Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang Chủ ]           [ Tác giả ]

36 câu nói của người xưa

Nguyễn Dư

Tục ngữ, châm ngôn, thành ngữ, phương ngữ Việt Nam đã được nhiều học giả để ý sưu tầm, giải nghĩa từ khoảng một trăm năm nay. Sách viết bằng chữ hán, chữ nôm vừa hiếm, vừa khó hiểu nên dần dần bị quên lãng. Sách còn được lưu truyền đến ngày nay, hầu như chỉ có sách viết bằng chữ quốc ngữ. Coi như chữ quốc ngữ đã loại được chữ " thánh hiền " và chữ " nôm na ". Đáng ngạc nhiên hơn nữa là trong số những người đi tiên phong trong việc truyền bá chữ quốc ngữ lại có cả người Pháp. Trong lúc người Việt còn bàn cãi thì một vài người Pháp đã bắt đầu viết sách bằng chữ quốc ngữ về... tục ngữ, thành ngữ Việt Nam. Có thể kể:

- Sách Chrestomathie Annamite (Quảng tập viêm văn) của"Dáo (giáo) học Ngô Đê Mân" (Edmond Nordemann, professeur au Collège des Interprètes, Trường Thông Ngôn). Edmond Nordemann (viết tắt EN) cũng là người sáng lập ra Société tonkinoise d'Enseignement mutuel (Hội Trí Tri). Sách Quảng tập viêm văn được xuất bản năm 1898 tại Hà Nội, gồm 180 bài phương ngữ Bắc Kỳ, kèm theo một tập từ vựng giải thích. Thiên thứ chín sưu tầm "Nhời ví mấy câu ví, dọn theo vần A, B, C ". Nhời ví, câu ví là những câu tục ngữ và thành ngữ được phổ biến đến tận ngày nay. Sách còn cho người đọc thấy được tình trạng chữ quốc ngữ tại Bắc Kỳ hồi cuối thế kỉ 19.

- Các bài biên khảo về Croyances et Pratiques Religieuses des Viêtnamiens (Tín ngưỡng và nghi thức tôn giáo của người Việt Nam) của Léopold Cadière (LC), được viết trong khoảng từ năm 1901 đến 1912. Năm 1957, trường Viễn Đông Bác Cổ tại Paris tập hợp các bài viết và in thành sách. Sách được tái bản năm 1992. Trong mục Philosophie populaire: Cosmologie (Vũ trụ quan ) Léopold Cadière sưu tầm được nhiều câu tục ngữ liên quan đến súc vật.

Về phía các tác giả Việt Nam, có rất nhiều sách. Tuy nhiên, các sách nghiên cứu có hệ thống, chuyên sâu về tục ngữ thì không nhiều. Xin nêu ra một số tiêu biểu :

- Tục ngữ, phong dao (1916) của Nguyễn Văn Ngọc (NVN) sưu tầm được hơn sáu nghìn năm trăm (6500) câu tục ngữ, thành ngữ và nhiều bài phong dao (ca dao).

Nguyễn Văn Ngọc là người đầu tiên làm công việc sắp xếp các câu tục ngữ, các bài phong dao theo thứ tự A, B, C..., và theo số chữ của câu. Rất tiện cho việc tra tìm.

- Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam (in lần thứ tám, 1978) của Vũ Ngọc Phan (VNP) sưu tầm và sắp xếp các câu nói, bài ca theo đề tài (Vũ trụ, con người và xã hội, quan hệ thiên nhiên, quan hệ xã hội...). Sách sưu tầm được nhiều bài chống thực dân, đế quốc của nhiều sắc dân. Vì các câu nói, các bài ca được sắp xếp theo nội dung, đề tài nên rất khó tra tìm theo câu chữ cụ thể.

- Thành ngữ-tục ngữ Việt Nam (2007) của Thuỳ Linh (TL) sưu tầm thêm nhiều câu mới, đặc biệt là cả những câu của đầu thế kỉ 21. Thuỳ Linh tiếp tục làm công việc đã được Nguyễn Văn Ngọc bắt đầu gần 100 năm trước.

