Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ] [ Tác
giả ]
|
|
Văn
Thành Sao, ba mươi hai tuổi, là trai bạn (người làm nghề
đi biển) cho ghe nhà Khôi, năm kia lặn vớt rong, bị chân vịt
ghe chém cụt một chân. Lúc mới ở bệnh viện ra hắn chỉ
muốn chết. Đã có lần hắn chèo chiếc xuồng con ra khơi
đem theo khối TNT tính cho nổ tan xác ngoài biển, không cho
ai hay biết, khóc lóc chôn cất làm phiền vợ con chòm xóm.
Sau nghĩ lại hắn thấy bốn đứa con trai, hai đứa lớn là
con riêng của vợ với người chồng trước, vợ hắn hơn
hắn tám tuổi. hai đứa nữa là con chung, còn nhỏ dại quá,
hắn mà chết cả năm mẹ con chỉ còn nước đi ăn mày, nên
thôi. Lần tự tử không thành đó, là một kinh nghiệm cười
ra nước mắt. Lúc chèo vào, công an biên phòng lục soát ghe,
thấy khối chất nổ, gói trong giấy xi măng, với cái ngòi
nổ. Bị hỏi, hắn phải khai láo, nói trớ ra thành chuyện
mình tính đi đánh cá trộm. Hắn được "giáo dục" bài học
về bảo vệ môi trường, bị lập biên bản, phạt hành chính
trăm ngàn. Lúc kí biên bản phạt, thấy hắn cười tủm tỉm.
Người ta không hiểu hắn vui gì mà cười ? Sự thật hắn
mừng thầm. May quá nếu không dừng tay thì đã tan xác rồi,
còn đâu được đóng tiền phạt còn được giáo dục, được
cầm cây bút bi lóng ngóng kí cái chữ "Sao" xấu òm!
Từ đó hắn sống cho qua ngày, thấy đời chẳng có gì là vui. Bệnh viện có cấp cho hắn đôi nạng gỗ để đi lại, nhưng hắn xấu hổ chẳng chịu dùng. Một hôm ngồi trong nhà, nhìn ra chuồng heo thấy có cây trụ. Hắn tháo ra mượn đồ nghề về đục đẽo, một tuần sau thành cái chân gỗ, có khớp gối, có bàn chân, tựa chân người. Nơi đặt khúc chân cụt, da khâu túm lại, nhăn nheo, giống khúc giò, hắn xé cái quần đen rách của vợ lót vào cho êm. Chân giả cứng và nặng lắm. Hắn đóng cửa tập đi lại trong nhà cả tháng mới lên xuống bậc thềm được. Hắn tập đi chậm, sải bước, chạy lúp xúp, đi xe đạp. Bây giờ mặc cái quần tây màu bộ đội, mang chân gỗ, tròng đôi tất màu xanh cứt ngựa, diện đôi giày bata vào, cột dây bước đi, trông chỉ hơi khập khiễng. Tối lại hắn tháo chân gỗ ra nhét dưới giường. Có lần hắn đi nhậu khuya mới về, người đầy hơi rượu trắng lẫn mùi dầu thơm rẻ tiền của mấy đứa con gái bia ôm. Mụ vợ già nổi khùng đòi chẻ cái chân gỗ ra chụm nấu cám heo cho hết cái tật đi chơi khuya! Buổi chiều bọn trai bạn thường kéo nhau đến quán Sáu Liễu uống thứ ruợu do chính tay chị ta pha chế, gồm chuối mốc chín rục phơi khô, nướng cháy, với gỉ đường, thứ cho ngựa uống, gọi tôn lên là "rượu thuốc", để lấy tiền dân nhậu, uống vào chẳng bổ dưỡng gì cả. Bọn con trai xúm lại nghe mấy lão già kể chuyện thần thoại biển. Chuyện con rùa, lưng