Chim
Việt Cành Nam [
Trở Về ]
[ Trang chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Cuối
thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong văn giới nước ta, ai
mà chả biết một tên tuổi lẫy lừng:
Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ (1860 - 1913). Đó là nhà thơ hoàng tộc xứ Huế giàu cá tính, tài ba, dí dỏm và tột độ đa tình. Tiếc thay, do thiếu tư liệu, ngày nay sách báo ít đề cập về cuộc đời lẫn tác phẩm của thi nhân độc đáo này. |
Vang bóng một thời |
Đọc Vang bóng một
thời - cuốn sách đầu tay của nhà văn Nguyễn Tuân in
năm 1940 và đến nay đã tái bản nhiều lần - ắt mọi người
nhớ mãi truyện Đánh thơ phản ánh cái thú "thả thơ"
từng hấp dẫn bao tao nhân mặc khách. Hai nhân vật trung tâm
trong truyện, một là quan Phó Sứ, một là mỹ nữ Mộng Liên.
Họ kết duyên chồng vợ, ôm đàn phách với túi thơ, ruổi
rong khắp nẻo.
Nguyễn Tuân mô tả: "Cặp vợ chồng ấy là một lứa đôi tài tử. Ông bà Phó Sứ giữ lăng không mấy khi ở yên một chỗ. Cái nghề của họ buộc họ phải xê dịch luôn luôn và mãi mãi. Suốt một dải Trung Kỳ, họ đi về như là trẩy chợ. Tới mỗi nơi, ở mọi chốn, quan Phó Sứ lại mở một cái túi đựng toàn bài thơ đố ra cho mọi người đặt tiền và bên chiếu bạc văn chương, Mộng Liên lại đàn, lại ca để làm vui cho cuộc đỏ đen rất trí thức này. (...) Giữa hai tiếng bạc trên một chiếc chiếu la liệt những mảnh thơ đề, Mộng Liên đêm đêm kề đùi tựa má ông Phó Sứ, lại đánh đàn, lại ca Nam Bằng, ca Nam Ai". Giữa đời thật thuở xa xăm nọ, liệu có lứa đôi nào phóng túng, lãng mạn, dạn dĩ thế chăng? Xin thưa ngay rằng: có. Nguyên mẫu trong thiên truyện-ký của Nguyễn Tuân chính là Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ và nàng hầu non xinh đẹp. Qua chuyên luận Các thể thơ ca và sự phát triển của hình thức thơ ca trong văn học Việt Nam (NXB Khoa Học Xã Hội in lần 2, Hà Nội, 1971), Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức giới thiệu "các thể thơ đặc biệt" được sáng tạo từ thể cổ phong hoặc thể Đường luật truyền thống, trong đó có tập danh là "một thể thơ mà mỗi câu bắt buộc phải nêu lên một giống vật hay một loài vật nào đó". Ví dụ trưng dẫn là bài thơ Tặng cô Khế của Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ, kèm chú giải: "Mỗi câu có tên một thứ quả". Bạn đọc dễ dàng nhận thấy mỗi câu, tức dòng thơ, không chỉ điểm tên một thứ trái cây, mà còn liệt kê cả một loại... vị giác. Thơ tập danh khó làm, vậy mà Tam Xuyên tự làm khó hơn gấp bội: Song the mơ ước bấy lâu xa,Từ vã, ngữ âm địa phương vùng Huế đọc y hệt vả, là tên thứ quả dùng để chế biến lắm món đặc sản ở miền Hương Ngự. Một thể thơ đặc biệt khác là vĩ tam thanh. Chuyên luận vừa dẫn đưa yêu cầu khá ngặt nghèo: "Trong thể này, ba từ cuối cùng (ở mỗi câu thơ) có âm tương tự như nhau". Bài thơ khéo léo sử dụng từ láy ba đáp ứng điều kiện ấy được chuyên luận chọn minh họa mang tiêu đề Buổi sáng như sau: Tai nghe gà gáy tẻ tè te,Chuyên luận Các thể thơ ca và sự phát triển của hình thức thơ ca trong văn học Việt Nam đề tên tác giả bài thơ Buổi sáng là: "Khuyết danh". Tuy nhiên, Phan Khôi lại ghi nhận trong Chương dân thi thoại (Nhà in Đắc Lập, Huế, 1936; NXB Đà Nẵng tái bản, 1996): "Bài này có người nói là của quan Án sát Tôn Thất Mỹ". Vậy Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ là ai? |
Hoạn đồ lận đận |
Tôn Thất Mỹ chào đời
năm Canh Thân 1860 tại An Cựu, Huế, trong nếp nhà trâm anh
thế phiệt thuộc hệ 7 - dòng Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu. Thân
phụ là đại thần Tôn Thất Phan, người từng cùng Phạm
Thận Duật và Nguyễn Văn Tường đại diện Nam triều để
ký Hiệp ước Giáp Thân 1884 với Pháp, còn gọi Hòa ước
Patenôtre. Lúc sinh Tôn Thất Mỹ, Tôn Thất Phan giữ chức Tham
tri Bộ Công.
