Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả

Sinh nhật thứ 1000

Phanxipăng

Năm 2000, từ thủ đô, Phanxipăng viết 3 kỳ phóng sự Sinh nhật thứ 990 đăng tạp chí Tài Hoa Trẻ 129 - 131. 
Nay, cũng từ thủ đô, Phanxipăng tiếp tục phản ánh về đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội 
diễn tiến từ ngày 1 đến ngày 10-10-2010.
Ghé thăm "băm sáu phố phường" (1) vào cuối tháng 9-2010, tất cả những ai từng gắn bó ít nhiều với Hà Nội thảy đều nhận ngay ra rằng toàn thủ đô đồng loạt chuyển mình đổi khác. Cả thành phố hào hứng chuẩn bị đại lễ 1000 năm Thăng Long, tính từ lúc Lý Công Uẩn / Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô rồi chuyển kinh đô từ thành Hoa Lư về thành Đại La (2). Có thể xem đó chính là sinh nhật thứ 1000.

Trên mọi tuyến đường và trước cổng mọi cơ quan, bandrole cùng affiche mang nội dung Hân hoan chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được thể hiện bằng nhiều hình thức khá sinh động. Vỉa hè chợt thêm bao bồn hoa tươi hoặc hoa nhựa, hoa vải, hoa giấy. Chỗ nọ dựng sân khấu, chỗ kia trang trí phòng triển lãm. Và vô số doanh nghiệp, từ siêu thị tới quán nhậu, nhanh chóng tung lắm chiêu tiếp thị với sắc màu cùng giọng điệu nghìn năm một thuở. Quà lưu niệm dịp sinh nhật thứ 1000 của kinh kỳ bán cho mọi người quá đa dạng, từ chiếc băng thắt ngang trán và áo pull / phông in dòng chữ Tôi yêu Hà Nội hoặc Hà Nội trong tim tôi đến tranh, phù điêu, tượng tròn to nhỏ được chế tạo bằng rất nhiều chất liệu. Hàng loạt ấn phẩm tập trung thể hiện chủ đề hướng về Thăng Long tròn thiên niên kỷ đã chiếm số lượng khổng lồ. Dễ dàng xác nhận điều ấy khi ghé vào quày báo, nhà sách, hoặc ngắm nghía tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến trong Thư viện quốc gia. Nếu thống kê thư tịch, ắt đủ in cả cuốn sách dày.

Ban Thi đua khen thưởng TP. Hà Nội công bố danh sách 10 công dân thủ đô ưu tú: Vũ Khiêu, Phan Huy Lê, Hoàng Vĩnh Giang, Trần Mai Anh, Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Lê Anh Tuấn, Lê Văn Bằng, Vũ Ngọc Minh, Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Đắc Hải. Trường hợp ngoại lệ xảy ra khi GS. Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields và trở thành công dân thủ đô ưu tú thứ 11.

Đáng chú ý là hàng loạt công trình được cắt băng khánh thành với tấm biển "kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" như đại lộ Thăng Long, cầu Vĩnh Tuy, trạm bơm Yên Sở, trụ sở Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), khách sạn 5 sao Grand Plaza Hanoi, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Phát thanh quốc gia (Đài Tiếng nói Việt Nam), chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, rạp Công Nhân, rạp Đại Nam, làng văn hoá - du lịch các dân tộc Việt Nam, công viên Hoà Bình, khu du lịch sinh thái An Khánh, tượng đài Thánh Gióng, bảo tàng Hà Nội, thư viện Hà Nội, cung Trí thức, trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao, Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao, v.v.

Bộ tem bưu chính 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: xây dựng và phát triển do hoạ sĩ Tô Minh Trang thiết kế được trang trọng phát hành. Cuộc thi thơ viết về Hà Nội do báo Văn Nghệ cùng Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội tổ chức, giải nhất thuộc Nguyễn Phan Quế Mai (3) với chùm thơ Hà Nội, Những ngôi sao hình quang gánh, Ta phố. Bài thơ Hà Nội bắt đầu lẫn kết thúc bằng đôi dòng:

Tôi không được sinh ra và lớn lên trong Hà Nội
Hà Nội tự sinh và tự lớn trong tôi

HẠNH PHÚC & TỰ HÀO THẮP NẾN
Thứ sáu 1-10-2010 nhằm 24 tháng 8 Canh Dần. Sớm tinh mơ, một trận mưa phủ trùm Hà Nội khiến thiên hạ xôn xao:

- Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia với "dị nhân" Nguyễn Vũ Tuấn Anh, bên nào dự báo thời tiết đúng nhỉ?

May thay, đó là mưa rửa đền, chỉ chốc lát rồi tạnh. 6 giờ, đông đảo người dân thủ đô cùng khách khứa đến từ tất cả tỉnh thành trong cả nước và khách ngoại quốc tề tựu đông chật quanh hồ Hoàn Kiếm. Có một số người bị dị tật vì nhiễm chất độc màu da cam cũng được thân nhân đưa tới.

