Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
]
[ Trang Chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
(Thương
tặng các bạn trong diễn đàn Ô Thước)
Câu
nói đùa này không biết nhập vào đầu tôi từ bao giờ mà
mỗi lần nghe thiên hạ bàn chuyện gẫu về MC tức người
dẫn chương trình, nó lập tức bật ra khiến tôi tự cười
thầm. Theo như chúng ta biết làm một MC (Master of Ceremonies),
Emcee, không phải dễ và đơn giản, trở thành một MC giỏi,
nổi tiếng và thành công còn khó hơn. Tôi xin thu hẹp phạm
vi bài viết này trong khu vực hải ngoại hơn là trong nước
vì tôi đang sống ở hải ngoại.
Một buổi sáng cuối tuần, bạn bè tôi cùng nhau họp mặt vì có một người từ Việt Nam mới qua chơi. Chúng tôi đang chuyện trò, bỗng chú ý đến một chương trình TV thu hình trực tiếp chuyện có liên quan tới một tiếp viên hàng không của hãng JetBlue. Anh Steven Slater, tiếp viên hàng không Mỹ nổi điên và chửi hành khách, rồi trượt ra ngoài theo máng thoát hiểm. Câu chuyện của anh bùng nổ và trở thành một hiện tượng trên mạng. Người dẫn chương trình phỏng vấn các hành khách và có người phê bình anh Steven quá thô lỗ. Người bạn trong nước qua chơi đang coi bỗng phán lên một câu "Tại sao ở Mỹ người ta trả lời phỏng vấn hay như vậy, nghe thiệt là sướng. Người trả lời phỏng vấn là một thường dân mà ăn nói trên TV như một xướng ngôn viên chuyên nghiệp. Trong khi ở VN, có nhiều chương trình phỏng vấn trên TV, người dẫn chương trình cũng như người được phỏng vấn ăn nói rất là rề rà, lục cục không thông suốt". Thế là câu chuyện vòng quanh hai chữ MC chợt nổ như bắp rang. Câu chuyện lan man bắt đầu khởi đi từ cái gốc của ngôn ngữ. Một anh bạn cho rằng Anh ngữ trong đối thoại nghe trôi chảy hơn, tiếng Việt nghe như lục cục, giựt giựt lại thiếu mạch lạc, thiếu từ vựng. Có lẽ vì tiếng Việt đơn âm, tiếng Anh đa âm, vả lại phong cách Việt không hợp cho "ngôn ngữ nói". Anh dẫn chứng rằng, cứ để ý trên các chương trình của Paris by Night hay Asia, sẽ thấy các ca sĩ trả lời bằng tiếng Anh thường nói lưu loát, ngon lành hơn các ca sĩ trả lời bằng tiếng Việt dù khả năng Anh ngữ của họ chắc chắn không bằng khả năng Việt ngữ của người kia. Hay nếu ta phỏng vấn một người cán sự xã hội VN, bằng tiếng Việt, về chuyện VN và một người cán sự xã hội Mỹ bằng tiếng Anh, chuyện xứ Hoa Kỳ thì có nhiều cơ hội người cán sự Mỹ sẽ trả lời đâu ra đó thông suốt hơn người Việt. Cũng như một người lãnh đạo Việt Nam đọc diễn văn sẽ không hay bằng một nhà lãnh đạo Mỹ, dù không xét đến nội dung. Sau khi phân tích vấn đề bắt nguồn từ giọng nói và cấu trúc ngôn ngữ Việt, một anh khác nêu lên yếu tố giáo dục và văn hoá. Trong nghệ thuật hùng biện, nói năng trước công chúng (public speaking), khả năng của người mình còn kém. Người phỏng vấn hay được(bị) phỏng vấn thường không quen tiếp xúc với đám đông nên nhút nhát, thiếu bình tĩnh, vụng về, lúng túng. Kỹ năng này phải được tập luyện trong trường lớp từ cấp nhỏ đến cấp đại học. Tôi thấy ở Mỹ các em nhỏ học tiểu học, mới từ lớp 1 đã rất dạn dĩ trong các buổi trình diễn kịch, múa, hát cuối năm, nói gì đến thanh thiếu niên ở cấp trung học và đại học. Các học sinh trung học phải tập luyện khả năng