Là trưởng nam, Tôn Thất Mỹ có em trai Tôn Thất Lãnh và Tôn Thất Trạm. Lãnh sinh năm Tân Dậu 1861, đỗ cử nhân lúc 21 tuổi, đỗ tiến sĩ lúc 28 tuổi. Trạm cũng thi đỗ cử nhân. Nói chung, từ hồi còn dùi mài kinh sử ở trường Quốc Tử Giám, cả mấy anh em "con giòng cháu giống" đều nổi tiếng thông minh, học giỏi. Thông minh và hoạt bát nhất nhà hẳn là anh cả Tôn Thất Mỹ. Chuyện kể rằng hằng năm, cứ đến tiết Trùng dương, còn gọi Trùng cửu, tức mùng 9 tháng 9 âm lịch, theo lệ khởi phát từ đời vua Minh Mạng, hoàng thân quốc thích lẫn bá quan văn võ ở kinh đô hồ hởi lên núi Ngự Bình xơi yến, ngoạn cảnh, sáng tác thơ và ngâm nga thơ phú. Họ thường cho con cháu theo. Hôm ấy, trời nắng, nhiều người tay chống gậy, tay che ô dù. Leo ngang sườn non, chợt có cơn gió mạnh thốc qua khiến hàng loạt chiếc ô bị lật chổng cọng / gọng. Duyên cùng trời đất nên giơ cọngTức cảnh, một vị ngâm vang thế, rồi thách: - Ai đối chỉnh sẽ nhận được phần thưởng. Lên tới đỉnh núi rồi mà chẳng người nào "chọi" nổi vế xuất kia. Một cụ sờ soạng túi áo, đoạn chép miệng tiếc rẻ vì bao thuốc lá Cẩm Lệ bị rơi mất dọc đường. Chớp lấy cơ hội, "cậu tôn" Mỹ bật liền vế đối và ung dung rinh giải: Nợ với non sông kể xiết baoNăm Kỷ Mão 1879, mới 19 tuổi, Tôn Thất Mỹ đã đỗ cử nhân. Năm Giáp Thân 1884, được bổ vào Viện Hàn Lâm làm Biên tu, rồi thăng lên Thị độc. Năm Đinh Hợi 1887, được điều ra Thanh Hóa làm Án sát, giúp Tổng đốc Trương Như Cương. Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn (Tập XXXVIII - bản dịch của Viện Sử học - NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1978) có nhắc tới quan Án sát Tôn thất Mỹ vào niên hiệu Đồng Khánh thứ II. Cũng theo pho chính sử này thì qua năm sau, Tôn Thất Phan thực thụ làm Thượng thư Bộ Hộ kiêm Phó Tổng tài đảm trách soạn thảo Ngọc điệp tôn phả. Ngày 27 tháng chạp Mậu Tý (28-1-1889), vua Đồng Khánh băng đột ngột lúc chưa tròn 24 tuổi. Hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Lân - con trai vua Dục Đức - lên ngôi, lấy niên hiệu Thành Thái. Sự kiện diễn biến quá bất ngờ và éo le khiến đại thần Tôn Thất Phan hoảng sợ tới mức... bỏ ăn, mất ngủ! Số là trước kia, dưới áp lực của phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường, ông Phan từng