Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ] [ Tác
giả ]
|
|
Trong
căn nhà nhỏ tồi tàn ven đô, mái lợp giấy dầu, chung quanh
dừng phên tre, rách nát tả tơi, đầy tiếng muỗi vo ve, người
vợ dịu dàng nói với chồng : "Thôi đi , đi...Coi thử có
kiếm được cái gì không ?..." Chồng thì thầm : "Để hôm
khác. Bữa nay ngày xấu lắm, lại không hợp với tuổi tôi
" Vợ hỏi : "Chưa đi, chưa làm, sao biết ngày xấu, không hợp
tuổi ?" Chồng nói :
- Lịch Tam Tông Miếu nói hôm nay là ngày kỉ dậu, hành Thổ, sao Lâu, Trực nguy, kị tuổi At mẹo của tui . Mỗi tháng mới có một ngày Trực Nguy, ai lại xuất hành ngày này ? Lịch căn dặn ngày hôm nay chỉ nên ở nhà, cúng tế, làm phước ... Vợ : - Thì ra bàn thiên thắp vài cây hương khấn vái. Cũng là cúng tế. Còn làm phước thì ra ảng nước vớt mấy con kiến sắp chết trôi lên cũng là làm phước . Chồng : - Lịch còn nói cử xuất hành, mở cửa hàng, làm ăn... Mụ vợ nổi khùng, không còn dịu ngọt nữa, thét : - Người ta xuất hành có công chuyện, mở cửa hàng, buôn bán, làm ăn, đám ma đám hỏi đám cưới... mới mở lịch coi ngày tốt xấu , còn ông đi... Mụ ta hạ giọng thì thầm: "Đi ăn cướp" rồi lại to giọng như cũ: - Mà coi lịch làm gì ? Thời đại văn minh này mà còn mê tín dị đoan, không tiến bộ gì cả, đầu óc cổ hủ lạc hậu quá ! Chồng cố cãi : - Đi làm việc này cũng là đi công chuyện , nghề này cực nhọc khổ sở, may rủi còn hơn người đi buôn, đi đánh bạc, đi thi, mất mạng như chơi! Còn không thì tù tội, ăn đòn. Với lại muốn đi cũng phải có đồ nghề. Tui có mua cái súng giả bằng nhựa bà cũng đem cho con nít chơi rồi. Lấy gì đi làm nghề ? Chị vợ : - Không có súng thì lấy con dao. - Dao nào ? - Lấy đỡ con dao làm cá. Tên cướp : - Con dao cũ mèm đầy gỉ sét, sút cán, mũi gãy ấy sao ? Làm ăn đâu được, đem nó ra dọa, ai sợ ? Hắn còn muốn nói nữa nhưng chị vợ chận lại : - Tốt xấu gì cũng đi .Từ hồi sáng sớm, lúc ngồi ăn cơm tới bây giờ, cái bụng cứ đau nheo nhéo, không chừng khuya nay đẻ, trong nhà không có một đồng xu, một lon gạo . Chồng : - Tính thử đã tới ngày sinh chưa ? Vợ : - Ai mà biết, vợ chồng ăn ngủ với nhau lu bu , có sổ sách chi đâu mà theo dõi ngày tháng. Thấy bụng to quá rồi, xuống chân đã một tháng, không nay thì cũng mai mốt thôi. Phải tôi khỏe mạnh đi phụ hồ thì cũng chẳng để ông vào chỗ nguy hiểm, đi làm chuyện thất đức. Nghe vợ nói thế hắn đi ra nhà sau với tay lên giàn bếp lấy con dao. Hắn mới đụng tới, con dao đã rơi cán ra. Hắn tra cán vào, dộng nơi cái cối đá mấy cái cho chắc, nhưng nó vẫn lỏng lẻo, chỉ chực sút. Con dao gỉ sét nhiều quá, hắn đem ra giếng mài , chỉ cốt mài cho bớt sét, sáng lên một tí trông cho oai, không cốt bén nhọn vì hắn biết chỉ dùng để dọa, chẳng đâm chém ai . Xong hắn xô cánh cửa lao ra ngòai . Một lúc sau mụ vợ nghe tiếng xe cứu hỏa, xe cứu thương, hay xe cảnh sát rú còi ở xa nghe rất khẩn trương ghê rợn. Vào đúng giờ đó nhà thơ Phan Ngang trở về nhà. Hôm nay ông mang năm mươi tập thơ " Huyền thọai " đi bán . Ông xếp năm