Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]            [ Tác giả ]

Con trai

Quỳnh Chi

What are little girls   made of, made of?
What are little girls   made of?
Sugar  and spice, and everything nice,
That's what little girls   are made of.
What are little boys   made of, made of?
What are little boys   made of?
Snips and snails  , and puppy dog  tails,
That's what little boys  are made of.
(Mother Goose Songs, What Are Little Girls Made Of? What Are Little Boys Made Of?)

Con gái được nặn bằng gì ?
Bằng đường, gia vị những gì dễ yêu
Con trai nặn bằng ốc bươu
Bằng đuôi chó cún với nhiều mảnh chai ...
( Quỳnh Chi phỏng dịch )

Hôm nay Y đi làm về rất sớm, vào buổi xế trưa. Tàu xe vào buổi trưa không đến nỗi chật cứng như sáng sớm là giờ đi làm, nhưng hôm nay Y không tìm được ghế trống, bèn đứng ở đầu một toa tầu, để có thể tựa vào cánh cửa ngăn giữa các toa tầu với nhau và chỗ ấy kín gió  hơn là đứng gần cửa ra vào.

Y để cặp sách lên giá hành lý phía trên hàng ghế ngồi, và cởi khăn choàng cổ cho bớt nóng vì trong tầu mùa này người ta mở máy sưởi rất ấm.  Như một phản xạ tự nhiên, Y nhìn vào cánh cửa kính ngăn hai toa tầu để sửa lại mái tóc sau khi  cởi khăn. Thường thường khi tàu đông người, phía bên kia cửa thường cũng có người đứng tựa vào đó, nên màu áo -nhất là các áo khoác màu đen hay xám sẫm -vô tình thành như lớp thủy ngân dưới đáy gương, các cánh cửa kính liền có công dụng như gương soi. Nhưng hôm nay không có ai đứng gần chỗ cửa ấy, Y không soi gương được, mà nhìn thấy suốt cả lòng toa tầu bên kia, có vẻ vắng người hơn toa bên này, hình như có một vài ghế ngồi còn bỏ trống. Từ đây về tới nhà khoảng nửa giờ, và tối hôm trước thiếu ngủ, Y cũng muốn mở cửa đi sang toa bên đó để ngồi nghỉ.  Nhưng một hình ảnh bỗng đập vào mắt khiến Y chăm chú nhìn hồi lâu, quên cả chuyện mở cửa đi sang toa bên ấy.

Đó là một cậu bé học sinh tiểu học, mặc đồng phục mầu xanh đậm, lưng đeo chiếc cặp sách như một túi ba lô bằng da đen bóng khá to nặng và cồng kềnh, đầu đội chiếc mũ lưỡi trai cùng màu xanh đậm, chân đi giầy đen và vớ đen ngắn đến cổ chân. Đây là bộ mũ áo đồng phục điển hình của các học sinh tiểu học tư thục ở Nhật. Trẻ em học tiểu học công lập thường đi bộ tới trường ở trong khu phố của mình,  và không cần đồng phục. Chỉ các trẻ học tư thục mới mặc đồng phục, và mới đi xe điện để đi học, vì phần lớn đều ở xa ngôi trường mà cha mẹ muốn cho các em vào học.

Các trường tư thục tiểu học không cho  phép cha mẹ đưa đón con, mà buộc học sinh phải tự mình đi xe điện tới ga gần trường rồi đi bộ vào. Nếu trường học ở xa ga,  còn phải đón xe buýt để vào trường, hoặc nếu đó là trường lớn có xe buýt riêng để chở học sinh, xe buýt của trường sẽ chờ đón học sinh vào trường cũng như đưa ra ga, sau giờ tan học.

