Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [ Tác giả ]
Hôn thú hôn không thú

Truyện ngắn của Quý Thể

( kính dâng hương hồn bố Thư)
Phiên tòa chưa khai mạc mà không khí trong phòng xử án căng thẳng như dây đàn. Thiên hạ đồn  người sẽ ngồi ghế chánh án hôm nay là cụ Chánh án Thư, một người nổi tiếng uyên bác, nghiêm khắc, công tâm, bao nhiêu năm ngồi tòa từ áo đen đến áo đỏ ( Tòa sơ thẩm tiểu hình và toà thượng thẩm đại hình) chưa hề xét xử oan sai. Hàng mấy trăm con người chen chúc trong căn phòng nhỏ, không gây một tiếng động. Mọi người náo nức chờ xem, giống như đợi mở màn coi hát. Tám giờ đúng, một hồi chuông lanh lảnh reo vang, thường các tội nhân hình sự nghe như tiếng chuông gọi hồn. Một người mặc áo tô (toge), loại áo dành riêng cho quan tòa. Áo tô là áo choàng dài may bằng vải đen, với dải vải dài vắt qua vai lòng thòng trước ngực, đầu có tấm lông thỏ trắng, cổ áo có mảnh vải gấp nhiều nếp màu trắng, giống như áo thụng đen linh mục. Chiếc áo làm cho ông tòa hóa thành một người có uy, trang nghiêm, ai thấy cũng ngán. Mọi người đồng loạt đứng lên kính chào tòa. Phiên tòa hôm nay chỉ là phiên tiểu hình, tuy chẳng phải phiên đại hình, nhưng lại rất đông người hiếu kì tới xem.

Thế nhưng hôm nay, chỉ là phiên xử sơ thẩm hình sự, một vụ án bình thường, không hứa hẹn gì cả, ấy chỉ là một vụ bắt phạm gian ( ngoại tình)  vẫn có nhiều người kéo nhau đến tòa rất sớm chờ  nghe tòa xử, vì những nhân vật liên quan đều là hạng " tai to mặt lớn" ở cái thành phố biển tí hon nầy. Mấy chị kề tai nhau nói nhỏ:" Đi xem kiểu nầy còn khoái hơn là mua vé coi cải lương!" Mấy chị bán hàng ở chợ Đầm cũng liều bỏ một buổi chợ đi coi cho mãn nhãn.

Cụ chánh án đã suy nghĩ chán chê, cân nhắc rất nhiều yếu tố tâm lí, chính trị, xã hội mới quyết định đem xử công khai vụ án nầy. Một vụ án ngoại tình, đầy tính chất dâm ô trụy lạc của lớp người thượng lưu trí thức, giàu có, tiếng tăm, thuộc thành phần ưu tú trong xã hội. Nếu để cho dân chúng trông thấy bộ mặt thật của giai cấp thượng lưu, e có bôi bác chế độ không? Nhưng cuối cùng ông vẫn quyết định cho xử công khai. Tin nầy làm cho dân chúng náo nức tới xem chật tòa, và ai cũng muốn đến sớm để được ngồi mấy hàng ghế trên xem và nghe cho rõ. Hay ít ra không có ghế ngồi thì cũng được đứng gần cửa sổ nhìn và nghe các bên đối đáp thế nào.

