Chim
Việt Cành Nam [
Trở Về ]
[ Trang chủ ]
[
Tác
giả ]
|
|
Vừa
làm việc với trưởng trang văn hóa, văn nghệ của tòa soạn
xong, là Huy Phương phóng thẳng về nhà. Anh oang oang gọi vợ
mở cửa. Thấy chồng cứ tớn lên như trẻ con được kẹo
thời bao cấp, cô vợ vừa tra chìa vào khóa cổng vừa nói
giọng khích bác :
-Thằng cha trưởng trang hâm điếc của anh chịu rồi chứ gì ? -Hừ ! có mà hâm điếc khối, hắn nói hệt như cô. Nào là văn học, nhân học. Nào là, ông nên tha cho họ cái tên thật, cho họ còn chút thể diện với con cháu, với bè bạn, với mai sau, nào là... - Thôi xin anh, rút cục là hắn chịu rồi chứ gì ? - Chịu rồi, giữ nguyên tên nhân vật như ngoài đời. Hừ ! chỉ thiếu nước đập bàn. Thằng cha này nào có vừa. Nó bảo đành là chuyện thật, người thật, việc thật. Nhưng truyện ngắn chỉ cần lấy cốt truyện ngoài đời, nhân vật không cần mang tên thật, ai đọc có tật ắt phải giật mình, hướng chân, thiện mỹ, là ở chỗ đó. - Em thấy anh ấy nói đúng. Những nhân vật trong truyện của anh ngoài đời là có thật một trăm phần trăm, thậm chí còn kinh hơn. Nhưng cứ nên cho họ khoác cái tên khác. Ví như mụ hiệu trưởng, thì mang tên là mụ Xoài . Chồng bà ta thì đặt cho cái tên là ông Mít chẳng hạn, những người khác cũng vậy, có sao đâu. Biết có tranh luận nữa cũng lại nắm phần thua, Huy Phương chủ động lảng xuống phòng ăn, ngồi vào bàn vừa nhâm nhi chén rượu thuốc vừa lim dim mắt, tay lại còn gõ nhịp xuống bàn. Biết anh chồng đang khoái chí vì thuyết phục được tay trưởng trang, cô vợ hứ một tiếng cho bõ ghét rồi bỏ lên nhà trên. Huy Phương là nhà văn, anh là phóng viên văn nghệ của một tờ báo ngành. Vợ anh là giáo viên ngữ văn của trường cao đẳng sư phạm tỉnh, nên họ thường hay trao đổi công việc với nhau. Cô vợ thẳng tính, còn anh chồng thì bộc trực, nóng nảy, hiếu thắng, nên không mấy khi là không lâm vào cảnh, gạo người vỡ nồi tôi . Nắm được cốt chuyện có thật ngoài đời, xảy ra ngay tại một trường đại học lớn giữa thủ đô, với hàng xấp chứng cứ, tư liệu và nhân chứng, Huy Phương định làm một cái phóng sự thật hoành tráng, đăng nhiều kỳ trên báo nhà, nhưng tay trưởng trang không chịu. Với cái giọng trêu trọc, hắn ta bảo "có tý đất mà ông chiếm liền tu tỳ mấy kỳ liền, thì những thằng khác treo niêu à. Ông cứ tóm gọn nó vào cái truyện ngắn. Nếu vấn đề hay, nhiều tư liệu thì làm hẳn vài cái truyện ngắn, biết đâu có khi lại giật được mấy cái giải rút, tiếng tăm lại nổi lềnh bềnh lên ngay ấy mà..". Nghĩ đi, nghĩ lại, Huy Phương thấy thằng cha này nói cũng có lý. Phóng sự, ký sự đang đăng tràn lan trên các báo. Tiêu cực thì vụ nọ chồng lên vụ kia, đọc xong là rơi vào quên lãng. Nghĩ vậy, Huy Phương đang định sẽ đóng cửa, ngồi nhà viết liền một mạch, thì sáng nay tay trưởng trang lại đến đập cửa rầm rầm : - Này ! Mình vừa nhận được bài viết của một cộng tác viên về chính vụ việc mà cậu đang theo ở cái trường đại học ấy. Anh ta là người trong cuộc. Bài hay lắm, chỉ biên tập đôi chút là dùng được, tuy hơi dài, nhưng cũng không sao. - Không sao - Huy Phương khó chịu kéo dài giọng - Ông chỉ được cái bụt chùa nhà không thiêng. Của người ta dài thì không sao, còn của thằng này dài thì chê, chê... , bẻ hành bẻ tỏi mãi. Bây giờ lại bảo thằng này ngồi rửa đít cho cộng tác viên của ông chứ gì ? Tay trưởng trang hề hề, cười trừ : - Tôi chê, nhưng mẹ đĩ nhà ông nó khoái, nó không chê là được. Làm đi nhé, chiều mai nộp bài để đi luôn vào số thứ bảy này. Cứ thế nhé, hé hé ... Thế là, Huy Phương chỉ còn biết văng tục, nhìn theo cái bóng loắt choắt của tay trưởng trang trên chiếc a coòng, phóng vụt đi... Tác giả bài viết lấy bút danh là Quang Minh . Vốn tính cẩn trọng, Huy Phương xem xét rất kỹ từng trang bản thảo, đối chiếu với những tư liệu mà anh có, rồi vừa đọc lại, vừa gật gù tán thưởng : " Hay, phải thừa nhận là viết được, cứ như vụ việc mà ông ta nêu thì quả cộng tác viên này là người trong cuộc". Câu chuyện có thật mà ông ta kể , với lời lẽ giản dị, mộc mạc nhưng rất có sức thuyết phục, nhất là với giới trí thức, trong thời buổi bằng thật, bằng giả nhốn nháo, mà vẫn có những nghiên cứu sinh thứ thiệt bị "hành". Huy Phương gọi vợ : - Em ơi ! Đọc giúp anh cái này, phải nói là ông ta viết hay. Biết tính anh chồng cứ bị ai chê, là thấy khó chịu, nhưng lại rất ít khi khen người khác, còn với bài này, chắc là muốn mình chia sẻ. Nên vừa cầm tập bản thảo chồng đưa, chị ta ngồi vào bàn đọc ngay. Ồ ! ông ta viết theo thể truyện ký. Cái tên hơi tuồng cổ, cải lương một chút, nhưng thử xem ông ta viết ra sao nào : |
Truyện ký của Quang Minh Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp, giảm sức lao động cho nông dân ở nước ta, rất bức xúc. Năm 1994, kỹ sư Phan được PGS- TS Đào và PGS -TS Trần, hướng dẫn đề tài nghiên cứu "nâng cao hiệu năng của máy đập lúa..." và đăng ký bảo vệ luận văn phó tiến sĩ tại một Viện chuyên ngành. Đề tài của anh được chấp nhận ngay , chuẩn bị bảo vệ tại Hội đồng chấm luận văn Quốc Gia. Danh sách hội đồng đã được Bộ GD & ĐT phê duyệt, giấy mời đã gửi tới các thành viên. Vị phản biện chính là GS. TSKH Nguyễn và vị phản biện phụ là PTS Minh, đã nhận được bản luận văn trước để đọc và nhận xét. Các bản tóm tắt luận văn cũng đã được gửi tới các chuyên gia, trong Hội đồng trước đó một tháng. Ngày giờ bảo vệ và mọi thủ tục đã chuẩn bị xong. Theo giấy mời , buổi bảo vệ sẽ tổ chức vào chiều thứ hai, lúc 13 giờ 30 ngày thứ hai ... Chiếc Toyota 12 chỗ ngồi, chở vợ chồng kỹ sư Phan và các đồng nghiệp đang bon bon trên đường từ cố đô Huế ra Hà Nội. Xe Nhật tốt thật, có lẽ chỉ năm giờ chiều là đến nơi. Mai là thứ bảy, kỹ sư Phan sẽ còn có thêm hai ngày rưỡi nữa để chuẩn bị. Đường mới, xe mới chạy thật êm. Xuất phát