Tiếc rằng cả năm tác giả tây và ta kể trên chỉ sưu tầm các câu nói. Không giải nghĩa. Sách có giải nghĩa thành ngữ và tục ngữ tương đối còn hiếm. Đáng kể là:

- Thành ngữ tiếng Việt (1978) của Nguyễn Lực và Lương Văn Đang (LĐ).

- Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989) của Nguyễn Lân (NL).

Bên cạnh các ghi chép còn phải kể thêm một ít tranh vẽ, minh hoạ các câu nói:

- Bộ tranh Technique du peuple Annamite (Kĩ thuật của dân An Nam) của Henri Oger, xuất bản năm 1909, sưu tầm được 36 câu tục ngữ, thành ngữ.

- Sách Imagerie populaire vietnamienne (1960) (Tranh dân gian Việt Nam) của Maurice Durand sưu tầm thêm được 13 câu.

Bài này giới thiệu 36 câu nói trong bộ tranh Oger.

- Các tranh được đánh số 1, 2, 3...8. Các câu nói của mỗi tranh được ghi a, b, c...

- Chữ nôm đọc từ trên xuống dưới và từ phải sang trái. Chỗ nào sai sẽ được nêu ra.

- Các chữ viết tắt (NVN, VNP...) là tên tác giả của sách được tham khảo.

Tranh 1
a - Ngỗng ông lễ ông (LC, NVN, LĐ, NL).
(Prendre) l'oie de quelqu'un pour la lui offrir (LC).
Remercier quelqu'un avec ses propres bienfaits (Gustave Hue)
Ý nói: Vật biếu người ta chẳng qua cũng chỉ là của của người ta (NL).
Giải thích của Nguyễn Lân (NL), Léopold Cadière (LC) và Gustave Hue hơi lủng củng, khó hiểu. Đồ biếu của mình là... đồ của người ta? Hoá ra Ngỗng ông lễ ông là ăn trộm mang đồ trả lại cho người bị mất trộm à? Đến cửa quan (công môn) thú tội, lạy ông tôi ở bụi này, để được... vào tù à? Dân đen dại dột, ngu xuẩn như vậy sao? Nhất định là không! Quan không hiểu lòng dân chứ dân thì đứa nào cũng... đi guốc trong bụng quan!
Không hiểu Ngỗng ông lễ ông muốn nói gì để tố cáo nạn quan ăn hối lộ, hà hiếp dân đen?

b - Sáng trăng bà về vậy.
Sáng trăng suông bà về vậy (NVN).
Chữ vậy ở cuối câu nói cho thấy sự thất vọng của người đàn bà. Về vậy có nghĩa là đành phải về.
Ngày xưa, ở thôn quê cũng như ở thành thị, sáng trăng là dịp trẻ con rủ nhau vui đùa trong xóm, ngoài ngõ. Nhưng sáng trăng lại bất tiện cho những việc làm lén lút như trộm cướp, hẹn hò bất chính. Dường như người đàn bà trong tranh đang gặp tình cảnh này. Bà muốn " đi đêm" nhưng trăng cứ sáng vằng vặc, rõ như ban ngày thế kia thì... hỏng chuyện! Bỏ về là vừa.
Nghĩa bóng của câu nói : định làm chuyện mờ ám nhưng không thành.

c - Già chơi trống bỏi ( LĐ, NL).
Già còn chơi trống bỏi (NVN, TL).
Ám chỉ người già lấy thêm vợ trẻ (LĐ).
Chê những người già vẫn có những việc làm không đứng đắn, không còn xứng với tuổi của mình nữa (NL).
Ngày nay ám chỉ các cụ động cỡn, đú đởn thích " chơi " tin (teen).

d - Khóc đống bòng bong (có tấm bia khắc chữ Mộ chí)
Mồ cha không khóc, khóc đống mối,
Mồ mẹ không khóc, khóc bối bòng bong (NVN).
Mồ cha chẳng khóc, khóc đống mối (NL).
Chê người tha thiết đến một việc không phải là phận sự của mình (NL).
Chê cười kẻ không thương cha, thương mẹ đẻ của mình mà lại vớ vẩn đi thương ông nọ, ông kia ở mãi tận đâu đâu.