ngồi ghế Thượng thư Bộ Hình kết án tống giam hoàng tử Bửu Lân cùng mẹ ruột Phan Thị Điều nay trở thành Từ Minh hoàng thái hậu. Dư luận cho rằng vì lo âu thái quá, Tôn Thất Phan ngã bệnh mà lìa đời! Theo luật lệ đương thời, Tôn Thất Mỹ được trở về An Cựu cư tang cha trong vòng 3 năm. Xong, quay lại triều đình, được giao chức Tá lý Bộ Lễ, thụ hàm Hồng lô tự thiếu khanh. Ngẫm chuyện ân oán của thân phụ vừa quá cố, Tôn Thất Mỹ không tránh khỏi ngại ngần, nhất là mỗi khi chầu kiến tân vương. Khỏi phải chờ đợi lâu, hậu quả vụt ập tới. Có tài liệu viết rằng chỉ vì một sơ suất cỏn con, Tôn Thất Mỹ liền gánh chịu kỷ luật cực kỳ nặng nề: bị cách tuột mọi chức vụ, bị tước sạch mọi phẩm hàm, bị đẩy về vườn như một "bạch đinh" vào năm 1889, lúc mới 39 tuổi! Vụ việc đó hoàn toàn có thật, song chưa rõ: Tôn Thất Mỹ đã lỡ phạm lỗi lầm gì? Duy niên điểm 1889 ắt thiếu chính xác. Bởi lẽ Tôn Thất Mỹ cư tang cha ròng rã 3 năm rồi mới trở lại quan trường, vậy sự cố xảy ra sớm lắm cũng phải vào năm 1892. Hơn nữa, ngay đầu đời Thành Thái, trong khoa thi Đình năm Kỷ Sửu 1889, chính bào đệ của Tôn Thất Mỹ là Tôn Thất Lãnh vẫn được chấm đỗ hạng "đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân" kia mà. Mãi đến đời Duy Tân, xét thấy một vị quan hoàng tộc như Tôn Thất Mỹ bị xử lý thế e quá đáng, triều đình quyết định khôi phục nguyên hàm Hồng lô tự thiếu khanh, song vẫn chẳng cấp lương bổng. Ấy là năm Canh Tuất 1910, Tôn Thất Mỹ đã ngũ tuần, đúng dịp chiếc răng cuối cùng vừa... rụng. Nhân đấy, Tôn Thất Mỹ bèn sáng tác bài tứ tuyệt theo lối thủ vĩ ngâm, khai thác hiện tượng đồng âm nhằm chua chát trào lộng: Không răng đi nữa cũng không răng! |
Giỏi thơ tập danh, giành "siêu giải thưởng" |
Từ giã "quan nhất thời",
thong dong làm "dân vạn đợi", Tôn Thất Mỹ ký bút danh Tam
Xuyên càng nổi tiếng như cồn nhờ tài lẫn nhờ tình. Người
người rất nể phục Tam Xuyên khi trực tiếp chứng kiến
ông ứng tác quá mau lẹ mà lại cao tay "điều ngôn khiển
từ" vô cùng ngoắt ngoéo, tinh nghịch, tinh tế. Đặc biệt,
ông tỏ rõ sở trường với thể thơ tập danh. Thật không
ngờ! Chính lối thơ gay go hiểm hóc này đã mấy phen giúp
Tam Xuyên lĩnh "siêu giải thưởng": khối nàng tuyệt thế giai
nhân sẵn sàng theo làm... thê thiếp!