từ hơn bốn giờ sáng, nên sau một hồi chuyện trò rôm rả, ai nấy đều lim dim ngủ gật. Phan cũng ngồi im, nhưng đầu óc thì tỉnh rụi. Đề tài nghiên cứu của anh rất đúng hướng, số liệu chuẩn xác, luận văn trình bày sáng sủa. Các thầy hướng dẫn và một số cán bộ đầu ngành, đều có chung nhận xét như vậy, nên anh cũng yên tâm. Điều khiến anh lo lắng lại nằm ở ngoài nội dung kết quả nghiên cứu đề tài, mà trong quá trình thực hiện, nối kết các mối quan hệ, các vụ việc, anh đã phần nào lờ mờ nhận ra. Đó là, đó là ... gì nhỉ , khó nói quá, không biết diễn tả thế nào cho thật chính xác được. Phan là một trí thức có nhân cách và tự trọng, điều anh lo tuyệt nhiên không phải là chuyện quà cáp, hối lộ... Vừa làm công tác giảng dạy tại một trường đại học ở Huế, kỹ sư Phan vừa tham gia nghiên cứu khoa học. Quỹ thời gian được anh tiết kiệm, tính toán rất chi ly. Để có thời gian dành cho lần bảo vệ luận văn này, Phan đã phải lo sắp xếp công việc từ nhiều tháng trước. Về chuyện bảo vệ luận văn, qua bạn bè anh cũng từng hơn một lần được nghe nói đến những kiểu phản biện nằm ngoài khoa học. Suốt dọc đường, Phan cứ vơ vẩn nghĩ, mong sao với mình mọi chuyện đừng trở nên quá phức tạp... Xe đến Hà Nội vừa chập tối. Thu xếp chỗ nghỉ cho mọi người xong, Phan liên lạc ngay với các thầy hướng dẫn. Cả hai thầy đều bảo " mọi việc đều rất tốt, cậu cứ nghỉ thoải mái, lấy sức mà chiến đấu...". Phan thở phào nhẹ nhõm. Anh nghĩ, thật ra thì mình cũng cứ lo vậy thôi, chứ ngoài này các thầy đã chuẩn bị chu đáo cả rồi. Đúng như vậy, rất may cho Phan, cả hai thầy hướng dẫn của anh đều là những cán bộ khoa học đầu ngành, rất có uy tín chuyên môn, và đặc biệt là hết lòng vì học trò. Mấy ngày nay, họ đã kiểm tra đi, kiểm tra lại lần cuối, từng khâu việc chuẩn bị cho buổi bảo vệ luận văn của Phan, tại Hội đồng Quốc Gia vào chiều thứ hai. Có thể nói, đến giờ phút này thầy, trò Phan đều nghĩ là mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió. Nghe vợ nhắc, Phan nhìn đồng hồ, mới chưa đến chín giờ. Phan có thói quen làm việc khuya, ngủ muộn. Vậy mà vừa đặt mình xuống giường, anh đã chìm ngay vào giấc ngủ... 10 giờ sáng thứ bảy. Điện thoại của Phan đổ chuông ríu rít. Nhưng không phải tín hiệu chào mừng, tín hiệu vui. Thầy Đào báo cho Phan một tin rất bất ngờ. Bộ phận nghiên cứu sinh của Viện vừa nhận được quyết định của Bộ , nữ GS-TS Lý Nhị sẽ phản biện phụ, thay cho TS Minh. Đúng là bất ngờ đến không thể tin được. Vì làm sao có thể thay đổi như thế, khi thời gian chỉ còn vẻn vẹn có hai ngày ? Khi TS Minh đã viết xong nhận xét , đã nhận các khoản chi phí tài chính của Bộ ? Quả là một quyết định vô nguyên tắc, kỳ quặc, không biết do từ dưới tấu hót lên, hay do từ trên úp chụp xuống. Vốn là người bản lĩnh, mà kỹ sư Phan cũng bị choáng mất mấy giây. Nhìn sắc mặt lo lắng của vợ, anh bảo " có vấn đề chút đỉnh, không sao đâu". Nhưng anh nghĩ thầm, chẳng lẽ kiểu phản biện ngoài khoa học, lại bắt đầu từ cái quyết định quái đản này ? Những tác giả của việc "thay phản biện" ở phút tám chín, chắc chắn thừa biết là họ đã đặt, trước hết là nghiên cứu sinh, sau đó là người hướng dẫn và cơ quan tổ chức vào một tình thế rất nan giải. Nhưng họ đã mặc kệ, với một não trạng vô cảm. Sau khi bàn bạc với các thầy hướng dẫn và các đồng nghiệp, kỹ sư Phan đã bình tĩnh giải quyết. Anh nghĩ, đã đến nước này thì thời gian đâu nữa mà đắn đo. Anh nói cậu lái xe đưa mình đến nhà TS Minh, xin lại quyển luận văn để kịp nộp cho người phản biện mới. Còn về tài chính, biết là cơ quan tổ chức cũng chẳng ai dám muối mặt, đòi lại tiền đã giao cho người phản biện cũ. Vì TS Minh cũng đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để đọc, nghiên cứu, viết nhận xét. Thế là Phan lại đành bấm bụng bỏ tiền túi ra trang trải luôn. Đến 12 giờ trưa, mọi việc mới xong. Phan điện báo cho các thầy hướng dẫn và cơ quan tổ chức. Vậy là đã xong một việc rắc rối . Tất cả cùng thở phào nhẹ nhõm, như vừa trút được một gánh nặng quá phiền toái, tế nhị và yên tâm nghỉ ngơi , chờ ... Đúng 2 giờ chiều. Điện thoại của Phan lại ríu lên. Viện trưởng Phạm, đồng thời là chủ tịch Hội đồng chấm luận văn, báo cho biết, phản biện phụ là bà GS.TS Lý Nhị , yêu cầu hai thày hướng dẫn và Phan, đúng 8 giờ sáng mai, chủ nhật phải đến gặp bà và chồng bà là PGS.TS Lý Thế, để trình bầy với họ về những nội dung trong bản luận văn... Thật vô cùng khó hiểu, Phan chỉ còn biết ngồi nghe cuộc đối thoại giữa ông Viện trưởng và thầy hướng dẫn của mình. Thầy Đào bức xúc hỏi : tại sao phải như vậy ? Giọng ông Viện trưởng tỉnh bơ : - Là ý bà ấy muốn thế mà. Thiện chí. Vợ chồng bà ấy thiện chí, thiện chí. - Họ muốn thể hiện "thiện chí" bằng cách nào ? - Bà ấy nói luận văn viết nhiều lý thuyết quá, những 30 trang. Theo ý của vợ chồng bà ấy chỉ cần 5 trang là đủ, nên bỏ đi 25 trang lý thuyết. Thì ra " thiện chí" của họ là như vậy. Thầy Đào hỏi tiếp : - Nếu bỏ đi 25 trang lý thuyết , thì làm thế nào sửa được kịp bản luận văn để chiều thứ hai kịp bảo vệ ? Và, nếu chỉ có 5 trang lý thuyết, thì còn đâu là nội dung của một luận văn phó tiến sỹ nữa ? - Nhưng ông bà ấy bảo như thế là đủ ! Từng bảo vệ luận án và có bằng sáng chế ở nước ngoài, lại cũng đã tham gia nhiều Hội đồng chấm luận án quốc gia, thầy Đào hiểu rất rõ với loại đề tài này, ngay cả luận văn tốt nghiệp của sinh viên, cũng không thể chỉ có 5 trang lý thuyết. Ông liền nói thẳng : - Đủ là thế nào? Chỉ cần có 5 trang lý thuyết, hay không cần trang nào cũng là đủ à ? Nghiên cứu sinh không phải bảo vệ tại nhà bà phản biện, trước khi bảo vệ chính thức. Đề nghị ông, với cương vị Chủ tịch Hội đồng trả lời với vợ chồng bà ấy là, người phản biện cứ việc