Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [ Tác giả ]
Hôn

Truyện ngắn của Quý Thể

Nhà chật, người đông, phòng riêng không có, chỗ kín đáo cũng không; vợ chồng mới cưới biết hôn nhau ở đâu?

Vấn đề thực nan giải, vợ chồng anh Nguyễn chị Lý suy nghĩ "nát óc" vẫn chưa tìm ra giải pháp. Người ta thường nói bóng tối là đồng minh - trời sinh của ái tình. Thế nhưng bóng tối của ai chứ hai người nầy lại không có. Trong nhà chẳng tìm ra chỗ nào có bóng tối dù đó là ban đêm hay một hai giờ khuya. Nhà trước dùng làm phòng khách có đặt bàn thờ ông Địa. Hai mươi bốn giờ trong một ngày đều có chong ngọn đèn dầu, thứ đèn hột vịt, ban ngày tù mù song tối lại sáng trưng. Ông Cả, chủ nhà, không bao giờ để cây đèn cạn dầu, đèn mới lưng lưng ông đã kêu chú Oi châm đầy, lau sạch bóng, làm tim. Anh Nguyễn không hiểu ông Địa cần gì cây đèn cỏn con này? Ông ngồi trong cái am nhỏ sơn màu đỏ đầy bụi bặm để dưới đất trong xó nhà. Ông nhìn cái bánh tráng nướng với cục đường đen, ông cười, cười suốt ngày. Người ta thường cúng ông địa bánh tráng với đường đen, hai món ăn này rẻ tiền lại kém hấp dẫn, không hiểu tại sao ông thích?

Nhà ngang, chỗ đặt bàn thờ gia tiên không khí tĩnh mịch, tĩnh mịch nhưng lại chẳng âm u. vòng hào quang cuồn cuộn để trang trí toả ánh sáng suốt ngày đêm. Mấy năm gần đây nhờ nền công nghệ tiến bộ người ta chế tạo được hào quang dỏm của các đấng tối cao bằng cây đèn có những vòng xoay toả ánh sáng từ trong ra ngoài. Bây giờ khoa học phục vụ mọi lĩnh vực của đời sống. Cây nến điện có ngọn lửa vàng bập bùng triền miên chẳng bao giờ tắt, cây hương điện có cả cái tàn tro trắng cong xuống rất đẹp, rất giống và mâm ngũ quả làm bằng nhựa tổng hợp trông ngon lành chẳng khác nào trái cây thật. Chỗ này cũng chẳng phải là lãnh địa của tình yêu. Ông bà Cả mà bắt được thì chết!

Trong nhà bếp: cũng chẳng gì hơn. Mới chạng vạng bà Cả đã bật cái bóng đèn tròn mười lăm oát. Bà chong đèn suốt đêm vì sợ mèo ăn vụng thức ăn, bà lại sợ chuột. Tuy ngọn đèn lâu ngày bị khói với mạng nhện bám đầy nhưng đêm lại thường điện rất mạnh nên sáng lắm. Trong chốn bếp núc đầy mùi nước mắm hành tiêu ớt tỏi, cũng chẳng là nơi khơi gợi tình yêu bốc cháy.

Nhà chật, vấn đề ngủ chung cũng không thực hiện được. Anh Nguyễn nằm ở bộ phản gỗ với ba đứa em trai, tối lại giăng cái mùng lính cũ rách nhiều lỗ. Chị Lý nằm chung với hai cô em chồng ở cái chái cạnh bếp. Hai nơi cách trở sơn khê vì phải đi qua cái giường rộng một thước hai của hai ông bà Cả. Hai ông bà già lại rất tỉnh ngủ, động một tí đã biết, ở nhà trên mấy đứa em cựa quậy đã nghe bà Cả lên tiếng hỏi. Băng qua cái phòng tuyến được trang bị máy móc điện tử cực nhạy nầy rất khó khăn. Bộ đội đặc công thứ thiệt chưa chắc đã qua được. Nguyễn để ý thấy đêm khuya mọi tiếng động dù nhỏ cách mấy cũng phát to lên. Vài hạt cát dưới bàn chân cũng phát tiếng kêu lạo xạo rất rõ. Cái xương bánh chè nằm trong đầu gối anh ban ngày chẳng thấy động, tối lại mỗi bước đi kêu lắc cắc không có cách gì làm cho nó im mồm.

Anh Nguyễn cũng không phải là người thiếu óc sáng tạo. Thuở còn ở tiểu học có thầy giáo đã phê học bạ anh là : "Nhiều sáng kiến". Anh nghĩ; hay là kéo nhau vào rạp hát? Anh đã thử đưa vợ vào rạp vài lần rồi mới rút ra kết luận nơi ấy không phải là chỗ để ái tình thăng hoa. Lần đầu vào rạp anh gặp đoàn nhạc nhẹ. Nói là nhạc nhẹ nhưng thực ra tất cả đều nặng. Âm thanh điện tử phục vụ cho thứ nhạc gọi là nhạc Rock kim khí nặng (Heavy metal rock) làm cho mọi người điếc con ráy. Thêm vào đó ánh sáng chớp loà quét qua quét lại không phải chỉ có ở trên sân khấu mà còn lướt qua đầu đập vào mắt khán giả làm cho người ta hãi hùng. Nam nữ ca sĩ ăn mặc như tụi đồng bóng không hát mà hét nhảy nhót suốt hai giờ liền. Lần thứ hai anh gặp phải buổi chiếu phim chưởng. Đao kiếm va nhau soang soảng, "Chưởng phong" rít ào ào, khán giả ô tạp, ăn hàng, nói cười, chửi tục thoải mái. Trong khung cảnh chẳng chút thơ mộng đó ái tình bị đẩy xuống thế hạ phong chẳng cất đầu lên nổi.