Lần nọ, Tam Xuyên xách cần trúc ra bờ sông, cốt kiếm chút thuỷ sản làm thức nhắm đưa cay. Tình cờ ngồi kề xưởng gỗ đang lốc cốc cưa-đục-bào, ông cảm hứng xuất khẩu bài Câu cá, mỗi dòng thơ đều gọi tên một đồ nghề thợ mộc: Rìu rịt năm canh xét phận mình,Cui đây là dùi cui. Còn chàng, theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (bản in năm 1992), là "dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ". Tục ngữ cũng có câu: Thợ mộc gõ chàng, thợ hàn gõ thiếc. Thuở nọ, tại làng Thanh Thủy, gần cầu ngói Thanh Toàn có quán bánh của cô Đoài thường xuyên đông khách. Phần vì quán bán các món bánh Huế khá ngon. Phần quan trọng hơn vì cô chủ trẻ đẹp dám công khai tuyên bố: - Anh nào làm nổi bài thơ thất ngôn bát cú mà mỗi câu có tên một quẻ trong bát quái và tên một loại bánh, thì em xin theo nâng khăn sửa túi trọn đời. Dẫu chịu cảnh lẽ mọn, em cũng hài lòng. Bao lớp văn nhân xa gần tìm tới trổ tài, nhưng chẳng một ai thành công trước yêu cầu tập danh "đúp". Nghe chuyện, Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ mỉm cười. Tưởng gì, chứ "làm xiếc chữ nghĩa" kiểu này, đúng là "nghề của chàng". Rốt cuộc, ông ghé quán, trao cô Đoài bài thơ: Vẻ ngọc càng say, rượu ít nồng,Kết quả ra sao? "Bài của ông Tôn Thất Mỹ được giải nhứt, và cô Đoài chịu về làm vợ hai, mới biết chơi chữ nhiều khi cũng thú!". Sách Chơi chữ do Lãng Nhân sưu soạn (Nam Chi tùng thư in lần 4, Sài Gòn, 1974) đã bình luận thế, rồi thêm: "Nếu cô Đoài là người Bắc, ông thi sĩ chắc không được giải, vì càn (quẻ càn) viết ra càng; uớt viết ra ước (bánh ướt); rán viết ra ráng (bánh rán)". Thật ra, cũng bằng thơ tập danh, Tôn Thất Mỹ vẫn chinh phục được tố nữ con nhà quan và sinh trưởng trên đất Bắc. Ấy là nàng Nguyễn Thị Oanh, ái nữ của Tri phủ Nguyễn Đình Mai. Bấy giờ, Tam Xuyên đã 41 tuổi. Tri phủ Nguyễn Đình Mai là con của đại thần Nguyễn Đình Tân, còn gọi Nguyễn Đình Hưng, từng giữ chức Hải Yên quân vụ kiêm Tổng đốc Định An (Nam Định và Hưng Yên). Từ núi rừng trung du Phú Thọ, tri phủ Mai tìm cách đưa toàn bộ gia đình về Huế sinh sống. Trong nhà, tiểu thư Nguyễn Thị Oanh nổi bật bởi nhan sắc "chim sa, cá lặn". Năm Tân Sửu 1901, Oanh vừa 17 tuổi. Vô số vương tôn công tử ngấp nghé ướm hỏi, song nàng không chịu, cứ khép cửa may vá thêu thùa và dành thời gian luyện Pháp văn, lại học thêm chữ quốc ngữ. Thỉnh thoảng, nàng nhẹ bước ra sân vườn dạo ngắm mấy luống hoa. Đôi lần ngang qua cổng, liếc thấy tiểu thư Oanh xinh như mộng, Tam Xuyên bồi hồi tơ tưởng. Biết Oanh đang chăm chỉ học đánh vần, ông nhờ người chuyển tới tận tay nàng một bài thơ. Đó là bài tập danh, mỗi dòng gọi tên một mẫu tự, riêng cặp thực và cặp luận còn nêu thêm bốn dấu thanh: Những ngậm ngùi xuân, dáng ủ ê,Đọc đi đọc lại bài thơ, tiểu thư Nguyễn Thị Oanh cảm phục tác giả vô ngần. Cái gọi là "tiếng sét ái tình" nổ! Bất chấp mọi lời khuyên lơn hoặc ngăn cản từ nhiều phía, nàng quyết "xăm xăm băng lối" theo chàng, dẫu tuổi tác cách biệt cả hai con giáp. Mối tình say đắm giữa hai người khiến dư luận trong nội lẫn ngoài thành không ngớt xôn xao. |
Phong tình tân lục |
Vụt trở thành bà Tam
Xuyên, tiểu thư Nguyễn Thị Oanh được ông chồng thi sĩ đặt
biệt hiệu là Hải Đường, Mộng Đường và Mộng Liên.