nêu ý kiến của mình trong bản nhận xét. Nghiên cứu sinh có nhiệm vụ bảo vệ luận văn trước Hội đồng Quốc Gia . Bảo vệ được thì đỗ, không bảo vệ được thì trượt. - Không ! xin đừng hiểu lầm. Tôi xin nhắc lại là người phản biện rất có thiện chí. Thiện chí thật sự . Thiện chí một trăm phần trăm. - Thôi ! Thà tranh luận căng thẳng, nhưng công khai trước Hội đồng, vấn đề đúng sai sẽ được các thành viên phán xét công minh. Còn hơn là nghiên cứu sinh phải tự bảo vệ riêng trước với họ , để rồi theo ý họ, chỉ để lại 5 trang lý thuyết, tức là bỏ đi gần hết khối lượng nội dung lý thuyết của luận văn. Ông cứ nói thẳng với vợ chồng họ là, nghiên cứu sinh và người hướng dẫn, không gặp bà phản Biện, lại càng không phải gặp chồng bà ấy. Xin cám ơn cái "thiện chí" của họ. Vậy mà vị chủ tịch hội đồng họ Phạm ấy, vẫn chưa chịu thôi. Ông ta tiếp tục chuyển yêu cầu của vợ chồng bà phản biện, đến thầy hướng dẫn thứ hai của Phan, là TS Đức. Song, khi nghe thầy Đức trao đổi lai, thầy Đào vẫn rất kiên quyết khẳng định : " Tất cả sẽ không gặp họ vào sáng chủ nhật và cũng không gặp họ vào bất cứ lúc nào, mà chỉ gặp họ trong buổi bảo vệ chính thức của nghiên cứu sinh vào chiều thứ hai, tại Hội đồng chấm luận án Quốc Gia...". Giữa thu, mà trời Hà Nội chiều thứ bảy hôm nay lại mây xám sầm xì . Kỹ sư Phan một mình thả bộ bên hồ Tây, lòng nặng trĩu. Cả hai vợ chồng GS-TS Lý Nhị đều là thầy, cô giáo dạy anh ở trường đại học. Và, hơn thế nữa đều là những trí thức, đều là những người từng tham gia nghiên cứu khoa học. Họ thừa biết tầm quan trọng số một của phần lý thuyết và việc lược bỏ chỉ còn năm trang lý thuyết, thì kết quả nghiên cứu sẽ không thể nào trụ vững ... Điện thoại của Phan lại rung lên bần bật. Phan nhìn đồng hồ, đã gần bốn giờ chiều. Thầy Đào gọi. Tiếng thầy rất rành mạch và khá bức xúc : - Phan hả ! Ông Phạm vẫn chuyển yêu cầu của bà phản biện, đòi nghiên cứu sinh và những người hướng dẫn, phải gặp vợ chồng họ vào sáng chủ nhật ngày mai. Một lần nữa, tôi vẫn khẳng định với ông ấy, là các thầy hướng dẫn thì dứt khoát là không gặp rồi. Còn nghiên cứu sinh có muốn gặp, hay không thì tùy. Tôi cũng hỏi lại ông Chủ tịch Hội đồng rằng, ông Lý Thế chồng bà phản biện, với cương vị gì mà cũng khăng khăng đòi gặp các thày hướng dẫn và nghiên cứu sinh . Vì ông Lý Thế có phải là phản biện đâu? Chẳng lẽ chồng người phản biện cũng là phản biện à ? Trong khoa học, dù ông ta có là "cậu trời" tái thế, cũng không được trà đạp lên nguyên tắc một cách thô bạo như vậy. Phan biết ông Phạm giải thích thế nào không ? Ông ấy bảo, năm chục bản tóm tắt luận văn đã được Viện gửi đi. Ông Lý Thế cũng nhận được một bản ... Té ra là thế. Hai tai ù đặc, nghiên cứu sinh Phan không còn nghe được thầy hướng dẫn thứ nhất của mình nói gì nữa. Chao ôi ! Với cái lôgic quái gở ấy thì nghiên cứu sinh và những người hướng dẫn sẽ phải gặp và trả lời chất vấn về lý thuyết của bản luận văn, cho tổng cộng 50 nhà khoa học ư ? Tôn sư , trọng đạo, là điều Phan luôn tâm niệm. Nhưng Phan cũng không thể hiểu được, tại sao cô Lý Nhị và thầy Lý Thế lại đưa ra một yêu cầu rất không bình thường này. Và, Phan cũng không hiểu vì động cơ gì, mà ông chủ tịch Hội đồng chấm luận văn Quốc gia, cũng quá nhiệt tình, khi chuyển cái yêu cầu ấy đến Phan và các thầy hướng dẫn. Dù có "thiện chí" đến đâu đi nữa, cũng không có nhà khoa học nào làm nhiệm vụ phản biện luận văn, lại khuyên nghiên cứu sinh bỏ gần hết phần lý thuyết. Nghĩ vậy, nên Phan quyết định sẽ gặp vợ chồng cô giáo phản biện vào ngày mai. Rất may, khi anh đang định giải thích cho các thầy hướng dẫn về quyết định của mình, thì nhận được tin vợ chồng bà phản biện Lý Nhị, chỉ yêu cầu một mình anh đến cũng được và vào 7 giờ tối nay, tại nhà riêng của họ, với nội dung là rất thiện chí. Phan liền điện báo ngay cho các thầy hướng dẫn. Nghe xong, thầy Đào bảo : - Nếu thế thì tốt. Nếu quả có thiện chí như vậy thì thật là tốt. Phan thấy tự tin và an tâm hơn. Còn các thầy hướng dẫn thì thấy hơi bị bất ngờ. Họ bất ngờ là phải. Vì lâu nay, các đồng nghiệp trong ngành, không còn ai lạ gì cái gọi là thiện chí của vợ chồng ông bà phản biện họ Lý. Nhưng biết đâu bây giờ họ thiện chí thật thì sao ... ? Quả nhiên, sau khoảng hai tiếng đồng hồ, ở nhà vợ chồng bà phản biện về, Phan hớn hở như anh chàng vừa mới bắt được vàng. Anh đến gặp ngay các thầy hướng dẫn, giọng vẫn còn rất xúc động, anh kể : - Khi em đến , thầy, cô vui vẻ hỏi thăm về tình hình gia đình và việc chuẩn bị cho buổi bảo vệ tới. Sau đó, cô để thầy thay cô hỏi em những câu hỏi về nội dung quyển luận văn. Em trả lời ngay. Nhưng thầy bảo không trả lời ngay, mà ghi lại các câu hỏi. Tổng cộng là thầy hỏi 30 câu. Ghi xong, em định trả lời ngay, nhưng thầy bảo mang về nhà chuẩn bị, sáng mai chủ nhật gặp sẽ trả lời ... Nghe đến đây, thầy Đào chau mày, như vậy là cuộc gặp tối nay chỉ là cái cớ, để buộc nghiên cứu sinh phải gặp họ vào sáng chủ nhật ngày mai. Ông liền hỏi Phan : - Liệu cậu có trả lời được hết ba mươi câu hỏi đó không ? - Dạ, em trả lời được hết -- Phan rất tự tin thưa -- các Thầy cứ yên tâm và không cần có mặt đâu ạ. Nhưng thầy trò Phan chưa uống xong ấm trà, thì chuông điện thoại nhà thầy Đào đã reo cuống quýt. Tiếng ông chủ tịch Hội đồng oang oang : - Ông Đào ơi ! Sáng mai chủ nhật, vợ chồng bà Lý Nhị vẫn rất muốn các thầy hướng dẫn cùng cậu Phan đến gặp, để trao đổi về phần lý thuyết của bản luận văn ? - Chúng tôi thì chắc chắn là không tới rồi. Nhưng tôi đề nghị ông, với cương vị Chủ tịch Hội đồng, không nên để ông Lý Thế gặp nghiên cứu sinh, chỉ nên để một mình bà Lý Nhị là người phản biện phụ gặp là đủ. Thế nhé. - Được để tôi nói lại với họ.
