Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Theo năm tháng đi ...

Hoàng Quý

Nhà văn Hà Đình Cẩn - tên khai sinh cũng là bút danh. Ông sinh ngày 21 - 3 - 1945 tại làng Tử Du, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Hiện thường trú tại Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Thàng 3 - 1965 Hà Đình Cẩn tham gia quân đội. Từ người lính bộ binh ông trở thành phóng viên mặt trận của báo Quân đội Nhân dân. Sau chiến tranh ông làm việc ở tòa soạn chính tại Hà Nội, rồi Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu, Tạp chí Nhà văn. Hà Đình Cẩn là tác giả của những tác phẩm: Quần đảo san hô, Vùng rừng âm vang, Đường gập ghềnh, Vòng lăm vông thứ hai, Ký sự những ngày xưa (tập truyện ký), Cây sa mu còn lại (tiểu thuyết), Trò đùa người lớn, Thứ phi, Ô cửa sổ bỏ ngỏ (tập kịch), các tập thơ: Những câu thơ nhặt được (1989), Ngày đi qua (2010).

Nhà văn Hà Đình Cẩn được tặng nhiều giải thưởng văn học và giải thưởng của Bộ Quốc phòng. Đặc biêt, các ký sự chiến tranh đã làm nên tên tuổi Nhà văn - chiến sĩ Hà Đình Cẩn. Tuy vậy, bạn đọc còn ít biết một một mảng phong phú khác trong sự nghiệp văn học của ông, đó là thơ.

Bài viết Theo năm tháng đi của nhà thơ Hoàng Qúy tìm vào mảng lấp lánh ấy!

Theo năm tháng đi
Nhà thơ Hoàng Quý
1."Bây giờ nhạc đã nổi lên. Cô gái Lào xinh đẹp đã chắp tay hình búp sen trước ngực mời tôi vào vòng múa. Trong vạt rừng hoa quỳ vàng rộm tôi đã được múa vòng lăm vông thứ nhất trong ngày thắng giặc ở Cánh đồng chum. Đất dưới chân tôi ngày ấy bị bom đạn vằm nát. Rồi vòng múa thứ hai tôi múa ở cao nguyên Bô lô ven, trên vạt đất của nông trường cà phê Coong Tụn. Dưới chân tôi đất Lào đang hồi sinh. Và, bây giờ là vòng múa thứ ba trên sườn núi... tôi gặp một nước Lào mới - môt nước Lào bình yên đang phồn vinh. Chỉ quốc vũ lăm vông là vẫn thế, búp hoa sen vẫn nở trước ngực người con gái Lào đã qua ngàn năm, qua chiến tranh bom đạn, qua những ngày gian khổ, qua cả thời mở cửa đầy gió nóng nhưng vẫn trinh nguyên không tàn..."
(Hà Đình Cẩn - Nhớ Xiêng Khoảng)
Tôi đã đọc những dòng văn này và bao trang văn khác của ông mang vẻ đẹp đôi khi đến xơ xước và dào dạt một cách nghiệt ngã rải rác mấy mươi năm, cả trước và sau những tháng ngày Tổ quốc bước chông gai qua phập phồng âu lo và muôn nỗi gian nguy để tới được thanh bình. Mỗi lần đọc những trang ký ông viết, tôi thèm có ý nghĩ mơ hồ rằng con người này nếu không đôi khi bồng bềnh trong những giấc thơ sẽ là thậm phung phí. Kỷ niệm về đá, Nhớ Xiêng Khoảng, Stung - treng, Chăm pa sắc, Rừng thức, Cà phê Khe Sanh, Thăm thẳm quê...in hằn lốt dép của ông một người lính - nhà văn suốt gập gềnh núi đèo và đằng đẵng đời người. Nếu mỗi lốt dép là một dòng văn, bao nhiêu dòng văn đã cùng ông đi ra từ bước chân người lính ấy!

Tôi đã quen ông thế nào? Hình như bắt đầu từ những thước phim tài liệu chiến sự quý hơn phong lương khô lúc trung đoàn thiếu, đói, những thước phim có ông viết thuyết minh với giọng văn khi mềm mại khi truyền hơi ấm như một hữu cơ, thảng hoặc lắm mới được xem trong khoảng bình lặng hiếm hoi giữa cánh rừng mỏi mệt lúc dứt mùa chiến dịch. Có thể từ hàng loạt bài phóng sự, ký sự chiến trận hầm hập lửa chưa kịp nguội đầu nòng súng nhem nhúa bụi chiến hào.