Khi con mới vào trường tiểu học T., Y và các bà mẹ cũng chỉ  được phép đưa đón con trong tuần lễ đầu tiên mà thôi.?Các bà mẹ được phép đi cùng tới ga gần trường và dẫn con tới trạm  xe buýt của trường, cách đó vài trăm mét, để có thể biết rõ đường đi hầu căn dặn con mọi chuyện phải chú ý khi đi tầu xe, hay đi trên đoạn đường từ ga tới trạm xe buýt.  Sau tuần lễ đầu, các em học sinh mới vào lớp một nhưng đã phải tự đáp tàu xe đi học một mình, cho dù có những gia đình ở xa trường đến 2 giờ tàu. Gia đình nào ở cùng ga, hoặc gần trường,  và cho dù phần lớn các nhà Nhật đều có xe riêng, cũng không được phép đưa con đi học bằng xe nhà, mà trường quy định buộc học sinh phải đi bằng xe buýt công cộng tới trạm xe ở gần trường.

Cậu bé học sinh đứng ở toa bên kia có vẻ cao khoảng chưa tới một mét hai ba chi đó, Y đoán cậu bé này học lớp ba hay lớp tư. Đường tầu nhà Y có khá nhiều trường tiểu học tư thục ở các ga dọc đường, buổi sáng sớm các cô  cậu bé con này lọt thỏm vào giữa rừng người đi học đi làm, nhưng nếu lên tàu nhằm giờ tan học Y vẫn thường bắt gặp từng tốp học sinh tiểu học trong các bộ đồng phục xinh xắn.

Gặp một cậu bé học sinh mặc đồng phục trên toa tầu thì có gì đáng để ý đâu  nhỉ, nhưng hôm nay cậu bé con ấy đã khiến Y phải chú ý vì thấy thương quá là thương. Cậu bé đứng ngay giữa toa tầu, chỗ có cửa ra vào , mặc dầu hai dẫy ghế ngồi sát thành tầu vẫn còn chỗ trống. Thường thường ở Nhật các bà mẹ cũng hay bắt con đứng lên để nhường chỗ cho người lớn, chỉ các em nhỏ còn học mẫu giáo mới được ngồi. Có một số trường tiểu học tư thục nghiêm khắc thì cấm hẳn, không cho học sinh được ngồi ghế trên xe điện, cho dù lúc lên xe vẫn còn có ghế trống. Y còn nhớ khi con mới vào lớp một ít lâu, có hôm đi làm về, tình cờ trùng với giờ tan trường của con, thấy con và các bạn có vẻ mệt nhọc đang cởi chiếc cặp nặng trĩu sau lưng đặt xuống sàn tầu, rồi ngồi thụp xuống bên cạnh chiếc cặp, ở một góc toa tầu, mặc dầu gần đó có ghế trống. Bất giác Y tiến đến gần, định xách cặp lên cho con, thì con đã vội đứng lên, lắc đầu, xua tay, ra dấu cho mẹ đi sang toa tầu khác.

Cậu bé hôm nay cũng vậy, cậu không được phép ngồi có lẽ là theo quy định của trường. Lúc đầu Y thấy cậu bé lảo đảo, ngỡ là chiếc cặp sách sau lưng quá nặng, mà con tàu có khi rung lên, nhồi lắc, khiến cậu đứng không vững. Người lớn như Y, dù không tựa được vào thành tàu hay cửa tàu, cũng có đủ chiều cao để nắm lấy những chiếc vòng buông từ trần xe- gọi là tsurikawa-, để khỏi bị ngã trong khi tàu chạy. Nhưng các cô cậu bé này không đủ cao để với tới chiếc vòng tsurikawa. Chỉ có một cách là đứng gần cửa để nắm vào các cột hay các thành ghế ở hai đầu dẫy ghế ngồi. Nhưng cũng có nhiều người hay đứng dựa vào các thành ghế này. Cậu bé đành đứng giữa toa tầu. Đến khi cậu bé quay mặt về phía Y , Y mới biết là cậu đang nhắm nghiền đôi mắt lại mà ngủ gà ngủ gật. Hai chân cậu đứng hơi cách nhau độ hai bước chân, có lẽ  để giữ thăng bằng, nhưng cậu vẫn loạng choạng,  đầu thì lúc gục xuống, lúc gật gù, lắc lư, lảo đảo như những người đàn ông đi làm về khuya say rượu. Có lúc cậu bé ngửa mặt lên thấy rõ hai mắt đang nhắm nghiền, làm Y cứ thắc thỏm chỉ lo cậu sẽ bị ngã ngửa. Càng về sau cậu càng lảo đảo hơn và chập choạng , cứ xoay vòng vòng vẫn tại chỗ đứng. Cuối cùng áng chừng không thể chịu nổi nữa, cậu nhích dần tới gần cửa ra vào phía bên phải, áp đầu tựa vào cánh cửa của toa tầu.   Y nhớ đã lâu lắm rồi người ta dặn chớ có tựa vào cánh cửa ra vào của toa tầu, vì nếu do một trục trặc máy móc nào đó mà cửa tự động mở toang ra thì vô cùng nguy hiểm, nên hết sức lo lắng nhìn chừng cậu bé. Quả nhiên, tuy đang ngủ gật nhưng có lẽ cậu bé vẫn nhớ lời căn dặn, nên chưa đầy một phút sau, cậu bé lại rời cánh cửa, loạng choạng tiến ra giữa toa tầu, lại gật gù và lảo đảo như cũ, hai mắt vẫn nhắm nghiền, lần này lại quay mặt về cửa ở phía bên trái của con tầu.