|
Gần 11 giờ khuya. Thế
là một ngày căng thẳng với Phan đã trôi qua. Cả hai thầy
hướng dẫn đều tin rằng, trong buổi gặp người phản biện
phụ vào sáng ngày mai, sẽ không có gì bất trắc xảy ra nữa
với nghiên cứu sinh của mình. Họ rất tin tưởng vào năng
lực thực sự và bản lĩnh khoa học của Phan. Những năm học
ngành cơ khí nông nghiệp tại trường, anh là học sinh xuất
sắc của toàn ngành đại học, từng được sinh viên cả
nước biết đến như một tấm gương sáng. Ra trường, anh
cũng rất thành đạt trong công tác, bằng chính năng lực và
sự phấn đấu không mệt mỏi. Sau bao nhiêu năm, giờ anh trở
về, gặp lại những người thầy cũ , trong cương vị là
người phản biện, là người hướng dẫn luận án, thì gặp
thuận lợi, suôn sẻ cũng là lẽ thường.
Chủ nhật. Phan dậy hơi muộn, vội chuẩn bị mọi thứ, rất tự tin, 30 câu hỏi thầy Lý Thế đưa ra tối qua, Phan đã chuẩn bị kỹ. Không kịp ăn sáng, anh đến ngay phòng họp của cơ quan Viện để gặp người phản biện phụ, cũng là cô giáo đáng kính của mình. Nhưng không chỉ có mình cô, mà còn có cả chồng cô, thầy Lý Thế và ông Chủ tịch Hội đồng nữa. Phan chào mọi người rồi chọn một chỗ ngồi cho mình. Nhìn chồng sách, với những quyển dày cộp đặt trước mặt vợ chồng người phản biện phụ, với phản xạ rất tự nhiên, Phan nghĩ đây không đơn thuần chỉ là buổi trao đổi, xung quanh 30 câu hỏi thầy cho trước nữa, mà sẽ là vấn đề lột bỏ gần hết phần lý thuyết của bản luận văn. Nếu đúng vậy thì quả là đáng sợ ... Phần lý thuyết trong bản luận văn của Phan có sáu mục, gồm 30 trang. Mỗi mục là một vấn đề lý thuyết riêng biệt, được trình bày trong 5 trang. Nếu bỏ đi 25 trang lý thuyết, nghĩa là bỏ đi 5 mục, thì chỉ còn lại một mục. Như vậy mục nào sẽ được giữ lại, mục nào sẽ phải bỏ đi ? Và, vì cớ gì mà phải bỏ đi ? Phải chăng lý thuyết nhiều ? Nếu là nhiều thì cũng có ảnh hưởng gì đến người phản biện phụ và chồng bà đâu. Còn nếu là sai, thì với cương vị phản biện thứ hai, bà Lý Nhị cứ việc bác bỏ trong bản nhận xét của mình. Việc phán xét đúng sai, sẽ thuộc trách nhiệm của Hội đồng trong buổi bảo vệ chính thức vào chiều mai, việc gì phải tổ chức một cuộc bảo vệ không chính thức này ? Không một chút bối rối, nhưng Phan thấy thật sự khó hiểu. Phần mình, anh rất tin vào các thầy hướng dẫn, tin vào chính bản thân mình và sãn sàng ... Hơn 8 giờ, ông Phạm chủ tịch Hội đồng xem đồng hồ, rồi nhìn vợ chồng bà phản biện : - Thưa chị Lý Nhị ta bắt đầu thôi. Có lẽ chỉ đợi có vậy. Quả nhiên suốt buổi, vợ chồng bà phản biện phụ không hề đả động gì đến 30 câu hỏi đã cho. Họ chỉ tập trung vào phần lý thuyết của luận văn, với những câu hỏi đanh, gọn, dồn dập, xoáy vào từng mục, từng trang, từng công thức. Thì ra, những câu hỏi Phan chép về để chuẩn bị tối qua, chỉ là để đánh lạc hướng, chỉ là thứ đòn gió được thầy, cô chủ ý tung ra. Phan bình tĩnh trả lời. Anh không chỉ hiểu các câu hỏi, mà với thái độ của người hỏi, Phan còn chợt hiểu ra rằng, tất cả các câu hỏi đó đều cùng hướng đến một cái đích cuối cùng, là hạ gục phần lý thuyết trong luận văn của nghiên cứu sinh. Như vậy là Phan ơi ! với những nẻo đường phía sau, mà mày từng có lần nhìn lại và giờ đây với thứ đòn gió, đòn phản thùng này, thì lòng người ở đời , mày đã nhận ra chưa ? Không chủ quan quan được đâu Phan. Buổi bảo vệ được tổ chức chui, như một trò ú tim này sáng nay, sẽ chẳng khác gì một trận chiến thực sự không cân sức. Liệu một nghiên cứu sinh, có thể trụ vững nổi với hai tiến sỹ và một vị trọng tài, cũng là một tiến sỹ. Hơn nữa, vị trọng tài này lại có quá nhiều biểu hiện lộ liễu, luôn hướng về phía mạnh không ? Những luồng suy tư chua chát ấy, cứ vẩn vơ mãi trong đầu Phan. Làm sao mà không chua chát được, khi anh sắp phải đối mặt với họ, tác giả của thứ đòn gió, đòn phản thùng ác hiểm kia, mà vỏ ngoài được bọc bằng hai từ thiện chí, lại chính là những người thầy mà anh hằng kính trọng. Nhưng phía trước với Phan bây giờ, là chuyện đúng sai của một vấn đề khoa học, không phụ thuộc vào sự áp đặt, hù dọa, không phụ thuộc vào số đông. Ba mươi câu hỏi thầy Lý Thế cho trước để chuẩn bị, không khó lắm và cũng không liên quan gì nhiều đến nội dung đề tài. Nhưng vốn tính cẩn thận, mặc dù thời gian quá gấp, cả đềm qua Phan vẫn phải mất không ít thời gian chuẩn bị, với suy nghĩ rằng thầy, cô đã thiện chí, ưu ái dành cho mình sự chủ động. Nay lại thành bị động, hoàn toàn bị động, không có được sự chuẩn bị nào, song Phan không cho phép mình lúng túng. Với bản lĩnh và kiến thức thực sự, từng câu hỏi lắt léo của người phản biện, được Phan từ tốn trả lời mạch lạc, khúc triết, tự tin. Và, những người có mặt ngoài hành lang để dự thính buổi bảo vệ chui này, đã thật sự bị cuốn hút bởi cuộc đối đáp quyết liệt, đầy kịch tính diễn ra suốt gần 5 tiếng đồng hồ. Vâng ! với Phan, đó thật sự là cuộc chiến trong khoa học, vì sự mất còn của 25 trang lý thuyết. Qua mỗi mục lý thuyết , đều diễn ra cái điệp khúc, thầy, cô phản biện hỏi, nghiện cứu sinh trả lời. Thầy , cô bác bỏ. Nghiên cứu sinh bảo vệ. Thầy cô quyết bác bỏ. Học trò quyết bảo vệ. Thầy , cô đưa sách này ra bắt bẻ. Học trò dẫn sách kia để chứng minh. Thầy, cô không chịu. Trò cũng không chịu. Cứ như vậy, từng mục, từng mục ... trong cả 30 trang lý thuyết đã được mổ xẻ. Cho đến gần phút tám chín, thì các mục khác được thông qua và giữ nguyên hết. Chỉ còn lại mục 5 và mục 6 . Hai mục cuối cùng này cũng là đỉnh cao, căng thẳng nhất, quyết liệt nhất. Vì thầy, cô phản biện kiên quyết đòi