nổi gồ lên mấy cái sóng, to như chiếc xuồng câu, gọi là"ông Khế". Chuyện con "nạn hải" một loại cá đuối khổng lồ, nổi lên mặt biển mình đầy rong biển to như cái sân bóng đá, lũ chim biển tưởng đất liền bay đến đậu từng bầy. Chuyện mấy chiếc tàu chiến của Nhật bị máy bay Đồng Minh đánh đắm, đêm đêm trồi lên mặt nước bắn đại bác ì ầm, khiến con chó mực bốn mắt nhà Sáu Ky chuyên sủa ma tru cả đêm.... Văn Thành Sao nghe chuyện, chận lại hỏi: "Người ta đồn hằng năm, nhằm tiết Vũ Thuỷ (23 tháng giêng âm lịch) Từ chiếc núm vú đá trên ngực núi Cô Tiên, phóng lên trên trời một tia sữa, làm thành đám mây trắng như bông bay tới Đồng Đế rơi xuống thành cơn mưa nước đục như vôi? Có không?" Có người nói: "Có hay không, ai biết?" Hắn nói, muốn biết thì leo lên coi thử...Cả bọn cười xoà về việc thằng chân gỗ đòi chinh phục núi Cô Tiên. Nghe chuyện một lúc Sao bỏ về. Hắn biết bọn họ cười chế nhạo mình, hắn đã bắt đầu căm. Một hôm Sao chở nước đá cho ghe Sáu Lốp ngày mai đi cảng đường dài trong Vũng Tàu. Giao đá xong, hắn trèo lên ghe nhận tiền. Be thuyền cao quá, hắn cố gắng trèo lên nhiều lần nhưng không được. Lần cuối, hắn cố sức, sợi dây buộc sút ra. Chiếc chân gỗ rơi tõm, nổi lềnh bềnh cùng với mớ giẻ rách. Bọn con trai con gái, đàn ông, đàn bà ôm bụng cười. Bọn này cười ngất, cười mãi không thôi. Sao hổ thẹn, giận tím mặt. Hắn lấy sào khoèo chân lên, trút nước ra, mang vào, bước đi, dẫm sàn gỗ lộp cộp, bực tức. Bọn người kia càng cười to hơn. Hắn lái con thuyền chạy một mạch về Bãi Dương, tự nhủ, phải làm một cái gì. Một công việc mà bọn người lành lặng đủ chân, đủ tay, không làm được để sỉ nhục bọn này mới hả giận. Hắn chợt nghĩ tới hòn đá trên ngực Cô Tiên. Đỉnh cao nhất chưa có dấu chân người. Cái núm vú mà đêm Vũ Thuỷ phóng lên trời tia sữa... Vùng biển mùa hè, chiều tối thường có mưa. Hôm đó trời mưa tầm tã từ chiều tới nửa đêm. Gần sáng mưa tạnh, trăng sao đầy trời. Con chó mực bốn mắt nhà Sáu Ky sủa ma cả đêm, chẳng cho ai ngủ. Sao ngồi dậy, không cần mang chân gỗ, nhảy lò cò ra sân lấy đá ném chó. Hòn đá không trúng, con chó làm bộ kêu ăng ẳng bỏ chạy. Sao nhìn ngược lên đỉnh trời thấy ngôi sao Thần Nông. Thanh kiếm ông thần mang chênh chêch về hướng tây. Ngôi sao Bắc Đẩu như mảnh than lửa đơn độc chìm xuống gần sát chân trời. Đã gần sáng. Sao căng mắt cố nhìn hòn núi Cô Tiên, còn tối quá chưa thấy. Hắn nhảy lò cò vô nhà, đứng im lặng nhìn vợ. Vợ hắn nằm thẳng, ngực nhô lên, chân gác tréo trông mường tượng hình bóng núi Cô Tiên. Người đàn bà cũng đã thức từ khi chồng ra sân ném chó. Chị ta thấy chồng trở vào đứng nhìn