Tại vườn hoa Lý Thái Tổ, giữa tràng nhạc lễ bằng trống, cồng, chiêng, ông Nguyễn Phú Trọng - Chủ tịch Quốc hội - trân trọng châm ngọn lửa thiêng lên hoả đài lúc 8 giờ. Ngọn nến sinh nhật thứ 1000 toả sáng.

Kế tiếp, ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành uỷ Hà Nội - đọc diễn văn khai mạc:

- Cuộc dời đô lịch sử từ vùng đất Hoa Lư núi non trùng điệp về trung tâm châu thổ sông Hồng là bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc Việt Nam, khẳng định ý chí xây nền độc lập, thống nhất quốc gia, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của nước Đại Việt. Lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không ngừng được bồi đắp bằng những kỳ tích oai hùng. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm, nước Đại Việt không ngừng lớn mạnh. (...) Với tất cả lòng tự hào, niềm hạnh phúc và trách nhiệm lớn lao, tôi xin long trọng tuyên bố khai mạc 10 ngày đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội!

Bà Irina Georgieva Bokova - nữ chính trị gia Bungary, đương kim Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hiệp Quốc (UNESCO) - và bà Katherine Muller Marin - người Costa Rica, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam - trao tận tay ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) TP Hà Nội - tấm bằng chứng nhận trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hoá thế giới. Tươi tắn trong chiếc áo dài Việt Nam, bà Bokova phát biểu:

- Rất ít quốc gia trên thế giới có thể giữ gìn được ký ức sống động về việc lập đô từ 1000 năm trước mà không bị mai một qua thời gian. Tôi vô cùng ngưỡng mộ các bạn về điều này. Việc công nhận khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hoá thế giới vừa vinh dự, vừa mang đến những cam kết đầy trách nhiệm mới với tất cả các bạn. Kể từ hôm nay, các bạn phải có trách nhiệm với nhân loại trong việc quảng bá, bảo vệ, và truyền lại di sản này cho thế hệ tương lai.

Nghìn con chim bồ câu vụt bay vào trời xanh từ quả cầu hình trái đất, thể hiện ước vọng hoà bình của thành phố vì hoà bình. Lúc ấy là 9 giờ rưỡi, kết thúc phần nghi lễ.

Buổi sáng thắp nến sinh nhật thứ 1000 của thủ đô có gì đặc biệt? Có ít nhất đôi hiện tượng. Thứ nhất, trên không trung chợt xuất hiện đám mây với hình dáng hao hao rồng thời Lý vẫy vùng uốn lượn. Đã có người - chẳng hạn Nguyễn Song Trường - mau mắn quay phim, chụp ảnh đám mây nọ. Thứ nhì, rùa hồ Gươm nổi lên mặt nước và bơi một số vòng. Khá đông người trầm trồ:

- Cụ rùa nổi lên đúng ngày khai hội 1000 năm Thăng Long. Quá linh hiển!

CON ĐƯỜNG GỐM SỨ DÀI NHẤT THẾ GIỚI
Ngay dịp sinh nhật thứ 1000 của Hà Nội, một trong những công trình tạo tiếng vang mạnh và xa chính là con đường gốm sứ do 1 trong 11 công dân thủ đô ưu tú là nữ hoạ sĩ kiêm nhà báo Nguyễn Thị Thu Thuỷ (4) đề xuất ý tưởng và đảm trách chủ nhiệm dự án với quy cách huy động nguồn vốn xã hội hoá. Công trình này mang tên tiếng Anh là Hanoi Ceramic Mosaic Mural, tắt hoá thành Hanoi Mural.

Con đường gốm sứ ven sông Hồng, từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp, dài 3,85km với tổng diện tích bề mặt khoảng 7.000m2, bắt đầu được thực hiện từ năm 2007, dự kiến năm 2013 hoàn công. Với sự cộng tác của 35 nghệ sĩ Việt Nam, Pháp, Anh, Ý, Đan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha, Argentina, Hoa Kỳ, New Zealand, Australia, 50 sinh viên mỹ thuật, 100 nghệ nhân cùng thợ thủ công gốm, bức tranh được thiết kế và thi công gồm 21 trường đoạn thể hiện con người và phong cảnh 63 tỉnh thành trên toàn quốc, hoa văn của 54 dân tộc của cộng đồng Việt Nam, ngoài ra còn bộc lộ tình hữu nghị quốc tế khi thể hiện hoa văn cùng cảnh sắc đặc trưng của nhiều quốc gia, tái tạo tranh Vincent van Gogh (1853 - 1890), v.v.

GS sử học Lê Văn Lan nhận xét về con đường gốm sứ:

- Tôi cho đây là một ý tưởng hay, là một sáng kiến. Có thể nói cao hơn nữa rằng thậm chí đây là một phát kiến.