bỏ. Còn học trò lại kiên quyết giữ. Thế là lại phải dùng đến sách. Bên nào cũng dùng sách. Không bên nào chịu nhượng bộ. Mà nhìn vào trọng tài thì thật buồn. Vị chủ tịch Hội đồng suốt từ đầu đến giờ, cũng vẫn chỉ mãi một điệp khúc gật gù, gật gù. Cuối cùng, vẫn phải dựa vào sách để làm trọng tài, để làm thước đo cho sự phân biệt đúng sai. Nhưng, cả Phan và những người dự thính đều hồn siêu, phách lạc khi nghe thầy, cô phản biện phán xanh rờn rằng, "sách chưa chắc đã là đúng !". Thôi thế là hết ! là hết. Phán như thế , thì chân lý cũng phải rúc vào ngõ cụt rồi. Hai mục cuối cùng đã kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, mà vẫn chưa ngã ngũ. Gay cấn nhất là mục năm. Thầy, cô bác bỏ mục này, nhưng không đưa ra được lý do khả dĩ có thể thuyết phục được cái sự đòi bỏ đó. Vì thế mà anh học trò bướng bỉnh cương quyết bảo vệ. Phan khẳng định rằng, trên cơ sở lý thuyết của GS.An-Phe-Rốp được trình bầy trong sách "Động lực học liên hợp máy thu hoạch", mà Ông là tắc giả, Phan đã ứng dụng để nghiên cứu quá trình chuyển tiếp trong máy đập dọc trục. Sự thực hiển nhiên là thế, vậy mà không hiểu vì lý do gì thầy, cô quyết không chịu và đòi loại bỏ mục này? Về lý, người phản biện có quyền bác bỏ lý thuyết trong luận văn của nghiên cứu sinh. Đó là điều thật sự nguy hiểm đối với toàn bộ bản luận văn. Những người dự thính đều nín thở lo thay cho Phan. Còn anh lại rất bình tĩnh. Anh tin vào kết quả nghiên cứu của mình, tin vào lý thuyết của GS. An- Phe-Rốp. Chẳng lẽ thầy, cô lại cho lý thuyết của GS. An-Phe-Rốp là sai ? Nếu không thì họ đòi bỏ bằng được mục quan trọng nhất này để làm gì gì ? Sau một phút đắn đo, cuối cùng Phan từ tốn đưa ra đề nghị : - Em xin thưa, nếu thầy , cô cứ muốn loại bỏ mục này, em xin thầy , cô hãy xác nhận bằng văn bản rằng, lý thuyết của GS.An-Phe-Rốp được trình bầy trong sách "Động lực học máy thu hoạch" của ông là sai. Em sẽ đồng ý bỏ. Tất cả đều ồ lên, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Nếu là võ đài, chắc chắn sẽ là tiếng hò reo... Những cán bộ trong ngành cơ khí nông nghiệp, đều biết rất rõ Giáo sư An-Phe-Rốp, là một trong số ít các chuyên gia hàng đầu của Liên Xô (cũ) về lĩnh vực lý thuyết máy thu hoạch. Có lẽ, không một nhà khoa học nào trong lĩnh vực máy nông nghiệp của bất cứ nước nào, lại dám bác bỏ lý thuyết của ông. Vì vậy, hai vợ chồng người phản biện phụ họ Lý đã thật sự chết lặng, trước đề nghị rất đúng lúc, trong hoàn cảnh rất cần thiết của Phan. Chỉ vì muốn nghiên cứu sinh phải bỏ mục 5 của phần lý thuyết, để đạt một mục đích gì đó... mà dám xác nhận bằng giấy trắng mực đen, lý thuyết của GS An-Phe-Rốp là sai, thì khác nào họ tự chôn sống sự nghiệp của mình. Họ chết lặng, vì xác nhận cũng không dám, mà bắt học trò loại bỏ mục 5 cũng không xong... Còn đến mục sáu, Phan trình bầy kết quả nghiên cứu "tần số dao động riêng của trống đập". Anh dùng phương pháp "Ma trận chuyển tiếp", để xây dựng công thức xác định được tần số dao động riêng của trống đập. Thầy, cô lại không chịu, bắt loại bỏ với lý do dài quá. Thầy Lý Thế bảo, nên dùng phương pháp "con lắc" sẽ đơn giản hơn. Nếu đơn giản hơn thì thật tuyệt vời. Phan thầm cảm ơn thầy và chờ đợi. Và,thầy đã giảng giải rằng, người ta treo trống đập bằng một sợi dây, cho trống đập dao động khỏi vị trí cân bằng với một góc nghiêng ban đầu. Theo số lần dao động, góc nghiêng ban đầu và chiều dài của dây treo, sẽ tính ra tần số dao động riêng. Phan và có lẽ cả vị trọng tài, cả những người dự thính, đều bị bất ngờ, không còn tin vào tai mình nữa. Cách làm thủ công này có đơn giản thật. Nhưng làm cách nào để treo trống đập nặng hàng mấy tạ, bằng một sợi dây ? Nếu có thể treo được, thì phải dùng bao nhiêu người và cần bao nhiêu thời gian mới xác định được tần số dao động riêng, của trống đập ? Trong khi phương pháp của Phan, chỉ cần một ngòi bút tính toán trong vòng 15 phút. Ngoài hành lang, có nhiều cái lắc đầu, nhiều tiếng thở dài. Người ta thở dài, vì bản thân người phản biện cũng phải công nhận phương pháp Phan trình bày là hoàn toàn đúng. Vậy mà họ cứ nhất quyết bắt phải bỏ. Phần mình, kết quả nghiên cứu đúng vì sử dụng phương pháp đúng, nên anh chàng nghiên cứu sinh, kiên quyết bảo vệ mục lý thuyết này bằng được, là điều dễ hiểu. Kim đồng hồ đã chỉ qua con số 12. Cuộc bảo vệ không chính thức và chẳng mấy thiện chí này đã rơi vào bế tắc. Căn phòng lặng im. Ông chủ tịch Hội đồng ngồi im. Thầy cô lặng im. Học trò cũng lặng im. Gần hai mươi phút đã trôi qua. Bỗng ngài Chủ tịch Hội đồng phá tan sự im lặng bế tắc, bằng một kết luận chẳng khoa học tý nào lại còn quá tùy tiện nữa, nhưng rất thông minh, rất đúng, trong tình cảnh mà chính bản thân khoa học cũng phải mếu này. Ông ta mệt mỏi đứng lên, nói : - Thôi ! theo tôi, mục năm không bỏ trong luận văn, nhưng nghiên cứu sinh không trình bày. Mục sáu trình bầy kết quả, nhưng không trình bầy phương pháp. Ta cứ thống nhất thế nhé. Thầy, cô vội gật đầu chấp nhận. Còn cậu học trò Phan không biết nên khóc hay nên cười, khi nghe cái nghịch lý có lẽ chưa hề có trong lịch sử bảo vệ một luận án khoa học trên toàn thế giới, mà ông chủ tịch Hội đồng chấm luận án Quốc gia vừa phán bảo. Nhưng dù sao thì với kiến thức và bản lĩnh của mình, Phan đã bảo vệ được sự toàn vẹn của 30 trang lý thuyết, mà anh đã phải bỏ bao tâm huyết, mồ hôi công sức, suốt mấy năm trời làm nên. Gần 13 giờ , mọi việc kết thúc. Tất cả đều mệt nhoài và đói ...