Tôi đã gặp ông lúc nào? Cũng không cần phải điểm danh trí nhớ dẫu muốn. Bên bìa cháy na pan và nhoáng nhoàng phốt pho của chiến dịch Củ Kiệt chăng? Hay, ở những trận đánh phối thuộc giữa đơn vị chúng tôi với binh đoàn Nguyễn Chuông dằn mặt các tiểu đoàn lính Thái vây ép các bạn Lào và khống chế ta trên cao nguyên Cánh Đồng Chum chan chan bom và nhan nhản phỉ. Cũng có thể là mãi sau tháng ngày bom đạn chỉ còn như những kỷ niệm diệu vợi chúng tôi mới được cầm nắm tay nhau. Đâu còn là quan trọng! "Day đi dứt lại làm gì"! Chỉ biết rằng ông đi nhiều lắm. Những đôi dép rồi cũng được thay. Và rồi những đôi dép lại bung quai, vẹt gót. Ông đi mười năm trai trẻ trong những đoàn quân, theo những đoàn quân, dưới chớp lửa bỏng rát và chết chóc trong cuộc chiến giữ nước, và cả những cuộc chiến không lường hết ở hai đầu biên cương Tổ quốc với cây bút, khẩu súng, chiếc máy chụp hình Pratica cà khổ, với bao lần đói, sốt võ vàng, cả những tiếng cười cùng nước mắt...

Bây giờ, đôi khi một ban mai thư thái, một đêm phố nhợt đèn, tôi lại lần giở thật chậm hàng chục tập sách của ông, đằm lại những trang chữ hầm hập hơi nóng phả lên trần trụi cuộc chiến, trần trụi sống. Và thực cảm động, được đọc to lên những bài thơ của ông - một thứ Thơ bào ra từ gan ruột - nghĩa là, rồi cũng được thỏa mãn cái ý nghĩ mơ hồ ngày nào, rằng ông sẽ phải dành một phần sống cho Thơ, sàng sảy chữ cho Thơ, như một lẽ tất yếu.

2. Nếu có một tập biên khảo dù chỉ dừng ở việc tập hợp, ghi chép gần đủ các bài thơ (Kể cả trường ca - tất nhiên) viết về người lính thì ắt sẽ là một công trình vĩ đại. Ta cứ hy vọng một ngày nào đó sẽ có người (hoặc nhiều người) đủ tài năng, kiên nhẫn và sự công tâm làm được điều này. Trong tập bách thi đồ sộ hy vọng rồi sẽ có, bài thơ Người lính rất đỗi giản dị, kiệm lời, chữ trầm như nốt máu, lối viết ở khúc mở tựa một luận đề của Hà Đình Cẩn, mong các nhà biên soạn đừng quên:

"Tiếng có là tôi
Giữa đội hình tiểu đội
Mười hai tiếng có là A
Ba mươi sáu tiếng có là B
Một trăm hai mươi tiếng có là C
Khối tiếng có hoá quân cờ
Trên bản đồ chiến dịch
... Đánh vài trận bữa cơm lơ ngơ thừa bát đũa
Những tiếng có ngồi im không muốn xua ruồi
Cả đại đội giờ chỉ còn trung đội
Những tiếng có vô danh nằm lại phía sao rơi..."

Tháng 3 năm 1965, người thiếu sinh Hà Đình Cẩn bước vào đội hình "tiếng có". Ông trở thành cái vi tế trong lớp lớp vi tế nhỏ nhoi nhất, chỉ nhận những mệnh lệnh, chỉ tiến về hướng phải đến, không có chỗ để lùi. (Mà nghĩ lại, những năm tháng ấy và nhiều năm sau nữa, bao trai, gái đã ra đi, ghì chặt hơn dây lưng và quai súng mà đi, cả dân tộc còn đâu chỗ để lùi). Ông quàng lên vai khẩu súng khi trời trung du hoa gạo rơi như máu, loang ướt và bầm dập giữa những nấm khói chết người và nát đổ khi cuộc chiến tranh của không lực Hoa Kỳ mỗi ngày mở rộng hơn, lấn sâu hơn, tàn bạo hơn trên những ruộng đồng, làng xóm mà mẹ ông, chị ông vốn chỉ thích yên vui với việc cày bừa. Và, cái "tiếng có" ông phải thuộc thật nhanh, gọn lỏn như một quan yếu sẽ theo ông đến tận ngày trở về, có thể còn theo ông đến mãi sau xa:
"Sau chiến tranh
Tôi đem tiếng có về quê không biết để làm gì
Con gọi bố, tôi vô tình thưa có
...
Bỗng nghẹn lòng thèm mẹ gọi tên xưa".
(Người lính)