Gốm phủ men màu được nung từ 1.2000C trở lên, gắn chặt bằng keo Mora, dẫu gặp lắm sự cố đáng tiếc nẩy sinh như bị nứt vỡ, bong tróc, song Nguyễn Thị Thu Thuỷ cùng cộng sự tích cực tìm phương án sửa chữa, thay thế, duy tu, bảo dưỡng. Không chỉ chừng ấy, tác phẩm lớn này còn cần đảm bảo vệ sinh, phòng tránh những hành động nghịch phá, v.v.

Con đường gốm sứ đã hân hạnh nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội năm 2008.

Sáng thứ ba 5-10-2010, bên chân cầu Long Biên, lễ khánh thành con đường gốm sứ ven sông Hồng được tổ chức trọng thể. Bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - trân trọng gắn biển "kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" vào công trình đặc sắc này. Bà Beatriz Fernández, đại diện Tổ chức Kỷ lục Guinness / Guinness World Records trao tận tay Nguyễn Thị Thu Thuỷ bằng chứng nhận bức tranh ghép gốm sứ dài nhất thế giới.

Trong những món quà mừng sinh nhật thứ 1000 của Thăng Long - Hà Nội, ắt con đường gốm sứ là sản phẩm tài hoa nhất và vĩ đại nhất.

TRIỂN LÃM ĐA DẠNG
Chiều thứ hai 1-10-2010, Trung tâm Văn hoá nghệ thuật Việt Nam (2 Hoa Lư, Q. Hai Bà Trưng) mở triển lãm 10.000 tác phẩm văn học nghệ thuật qua các thời kỳ. Mỗi hội chuyên ngành - Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Nhạc sĩ, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Kiến trúc sư, v.v - đều có gian trưng bày riêng nhằm giới thiệu loạt thành quả mang những đặc trưng hấp dẫn mọi người.

Cũng chiều ấy, triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội - thành phố nghìn năm đồng khai mạc tại 2 địa điểm: vườn hoa Quốc Tử Giám thuộc quận Đống Đa, nhà số 45 phố Tràng Tiền thuộc quận Hoàn Kiếm. Cuộc trưng bày 1000 tác phẩm "khoảnh khắc ánh sáng" này do Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Lắm tác phẩm khiến người xem xao xuyến, như Xem Chiếu dời đô của Tiến Bách, Thu Hà Nội của Quang Tuấn, Đồng điệu của Kim Mạnh, Dáng xưa của Nguyễn Hữu Vinh, Hà Nội phố của Hà Thạch An, Mái phố của Trần Thị Nguyệt Ánh, v.v. 50 nhiếp ảnh gia tài hoa đã được trao giải thưởng đồng hạng, trong đó có Lê Vượng, Hữu Nền, Mai Nam, Đinh Quang Thành, Nguyễn Quang Phùng, v.v.

Cũng chiều ấy, Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (148 Giảng Võ, Q. Ba Đình) khai mạc triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội với tổng diện tích trưng bày 12.000m2. Cuộc triển lãm này do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức, giới thiệu bao thành tựu văn hoá, xã hội, kinh tế, y tế, giáo dục ở mọi tỉnh thành trên toàn quốc, tất nhiên thủ đô dịp này được ưu ái nhấn mạnh.

Sáng thứ ba 2-10-2010, tại trung tâm Hoàng thành Thăng Long (9 và 18 Hoàng Diệu, Q. Ba Đình), đợt trưng bày Hiện vật lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thu hút lượng khách trong lẫn ngoài nước đông đảo đến mức... quá tải. Nhiều người trước kia đã thăm Cửa Bắc / Chính Bắc Môn và Hậu Lâu / Tĩnh Bắc Lâu / Lầu Công Chúa, song đây là lần đầu dạo gót trên Đoan Môn / Ngũ Môn Lâu, sân Long Trì, nền điện Kính Thiên, nhà D67 (đại bản doanh của quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975), cùng khu vực mà các chuyên gia khảo cổ học khai quật. Thật xúc động khi tận mắt ngắm nghía loạt hiện vật xuất xứ từ những triều đại quân chủ xa xưa: Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Thêm chùm ảnh tư liệu Thành Hà Nội thế kỷ XIX do ông Oliver Tessier, nghiên cứu viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ, thu thập từ nhiều nguồn và triển lãm càng khiến lắm kẻ rưng rưng lúc ngắm nghía những cảnh quan của quá khứ đã bị xoá bỏ, những công trình của tiền nhân đã bị triệt tiêu. Một trong những điều mà người viết bài này cảm thấy thú vị: thoải mái vào 3 tầng Kỳ Đài (cột cờ Hà Nội được xây vào giai đoạn 1805 - 1812 thời vua Gia Long), leo 54 bậc thang xoắn trôn ốc lên đỉnh là lầu bát giác, cao 30,1m, chĩa ống kính máy ảnh khắp 8 phương.