Tân lang với tân giai nhân tổ chức "thời trăng mật" còn hấp dẫn hơn tiểu thuyết. Họ chung sống bên nhau trong một con đò bềnh bồng giữa dòng Hương thơ mộng. Khi xuôi về phá Tam Giang, khi ngược lên nguồn Tả Trạch lẫn Hữu Trạch, gặp lúc thuận tiện thì rẽ qua sông Bồ, đôi uyên ương thoải mái nhấm nháp rượu trà, thi phú ngâm nga, đàn ca ứ hự. Tam Xuyên dạy Mộng Liên gảy đàn, gõ phách, hát các làn điệu âm nhạc truyền thống của chốn Thần kinh: Xuân phong, Long hổ, Lưu thủy, Hành vân, Tứ đại cảnh, v.v. Mộng Liên lại bồi dưỡng cho phu quân sử dụng chữ quốc ngữ thuần thục hơn. Một bạn thân, đồng thời bà con của Tam Xuyên, là nhà thơ Mộng Phật Tôn Thất Diệm (1853-1922) cảm khoái gửi tặng đôi lứa mấy vần: Ba sông phảng phất cảnh năm hồ,Đúng là bấy giờ đã rời quan trường, song khổ nỗi, Tam Xuyên chẳng được hưởng lương hưu, lại thêm thê noa đông đúc, hỏi làm sao kéo dài cảnh phong lưu? Tiền lưng dần vơi cạn, buộc thi sĩ hoàng tộc phải tiêu xài dè sẻn. Bằng hữu rủ đánh bạc, ông chỉ dám đặt hai giác (hào) thôi! Dẫn người đẹp vào rạp hát bội, ông đành bấm bụng mua vé hạng bét! Thiên hạ bắt đầu lời ong tiếng ve đàm tiếu. Tam Xuyên dí dỏm viết cặp câu đối tự trào và dán trước thư phòng: Quốc ngữ một câu, vuốt râu vài sợi;Giễu mình thế thôi, chứ từ buổi sánh duyên với nàng Nguyễn Thị Oanh, Tam Xuyên ngầm tính sẵn kế để có thể vừa mưu sinh mà vừa được... chơi lai rai, mới thỏa. Sẵn chữ nghĩa làm vốn, ông dắt Mộng Liên ra Bắc vào Nam, bày trò thả thơ. Về sau, trong tập Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân tường thuật: "Mỗi tuần trăng, cặp tài tử này ở một tỉnh. Cái chiếu bạc thả thơ của họ thường trải ở một phủ nha, huyện nha hay là nơi tư thất một đốc bộ đường. Bất kể lúc lên voi, lúc xuống chó, lứa đôi này đã để dấu giày trên mọi chốn và tha lê đi khắp nơi cái túi thơ và cái túi phách ăn người của họ. Họ nhờ vả cổ thi, kiếm ra cũng được rất nhiều tiền. Nhưng cái giống lãng tử cầm tiền thường không nóng lòng bàn tay và có mấy khi họ nghĩ đến sự bảo hiểm cho ngày mai của mình". Thiên truyện-ký Đánh thơ nêu trên đã lưu nguyên vẹn tên hiệu thật của nhân vật nữ là Mộng Liên. Còn Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ, cựu Án sát, lại biến thành "quan Phó Sứ giữ lăng". Kỳ thực, đã làm quan hộ lăng thì có thể đèo bòng nàng hầu non nhưng dễ gì lang thang rày đó