hùng biện trước công chúng hầu như mỗi ngày trong các môn học, các lớp vì các em phải giới thiệu cũng như trình bày (presentation) bài làm của mình hay làm chung với nhóm mình trước mặt giáo sư và bạn học. Do đó khi qua cái cầu trung học, người dân Mỹ đã có khả năng nói chuyện trước công chúng. Ở cấp đại học còn có những lớp dạy về hùng biện(speach) mà sinh viên có thể lấy như môn nhiệm ý hay môn học tổng quát nên chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy người Mỹ tỏ ra rất tự nhiên khi tiếp xúc với đám đông. Hơn nữa, lối giáo dục của người Mỹ không chuộng từ chương, lại khuyến khích học sinh phát biểu cảm tưởng của mình nên các em không e ngại khi giơ tay phát biểu ý kiến riêng của mình. Tự do ngôn luận khiến con người không bị cái cảm giác sợ sệt, e ngại khi cần nói bất cứ điều gì. Việt Nam ta còn có câu "Trước khi nói hãy uốn lưỡi 7 lần". Suy nghĩ và uốn lưỡi kỹ lưỡng như thế xong, thì hết cả muốn nói!!! Sống trong một xã hội tự do ngôn luận bị cấm đoán, con người khi đối diện trước công chúng, nói năng thất thố có thể đi tù như chơi. Vạ miệng đôi lúc sẽ là tai hoạ không ai biết trước được, vì thế tinh thần dân chủ ảnh hưởng luôn cả đến khả năng tranh luận của công dân trong một nước. Điều này minh chứng rõ khi chúng ta thử quan sát một cuộc phỏng vấn tay đôi hay một cuộc tranh luận bàn tròn dăm ba người. Chúng ta có thể thấy các chính khách của ta nói chuyện rất rề rà, không có lửa, thiếu thu hút khiến chúng ta có thể thấy vấn đề không hẳn nằm trong ngôn ngữ nói. Những người này thường biết trước nội dung, đề tài, câu chuyện trình bày hơn là từng câu hỏi. Hay biết trước từng câu hỏi cũng vậy, khi nói chuyện họ cũng bị mất tự nhiên, cung cách nói như bị gò bó theo điều chuẩn bị, nên xem ra lại càng lúng túng hơn. Rốt cuộc màn phỏng vấn mang lại cảm giác buồn ngủ, thiếu sinh động. Ngược lại, chúng ta xem những cuộc đối thoại phỏng vấn của Mỹ như với Donald Rumsfeld hay Colin Powell sẽ thấy hào hứng hơn nhiều. Có người cho rằng ăn nói lưu loát phần nào do bẩm sinh. Không phải ai cũng có khoa ăn nói hay và quyến rũ, nên có những người được thượng đế ưu đãi ban riêng cho cái tài vượt trội này. Làm một MC, đối thoại trước đám đông cần thông minh, ứng đáp nhanh, nghĩ nhạy, phản ứng lẹ, nói với tất cả lòng hăng say, nhiệt tình, pha thêm chút hài hước làm khán giả thấy thú vị. Những điều này người Việt mình lại thiếu nên chúng ta ít có nhân tài xuất chúng trong nghệ thuật hùng biện. Người mình lại hay nghiêm và buồn, không biết pha trò trước đám đông nên thiếu sự thu hút cần có. Làm MC không những phải tập luyện, sửa soạn kỹ mà còn phải biết ứng xử lẹ với những điều bất ngờ như David Letterman, Jay Leno đáp ứng rất lẹ, lém và khôi hài. Ngay cả đến Ronald Regan cũng khôi hài dù là tổng thống. Người Mỹ xem trọng nụ cười và óc hài hước vì trong đời sống tất bật nhiều áp lực, tiếng cười làm nhẹ và vơi đi sức nặng ngàn cân của công việc hàng ngày. Những sản phẩm trí tuệ được ưa chuộng của người Mỹ được sản xuất chung quanh chữ "hài" rất nhiều. Nhiều diễn viên tấu hài hàng năm thâu nhập những lợi tức cao ngất ngưởng nhờ vào năng khiếu biết chọc cười thiên hạ này. Văn hoá Á