Hôm nay Y lên nhằm loại tàu đặc biệt chỉ ngừng hai ga duy nhất trên đoạn đường dài mười mấy ga, và tầu đi khá nhanh, chẳng mấy chốc đã gần đến ga tới. Bấy giờ Y mới sực nhớ, vội lấy giấy bút ra ký họa thật nhanh, nhưng chỉ mới vạch được vài đường, thì đã tới ga.  Cậu bé nẫy giờ đã nhích dần tới cửa hơn khiến Y không thể nhìn thấy cậu. Không nén được tò mò, Y mở cửa toa nhìn sang, hóa ra cậu bé đã bước ra khỏi toa xe, xuống ga Shinyuri ga oka.

Bức hình ký họa nghệch ngoạc của Y chỉ có hình mỗi chiếc cái mũ và chiếc cặp sách to tướng trên lưng, vì rủi là lúc đó cậu bé đang quay lưng lại phía Y. Y tiếc sao mình không nhanh trí nhớ ra việc nên ghi lại hình ảnh này từ lúc đầu, khi cậu bé còn quay mặt lại phía Y. Đó là một khuôn mặt nhỏ nhắn, thanh tú trông thật dễ thương. Đôi mắt cậu bé nhắm nghiền nên Y không thể biết đó là một cậu bé hiền lành ít nói hay liến thoắng nghịch ngợm.

Chỉ có điều là khuôn mặt của cậu bé hôm nay rất giống Đai, bạn của con khi còn học tiểu học. Đai có nét mặt rất thanh tú thừa hưởng từ bà mẹ tuyệt đẹp, đôi mắt tinh anh vô cùng lanh lợi. Cậu thông minh giỏi giang, khi nào cũng có tên lọt vào danh sách top 5 của các học sinh giỏi, lại chạy rất nhanh, được chọn vào số 10 vận động viên dẫn đầu các cuộc chạy đua marathon đoạn đường 5 km dành cho học sinh tiểu học, trong ngày lễ thể dục hàng năm của trường.

Học sinh tư thục không thể nào gặp nhau thường xuyên sau khi tan học, như các trẻ em cùng xóm, vì vậy phải chờ ngày nghỉ mới hẹn đến nhà nhau chơi được. Năm ấy con Y đang học lớp tư, một số bạn của con trong đó có Đai đến chơi vào một ngày hè. Trong đám trẻ, Đai gầy gò hơi thấp bé, thế nhưng có tài làm đầu đàn chỉ huy lũ bạn trong mọi trò chơi. Trước khi lũ trẻ sắp ra về, Y lấy cho bọn trẻ xem cuốn sổ sưu tập các loại tiền các nước, nhất là các đồng bạc kim loại, mà Y thường dặn chồng đem về cho con. Giở bất cứ trang nào ra Đai cũng rút từng tờ giấy bạc ra khỏi file bằng nylon, ngắm nghía thật lâu, và hỏi :

-Bác còn dư tờ nào cho cháu không, cháu thích quá.