mình không nói, tưởng chồng muốn, chị đưa tay nắm hắn, giả vờ than: "Lạnh quá...!" Hắn đẩy tay vợ ra, nói : "Thôi mà...gần sáng rồi...lũ trẻ dậy bây giờ..." Hắn đặt lưng xuống nằm một lúc, thấy chẳng thể nào ngủ lại nữa, lồm cồm bò dậy. Vợ hỏi: " Đi đâu giờ này? Nằm lại chút nữa đã" Hắn hỏi : "Cái rựa cán dài để đâu?" Vợ nói: "Không biết!" giọng giận dỗi. Một lúc sau, hình như hết giận, chị ta nói: "Xuống bếp, ngó lên giàn mà tìm" Hắn lại hỏi : "Rựa còn bén không?" Chị ta nói: "Không biết, muốn bén thì mài". Người đàn bà vẫn còn muốn chồng nằm lại. Chị ta lấy chân kéo cái mền rộng ra trùm kín cả hai người. Hắn la, nóng quá, ngột quá. Rồi hắn cương quyết ngồi dậy cho tay xuống dưới gầm giường tìm chiếc chân gỗ, mang vào. Vợ nhỏm dậy theo, hỏi: -Hỏi cái rựa cán dài đó làm chi? -Lên núi Cô Tiên. -Lên núi Cô Tiên làm chi? Đốn củi hả? Hắn nói không. Vợ hỏi mấy câu, hắn ừ hử cho qua chuyện. Chị ta nói, sao bữa nay trở chứng, đòi lên núi Cô Tiên đốn củi? Củi bán bao nhiêu tiền. Thời này người ta dùng lò ga, lò điện, ai mua củi? Hắn nói: - Không đốn củi đâu... - Không đốn củi lên núi Cô Tiên làm chi? Vợ thắc mắc lắm nhưng biết tính chồng nên không hỏi nữa. Chị ta lầm bầm, nói chuyện với ông thêm bực mình, rồi gây lộn. Vợ ngồi dậy gánh cái gánh không, con dao, cái thớt, chậu nước ra ngõ hẻm chùa Hạ Long đợi cá lên mua. Vợ đi rồi, hắn thấy nhẹ cả người. Hắn nấu cơm, vắt đem theo. Ra giếng mài rựa, mài rựa xong cầm xuống thuyền lái thẳng tới chân núi Cô Tiên. Tới nơi hắn neo thuyền, lên bờ ngồi nghỉ, một lúc sau tìm đường lên núi. Tới trưa hắn đã mở được một đoạn đường, nghỉ tay lấy cơm nắm ra ăn rồi làm việc tiếp. Xế chiều hắn cầm rựa xuống núi. Cây lá chặt buổi sáng giờ đây héo úa cả. Ngày sau và nhiều ngày sau nữa hắn bỏ hết mọi công việc, gia đình, bạn bè, những cuộc vui chơi, dành tất cả cuộc đời cho niềm đam mê kì dị chinh phục núi Cô Tiên. Mỗi chiều, trở về nhà hắn xách rựa ra giếng mài, mài luôn ý chí sắt đá của mình. Hắn chẳng dám nhìn lên cao. Hắn sợ mình chán, hắn chỉ biết có chướng ngại vật trước mắt và tìm cách vượt qua. Đỉnh núi còn bao xa nữa, chẳng cần biết. Hắn không để ý đến ngày, tháng, năm. Nhưng đến một ngày, cái rựa chém sạt vào đá. Hắn giật mình nhìn lên. Trời ơi hòn đá, ấy là núm vú nàng tiên ! Giờ đây hắn chẳng vội vàng gì. Chỉ còn một bước nữa là toại nguyện. Hắn đứng lên, hành động đúng như dự tính. Đúng vào cái giây phút hiếm hoi cực kì quí giá ấy, hắn nhắm nghiền mắt, đứng lặng hồi lâu trong làn gió khơi từ biển thổi ngược lên. Hắn cố kéo dài tận hưởng cảm khoái của sự thành công đã đổi bằng bao năm