Trước tiên là nàng Anna Karênina (Một nhân vật tiểu thuyết cùng tên, vụ ngoại tình trứ danh của nền văn học thế giới) Thường gọi là bà bác sĩ  Quỳ, nhũ danh Nguyễn thị Thùy Dương bước lên. Nàng cỡ ngoài ba mươi, trắng trẻo mập mạp, ngon như khúc giò heo tươm mỡ và đẹp như một đóa hoa đang vào buổi mãn khai. Hôm nay nàng mặc trang phục toàn đen giống như người ta đi dự đám tang, song nhìn kĩ không phải thế. Nàng vẫn son phấn điểm trang rất kĩ lưỡng song kín đáo hơn ngày thường một tí thôi. Nàng khoác chiếc áo dài đen, may bằng thứ hàng gì không biết, giống như những dải đăng-ten đen nối lại, hoặc giống như thứ hàng rất mỏng người ta thường dùng may màn cửa, áo để lộ bóng da thịt mờ mờ thêm phần hấp dẫn. Nàng có hai luật sư bênh vực, một nam một nữ. Nữ luật sư thì nói: " Cái ấn tượng ban đầu rất là quan trọng, chị nên ăn mặc thường thôi, sang trọng quá người ta không mấy cảm tình..." Ông luật sư lại có quan điểm trái ngược: " Ông tòa thì cũng là một người đàn ông. Đàn ông ai cũng thích ngắm người đẹp. Cứ diện vào, ăn mặc luộm thuộm, mặt mày làm bộ ủ dột, đầy nước mắt, làm người ta chán. Không cần ai thương. Chẳng cần phải hành xác và thi hành cái gọi là khổ nhục kế nầy. Cứ diện vào, còn thái độ cứ tỏ ra bình thường. Tội nầy tuy là tội hình song chẳng tù tội gì đâu bất quá phạt vạ  là cùng ! " Trước hai lời khuyên đối nghịch nhau làm cho nàng Anna thấy khó xử. Sau Anna vốn kiêu hãnh về nhan sắc mình nên ngả sang phía ông luật sư, nàng vẫn chưng diện và dẹp khuôn mặt sầu não, nàng tỏ ra tỉnh bơ. Nàng bước lên trả lời mấy câu về lí lịch, mặt hơi nghếch, chẳng sợ sệt e dè gì cả, nàng còn cả gan liếc xéo xuống đám khán giả, có vẻ thách thức.

Cử chỉ này làm cho con mụ Bầu, một vị khán giả ngồi hàng ghế đầu, nhờ dậy sớm, thường ngày nấu cơm cho chồng con ăn, song hôm nay vì nôn đến tòa nên ra đầu ngõ mua mấy gói xôi bắp cho  chồng ăn đạp xích lô, và mấy đứa con ăn đi học. Mụ vội vàng cắp nón đến tòa khi hai cánh cửa lớn của tòa án còn đóng im ỉm. Mụ Bầu kề sát tai chị Lê hàng xóm nói: " Ngó cái bộ dạng con đ... bắt phát ghét! Đồ cái quân..." Mụ ta tính nói một câu rất tục song chợt nghĩ mình đang ngồi trong tòa án, chỗ công đường trang nghiêm không phải nơi cái hàng rau quả của mụ ở giữa chợ muốn nói gì thì nói, mụ kịp dừng lại.

Nhân vật thứ hai xuất hiện. Ông bác sĩ Quỳ, ông tuy là bác sĩ giỏi, song lại có năng khiếu kịch nghệ bẩm sinh. Ông đóng vai người chồng bị cắm sừng rất đạt, không thua kém bất cứ nghệ sĩ cải lương nào. Trông ông chẳng khác gì lão Stepanovich chồng của Anna, một người đàn ông ở tầng lớp thượng lưu quí tộc bị vợ phản bội, một người đàn ông danh giá khả kính và đáng thương. Nét mặt ông bác sĩ Quỳ nhăn nheo, trắng xanh nhợt nhạt và trong như một pho tượng đầu người gọt bằng củ cải. Ông làm bộ cứng cỏi một cách đáng thương. Hai vợ chồng đứng cạnh nhau mà thấy như ngàn trùng xa cách. Ôi còn đâu hình ảnh hai anh chị tay trong tay dưới chân thánh đường chụp tấm hình lớn trong ngày cưới. Tấm hình rọi to mỗi bề thước hai lồng kính treo ở phòng khách.  Nhìn hình ảnh anh chồng thểu não khiến cho ông Thầy Sáu Đậu có sách Thọ Mai, ngồi ở cuối phòng lên tiếng bâng quơ :

- Thời buổi...Thiệt tình...!

Thầy Sáu thở dài ảo não buồn bã giống như đã tới ngày tận thế, thời suy quỉ lộng! Có tiếng thanh niên hỏi:

- Thiệt tình, là thiệt tình cái chi "cha nội"?