Vì lũ trẻ khá đông, nên cho dù có dư một vài tờ, Y cũng không dám lấy ra cho riêng một mình Đai được. Sau chợt nhớ, Y lấy ra một hộp tiền 1 xu của Mỹ. Đây là tiền xu mà ông bà ngoại cho con Y, để bỏ vào ổ khóa của chiếc lọ thủy tinh, chơi trò mua sô cô-la. Y bảo bọn trẻ có thể lấy vài đồng làm kỷ niệm.

Đai hỏi:

-Juu mai wo totte mou ii desuka ? ( Cháu lấy 10 cái được không ạ ?)

Y gật đầu cho phép. Đai liền nhặt lên 10 đồng xu. Các cậu bé khác cũng nhặt theo. Đai lại nài nẵng:

-Bác ơi, cháu lấy thêm một phần về làm quà cho em gái cháu bác nhé ?

Bọn trẻ con đua nhau kêu la í ới:

-Zư rưi ! Zư rưi ! ( Láu cá ! )

Đai lấy thêm phần của em nó, xong rồi Y mới tới lấy hộp, toan quay đi, bỗng nghe lũ trẻ vật nhau và kêu oai oái đằng sau. Và chúng gọi Y:

-Bác ơi, bạn Đai chơi xấu!

Gì nữa đây ? Y quay lại. Một đứa bạn to con đang khóa tay Đai, trong bàn tay vẫn còn nắm chặt một tờ đô la, mà không biết Đai đã lấy từ đâu vào lúc nào. Một đứa bạn khác rút tờ đô la ấy ra được nhưng mất đà, khiến tờ bạc rơi xuống. Nhanh như cắt Đai đã thò chân ra, vừa khoèo vừa dẫm, vội giữ chặt tờ bạc dưới gót chân, miệng phân bua:

-Boku wa ni juu mai shika tottenai yo! ( Cháu chỉ lấy có 20 "mai " thôi mà !)

Rồi Đai móc hết tiền trong túi ra đếm hẳn hoi. Cộng cả phần của nó và em nó lại: có 19 đồng xu và 1 tờ giấy tiền 1 đô la.

19 đồng tiền kim loại được đếm là "19 mai ". Chữ "tờ" khi đếm " 1 tờ giấy " cũng là chữ " mai" , tức " 1 mai".

Vậy thì "19 mai" cộng với "1 mai", đúng là "20 mai" !

Hóa ra dưới đáy hộp có cả tiền giấy 1 đô la được gấp nhỏ, mà Y không nhớ, không để ý.

Hỏi chuyện mới biết mẹ Đai, rất hiền, đã tâm sự là bà cũng bó tay vì không trị nổi cậu con. Bà bảo Đai thường xuyên là "chi-nô han" ( thủ phạm thông minh) của nhiều trò nghịch ngợm tinh quái. Bố cậu là một bác sĩ ngoại khoa chuyên phụ trách các ca mổ tim, rất mát tay, nhiều bệnh nhân, nên hầu như ông ở luôn trong bệnh viện. Khi Đai còn bé, mỗi khi bố về nhà, rồi sáng hôm sau lại trở về bệnh viện, Đai thường giơ tay vẫy chào bố:

-Bye bye, mata kite ne ! ( Khi nào lại tới chơi nữa nhé)

vì cậu tưởng bố là người khách nào đó. May sao mà về sau bố mẹ Đai dọn tới một ngôi biệt thự thật lớn, mời ông bà về ở chung, và khi đó có ông ở nhà mới trị được cậu "quý tôn" nghịch ngợm này. Đai đã thi đỗ vào một trường đại học Y khoa nổi tiếng, nay đang nội trú tại bệnh viện cũng của đại học.