 Về thôn quê ư? Anh chị cũng đã thử. Từ khi nông thôn ta được điện khí hoá kiếm một chỗ tối tăm thực khó. Ai đời ở nhà quê mà nửa đêm đường sá bờ bụi sáng trưng. Thêm một cái khó nữa là hình như chó ở nhà quê khôn hơn chó thành thị. Chó thành thị nuôi để làm cảnh, nuôi để chơi, để khoe chó mà cũng để khoe của. Chó thành phố có nhiều con không biết sủa hoặc là sủa rất lảng, có con hiền như cục bột , thấy người lạ vào nhà chạy tới mừng rỡ. Vào nhà người Huế thấy khách khép nép chủ nhà thường nói: "Con chó ni không răng mô!" Khách đừng tưởng con chó không có răng mà đùa có ngày bị táp rách quần! Chó nhà quê khôn hơn. Ở nhà quê người ta nuôi chó để dùng vào rất nhiều việc, giữ nhà, làm công tác vệ sinh dọn dẹp môi trường do mấy đứa bé con làm bậy ra. Chó nhà quê luôn luôn "mài sắc cảnh giác" thấy người lạ chạy theo sủa không thôi. Một con sủa nhiều con hưởng ứng theo. Trong cảnh đó cũng rất khó cho ái tình cất cánh.

Hai anh chị loay hoay mãi chưa tìm ra cách nào, chiều hôm nay anh Nguyễn có dịp đáp ô tô ray (tàu hoả ít toa) đi vào thành phố tiễn người thân lên đường xuất cảnh. Năm giờ chiều sân ga đầy người. Họ ngồi lại từng nhóm để canh hành lý. Nguyễn không có dịp đi nhiều nên không biết tình hình an ninh trật tự ở những nhà ga khác ra làm sao, riêng ga Nha Trang được "bình bầu" là nhà ga bê bối nhất. Chỉ cần mất cảnh giác trong một tích tắc đã có tay cao thủ xuất chiêu và hành lý không có cánh vẫn cứ bay. Vì thế mà phố phường Nha Trang thường xuất hiện nhiều người đi xa xin tiền trở về quê với lý do mất hành lý. Hạng "cái bang" có khi thực nhưng thường là đêm, ăn xin nghiệp dư một thời gian rồi chuyển hẳn sang hành nghề chuyên nghiệp. Người đưa tiễn thường gấp nhiều lần người đi. Muỗn tiễn người đi chỉ mất năm trăm mua cái vé. Số tiền nhỏ quá nên không ai tiếc, họ đều muốn có mặt đúng vào giây phút tàu chuyển bánh để thêm tình thân ái giữa người đi với người ở.

Gần đến giờ tàu chạy có tiếng loa mời người đi: "Khẩn trương lên tàu ổn định chỗ ngồi". Cái thứ văn vẻ nửa ta nửa tàu này là bệnh dịch truyền từ ngoài vào nghe mãi rồi cũng quen chẳng còn thấy khó chịu nữa. Người lên tàu, người đứng ở sân ga lưu luyến không rời tay nhau. Trong cuộc sống có nhiều khung cảnh, nhiều giây phút mà sự buông thả là tất nhiên và được mọi người thông cảm chấp nhận, không ai lên án cả. Cơ hội đó chính là lúc còi tau rúc lên và bánh sắt chuyển động quay vòng đầu tiên, tình cảm trào dâng tới đỉnh điểm rồi vỡ oà ra không thể cầm lại được, những cặp vợ chồng trẻ, những đôi tình nhân quên tất cả phong tục tập quán rụt rè, khép kín của người đông phương, quên hổ ngươi, quên cả những con mắt xa lạ và tọc mạch bao quanh mình, họ hôn nhau. Những cái hôn không cầm lại được tuôn trào, nồng nàn thắm thiết. Những cái hôn kéo dài theo bánh xe quay và theo chân người tiễn cùng với sự cố rướn người xuống dưới của người đi. Hình như anh chàng lái tàu hôm nay là tay rất am hiểu tâm lý, anh cho tàu xuất phát rất chậm, tăng tốc còn chậm hơn nữa để giúp cho những cặp uyên ương có chút thời gian quí báu trao lời căn dặn với những chiếc hôn tiễn biệt chạy theo con tàu.

Nguyễn và Lý là một trong những người tận hưởng dịp may hiếm có này. Lúc đầu họ không ngờ, sau thấy chung quanh người ta đều làm như thế cả nên họ cũng làm. Chao ơi cái hôn mới ngọt ngào làm sao! Tàu đã khuất xa chị Lý còn đứng chơ vơ sững sờ như người mất hồn. Anh Nguyễn ở trên con tàu cố gắng chồm người nhìn ngược về sau nhìn bóng vợ chìm dần trong đám đông mà lòng bồi hồi xúc động. Vào đến nơi anh gọi điện về báo tin ngày và giờ trở lại Nha Trang. Chị Lý tới ga từ lúc trời còn mờ tối. Năm giờ sáng tàu đến, dưới ánh đèn sân ga vàng vọt hai người lại ôm nhau trong khung cảnh sương mù lảng đảng rất nên thơ.