Tôi đã đọc một tập hồi ký của một tướng Mỹ ba sao ngoái nhìn cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông (tướng ba sao) gọi uỵch toẹt cái cuộc chiến ông dính líu là "Sự nhầm lẫn và tăm tối khủng khiếp". Trong thiên hồi ký có một đoạn, đại ý: Chúng ta đã không thắng, không thể thắng họ. Họ rất biết yêu cả trong những trầm trọng đương đầu với chết chóc. Chúng ta quá thiếu hiểu biết. Thì đúng đấy thưa vị tướng khả kính. Nếu ông cũng là một người yêu lấy những câu thơ như dân tộc ông yêu Uyt man và bao nhiêu nhà thơ khác, ông sẽ càng được củng cố thêm cái sự ngộ ra mà ông dũng cảm ngoái nhìn:

"Cả sư đoàn hành quân qua phố
Trong công viên có người hôn nhau
Chia tay vội cuối đường Nam Bộ
Thành phố thành hành lý gánh trên vai
...
Cả sư đoàn hành quân qua phố
Hoa sữa thơm nao lòng
Nhà bên sáng mai có cô gái trẻ
Ngẩn ngơ vì vắng đàn ông "
(Sư đoàn hành quân qua phố)

Trong sư đoàn lặng lẽ hành tiến chào biệt Hà Nội hôm ấy có chàng thiếu sinh Hà Đình Cẩn, một kẻ mơ mộng và lơ ngơ, một người biết yêu, đi trong đội ngũ điệp trùng những con người biết yêu, viết nên những trang văn, những câu thơ trung thực mà có thể nếu thiếu sự đóng góp của họ tâm hồn con người ta dễ thương tổn và xác xơ.

3.Hà Đình Cẩn làm thơ không nhiều và khá muộn. Những năm tháng bao nhiêu cam go, giá nước mắt ngang bằng giá máu, có thể với ông những trang ký cần hơn, nhanh hơn, thời sự hơn, chia sẻ với đồng đội, với mỗi số phận cả phía tiền duyên và phía sau lưng quan thiết và cụ thể hơn. Nhưng, cũng có có thể với ông chỉ giản dị là Thơ nó chưa đến. Mà cũng có thể (nếu đúng thì rất dở), bao năm tháng bỏng rãy những cái tên như Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Bùi Minh Quốc, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Thanh Tùng...cùng bao nhiêu là tên tuổi khác với những bài thơ, những trường ca bay lộng lẫy trên bầu trời thi ca làm ông ngại.

Nhưng, ông không né mãi thơ được. Một dân tộc yêu thơ và thích làm thơ kỳ lạ như dân tộc chúng ta thì thơ đã như một món ăn khó có thể thiếu trên bàn tiệc cuộc sống. Huống hồ nhừng tháng ngày chúng ta đã trải và chứng thực nhiều mất mát, ngổn ngang, không thiếu bức bối và cả những xáo trộn ghê gớm. Văn xuôi có sức mạnh của văn xuôi. Nhưng,những tinh tế, phập phồng và ảo diệu của thơ không phải lúc nào văn xuôi cũng làm hộ được. Có phải ông sớm nhận ra quãng trống vắng ấy mà thêm vào những đêm mất ngủ, ông ghi lên mặt giấy những câu thơ rưng rưng:

"Ngọn đèn tắt sau hồi còi báo động
Đêm chiến tranh tối nhọ mặt người
Nắm cơm vữa trên tay
Anh ăn lừa cơn đói
...
Cánh rừng nằm nghiêng trong sấm dong
Chiến tranh gối lên đầu võng
Bên kia là em xa vời...
(Đêm rừng)

Sau trận đánh
Cả trung đoàn ngủ trong rừng sâu
Nắng hun hút tiếng ve nồng mắt lá
Có người lính ngồi trầm ngâm bên đá
Không tạc tên mình
Tạc vũ nữ Ăng Co
(Tạc tượng)

Đảo chìm nổi như chúng tôi chìm nổi
Chúng tôi mắc võng
Võng như thuyền sóng đẩy lên cao
...
Thèm nước thì hứng trời
Thèm đất hứng vào đâu được
Chúng tôi gieo hạt cải càng trong bát cơm ôi
(Tháng ba ra đảo)