mưới tập thơ mới tinh còn thơm lừng mùi mực trong cái cặp da cũng mới tinh. Chiếc cặp da bò này, láng lẩy sang trọng, và nhờ mấy chục tập thơ làm cho bụng nó căng phồng, giống như cặp đựng tiền của các tay tỉ phú . Sau khi in thơ xong ông có cái thú là lấy cây bút dạ màu tím nguệch ngọac viết tặng các nhà thơ lớn. Ông thấy mình như Thánh Gióng vụt cao to lên ngang bằng với những cây đại thụ làng thơ. Ông không biết làm sao tiêu thụ cho bớt số thơ đã in ra để chật nhà, ông tặngbạn bè, người yêu thơ, tặng người chẳng yêu thơ, người quen và cả người không quen, thế nhưng vẫn còn hơn trăm tập. Ông muốn đưa nó đến tay bạn đọc, gọi là góp mặt với đời. Hôm nay ông tính đem đến quày sách báo bán được tập nào thì bán, còn không gởi người ta bán hộ. Ông nghĩ, thơ mình hay, nói một cách chân thành, không cần khiêm tốn, thì rất hay, tuyệt vời và trên cả tuyệt vời ! Lo gì không có "đầu ra", chắc sẽ đắt như tôm tươi ! Mà dù họ không biết thưởng thức, không biết giá trị thì gởi, nhờ bán hộ. Thế nhưng đi suốt ngày không nơi nào chịu mua hay cho gởi . Nhà thơ ngồi lại bên đường, ngẫm nghĩ tới lời vợ nói lúc ông ra đi. Vợ ông nói hôm nay ngày xấu lắm, lịch Tam Tông miếu nói ngày kỉ dậu, hành Thổ, sao Lâu, trực nguy, kị tuổi kỉ Mẹo là tuổi ông, làm việc gì cũng hỏng. Vợ bàn thế nhưng ông vốn không phải người duy tâm, ngang ngạnh, vẫn đi . Ông nghĩ thơ mình hay tuyệt vời , thiên hạ đang khát thơ như kẻ ở sa mạc khát nước, không đem đến cho những tâm hồn hâm mộ kì vọng tội nghiệp đó còn đợi lúc nào ? Thế nhưng đem thơ đi suốt ngày, đạp xe rã chân không bán được một tập, gởi không nơi nào nhận, có kẻ còn miệt thị : "Cho cũng không lấy " , ông mới hoang mang, nghĩ thơ của mình chắc chắn là hay, thế sao không nơi nào chịu mua? Lạ thật, có khi mê tín cũng có cơ sở của nó . Đúng hôm nay là một ngày đại xấu. Thơ mình tặng, ai cũng khen hay, sao bán chẳng chịu mua ? Nhà thơ ngồi nghỉ chân trong bóng tối , Ông sợ ánh sáng đèn đường, ông sợ có người quen trông thấy mình trong cái lúc thiểu não này. Vừa lúc ấy có tiếng thét. Gọi là tiếng thét nhưng nó chỉ là tiếng la yếu ớt, giọng eo éo như đàn bà gây lộn. Thét xong tên cướp ngỡ ngàng, ủa, sao hôm nay tiếng kêu của mình yếu ớt vô duyên như thế này ? Đến con nít cũng chẳng sợ. Thét xong tim hắn đập thình thịch, hắn rút dao ra, rất cẩn thận chỉ sợ cán dao sút , nói : - Ngồi yên, rục rịch là chết ! Nhà thơ tưởng có kẻ đùa, hỏi : - Sao ? Cái gì ? Tên cướp : - Tháo cái cặp ra đưa đây ! Nhà thơ mừng rỡ, hỏi : - Sao ? Cần thơ hả ? Muốn mua thơ hả ? Thằng cướp biết gặp phải lão khùng, chẳng cần nói với lão làm gì, hắn giật cái cặp, chiếc xe ngã xuống. Hắn hơi ân hận, nghĩ, đúng lí ra mình đừng vũ phu, đừng làm ngã xe, xe ngã rồi phải dựng lên cho lão. Thế nhưng hắn vẫn nhớ lời vợ, đi cướp giật không cần phải lịch sự . Nhà thơ vẫn còn ngơ ngác, cho đến giây phút ấy ông chưa hiểu gì, ông tưởng đây là trò đùa của anh chàng thi sĩ nào đó, vì ở trong tối