Tranh 2
a - Nuôi ong tay áo (EN, LĐ, NL).
- Nuôi ong tay áo; nuôi khỉ dòm nhà (LC).
Nuôi dưỡng, giúp đỡ kẻ xấu có thể phản bội lại mình (NL-LVĐ).
Giúp đỡ, che chở một kẻ sẽ phản bội mình (NL).
Câu nói Nuôi ong tay áo ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa. Nhưng nhiều người lại muốn kéo dài hơn :
- Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà (NVN).
- Nuôi ong tay áo, ấp rắn vào ngực (NVN, NL).
- Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà (TL).

b - Từ bi oản quả, day tay oản quả
Từ bi cũng một phẩm oản, quả chuối, Ra tay mắm miệng cũng một quả chuối phẩm oản (NVN).
Từ bi từ tại cũng phẩm oản quả chuối, day tay mắm lợi cũng quả chuối phẩm oản (TL).
Nghĩa đen của câu nói: Chùa có ông thiện, ông ác. Hai ông đều được khách thập phương mang oản, quả cúng bái.
Nghĩa bóng: Quan lại tốt hay xấu dân đen đều phải đút lót như nhau.

c - Ăn cây nào rào cây ấy (nấy) (EN, NVN, NL, TL).
Nói người có tình nghĩa luôn luôn tỏ lòng biết ơn người làm ơn cho mình (NL).
Dường như NL nhầm lẫn với câu Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Để tỏ lòng biết ơn tục ngữ còn có câu Uống nước nhớ nguồn.
Ăn cây nào rào cây ấy khuyên người ta nên cẩn thận, ăn chắc, được tới đâu hay tới đấy. Làm việc gì thì nên chú ý vào kết quả trước mắt của việc ấy.

d - Rán sành ra mỡ (NVN, LĐ, VNP, NL, TL).
Quá hà tiện, keo kiệt, bủn xỉn (LĐ).
Giễu kẻ hà tiện quá mức (NL).
Xem thêm câu Vắt chày ra nước ở phần sau (3b).

Tranh 3
a - Bảo lấy hương, lấy đao thiết
Câu nói không có nghĩa. Hai chữ đao thiết cần được tìm hiểu.
Chữ thiết (bộ khẩu+chữ thiết) không có trong tự điển Hán Việt của ta. Đây là chữ nôm. Bộ khẩu là kí hiệu, âm của chữ nôm được viết bằng chữ thiết. Chữ đao (Hán) đứng trước chữ thiết trở thành vô nghĩa. Đao phải là chữ nôm.
Đao thiết phải được đọc nôm như thế nào?
- Chữ đao thường được đọc nôm là dao (con dao). Vừa đúng âm, vừa đúng nghĩa. Đao cũng có khi được đọc theo âm thành đeo (vác), đẽo (đục đẽo)...
- Chữ thiết đọc nôm là thét (hét to), thết (đãi), thớt (cái thớt của nhà bếp)...
Hai từ đao thiết của câu tục ngữ có thể đọc nôm thành : dao thớt, dao thết, đeo thớt, đẽo thớt v.v.
Chúng ta có thể loại bỏ mấy cặp từ đeo thớt, đẽo thớt, dao thết...vì không thích hợp với câu nói và nội dung tranh. Còn lại cặp từ dao thớt.
Bảo lấy hương, lấy dao thớt
Câu nói nghe xuôi tai nhưng tối nghĩa. Dao thớt không giải thích được nội dung của tranh. Nghệ sĩ dân gian muốn viết   chữ gì ?
Truyện Thầy trừ chồn, trong sách Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký, có đoạn :
(...) " Chủ nhà nghe chịu liền. Vậy thầy mới biểu : Đâm bột cho nhỏ, đậu cà ra làm nhân, cho đầy một thúng cái, đến mai tôi đến, tôi làm phép cho một bữa thì hết. Thầy xách chiết tới, lấy bột, lấy đậu đem ra nắn chồn lớn, chồn nhỏ, để nơi ghế. Lại nắn một con lớn hơn hết để giữa... ".
Chiết là một từ cổ, được chú thích là cái đẫy, cái túi.
Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của định nghĩa chiết là đồ đựng đan bằng tre, mây, có nắp đậy, cũng gọi là cái cọ, cái nừng.
Chữ thiết (bộ khẩu + chữ thiết) đọc nôm là chiết, nghĩa là cái bị. Cái bị cho phép suy ra rằng chữ đao đã được nghệ nhân dân gian dùng để viết chữ nôm đầy.
Tóm lại, đao thiết đọc nôm là đầy chiết. Câu nói trở thành Bảo lấy hương, lấy đầy chiết (bị). Người xưa trách kẻ tham lam. Bảo lấy hương (lấy hoa), (nhưng nó cứ) lấyđầy bị.
Ngày nay thường nói :
Ăn lấy vị, chứ ai lấy bị mà mang (NVN).
Ăn lấy thơm lấy tho, chứ không ai ăn lấy no, lấy béo (NVN).
Câu nói quay sang ám chỉ cảnh ăn uống đình đám. Trong cả hai trường hợp, câu nói đều khuyên người ta chớ tham lam. Không nên lợi dụng " của chùa ".

