Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

MIẾU BÀ TRƯNG
TRÊN NÚI NGŨ LĨNH

Thu Tứ

Đọc báo Hà Nội Mới hồi đầu năm ngoái (2006), thấy ông Nguyễn Vinh Phúc cho biết ở tỉnh Hồ Nam bên Tàu có miếu thờ Trưng Trắc. Miếu lưu dấu trong thơ của Nguyễn Thực (thế kỷ 16) và Ngô Thì Nhậm (thế kỷ 18), hai vị quan từng đi sứ sang Tàu.(1)

À, việc này thì sách Lịch sử Việt Nam in năm 1983 đã có nhắc qua.(2)

Đọc báo mới xong, tìm sách cũ đọc lại, chợt thấy có một chi tiết khá quan trọng về miếu mà tuy báo và sách nói giống nhau nhưng hình như sự thực lại không phải là như thế!

Năm 1983 Trần Quốc Vượng viết có "miếu bà Trắc" ở phía nam hồ Động Đình. Năm 2006 Nguyễn Vinh Phúc cũng viết "miếu bà Trắc ở bên hồ Động Đình".

Lạ, hai tư liệu xưa duy nhất được đưa ra làm bằng chứng cho sự tồn tại của miếu là hai bài thơ của Nguyễn Thực và Ngô Thì Nhậm, hai tư liệu ấy chỉ nhắc núi Ngũ Lĩnh mà thôi, chứ có gọi đến tên hồ Động Đình đâu (3), tại sao trước ông     Trần sau ông Nguyễn lại cứ khăng khăng bắt miếu ở bên hồ?

Hồ Động Đình ở rất xa núi Ngũ Lĩnh!

Hồ Động Đình ở cực bắc tỉnh Hồ Nam, còn núi Ngũ Lĩnh ở cực nam tỉnh Hồ Nam, hồ cách núi cả chiều dài của một tỉnh Tàu!(4)

Miếu Bà Trưng nằm trên núi Ngũ Lĩnh, chứ không phải bên hồ Động Đình.

*
Về nguồn gốc ngôi miếu độc đáo, Nguyễn Vinh Phúc liên hệ nó với việc Mã Viện đã bắt hơn 300 "cừ súy" người Việt đem về an trí bên Tàu sau khi đánh thắng Hai Bà. Ông cho rằng những người Việt bị đày biệt xứ đã cùng nhau xây lên một chỗ để thờ vua cũ của mình.

Tưởng có thể như thế lắm. Và nếu thế thì khi Ngô Thì Nhậm ghé thăm, miếu đã "trơ gan cùng tuế nguyệt"(5) ròng rã mười bảy thế kỷ!

Từ bấy tới nay, sau khi "trơ" thêm hai trăm năm nữa, vết cũ trên đất Hồ Nam liệu có còn lại được chút gì chăng...

*
Cái viên tướng Tàu già ấy "làm ăn" chu đáo.(6) Thắng trận rồi, để ngừa ta lại vùng dậy, y chọn bắt những thủ lĩnh nghĩa quân "cừ" nhất mà đem về đày ở Linh Lăng (Hồ Nam). Mất hơn 300 "đầu", quả nhiên sau đó dân Giao Chỉ - Cửu Chân không khởi nghĩa được nữa.

Đã bắt người giỏi của ta đem đi, Mã Viện vẫn chưa yên tâm. Y lùng thu trống đồng, đem nấu chảy mà đúc ngựa (vốn y họ Ngựa!).(7) Trống đồng Ðông Sơn tượng trưng cho quyền uy lãnh đạo.(8) Để trống còn, sớm muộn sẽ có những người Việt giỏi khác thừa kế trống hô hào dân Việt nổi dậy. Phá trống, sẵn đồng, đúc ngựa chơi!

Ngựa đúc xong, thừa đồng, bèn đem đúc cột. Cái câu "Ðồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" vốn ngụ ý gì? Cái đất Giao Chỉ độc lập bướng bỉnh Mã Viện vừa mới diệt xong, đâu còn trên đời nữa mà đem buộc sự mất còn của nó vào với một cây cột?!

*
Bài thơ của Nguyễn Thực có câu:

"Đồng trụ Trưng Vương lưu cựu tích".