Thư viện quốc gia (31 Tràng Thi, Q. Hoàn Kiếm) trưng bày 94 đầu sách thuộc các lĩnh vực địa lý, kinh tế, văn học nghệ thuật, lịch sử, văn hóa xã hội, tư liệu tổng hợp trong tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Tổng giám đốc NXB Hà Nội là ông Nguyễn Khắc Oánh cho biết:

- Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được triển khai dự án từ tháng 9-2006. NXB Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng và đề xuất triển khai giai đoạn 2 của dự án, chú trọng đến sự phát triển của Hà Nội với phạm vi không gian mở rộng.

Chiều thứ tư 4-10-2010, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (25 Tông Đản, Q. Hoàn Kiếm) mở triển lãm Anh hùng dân tộc và danh nhân văn hoá Việt Nam. Thực tế, đó là tên 1 trong 3 phần triển lãm. 2 phần kia là Việt Nam đất nước con ngườiThăng Long - Hà Nội. Còn Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (28 A Điện Biên Phủ, Q. Ba Đình) khai mạc triển lãm Các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam. Văn Miếu - Quốc Tử Giám rộn ràng triển lãm và liên hoan Thư pháp Thăng Long - Hà Nội. Sản phẩm độc đáo cần nêu: Thiên đô chiếu / Chiếu dời đô được thể hiện bằng đồng mạ vàng 9999, mỗi chữ Hán cao 10cm, được bắt boulon vào 12 tấm gỗ hương quý hiếm, riêng khung gỗ có kích thước 4,58 x 3,85m, tổng trọng lượng xấp xỉ 5 tấn. Công trình nọ do hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia Trần Tuy thiết kế mẫu, nhà thư pháp kiêm lương y Nguyễn Văn Bách viết chữ Hán, nghệ nhân Thế Long gò đồng. Một kỷ lục Việt Nam được xác lập.

Chiều thứ năm 5-10-2010, khai mạc triển lãm Nghề gốm Bát Tràng cổ truyền và hiện đại tại quận Gia Lâm. "Vua men gốm" Bát Tràng là nghệ nhân Trần Độ - thành viên trong ban tổ chức triển lãm - nói với tôi:

- Trên cơ sở nghề nghiệp được tiền nhân lưu truyền, các thế hệ hậu duệ càng cố gắng trau dồi thêm rất nhiều để có thể gốm hóa nhiều sản phẩm. Triển lãm này giới thiệu tượng đức vua Lý Thái Tổ, Thiên đô chiếu bằng chữ Hán, tranh vẽ một số phong cảnh và con người Hà Nội xưa lẫn nay. Tất cả đều bằng gốm. Ấy là chưa kể bát đĩa, ly cốc, bình lọ bằng gốm có nhiều hình ảnh Hà Nội. Cùng với các tác phẩm tham gia triển lãm này, Trần Độ còn trân trọng biếu linh vật thần kim quy, tức cụ rùa bằng gốm, cho TP. Hà Nội nữa đấy.

Sáng thứ sáu 6-10-2010, Cung Văn hóa lao động Hữu Nghị mở triển lãm Những tấm lòng với Thăng Long - Hà Nội nhằm giới thiệu loạt tặng vật đa dạng và tinh xảo do nhiều tổ chức, cá nhân trong lẫn ngoài nước dành cho Kẻ Chợ: đàn nón của nghệ nhân Phạm Chí Bích Từ, chiếc áo dài kết bằng tóc của nhà tạo mẫu Nguyễn Thị Kim Quý, giày cỡ 1000 với chiều cao gót là 71cm của Phạm Quốc Thắng, chuông đồng Thăng Long tứ trấn của Hiệp hội làng nghề Bắc Giang, phù điêu chạm khắc bạc Đoan Môn của nghệ nhân làng Đồng Xâm (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), tranh thêu Hồn thiêng Đại Việt dài 33,3m, rộng 3,3m, của Công ty Đông Thành (Ninh Bình), Quốc bình Thăng Long bằng gốm của Công ty Cường Phát (Bình Dương), v.v.

CA MÚA NHẠC & ĐIỆN ẢNH
Quanh hồ Gươm, 5 sân khấu được dựng lên để biểu diễn ca múa nhạc suốt dịp đại lễ. Sân khấu 1 tại vườn hoa Lý Thái Tổ, với chủ đề Thăng Long - Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống anh hùng. Sân khấu 2 tại đền Bà Kiệu, với chủ đề Thăng Long - Hà Nội, thủ đô văn hiến. Sân khấu 3 tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, với chủ đề Thăng Long - Hà Nội, thành phố vì hoà bình. Sân khấu 4 tại giao lộ Hàng Trống - Lê Thái Tổ, với chủ đề Hà Nội, thành phố hội nhập và phát triển. Sân khấu 5 tại giao lộ Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài, với chủ đề Hà Nội, trái tim của cả nước.