ông chưa nhận ra. Đến khi hắn ôm cặp chạy đi ông mới hòan hồn kịp la lên : "Cướp ! Cướp !" Tiếng kêu của nhà thơ lạc vào tiếng gầm rú của xe cộ qua lại , không ai nghe , không ai chạy đến, thậm chí chẳng có ai quay nhìn. Ông cũng thấy hổ thẹn cho cái thứ tiếng kêu cứu yếu đuối lạc lõng ấy, Ông không la nữa, chạy theo mấy bước, nhưng thấy chẳng làm gì được nên dừng lại, thối lui dựng xe lên đạp về, ngẫm nghĩ : Hắn ăn cướp mấy tập thơ này làm gì nhỉ ? Không lẽ hắn hâm mộ thơ ta đến nỗi phải ăn cướp về đọc ? Hay đem bán lấy tiền. Nếu hắn bán được năm mươi tập thơ đó thì quả là tay có tài thương mại, hay quá, không bắt tội hắn mà con tưởng thưởng, vì mục đích của ta suốt ngày hôm nay lang thang đầu đường xó chợ không phải để bán thơ mà để đưa thơ đến tay độc giả . Nhớ lại cảnh tượng vừa mới xảy ra nhà thơ thấy có nhiều điều bất thường. Hình như hắn không phải là kẻ chuyên nghiệp, hắn rất vụng về luống cuống, có lúc trông như hổ thẹn. Và hình như hắn còn là một tên cướp nghèo . Hắn có mang hung khí , không phải là súng ống hay vật dụng gì ghê gớm mà là một con dao, thứ dao làm cá, nhà ông cũng có, mà con dao nhà ông trông còn khá hơn dao nó. Và ông kết luận hắn là một thằng ăn cướp nghiệp dư, theo dõi ông lâu nay và hắn có lẽ là một thằng ăn cướp rất hâm mộ thơ . Đời này kiếm được người hâm mộ thơ như kẻ cướp này thực là khó ! Tên cướp đến nhà, kêu cửa , vợ mở cửa ra thấy hắn khệ nệ ôm cái cặp to. Vợ mừng lắm, khoe tài : - Đó, tôi nói đúng phải không ? Ngày nào chẳng là ngày, làm chi có ngày tốt ngày xấu. Tôi chắc trong cặp có tiền đô, không nhiều thì ít . Hắn khoe: - Còn chiếc xe nữa nhưng tui để cho lão ta, tội nghiệp lão già khùng ! - Đi ăn cướp mà còn làm sang với nhân đạo, thứ gì không bán được tiền, cái xe đạp trành giá chót cũng vài trăm . Mụ ta nhìn vào cái cặp da no tròn, hối chồng : "Thôi khui nó ra lấy một ít ra tiệm vàng Sáu Xuyến chỗ thường mua bán đô-la bán một ít tiêu tạm, còn bao nhiêu bỏ vô cái chai đậy nút lại đào lỗ chôn, tiền đô không bao giờ mất giá. Hắn trút cặp ra . Cả hai tròn xoe mắt nhìn . Vợ hỏi : "Ủa ,cái gì đây ?" Chồng : - Không biết, sách vở, chắc là ... Hắn nhặt lấy một tập xem qua, nói : - Chắc là thơ . Tuyệt quá ! Vợ : - Tuyệt cái con khỉ . Mở tìm kĩ đi, chắc còn cái ngăn bí mật nào ... Hai vợ chồng lục tung, mở từng tập ra, không có gì . Chị vợ thất vọng, chán, hóa tức giận, bỏ đi xuống nhà sau, vừa đi vừa lằm bằm : "Đi ăn cướp mà ..." Chồng : - Mà gì ? Nói tiếp đi ? - Mà ngu chớ mà gì ! - Tại sao chửi tui ngu ? - Không ngu cướp đồ này về làm chi ? - Ai mà biết, thấy cái cặp to tròn, tưởng bở ... Vợ : - lần sau rút kinh nghiệm. Coi tướng tá "đối tượng", mặt mày có phương phi đẹp đẽ thông minh không ? Ăn mặc có sang trọng không ? Đi xe có xịn không ? Tướng người giàu sang khác hẳn tướng mấy lão làm thơ ... Chồng : - Đi ăn cướp chớ phải đi làm thầy tướng số đâu mà coi tướng cho kĩ . Vợ thấy cãi lộn theo kiểu này chẳng đi tới đâu , nói : "Thôi lỡ rồi, lần sau biết mà chừa mấy người làm thơ ra, đừng động chạm, dây vào họ. Thôi để tui kêu con mụ ve chai vô cân giấy lộn . Mụ ve chai tới, chê bai đủ thứ để hạ giá : "Giấy xấu quá " Hắn cãi : "Giấy in thơ sao xấu, thường người ta in trên giấy tốt " Mụ ve chai chê : "Khổ giấy nhỏ quá, gói hàng sao được ?" Mụ mua ve chai chê nhưng vẫn mua. Cân xong còn sót lại vài tập, mụ xin luôn . Chị vợ không chịu, nói : "Cân đã già còn đòi thêm bớt chi nữa ?" Bây giờ hắn mới có dịp cầm lên một quyển xem, tự nhiên hắn ngâm nga. Vợ hối : "Không lo đi làm vụ khác còn ở đó mà ngâm thơ.". Lần đó hắn cầm con dao làm cá và một tập thơ lên đường . Nhà thơ về nhà nằm vật ra thở, không buồn vì bị cướp chỉ buồn thiên hạ chẳng ai hiểu thơ mình. Vợ nói : "Sao ? Bán hết rồi hả ?" Nhà thơ trả lời lấp lửng : "Không ..." Vợ hỏi : "Sao không đem về. Còn cái cạc-táp đâu ?" Nhà thơ không nói , đợi vợ hỏi mấy lần mới chịu khai thực : "Bị cướp mất rồi !" Nghe thế chị vợ không giận dỗi, không hỏi gì thêm chỉ ôm bụng cười, người đàn bà to béo đầy thịt cười rung cả giường, nhà thơ rất khó chịu cho thái độ của vợ, hỏi: - Cười cái gì ? Chị vợ còn cười, không trả lời được. Nhà thơ lại hỏi : - Cười gì ? Rồi ông tiếp : - Tôi thấy chẳng có chuyện gì hay ho, chuyện gì vui để cười . Đợi một lúc bớt cười , người đàn bà vừa thở vừa nói : - Ông không thấy cái hài, cái chất hài văn học trong câu chuyện thật như đùa này sao? Tôi cố mà vẫn không nhịn được cười . Tui cười cho thằng ăn cướp ... Chồng bực mình gắt - Chuyện gì cười thằng ăn cướp ? - Không cười sao được ? Thế nào đêm nay thằng cướp cũng bị vợ chửi là đồ ngu, có khi không cho ăn ," cấm vận" chẳng cho lên giường. Gặp con vợ dữ nó còn nện cho nhừ tử nữa ... - Sao bà biết ? - Biết chớ. Nó vớ phải thơ ông là hết thời rồi, khôn hồn nó đem bán ve chai... Chồng : - Thơ của tui mà đem bán ve chai hả ? Vợ : - Ông là tác giả mà bán không ai mua nữa là hắn, một thằng giựt dọc, cướp cạn ? Hắn bán hết cho ve chai là may cho vợ con . Chớ hắn mà để đó ngâm nga rồi mê thơ bắt chước làm thơ nữa thì chết cả lũ . Chị vợ ôm bụng cười sặc sụa, nhà thơ rất bực mình . Một năm sau, những điều tiên liệu của vợ nhà thơ đều đúng. Hôm nọ còn lại mấy tập thơ, tên cướp ngâm nga thấy thích . Hắn nghĩ, làm thơ như thế này mình cũng làm được. Làm thơ dễ hơn làm ăn cướp, mình mà làm thơ thế nào cũng thành nhà thơ , làm nhà thơ không sướng, không oai hơn thằng cướp giật sao ? Thằng ăn cướp bắt đầu làm thơ. Từ đó hắn bỏ nghề cướp giật , xã hội đỡ một mối lo. Nhưng làm thơ làm sao đủ tiền nuôi vợ con? Một hôm bị vợ hối thúc quá hắn phải đi làm chuyến chót . Lần ấy cu cậu bị công an "vịn "(bắt), cho đeo đồng hồ ô-mê-ga (còng số 8) mời về nuôi cơm một năm, cũng chỉ vì cái tội hôm đó, cu cậu rình rập nhà khổ chủ, trước khi ra tay, hắn "tranh thủ" lấy giấy bút ra phóng bút làm một bài tứ tuyệt , nên mất cảnh giác, bị tóm! Ra tù, hắn cho in ngay tập thơ " Tro bụi phù du ... " !!! |
|