|
Thấy Phan về nhà rất
muộn, mặt mũi bơ phờ, vợ và các con anh rất lo. Bữa cơm
trưa cả nhà chờ anh mãi. Mới có hai ngày, nhìn chồng sút
đi , vợ anh cũng phần nào hiểu mọi việc, nên chị càng
lo và thương anh hơn. Phan không ăn cơm, lăn ra giường thiếp
đi vì quá mệt mỏi. Thế là một ngày sắp trôi qua. Một
ngày trước khi bảo vệ, đối với Phan quả là bi thảm. Lẽ
ra, với sự nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng cùng sự giúp
đỡ đầy trách nhiệm của các thầy hướng dẫn, anh có thể
cùng vợ con, bạn bè, đồng nghiệp vui vẻ chuẩn bị cho buổi
bảo vệ chính thức được tổ chức long trọng và đàng hoàng
như một ngày hội - một ngày hội của cuộc đời. Vậy mà
...
Năm giờ chiều Phan mới thức dậy. Từ sáng chẳng ăn gì mà vẫn thấy no, anh đến gặp các thầy hướng dẫn. Các thầy rất ngạc nhiên khi nghe Phan kể lại diễn biến buổi bảo vệ sáng nay. Thì ra, cái thiện chí của họ là như thế . Thầy Đào chua chát lắc đầu và an ủi Phan : - Nhưng mà thôi, cậu đừng buồn. Trường hợp của cậu, đâu phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất. Vì ở xa, nên Phan không biết tại đây, tại chính mái trường đại học này, ngay cả các thầy từng có thâm niên trên bục giảng đường, khi bảo vệ luận án cũng phải lao đao, khốn khổ bởi chính vợ chồng ông bà phản biện họ Lý kia. Năm 1993, bản luận án phó tiến sỹ của thầy Trần được đa số các thành viên của Hội đồng cấp cơ sở đánh giá tốt. Nhưng Chủ Tịch Hội Đồng Lý Thế lại bác phần lý thuyết. Còn thư ký Hội đồng có cái tên rất buồn cười là Lưu Công Công, thì bác về mặt thực nghiệm. Buổi bảo vệ diễn ra căng thẳng. Bên ủng hộ có lý, không thắng nổi bên phản bác có quyền. Buổi bảo vệ không dẫn đến một kết luận nào, khiến vị giáo sư hướng dẫn của thầy Trần phải lắc đầu, nói một câu vừa bi hài, vừa chua chát khiến tất cả cử tọa đều cười rộ rằng : - hai phần lý thuyết và thực nghiệm trong luận văn của cậu Trần, giống như con người có hai cẳng giò. Ngài Chủ Tịch đòi bẻ một giò, ngài Thư ký đòi bẻ nốt giò kia. Cụt cả hai giò. Thế là hết ! Ai cũng nghĩ sự nghiệp bảo vệ luận văn của thầy Trần sẽ đi tong. Nhưng không, như có phép thần, chỉ sau đó một tháng, thầy Trần đã bảo vệ chính thức tại Hội Đồng Quốc Gia, mà cả hai phần thực nghiêm và lý thuyết đều được giữ nguyên. Chính kiến đòi bẻ giò của Chủ tịch Hội đồng Lý Thế và thư ký Lưu Công Công đã quay ngoắt. Ai biết vụ việc này cũng thấy cả sợ, khi liên tưởng đến hình ảnh con sói xảo quyệt trong cổ tích. Khi bất phân thắng, bại với con mồi, nó không cong đuôi bỏ chạy, mà quay lại với con mồi , vuốt ve, sãn sàng kết bạn ... Phan cũng đâu biết rằng, chính tại nơi đây, một nghiên cứu sinh nước bạn tên là Li Chăn cũng đã phải cười ra nước mắt. Sau hơn 5 năm nghiên cứu đề tài, Li Chăn cùng thầy hướng dẫn đem quyển luận văn đến Khoa Sau Đại Học, làm các thủ tục cần thiết, cho Li Chăn nhanh chóng được bảo vệ vì sắp hết hạn. Nhưng chủ nhiệm khoa Lý Thế chỉ liếc qua, đẩy quyển luận văn trả lại, rồi nói tỉnh bơ : " Luận văn đầu Ngô mình Sở thế này, bảo vệ sao được...". Không một lời thích gì thêm. Thầy, trò Li Chăn thất vọng ra về. Li Chăn thất vọng vì thái độ thiếu văn hóa của vị chủ nhiệm khoa chỉ một phần. Điều làm anh quá kinh ngạc, là chưa đọc mà ông ta lại bảo luận văn của anh là " đầu Ngô, mình Sở". Li Chăn không hiểu rõ lắm, thế nào là đầu Ngô, mình Sở, và tại sao lại đầu Ngô, mình Sở ? Anh nghĩ, nếu vậy thì hơn năm năm nghiên cứu của mình là công cốc rồi. Khi nghe thầy hướng dẫn giải thích nôm na " đầu Ngô, mình Sở", nghĩa là sự không thống nhất, thậm chí là mâu thuẫn nghiêm trọng trong bản luận văn, thì trong đầu Li Chăn cứ ấm ức mãi. Li Chăn không tài nào hiểu nổi , tại sao ông ta chưa đọc mà lại nói nội dung của bản luận văn là không thống nhất, là mâu thuẫn , là đầu Ngô mình Sở ?