b - Vắt chày ra nước.
Vắt cổ chày ra nước (NVN, LĐ, NL,TL)
Câu nói chê người hà tiện, keo kiệt, bủn xỉn quá đáng (LĐ, NL).
Vắt chày ra nước thường đi đôi với Rán sành ra mỡ. Hai câu có nghĩa giống nhau. Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức (1931) gộp chung hai câu tục ngữ thành Vắt cổ chày ra mỡ.

c - Cõng rắn (về) cắn gà nhà. (EN, NVN, VNP, LĐ, NL, TL).
Bắt rắn về cắn gà nhà (LC).
Bắt rắn hợp lí hơn cõng rắn.
Câu nói phê phán những tên phản bội đưa các lực lượng phản động bên ngoài về sát hại đồng bào (NL).
Hành động phản lại nhân dân, Tổ quốc, đem giặc về giết hại đồng bào (LĐ).
Cõng rắn cắn gà nhà thường đi với câu Rước voi giầy mả tổ (xem câu 6a).

d - Ăn quả chẳng nhớ kẻ trồng cây.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây (EN, NVN, NL, TL).
Cả hai câu cùng có nghĩa. Ngày xưa trách người quên ơn, ngày nay khuyên người ta phải nhớ ơn. Cách nói khác nhau. Trách móc nhẹ nhàng hay dạy bảo trực tiếp.

Tranh 4
a - Đãi cứt sáo lấy hạt đa.
Đãi cứt sáo lấy hạt đa, đãi cứt gà lấy hạt tấm (NVN, NL, TL) .
Chê những kẻ quá hà tiện, quá bủn xỉn (NL)

b - Rút giây động rừng (người viết chữ nôm thay đổi cách viết : đọc từ trên xuống dưới, từ trái sang phải).
Rút dây động rừng (NVN).
Rút dây động dừng (Dừng là cốt để trát bức vách) (NL).
Rút dây sợ động rừng (TL).
Rút dây, chả xợ (sợ) động rừng (EN).
Ý nói : Đả động đến điều gì thì ảnh hưởng đến điều khác (NL).
Câu nói của EN có nghĩa ngược lại. Làm điều gì thì không nên sợ đụng chạm. Người xưa dũng cảm. Đáng được đưa vào sách ghi các thành tích.

c - Chớ thấy sóng cả ngã tay chèo.
Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo (NVN, TL).
Chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo (NL).
Khuyên phải gắng vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ (NL).

d - Đục nước (thì) béo cò (EN, NVN, LĐ, NL, TL).
Lợi dụng tình trạng mâu thuẫn, lục đục để kiếm lợi (LĐ).
Ý nói : Vì xung đột lẫn nhau nên kẻ khác lợi dụng (NL).

e - Cái tôm chẳng chật bể.
Cái tôm chật gì bể (NL).
Cái (con) tôm có chật gì sông, cái lông có chật gì lỗ (TL).
Lời khiêm tốn của một người khi xin gia nhập một tập thể (NL).