Chương trình nghệ thuật Đêm hồ Gươm lung linh và trình diễn áo dài truyền thống làm tắc nghẽn mọi nẻo đường dẫn đến hồ Hoàn Kiếm đêm thứ sáu 1-10-2010. Ánh sáng laser đa sắc, hình ảnh 3D được projector chiếu lên màn khói phun sương, pháo bông xoè nở lắm kiểu đã phối kết làm toàn khu vực trở nên huyền ảo. Khán thính giả cảm thấy mãn nhãn khi ngắm đội ngũ người mẫu, trong đó có những nàng hoa hậu, khoác cả nghìn mẫu áo dài thuộc 7 bộ sưu tập của các nhà thiết kế ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH, TT, DL) Hà Nội là ông Phạm Quang Long nêu rõ:

- Chất văn hiến, anh hùng của Thăng Long, khát vọng được sống trong hoà bình để dựng xây đất nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được khắc hoạ đậm nét trong chương trình nghệ thuật này.

Cùng thời gian với Đêm hồ Gươm lung linh và trình diễn áo dài truyền thống là chương trình hoà nhạc Hội nhập quốc tế - niềm tin hướng tới tương lai diễn ra tại Nhà hát lớn, do dàn giao hưởng - hợp xướng Học viện Âm nhạc quốc gia trình bày với sự tham gia của NSND Đặng Thái Sơn. Concerto số 2 của Sergei Rachmanivoff (1873 - 1943, Nga) và chương IV giao hưởng số 9 của Ludwig van Beethoven (1770 - 1827, Đức) đã ngân nga đầy xao động dưới bàn tay chỉ huy của nhạc trưởng Carlos Cuesta đến từ Tây Ban Nha. Có người băn khoăn:

- Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long mà chơi nhạc Tây, rằng hay thì thật là hay, nhưng sái chăng?

Sái chăng? Câu hỏi nọ cũng bật ra khi Tuần lễ phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội chỉ trơ trọi 2 tác phẩm điện ảnh mới được công chiếu rộng rãi: phim tài liệu Văn Miếu - Quốc Tử Giám do Lại Văn Sinh viết kịch bản và Nguyễn Văn Hướng đạo diễn, cùng phim truyện Long thành cầm giả ca do Văn Lê viết kịch bản và Đào Bá Sơn đạo diễn. Phim truyện Khát vọng Thăng Long do Charlie Nguyễn viết kịch bản (tuy nhiên có sự tranh cãi gay gắt về tác giả kịch bản bởi nhà văn kiêm nhà báo Phạm Tường Vân), do Lưu Trọng Ninh đạo diễn, chỉ chiếu 1 suất duy nhất cho khách mời. Các phim về vua Lý Thái Tổ từng được thông tin, quảng bá ì xèo thì sao? Phim truyện 19 tập Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long do Trịnh Văn Sơn và Kha Chung Hòa biên kịch, Cận Đức Mậu và Tô Huy Cường đạo diễn, chưa thể chiếu. Phim truyền hình 40 tập Trần Thủ Độ, mà kịch bản gốc là Trần Thủ Độ và người tình của Nguyễn Mạnh Tuấn, do Đào Duy Phúc tổng đạo diễn, đã gây lắm scandal - trong đó có vụ bị công luận phản đối bởi sử dụng lăng vua Minh Mạng ở Huế làm trường quay - chưa thể phát sóng. Phim truyền hình 70 tập Huyền sử thiên đô do Nguyễn Mạnh Tuấn biên kịch, Phạm Thanh Phong và Đặng Tất Bình đạo diễn, cũng chưa thể phát sóng. Vậy đành lôi phim cũ ra mà xoà lên màn bạc: Hà Nội mùa đông năm 46, Hà Nội mùa chim làm tổ, Hà Nội 12 ngày đêm, Em bé Hà Nội, Hà Nội Hà Nội, v.v.

PGS.TS. Lã Thị Bắc Lý - Giám đốc Trung tâm Văn học trẻ em thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội - cười:

- Trong các dự án phim về 1000 năm Thăng Long, phim hoạt hình Đứa con của rồng đã hoàn thành sớm nhất: khởi chiếu ngày 17-9-2010 tại rạp Kim Đồng, Hà Nội. Tối 10-10-2010, lúc 20 giờ, kênh truyền hình VTV3 phát Đứa con của rồng làm đông đảo trẻ em lẫn người lớn chú mục.

Đứa con của rồng là phim hoạt hình dài 90 phút, lần đầu tiên được Việt Nam thực hiện bằng công nghệ 3D với chi phí 6,8 tỉ đồng. Bộ phim khắc họa tuổi thơ của Lý Công Uẩn / Lý Thái Tổ dựa theo dã sử, huyền tích, truyền thuyết dân gian, với kịch bản văn học của Đoàn Triệu Long, kịch bản điện ảnh của Nguyễn Thị Hồng Ngát, do Phạm Minh Trí đạo diễn.

Tối thứ bảy 2-10-2010, Nhà hát lớn trở thành nơi biểu diễn loạt ca khúc chọn lọc từ loạt sáng tác mới chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, còn quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình là điểm diễn Lễ hội rồng do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Đại sứ quán Tây Ban Nha phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức. Bà Rita Kuan - nhà sản xuất chương trình Lễ hội rồng - bộc bạch:

- Chúng tôi muốn trình diễn cái nhìn của chúng tôi về biểu tượng thiêng liêng của đất nước các bạn.