|
Li Chăn cũng là cựu
sinh viên của trường này. Sau khi tốt nghiệp, anh được chuyển
tiếp nghiên cứu đề tài "Tối ưu dây truyền chế biến thức
ăn gia súc", để bảo vệ học vị phó tiến sỹ. Người hướng
dẫn là cô giáo Lý Nhị và thầy Hùng Xuân. Thật không may
cho Li Chăn, cả hai người hướng dẫn đều rất bận, nên
không có nhiều thời gian cần thiết dành cho việc nghiên cứu
của Li Chăn. Thời gian thì cứ trôi qua vùn vụt, chỉ còn
4 tháng nữa là hết thời hạn 4 năm nghiên cứu, mà Li Chăn
mới viết được phần tổng quan của luận văn, còn nội
dung chính của đề tài thì chưa làm được tý nào. Và, nguy
hại hơn là ngay từ đầu đề tài đã bị rơi vào ngõ cụt,
vì không thể tối ưu gì được ở dây chuyền chế biến
thức ăn gia súc, với công suất quá nhỏ, chỉ có 500kg/ giờ,
chưa bằng mười cái cối xay lúa kéo tay, làm bằng đất của
nông dân. Nguy cơ đề tài này sẽ không bảo vệ được, là
chắc chắn. Cho dù Li Chăn có xin kéo dài thêm thời gian nghiên
cứu. Nếu nghiên cứu sinh Li Chăn không bảo vệ được luận
án, thì không chỉ người hướng dẫn mất uy tín, mà còn
ảnh hưởng đến uy tín quốc tế của nhà trường với nước
bạn. Chính vì thế mà cả hai người hướng dẫn đã xin rút
và đề nghị thầy Đào thay họ hướng dẫn Li Chăn. Nhận
thấy việc đào tạo nghiên cứu sinh là trách nhiệm chung,
nhất là không thể để nghiên cứu sinh về nước, mà không
bảo vệ được luận án, nên thầy Đào đã nhận lời hướng
dẫn Li Chăn. Nhưng thầy Đào đã vấp phải ngay khó khăn nan
giải là, thời hạn của nghiên cứu sinh chỉ còn 4 tháng;
Đề tài đi vào ngõ cụt, không thể phát triển thành luận
án phó tiến sỹ được. Vốn là một nhà khoa học đầu ngành,
để giúp Li Chăn, ông đã tìm ra lối thoát , bằng cách đề
nghị đổi đề tài theo hướng mở rộng thành "Nghiên cứu
tối ưu dây chuyền và hệ thống cơ giới hoá chế biến thức
ăn gia súc cho nước bạn". Đồng thời xin gia hạn thêm thời
gian nghiên cứu, ít nhất là 12 tháng. Để đảm bảo về nguyên
tắc thủ tục và tính liên tục trong nghiên cứu của Li Chăn,
thầy Đào đề nghị giữ lại một trong hai người hướng
dẫn cũ, ai cũng được, cùng ông hướng dẫn Li Chăn. Và,
chỉ khi nào nhận được quyết định của Bộ GD&ĐT, cử
ông là hướng dẫn chính, thay người hướng dẫn cũ, ông
mới bắt đầu công việc. Các đề nghị của thầy Đào đều
được lần lượt chấp nhận. Vì cô Lý Nhị từ chối , nên
thầy Hùng Xuân tiếp tục là người hướng dẫn thứ hai của
Li Chăn. Nhưng thời gian cứ trôi đi, Li Chăn rất sốt ruột,
vì vẫn chưa thấy Bộ gửi về quyết định cử người hướng
dẫn mới . Bà Lý Nhị vội giải thích rằng :
- Khoa Sau đại học đã gửi công văn đề nghị với Bộ . Nhưng thời gian để Bộ gửi quyết định về có lẽ cũng phải vài tuần. Thời hạn của nghiên cứu sinh đã gần hết, đề nghị thầy Đào cứ hướng dẫn ngay, chắc chắn Bộ sẽ ra quyết định. Rất vô tư, không một chút đắn đo, thầy Đào bắt tay ngay vào công việc. Thế là, đề tài của Li Chăn được mở rộng theo hướng nghiên cứu mới, dưới sự hướng dẫn rất tận tình của thầy Đào, nên đã tiến triển thuận lợi. Chỉ sau một năm, Li Chăn đã viết xong bản luận văn bảo vệ luận án phó tiến sỹ , cùng 10 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học -- kỹ thuật của quốc gia. Công việc còn lại chỉ là chuẩn bị các thủ tục để chờ được bảo vệ. Vậy mà đến thời điểm này, vẫn chưa thấy quyết định của Bộ công nhận thầy Đào là người hướng dẫn thứ nhất, thay người hướng dẫn cũ. Một năm. Rồi hơn một năm vẫn không thấy. Không hiểu lý do tại sao? Chẳng lẽ Bộ lại vô trách nhiệm đến thế ? Thời hạn, cũng lại đến phút tám chín mất rồi. Nếu chờ nữa, Bộ sẽ cắt kinh phí đào tạo và Li Chăn sẽ phải trắng tay về nước. Li Chăn sốt ruột. Thầy Đào sốt ruột. Cả hai thầy trò đều chung một câu hỏi, tại sao ? Nhưng thầy, trò Li Chăn đâu biết rằng, chẳng có gì khó hiểu cả. Mọi việc đã được tính kỹ, ngay từ thời điểm đề tài nghiên cứu của Li Chăn rơi vào hũ nút. Muốn đổ trút trách nhiệm cho người khác, người hướng dẫn thứ nhất, bà Lý Nhị đã đánh bài chuồn, bằng quái chiêu xin thay người hướng dẫn. Khi ấy bà ta tin rằng, đề tài của Li Chăn khó mà có ai cứu được. Kẻ nào liều mạng sẽ thân bại, danh liệt, sẽ chẳng khác nào Thạch Sanh đi gặp trằn tinh. Vì Li Chăn là người nước ngoài, nếu đề tài của anh ta đổ vỡ, bà làm gì còn uy tín, để đi tiếp con đường phía trước. Và, bà đã chủ động mời thầy Đào thay mình. Thật không may, nhưng cũng chan chứa chất nhân văn, chất người, là sứ mệnh của chàng Thạch Sanh ấy lại rơi vào thầy. Li Chăn và thầy Đào -- Thạch Sanh của anh, cũng quá vô tư , nên không hề biết rằng, mọi công việc nghiên cứu của thầy, trò anh, từng ngày, từng ngày, tiến triển, hay thụt lùi ... vẫn luôn được người ta để mắt đến. Để rồi đến phút tám chín này, khi thấy chàng Thạch Sanh vô tư, xách cái đầu trằn tinh về, nghĩa là bản luận văn đã hoàn thành, chỉ còn chờ bảo vệ, người ta đã không khỏi kinh ngạc về kết quả làm việc của thầy, trò Li Chăn, nên mới giở bài họ nhà Lý... Không thể cứ ngồi chờ, Li Chăn đi hỏi thì được người ta khuyên rằng, thời gian hết rồi. Bộ không gia hạn nữa đâu. Cứ đề nghị thầy Đào cho bảo vệ luận văn mang tên của những người hướng dẫn cũ, là xong. Nghĩa là, thầy Đào sẽ không có tên trong luận văn, mà thầy đã trực tiếp cứu sống sinh mệnh của đề tài nghiên cứu, cũng là sinh mệnh sự nghiệp khoa học của Li Chăn, và chính ông mới là người đã tận tình hướng dẫn Li Chăn suốt hơn một năm trời. Nghe xong, Li Chăn muốn gục xuống. Không biết, trong những năm học ở Việt Nam, Li Chăn đã biết đến truyện cổ tích Thạch Sanh -- Lý Thông chưa ? Vậy mà, khi nghe Li Chăn nói lại yêu cầu quái đản ấy, Thầy Đào chỉ hiền lành mỉm cười. Rất ít ai biết rằng, vì không có quyết định công nhận của Bộ, nên tất cả những quyền lợi của người hướng dẫn, theo quy định của nhà nước, thầy Đào không được hưởng. Trong khi hoàn cảnh nhà thầy rất khó khăn. Lúc này, ông chỉ nghĩ đến thời gian và việc bảo vệ luận văn của nghiên cứu sinh. Với ông, cái danh không phải là mục đích của người làm khoa học chân chính. Ông chấp nhận ngay và bảo Li Chăn : Cậu cứ trả lời là tuỳ họ, muốn thế nào cũng được.
|
Cả trường này, không
ai lạ gì tính đa nghi của vị chủ nhiệm khoa. Quả là, nếu
Tào Tháo bên Tàu có tái thế cũng còn phải tôn ông ta là
bậc đại sư phụ. Nhận được câu trả lời của thầy Đào,
suy bụng ta ra bụng người, nên ông ta cứ mãi lẩm bẩm, lẩm
bẩm :
- Tùy họ, muốn thế nào cũng được ! Hừ , thế thì chưa chắc thằng cha Đào này đã chịu rút tên nó ra, để đưa tên người hướng dẫn cũ thứ nhất vào. Đúng lúc ấy, thì Li Chăn và thầy Hùng Xuân vào, nên ông ta thầm tự hoan hô cái máu của thằng cha Tào Tháo trong mình. Thấy chưa, đích thị là thằng Hùng Xuân với thằng Đào đứng tên rồi còn gì . Và, vì vậy, ông ta mới không cần xem, kết luận luôn là, "luận văn đầu Ngô, mình Sở bảo vệ thế nào được". *** |
Còn bây giờ, khi bà
Lý Nhị, vợ ông đưa cho ông quyển luận văn của Li Chăn.
Ông không còn tin vào mắt mình nữa. Ông mang kiếng lên. Không
! kiếng này hơi mờ, thay kiếng khác. Lại kiếng khác. Rồi
ông đắc chí cười hềnh hệch, khi thấy tên Lý Nhị , người
hướng dẫn thứ nhất, Hùng Xuân người hướng dẫn thứ
hai. Còn cái tên thằng cha Đào đã mất tiêu. Chắc như bắp
rồi !