Tranh 5
a - Chơi (với) chó, chó liếm mặt (LC, NVN, VNP, NL).
- Chơi với chó, chó lờn mặt ; chơi với con nít, con nít dể ngươi (LC).
Ý nói làm thân với kẻ xấu nhiều khi nó hại lại mình (NL).
Nhiều người thích ví von, ghép thêm một vế :
Chơi chó chó liếm mặt
Chơi gà gà mổ mắt (hoặc Chơi cò cò mổ mắt, Chơi chim chim mổ mắt).
Quảng tập viêm văn không có câu Chơi chó, chó liếm mặt. Thay vào đó là câu Nuôi cò, cò mổ mắt (EN, LC).
Xưa kia nhiều nhà nuôi chó để ban ngày dọn dẹp cứt đái, ban đêm canh trộm. Dân ta coi chó là con vật đáng khinh, không ra gì. Đồ chó là một tiếng chửi. Để cho chó liếm mặt là bị... mất mặt, bị khinh thường ! Dân ta ngày xưa không chơi với chó. Cũng không có ai bế gà hay cò lên chơi để đến nỗi bị mổ mắt. Nuôi cò ( ?), nuôi gà để làm thịt thì có. Nuôi cò, nuôi gà, hay nuôi chó nghe hợp lí hơn là chơi cò, chơi gà, chơi chó. Ý nghĩa cũng sâu sắc hơn.
Ngày nay nước ta nhan nhản đại gia chơi chó kiểng. Đưa chó đi mĩ viện mài móng, tỉa lông. Được chó Bắc Kinh liếm mặt thì... Chao ôi, sao mà sướng thế. Đê mê như được bồ nhí xoa bóp, hôn hít. Chơi chó chó liếm mặt được các đại gia của thời kì toàn cầu hoá đánh giá là Tốt với người thì được người đáp lễ lại.

b - Đốt nhà táng phủi tay.
Vén tay áo sô, đốt nhà táng giấy (NVN, VNP, LĐ, NL, TL).
Nói con cái phá gia tài của cha mẹ để lại (NL).
Chi tiêu, sử dụng tiền tài phung phí, bừa bãi, không suy tính (LĐ).
Than phiền nạn các quan lãng phí của công. Tiêu tiền (của dân) như nước (lũ).

c - Phượng hoàng ăn cứt gà (đọc từ trên xuống dưới, từ trái sang phải).
Sáo đói thì sáo ăn đa,
Phượng hoàng lúc đói cứt gà cũng ăn (NVN, NL, TL).
Kẻ quí phái đến lúc sa cơ thì còn khổ hơn người bình thường (NL).
Chê bọn lúc túng làm càn. Sa cơ lỡ vận, thất sủng, sẵn sàng làm cả những việc tồi bại, mất danh dự.

d - Qua rào vỗ vế (NVN, NL).
- Chưa qua dào (rào) đã vỗ vế (EN).
Qua đò, khinh sóng (NVN, VNP, LĐ, NL, TL).
Qua sông, đấm bòi vào sóng (NVN, NL, TL).
Ý nói : Sau khi vượt qua một bước khó khăn, lấy làm vui mừng (NL).
Vui mừng thì vỗ tay chứ không vỗ vế (đùi). Vỗ đùi hay vỗ đít là tỏ vẻ coi thường. Câu nói có ý chê kẻ vừa thoát khỏi, thậm chí có khi chưa thoát khỏi bước khó khăn đã tỏ ra kiêu ngạo, khinh thường.

e - Chơi chim chim mổ mắt.
Cùng nghĩa và thường đi đôi với câu  Chơi chó chó liếm mặt (xem câu 5a).