Đông tiêm nhiễm tam giáo (Khổng, Phật, Lão) nên người Việt đặt nặng chữ lễ làm đầu trong đó có sự nghiêm chỉnh thành ra khi tiếp xúc với người lạ hay công chúng, chúng ta thiếu hẳn nụ cười. Tuy nhiên một vài MC Việt Nam ta ở hải ngoại đã biết tận dụng khả năng hài hước để tung hoành trên sân khấu và gặt hái nhiều thành công trong lãnh vực điều khiển chương trình. Trong một vài bài viết nổi tiếng được soạn ra với mục đích giúp một người làm MC sao cho thành công, có những điều như sau: phải có cá tính và sức thu hút, có khả năng gây được ảnh hưởng và khuấy động đám đông trong khi giới thiệu đến người kế tiếp. Nói nhanh và sẵn sàng ứng biến, có được một phong cách riêng, hiểu khán giả, hiểu về người mà bạn sắp giới thiệu. Cần sự tự tin, linh hoạt, nhạy bén. Tuy vậy, nghề MC còn đòi hỏi bạn có nhiều kỹ năng và vốn kiến thức phong phú để có thể đảm nhận nhiều vị trí khi cần. MC đôi lúc là người biên tập chương trình, là người thiết kế sáng tạo cho chính chương trình của mình chứ không đơn giản là học thuộc lời và đứng nói như cái máy. Ngoài ra bạn cần có một giọng nói tốt, phải nói cho tròn vành, rõ chữ nữa. Cộng đồng người Việt nhỏ bé ở hải ngoại có dân số không đông bằng trong nước nhưng số MC hành nghề dẫn chương trình nếu kể ra, chúng ta thấy không phải là ít. Trong các chương trình ca nhạc, kể theo thứ tự A,B,C, chúng ta có Dương Nguyệt Ánh, Đặng Tuyết Mai, Leyna Nguyễn, Nam Lộc, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Nguyễn Ngọc Ngạn, Phan Nhật Nam, Thùy Dương, Trịnh Hội, Vân Sơn, Việt Dũng, Việt Thảo, Vĩnh Lạc...v..v... Ngoài ra vì sự phát triển của HD Tivi ngày nay đã kéo theo sự nở rộ của các chương trình truyền hình Việt ngữ. Do đó số người dẫn chương trình, đọc tin, làm phóng sự, phỏng vấn vụt gia tăng theo định luật cung cầu. Trong lãnh vực truyền thông, truyền hình, radio ở khắp nơi người Việt định cư, chúng ta đã có những MC hay xướng ngôn viên riêng của từng tiểu bang, từng quốc gia, từng chương trình phát thanh, phát hình khác nhau. Nếu kể tên, có lẽ kể không hết, tôi chỉ xin đơn cử vài thí dụ điển hình ở địa phương (Nam Cali) nơi tôi cư ngụ có: Bùi Bảo Trúc, Bùi Bích Hà, Hoàng Trọng Thụy, Hương Thơ, Minh Phượng, Mộng Lan, Ngọc Ân, Thanh Lan, Thanh Toàn, Trọng Nghĩa, Vũ Chung, Vũ Kiểm v..v... Ngày xưa khoảng thời gian trước 75, chúng ta có các xướng ngôn viên với những giọng hay như Đỗ Văn, Phạm Đình Chương, Tô Kiều Ngân, Đinh Hùng, Vũ Dũng, Dạ Lan..v..v... Phải nói là bá nhân, bá ý vì mỗi MC có một lượng khán thính giả mến mộ khác nhau. Các bạn tôi thay nhau bênh vực thần tượng MC của mình. Khuyết điểm của các MC VN tôi đã nói ở trên, giờ tôi chỉ nêu các ưu điểm của một vài MC có cá tính nổi bật được họ đem ra tranh cãi. Có người thích lối nói chuyện mới lạ, tự nhiên, mạnh, trực tiếp, duyên dáng pha chút hài rất miền Tây của Việt Thảo. Một mình ông một sân, Rock, Rap, kịch, hài, nhún nhảy, vui vẻ, đơn giản, không cứng đơ, không nói chuyện khoa học, chính trị, văn chương hay văn học như một hình thức tải đạo, không làm mất thì giờ người nghe. Người thì khen giọng Bắc ông Bùi Bảo Trúc ấm, điệu nghệ, rõ ràng và sang hơn giọng Bắc ông Nguyễn Ngọc Ngạn. Các