Sáng hôm sau, như bị ma đuổi ông Lý Thế đi như chạy lên văn phòng khoa. Ông khoan thai ngồi vào bàn, nhâm nhi chén trà, cố tình làm như không có chuyện gì xảy ra. Tất cả đều bình thường, rất bình thường thôi, thưa quý vị. Rồi ông mới lặng lẽ lệnh cho những người dưới quyền, chuẩn bị thật chu đáo cho nghiên cứu sinh nước bạn bảo vệ luận án. Vì đó là uy tín, đó chính là, chính là... Đúng 8 giờ sáng ngày 14/5/19... , không khí tại hội trường nơi nghiên cứu sinh Li Chăn bảo vệ chính thức luận văn phó tiến sỹ trước Hội Đồng Quốc Gia, thật vui mừng, cởi mở. Người ta đã chuẩn bị sẵn hoa, thật nhiều hoa... Mặt nghiên cứu sinh Li Chăn cũng tươi như hoa. Anh chững chạc, bảnh bao trong bộ đại lễ, hai tay trịnh trọng đặt quyển luận văn " đầu Ngô, mình Ngô" lên bàn Hội đồng giám khảo. Toàn bộ bản luận văn của Li Chăn được Hội Đồng đánh giá xuất sắc. Rất xuất sắc. Đó là sự thật. Nhiều thành viên của Hội Đồng và cả một số nhà khoa học, trong bản nhận xét gửi đến phản biện, đã đề nghị nghiên cứu sinh bổ xung để bảo vệ thành luận văn tiến sỹ. Nước mắt Li Chăn chảy dài trên má. Anh nói tiếng Việt Nam, như người Việt. Không nén nổi xúc động, trong phần cảm tạ của mình, trước Hội đồng chấm luận văn Quốc gia, cùng rất đông các cán bộ khoa học, kỹ thuật, thầy, cô và đồng nghiệp đến dự, Li Chăn gọi thầy Đào là bố. Người bố mà anh vô cùng kính trọng, biết ơn trên đất nước Việt Nam. Người bố, nguời thầy đã chấp nhận hy sinh hết, vô cùng tận tình hướng dẫn, để anh có được kết quả này. Một kết quả của cuộc hành trình đầy sáng tạo và trách nhiệm, đi từ không đến có, chan chứa tình yêu khoa học, tình yêu thương con người. Và, trong những ngày chuẩn bị cuối cùng, khi buộc phải không ghi tên người bố, người thầy của mình trong quyển luận văn, Li Chăn đã biết rõ và hiểu lắm câu chuyện của người Việt kể về Lý Thông. Giữa hội trường, Li Chăn nước mắt ràn rụa. Anh ôm hoa chạy đến, quỳ trước mặt ân nhân trong chặng đầu của sự nghiệp nghiên cứu khoa học mà anh vừa được ông tạo dựng và thưa : Bố !
|
Trở lại với chàng
nghiên cứu sinh Phan. Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa thôi.
Buổi bảo vệ chính thức chiều nay, không biết sẽ còn xảy
ra chuyện gì nữa không. Nhưng Phan vẫn thầm bảo mình, dù
xảy ra chuyện gì, Phan vẫn phải trình bầy toàn bộ bản
luận văn, không thể bỏ bất cứ trang nào, mục nào. Và,
anh đã làm như vậy.
Nhưng, cũng lại như có phép thần, buổi bảo vệ chính thức diễn ra rất tốt đẹp, yên bình. Thầy Lý Thế không đến, cũng không gửi bản nhận xét. Còn bà phản biện Lý Nhị , thật bất ngờ đã đọc một bản nhận xét khá tốt và cũng không còn đòi bỏ một trang lý thuyết nào. Các thành viên Hội đồng đều đánh giá tốt, không ai nhận xét gì về sự dài, ngắn của phần lý thuyết. Hội đồng thống nhất đề nghị công nhận học vị phó tiến sỹ cho Phan. Cuối cùng là pháo tay. Rào rào pháo tay. Hoa và Hoa. Mọi người đều vui mừng nâng cốc chúc mừng Phan đã bảo vệ thành công bản luận văn. Có lẽ , ngoài Phan và những người trong cuộc, không một ai, tuyệt nhiên không một ai biết được, những gì đã xảy ra cho chàng nghiên cứu sinh đầy nhiệt huyết ấy,trong suốt hơn 48 giờ qua... Năm tháng trôi qua. Nay Phan đã sắp nghỉ hưu. Các con anh đã trưởng thành và đều là cán bộ giảng dạy của một trường đại học. Noi gương bố, các cháu rồi cũng sẽ trở thành nghiên cứu sinh . Mong sao, trên suốt hành trình đến với khoa học, để trở thành một nhà khoa học tử tế, khi phải ngoảnh lại nhìn về những nẻo đường phía sau, chúng sẽ không bao giờ phải giật mình bởi từng gặp phải " nạn phản biện" như Phan ...
|
Từ phòng ngoài , Huy
Phương sốt ruột hỏi vợ :
- Sao lâu thế. Em nghiền ngẫm hơi bị kỹ đấy. Thằng cha trưởng trang thể nào cũng eo éo bây giờ cho mà xem. Gấp lại tập bản thảo, cô vợ trầm ngâm, có lẽ dư vị truyện ký của ông cộng tác viên Quang Minh này , vẫn còn dìu dịu mà chát đắng trong cô. Bất giác, cô gọi toáng lên : - Vào đây. Xong rồi, anh vào đây. Em thấy viết thế là quá đạt rồi, còn phải cắt cứa gì nữa. - Anh cũng nghĩ vậy. Để anh gọi ngay cho thằng cha ấy. Nhưng điện thoại di động đã đổ chuông. Thằng cha này thiêng như ma. Huy Phương chậm rãi nói từng tiếng, như thể đang còn mệt mỏi lắm : - Xong rồi ! Tay này viết khá lắm, chỉ sửa lỗi chính tả tý chút. Nhưng có thể phải thay cái tên truyện ký của ông ta đấy, cậu ạ. - Không ! không ! để nguyên, để nguyên đừng thay. Cái tên "Phản thùng, phản biện, quái chiêu phu thê Lý đại nhân", nghe hay lắm, gợi lắm. Ông làm việc lẹ quá, kịp đưa vào số thứ bảy này rồi. Có thế chứ. Meo (email) lên cho tớ ngay nhé. Hé hé ... - Này ! ... Tệ thật, hắn cúp máy rồi. Thấy chồng cằn nhằn, cô vợ liền hỏi : - Lại bất đồng chính kiến với lão ấy à ? - Không ! hắn bảo cứ giữ nguyên cái tên truyện ký như bản thảo. - Đúng ! em cũng thấy thế, giữ lại là đúng. Hơi cải lương, hát bội một tý thật, nhưng Làm gì còn cái tít nào hay hơn, chính xác hơn thế nữa. - Đúng , đúng , cô thì lúc nào cũng về hùa, a dua -- Huy Phương âu yếm gõ gõ vào đầu cô vợ. Nói vậy, nhưng nghĩ đi , nghĩ lại Huy Phương cũng phải thừa nhận không còn cái tít nào có thể chuẩn xác hơn thế. Cùng là họ Lý chúng nó cả. Hay ! Quả là, cha , ông ta ngày xưa uyên thâm quá, đã gửi cả hai nhân vật Lý Thông và Thạch Sanh vào cổ tích. Bởi trăm năm bia đá thì mòn . Còn ngàn năm bia miệng thì ... (*) Trong tập truyện ngắn "Đôi mắt rồng" NXB Văn học -- 2008. |
|