Tối thứ hai 4-10-2010, mưa nặng hạt, nhiều sân khấu lộ thiên tạm ngưng hoạt động. Nhưng tại vườn hoa Lý Thái Tổ, khán thính giả vẫn chịu ướt để xem chương trình Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa. Lực lượng diễn viên cũng chấp nhận ướt, ra sân khấu biểu diễn 9 điệu múa cổ đặc trưng Hà Nội: múa Trống Hội, Trống Bồng, Giảo Long, Phù Đổng, Bài Bông, Lục Cúng, Giải Oan Thích Kết, Lễ Chữ, Chạy Cờ.

Cũng tại địa điểm đó, tối hôm sau, thứ ba 5-10-2010, chương trình văn nghệ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long với thời lượng 150 phút được dàn dựng công phu, hòa âm phối khí hiện đại, do các nghệ sĩ diễn viên Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen (TP.HCM) thực hiện, cùng sự tham gia của nhiều ca sĩ miền Nam được khán giả mến mộ như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Quang Linh, Quang Dũng, v.v., và nhóm múa Những Ngôi Sao Nhỏ. Ngoài ra, hoa hậu Mai Phương Thuý xuất hiện với chiếc áo dài 100m do Võ Việt Chung thiết kế gồm 9 tà tượng trưng dòng sông Cửu Long.

Cũng vườn hoa Lý Thái Tổ, tối thứ tư 6-10-2010, chương trình Hùng khí Thăng Long - bài ca đất nước do các giọng Quang Thọ, Thanh Hoa, Mai Hoa, Thanh Lam, Mỹ Tâm, Trọng Tấn giới thiệu những bài hát về Hà Nội như Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Tiến về Hà Nội của Văn Cao, Hà Nội niềm tin và hy vọng của Phan Nhân, Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn, Nồng nàn Hà Nội của Nguyễn Đức Cường, Khúc hát người Hà Nội của Trần Hoàn, Bài ca ngàn năm Thăng Long của Song Nguyễn, v.v.

Tối thứ năm 7-10-2010 , tại Nhà hát lớn,với chương trình 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Dàn nhạc dân tộc Việt Nam thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam biểu diễn chương trình hòa nhạc dân tộc. Hoà tấu đại nhạc cung đình Huế Đăng đàn cung, Mã vũ, Trống chiến. Hoà tấu nhã nhạc cung đình Huế Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng. Đàn tr'ưng cùng dàn nhạc hoà tấu Vũ khúc Tây Nguyên. Chầu văn Sáng mãi ngản năm. Có 2 tác phẩm mới được Dàn nhạc dân tộc Việt Nam trình tấu rất quyến rũ: Tây Hồ thoáng tiếng ca trù ngày xuân của Phúc Linh và Rồng bay khai nhạc của Nguyễn Thiên Đạo.

THỂ THAO, VÕ THUẬT & ẨM THỰC

Sáng chủ nhật 7-10-2010, hồ Hoàn Kiếm sôi động theo bước chân của 2.000 vận động viên tham dự giải chạy Vì hoà bình do báo Hà Nội Mới tổ chức. Kết quả sau gần 4 tiếng đồng hồ tranh tài: giải nhất thuộc Nguyễn Thị Phương (Thanh Hoá) với cự ly 5.250m nữ và Nguyễn Đặng Đức Bảo (Khánh Hoà) với cự ly 8.750m nam.

15 giờ chiều thứ năm 5-10-2010, tại Cung Thể thao Quần Ngựa, chương trình Hào khí Thăng Long do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp cùng Hội Võ thuật Hà Nội tổ chức biểu diễn võ thuật cổ truyền. Mở màn, 1000 võ sinh nhiều môn phái đồng diễn Trường côn Thăng Long. Sau đó, cùng với nhiều đòn thế hùng tráng, chương trình còn tung một số tiết mục đặc sắc như võ sư Nguyễn Ngọc Hải biểu diễn nhãn bì lôi công, võ sư Lê Đinh Đức dùng mi mắt kéo xe xích lô có người ngồi, rồi nằm trên đinh cho ôtô cán qua người, võ sư Nguyễn Khắc Chương chống giáo thép nhọn vào cổ đẩy ôtô.

20 giờ tối thứ sáu 6-10-2010, tại Công viên nước Hồ Tậy, Liên hoan ẩm thực Hà thành khai mạc. Hoạt động này thu hút 110 đơn vị trong lẫn ngoài nước tham gia. Bởi thế, tuy gọi Hà thành nhưng lắm món ăn thức uống có gốc gác từ tỉnh thành khác, chẳng hạn Huế, Quảng Nam, Sài Gòn, thêm cả một số nước ngoài. Khách thập phương mặc sức chén nhiều miếng ngon miếng lạ: đùi ếch chiên giòn, heo xiên nướng, bò tái, chả cá, nem cua bể, nem chua rán, xôi vừng dừa, bánh đúc nóng, bánh dầy, bánh cuốn, bánh phu thê, chè thưng, chè sương sa hạt lựu, chè thập cẩm, v.v. Những thực khách cần món chay thì có các gian hàng chuyên doanh thực phẩm không mang nguồn gốc động vật.