-  Đờn bà thời nay tam tòng tứ đức bỏ đi đâu? Chồng con như rứa mà...

Lại có tiếng một ai đó bình phẩm:

- Cô vợ ngó phây phây, còn anh chồng hom hem quá, làm sao kham cho nổi, tránh sao khỏi cái vụ đó? Phải "nhân đạo" với đờn bà chớ?

Người đứng ra kêu gọi phải "nhân đạo với đờn bà" là chị Liên bán hàng ở chợ, ngày thường chị ta bán cá khô mắm ruốc, nói  thách rất ác. Ngày rằm bán tương chao, nói sao bán vậy không hề nói lên một xu. Mấy người ngồi chung quanh chẳng đồng tình vơi lối "nhân đạo" ác ôn ấy. Thầy Sáu thấy xu hướng chung nghiêng qua quan điểm lên án phụ nữ của mình, thầy tiếp:

- Tào khang là cái nghĩa trọng. Phàm con người ta ăn ở đời...

Chị Liên không đợi cho ông thầy thuyết dứt câu nhơn nghĩa cũ mèm, cướp lời nói:

- Ai biểu già rồi còn đèo bòng lấy cho được vợ trẻ? Nó cắm sừng cho đáng kiếp! Chọn vợ già vợ xấu thì đâu đến nỗi?

Đúng lúc đó người cảnh sát giữ chức thừa phát lại hô to:

- Lê văn Tình !

Kỹ sư Tình đứng đậy bước lên. Nhiều tiếng xí xồ, người  ta đổ xô nhìn nhân vật thứ ba. Anh chành Vrônsky  đẹp trai quyến rũ nàng Anna. Có người bình:

- Đẹp trai quá! Trẻ quá! Giống như tài tử Hàn quốc, thấy giống như con trai ông bác sĩ.

Lại có người bình phẩm:

- Cái tướng anh nầy ngó lấc cấc quá!

Ông thầy Sáu đậu lại lên tiếng:

- Tui chẳng hiểu con mắt của mấy chị đờn bà ra sao. Chớ theo tui thì tui chọn anh chồng. Anh nầy trông đàng hoàng đĩnh đạc hơn thằng tình nhân  cà chớn  nầy nhiều!

Một ông ngồi gần thầy nói:

- Đàn bà họ cần gì đàng hoàng đĩnh đạc, họ cần thứ khác, họ cần...

Chị vợ đứng cạnh véo mạnh vào sườn chồng, nói: "Liệu hồn ông! Chốn công đường ăn nói tục tỉu người ta gông đầu cho bây giờ!"

Tòa bắt đầu tiến hành thủ tục xét xử. Trước tiên là nghe đọc biên bản bắt phạm gian, biên bản này do ông thừa phát lại lập. Cả ba người cúi đầu lắng nghe biên bản. Mỗi người suy nghĩ theo một cách và nói chung thì cả ba đều không bằng lòng về cái biên bản bắt phạm gian này tí nào. Nàng Thùy Dung rất tức lão già lập biên bản. Hắn ghi sai bét. Hắn viết: "...Khăn trải giường nhăn nhúm một khoảng ở giữa. Nệm và gối còn hơi ấm của người nằm..." Sự thực  thì hôm đó chẳng phải thế. Kĩ sư T và chị không hề đặt lưng lên giường, làm gì có hơi ấm? Mùa nầy trời nóng lắm, phòng chẳng có máy lạnh. Chính giữa phòng chỉ có cái quạt trần hư, mở cũng không chịu quay. Cả hai nằm trên nền nhà tâm sự cho đỡ nóng. Về hiện tượng khăn trải giường nhăn một khoảng, không phải tại người nằm lên lăn lộn mà vì anh Tình đứng lên giường dùng cây chổi đẩy cánh quạt cho nó quay nhưng cây quạt hư từ lâu rồi. Như thế khi lập biên bản thằng cha thừa phát lại chỉ muốn tỏ ra cho tòa biết hắn có học qua khóa hình pháp học. Có con mắt quan sát. Riêng việc chiếc gối và chăn lệch, cũng chẳng phải cả hai nằm lên giường và lăn lộn. Nó lệch chỉ vì nàng nhét cái ví dưới gối rồi sau đó dở gối lên lấy ví để lấy khăn tay, son, phấn điểm trang lại. Số là trước đó hai người có kéo nhau tới quán bánh bèo mụ Ngự ăn, nước mắm cay lắm làm cho nàng đổ mồ hôi và son phấn phai nhạt, giờ đây vào phòng ngủ nàng lấy son phấn và gương ra soi lại. Cũng chỉ vì cái việc đi ăn bánh bèo mụ Ngự mà lộ chuyện. Vậy cái biên bản nhận định vết nhăn và chăn gối xô lệch là hoàn toàn sai lầm.