cô thì mến dáng vẻ bình dị, khuôn mặt dễ nhìn, dễ gây thiện cảm, tự nhiên và thân thiện của ông Ngạn. Có người lại thích nét lạ đời của ông khi kể chuyện cười mà mặt lạnh như băng, tỉnh queo không một nụ cười. Người cảm cái giọng Sơn Tây, trầm trầm, giản dị, cách đẩy đưa mạch lạc, cách ngắt chuyện khi cần của ông. Ông đã chịu khó nghiên cứu khi soạn bài, biết chọn đề tài, các chi tiết hài được đẩy đưa tung hứng khéo léo cùng Nguyễn Cao Kỳ Duyên tạo nên sự trôi chảy duyên dáng cho cả hai. Muốn có được sự mến mộ của đám đông nhiều lúc người dẫn chương trình như ông phải có một tâm hồn thực tế và còn phải chạy theo trình độ của quần chúng. Nhắc đến những MC trên sân khấu âm nhạc, chúng ta không thể không nhắc đến MC Vĩnh Lạc như một nhân vật gây nhiều ấn tượng và rất được giới trẻ yêu nhạc ái mộ. Ông là một dương cầm thủ(concert pianist) nên có kiến thức vững vàng về âm nhạc lại có khoa ăn nói nên khi làm MC cho các chương trình hoà tấu hay trình diễn âm nhạc, ông khéo léo đưa các vấn đề liên hệ vào. Vĩnh Lạc có một trí nhớ tốt, chịu khó đọc cặn kẽ, lại thuộc Kiều nên hay mang những nghiên cứu về Kiều như những dẫn chứng Đông Phương. Trong khi những kiến thức triết học của Kant, Nietzsche, Bach, Mozart cũng được ông mang ra phân tích khi bàn đến một nhạc phẩm khiến người nghe có cái cảm giác hoà hợp dung dị giữa hai nền văn hoá Đông Tây trong một bài hát Việt Nam. Mỗi MC có một tài năng, thế đứng riêng. Nghe Vĩnh Lạc nói lưu loát về một đề tài, khung cảnh, cách nói, sẽ thấy ông mượn phong cách, âm hưởng, cấu trúc của Tây Phương nghĩa là ông nói như một người Tây về một chuyện Tây khiến khán giả có cảm tưởng Vĩnh Lạc thoát ra khỏi cái cung cách nghiêm nghị, tẻ nhạt mà một MC Việt thường có. Tôi có một cô bạn mê lối nói đầy đam mê, cuốn hút, có lửa, kiến thức rộng, lý luận lại thú vị đó nên nghe ở đâu có tổ chức trình diễn âm nhạc có Vĩnh Lạc làm MC, cô không ngại mua vé máy bay đi xem Vĩnh Lạc nói. Cô kể, có lần đi xem buổi hoà nhạc có Vĩnh Lạc làm MC, ngoài lúc dẫn chương trình, trong giờ nghỉ giảo lao 15 phút khán giả không nghỉ mà kiên nhẫn ngồi lại nghe Vĩnh Lạc nói tiếp về Trịnh Công Sơn. Ông vừa bàn về nhạc thuật vừa phân tích ca từ, chỉ ra cái hay của bài hát "Đêm thấy ta là thác đổ" ở chỗ nó thấm nhuần triết lý Đông Phương, Tây Phương, cả nhạc cổ điển của Bach và Bethoven. Ông nói say mê, xúc động đến độ đứng khóc giống hệt như Bùi Giáng ngâm thơ Kiều trong giảng đường đại học Vạn Hạnh ngày xưa ở Việt Nam. Có lẽ vì quá nhiều tình cảm và say sưa diễn tả cảm nghĩ của mình về những bài hát mà Vĩnh Lạc không biết dừng, khiến các ca sĩ phải chờ dài cả cổ mà chưa tới phiên m nh. Sự đam mê, đầy nhiệt huyết của ông với âm nhạc là một trong những yếu tố chính thành công của một MC nhưng nó cũng làm ông thất bại vì ông vốn quen "quá đà" khiến sau này ít ai mời ông làm MC vì sợ tốn thời giờ của ban tổ chức. Tuy nhiên nếu đặt tài năng Vĩnh Lạc vào đúng chỗ, có lẽ khán thính giả sẽ được lợi hơn, được hiểu thêm về lý thuyết âm nhạc của các tác phẩm mà mình yêu thích. Ông có phụ trách một chương trình âm nhạc cho một đài phát thanh, được nhiều thính giả khen hay vì nó có tính giáo dục