Khi Thơ đã tìm đến ông rồi, ông không cưỡng lại những nhạc địêu lòng trên mặt chữ nữa. Gặp Lao Cai năm 79 ông viết: "Chiến tranh đi qua cỏ lút đầy phố xá/ Mặt trời treo trên cột điện gầy/ Trái cứ chín/ Trái rụng đầy ngõ phố/...Cả sao trời rụng giữa lòng tôi". Lên cực bắc gặp cao nguyên Đồng Văn đá chồng lên đá, tưởng nơi ấy làm sao mà sống nổi thì ông lại viết được những câu thơ đẹp như tranh: "Vùng đất không có đất/ Đá uy nghi dựng thành luỹ biên thùy/ Nương rẫy đá/ Sân vườn cũng đá/ Sơn nữ ngồi trên đá thổi khèn môi". Ngày gặp Huế, Huế đọng lại lòng ông bằng những câu thơ thật bất ngờ: "Không gặp thi nhân thì làm vua vậy/ Mặc hoàng bào, ngai vàng anh ngự/ Chỉ hai mươi ngàn đồng chụp ảnh mua vui/ Thêm hai mươi ngàn mua đủ chín Chúa, mười ba Vua nhà Nguyễn/ Cả triều đại xếp chưa đầy một túi khoác vai" và hai câu kết "Tiêng dạ Huế dài không xếp vào đâu được/ Đường mưa sao xuyến rơi" thì biết ông yêu Huế lắm.. Cùng những bước chân ngang dọc, những câu thơ nhẹ nhàng đã giúp ông trụ vững.

Tôi muốn trích mấy câu thơ trong hai bài thơ của Hà Đình Cẩn. Bài thứ nhất có những câu thế này:"Ngày ấy trẻ trung/ Ngày ấy giữa quê mình/ Em tội tình gì đâu mà anh ruồng bỏ/ anh khao khát những chân trời bỡ ngỡ/ Em cúi mặt giữa làng chịu tiếng chồng chê".(Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ). Và trong bài thứ hai ông viết sau ngày chôn cất mẹ:"Một trăm năm ngắn lắm mẹ ơi/ Chưa qua khỏi cánh đồng bóng Người đã khuất/ Nhà ta nghèo mẹ ngẩn ngơ như đất/ Sáng cỏ dưới chân, chiều cỏ đã trên đầu" (Mẹ). Thêm lời bình cho những câu thơ này có khi vô duyên và nhạt.

4.Đã in tới tập thơ thứ hai nhưng Hà đình Cẩn chưa bao giờ nhận mình là thi sĩ. Ông bảo thơ rất khó nên ông làm thơ không nhiều, chỉ như một sự thì thầm trên trang giấy thôi. Ông còn cho rằng những bài thơ thường ngắn và không nhiều chữ của ông chỉ nên coi như những câu thơ nhặt được từ những tháng ngày đi qua ông. Cái tháng ngày nó cứ lạnh lùng băng qua mình, chứ mình nào có đi qua được nó, ông vui vẻ bảo thế, rồi đọc: "Những câu thơ chẳng để làm gì/ Không làm anh bất tử/ Nếu không một lần lọt trong mắt em/ Những câu thơ chẳng để làm gì/ Ngoảnh lại/ Mặt trời khuất/ Ngôi sao sà xuống thấp/ Câu thơ buồn mênh mang". (Vô đề). Ông lại bảo lúc hứng nhất ông có cái thú đọc to lên những câu thơ của bạn bè, của tiền nhân, của các bậc ông tôn suy là các "ông thơ", và thơ của những nhà thơ bất luận người nước ta hay tàu, tây mà ông thích. Ông khôi hài, thơ khéo như thuốc phiện, bập nó rồi nghiện, nghiện thơ thường bổ chả nên cai. Gặp cố nhân, ông kể có lần nằm mộng thấy các Tiên Thi giảng chữ Thơ vốn được viết trại ra từ chữ Vạn biểu tượng của Đức Phật, nghe vui vui mà nhã.Tốt hơn cả, ta lắng tiếng thơ ông để nhận lấy cái ánh ỏi đem đến từ chấm vô lượng tỏa từ chữ Vạn ông theo, tin và giữ nằm lòng. "Yêu trọng nhau nào được mấy người" (Câu thơ của Yến Vinh). Loại thơ có thể gây nghiện như thuốc phiện và trong suốt như chữ Vạn vốn giản dị hồn hậu, không hoang chữ, không hô hoán, không dọa đổ bóng xuống ai, mà cũng chả cần bắt quyết niệm chú hay tô trát vẽ vời. Một đời vật vã sống và viết chả dễ nhiều như cát!: "Anh chắp tay phải vào tay trái/ Bên có trái tim và bên không có trái tim/ Bên hư vô và bên hữu hạn/ Bên không em, bên anh đứng một mình".( Đi chùa). "Nơi ngày xưa anh qua chỉ còn mây trắng/ Cô thanh niên xung phong giờ đã hoá bà già/ Nơi ngày xưa anh qua cỏ lau khép lối/ Máu đồng đội tưới khắp rừng, hoá dây dợ này chăng".(Mây trắng). Và, huyền minh thầm ấm ở đây nữa: "Anh vẫn biết/ Ngày phá bom, đêm san đường kiệt sức/ Nhưng các em ngủ thế đã đủ rồi/ Dậy đi các em/ Có rất nhiều quà tặng/ Lược đồi mồi và giấy viết thư/ Hộp kim chỉ và những chùm bồ kết/ Cả gương soi khuôn mặt lấm bùn/ Người thăm viếng nghĩ các em giải lao đâu đó/ Không nỡ hoá vàng mà gửi lại phấn son". (Đánh thức các em gái ở Đồng Lộc). Đọc thơ Hà Đình Cẩn, nhà thơ Đỗ Trung lai viết: "Thơ có đứng được giữa cuộc đời hay không không chỉ là những câu thơ hay, những bài thơ hay mà còn đòi hỏi những câu thơ có tư tưởng làm nên cái xương sống khoẻ khoắn đứng vững giữa đời sống vốn đã nhiều thơ". Có thể hiểu đó cũng là một cách nói khi Đỗ thi sĩ gặp những câu thơ nương ánh ướt phổ quang.