Tranh 6
a - Rước voi giầy mồ (NVN).
Rước voi giầy mả tổ (LĐ, NL, TL).
Rước voi về rầy (giầy) mồ (EN, LC).
Nghĩa giống câu Cõng rắn cắn gà nhà (xem câu 3c).
Câu nói ám chỉ bọn rước ngoại bang về sát hại đồng bào.

b - Đánh chó đá.
Đánh chó đá vãi cứt (NVN, NL).
Chê kẻ bất tài mà lại hay khoe khoang (NL).

c - Trâu bò húc nhau.
Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết (EN, LC, NVN, VNP, LĐ, NL, TL).
Ý nói: Khi kẻ trên hục hặc nhau thì kẻ dưới bị thiệt lây (NL). Những kẻ mạnh xung đột, đánh nhau, kẻ yếu bị liên luỵ tai vạ (LĐ).
Bọn vua quan, quyền thế bên trên đấu đá, tranh giành nhau thì chỉ khổ chỉ chết đám dân đen bên dưới.

d - Qua cầu bỏ dịp.
Qua cầu cất nhịp (NVN, NL)
Qua cầu rút ván (NL, TL).
Chê kẻ đã tiến lên rồi không muốn cho người khác tiến lên như mình (NL).

Tranh 7
a - Đường cao núi quanh.
Khen người không ngại khó khăn, vất vả.

b - Nói rắn trong lỗ bò ra (viết sai thành Nói rắn trong bò lỗ ra) (NVN, NL).
Nói con kiến trong lỗ cũng phải bò ra (LĐ, TL).
Khen người có tài khéo nói, dễ thuyết phục được người khác (NL).

c - Cá lớn nuốt cá con (NVN).
Cá lớn nuốt cá bé (LĐ, NL, TL).
Kẻ mạnh ức hiếp bóp chết kẻ yếu (LĐ).
Chê những kẻ có quyền thế bắt nạt, đàn áp người lép vế (NL).

d - Chim chích ghẹo bồ nông.
- Chim chích mà ghẹo bồ nông,
Đến khi (cơn) nó mổ lạy ông xin chừa (EN, LC, NL, TL).
Chê người yếu trêu người khỏe (NL).
Còn có câu :
- Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu
Đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn
Cả hai câu ca dao đều mang ý nghĩa tiêu cực. Trái với câu :
- Châu chấu đá ông voi (EN)
- Châu chấu chống xe
- Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng.

e - Cắm sào sâu khó nhổ (EN, NVN, NL, TL)
Đã quá đi sâu vào một việc gì thì khó gỡ ra (NL)
Khuyên người ta làm việc gì cũng phải nghĩ đến hậu quả, không nên cực đoan, thái quá. Đừng có thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, có khi đánh trúng cả cha mẹ, anh em.

g - Cá vàng bụng bọ (EN, NVN, NL, TL)
Bên ngoài trông tốt đẹp, nhưng trong lòng xấu xa (NL).

Tranh 8
a - Cầm chổi quét chùa (cổng chùa có 2 chữ Pháp môn)
- Con vua thì lại làm vua,
Con nhà thầy chùa (con sãi ở chùa) lại quét lá đa (NVN, NL, TL).
Nói lên nỗi bất công trong xã hội phong kiến (NL).
Lên án nạn cha truyền con nối. Bọn có chức có quyền, giàu sang sung sướng thì cứ tiếp tục ăn trên ngồi trốc. Thấp cổ bé họng thì tiếp tục chịu cực, chịu khổ.
Ngày xưa dân gian gọi bọn Con vua thì lại làm vua là bọn con cha cháu ông (Génibrel). Ngày nay nói sai thành bọn con ông cháu cha.