mai đây được? Tất nhiên, nhà văn được quyền hư cấu. Và đây là đoạn kết chuyện tình Xuyên-Liên qua ngòi bút Nguyễn Tuân: "Ông Phó Sứ chết ở chân đèo Ngang rồi. Mộng Liên giờ là người góa và đang lúng túng tìm người giữ cho cây đàn. Số là đi qua Hoành sơn quan, thấy cảnh đẹp, lòng si tình, hai ông mụ đã yêu nhau giữa một vùng trời nước bao la. Ngay chỗ dưới chân ngọn tường ải có chữ Đệ nhất hùng quan của đức Thánh Tổ ngự phê ấy. Trúng cơn gió độc, ông Phó Sứ đã hóa ra ma chết đường. Mộ để sát ngay bên đường thiên lý". Sự thật đúng thế chăng? Có phần đúng, có phần sai. Điểm nhầm lẫn mà mọi người dễ nhận ra là Thánh Tổ Nhân hoàng đế - tức vua Minh Mạng - ngự phê mấy chữ Thiên hạ đệ nhất hùng quan cho công trình Hải Vân quan, chứ chẳng phải Hoành sơn quan. Riêng vụ Tam Xuyên đột tử trên đỉnh đèo Ngang là điều dân chúng bấy lâu vẫn kể, thậm chí có kẻ chép thành văn bản. Qua cuốn Tinh thần trào phúng trong thi ca xứ Huế xuất bản tại Huế năm 1973, Hoàng Trọng Thược ghi rõ rằng sở dĩ thi sĩ Tam Xuyên tạ thế vì bị... "thượng mã phong". Ấy là ngày 29 tháng 7 Quý Sửu, tức thứ bảy 30-8-1913. Trên đường đưa nàng Mộng Liên ra Quảng Bình thăm em rể Trần Tiễn Hối đang làm Bố chánh tỉnh đó, chẳng may Tam Xuyên ly trần bất thình lình vào tuổi 53. Thi hài ông được khâm liệm đàng hoàng, rồi được cấp tốc chở về Huế quàng và mai táng chu đáo. Đông đảo thiên hạ đến viếng linh cữu ông. Đối liễn khắp nơi gửi về phúng điếu nhiều không kể xiết, nhưng người ta nhớ nhất đôi câu đối thâm thúy của Thượng thư Nguyễn Hữu Bài (1863-1935): Ra Bắc vào Nam, trăng gió đề huề thơ một túi;Số phận Mộng Liên sau đấy ra sao? Nén chặt nỗi đau, Mộng Liên lặng lẽ lên dốc Nam Giao, vào chùa Diệu Đức, xin khoác nâu sồng, xuống tóc, trở thành nữ tu Thích Nữ Tâm Châu. Già lão, ni sư Tâm Châu chuyển lên chùa Hồng Ân tu trì rồi an tịch. Mộ tháp Thích Nữ Tâm Châu nằm ngay trong khuôn viên tổ đình Trúc Lâm, thuộc địa bàn thôn Thượng 1, xã Thủy Xuân, nay là phường Thuỷ Xuân, thành phố Huế. |
Tác phẩm & giai thoại |
Bình sinh, Tam Xuyên Tôn
Thất Mỹ sáng tác nhanh và sung sức với nhiều thể loại
khác nhau. Tính đơn vị tác phẩm văn chương, chắc chắn khối
lượng di thảo của ông khá phong phú. Tuy nhiên, vì bản tính
"tài tử" cộng thêm hoàn cảnh sống "giang hồ không bờ không
bến", ông hầu như không lưu giữ tác phẩm nào của mình.