"Vừa chạy Lum vừa vịn vào cây rừng cho khỏi ngã vật xuống. Lum chạy như thế vẫn không kịp đám lính. Thằng Sốt dừng lại. Nó nhìn vào bụng Lum bằng đôi mắt trắng nhợt, vừa man rợ, vừa thèm khát. Nó nói với Lum hãy phá cái thai đi, chạy theo nó. Nó muốn lấy Lum nhưng không nhận cái thai vô thừa nhận Lum đang mang. Lum lạy nó. Thằng Sốt nhếch mép, bất ngờ đạp lên bụng Lum. Rừng vắng quá. Còn ai ở đây nữa không? Sao hoa ê - pa lại nở vào mùa này?... Bày thú dữ nhảy quanh đám lửa...Ai đó gọi thật vang..."

Đoạn này trong ký sự mang tên Stung - treng, viết bỏng rát, sống động và đầy nhạc điệu, có thể đọc ngân nga như đọc một đoạn Khan Ê Đê hay S'tiêng nào đó.

Nếu cứ khăng khăng sẽ chỉ sống trọn nghiên bút với văn xuôi thôi, nào có đơn giản vậy! Thơ - có khi nó nấp ngay bên lề trinh trắng trang văn như thời gian lặng lẽ tăm sôi mà anh chưa thình lình nhận thấy đấy thôi. Con người đã đo được thời gian có khi trước cả văn minh sông Hằng. Tôi dám bảo các nhà thơ còn biết cân thời gian xem nặng nhẹ thế nào từ thuở biết hát ca tiếng nói. Nhà thơ dụng chiếc cân thời gian khi mang niềm say, khi vấp nỗi buồn. Có phải vì thế nhiều nhà thơ mới nói một cách mĩ miều rằng thơ đứng về phe nước mắt. Một người lính cầm cả súng và cây bút như Hà Đình Cẩn tất nhiên đã trải đẫm nỗi niềm mặn nhạt. Và như thế thơ ông đa cảm, nhẹ êm như để khoả vợi những ưu tư, những khoảng trống trong lòng.Thơ Hà Đình Cẩn đọc chậm mới nhận lại dư ba, thi ảnh chứa chan không chói gắt. Vả lại, những câu thơ truyền sự ấm áp và cảm động sang ta phải chăng phần nhiều thường giản dị:

"Người tạc tượng nào gửi em vào rừng sâu
Để cánh tay trần dừng ngang điệu múa
Gỡ dây bìm trên vầng trán em
Tượng đá ngủ triền miên thức dậy
Cánh tay trần múa tiếp
Rừng già
Đột ngột
Trăng lên...
(Vũ nữ trong rừng)

"Nước như gương
Sợ chạm tay là vỡ
Cầm lòng thôi
Trả gió về ngàn
Trả nắng về đêm
Trả sông về biển
Trả bờ này. Tu hú gọi bờ kia...
Cây rút ruột xanh không còn gì để trả
Trả ngu ngơ về cho anh
(Mong manh)
 

Viết tại Thành Phố Vũng Tàu
H.Q