Con Y và các cô cậu bé con hàng xóm quanh nhà có lẽ thuộc thế hệ cuối cùng trước khi Nhật bản bước vào thời kỳ của khuynh hướng sinh ít con. Quanh ga nhà Y, các cửa hàng bán quần áo trẻ em, hay chuyên bán đồ chơi sách vở  cho trẻ em thu hẹp dần rồi biến mất hẳn, thay vào đó là các boutique bán quần áo cho các bà lớn tuổi, hay các hiệu trò chơi điện tử, hát karaoke. Xe buýt của trường mẫu giáo cũng không còn tới đón trẻ em trong khu  cư xá nhà nhân viên ngân hàng trong xóm nhà Y. Các bà hàng xóm nhà Y bỗng  rủ  Y cùng xin ra khỏi Chonai-kai tức là Hội các tổ lân gia trong phường khóm, mà Y cũng đã từng luân phiên giữ chức tổ trưởng, hay làm trưởng ban Thiếu nhi lo tổ chức các trò chơi hội hè cho trẻ trong suốt một năm. Lý do là vì trẻ con lớn hết cả rồi, mấy bà mẹ muốn nghỉ ngơi việc phường khóm ít lâu, trước khi sẽ đến tuổi vào Hội cao niên. Nhất là vì nhà ông Yamada  cách nhà Y một căn có ba con, mà cậu con út dường như cũng đã lên trung học đệ nhất cấp, bỗng dọn đi trước Tết, trong xóm thế là không còn một đứa trẻ nào.

Ấy vậy mà tới tháng tư, sau khi căn nhà cũ của ông bà Yamada được sửa sang sơn phết lại, có một gia đình mới dọn tới, mà ngoài chiếc xe hơi trong garage, còn có tới mấy chiếc xe đạp vừa của người lớn vừa của trẻ con. Khi người cha đã lái xe đi rồi, mấy chiếc xe đạp nhỏ hầu như không bao giờ được dựng đứng đàng hoàng trong sân, mà bao giờ cũng bị bỏ nằm dài trên mặt đất, như những con ngựa đang nằm ngã lăn ra, khiến Y không khỏi bật  cười nhớ  có ai đó gọi chiếc xe là "con xe ". Chủ nhân của mấy "con xe" này là ba cậu nhóc tì, đầu húi cua ngắn ngủn. Khi vừa dọn tới,  ông bố bà mẹ của ba chú nhỏ có dẫn cả ba chú đi chào hàng xóm. Họ đứng lố nhố một đoàn trước cửa mỗi nhà, hai ông bà còn lấy hai tay vít đầu bọn trẻ cho chúng cúi gập người xuống, lễ phép chào theo phong cách Nhật Bản.

Mùa xuân năm ấy lại nhằm lúc chồng Y đi nước ngoài cả một niên khóa, con thì muốn thuê nhà ở riêng để tự lập. Chỉ còn mỗi mình Y ở nhà.  Sáng nào cũng vậy, trong lúc Y đang loay hoay dọn dẹp và sửa soạn cho buổi sáng, bỗng nghe có tiếng bấm chuông ngoài cửa, vội vàng chạy tới nhìn vào màn ảnh của chiếc chuông nhưng chẳng thấy ai, và mặc cho Y hỏi cũng chẳng có ai trả lời. Sau nhiều lần như thế, Y mới biết là tiếng chuông thường vang lên vào khoảng sau 8 giờ sáng, và có lẽ có ai đó bấm chuông rồi bỏ đi.  Buổi chiều đi làm về, cũng hay thấy chú thỏ con ngồi ôm chậu hoa trong sân cạnh nhà bị ngã lăn chiêng, làm chậu hoa rơi ra ngoài sân, các cây trồng trong chậu khác cũng bị ngã đổ tuy trời những hôm ấy hình như không có gió to.  Nhiều nhiều lần cứ tiếp diễn mãi, bấy giờ Y mới đoán ra là có ai phá phách.  Y mới chợt nhớ ra rằng để đến trường tiểu học công lập số 6 dành cho học khu này cho kịp vào lớp lúc 8 giờ rưỡi sáng, trẻ con trong xóm thường phải rời nhà vào khoảng 8 giờ sáng. Như thế thì thủ phạm bấm chuông chắc chỉ là mấy chú nhóc hàng xóm đi học mỗi sáng qua cửa nhà Y mà thôi.