Đi đó đi đây, ông cứ phóng bút ào ào, rồi trao tặng người
kia kẻ nọ. Lắm lúc hứng khởi, ông xuất khẩu thành thi,
xã hội thấy hay thì nhớ và truyền tụng.
Mãi lâu sau khi ông mất, An Sơn Nguyễn Xuân Sung bỏ công sưu tầm được một phần thơ của ông, chép thành Tam Xuyên thi tập. Sử dụng thủ bản chưa đầy đủ ấy, Việt Thường viết bài Tam Xuyên (1860-1913) - một thi bá trong làng thơ phúng thích để in vào sách Người xưa xuất bản tại Hà Nội năm 1941, kèm theo bức tranh của họa sĩ Mạnh Quỳnh. Có lẽ đây là lần đầu tiên, đời và thơ Tam Xuyên được giới thiệu rộng rãi bằng mực đen giấy trắng. Bẵng một thời gian, đến năm 1973, Hoàng Trọng Thược viết tiếp bài Ông già gân và đưa vào cuốn Tinh thần trào phúng trong thi ca xứ Huế (sđd). Dựa vào hai thư tịch chủ yếu đó, Nguyễn Đắc Xuân soạn bài Mất ông Án sát Tôn Thất Mỹ được nhà thơ Tam Xuyên trong quyển Chuyện các quan triều Nguyễn (NXB Thuận Hóa, Huế, 2001). Về một tài năng văn chương độc đáo, lại có hành trạng "ly kỳ hy hữu" cỡ Tam Xuyên, ngần ấy ấn phẩm đề cập sơ lược, quả thật quá ít ỏi. Đấy là chưa kể đó đây tồn tại nhiều chi tiết mà sự kiện, không gian lẫn thời gian bộc lộ sự bất hợp lý, đòi hỏi phải xác minh thêm. Một nguồn tư liệu khác đầy sinh động là kho tàng giai thoại văn chương dính dáng Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ. Thế nhưng, bao chuyện truyền khẩu lý thú vẫn chưa được sưu tầm có hệ thống nên dần bị thất tán. Trong tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân (NXB Tân Dân, Hà Nội, 1940), truyện-ký Đánh thơ thực chất là giai thoại quanh mối tình Xuyên-Liên lần đầu tiên được công bố dưới hình thức một văn bản nghệ thuật. Dăm cuốn sách như Chơi chữ của Lãng Nhân (sđd) hoặc Nụ cười xứ Huế của Tôn Thất Bình (Sở Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên-Huế, 1993) cũng nêu vài giai thoại về Tam Xuyên một cách lẻ tẻ, rời rạc, nên chưa gây ấn tượng đáng kể. Đương nhiên, đã gọi giai thoại thì không tránh khỏi tam sao thất bổn, lắm chỗ rất đáng ngờ. Phải thừa nhận cuộc đời Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ đan xen thực với mộng, pha trộn sự thật với giai thoại, rất khó bóc tách để khảo sát tỏ tường tất cả. Trong chừng mực nhất định, chính sự đan xen, pha trộn đó lại là nét đặc sắc cuốn hút muôn người. Thưởng ngoạn thơ văn Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, ví thử triệt tiêu loạt giai thoại liên quan, cam đoan bạn đọc sẽ suy giảm cảm xúc đặc trưng. Trong các tổng tập và hợp tuyển văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, được ấn hành thời gian qua, cớ sao một tên tuổi "vang bóng một thời" trên văn đàn là Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ lại thiếu vắng? Hy vọng công trình nghiên cứu, sưu khảo tương đối thấu đáo mang nhan đề Tam Xuyên - tác phẩm & giai thoại sớm xuất hiện hầu bù vào khiếm khuyết kia; đồng thời giúp hậu thế tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn, toàn diện hơn về một thi sĩ tài hoa và cực kỳ "chịu chơi".
|
|
|
|
mộ tháp Thích Nữ Tâm Châu tức Mộng Liên Nguyễn Thị Oanh. Ảnh: Nguyên Việt |