Giải đua xe đạp quốc tế xuyên Việt chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào chặng cuối là 18 vòng quanh hồ Gươm với tổng cự ly 30,6km vào sáng thứ bảy 9-10-2010. Khởi tranh từ ngày 23-9-2010 tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM), 104 coureurs thuộc 13 đội Việt Nam, Lào, Mông Cổ đã vượt 15 chặng đua với tổng lộ trình hơn 1.800km qua 19 tỉnh thành. Kết quả chung cuộc: chiếc áo vàng - phần thưởng lớn nhất - thuộc tay đua Mai Nguyễn Hưng (Bảo vệ thực vật Sài Gòn 1), áo xanh thuộc Bùi Minh Thuy (ADC Truyền hình Vĩnh Long), áo đỏ thuộc vua leo đèo Lê Văn Duần (Bảo vệ thực vật Sài Gòn 1), áo trắng dành cho coureur trẻ xuất sắc nhất mới 18 tuổi là Nguyễn Tấn Hoài (Domesco Đồng Tháp).

TRÒN THIÊN NIÊN KỶ

Chủ nhật 10-10-2010, nhằm mùng 3 tháng 9 Canh Dần, ngày cuối cùng và cũng là cao trào của đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với 2 hoạt động quá quy mô: buổi sáng, mít tinh, diễu binh, diễu hành từ quảng trường Ba Đình toả ra một số đường phố; buổi tối, tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, đêm hội văn hóa nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội: thành phố Rồng bay do nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết kịch bản, nhạc sĩ Trọng Đài tổng đạo diễn, với sự thể hiện của 7.000 diễn viên và vận động viên, kết thúc bằng 20 phút pháo hoa rực sáng. Cả 2 hoạt động kia đã được truyền hình trực tiếp nên bài này không tường thuật.

Đáng lưu ý là trong diễn văn khá dài của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc sáng 10-10-2010, mặc dù có đoạn "ngay trong thời khắc lịch sử này, khi đang hân hoan mừng ngày đại lễ, chúng ta vẫn nhận thức sâu sắc rằng cả nước và thủ đô còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước", song rất tiếc chẳng thêm dòng nào biểu tỏ mối quan tâm tới đồng bào miền Trung vừa bị tổn thất nặng nề bởi thiên tai. Theo thống kê từ ngày 1 đến ngày 8-10-2010, lũ lụt từ Quảng Ngãi đến Nghệ An đã khiến 52 người chết, 24 người mất tích, 54 người bị thương, thì cả nước không chỉ lo cứu nạn và viện trợ, mà rất nên dành một phút ngắn ngủi mặc niệm đầy nhân văn trong buổi mít tinh trọng thể nghìn năm một thuở.

Theo kế hoạch, đêm 10-10-2010 sẽ bắn pháo hoa tầm cao tại 4 điểm và pháo hoa tầm thấp tại 25 địa điểm trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, ngày 8-10-2010, Thường trực Thành ủy Hà Nội ra thông báo: đêm 10-10-2010 chỉ bắn pháo hoa tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, còn 28 điểm kia không bắn pháo hoa mà dành toàn bộ kinh phí ấy gửi giúp miền Trung khắc phục hậu quả của thiên tai.

Dư luận cũng còn nêu vô số chuyện diễn ra trong đại lễ, gây bức xúc lòng người. Chẳng hạn khách tham quan bẻ hoa, xả rác cực kỳ bừa bãi. Hoặc giá cả bị tư thương tăng đột biến đến chóng mặt, như bình thường giữ xe máy chỉ thu mỗi chiếc 2.000 đồng, đại lễ bèn lạm thu mỗi chiếc những 50.000 ~ 100.000 đồng. Hoặc hàng chục nghìn người dồn về Mỹ Đình tối 10-10-2010 nhưng không vào sân vận động được, khiến đường sá bị tắc nghẽn nghiêm trọng, một số kẻ đã bị ngất. Hoặc tin đồn thất thiệt rằng sập cầu Long Biên, gãy cầu Thăng Long khiến dư luận hoang mang suốt thời gian đại lễ.

Tổng biên tập báo Tiền Phong là nhà báo Đoàn Công Huynh trầm ngâm:

- Ngày bắt đầu đại lễ, 1-10-2010, và ngày kết thúc đại lễ, 10-10-2010, rùa hồ Gươm nổi lên. Lạ chăng, hỡi anh Phanxipăng?

Quả thật, từ "đại lễ" thiếu chỉnh chu, bởi chính xác phải "đại lễ hội". Phó Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội là nữ tiến sĩ Trần Hạnh Mai lắc đầu cười buồn:

- Đại lễ hội. Dùng từ thế mới chuẩn. Sao Ban tổ chức chẳng tham khảo ý kiến các nhà ngôn ngữ học nhỉ?