cách thưởng thức âm nhạc của thính giả. Có vấn đề đáng lưu ý là phần đông thính giả thích nghe ông nói thường có thể sẽ bị ảo tưởng vì ông hay lấy dẫn chứng từ những tác phẩm cổ điển để làm tăng thêm giá trị cho nhạc phẩm được ông đem ra so sánh, trong khi thật ra chúng lại rất đỗi bình thường. Điều này như một cường điệu quá đà có tính nặng phần trình diễn làm choá mắt người nghe vì chắc chắn đối tượng thính giả của ông trong những chương trình kia sẽ không phải là người có chuyên môn âm nhạc cao. Nhạc sĩ Thanh Trang cũng có một chương trình tương tợ như Vĩnh Lạc trên đài phát thanh nhưng cung cách của TT khác hẳn VL. Khi phê bình âm nhạc, Ông ít lời, nhiều ý, với các thí dụ cụ thể làm thính giả mường tượng được ra cái đó là cái gì (ý chính của Thanh Trang là giai điệu quan trọng hơn lời ca, nhằm nâng trình độ ca nhạc người nghe lên cao hơn). Còn người rành nhạc thì có cơ hội so sánh hoặc có hứng tìm hiểu kỹ hơn. Đây là một trích đoạn bài nói chuyện của Thanh Trang trên VOA : "Thế nhưng người nghe nhạc bình thường, cảm nhận một bài hát qua sở thích riêng tư, qua cảm tính của mình thì không nói làm gì, mà ngay cả đến các nhạc sĩ có tên tuổi nhất, đuợc đào tạo chính quy nhất về mặt âm nhạc, cũng không thể dựa vào những kiến thức chuyên môn của mình để có thể giải thích được cái hay cái đẹp nơi một bài hát. Cảm nhận đuợc mặt đó là do nơi mấy chữ người ta thường nhắc đến là "trình độ thẩm âm"." Có lẽ phân tích về mỹ thuật hay thơ ca người ta dễ tập trung hơn phân tích về âm nhạc vì nó đụng tới những lý thuyết khô khan khó hiểu. Mà nói đến trình độ thẩm âm của thính giả chúng ta càng thấy trừu tượng, mông lung hơn. Nghệ thuật luôn luôn song hành với hai khuynh hướng, giải trí và trí tuệ. Mỗi MC có một địa hạt riêng của mình, không thể đòi hỏi người này phải giống người kia hay người này hay hơn người kia. Điều quan trọng là mỗi khán giả tự quyết định, xác định thứ nghệ thuật giải trí, hay nghệ thuật trí tuệ, là món ăn tinh thần của mình. Có thể Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên thích hợp với Paris by Night show vì tính giải trí của nó. Và nếu nhu cầu của người nghe chọn lọc hơn thì MC Vĩnh Lạc thích hợp với các show ca nhạc thính phòng. Còn như muốn nghe phê bình âm nhạc mà kết hợp được Vĩnh Lạc và Thanh Trang với nhau chúng ta có thể có những bài phê bình âm nhạc rất tuyệt vời. Nói tóm lại vai trò của một MC trong một buổi trình diễn không phải nhỏ. Nó giúp cho buổi diễn được trôi chảy, hâm nóng bầu không khí cho sôi động, giữ cho khán thính giả không nhàm chán trong thời gian chờ đợi và càng không phải là một công việc thuần túy giới thiệu chương trình. Người dẫn chương trình không những quản lý giỏi giờ giấc của mình trên sân khấu, còn phải kiểm soát giờ giấc của ca sĩ hay diễn giả cho phù hợp với thời lượng của chương trình đã định sẵn. Một MC thành công là một MC biết sáng tạo, biết tạo hứng khởi cho người nghe, biết thể hiện, linh hoạt, thông minh, tự tin, mạnh mẽ mà còn phải nói với tất cả cảm hứng, đầy nhiệt huyết và say mê. Nghe mớ lý thuyệt này sao khó quá các bạn nhỉ, thực tế thì sao? Chắc chắn không phải là câu nói đùa "Nhỏ mà không học lớn làm MC"
|