b - Đánh trống qua nhà sấm.
Đánh trống qua cửa nhà sấm (EN, NVN, LĐ, NL, TL).
Bộc lộ trình độ vụng về, kém cỏi trước người hiểu biết, tinh thông hơn mình (LĐ).
Lời nói khiêm tốn tỏ rằng mình phải trình bày hoặc biểu diễn trước một cử toạ mà mình cho là giỏi hơn mình (NL).
Chê bọn điếc không sợ súng, huênh hoang độc diễn. Ta tài, ta giỏi, ta nhất... trong xóm ta. Chê bọn coi trời... nhỏ hơn cái vung.

c - Nhăn như bà cốt uống thuốc.
Bà cốt che mặt (NVN).
Bà cốt là người đàn bà làm nghề đồng bóng. Bọn đồng bóng, phù thuỷ lúc nào cũng tự nhận là con thần cháu thánh, có phù phép đuổi tà, trị bịnh... cho người khác. Đến khi chính mình bị bịnh thì chẳng thấy ông đồng bà cốt nào đuổi được tà, chữa được bịnh. Các ông, các bà cũng phải uống thuốc, mặt mày nhăn nhó như mọi người.
Vạch mặt bọn kiếm ăn bằng lừa dối, bằng mê tín dị đoan.

d - Cầu Thích Ca ngoài đường.
Bụt nhà không cầu, cầu Thích Ca ngoài đường (NVN).
Bụt chùa nhà không thiêng, đi (lại) cầu Thích Ca ngoài đường (EN, NL).
Bụt nhà không thiêng, đi cầu thích ca ngoài đường (TL).
Phê phán thái độ tự ti coi nhẹ khả năng của người mình, thích đi cầu cạnh người ngoài (NL).
Phê phán bọn sính đồ ngoại, chê đồ nội. Trong nhà có nước mắm Phú Quốc thì không ăn, chạy đi mua nước mắm Thái Lan. Chê trà Bảo Lộc, khoái trà Lipton v.v.

***
Ai cũng biết rằng thành ngữ, tục ngữ ít khi được nói, được hiểu theo nghĩa đen. Hầu như câu nói nào cũng phải hiểu theo nghĩa bóng. Làm sao vẽ được... nghĩa bóng? Chính vì vậy mà tranh minh hoạ tục ngữ rất... ngây ngô. Thậm chí vô nghĩa.

Tuy vậy, tranh minh hoạ tục ngữ cũng góp phần làm chứng nhân của một thời kì lịch sử. Làm chiếc cầu chuyển tiếp chữ nôm sang chữ quốc ngữ. Ngày nay xem lại, chúng ta thoáng hiểu một vài cách xử thế, dăm ba lời khuyên của người xưa.

Xưa cũng như nay... Sau luỹ tre xanh hay trước toà nhà cao tầng. Dưới trận mưa tầm tã hay giữa cơn nắng chang chang. Trong sạch nhẹ nhàng hay ô nhiễm bức xúc. Một câu hỏi luôn luôn được đặt ra : Cái gì nên vứt bỏ, cái gì nên trân trọng bảo tồn ?

Nguyễn Dư
(Lyon, 1/2011)
Sách tham khảo :

- Edmond Nordemann, Chrestomathie annamite (Quảng tập viêm văn), 1898, Nguyễn Bá Mão biên dịch và chú thích, Hội Nhà Văn tái bản, 2006.

- Léopold Cadière, Croyances et Pratiques religieuses des Viêtnamiens, 3 tập (1944, 1955, 1957), École Française d'Extrême-Orient tái bản, 1992.

- Nguyễn Văn Ngọc (NVN), Tục ngữ, phong dao, 1928, Mặc Lâm tái bản, 1967.

- Vũ Ngọc Phan (VNP), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, in lần thứ 8, Khoa Học Xã Hội, 1978.

- Nguyễn Lực, Lương Văn Đang (LĐ), Thành ngữ tiếng Việt, Khoa Học Xã Hội, 1978.

- Nguyễn Lân (NL), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Văn Hoá, 1989.

- Thuỳ Linh (TL), Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Lao Động Xã Hội, 2007.

- Trương Vĩnh Ký, Chuyện đời xưa, 1866, Sudasie tái bản, 1994.

- Maurice Durand, Imagerie populaire vietnamienne, EFEO, 1960.