, tr. 143. "Hơn 400 năm" đây có lẽ Tiết Tổng tính từ năm -208 là năm Triệu Ðà đánh bại An Dương Vương, thôn tính nước Âu Lạc, gom mở ra nước Nam Việt. Trong sử ta, thời đại Bắc thuộc lại được xem là bắt đầu từ năm -111, là năm quân Hán đánh bại cháu Triệu Ðà, chiếm nước Nam Việt.

(2) Lịch sử Việt Nam, tập 2, Hội đồng Khoa học Xã hội T.P. HCM, nxb. Trẻ, VN, 2005, tr. 191: đô hộ phủ là "ngoại địa".

(3) Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam, tập I, nxb. Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1983, tr. 439.

(4) Năm 905, nhân tiết độ sứ Ðộc Cô Tổn bị ép bỏ chức, Khúc Thừa Dụ TD đem quân chiếm thành Tống Bình (Hà Nội) rồi tự xưng làm tiết độ sứ mới. Năm 906, vua Ðường bất lực đành chịu phong cho KTD chức ấy. (PHL, TQV, HVT, LN, sđd., tr. 456)

(5) NDH, sđd., tr. 143.

(6) Nguyễn Duy Hinh, sđd., tr. 93.

(7) Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971, tr. 54.

(8) Người Tàu hay xưng là dân đội mũ.

(9) Ca dao: "Gió đưa ông đội về Tàu / Bà đội ở lại xuống bàu bắt cua...".

(10) Trần Vấn Lệ, Nói thầm với thơ, Mỹ, 2006.

(11) Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, VN, 1998, tr. 41.

(12) Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, nxb. TPHCM, Việt Nam, 1992, tr. 154. Trước thời Lý Nam Đế, tuy ta vẫn quen gọi nước Văn Lang, nước Âu Lạc, nhưng đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa nhất trí về chuyện Văn Lang, Âu Lạc mới là "tù trưởng quốc" (chiefdom) hay đã là nhà nước (state) thực sự (xem Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, VN, 1994, tr. 428-429). Thiết tưởng tổ tiên ta vào thời ấy chưa dựng nhà nước thì cũng có sao đâu. Người Pháp, người Đức, người Anh ở cùng thời điểm lịch sử đều hãy còn là những giống rợ sống bên ngoài ánh sáng của văn minh La-mã kia mà!

(13) Cung oán, câu 56: "Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra".

(14) Nghĩa là nói oan cho.

(15) Xem Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim.

(16) Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, VN, 2002, tr. 135: "Những cuộc đấu tranh (...) từ sau thời Tam Quốc có một đặc điểm là phần tử lãnh đạo (...) gồm cả (...) những hào trưởng địa phương, một số là do nguồn gốc Trung Quốc." Tức một số "hào trưởng địa phương" là con cháu của các quan Tàu.

(17) Việc một số anh hùng dân tộc có gốc Tàu, thiết tưởng là việc ta nên lấy làm hãnh diện, vì như thế nghĩa là văn hóa Việt Nam đã đồng hóa được những thần dân ưu tú của nước Tàu!