gian khổ. Hắn từ từ mở mắt ra. Lạ chưa? Chẳng thấy điều kì diệu. Cũng chỉ là cảm giác của người đứng trên cao, trên cầu, trên lầu, trên ngọn cây nhìn xuống. Chỉ có thế thôi sao? Tại sao không thấy khoái cảm ngây ngất của sự trả thù, sỉ nhục được những con người lành lặng tầm thường lúc nhúc dưới kia? Đã đến nơi rồi chẳng lẽ về không? Phải có chứng cứ để nói với mọi người. Hắn lặng lẽ tháo cái chân gỗ làm bằng cột trụ chuồng heo trong độn giẻ rách đặt vào điểm cao nhất, lấy đá chèn chung quanh. Xong hắn chặt cây rừng làm gậy chập chững xuống núi. Đi được một đoạn hắn thấy mệt mỏi và buồn bã lạ thường, hắn dừng lại ngồi xuống thở. Hắn nhìn ngược lên đỉnh núi Cô Tiên ủ rũ trong mây mù. Nước mưa chảy tràn ra từ hai hố mắt nàng tiên. Hắn tự hỏi: - Ai làm cho nàng tiên khóc? Và cũng chính hắn tự trả lời: "Ta chớ ai !" Chẳng có niềm kiêu hãnh nào cả. Giờ đây hắn thấy lòng tràn ngập đớn đau, hổ thẹn, hối hận. Chỉ trong thời gian của một cái chớp mắt hắn giác ngộ ra mọi lẽ. Cả năm nay mình bỏ công chinh phục đỉnh cao núi Cô Tiên cũng chỉ vì lòng thù hận nhỏ nhen, muốn thực hiện một kì tích để sỉ nhục những con người lành lặng bình thường vô tư sống âm thầm chung quanh ta. Chinh phục đỉnh cao là điều sức trai nên làm, nhưng với cái động lực đố kị hẹp hòi như thế thì chẳng có gì đáng để kiêu hãnh. Còn hành động vứt lại chiếc chân gỗ chuồng heo với mớ giẻ rách xấu xí bẩn thỉu trên đỉnh núi thần tiên là điên rồ, là ác tâm, đáng bị nguyền rủa.... Hắn tự cười cợt mình. Thằng Sao chân gỗ làm được mọi chuyện kể cả chinh phục đỉnh cao núi Cô Tiên, nhưng không thể là đứa ác tâm. Nghĩ tới đó hắn vụt đứng lên, chống gậy đu ngươì như bay trở lại đỉnh núi. Hắn nhặt lại chân gỗ mang vào, lững thững xuống núi, lòng thấy nhẹ tênh. Hắn trở về nhà thản nhiên như chẳng có việc gì xảy ra. Hắn giắt lại cái rựa chỗ cũ. Ra giếng tắm rửa. Ngồi với vợ con trên manh chiếu rách trải trong bếp, bên nồi cơm, dưới ánh đèn mờ. Hắn cảm thấy cuộc đời thú vị làm sao ! Tối lại hắn tháo chiếc chân gỗ cất dưới giường ôm vợ, gần sáng cũng giả vờ than: "Lạnh quá..." Người vợ biết chồng muốn gì. Sáng ra hắn lái con thuyền đến hãng Hải Lộc lảnh nước đá đem bỏ cho mấy chiếc ghe đi cảng đường dài. Người đàn bà thấy chồng không lên núi nữa, hỏi: - Trên núi Cô Tiên có gì không? Hắn lơ đểnh trả lời: - Không biết... Vợ gắt, nói một mình: - Bỏ công ăn việc làm lên núi một năm. Hỏi trên núi có gì lại nói không biết ... Ở xóm chài Bãi Dương không ai biết chuyện đã có người từng leo lên đỉnh núi Cô Tiên. Chính hắn cũng không muốn nhớ đến đã có một thời ngông cuồng như thế ./. |
|