Y đã bật cười nhủ thầm: " Mình chỉ cần đứng ở trên gác chờ đến gần 8 giờ nhìn xuống là sẽ thấy mấy chú bé này đi ngang cửa nhà mình, thậm chí có thể cầm sẵn máy ảnh nhô ra khỏi ban công chụp được đúng lúc thủ phạm đang giơ tay bấm chuông ngoài ngõ là khác."

Nhưng Y chỉ nghĩ vậy thôi, chứ chẳng bao giờ nỡ làm vậy. Dần dần Y nghe bấm chuông mà cảm thấy vui, y như thể là mấy đứa bé đang lên tiếng chào " Thưa bác, con đi học ". Nhà vắng vẻ quá, tự nhiên như có sự hiện diện dù một cách gián tiếp của trẻ con, nay ấm cúng hẳn lên.

Một hôm, buổi chiều đi làm về sớm, Y thấy một trong ba cậu bé húi cua đang đứng trong sân trước nhà bà hàng xóm ngay cạnh nhà Y, đùa giỡn với con chó nhỏ của bà. Y vào nhà, chưa kịp thay áo đã vội vàng bưng nước ra vườn tưới hoa. Thấy cậu bé vẫn còn chơi với con chó và bà hàng xóm, Y bèn bước sang chào bà, đoạn quay sang hỏi cậu bé:

-Cháu đi học về rồi đấy hả, không đi đá bóng hay chơi dã cầu à ?

Cậu bé gật đầu " Ưn " ( Dạ) nho nhỏ, rồi lắc đầu (ra chiều không đi chơi thể thao) hai mắt ngơ ngác nhìn lên. Chắc là hôm mới tới và đi chào hàng xóm, cậu bé bị bố mẹ ấn đầu chỉ lo cúi gập người xuống chào, mà không nhìn lên nên cậu không nhớ mặt Y. Hay là tại vì hôm trước ở nhà Y ăn mặc xuềnh xoàng, khác hẳn với hôm nay vẫn còn trong bộ áo mặc khi đi làm.

Bà hàng xóm hỏi Y:

-Lâu rồi không thấy cậu con trai của bà về nhà cuối tuần ?

-Vâng, cháu mải đi chơi với bạn càng ngày càng ít về nhà. Nghĩ lại lúc con trai cỡ tuổi như cậu bé này thật là dễ thương bà nhỉ.

Và Y khẽ xoa đầu cậu bé, khiến cậu có vẻ hơi lúng túng, ngượng nghịu.

Bà hàng xóm giải thích cho cậu bé:

-Anh con trai của bác này không còn ở chung nên bác  buồn, bác bảo lại muốn có một đứa dễ thương như cháu đến ở với bác cho vui. Bác mới bảo cháu dễ thương đấy. Cháu có muốn sang chơi nhà bác này không ?

Cậu bé hỏi:

-Nhà bác ở đâu ạ ?

Bà hàng xóm lại cười bảo:

-À, bác này hễ ở nhà cũng thường ở trong nhà suốt ngày ít khi ra cửa, nên cháu không biết mặt bác phải không ? Nhà bác ấy ở đây này.

Cậu bé nhìn theo ngón tay của bà hàng xóm đang trỏ sang nhà Y, đôi mắt cậu bỗng mở tròn xoe, rồi ngượng ngùng bẽn lẽn cúi xuống.

Từ sau hôm ấy, tiếng chuông cửa vẫn vang lên lúc 8 giờ sáng bỗng im bặt, và các chậu hoa trong vườn cũng không bao giờ còn lăn ra nằm nghiêng ngả nữa. Thật là kỳ diệu !

Vâng, con trai nghịch lắm, mà cũng dễ thương vô cùng, dễ thương lắm lắm, chẳng khác gì con gái, đâu ạ. (***)

Quỳnh Chi
(11/2/2011)

(***) Xin mời đọc "Con gái" ở đây:    http://chimviet.free.fr/truyenky/quynhchi/qychn069.htm