Tức ngay bên cạnh đền thờ Bà Trưng ở Hồ Nam cũng có cột đồng.

Vì Mã Viện đã dựng cây cột bên ta, phải chăng vẫn chính y đã dựng cây cột bên Tàu?

Nguyễn Vinh Phúc cho sau khi đưa các cừ súy Việt về tới nơi, Mã Viện đã dựng cột để khoe chiến công, còn đền thì do các thủ lĩnh ta xây sau đó để "khẳng định bản lĩnh của cộng đồng mình".

Tưởng sự việc cũng có thể đã xảy ra ngược lại. Người của ta xây đền tưởng niệm trước, rồi Mã Viện cho dựng cột sau để "dằn mặt" đám người Việt lưu vong...

Dù sao, không đem họ ra giết ngay tại chỗ mà chỉ bắt phải qua Tàu ở, rồi lại cho họ lập đền để thờ một tên "nghịch tặc", cách cư xử của kẻ mê ngựa đồng cột đồng ấy kể cũng đáng chú ý.

*
Ba trăm hào kiệt thất thế có được đem vợ con theo không nhỉ?

Dù sao, họ đã truyền lại được một cái ấn tượng về quá khứ của tổ tiên mạnh mẽ đến nỗi sau hàng năm bảy chục đời nơi đất khách mà hương khói vẫn chưa quạnh quẽ ở đền thờ Bà. Biết rằng thời gian luôn bóp, vặn sự thật, rằng sau bao nhiêu lần kể đi kể lại, đến lúc nào đó câu chuyện đã hóa thành cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng trên đất Hồ Nam (!), nhưng thiết tưởng có sao đâu. Ðiều quan hệ là cái tinh thần bất khuất, cái lòng đau đáu cội nguồn.

Bên Tàu nhờ chữ viết có khi biết được tổ tiên xưa đến hàng trăm đời (như trường hợp cháu chắt Khổng Tử). Ở Hồ Nam bây giờ có còn ai đó tin mình là dòng dõi của những người đã theo Bà Trưng đánh Mã Viện xưa kia không?

Thu Tứ
2007
(Để đọc thêm Thu Tứ, xin mời viếng trang GOCNHIN.NET)
____________________

(1) Nguyễn Vinh Phúc, Miếu Thờ Trưng Vương Trên Đất Hồ Nam, Hà Nội Mới, số ra ngày 13/2/2006.

(2) Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam, nxb. Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1983, tập I, tr. 268.

(3) Bài "Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh" (về Nam đến rặng núi Ngũ Lĩnh) của Nguyễn Thực:

"Ngũ Lĩnh điêu nghiêu trấn Việt thùy
Hứa đa cảnh trí chiếm thanh kỳ
Uất thông đông hậu thùy thiên cán
Nùng diễm xuân tiền mai nhất chi
Đồng trụ Trưng vương lưu cựu tích
Thạch nhai Trưng tướng phục tùng từ
Phong cương tự cổ phân trung ngoại
Thậm tiễn thiên công xảo thiết thi",


bài "Phân Mao lĩnh" (Núi Phân Mao) của Ngô Thì Nhậm:

"Nhất đái thanh sơn Sở, Việt giao
Hoàng Mao dịch lộ nhận Phân Mao
Thiên thư bất tận Hành Sơn Lĩnh
Địa khí hoàng phù Nhạn Trạch Mao
Trưng Trắc kiếm mang khai động phủ
Uy Đà quế đố lạc sơn sào
Phong lai giải uấn tây nam lợi
Vị ứng Hùng Bi vạn nhận cao".
Hai bài thơ, không bài nào nhắc đến bất cứ cái hồ nào!

(4) Cụ thể, hồ Động Đình ở khoảng vĩ tuyến 29, núi Ngũ Lĩnh ở khoảng vĩ tuyến 25, cách nhau khoảng 450km (xem Wikipedia.org, mục Nanling Mountains và mục Dongting Lake.)

(5) Bài Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan.

(6) Mã Viện là một danh tướng của nhà Hán, khi đi đánh Hai Bà Trưng đã 70 tuổi (xem Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, chương XI).

(7) Việc này chép trong Mã Viện Truyện của Hậu Hán Thư (xem Nguyễn Duy Hinh, Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, VN, 2004, tr. 93).

(8) Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, như Trần Quốc Vượng.