Bác sĩ Quỳ tuy là nạn nhân song cũng rất bất bình về tờ biên bản này. Ai đời lão thừa phát lại làm như suốt ngày suốt đêm nằm dưới giường vợ chồng ông để đếm. Hắn viết "...đương sự- chỉ bác sĩ Quỳ- hồi 21 giờ 8 phút, tới văn phòng báo cho thiểm chức( Cấp dưới xưng với cấp trên) rằng chính y trông thấy vợ mình và tên Tình kéo nhau vào phòng ngủ Kim Anh. Ngoài ra đương sự khai, nhiều năm rồi đương sự không còn chung đụng với vợ nữa..." Bác sĩ Quỳ cho rằng viết như thế là quá đáng ! Dù ông ta có dở cách mấy đi nữa thì một người đàn ông 60 như ông ít nữa một tháng cũng được đôi lần. Sao hắn lại nói nhiều năm chẳng có lần nào?  Nói như thế là xúc phạm tự ái ông một cách thậm tệ!

Kỹ sư Tình cũng chẳng chút bằng lòng với nội dung tờ biên bản. Lão viết "...thiểm chức, nhân danh pháp luật gọi cửa nhiều lần, ở trong chẳng chịu mở.Thiểm chức xông vào, tên Tình chống cự. Thiểm chức phải dùng võ công chế ngự tên Tình..."  Cái lão nầy thực láo toét !. Tướng tá hắn giống như đồ ho lao. Người như hắn anh chấp bốn tên. Thế mà hắn dám nói dùng võ công chế ngự anh. May cho hắn, nếu hắn biết anh đã từng bỏ công học môn Karatedo hơn 15 ngày thì hắn đã không dám nói dốc!

**********

Cụ chánh án gỡ đôi mục kích xuống nhìn cho rõ ba con người.

Cụ nhìn và cặp mắt cụ thế nào mà cả ba người thấy như bị lấy giấy nhám mà xát lên da thịt. Cụ lên tiếng chậm rãi hỏi nàng Dung:

- Chị có hôn thú với ông bác sĩ Quỳ  này không?

Nàng Dung không dám nhìn thẳng, đáp:

- Kính thưa quan tòa dạ có.

Cụ chánh án hỏi tiếp:

- Chị không có hôn thú với anh kĩ sư Tình phải không?

- Dạ không.

Cụ chánh án chỉ tay về ông bác sĩ Quỳ, hỏi:

- Chị có hôn thú với ông nầy mà hôn không thú phải không?

- Thưa phải

Cụ chỉ tay về anh  kĩ sư Tình, hỏi:

- Chị không có hôn thú với anh chàng này mà hôn thú phải không?

- Thưa, dạ phải!

Nàng Ana Karênina Nguyễn thị Thùy Dung, nghe cái gì cũng "thu thú", mặc dù không nghe rõ lắm cũng cứ " dạ phải"
 

Cụ chánh án gật gù nói như ngâm nga: " Có hôn thú mà hôn chẳng thú. Không có hôn thú lại hôn thú ! Lạ thật ..."  Cả tòa cười ồ. Không khí phiên tòa nhẹ hẳn giống như cất được hòn đá nặng nghìn cân. Ai cũng nghĩ cụ chánh án quả đúng là con người quyền biến, biết hài hước trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đúng là bản lĩnh của người cả một đời lăn lộn trong trường áo đỏ áo đen ./.