Sáng thứ hai 11-10-2010, tôi điểm tâm bằng bát phở rồi nhâm nhi tách trà bên hồ Gươm, đoạn dạo quanh một số phố phường. Sau đại yến sinh nhật thứ 1000, Hà Nội chưa thể trở lại bình thường ngay được. Hy vọng rằng bằng nỗ lực phát huy điểm mạnh và điểm đẹp, kiên quyết khắc phục mặt yếu và mặt xấu, Hà Nội sẽ tiếp tục thăng hoa với sinh lực mới dồi dào.

Mùa thu đang bồng bềnh. Hương hoa sữa nồng nàn đan xen hương cốm Vòng thoang thoảng. Khí tiết vô vàn dễ thương, Hà Nội ngàn năm (5) ạ.

____________

(1) - Ca dao xưa có câu: Hà Nội băm sáu phố phường. Nhiều tác phẩm văn nghệ lâu nay cũng ghi nhận không khác. Tập bút ký nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam được in lần đầu năm 1943 dùng nguyên dòng ca dao nọ làm nhan đề. Thế nhưng, nhà Hà Nội học là Nguyễn Vinh Phúc - 1 trong 11 công dân thủ đô ưu tú - viết: "Thực ra, phố và phường là 2 phạm trù khác nhau. (...) Không làm gì có cái gọi là Hà Nội 36 phố phường. Chỉ có Thăng Long thời Lê có 36 phường hoặc là Hà Nội thời Minh Mạng có 239 phường, thôn, trại và Hà Nội thời Tự Đức với 153 phường, thôn, trại. (...) 36 phường thời Lê không thể là 36 phố + phường được".

(2) - Kỳ thực, Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận: "Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010), vua (Lý Thái Tổ) dời đô từ thành Hoa Lư sang thành Đại La, thuyền tạm đỗ dưới thành, có rồng vàng hiện ra trên thuyền ngự, do đó đổi gọi là thành Thăng Long". Mà tháng 7 âm lịch thường nhằm tháng 8 và 9 dương lịch, cớ sao đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội lại diễn tiến vào thàng 8 và 9 âm lịch nhằm tháng 10 dương lịch nhỉ?

(3) - Nữ thi sĩ Nguyễn Phan Quế Mai chào đời năm Ất Sửu 1973 ở Ninh Bình, lớn lên ở Bạc Liêu, đã in các tập thơ Trái cấm (NXB Văn Nghệ, TP.HCM, 2008), Cởi gió (NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2010).

(4) - Nguyễn Thị Thu Thuỷ sinh năm Tân Hợi 1971 tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa Tiếng Nga trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội năm 1992, từng công tác tại tạp chí Mỹ Thuật, hiện là phóng viên báo Hà Nội Mới.

(5) - Ngàn / nghìn năm là số liệu mang đậm tính biểu trưng. Bởi địa bàn Hà Nội ngày nay từng mấy phen trở thành kinh đô của Tổ quốc trước năm Canh Tuất 1010. Chẳng hạn năm 544, Lý Bí / Lý Bôn lên ngôi, tự xưng Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng). Trước đó, năm 939, Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa (nay là xã cùng tên, huyện Đông Anh). Trước nữa, vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, Cổ Loa là kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương.
 

Đã đăng Tài Hoa Trẻ 659 (13-10-2010) & 660 (20-10-2010)

 

Tượng đài vua Lý Thái Tổ của nhà điêu khắc Vi Thị Hoa dịp đại lễ. 
Ảnh: Phanxipăng
***

Đêm hồ Gươm lung linh. 
Ảnh: Phanxipăng
***

Hà Nội tháng 10-2010 tràn ngập Chiếu dời đô được thể hiện bằng nhiều cách. 
Ảnh: Phanxipăng
***

Một mẩu đường gốm sứ ven sông Hồng. 
Ảnh: Phanxipăng
***

Bà Beatriz Fernández trao bằng Guinness chứng nhận Bức tranh ghép gốm sứ dài nhất thế giới
cho nhà báo kiêm hoạ sĩ Nguyễn Thị Thu Thuỷ. 
Ảnh: Lại Viễn Đàm
***

Một góc Hà Nội nhìn từ đỉnh Kỳ Đài. 
Ảnh: Phanxipăng
***

Văn Miếu - Quốc Tử Giám kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. 
Ảnh: Phanxipăng
***

Du khách thăm di tích Hoàng thành Thăng Long. 
Ảnh: Phanxipăng
***

Ca hát khai mạc triển lãm Các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam
Ảnh: Phanxipăng
***

Triển lãm Bát Tràng nghề gốm cổ truyền và hiện đại
Ảnh: Phanxipăng
***

Đền Bạch Mã mùa đại lễ hội. 
Ảnh: Phanxipăng
***

Nhiều cặp tình nhân cố ý kết hôn dịp sinh nhật thứ 1000 của Thăng Long. 
Ảnh: Phanxipăng